Saturday, October 28, 2017

Cô Lái Tắc Xi - Minh Nguyện Graves

Cô taxi số 6 tại Huế.

Bài số 5247-19-31090-vb6102017
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX.  Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.

***
 Thời tôi mới qua Mỹ, có người quen cứ dặn lui dặn tới:

-Khi ai hỏi làm nghề chi, đừng nói làm nails, thay vào đó nói là làm tóc....Chứ nếu nói làm nails họ khinh.
Tôi nghe mà buồn lắm, vì nói láo thì tôi không quen, mà bị họ khinh chỉ vì làm nails thì mình cũng không muốn.
Biết làm răng chừ? Thôi tránh gặp “mấy người dị ứng nghề Nails” cho khoẻ, khỏi mang thêm tội nói láo.
Lúc còn ở Việt nam, tôi làm tài xế Taxi.
Cũng "Kinh qua gian khổ" nhiều năm, tự hào mình có "tay lái lụa" hơn hẳn các nam đồng nghiệp. Thế mà qua Mỹ thi lý thuyết đậu cái một, mà thi thực hành trầy trật
đến cú thứ ba mới...đậu vớt. Ai cũng nói người lái xe quen cái tật
ở VN là đến bảng Stop cứ rề rề rồi vọt luôn, không hề ngừng hẳn; lúc quẹo trái, quẹo phải hay
đổi lane không thèm quay qua nhìn, chỉ nhìn kiếng mà thôi.
Qua đây, thỉnh thoảng có mấy người khách tò mò "điều tra lý lịch" hay hỏi:
- “Vậy hồi còn ở bên Việt Nam, cô làm nghề gì?”
Tôi trả lời tỉnh queo:
-“Tài xế Tắc-xi.”
Họ không tin, cứ hỏi lui hỏi tới:
- “Cô nói đùa chứ làm sao cô làm được cái nghề nguy hiểm đó?”
Tôi phải lấy mấy cái hình chụp trong đồng phục lái xe và chiếc xe số 6 của mình cho họ coi thì họ mới chịu tin.
Thời đó đàn bà con gái biết lái xe ở thành phố Huế hiếm lắm; cả khoá tôi học chỉ có vỏn vẹn 5 “người đẹp” chơ mấy! Cả trường lái xe đếm không đủ trên mười ngón tay nữa là! Ra trường đậu bằng
 lái rồi, khỏi phải xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi chi hết, đi ngã trước, ngã sau “chùi lót”, tự nhiên tôi được “mời” vô lái xe cho công ty ATC. Chả là công ty này muốn chơi nổi, có tài xế là người đẹp xứ Thần Kinh.
Tức cười có lần một ông khách từ miền Nam ra thăm xứ Huế, ông nói giọng Bắc, chắc Bắc Kỳ Di cư 54, hỏi tôi:
-"Cô có biết tại sao người đất Thần Kinh mà cứ mãi không giàu lên được không?"
Tôi tỏ ý không biết. Ông mới giải thích kèm nụ cười:
-"Thì người Thần Kinh mà".
Ngôn ngữ ở VN sau này gọi người điên là bị thần kinh.
Làm nghề Taxi có đủ vui buồn sướng khổ.
Có ngày gặp khách vừa đẹp vừa thơm lừng lựng, ăn mặc thì mát hơn gió bờ sông, lại rộng rãi cho tiền típ hào phóng. Nhưng cũng có ngày, khách kẹo hơn kẹo kéo bị “lại đường” vừa dơ, vừa hôi, vừa xấu, vừa khó, vừa kiết nữa chứ. (khổ ghê!!!)
Kỷ niệm về những năm lái xe Taxi thì nhiều lắm, nhưng có một kỷ niệm vui vui mà tôi không bao giờ quên.
Như mọi ngày, bắt đầu nhận ca thì tôi đậu xe trong sân của khách sạn Century. Người khách vẫy xe từ sảnh của khách sạn, muốn tôi đưa qua Đập Đá. Tui nghĩ “Đây qua Đập đá có mấy bước mà răng không  đi bộ cho khoẻ?” mới hỏi:
-Chú tới chỗ mô ở Đập Đá để con đưa đi?
-Tôi muốn tới chợ Vĩ Dạ.
-Chú muốn mua đồ?
-Không, tôi tìm người.
-Người nớ tên chi?
-Người đó tên Hoa hồi xưa gia đình có gian hàng ở chợ Vĩ Dạ.
-Hồi xưa là cách chừ lâu mau rồi chú?
-Hơn ba chục năm rồi.
Tôi đậu xe ở cái nhà hàng quen nằm trong hẻm, rồi đi bộ với ông khách tới chợ. Tôi nói:
-Chắc phải tìm mấy bà "già già" mà hỏi, chơ mấy O “sồn sồn” thì ngắm cho vui thôi, họ không biết chuyện của chú hơn 30 năm trước mô, hỏi chi cho mất thì giờ. (Vì chú đồng ý trả tiền giờ, nên tôi không muốn chú mất thì giờ vô ích!)
Sau khi hỏi lui hỏi tới cũng gần chục “bà già chợ” thì tìm ra manh mối của người mà chú muốn tìm. Hồi xưa gia đình bà có gian hàng ở chợ, nhưng giờ thì bà nghỉ bán rồi, và nhà ở không xa chợ  mấy.
Đi ngoằn ngoèo qua mấy con đường xóm theo cái “bản đồ” tui vẽ theo lời của một bà cụ bán rau, cuối cùng tui cũng tìm ra ngôi nhà có “giàn hoa leo Ti-gôn”.
Chú nhờ tôi vào nhà hỏi coi có đúng ngôi nhà mình muốn tìm. Tiếp tôi là người đàn ông lớn tuổi:
-Đúng nhà bà Hoa đây cô, nhưng hôm nay nhà có kỵ bên ngoại, cách đây có 2 xóm thôi, nên bà đi qua đó rồi. Cô vô ngồi đợi để tui biểu tụi nhỏ kêu về, hay cô muốn chạy qua đó thì tui chỉ đường cho.
Ông khách không muốn đợi, nên chúng tôi xin địa chỉ ở nhà ngoại, và trước khi tới đó, ông khách muốn đi mua ít quà trước đã. Tò mò tôi hỏi:
-Rứa người nớ là răng với chú?
-Hồi còn trẻ, hai gia đình quen nhau, tôi yêu thầm người đó. Chỉ là yêu thầm thôi. Sau đó tôi đi lính, chiến tranh mà cô, không hề gặp lại. Nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến người xưa, lần này có dịp đến Huế, nên tôi muốn đến thăm, coi như tình bạn vậy mà.
Tôi hỏi lại:
-Rứa nếu không tìm ra được bà, chú có buồn không?
-Buồn chứ cô. Thật ra tôi có về Huế một vài lần, nhưng không lần nào tìm được, tới lần ni thì tôi nhứt quyết tìm cho ra.
Tôi lên giọng “tra trắng”:
-Chú à, tìm người xưa thì phải kiên nhẫn chơ. Mất thời giờ một chút nhưng tìm được mới thấy quý. Bởi rứa Nguyễn Bá Học mới nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” đó chú nờ.
Ông khách cười hiền lành:
-Cô đã đi tìm ai chưa, mà nói lý sự dữ rứa?
-Dạ chưa. Ai tìm con thì có, chơ con chưa tìm ai cả tề… (Trạng ghê!)
À, tôi quên nói, là ông khách ni nói được cả tiếng Huế, lẫn tiếng Nam. Ban đầu thì ông nói giọng Nam, nhưng nói chuyện một hồi với tôi thì ông xổ giọng Huế rặt, Huế chay...rất chuẩn.
Lòng vòng qua chợ Đông Ba, ghé tiệm bánh Bảo Thạnh, cho ông mua mấy hộp bánh, trà, chúng tôi quay trở lại chợ Vĩ Dạ.
Tôi đi trước, ông đi sau (chắc nhờ tôi….đỡ đạn!).
Đứng ngay cửa là người phụ nữ đứng tuổi, bà cao hơn tôi hình dung, (vì ông khách tôi người trung bình thôi,) tóc búi (như mạ tôi hay búi tóc đằng sau cho gọn gàng); khuôn mặt đẹp phúc hậu, đầy đặn, tươi cười nói lớn:
-Ui chào, nghe có người hỏi, mà không biết là ai, hồi nãy thấy xe taxi chạy qua, tui nói với chị Na “Ai mà giống Ngân quá, cặp mắt nhìn không làm răng “lạc” được". Thì chừ đúng là Ngân rồi.
Tôi trở ra xe, ngồi chờ khách của mình trở về mà lòng bâng khuâng. Tôi vui vì đã giúp ông tìm ra được người xưa, còn ông nghĩ chi thì tôi không biết.
Trên đường trở về, trông ông có vẻ lặng lẽ hơn. Tôi hỏi:
-Răng chú? Gặp người xưa rồi, chừ có thất vọng không?
-Không cô à. Người xưa thuộc về ký ức, mình sống với hiện tại nhiều hơn chứ. Tuy nhiên, có khi đừng gặp thì hay hơn, để mình cứ giữ mãi hình bóng xưa, không bị thất vọng vì thực tại đổi thay.
Trước khi chia tay ông nói:
-Cô có biết nhạc sĩ viết bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” mà hồi nãy ngồi trên xe cô nghe không?
Tôi nói:
-Dạ, biết chơ, nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng con không biết mặt.
Ông nói:
-Tôi là nhạc sĩ Nhật Ngân đây.
Tôi cười, bán tín bán nghi (Tính tui đa nghi mà. Ông ni có "trạng" không ri hè? Thấy mình cù lần nên giả đò làm người nổi tiếng để làm oai với mình?) nhưng cũng lịch sự nói:
-Rất hân hạnh được biết nhạc sĩ.
Mãi đến sau này khi tôi sang tới Mỹ, trong một lần coi dĩa nhạc của Paris by Night, chương trình dành riêng cho nhạc sĩ Nhật Ngân. Tôi nghĩ thầm: “Ông nhạc sĩ ni ngó quen quen, không biết mình gặp ông chỗ mô?” Tới lúc ông kể lần ông về Huế đi tìm người bạn gái cũ, và ông nhắc lại có người khuyên ông “Tìm người thì phải kiên nhẫn chú à” thì tôi mới sực nhớ lại chuyện cũ.
Đúng là mình hân hạnh được gặp người nhạc sĩ của bài hát mình yêu thích “Tôi Đưa Em Sang Sông." 
*

Một buổi tối kia trời mưa lớn, tôi đang trên đường trở về bãi đậu xe của công ty thì nghe bộ đàm báo tới đón khách ở trên Ga (đây là ga xe lửa.)
Vừa qua cầu Ga, chưa vào đến sân ga, đang dò tìm địa chỉ (không phải khách xuống tàu gọi, mà là mấy nhà ở khu vực quanh nhà ga) thì một người thanh niên chạy ra vẫy xe.
Trong khi tôi đang tìm cách quay đầu xe, thì người đó nói “Chị ơi, đợi chút vì có thêm 3 thằng bạn nữa.”
Chỉ ít giây thì có 4; 5 người nữa ào ào mở cửa nhảy vào xe. Tôi nói “Xe chỉ chở đươc 4 hành khách thôi.”
“Không can chi mô chị à, trời vừa mưa vừa túi ri thì công an mô mà chộ. Chị cứ chở đi, có chi bọn em chịu cho. Hồi tụi em gởi thêm chị ít tiền uống nước.”
Tui biết không còn cách chi hơn nên cho xe chạy.
Vừa lái xe, tui vừa liếc nhìn phía sau xe, rất khó nghe được họ nói gì vì trời mưa lớn, nhưng chắc chắn tôi nghe câu này:
-Hết xe hay răng mà mi kêu xe con gái lái?
-Ai biết mô, kêu tổng đài, họ đưa xe mô thì đi xe nấy thôi.
-Ai đời đi đập bậy (đánh lộn) mà lại kêu xe con gái, làm răng chạy cho kịp.
Tôi nghe bọn họ nói chuyện mà ngao ngán. Thôi rồi “Đời cô Lựu” của tui! Chở bọn đi đánh nhau thì coi như rước hoạ vô người rồi....
Một người trong nhóm có vẻ là người đầu têu nói:
-Chị lái lên Phú Cam, rẽ phải ở nhà thờ, đi sâu vô trong con đường mới, tới cái quán AB. thì dừng lại, đợi tụi em 5 phút thôi, rồi chở về lại ga, tụi em sẽ trả tiền cho chị.
Tôi vừa lái vừa nghĩ “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” nên tìm kế hoãn binh:
-Chị còn con nhỏ, không lái khuya, mấy em chịu khó trả tiền cuốc ni cho chị đi, rồi chị gọi xe khác lên chở tụi em về.
Nhưng bọn họ nhứt định bắt tui đợi, vì “Chắc chắn không quá 5 phút mô, kêu xe khác chi cho mất công, tụi em trả thêm tiền. Chị đừng lo, tụi em có cả cọc tiền đây nè.”
Đúng là tụi hắn có cả cọc tiền, vì hắn nắm cả “bụm” tiền giơ lên cho tui chộ!
Thôi đành tương kế tựu kế chơ cãi với tụi này ngó không lại rồi. (mặc dù tui thuộc cỡ…bạn hàng thân thuộc của mấy bà bán cá ở chợ….Xép, chơ không phải…”đồ bỏ” mô nghe, ha ha ha)
Thật ra không phải tôi sợ tụi hắn không trả tiền, cái sợ là tuị hắn “lỡ tay” ..quơ nhằm tôi, gãy tay, mẻ chân, sứt đầu, bể trán …thì còn mô mà làm…"người đẹp của ATC” nữa! Hu hu hu..
Xe chưa dừng hẳn ở trước cái quán AB. thì tôi nghe giọng cái thằng ban đầu ra lệnh:
-Thằng Cân nhảy ra trước, vô lôi thằng Ghẻ ra nghe chưa, làm thiệt nhanh cho tụi nớ không kịp trở tay.
Trong tích tắc, cả 3 cánh cửa xe mở toang, thằng Cân (thằng ngồi trước) nhanh như mèo lao ra, rồi biến vào màn đêm. 5 thằng còn lại cũng nhảy ra khỏi xe, đóng cửa rầm rầm và nói:
-Chị trở đầu xe lại, đừng tắt máy nghe, để về cho nhanh.
Chỗ đó khá rộng, chỉ có điều hơi tối, nên tui chầm chậm trở đầu xe. Đang phân vân có nên báo bộ đàm về trung tâm không, thì….
Cánh cửa sau lại mở ra, thằng Cân túm cổ thằng Ghẻ (tôi đoán vì hồi nãy nghe nói vậy) dúi đầu nó vào trong xe (băng ghế sau) và đấm liên tục. Năm thằng còn lại ở ngoài xe thì vừa chửi thề vừa đấm đá với một nhóm khác mới chạy ra từ nhà hàng AB.
Tôi, (cứ tưởng mình đang đóng phim hành động, chỉ có điều không biết vai diễn của mình là vai chi) sợ quá, đạp ga "lút chân” luôn.
Bị nhấn ga đột ngột nên xe rú ầm ầm, chồm lên, phóng vọt tới trước. Hai thằng ở băng ghế sau đang vật lộn bị hất văng ra khỏi xe. (Sorry khách hàng nha! Tui không cố ý hất khách xuống mô nờ!)
Đoạn đường ở Phú Cam ngoằn ngoèo, nhà dân hai bên rất lưa thưa, chỉ có cây cối lùm xùm và vách đá nên càng tối hơn, tôi cứ đạp ga miết cho tới gần nhà thờ Phú Cam thì mới “hoàn hồn” cầm lấy bộ đàm:
-Trung tâm ơi, tụi ni hắn đi đánh nhau, số 6 sợ bể kiếng xe, nên chạy về rồi, không lấy được tiền. Xe mô "đánh đấm” giỏi lên lấy tiền dùm số 6 với nờ!
Mấy thằng bạn lái xe nhao nhao, mà tui nhớ rõ nhất là giọng của xe 16 biệt danh Sơn Điên (đùa cho vui chơ hắn rất tốt bụng):
-Số 6 ở mô? Tụi hắn cướp tiền số 6 hở? 16 ở cầu Bến Ngự tới liền đây.
Tui vừa sợ, vừa cảm động vì bạn bè đồng nghiệp quan tâm tới mình.
-Số 6 không can chi, nhưng tụi hắn thì …chắc phải gọi cứu thương rồi đó.
Đang còn sợ; nhưng cái tật ưa “làm đày” thì không bỏ, nên sau khi hoàn hồn tui gân cổ lên cãi:
-Sợ tuị hắn cướp người số 6, chơ tiền mà kể chi? Hỏi vô duyên!
Sáng hôm sau, như thường lệ, các xe được rửa sạch sẽ để bàn giao ca. Lúc đó chưa tìm đủ 5 cô lái xe, chỉ có 2 nữ là bé Bình số 12 và tôi 06; lái từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, nghỉ ngày Chủ nhật. Con trai thì lái 24 giờ, làm 1 ngày nghỉ 1 ngày.
Tôi đang nhâm nhi ly cà phê, đọc tờ báo thì nghe thằng bạn Đoan là thợ sửa xe của công ty hỏi lớn:
-Rứa hồi đêm xe mô đi Phú Cam?
-Có chuyện chi mà hỏi? Tui hỏi lại.
-Thằng bạn tui nhà ở trên Phú Cam, gần quán AB. kể, hồi đêm xe taxi mình đưa một băng lên đó đập lộn. Đánh nhau toe tua, thức cả xóm dậy luôn. Công an tới mà không kịp. Hắn còn nói, “thằng” taxi nớ lái ngầu vô hậu, phóng xe ào ào, rú xe ầm ầm, chạy như bay rứa…Mà không biết răng, có người ở trong quán nói đó là “Con” lái xe chơ không phải “Thằng." Rứa hồi đêm chị lái tới mấy giờ?
-9 giờ. Tui nói.
-Rứa thì chị chơ còn ai nữa, con Bình 12 ngày qua nghỉ mà, có mình chị thôi! Bà lái chi dữ rứa bà?
-Ha ha ha…Tui cười:
Khi ghi lại những kỷ niệm về những năm tháng lái xe Tắc-xi của mình, là tôi mong các bạn hiểu thêm về công việc này. (Cũng không phải tui làm quảng cáo không công cho mấy hãng taxi mô nghe!)
 Tôi tự hào để nói rằng, lái xe cũng như bất kỳ một nghề nghiệp nào, sẽ luôn có người tốt và người xấu, có những “Con sâu làm rầu nồi canh.” Cái chính là con người, bản thân mình phải “tu”; không gian lận, dối lừa, không làm hại ai, thì ơn trên sẽ giúp đỡ cho mình vượt qua nghịch cảnh, sống cuộc đời an lành.
Sau mấy năm lái Taxi ở thành phố Huế thì cha mẹ tôi bảo lãnh chúng tôi qua Mỹ. Lúc đó, tôi thường đi chợ Sài Gòn, một cái chợ nhỏ ở trên đường Lamar. Ba mẹ con đi chợ (cuốc bộ), với số tiền ít  ỏi trong tay, lòng nhẩm tính số tiền phải trả, nhưng tới khi tính tiền thì cái biên lai nhiều hơn tôi dự đoán rất nhiều.
Tôi nghĩ là người ta tính không đúng nên muốn được kiểm tra lại.
Có một người đàn ông đứng ngay đằng sau có vẻ vội vàng, mặt mày nhăn nhó, quay sang tôi nói, "Chị à, nếu…"
Nghĩ ông này đang vội, muốn tôi đi ra chỗ khác, liền cự:
"Họ tính tiền sai, tui có quyền yêu cầu tính lại, ông có vội thì cũng phải ráng mà đợi!"
Thì ổng vội nói: "Không! không, tôi chỉ muốn hỏi nếu chị thiếu tiền trả, tôi sẽ giúp cho chị và hai cháu."
Ui chao ơi là ốt dột hè! Mặt tôi đỏ lên vì mắc cỡ, đã lấy dạ hẹp hòi mà đi đo bụng người khác.
Nếu những người đã đối xử tốt với tôi có cơ duyên đọc được những "lời tự thú" này, thì một lần nữa, tôi xin được tạ lỗi và nói lời cám ơn.
Xin mượn câu nói người xưa để kết thúc chuyện Tắc-xi cùng tôi nghe các bạn:
“Trên đời này không có sự hy sinh nào là nhỏ bé, không có sự cố gắng nào là uổng phí và không có nghề nào là hèn mọn.”
Minh Nguyệt Graves

No comments:

Post a Comment