Tôi là người Đà Nẵng. Đi học và làm ở Sài Gòn gần 10 năm, hầu như năm nào tôi cũng về thăm quê hương vài lần.
Mấy năm gần đây Đà Nẵng tôi được ca ngợi dữ lắm; nào là xanh sạch, lịch sự, là Singapore của Việt Nam; nào là thành phố đáng sống nhất; nào là trẻ trung năng động; nào là văn minh và hiện đại,… Tôi cũng từng đọc vô số bài viết ca ngợi Đà Nẵng, thậm chí đến cả mấy đứa bạn thời lóc nhóc vốn chỉ ra khỏi thành phố được vài lần cũng có một bụng tự hào để mà kể.
Ấy vậy mà tôi không thấy thế!
Là một người từng ở nhiều nơi, chứng kiến sự thay đổi của quê hương, tôi chẳng thể nào hiểu được “nỗi tự hào” của người Đà Nẵng đến từ đâu?
1. Đà Nẵng ngày càng nhiều ăn cắp vặt
Cách đây 20 năm, tôi là một thằng học sinh, đi học xe vất lung tung, mũ nón, áo mưa để ngoài đường, lao đầu xuống tắm biển chẳng phải lo sợ. Mấy năm gần đây, cứ bị mất nón bảo hiểm và áo mưa suốt, đi đâu cũng phải khóa vào yên xe. Ăn cắp vặt làm tôi rất bực mình, thế nhưng mọi người lại bảo: “Để hớ hên vậy họ lấy là đúng rồi." Thực kỳ lạ! Kẻ phạm tội đâu thể quá nhiều, chỉ có thể là một bộ phận rất đông người dân sẵn sàng làm việc xấu khi có cơ hội. Sống ở Sài Gòn, tôi chưa từng mất áo mưa, mũ bảo hiểm,…
Năm ngoái, khi tôi chở cô bạn đi trên đường Núi Thành thì bị giật mất túi xách, tôi sốc lắm, Đà Nẵng của tôi đây sao? Ấy vậy mà chưa hết, lên công an Hòa Cường báo mất, họ còn bảo: “Anh chở chị ngồi một bên, cầm túi xách như vậy, bị giật là đúng!” Tôi muốn chửi lắm, nhưng quả thật ai cũng nói vậy!
Vào các siêu thị lớn, túi xách nhỏ cũng phải bọc lại, đến cả cái thước kéo nhỏ hơn nắm tay cũng phải bọc và dán băng keo! Ở Sài Gòn phức tạp còn tạm chấp nhận, Đà Nẵng “đáng sống” mà cũng thế thật chẳng đáng tự hào. Người ta cứ nghĩ ở đâu cũng vậy, nhưng thực ra, người Tây, Nhật, cả bọn Hàn Quốc đều coi thường cái “văn hóa ăn cắp vặt” của người mình. Có lẽ chỉ mỗi Việt Nam và Trung Quốc là có cái chính sách đề phòng tới từng “thằng dân” này! Mỗi khi đưa cái ví để bọc lại, nhìn cái bản hiệu “coi chừng mất xe” “ không giữ nón bảo hiểm”,… tôi thấy nhục nhã vô cùng! Quanh tôi nhiều người xấu đến vậy sao?
2. Giao thông Đà Nẵng rồi cũng như Hà Nội và Sài Gòn
Người dân đổ vào thành phố, mật độ giao thông cao là không tránh được. Ở ĐN quả có ít nạn kẹt xe và leo lên lề đường, nhưng ngoài cái đó thì tôi không thấy hơn Sài Gòn nhiều. Tôi thấy những chiếc xe tải, xe buýt, taxi lái bạt mạng, ngang nhiên vi phạm luật; tôi thấy người ta đi ngược chiều, lấn tuyến, dàn hàng ngang vô tội vạ; những đứa “choai choai” lái xe ẩu thả.
Dân số vừa chớm đông mà đã vậy, nếu gấp rưỡi, gấp đôi bây giờ, liệu có khác gì Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi cũng xem qua nhiều bài báo ca ngợi ý thức giao thông của người ĐN, nhưng cái đó chỉ ở vài con đường trung tâm, còn những quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê,… người ta vẫn ngang nhiên phạm luật, nếu không tin bạn có thể kiểm tra. Ở Sài Gòn, những khu trung tâm người ta vẫn chấp hành rất nghiêm túc chứ có khác gì đâu!
Mấy năm gần đây, số lượng xe ô tô ở Đà Nẵng tăng mạnh. Buồn cười là họ mua nhiều xe, nhưng không có chổ để xe. Những tuyến đường Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu vốn chỉ 2 làn đường, thêm 2 chiếc xe đậu 2 bên là người dân chỉ biết ôm nhau mà luồn lách. Tối đến thì người ta vất xe ở lòng đường, lề đường, vốn là những nơi công cộng, nhìn rất lộn xộn. Vậy mà người Đà Nẵng thay vì nhìn nhận vấn đề, họ bẻ lái: “ở ĐN mới được rứa, chớ ở Sài Gòn và Hà Nội là hắn mất xe, mất kính rồi!” Các quán ăn cũng vậy, họ đổ cả dãy xe ô tô ngoài đường, gây tắc nghẽn, nhưng không có ai ý kiến…
Hiện tại, giao thông Đà Nẵng còn chưa bị loạn, nếu chỉ biết phó tình huống như bây giờ thì chắc chắn cũng sẽ giống Sài Gòn và Hà Nội.
3. Du lịch Đà Nẵng nghèo nàn
Tôi phải thừa nhận không đâu ở mà có núi sông, biển cả đầy đủ như ở ĐN, nhưng cách làm du lịch của thành phố thật nghèo nàn. Bãi biển cát trắng dường như là cứu cánh cho hầu hết những lời ca ngợi về du lịch Đà Nẵng.
Tôi đã từng chứng kiến một Đà Nẵng khác. Tôi thấy Bà Nà kỳ ảo bị cạo trọc và thay thế bằng những công trình giả tạo xấu xí; tôi thấy rừng dương liễu xanh mướt bị đốn sạch để rồi tốn 10 năm vẫn chưa thể trồng lại; tôi thấy cục thang máy thô lỗ bám vào Non Nước như một kẻ gớm guốc hèn hạ; tôi thấy người ta lấp dãy san hô quý giá để làm thành bãi cát lố bịch; tôi thấy bãi biển yên bình giờ đây đầy những quán nhậu xập xình; tôi thấy những người nước ngoài đau đớn cho cách mà người Việt đối xử với bà mẹ thiên nhiên;… Người ta đu theo cái kiểu du lịch hời hợt để mà hủy hoại cái đẹp ngàn năm mới có được.
Tôi ganh tỵ với Hội An, với những nét văn hóa mà người Hội An gìn giữ được. Mỗi khi dẫn ai đó đi du lịch Đà Nẵng, cả con người tôi đầy một niềm tiếc nuối. Người cầm quyền kém cỏi mà người dân lại còn thỏa mãn, chẳng phải cái kết đã rõ rồi sao?
Vẻ đẹp nguyên sơ của Đà Nẵng có lẽ cũng còn, nhưng ít lắm. Tôi lại còn nghe nói hàng loạt những công ty bỏ tiền ra để “làm du lịch” “cải tạo” lại những nơi này. Tôi hoang man quá!
4. “Kinh tế Đà Nẵng bữa ni phát triển ghê lắm!”
Nhưng thu nhập ở Đà Nẵng quá thấp so với Sài Gòn và Hà Nội. Đà Nẵng chẳng sản xuất gì cả, vì là thành phố du lịch, nên các ngành khác ở Đà Nẵng đều khó có thể cạnh tranh với các tỉnh. Tuy nhiên du lịch nghèo nàn lại không đủ sức vực dậy nền kinh tế. Hầu hết chi tiêu vào hạ tầng đô thị của thành phố là tiền vay mượn và bán đất. Nhìn vào những công trình to cao, họ nghĩ rằng kinh tế đang phát triển mạnh.
Mặc dù cả Việt Nam đều đang bế tắc, nhưng người Đà Nẵng chẳng mấy quan tâm, họ vẫn nghĩ chính quyền thành phố sẽ có cách giải quyết. Đó là điều đáng sợ nhất. Hệ quả của cách suy nghĩ đó là khối doanh nghiệp tư nhân ở Đà Nẵng quá yếu so với khối quốc doanh. Tinh thần khởi nghiệp không có, ai cũng muốn vào nhà nước để ấm thân, dù lo lót vài trăm triệu vẫn không mảy may suy nghĩ. Người dân càng “phè phởn” thì càng có ít cơ hội làm chủ, những công ty lớn, những kẻ mặt bự hằng ngày vẫn vắt kiệt mảnh đất rồi một lúc nào đó sẽ khiến người Đà Nẵng ngẩn ngơ điêu tàn.
5. Nhận thức của người Đà Nẵng chẳng tiến bộ hơn 10 năm trước bao nhiêu
Người Đà Nẵng có tầm dân trí không xứng là một thành phố văn minh. Họ có thể sống nhẹ nhàng hơn, sạch sẽ hơn, nhưng nhận thức không cao. Phần lớn người dân an phận và tin tưởng vào những gì mình được nhồi sọ; họ gọi những kẻ như tôi là phản động; họ cho rằng chuyện chính trị là chuyện của nhà nước; họ thậm chí chẳng mấy quan tâm đến những nguy cơ của đất nước như tham nhũng, ngoại xâm, lộng quyền,… Khi nói về những vấn đề này, tôi thường nhận được câu trả lời xuề xòa: "Mô cũng rứa thôi!" "Mình làm được chi đâu! Nói để làm chi!"
Ngay cả những điều mà tôi cảm thấy thích như thủ tục hành chính nhẹ nhàng, không làm tiền, nhân viên hành chính lịch sự,... phần lớn cũng là do chính quyền ban cho chứ người dân ít khi nhận thức được quyền của mình.
Hiền hòa, không có nghĩa là “nhắm mắt ngó lơ”! Để tự hào là một thành phố đáng sống nhất, người Đà Nẵng chắc chắn phải thay đổi và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa.
Lời kết:
Không phải muốn chê bai, nhưng tôi cảm thấy cái “tự sướng” của người Đà Nẵng đã dần đến mức lố bịch. Là một người Đà Nẵng, tôi nuối tiếc vì những thứ đã mất, nhưng tôi vẫn có hy vọng Đà Nẵng sẽ thoát khỏi những sai lầm mà Sài Gòn và Hà Nội đã mắc phải. Trách nhiệm đó phải là của người dân chứ không thể là của Đảng “kính yêu”.
Tôi từng thấy người ta tiếc nuối một Hà Nội cũ. Tôi từng thấy người ta khóc thương Hòn Ngọc Viễn Đông. Có lẽ nào Đà Nẵng cũng sẽ tương tự?
Thời thế đã khiến Hà Nội, Sài Gòn phải chịu cảnh dày vò, nhưng Đà Nẵng vẫn còn cơ hội. Đừng tự hào, đừng tự sướng, đừng ăn cái bánh vẽ của báo chí nữa! Đừng nhìn vào Sài Gòn hay Hà Nội, hãy nhìn vào Nhật Bản, vào Mỹ, vào Đức để mà phấn đấu! Nếu hơn tỉnh thành khác thì có gì mà tự hào, vực dậy văn hóa và kinh tế của cả nước mới là điều đáng để phấn đấu.
KhoaiLang
No comments:
Post a Comment