Saturday, January 21, 2017

THÁNG GIÊNG VỀ PHAN THIẾT XEM HÒ BẢ TRAO VÀ ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG CÀ TY

Cá Ông lụy vào bờ ở Tuy Phong Bình Thuận
 
         Tháng giêng tháng hai ở Bình Thuận trời hay hờn dỗi, nên thường bất chợt có những cơn dông biển hải hùng. Kinh nghiệm trên đã được người bản địa thu vén làm thành bài ca dao truyền khẩu từ lâu đời:
                    
tháng giêng động dài,
tháng hai động tố,
tháng ba nồm rộ,
tháng tư nam nôm,
tháng năm có gió hợp Hòn,
thổi lòn nam Cú..

          Thời gian này tuy còn trong mùa tết nhưng cũng là giao điểm của những cơn gió bấc se lạnh và ngọn gió nồm bắt đầu phây phẩy. Ðây cũng là lúc mà những đàn cá mòi, cá nục, di chuyển trên mặt nước tìm nắng ấm và đàn sếu biển trốn đông, đã trở về nơi cư ngụ trên hòn Nhỏ nằm sát bờ biển Phan Thiết, cất lên những tiếng hát vang trời.
          Bình Thuận lại sửa soạn vào mùa cá theo truyền thống của ông bà đã có từ khi theo chân các Chúa Nguyễn vào lập nghiệp tại miền đất hoang dã nổi tiếng ‘cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận’. Sinh và lớn lên trên một vùng đất được mệnh danh là rừng tiền biển bạc, rồi nhìn lại những biến chuyển lịch sử qua dòng thời gian, ta mới thấy nặng nợ ân tình với tiền nhân buổi trước, suốt một thời gian dài đã phải gánh chịu tai ương của biển khơi, rừng núi, ác thú và sự thù hận chủng tộc trùng trùng mà tới nay hầu như vẫn không có gì thay đổi.
          Chết chóc triền miên khi hành nghề hạ bạc trên sóng nước, chung đụng thường xuyên với hoàn cảnh khắc nghiệt hiểm ác, khiến cho người dân ở đây lúc nào cũng cảm thấy bơ vơ sợ hãi. Ấn tượng trên đã nãy sinh niềm tin tuyệt đối vào các vị thần linh vô hình nhưng lại luôn luôn phù trợ họ. Ðây cũng là lý do, khiến cho ngư dân Trung phần, sống dọc theo miền duyên hải từ phía nam đèo Ngang vào tới tận Hà Tiên, thờ cúng ông Nam Hải và bao đời đã trở thành nếp sống cũng là tín ngưỡng huyền thoại của người Bình Thuận.
          Là một tỉnh ven biển có chiều dài hơn 192 km, với nhiều làng mạc, thị trấn, ngư cảng hành nghề đánh cá, nên các nơi này đâu đâu cũng có miếu, chùa, dinh, lăng, vạn.. thờ cúng ông Nam Hải nhưng qui mô hơn hết vẫn là bốn vạn chài Thủy Tú (Ðức Thắng), Nam Nghĩa (Ðức Nghĩa), Hiệp Hưng (Bình Hưng) và Hưng Long tại Phan Thiết. Các vạn chài trên đã được thành lập từ lâu đời. Vạn Thủy Tú xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, đã có nhiều bằng sắc phong tặng của triều Nguyễn. Ngoài ra vạn còn lưu giữ hơn 100 bộ ngọc cốt của ông Nam Hải suốt bao năm qua, kề từ ngày thành lập. Riêng nghi lễ cúng kiến Ông tại các vạn chài trong tỉnh ở Phước Thể, Long Hương, Phú Quý, Phan Rí Cửa, Phú Hài, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi.. không thống nhất ngày cúng, cho nên nhiều nơi vẫn noi theo qui luật cổ truyền ‘nhất niên tứ lệ‘.
           Nói chung các vạn chài đều tổ chức cúng Ông vào ngày đầu năm và mãn mùa cá. Nghi thức hành lễ rất trang trọng như rước linh, xô giàn, hát bội, hò bá trạo và đua thuyền trên sông Cà Ty, Phan Thiết. Tất cả hoà điệu vào nhau, làm thành một tín ngưỡng riêng của người Bình Thuận

1 - CÁ ÔNG: NAM HẢI CỰ TỘC, NGỌC LÂN THƯỢNG ÐẲNG THẦN
           Theo học giả người Pháp là Gamichon có bài viết trên tạp chí Indochine, thì sự phù trợ của Cá Ông đối với con người, nhất là giới ngư phủ và những ghe thuyền bị nạn trên biển Ðông là chuyện có thật. Sự kiện cá Ông cứu người, không riêng gì ở VN mà ngay tại phương tây cũng đã xãy ra.
           Chính sử gia Herodote của cổ Hy Lạp đã bị quân cướp vứt xuống biển nhưng được cá ông cứu sống đem vào bờ. Nhiều huyền thoại về Ông đã lưu truyền trong dân gian Bình Thuận, vì vậy ngư dân mỗi lần đi biển đều cầu nguyện cũng như khi Ông bị chết trôi giạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức tang lễ rất trọng thể. Ðặc biệt một thành viên trong tổ chức VASC đã ghi lại một bài ký sự về việc Ông cứu một ngư dân tại làng Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận vào ngày 12-9-1993 khi cơn bão số 9, làm chìm chiếc thuyền đánh cá của người này trong lúc đang hành nghề ngoài khơi
          Trên thực tế, trãi qua hàng ngàn năm, không có một động vật nào kể cả khủng long, đã đem lại sự tưởng tượng phong phú cho bằng cá voi. Với danh hiệu vua của đại dương, cá Ông đã tạo nên nhiều thành tích kỳ bí, hiện tuợng huyển hoặc được người đời sùng kính và thờ cúng như một vị thượng đẳng thần. Với kích thước khổng lồ, sức mạnh vô địch, cá ông khi vô cớ bị tấn công, chỉ cần một cái vẫy đuôi, cũng làm tan gan vỡ mật bon săn cá đang hiện diện chung quanh.
            Ðến nay, xuất xứ của loài này đối với các nhà khoa học vẫn còn mù mờ. Theo các nhà nghiên cứu thí cá voi thuộc loại lưỡng thể, mà tổ tiên có thể xuất xứ từ loài thú Mesonya, có móng vuốt ở chân như chó sói. Loài thú này cách đây hơn 50 triệu năm, sống trong những đầm lầy trên các bờ biển Á Phi. Thế rồi theo đà biển xâm thực đất liền, loài thú trên đã thay đổi tập quán để thích nghi cuộc sống, nên rời đất liền xuống biển sinh sống. Do trên cơ thể cũng phải biến dạng theo môi trường mới, thân hình dài hơn, trong lúc tứ chi thì teo lại biến thành vi, còn da thêm lớp mở dầy bao bọc, bảo vệ thân thể. Mắt mũi cũng thay đổi cho đời sống của thủy tộc, ngâm mình dưới nước. Sự tiến hóa trên đã kéo dài hằng triệu năm mới hoàn thành như ngày nay. Vì là loài lưỡng thể, cá voi có thể rời biển lên cạn để giao phối và sinh con.
          Bộ cá voi hiện nay có 38 chi với 7 họ, 83 loài nhưng vẫn nằm trong hai nhóm chính: cá voi có răng và cá voi sừng hàm. Cá voi có răng mà đại diện là cá voi xanh, có chiều dài gần 30m, nặng trung bình trên 150 tấn, hiện là loài động vật lớn nhất địa cầu. Răng cá voi có kích thước đồng nhất, dùng để săn mồi. Cá voi sừng hàm không có răng nhưng lại được thay thế bằng các tầng sừng dính vào hàm trên, có tác dụng lọc lấy thức ăn trong nước. Nhờ vậy khi cá voi hớp một lượng nước biển vào miệng, sừng hàm sẽ giữ lại ruốc, cá mực, còn nước biển được tống ra ngoài.
           Vì thân thể to lớn, nên cá voi bơi lội rất chậm, lặn sâu chừng 100m và trong nửa giờ lại phải ngoi lên lên mặt nước để thở hít chừng 4-5 phút. Ðây là một khuyết điểm và là sự bất hạnh thê thảm nhất của cá voi, vì càng có mặt trên sóng nước, càng dễ lộ mục tiêu cho bọn săn cá đến sát hại. Ðể cứu nguy cho loài cá biển hiền lành và linh thiêng này, tổ chức săn cá voi quốc tế IWC (Internatonal Whaling Commission), đã quyết định đưa cá voi vào danh sách động vật ưu tiên, cần được bảo vệ . Tuy nhiên dù đạo luật đã được biểu quyết thi hành vào năm 1976 nhưng các nước Tích Lan, Na Uy và cả Nhật Bổn là một quốc gia theo Phật giáo 90%, vẫn lén lút ngoan cố, tiếp tục săn cá voi. Chuyên vô nhân đạo trên khiến cho cả nước Nhật, phản đối dữ dội bọn săn cá voi bất hợp pháp.
           Nhưng dù có sưc mạnh kinh thiên bạt ngàn xẽ núi, kích thước khổng lồ nhưng tâm tư lại Bồ Tát, bản tính hiền lành nên cá voi đã được các hảng du lịch quốc tế, nhất là tại Hoa Kỳ (Hawaii) chọn làm đối tượng để giới thiệu với các du khách. Cá voi khi bơi, tạo được một lực đẩy chừng 50 mã lực và nhờ bộ vẫy đuôi dựng đứng như đuôi tôm, có diện tích chừng 10 m2, mà cá voi có thể thay đổi tư thế bơi lội cũng như chuyển hướng và vượt qua sóng dữ một cách dễ dàng.
            Ðặc biệt có loài cá voi Mũi Khoắm, hiện đang giữ chức vô địch thế giới về tài lặn sâu trên 200m. Cá voi có một lỗ đạo nằm trên đường xương sọ, cũng là vòi để phun nước. Lỗ đạo ăn thông với xương mũi và được đậy lại khi cá lặn. Luồng nước mà cá voi phun ra là một hỗn hợp gồm có nước, khí, chất nhầy từ phổi và chất dầu trong hốc mũi. Chính sụ phun nước làm cá voi có khứu giác thấp kém nhưng ngược lại thính giác cá voi rất bén nhạy, có thể phóng ra những sóng âm thanh, để định hướng, rà đường. Nhờ vậy cá voi có thể quen thuộc đường đi lối về, trên những lộ trình có thể xa hơn mấy ngàn cây số, một cách rất dễ dàng.
           Ngoài các đặc điểm trên, loài cá voi xanh với tiếng kêu khi ở tần số thấp, chừng 188 dicibel (đơn vị đo độ ồn), kéo dài chừng nửa phút nhưng tương đương với giọng opéra mạnh nhất của con người. Lại có loài cá voi lưng gù với giọng kêu the thé, kéo dài chừng 10 phút, khi muốn tỏ tình với bạn gái trong mùa giao phối. Những âm thanh trên đối với người đi biển, vẫn là những tiếng hát tuyệt vời trên đại dương.
           Với người Việt Nam, có sự phân biệt rõ ràng giữa cá voi hay cá ông, cũng như quan niệm ‘tại bắc vi ngư, tại nam vi thần’. Theo kinh nghiệm của các bậc lão thành vùng duyên hải, thì đuôi của cá voi chỉ có hai chia, còn cá ông tức Nam Hải đại tướng quân, thì đuôi có ba chia, da láng bóng như lãnh, khi chết không có mùi dù để lâu ngày, ruồi, muỗi, kiến và các loài sâu bọ vẫn không dám bén mảng tới. Cá ông đã đi vào huyền sử tín ngưỡng lâu đời của người VN như một ân nhân độ mạng. Ðể tỏ lòng thành kính, mọi người không dám gọi cá voi là cá, mà trang trọng gọi là ông Khơi, ông Lộng, ông Kim, ông Thông, ông Mán, ông Bền.
           Tôn kính cá ông khi sống và lúc bị lụy (chết). Do trên ngư phủ nào gặp ông đầu tiên, phải thọ tang ba năm và được vạn chài địa phương hay vạn Thủy Tú tại Phan Thiết, lo lắng việc chôn cất. Mộ phần của ông cũng tuỳ theo hình dạng to nhỏ, để có thể tống táng trong khuông viên của các Dinh ông, vạn chài hoặc neo xác ông trong vùng đăng cạnh bờ như tại Khánh Hòa. Sau ba năm mãn tang, các vạn chài đưa ngọc cốt vào phụng thờ trong dinh, vạn.
           Theo Việt sử, vào tháng 2 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Vương trong khi đang vây hãm thành Bình Thuận, thì bị thủy quân Tây Sơn từ Bình Ðịnh vào đánh đuổi. Nguyễn Vương thua trận và bị Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Xoài Rạp, là một khúc sông Ðồng Nai giữa Gia Ðịnh và Gò Công, thì đột nhiên bảo tố nổi lên dữ dội, khiến cho tàu thuyền của hai phía bị đắm chìm rất nhiều. Ngay lúc thuyền chở Nguyễn Ánh lâm nguy, thì bỗng có một cặp cá ông nổi lên đỡ và dìu thuyền vào bờ làng Vàm Láng, tổng Kiến Phước, tỉnh Gò Công.
           Sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhớ ơn xưa đã truy phong cho cá voi, tước Nam Hải đại tướng quân, Cự Lộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần, đồng thời hạ chiếu phong tặng, cho các làng xã lân cận nơi bị đắm thuyền năm xưa, trong đó có Cần Giờ (Gia Ðịnh), Kiến Phước (Gò Công), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và ra lệnh cất đền thờ Cá Ông. Kể từ đó, vùng phía nam Ðèo Ngang trở vô đều thờ Ông Nam Hải. Ở miền bắc VN, do ảnh hưởng của phong tục và tập quán Tàu, nên không tin Cá Ông nhưng ngư dân tại Ðồ Sơn (Kiến An), vẫn chôn cất Cá Ông rất trọng thể khi Ngài bị lụy, dù không lập miếu thờ như tại miền Nam.
          Với Phật giáo, Ông là hiện thân của Phật Bà Quan Âm, vị Phật hiền từ, nhân ái, chuyên cứu khổ, cứu nạn mọi người. Ðức Phật Quan Âm một lần tuần du trên biển Nam Hải, cảm động trước sự chết chóc của nhân loại, vì thiên tai, bảo tố nên Phật Bà đã xé mãnh cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển hóa thành đàn Cá Voi, lại ban cho thân thể to lớn và phép thần thông, để Ông có sức khỏe vạn năng và bơi lội nhanh lẹ, hầu kịp thời hộ trì cứu giúp những người bị tai nạn trên biển.
           Cá Ông thích ăn cá mòi, mực và ruốc. Vùng biển Bình Thuận tại Phước Thể, Phan Rí, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi có rất nhiều ruốc, mực và cá mòi, nên cũng có nhiều Cá Ông. Bình Thuận có bốn vạn lớn : Thủy Tú, Nam Nghĩa, Hưng Long và Hiệp Hưng. Các nơi khác trong tỉnh cũng đều có Dinh Vạn Ðình Miếu thờ cúng cá Ông.
           Song song với niềm tin Ông Nam Hải, ngư dân còn thờ hoặc kính nể một vài thủy tộc khác, có liên hệ đến đời sống hằng ngày của họ, khi hành nghề trên mặt biển như:
- CÁ ÐAO Hay TẢ HỮU TUỚNG QUÂN: Là loại cá lớn, xương cứng, mõ dài gần 2m, răng bén nhọn ló ra ngoài, thường thấy kế cận hai bên Cá Ông.
- Cá Ông Sứa: Cũng to lớn như cá Ông, đuôi dựng đứng như tôm nhưng không có lỗ đạo trên đầu, nên miệng luôn hả ra để thở, mình có bông. Cá Ông Sứa hiền lành, không hại ai lại hiểu tiếng người và cũng thường cứu người khi tàu thuyền bị đắm.
- Bà Tím Hay Ðệ Bát Thánh Phi Nương Nương hay Công Chúa Thủy Tề, là một loài ruà biển to lớn, có hình dạng và màu sắc ghê rợn. Bà Tím thuộc loại linh qui, có 15 vảy trên mu, bốn chân hình rẽ quạt, đầu phụng có mồng, mõ nhọn màu đỏ, cổ vàng có hầu, mắt như mắt người. Bà Tím đẻ trứng trên cát, sau 100 ngày, trứng nở thành những cô cậu, tự động mò về biển. Thờ cúng Bà Tím, cũng là một phong tục lâu đời của ngư dân và đến nay, không ai dám xúc phạm tới vị thần biển này.
- Ông Nược: cùng loại với Cá Ông nhưng nhỏ hơn, đuôi như tôm, lưng đen bụng trắng có vú. Ông Nược hiền lành, ăn mực, giúp đỡ người bị nạn, thường nhào lộn trên mặt biển để đua chơi với tàu thuyền của ngư phủ.
- Các Loại Ðẻn :
          Vùng biển Bình Thuận, từ Long Hương vào tới La Gi, có rất nhiều loại rắn biển mà người địa phương gọi là đẻn, nọc rất độc, cắn chết người, vì vậy ngư dân cũng rất nể sợ, tuy không thờ cúng. Hiện các nhà khoa học còn mù mờ về lý lịch của loài đẻn. Sự tàn độc của chúng khiến cho tới lúc chết, cũng không có một loài cá hay sinh vật nào kể cả loài diều hâu, kên kên háu ăn, để ý tới. Nhân loại hiện nay chưa có thuốc chủng hay trị liệu vết thương do đẻn cắn.
          Ðẻn thuộc họ rắn hổ mang trên cạn có tên khoa học là Hyphophidoe, gồm nhiều nhánh, đều mang nọc độc vô địch trên thế giới, trong ngành động vật có xương sống. Thường các nạn nhân bị đẻn cắn không bị đau đớn nhưng chỉ một vài giờ sau, nọc độc gây chứng tê liệt thần kinh, co giật, phổi bị ép và nghẹt thở chết.
            Theo thống kê hiện có tơí 50 loài rắn biển, đa số sống ở miền nam Thái Bình Dương và quanh biển Úc Ðại Lợi. Một vài loại sống tại Nhật cũng như vịnh Ba Tư, kênh đào Panama. Vì sống trong nước nên đẻn có cấu tạo đặc biệt hơn rắn hổ mang, đuôi dẹp làm thành một bánh lái khi bơi lội. Mũi đẻn nằm ngay trên miệng, thay vì ở hai bên như loài rắn đất liền và có nắp đậy kín khi lặn. Bụng đẻn cũng nhỏ hơn và có thêm một tuyến đặc biệt, giúp đẻn thải chất muối khi uống nước biển. Giống rắn trên cạn, đẻn chỉ có một lá phổi nhưng rất lớn, một phần dùng để lọc khí ôxy và lại có một túi riêng trong lá phổi để chứa không khí.
           Với ngư dân tại Bình Thuận-Phan Thiết, đẻn được gọi qua các tên như Bà Mộc hay Mộc Trụ Thần Xà là loại đẻn dài cỡ thước mộc (0,40m), mình dẹp, lưng đen, miệng đỏ, đầu có chữ nhâm. Bà Lạch, loại đẻn đầu có mồng và chữ nhâm. Ông Hèo, dài từ 2-3m, mình tròn màu vàng nhạt có lằn đen trên lưng, đầu có chữ nhâm, là loài tàn độc nhất, ai bị mổ sẽ chết ngay tại chỗ chừng vài phút. Cô Hồng hay Bát Bửu Công Chúa là loại đẻn nhiều màu, đầu có mồng. Tóm lại, tất cả các loại đẻn đều hung ác, làm mọi người nể sợ nên nghĩ rằng chúng là binh tướng của thần linh, có nhiệm vụ hành sử những kẻ phạm tội, đối với trời đất.
           Những năm trước tháng 5-1975, ngư dân Bình Thuận có cuộc sống sung túc dễ chịu vì biển luôn trúng mùa, nên các vạn chài trong tỉnh luôn tổ chức cúng Ông rất linh đình nhưng trang trọng hơn hết vẫn là tại bốn vạn lớn tại Phan Thiết. Cho dù thuộc lệ cúng gì như cầu ngư, vía ông, mãn mùa, tất cả đều có hát bội, đua ghe và hò bá trạo.
           Quang cảnh trong Dinh Thủy Tú những ngày đó, thật vui nhộn, đâu đâu cũng đầy ắp người, từ trẻ con cho tới người lớn tuổi nhưng phần lớn vẫn là những nam thanh nữ tú, đủ mọi thành phần. Không riêng gì người Phan Thiết, mà dân các vùng Long Hương, Phan RíÔ, Mũi Né, La Gi và các vùng quê lân cận cũng tuôn về trẩy hội. Lòng ai cũng hớn hở theo hồi trống ngủ liên vọng từ Dinh ra ngoài trời, quyện theo những lá cờ đuôi nheo đang phất phơ bay trước gió. Ðối với dân Bình Thuận, những ngày cúng kiến Ông Nam Hải, là những giờ phút thiêng liêng trọng đại, cũng là những dịp vui chơi hiếm có, mọi người đều được ăn uống cờ bạc tự do, lại được thưởng thức hò bá trạo, hát bội, đua thuyền. Tất cả đều là thú vui của người miền biển, chỉ được tổ chức một vài lần trong năm mà thôi.
           Trong Dinh đèn đuốc sáng choang, linh vị các ngài đã được an vị lại trên các bệ thờ. Rồi xô giàn cúng cô hồn, có đội chèo hát cầu siêu, cầu hồn những linh hồn uổng tử đã chết thảm thê nơi sóng nước. Cuối cùng xây chầu hát bội, trên sân khấu lộ thiên xây bằng gạch trước Dinh. Các viên chức chánh quyền, kỳ mục, ban hội tề đều được mời vào cầm chầu.
           Ai đã sống ở Phan Thiết hay có lần ghé thăm thành phố biển, nêu không hay chưa thưởng thức ngày hội cúng Ông Nam Hải đầu xuân hay vào tháng bảy âm lịch, thì quả là một thiếu sót đáng tiếc. Mấy năm gần đây, tư bản đỏ trút tiền chùa có được để sửa chữa Vạn Thủy Tú, mục đích cũng chỉ để tóm tiền khách du lịch, cho nên niềm tin và các giá trị cổ truyền tụ ngàn xưa, hầu như nay chỉ là lớp phấn son bên ngoài. Hiện tại người Bình Thuận đang lao đao vì chén cơm manh áo khi biển đã thật sự phụ người, nên chắc không còn mấy ai nghĩ tới chuyện ngày xưa dù trong thâm tâm của họ nhất là giới ngư phủ, lúc nào cũng mang niềm tin tuyệt đối, là Ông Nam Hải sẽ luôn luôn hộ trì người BìnhThuận, qua khỏi tai kiếp thế kỷ và chúng ta chắc chắn sẽ có lại những niềm vui của một thời hoan lạc như đã có trong quá khứ.

2 - ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG CÀ TY:
          Như con người, mổi một dòng sông đều có một cái tên cúng cơm và kèm theo là ngoại hiệu. Sông Cà Ty cũng vậy khi chảy ngang qua thành phố Phan Thiết với cái tên ban đầu ngồ ngộ là Bao Lân. Theo bản đồ cổ của Phủ Bình Thuận và Ðạo Phan Thiết trong giai đoạn 1691-1725, khúc sông ngắn từ Phú Hội ra biển Thương Chánh, được gọi là sông Cà Ty, buổi đó có một bến chính dưới hạ nguồn, thuộc điạ phận Phú Hội, Phú Mỹ là khúc sông cạn, nên rất thuận lợi cho dân chúng hai bờ qua lại.
            Ðây cũng là bến của nguồn nước uống và có nhiều thuyền câu. Trên thượng nguồn, sông lại có tên là Mường Mán. Ðời vua Tự Ðức, sông đổi tên là sông Phan vì sông chảy qua đất Phan Thiết. Sông phát nguồn từ Ðộng Man, trải dài uốn lượn qua huyện Tuy Lý, phía tây Bình Thuận, ra biển tại cửa Cồn Chà. Tóm lại, qua bao đời, dòng sông vẫn hiền hòa, thơ mộng dù có mang một cái tên nào chăng nửa, thì nó cũng vẫn chảy giữa lòng Phan Thiết, không đổi thay, dù cuộc đời đã đổi thay không biết bao nhiêu là dâu bể.
           Sóng nưóc vẫn lung linh, đôi bờ phố thị nghiêng mình soi bóng cùng dòng sông gợi cảm. Hỡi ôi sông còn đó nhưng những xóm chài, xóm nhà chồ ven sông, nay chỉ là một thời nhung nhớ, giống như hình ảnh của những sĩ phu Bình Thuận yêu nước Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh, Trà Quý Bình, Trương Gia Hội.. một thời làm thơ đối nguyệt, luận bàn thế sự, gởi trao gắn bó cùng hồn đất hồn người Phan Thiết, sóng nước Cà Ty, lưu danh thiên cổ, cùng bến sông xưa, cầu quan mấy nhịp.
          Từ một con sông nhỏ phát nguyên trên rặng núi Ông nhưng nhờ tiếp nhận được nhiều nước tại thượng nguồn của các suối Vàng, suối Lèo, suối Thị, suối Lô Tô, suối Cẩm Hang, suối Ngự. Tất cả các suối trên tạo nên các phụ lưu của sông Mường Mán như sông Raoet, sông Mán, sông Linh. Nhưng sông Cà Ty ngày nay khác sông xưa nhiều lắm vì dòng sông đã bị thu hẹp lại. Dọc theo hai bờ vẫn còn nhiều ngôi nhà thấp lè tè, mọc trên những võ sò, xà bần, rác, lấn ra giữa dòng nước. Thêm vào đó là những chiếc xáng hút cát ầm ỹ ngày đêm để bán làm cho con sông càng lúc càng khó coi vì bồi lở thất thường, khiến cho người bản xứ khi chứng kiến thêm nát lòng vì bị xoí mòn bao kỷ niệm đẹp.
           Cà Ty ngày nay cũng nằm trong tour du lịch, nên muốn hốt bạc, tư bản đỏ của đảng phải làm đẹp dòng sông bằng tiền viện trợ khổng lồ của quỷ Liên Hiệp Quốc, như xây lại ngư cảng Cồn Chà thuộc phường Ðức Thắng, công trình kè bờ sông Cà Ty, từ hai phía Cồn Cỏ-Lò Heo chạy ra tới cửa biển và làm cây cầu treo nối liền đường Nguyễn Hoàng và phố Gia Long, trung tâm Phan Thiết.
           Ngày xưa các vạn mành đèn Nam Nghỉa, mành chà Thủy Tú, câu khơi Nam Hải, câu thúng Ðức Long, rớ Phú Trinh vào các dịp cúng Ông hay có Ông Lụy, thường tổ chức các cuộc đua ghe trên sông Cà Ty.
           Ở Phan Thiết, môi lần có đua ghe, những bạn nghề trong hội Nam Nghĩa, ngậm ngùi thương tiếc bà Chút là một Mạnh Thường Quân, đã tận tình giúp đỡ và bảo trợ hội nhà, khiến cho thời đó, hội ghe Nam Nghĩa luôn giật giải nhất trong nhiều năm liền.
           Ðua thuyền là môt nghệ thuật, chẳng những phải luyện tập thường xuyên, mà còn phải có một chiếc thuyền đua tốt mới mong giật giải. Theo kinh nghiệm, thì thuyền đua phải dùng gỗ bằng lăng nhẹ dẻo để đóng với mũi nhọn, thân dài, lái thon, sao cho giống như một con thoi trên khung cửi, mới có thể vượt được gió ngược, nước chảy. Ngoài ra những vật dụng để chèo chống như dầm phách, dầm ngang, dầm xẹo, chèo dọc, cũng phải dùng gỗ bằng lăng để đẽo mới không bị nhót hay vênh. Ðặc biệt nhất là cây chèo dọc, phải được trau chuốt bằng loại gỗ bìa, là thứ gỗ có độ dẻo rất đáng kể, chịu được sức uốn mạnh. Mắt thuyền là mắt phượng, có đuôi dài, con ngươi tròn viền trắng, tạo cho con thuyền đua một vẽ đẹp hùng tráng mạnh mẽ.
           Ðua thuyền tại Bình Thuận, Phan Thiết được manh nha từ hình thức chèo Bá Trạo cúng đưa Ông. Rồi thời gian từ hình thức chèo hát tượng trưng, tiến đến đội đua thuyền của từng Dinh, Vạn bao gồm các tay trạo thiện nghệ, cường tráng và có đầy đủ kinh nghiệm của ngư phủ dầy dạn sóng gió, từ người chèo dọc chỉ huy, cho tới các trạo bơi dầm, tạo nên một sức mạnh vô địch trong khi đua. Bước vào cuộc, các thuyền đua sắp hàng ngang tại lằn ranh xuất phát và khởi hành theo pháo lệnh. Hai bên bờ dồn dập tiếng trống lân, lẫn với tiếng người hò reo dậy trời cổ võ, trong cảnh cờ xí rợp trời. Trên làn nước xanh sóng cuộn tuôn bờ, các tay trạo hò reo giành nhau từng kẽ hở để mong đem lại chiến thắng vẻ vang cho hội nhà.
           Từ sau tháng 5-1975 đua thuyền tại Phan Thiết được mở rộng, không còn thu hẹp trong ý nghĩa chèo đua để mừng Ông Nam Hải qua các cuộc tế lễ, hay mừng ngày tết Nguyên Ðán, mà là một cuộc thi đua thể thao, giữa các làng xã ven biển, từ Tuy Phong vào tới La Gi, Hàm Tân và ra tận đảo Phú Quý.
           Nhưng cũng vì thi đua quá trớn để đạt chỉ tiêu nên các cuộc đua thuyền sau này luôn luôn xảy ra cố sự. Ngay khi vào cuộc, theo tiếng trống dồn dập, các trạo dầm đã hối hả cực lực hò khoan để đưa con thuyền lướt sóng giật giải. Nhưng đằng sau bức tranh đẹp của miền biển mặn, là cả một sự hiểm nguy chết người, dành cho những nghệ nhân trên thuyền đua, được gây ra bởi những tên ‘gà nhà’ của các đội.
          Trong cuộc đua thuyền lần thứ 11, vào dịp Tết năm 2003, khởi điểm tại đường Trần Hưng Ðạo. Theo ký giả viết phóng sự thể thao theo dõi, thì khi chiếc thuyền của phường Phú Hài, từ cầu Trần Hưng Ðạo tới cầu Quan (cầu giữa), bỗng nhiên có hai viên gạch dùng lót nền nhà, từ trên cầu ném xuống, trúng vai của một trạo bơi và ngay đầu một người khác tên Lê Thọ, làm con thuyền phải bỏ cuộc, để đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Kể luôn chiếc thuyền lớn của ban tổ chức khi tới chân cầu, cũng bị ăn đá gạch, khiến nhiều người hoảng sợ, trong đó có nhóm phóng viên, đành rời thuyền đào sanh giữ mạng và máy móc mang theo.
           Rồi trật tự vừa mới vãng hồi, cuộc đua lại tiệp tục thì trận thủy chiến giữa hai đội Ðức Nghĩa và Phú Trinh lại nổ, khi thuyền nọ đâm hông thuyền kia, rồi dầm chèo đặp bổ lẫn nhau dưới nước, còn trên bờ phía cái gọi là trường Dục Thanh thầy Thành, thì người coi bên phe Ðức Nghĩa ném đá chọi xuống sông như mưa, khiến cho ban tổ chức, phóng viên cùng trạo thuyền đều chung lãnh đạn. Một thảm tuyệt nhức nhối và xấu hổ, mà 300 Bình Thuận không hề có, chỉ được xảy ra trong thiên đàng thú vật xã nghĩa, không còn tình người, tình đồng môn và mặt mũi danh dự của bất cứ một thứ gì hiện hữu khi có dính dấp tới hơi Hồ.

3 - HÒ BÁ TRẠO :
           Chiêm Thánh vong quốc từ năm 1693 nhưng cái uy vũ của Nữ vương Thiên Y A Na Ngọc Diện Phi, vẫn tiếp tục bao trùm khắp người dân vùng đồng bằng và duyên hải miền Trung, thuộc phần đất Ðàng Trong cũ của các chúa Nguyễn. Ảnh hưởng kéo dài từ ruộng rẩy, rừng núi, ra tới tận biển đảo.
            Ðối với người Việt, hầu như không có sự phân biệt như người Chiêm đã làm, khi tách bà Chúa Xứ cũ của vương quốc ở Tháp Bà Nha Trang, Hòn Chén Huế và Bế Ngải Bà Rịa, thành một bà chúa riêng biệt tại Hữu Ðức Phan Rang. Ðiều này cũng dễ hiểu vì người Chàm không muốn thờ phụng bà Chúa Xứ Chàm đã trở thành một bà thần Việt, qua thơ văn, mang dạng tiên nương trong Ðạo giáo.
           Tính chất hoang sơ trong dạng nữ thần Thiên Y hoá thân thành các vị thần thánh trên sông biển, qua tâm khảm của đoàn người phải rời bỏ đất liền bình yên, ra vùng sóng gió muôn trùng, chỉ có trời nước mông mênh. Cuộc sống ba chìm bảy nổi đã tạo nên tâm tính ‘ăn đàng sóng, nói đàng gió’ vì sinh mạng luôn luôn bị đe doạ. Chính vì thế mà nhiều tục lệ của người Chàm để lại đã biến mất trên đất liền, trái lại vẫn dai dẳng tồn tại trong sinh hoạt biển, qua hình thức tế lể, mang tính chất cầu cạnh thần linh, tạo nên một trạng thái vừa sợ hãi lẫn tôn kính thân tình.
           Khía cạnh này đã được thể hiện rõ ràng, trong việc thờ cúng Ông Nam Hải, cự tộc Ngọc Lân tôn thần, mà Ðại Nam Nhất Thống Chí có đề cập ‘Duy chỉ có nước Nam ta, từ sông Linh tới Hà Tiên, thường có linh ứng qua hiện tượng Cá Voi cứu người hoạn nạn ngoài biển. Tại các Dinh Vạn thờ cúng Ông nhưng bao trùm trên hết vẫn là quyền lực của Bà Chúa Xứ vì trong các văn tế Ông đều có nhắc tới Bà và miếu thờ Bà còn trên hòn Bà ngoài khơi La Gi, cũng như tại Vạn Thủy Tú, Ðức Thắng có sắc phong của vua cho Bà và rõ nét nhất là sự thờ kính Thầy Chúa trên đảo Phú Quý, ngoài khơi Bình Thuận.
            Ðàng Trong tức là Trung phần ngày nay, hát bội tuy xuất phát từ Ðào Duy Từ (1572-1634) nhưng được phát triển qua Ðào Tấn (1845-1907). Hát bội là một bộ môn nghệ thuật rất được phổ quát khắp miền Trung từ xưa tới nay, cho nên không lạ khi thấy sự diễn xướng của Hò Bá Trạo, được trình bày theo khuôn khổ của một tuồng hát bội giản lược và thu nhỏ.
            Các bản chèo từ Quảng Nam vào tới Bà Rịa, rất giống nhau trên đại thể cũng như hình thức trình bày mang tính chất hát bội rõ rệt. Người Việt Nam vốn có nguồn gốc từ hải đảo, cho nên trong các bản chèo Bá Trạo, cũng có thể thấy được, lớp văn hóa đáy của người miền biển xưa cùng hơi hướng vướng víu của lễ Tiwak từ thổ dân Dayak, sống trên đảo Bornéo, Nam Dương mà nhà biên khảo V.Goloubew cho là các hình đúc trên trống đồng Ðông Sơn của người Lạc Việt. Tuy nhiên dù hình thức là nền văn hóa đáy miền biển nhưng quan niệm chuyển kiếp, lại được nhìn qua lăng kính Phật giáo và màu sắc Lão Trang, dưới ngòi bút của một nho sĩ.
           Theo từ nguyên và các tập quán của nhiều vùng đất thuộc tỉnh Bình Thuận kể cả Phú Quý, thì Bả Trạo chứ không phải Bá Trạo, vì ‘ bả’ là nắm chắc, còn ‘ trạo’ là mái chèo. Hát Bả Trạo, là nắm chắc mái chèo khi đang trình diễn, hát xướng. Ðây cũng là một tên gọi rất quen thuộc, để chỉ một nghệ thuật múa hát nghi lễ của các ngư dân miền Trung từ Thừa Thiên vào tới Bà Rịa. Tuy mỗi địa phương có một sắc thái riêng biệt nhưng tựu trung hầu hết các buổi Hò Bả Trạo cũng chỉ là một buổi trình diện nghệ thuật, mô phỏng theo sinh hoạt của một con thuyền đang hành nghề, với đầy đủ các thành phần từ tổng lái, tổng mũi, tổng khậu và các trạo phu. Lối hát này rất sinh động và lôi cuốn mọi người, vì nhờ biết tổng hợp nhiều thể điệu dân ca từ nói lối, hò, vè, đến lý và hát tuồng.
               Sống suốt cuộc đời bằng nghề hạ bạc trên sóng nước, nên hầu như ai cũng chứng kiến những cái chết thương tâm của các nạn nhân vì thiên tai bảo táp. Nhiều cái xác vô thừa nhận trôi tắp vào bờ và được dân làng chôn làm phước tại các nghĩa trũng. Cũng từ đó, hát bã trạo ra đời mang ý nghĩa cứu độ chúng sinh đang chìm đắm trong biển đời u minh khổ tuyệt. Do trên ta thấy từ đầu tới cuối, nội dung hát bả trạo gần như một một tuồng hát có ngụ ý về một con thuyền bát nhã đang dung ruổi trên biển khơi để cưú độ chúng sinh, đưa họ về nơi tịnh độ. Vì vậy trong lời hát, ta thấy có nhiều từ ngữ Hán-Nôm xen kẻ, phần lớn thuộc loại cầu siêu, cầu hồn:

‘Mau chỉnh tu bát nhã từ thuyền,
đưa âm linh chớ có nại phiền
qua khổ hải đặng thoát vòng nghịch kiếp..

Nói chung, nội dung hát bả trạo cũng vẫn dựa theo những bài văn cúng âm linh của các làng xã VN nên đều mang tính chất nhân đạo, thể hiện lòng thương yêu vị tha của người đối với người, cho dù họ vì nghĩa lớn mà hy sinh hay chỉ là nạn nhân bất ngờ phải bỏ mình, nơi quê người đất khách:

‘những người nghĩa khí tài ba
gặp cơn nước loạn phải ra liều mình
những người tử trận đao binh
gian truân cát lấp, gửi mình trường sa
những người thuyền bá linh đinh
gặp cơn sóng gió hãi kình rước thây.. ’ ’

          Tại Trung phần, lễ cầu ngư của dân làm biển, là một phong tục tập quán mang tính chất tín ngưỡng truyền thống, không thể thiếu được. Gắn liền với lễ hội trên là hò bã trạo, một nghệ thuật trình diễn trên sân khấu bình dân từ lâu đời, cũng là một nhu cầu đặc trưng của tự tình dân tộc.
           Hiện nay có nhiều bổn chèo hò bả trạo được lưu hành. Theo nhận xét chung của các nhà nghiên cứu, thì đa số các bổn văn thường trùng lặp vì nạn sao chép vay mượn lẫn nhau, nên trở thành tam sao thất bổn, nhất là các từ ngữ Hán-Việt. Ngoài ra văn bản còn tuỳ theo khả năng sáng tác của người nghệ sỷ. Tuy nhiên tại Bình Thuận, hầu hết đều công nhận bản chèo của tác giả Lê Ngọc Yến ở Thạch Long, Mũi Né, là thân phụ của Lê Ngọc Lan, hiện là Hội Trưởng Hội Thân Hữu Bình Thuận, ở bắc California, rất có giá trị nghệ thuật. Bổn chèo trên dài tới 800 câu, viết theo thể văn hát tuồng, bằng đủ thể loại từ lối thơ song thất lục bát, tới thất ngôn tứ tuyệt, xen lẫn hát vè, nói lối.
          Ðội hò bả trạo là phản ảnh của cảnh sinh hoạt trên một chiếc thuyền, gồm tổng lái cầm chèo dọc, chỉ huy con thuyền khi sóng to gió lớn. Tổng mũi hay tổng tiền, tổng thương có nhiệm vụ qaun sát, định hướng, trở buồm theo lệnh của tổng lái. Khi trình diễn, tổng mũi tay cầm sanh giữ nhịp. Tổng khậu lo chợ búa bếp núc. Tổng khoang lo canh buồm giữa và tát nước. Ngoài ra đội trạo phu có từ 6-8 cặp và một phách sỷ vừa chèo thuyền, vừa đánh bát, gõ nhịp điều khiển toàn đội.
          Trong khi trình diễn, hai vai quan trọng nhất là tổng khậu và tổng khoang phải thông thạo tất cả các lối ngâm, xướng, bạch, thán oán, vịnh, nam khách, tẩu mã cùng các điệu lý hò miền Trung. Âm nhạc vẫn giữ vai trò quan trọng trong hò bả trạo như giữ nhịp, đưa hơi, tạo không khí hào hứng cho người diễn cũng như thính khán giả, qua các loại nhạc cụ như trống, chiêng, thanh la, kèn bầu, sáo, đàn gáo..      

Viết từ Xóm Cồn Ha Uy Di
Tháng 1-2017
Mường Giang

No comments:

Post a Comment