Tâm An/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Thứ Năm, 10
Tháng Giêng, một người đàn ông ngoài 50 tuổi, đến tòa soạn báo Người
Việt cùng người chú họ của mình, để đăng tin “Tìm mẹ ruột.”Hy vọng câu chuyện về hành trình hơn hai năm tìm manh mối về mẹ ruột của ông Tâm sẽ được độc giả truyền đi xa hơn nữa, để ông tìm thấy mẹ ruột của mình trong một tương lai gần.
Ngược dòng thời gian
Tháng Sáu năm 1979, ông Thạch và bà Sợi đưa con trai, là Tâm, và một người con gái nữa vượt biên và định cư tại Úc. Trong suốt mấy chục năm lớn lên cùng cha mẹ, Tâm cũng như cô em gái của ông không hề biết rằng họ là con nuôi.
Cho dù vợ ông Tâm, bà Cherilyn Tillman, đã hơn một lần thắc mắc với ông rằng, bà không thấy một điểm nào giống nhau về hình dáng bên ngoài giữa ông và cha mẹ ông. Nhưng ông không mảy may nghi ngờ về điều đó, bởi ông cho rằng: “Cha mẹ tôi đã rất yêu thương chúng tôi, dạy dỗ cẩn thận và cho ăn học nên người như bất kỳ cha mẹ nào khác. Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng tôi không phải là con đẻ của cha mẹ tôi.”
Bí mật tình cờ được hé mở, từ ý định làm gia phả dòng họ
Năm 2000, ông Thạch, người vẫn được ông Tâm xem là cha ruột của mình, qua đời.
Năm 2013 đến phiên bà Sợi, người ông Tâm gọi bằng mẹ, cũng mất.
Tuy nhiên, bí mật vẫn không được tiết lộ ngay cả khi họ qua đời. Bí mật đó có thể sẽ mãi mãi đi vào dĩ vãng, nếu như không có việc vợ ông Tâm đưa ra ý định làm gia phả. Việc làm gia phả là việc mà bà Tillman đã từng làm cho gia đình phía nhà bà, nay bà muốn làm cho gia đình phía ông Tâm.
Cuối năm 2016, ông Xuân Vũ, em trai ông Thạch, từ California sang Úc du lịch và thăm gia đình ông Tâm. Nhân dịp này, vợ ông Tâm bèn ngỏ ý muốn xét nghiệm DNA của ông Xuân và ông Tâm để làm gia phả. Kết quả thử DNA đã thật bất ngờ: Ông Tâm và ông Xuân không có phần trăm nào trùng khớp về DNA với nhau.
Ông Tâm kể: “Lúc đó khoảng 10 giờ đêm bên Úc, khi vợ tôi đọc email về kết quả thử DNA, bà ấy đã nói ngay cho tôi biết rằng, DNA của tôi và chú Xuân hoàn toàn khác nhau. Tôi vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên. Tôi thông báo cho chú Xuân và hỏi chú về việc liệu tôi có thể là con nuôi, thì chú cũng không biết gì về chuyện này.”
Ông Xuân cho biết: “Khi Tâm báo tin DNA của tôi và Tâm không có phần trăm nào trùng khớp nhau, tôi vẫn không tin rằng Tâm và tôi không có quan hệ huyết thống. Tâm bèn làm thêm xét nghiệm DNA cho một bà chị ruột tôi, hiện đang ở Việt Nam nữa. Kết quả cho thấy rằng DNA của tôi và chị tôi thể hiện quan hệ huyết thống, còn của Tâm thì không, khi ấy tôi mới tin.”
“Điều đó làm tôi rất bất ngờ, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ Tâm là con nuôi của anh trai tôi. Vì thời điểm sau cuộc di cư vào Nam năm 1954, chúng tôi thất lạc nhau hơn 10 năm, khi tôi gặp lại anh trai tôi, thì hai vợ chồng họ đã có cháu Tâm rồi, nên không ai mảy may nghi ngờ gì. Riêng cô em gái của Tâm, anh chị nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi sau năm 1975 thì chúng tôi biết, nhưng bản thân cô ấy thì không hề biết, cho tới khi Tâm nói ra thời gian gần đây,” ông nói thêm.
Vậy cha mẹ ruột ông là ai, vì cớ gì mà họ phải cho ông đi làm con nuôi? Giờ này họ ra sao, còn sống hay đã mất? Những câu hỏi đó đã liên tiếp xuất hiện trong đầu ông Tâm, khiến ông quyết định sẽ đi tìm cha mẹ ruột của mình, dù rằng khi ấy, ông không biết nên bắt đầu từ đâu, vì cha mẹ nuôi của ông đều đã qua đời.
Tìm thấy Giấy Chứng Sanh năm 1966
Ông Tâm không có gì ngoài tờ giấy khai sinh mà trước giờ cha mẹ nuôi ông đã làm cho ông. Bằng cách nào đó, tờ giấy khai sinh chứng nhận rằng ông là con ruột của ông Thạch và bà Sợi, sinh ngày 10 Tháng Giêng năm 1967 tại một địa chỉ ở Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay.
Ông dự tính sẽ về Việt Nam và đi tới Mỹ Tho, lần theo “dấu vết” tờ giấy này, vì nơi đăng ký giấy khai sinh của ông là ở xã Tân Mỹ-Chánh, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường cũ, nay là ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Vào Tháng Tư năm 2017, khi về tới Sài Gòn, ông Tâm đã đem chuyện này để hỏi tất cả những người họ hàng tại đây. Trong số đó có một người họ hàng phía mẹ nuôi ông Tâm, tên là bà Đính, hiện đang sống tại quận Tân Bình, Sài Gòn. Chồng của bà là người em họ của bà Sợi.
Bà Đính còn cho biết, chỉ có ông Đính chồng bà mới là người biết rõ về chuyện này nhưng ông Đính đã mất.
Định cư ở Úc từ năm 1978 tới năm 2016, gia đình ông Tâm đã không hề trở về Việt Nam cũng như liên lạc với gia đình bà Đính, vì thế mà ông Tâm đã không có cơ hội biết được bí mật này. Cho tới ngày tình cờ phát hiện ra ông Tâm là con nuôi, thì bà Đính mới đưa cho ông Tâm tờ Giấy Chứng Sanh quan trọng này.
Giấy Chứng Sanh ghi rõ bé trai tên là Bùi Duy Tân, được sanh vào hồi 22 giờ ngày 31 Tháng Mười năm 1966 tại Nhà Bảo Sanh Hạnh Phúc, số 41/283 Ấp Đồng Tâm 1, Thông – Tây – Hội (thuộc quận 11, Gò Vấp ngày nay). Trên Giấy Chứng Sanh không ghi tên cha, chỉ có tên người mẹ là bà Bùi Thị Mão, sinh năm 1951, làm nghề nội trợ và ngụ tại Thông – Tây – Hội (thuộc quận Gò Vấp, Sài Gòn hiện nay). Bà mụ đỡ là Vũ Thị Dung cũng chính là người ký tên vào Giấy Chứng Sanh này. Giấy Chứng Sanh được lập vào ngày 2 Tháng Mười Một, năm 1966.
Đó là kỷ vật, cũng là manh mối duy nhất mà ông Tâm hy vọng dựa vào đây, có thể tìm thấy mẹ ruột ông.
Lời kể từ nhân chứng duy nhất còn sống
Sau hơn hai năm tìm kiếm, ông Tâm đã phải đi về Việt Nam bốn lần, một lần đi Ireland và hai lần sang Mỹ để tìm kiếm thông tin liên quan tới mẹ ruột của ông, thông qua những người anh em họ hàng với bà Sợi (mẹ nuôi ông Tâm) đã ít nhiều biết về chuyện cho-nhận con nuôi vào năm 1966.
Từ Giấy Chứng Sanh trên, có thể thấy bà Mão đã sanh con khi bà mới 15 tuổi. Vì lý do nào đó, đã không có tên người cha. Và cũng vì lý do bất đắc dĩ nào đó, bà đã phải cho con đi.
Giấy Chứng Sanh cũng cho biết nơi ông sinh ra là ở địa điểm thuộc quận Gò Vấp ngày nay, và bà mụ đỡ sanh và ký tên vào giấy này là bà Vũ Thị Dung. Nhưng ông Tâm cho biết: “Năm trước, tôi đã đi tìm gặp bà Vũ Thị Dung một lần, nhưng rất tiếc là bà không nhớ gì cả, hiện nay bà cũng không còn sống nữa. Nhà Bảo Sanh Hạnh Phúc hiện nay cũng không còn.”
Trong số những người bà con mà ông Tâm tìm gặp, có một người chị họ của bà Sợi, tên thường gọi là Thăng, hiện đang sống ở San Jose. Bà Thăng được cho là nhân chứng duy nhất còn sống, đã chứng kiến giây phút mẹ ruột của ông Tâm giao con trai mình cho bà Sợi vào năm 1966.
Mặc dù đã 83 tuổi nhưng bà Thăng còn khá minh mẫn. Ông Tâm đã gặp bà vào Tháng Chín năm 2017. Bà Thăng đã thuật lại câu chuyện cho ông Tâm nghe như sau:
Bà Thăng cùng một người em họ khác tên là Luật (hiện đã qua đời) tới bệnh viện sản khoa Từ Dũ ở Sài Gòn để thăm bà Sợi. Khi đó bà Sợi 39 tuổi, vừa trải qua đợt giải phẫu cắt tử cung trong bệnh viện nên không thể có con. Trong lúc đang ngồi chờ đợi để được vào thăm bà Sợi, có một cô gái trẻ, khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp, đã đến gần và hỏi họ có muốn nhận nuôi một bé trai (chính là ông Tâm) không? Điều kiện duy nhất để được nhận con nuôi là gia đình cha mẹ nuôi phải là người Công Giáo.
Cô gái trẻ cũng cho hai bà biết rằng, cô phải cho đứa bé đi vì cha cô là một viên chức lớn (ông trùm) của một nhà thờ nào đó ở quận 3 và do đó, con gái ông không thể có con rơi.
Sau đó, bà Thăng và bà Luật ẵm bé trai đến cho bà Sợi coi. Hai bà đã động viên khuyến khích bà Sợi nên nhận nuôi Tâm vì mẹ ruột của Tâm là một phụ nữ xinh đẹp và xuất thân từ một gia đình tốt. Bà Sợi đồng ý, nhưng yêu cầu người mẹ trẻ phải có Giấy Khai Sanh.
Người mẹ ruột của Tâm đã có Giấy Chứng Sanh và giao Tâm cho bà Sợi. Giấy Chứng Sanh đăng ký sau khi bé trai sinh ra được 2 ngày.
Bà Thăng cho biết, khi giao bé trai cho bà Sợi, ngoài mẹ ruột còn có một người đàn ông đi cùng. Bà Sợi có trao cho người mẹ ruột một số tiền nhỏ khi nhận con nuôi và yêu cầu giữ kín chuyện này, không được tiết lộ ra ngoài.
Khi đó, con gái lớn của bà Luật tên là Nhâm mới sinh con được ba ngày, nên bà Sợi đã gửi đứa bé trai đó cho bà Nhâm để nhờ giúp đỡ nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
Bà Nhâm hiện đang ở Dublin, Ireland. Đó là lý do ông Tâm bay sang Dublin, Ireland để gặp bà Nhâm và bà xác nhận sự việc “cho bú nhờ” trên là có thật. Ngoài ra bà Nhâm không biết gì hơn.
Thêm một lời kể khác
Theo bà Thăng, việc nhận con nuôi của bà Sợi là hết sức tình cờ. Nhưng bà Đính lại cho rằng việc nhận con nuôi không phải tình cờ mà là có sự sắp đặt từ trước.
Theo bà Đính, vào quãng thời gian năm 1966, bà Luật có một người bạn thân là một người lính, không rõ ông là quân nhân trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hay Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia hay ở lực lượng nào khác. Người lính này đã có vợ con nhưng lại làm cho cô gái là Bùi Thị Mão mang thai khi cô mới 15 tuổi.
Biết rằng bà Sợi không thể có con, nên bà Luật đã dàn xếp việc cho-nhận con nuôi để tháo gỡ tình cảnh khó khăn cho bạn mình. Sự dàn xếp này chỉ có bà Luật, bà Sợi và ông Đính (chồng bà Đính) biết.
Khi ấy ông bà Đính đang sống ở quận 3. Còn bà Sợi, bà Luật và bà Nhâm khi đó cùng sống ở Chánh Hưng, quận 8, Sài Gòn. Nhưng hiện nay bà Sợi, bà Luật, ông Đính đều đã qua đời. Bà Nhâm thì chỉ cho bé trai bú nhờ sữa mẹ, chứ không biết gì về sự việc trên.
Tiếp tục hành trình đi tìm cha, mẹ ruột
Ông Tâm đã đi hàng chục Nhà Thờ Công Giáo ở quận 3 và quận Gò Vấp, kể cả nhà thờ dưới Biên Hòa Đồng Nai, để tìm xem có ai là bà Bùi Thị Mão hay không? Ông cũng đi khắp các giáo xứ lớn như nhà thờ Bùi Chu, Đồng Xá, Hà Nội để tìm kiếm thông tin về bà mẹ ruột. Ông còn xin các Cha cho ông được dán poster tìm mẹ trên nhà thờ, để mong tìm được mẹ. Ông cũng tìm kiếm xem có ai là “ông trùm” nhà thờ ở quận 3 vào năm 1966 hay không. Ông cũng đăng tin tìm mẹ trên báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam trong 5 tuần liền.
Nhưng tất cả các cách có thể, đều không mang lại kết quả nào.
Ông đưa hồ sơ DNA của mình lên một trang web chuyên tìm gia phả tổ tiên, tên là: 23andme.com với hy vọng mong manh biết đâu có ai đó có DNA trùng với mình.
Hy vọng sau bài báo này, ai có thêm thông tin để giúp ông Vũ Khắc Tâm (Bùi Duy Tân) có thể tìm lại được cha mẹ ruột của mình xin vui lòng liên lạc với tòa soạn báo Người Việt hoặc trực tiếp với ông Tâm qua email: tamvu@me.com. (Tâm An)
No comments:
Post a Comment