Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhắc đến ông, giới nhiếp ảnh Sài Gòn đều ngả mũ. Ông đại diện cho lớp phóng viên ảnh sau cùng của các tờ báo Pháp phát hành ở Đông Dương còn sống.
Chụp ảnh phóng sự từ 60 năm trước
Bước sang tuổi 90, sức khỏe yếu do vừa bị đột quỵ đầu năm 2012 nhưng nhắc đến nhiếp ảnh, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đan vẫn say sưa như ngày đầu cách đây gần 70 năm, ông đến với nghệ thuật của ánh sáng, bố cục, màu sắc.
“Năm 1950, từ Hà Nội tôi được điều động vào Sài Gòn làm phóng viên ảnh cho tờ Indochine Sud-Est Asiatique do trong này thiếu người làm. Ngày đó, rất ít phóng viên ảnh là người Việt, có chăng giờ cũng qua đời hết rồi, chỉ mình tôi còn sống”, ông cười chòm râu bạc rung rung theo nhịp lắc của bàn tay gầy gò. Năm 1954, ông đưa cả vợ con vào Sài Gòn sinh sống sau khi có vị trí vững chắc tại tòa soạn.
Chiếc máy ảnh Rolleiflex của Đức theo chân ông bôn ba khắp mọi miền đất nước ngày ấy. Ông kể thời đó chưa có đèn flash hiện đại như bây giờ, phóng viên phải thủ sẵn cả túi bóng đèn magnesium, chụp một lần rồi bỏ. “Có khi chụp nhiều quá, xong việc mấy ngón tay tôi gần như phỏng vì phải thay đèn liên tục”. Mà có Rolleiflex chụp đã là mừng. Ông Mạnh Đan còn nói thêm thời chụp ảnh bằng máy có vỏ bọc gỗ. Trước tiên, bỏ diêm sinh (thuốc pháo) vào chén inox. Theo kinh nghiệm cứ nửa chén diêm sinh thì mở khẩu độ ống kính f/5.6. Người chụp một tay mở nắp ống kính, xoay 1/2 vòng hoặc 1 vòng cho ánh sáng vào, tay kia đốt diêm sinh để ánh sáng bùng lên. Vậy mà vẫn cho ảnh sáng đẹp như trong studio hiện đại ngày nay.
Nhiều bức ảnh của Nguyễn Mạnh Đan chụp thời ấy được tạp chí nổi tiếng thế giới của Pháp là Paris Match đăng trong các bài viết về Đông Dương. Ông nhìn nhận phóng viên ảnh thời bình rất ít có cơ hội nắm bắt những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử, bởi phải gặp những biến cố lớn ảnh phóng sự mới thể hiện rõ chức năng của nó.
Từ năm 1950 đến 1958, ông trở thành một trong số tay máy nổi tiếng ở Sài Gòn với những bức ảnh đăng trên báo Pháp. Tuy nhiên sau đó, người Pháp rút khỏi Việt Nam. “Tôi buộc phải từ bỏ nghề báo. Hỏi ông chủ bút người Pháp rằng nên làm gì để sống với nghề chụp ảnh, ông khuyên tôi nên nắm bắt nét đẹp của Việt Nam. Rồi ông ấy tạo điều kiện để tôi thực hiện cuộc triển lãm, mời đại diện đại sứ quán các nước đóng tại Sài Gòn đến thưởng thức và mua ảnh. Nhờ vậy, tôi ổn định cuộc sống, có tiền để mở ảnh viện Mạnh Đan trên đường Điện Biên Phủ ngày nay”, ông nói.
Ba đời cầm máy
Cùng thời với ông có các tay máy cũng rất nổi tiếng như Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Văn Chiêm, Bàng Bá Lân, Phạm Văn Mùi… nhưng có thể nói, đến giờ chỉ còn mình ông là thách thức với thời gian. Những gì Nguyễn Mạnh Đan để lại cho đời, cho nhiếp ảnh Việt Nam là rất đáng trân trọng.
Nghiêm khắc và cực kỳ kỹ tính trong nghề nghiệp, ông rất ít khi nhận học trò vì ngoài tài năng, ông còn phải xem xét tính cách cũng như tư cách đạo đức của người muốn theo học trước khi chỉ dạy. Do vậy, học trò ông tính đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay mà đa phần ai cũng thành danh như nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, nhiếp ảnh gia Hoàng Trưởng, phóng viên ảnh thể thao Dư Hải…
Nguyễn Mạnh Đan có 9 người con, trong đó 6 người con trai theo nghiệp bố. Đó là những nhiếp ảnh gia cũng có tên tuổi tại Sài Gòn trước đây và hiện nay như: Mạnh Sơn, Trung Vinh, Mạnh Quỳnh, Mạnh Ngọc, Huy Quang, Mạnh Sinh, trong đó Mạnh Sinh hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnhTP.HCM.
Thập niên 1980-1990, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Đan là thành viên của Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. “Ngày còn làm ban giám khảo các cuộc thi ảnh, tôi không thiên vị cho bất cứ ai hay bất cứ tấm ảnh nào. Cho dù đó là ảnh chụp lãnh tụ nhưng không đẹp, bố cục không chặt tôi đều đánh rớt”, ông Mạnh Đan nói thêm.
Thế hệ thứ ba của gia đình Mạnh Đan bắt đầu cầm máy từ vài năm trước. Mạnh Nguyên, Mạnh Lâm hiện theo nghề của ông nội, cũng rất vững vàng về kỹ thuật nhiếp ảnh. Anh Mạnh Sinh nhớ mãi lần theo cha chụp ảnh xuyên suốt chiều dài đất nước. “Tôi theo cụ vừa chăm lo sức khỏe vừa học hỏi kinh nghiệm chụp ảnh nghệ thuật. Năm 1986, lúc đất nước còn rất khó khăn, tôi và cụ cùng một số học trò trong đó có cả chị Đào Hoa Nữ thuê xe 25 chỗ đi từ nam ra bắc. Rong ruổi đến tận Điện Biên, Lai Châu, Mộc Châu, Sa Pa… trong 45 ngày. Tôi ấn tượng nhất là phải mua hàng vài trăm lít xăng chất phía sau xe, vừa đi vừa lo xe có thể phát cháy nổ bất cứ lúc nào. Ngày đó làm gì có trạm xăng dầu nhiều như bây giờ, xăng khan hiếm lắm. Cả đoàn phải mua theo gạo, mắm muối, đem cả nồi niêu xoong chảo để đến đâu là nấu nướng đến đấy. Gặp dòng suối hay con sông nào nhảy xuống tắm giặt. Nhưng đi rồi mới thấy đất nước mình tuyệt đẹp. Ngày đó thiên nhiên còn hoang sơ lắm, chưa bị tàn phá như bây giờ”.
Cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Đan không thể kéo dài hơn do sợ ông mệt. Ông nhắn gửi đến thế hệ những người cầm máy trẻ: “Chụp ảnh thể loại nào cũng vậy, phải gửi hết tâm hồn vào đấy, nếu không bức ảnh sẽ vô hồn. Việt Nam chỉ mạnh ở thể loại ảnh nghệ thuật do biết khai thác vẻ đẹp của đất nước, của con người. Tôi hy vọng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ làm nên chuyện ở thể loại ảnh báo chí, ảnh phóng sự, ảnh khoa học. Có như thế nhiếp ảnh VN mới phát triển toàn diện và bền vững. Đừng quá chạy theo thành tích, huy chương mà sa vào lối mòn trong sáng tạo, đặc biệt khi chụp ảnh nghệ thuật. Tôi gần đất xa trời rồi chỉ đau đáu một mối tình với nhiếp ảnh, thủy chung với nó suốt 70 năm dài nên luôn mong người tình của mình mãi đẹp, mãi xinh”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan sinh tại Nam Định, từng đoạt hơn 70 huy chương nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế từ năm 1959 đến 1963. Ông còn nhận Huy chương vì sự nghiệp Văn học và Nghệ thuật VN năm 1997, thực hiện 5 tập sách ảnh: Việt Nam khói lửa (1969), Hình ảnh kinh tế Việt Nam (1974), Quê hương Việt Nam (1996), Hình ảnh Việt Nam (2003), Non sông nước Việt (2011).
Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
Ở Việt Nam, người chơi nhiếp ảnh trưởng thành từ trường lớp hoặc nghề dạy nghề thì nhiều, nhưng nói đến “cha truyền con nối” rất hiếm có. Vì vậy, gia đình ông Nguyễn Mạnh Đan là trường hợp đặc biệt, được nhiều người trong giới biết đến và khâm phục bởi cả ba thế hệ cùng theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh và thành công, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.
Ông đồ bán chữ – Nguyễn Mạnh Đan |
Anh Mạnh Ngọc dù ở nước ngoài vẫn giữ nghề truyền thống gia đình, và được quốc tế mời làm giám khảo chấm thi ảnh. Anh Mạnh Sinh đang là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh. Cũng giống như bố, thời thanh niên các anh cũng thỏa sức đam mê sáng tác bằng không biết bao chuyến đi lên rừng xuống biển từ Nam chí Bắc. Việc kinh doanh ngành ảnh, chụp hình, tráng rửa phim, làm ảnh… trước hết để thỏa mãn cho thú chơi nghệ thuật của mình. Đến thế hệ thứ ba, các cháu nội là Mạnh Lâm, Mạnh Phúc, Mạnh Nguyên cũng bắt đầu nối gót cha ông.
Người coi rừng – Nguyễn Mạnh Sinh |
Dưới ánh trăng rằm – Nguyễn Mạnh Lâm |
Từ đỉnh Fansipan nhìn Trường Sơn hùng vĩ – Nguyễn Mạnh Phúc |
Ngọ môn cổng chính Hoàng thành triều nhà Nguyễn – Nguyễn Mạnh Ngọc |
Mùa đánh bắt cá tôm – Nguyễn Mạnh Sơn |
Bố anh cả đời góp nhặt nét đẹp quê hương, mỗi bức ảnh đều gửi gắm nhiều tâm ý mà người vô tình xem một lần chưa chắc đã nhận ra. Đó là những giá trị văn hóa, lịch sử, những lễ hội, phong tục xưa, những cảnh đẹp hùng vĩ hay bình dị để bất kỳ người Việt nào, dù đi năm châu bốn biển mỗi khi nhìn thấy cũng bồi hồi nhớ về quê hương đất tổ. Vì vậy, tâm huyết của bố anh là thực hiện những bộ sách ảnh của cả gia đình để chia sẻ với mọi người về tình yêu nhiếp ảnh qua những hình ảnh thân thương của quê hương.
Có thể thấy hình ảnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử được tái hiện một cách sinh động, chân thực, nhiều mỹ cảm qua các giai đoạn bằng các tập sách gia đình ông Nguyễn Mạnh Đan đã thực hiện từ 1969 đến nay là Việt Nam khói lửa, Hình ảnh kinh tế Việt Nam, Quê hương Việt Nam, Hình ảnh Việt Nam và gần đây là Non sông nước Việt.
No comments:
Post a Comment