Trong
tháng này, tui tiễn ba gia đình cùa ba người bạn đi định cư ở nước
ngoài. Họ đều là những người thành đạt, giàu có ở Việt Nam. Rất thành
đạt và tài sản tính đơn vị hàng triệu đô la.
Một
bạn là doanh nhân, hai vợ chồng có tài sản khá lớn, nhiều bất động sản
trên những khu phố vàng của Sài Gòn. Họ có ba đứa con đang tuổi lớn và
đã có hai đứa đang học ở Mỹ. Gia đình anh đi diện EB5 định cư ở Mỹ.
Người
thứ hai là một bác sĩ, anh là người thầy thuốc giỏi, từng tu nghiệp
nhiều nước trên thế giới, tự hào đã nội trú nhiều bệnh viện lớn ở nước
ngoài. Ở Việt Nam anh là bác sĩ có thu nhập khá cao, có biệt thự ở quận
2, có công việc ổn định. Vợ cũng là dược sĩ, có một pharmacie rất đông
khách ngay trung tâm Sài Gòn. Anh chị chỉ có một đứa con gái, đang chuẩn
bị vào đại học. Gia đình anh đi theo diện người chị vợ bảo lãnh đi Mỹ,
hổ sơ chờ đã mười ba năm, từ lúc sự nghiêp anh chị chưa có bao nhiêu.
Người
thứ ba là anh bạn học chung trường đại học, năm nay vừa đúng bảy mươi
tuổi, đã đến tuổi già. Anh này cũng có một đời sống sung túc ở Việt Nam,
hồi còn tuổi làm việc, anh là một quan chức ngân hàng, vốn là nghề của
anh trước 1975. Hồi đó, sinh viên ngành ngân hàng, tài chánh ở Đại học
Vạn Hạnh tốt nghiệp Cử nhân vào năm 1971-1972 đều được nhận vào các ngân
hàng với chức vụ cao, một số làm ngay giám đốc các chi nhánh. Anh nằm
trong số người được giao làm giám đốc. Sau 75, anh tiếp tục cho đến lúc
nghỉ hưu. Nghề nghiệp thế nên cũng có thể gọi anh là giàu, có của ăn của
để, có hai thằng con trai, đứa nào cũng thành đạt, một thằng có chức vụ
trong ngành ngân hàng của Việt Nam, đưa kia làm chuyên viên tiền tệ ở
nhà băng của Anh quốc. Nói tóm lại là thuộc giới thượng lưu ở xứ này.
Bây giờ anh lại đi định cư ở Pháp theo diện bảo lãnh của người em.
Ba
trường hợp nêu trên chứng minh họ đi định cư không phải vì sinh kế.
Trước đây, ngoài lý do chính trị, đa phần ra đi vì đời sống ở Việt Nam
thời đấy khổ quá, cả nước đói nghèo, họ đành dứt áo ra đi mong có tương
lai sáng sủa, sung túc hơn. Còn bây giờ, như ba người bạn tui đó, họ ở
Việt Nam rõ ràng là quá sung sướng về vật chất, họ chẳng thiếu thứ gì.
Gia đình sinh hoạt như quý tộc, con cái sống như những hoàng tử và công
chúa. Hàng năm họ đi du lịch khắp nơi, ở những khách sạn sang trọng, ăn
những thức ăn với giá ngất trời. Nhưng họ vẫn ra đi.
Hỏi
chuyện với họ, họ biết ra đi là sẽ gặp không biết bao khó khăn đang chờ
trước mắt. Để làm lại một cuộc đời mới trên xứ sở xa lạ không phải là
điều dễ dàng. Họ không ảo tưởng về nơi họ sẽ đến, vì họ đã từng du lịch
qua đấy nhiều lần. Biết rất tường tận cuộc sống ở đó với những trở ngại
khó lường.
Anh
bạn bác sĩ bảo rằng anh rất yêu nghề y, nhưng khi định cư, muốn tiếp
tục làm nghề, anh phải đi học lại, cũng đã gần qua tuổi năm mươi, ngổi
học cũng không phải là điều dễ dàng. Và để sống, anh phải chọn một công
việc nào đấy không như ý của mình.
Anh
bạn doanh nhân dù có nhiều tiền nhưng để hợp thức hoá số tiền lớn đó
cho hợp pháp cũng là điều khó khăn. Cho đến bây giờ, ngày đi đã đến, anh
vẫn chưa hình dung con đường phía trước sẽ như thế nào?
Còn
anh bạn đồng môn của tui, đã bảy mươi, sẽ chẳng có công việc gì dành
cho anh nữa. Tui giỡn với anh thôi thì qua đó chiều chiều đi dạo sông
Seine, hay lên đồi Montmartre ngắm mây bay hay ngồi trong khung cửa nhìn
đám bồ câu bay lượn, chờ cuối đời nằm trơ trọi ở nghĩa trang xa lạ hay
là trở thành một nhúm tro cốt nằm trong ngôi chùa hoặc thả bay trong
gió. Anh cười buồn, một nụ cười chấp nhận.
Ai
cũng buồn khi sắp rời bỏ quê hương. Ai cũng thấy đọan đường còn lại
cũng lắm gian nan. Nhưng ai cũng bảo phải đi. Sức chịu đựng đã lên đến
đỉnh rồi. Bởi cuộc sống không chỉ là tiện nghi,là vật chất để thụ hưởng.
Mà cuộc sống còn cần phải có không khí để thở, tự do để sống, thoải mái
để sinh hoạt. Sống chứ không phải để tồn tại. Sống là phải biết tương
lai và tự mình định được tương lai cuộc đời mình. Những người bạn tui
cho rằng ở lại là chấp nhận những bất công, những điều chướng tai gai
mắt mà bất lực chẳng làm chi được. Xã hội tàn nhẫn quá, con người tàn ác
quá. Ở lại là chấp nhận bị đầu độc, không chỉ bị đánh thuốc độc ở thực
phẩm, ở hơi thở mà còn bị đánh độc cả tư duy. Chưa kể đất nước này, dân
tộc này có còn tồn tại được không trước biết bao âm mưu thâm độc của kẻ
thù và sự hà hơi tiếp sức của một bộ phận có quyền lực. Anh bạn già hỏi
tui với ánh mắt buồn rầu: Cho thuê đất 99 năm thì nước Việt còn gì? Bạn
trả lời tôi đi.
Anh
bạn bác sĩ thì bảo không thể cho các con của mình lớn lên với một tâm
hồn bệnh hoạn, một nhân cách méo mó và một cách sống giả tạo, dối lừa.
Anh hỏi tui: Bây giờ ở Việt Nam, có gì là không láo? Láo tất. Do vậy tôi
phải đi để tôi, gia đình tôi, con cháu tôi được sống và nghĩ suy bằng
sự thật không dối lừa. Chúng tôi chọn ra đi như một cách phản kháng.
Phản kháng trong im lặng. Và đành bỏ lại những thứ mà chúng tôi sẽ không
bao giờ làm lại được ở xứ người.
Anh bạn doanh nhân thì bảo rằng, biết con đường trước mặt, sau lưng đầy cứt, thì tại sao không chọn con đường sạch mà đi..
Ở
đây, tui chỉ đề cập đến chuyện ba người bạn của tui, tui không muốn nói
đến những cán bộ, những người đã từng là quan chức của chế độ, có người
từng là tổng biên tập một tờ báo lớn, những người một thời là những
người đã từng tham gia hoạt động đấu tranh ở các đô thị miền Nam, họ
hiện đang ở đầy xứ Mỹ, tiểu bang nào cũng có. Họ trốn chạy cái gì? Tui
đã từng hỏi thế và họ cũng cười buồn. Bỏ qua những tên ăn cắp công quỹ
mà trốn chạy. Những người khác đều ôm trong lòng một nỗi thất vọng không
nói được.
Mà
thôi, mỗi người có một cách để chọn lựa cuộc sống cho mình. Tôi chọn ở
lại, các anh chọn đi. Đó cũng là chút tự do mỗi người có được chọn cho
mình. Ngày xưa chỉ cần rời làng, đã mang tiếng ly hương, xa quê là nỗi
đau. Bây giờ, người ta ồ ạt tìm mọi cách bỏ nước mà đi, có nỗi đau nào
hơn cho một dân tộc, nhưng phải chấp nhận thôi. Tất cả các loài hoa đều
vươn về phía ánh sâng, có hoa nào chịu chết rũ héo hon trong bóng tối
đâu. Và ở trong bóng tối, có ai lại không nguyền rủa bóng tối.
Post by lpk116
No comments:
Post a Comment