Năm 1954, khi
hiệp định Geneve được ký kết để phân đôi Nam, Bắc thì tất cả các cơ sở, trường
học của chính quyền Quốc gia đều được di chuyển
vào miền Nam. Chính thời điểm này
và tại mảnh đất hiền hoà của miền Nam thân thương này, là nơi đã nhen
nhúm mối tình đầu thầm kín của tôi.
Niên
khóa năm 1955 - 1956, tôi mới mười ba tuổi và học lớp đệ lục (tức lớp 6)
trường Chu Văn An. Trường tôi tuy là
trường nam sinh, nhưng riêng các lớp lớn như đệ nhị, đệ nhất thì học
chung cả nam lẫn nữ sinh. Nguyên do là vì bên trường Trưng Vương, cơ sở
chưa tổ chức kịp nên chỉ thâu nhận học sinh đến lớp đệ tam. Nữ sinh các lớp cao hơn, đặc biệt là các ban
ban sinh ngữ - triết học, và ban khoa học thực nghiệm, phải qua học nhờ bên
trường Chu Văn An. Do đó nên mới khởi
sinh ra những cuộc tình thơ mộng giữa học sinh hai trường, và mối thân tình
giữa trường Chu Văn An và Trưng Vương cũng bắt đầu từ đấy, rồi quen lệ cứ tiếp
diễn mãi, đến các thế hệ đàn em sau này.
Tôi
được quen chị Kim, năm đó chị trạc độ mười tám, mười chín tuổi và đang học lớp
đệ nhất. Tôi bắt đầu chú ý đến chị hôm nhà trường tổ chức văn nghệ vào dịp Tết
nguyên đán. Chị Kim ở trong ban ca múa,
hôm đó chị hát bài “Hướng về Hà Nội”
Giọng chị trong vắt, ngọt ngào, vút cao hoà với tiếng đàn. Tiếng hát của chị làm rung động biết bao con
tim của những kẻ tha hương, nhớ về thành phố cũ thân yêu, giờ đã cách xa nghìn
trùng.
Tôi
đứng im lặng, chiêm ngưỡng chị lộng lẫy trong áo dài màu vàng nhạt, trông thật
là đẹp với mái tóc óng ả, đen như mun buông dài đến ngang lưng, một chút son
hồng trên môi và nụ cười thật tươi…Tôi về, ngẩn ngơ hết cả buổi, và từ đó mỗi
buổi sáng khi đứng xếp hàng chờ vô lớp, tôi thường say sưa ngắm chị xinh đẹp,
tha thướt trong áo dài bằng tơ màu trắng. Tôi về mộng mơ và tôi bắt đầu làm thơ, những trang vở học trò kín đầy
những vần thơ yêu với lời lẽ ngây ngô, những lá thơ tình không bao giờ
gởi. Có những ngày chị Kim không đi học,
thì suốt buổi hôm đó tôi cũng chẳng học hành gì được, đầu óc để tận đâu đâu,
tôi thả hồn theo tưởng tượng, băn khoăn tự hỏi giờ này chị đang làm gì nhỉ? chị
đau ốm gì chăng? Hay là..? tôi rùng mình
không dám nghĩ tiếp, hay là chị gặp tai nạn trên đường đi đến trường? Ruột tôi thắt lại vì lo, đầu tôi quay cuồng
với bao nhiêu câu hỏi, tôi chỉ mong chóng đến giờ tan học để chạy bay đến nhà
chị. Nhưng đứng trước cổng, tôi lại ngập
ngừng không dám vào, không biết viện lý do gì để đến nhà chị, tôi đành đứng
rình trước cổng, mong được thấy bóng chị ra vào để yên tâm. Chờ hoài chẳng thấy
chị đâu, trời chợt đổ mưa tầm tã, tôi đành phải ra về, quần áo, tóc tai đều ướt
nhẹp. Hôm đó, tôi bị cha tôi đánh cho
một trận nên thân, về tội tan học không về nhà, còn mải đi chơi. Tuy đau, nhưng tôi không hề hối hận, và vẫn
cho hành động của mình chẳng có gì sai trái.
Cha tôi làm sao hiểu được những ý nghĩ trong đầu tôi?
Dạo
này tôi thấy mình thay đổi khá nhiều, rõ ràng là đã qua thời kỳ trẻ con, tôi
chán hết những trò đá dế, đánh banh, mà chỉ thích đọc sách. Những tiểu thuyết tình làm tôi mơ mộng,
thương nhớ vu vơ, tôi nghĩ về tình yêu và tôi nghĩ đến chị Kim… Bấy giờ đang là
mùa mưa, Sài Gòn có những cơn mưa nhẹ nhưng dai dẳng triền miên, tưởng không
bao giờ dứt, màn mưa che mờ cảnh vật, không gian như chìm lắng. Mưa buồn lê thê, hay chỉ tại lòng tôi đang cô
đơn? Ngồi bên cửa sổ, ngắm những sợi
nước nghiêng nghiêng như đan mành, chao qua, chao lại theo mỗi cơn gió, lòng
chợt man mác một nỗi buồn không tên, cậu bé mười ba đã hết vô tư rồi. Mưa vẫn rơi miên mang không ngừng, mưa rơi tí
tách trên mái hiên, mưa nhỏ giọt trên cành lá đong đưa trước cửa sổ, nhìn những
giọt mưa như những hạt ngọc trong vắt, bỗng dưng tôi liên tưởng đến đôi mắt của
chị Kim cũng long lanh, ướt át, đẹp lạ lùng.
Tôi mê nhất đôi mắt của chị, vừa dịu dàng vừa tình tứ, tôi đọc thấy
trong đó những tình cảm nồng nàn chị dành cho tôi, hay tôi tưởng thế? Mỗi khi nghĩ đến chị Kim là lòng tôi lại xôn
xao những cảm giác khó tả, tâm tư tôi đầy ắp hình ảnh của chị, bóng dáng chị ám
ảnh tôi đêm ngày, ngay cả trong những giấc mơ. Tôi băn khoăn tự hỏi hay là mình
đã biết yêu? chắc vậy, tôi chắc lòng mình đã yêu chị Kim mất rồi.
Chị
Kim không biết có hiểu tình cảm của tôi không, nhưng mỗi khi bắt chợt tôi đang
ngây người đứng ngắm chị, chị thường mỉm cười và đôi khi còn thưởng cho tôi mấy
cái xoa đầu, hoặc vỗ nhẹ vào vai khiến tôi đỏ mặt, vừa sung sướng vừa mắc
cở. Xưa nay tôi chưa hề có cảm giác đó
bao giờ, mẹ và các chị lớn thỉnh thoảng vẫn vuốt ve hoặc ôm tôi vào lòng, tôi
chẳng thấy có gì khác lạ. Thế mà không
hiểu sao khi tay chị vừa chạm vào vai, tôi bỗng có cảm giác như một luồng điện
vừa chạy qua khiến tôi rùng mình, tim đập như trống làng và người thì nóng bừng
lên trong một cảm giác thích thú lạ lùng. Tôi về sung sướng hết cả ngày hôm đó.
Nhà tôi ở khác phố với chị Kim, và tôi vẫn cuốc bộ tới trường, nếu đi
lối tắt thì không xa lắm, nhưng tôi chẳng quản ngược đường, ngày nào đi học
cũng đi vòng qua nhà chị. Tôi thường đi rất sớm để được núp sau một gốc cây,
lén lút ngắm chị lúc chị dắt xe đạp ra khỏi cổng. Buổi sáng, trông chị tươi mát trong áo dài
lụa, tóc thề xõa ngang vai, làn da trắng mịn và đôi môi đỏ tự nhiên, tôi thấy
chị đẹp như công chúa trong truyện cổ tích đời xưa, đẹp như tiên giáng thế…
Chị
ra trễ cách mấy, tôi vẫn chờ và khi chị lên xe đạp đi rồi, tôi mới chạy vắt giò
lên cổ cho kịp giờ vô lớp. Có một lần
thấy tôi tới trường vừa chạy vừa thở, mặt mũi đỏ nhừ, chị thương hại hỏi:
-
Sao hôm nào Phan cũng đi trễ để phải chạy toát mồ hôi vậy?
Tôi
ấp úng nói dối:
-
Tại tối hôm qua em thức khuya học bài nên sáng nay dậy muộn.
Chị
cười hiền hậu:
-
Những hôm nào trễ thì cứ ghé chị, chị chở đi học.
Tôi
mừng như mở cờ trong bụng, thế là từ hôm đó ngày nào tôi cũng “ thức khuya, dậy
trễ ” và như vậy ngày nào tôi cũng được chị Kim chở đi học. Ngồi trên yên sau xe đạp của chị, tôi cố gắng
không dám cử động mạnh sợ chạm vào người chị, nhưng tôi phồng mũi hít hương
thơm từ tóc chị theo gió bay ngược lại.
Chị Kim không xức nước hoa, nhưng gội đầu bằng bồ kết pha với chanh nên
tóc chị có mùi thơm là lạ. Cho tới bây
giờ tôi vẫn nhớ mùi hương đặc biệt không đâu có, không nước hoa nào sánh bằng,
đó là mùi hương tóc của thiếu nữ Việt Nam.
Tôi
hay tìm dịp đến nhà chị chơi, khi thì đem cho chị mượn vài cuốn truyện, khi thì
nhờ chị giải đáp cho một bài toán khó, khi thì… chẳng có lý do gì cả. Lúc nào chị cũng vui vẻ tiếp đón, có khi
chúng tôi ngồi với nhau cả buổi, tỉ mẩn ngắt từng cái lá sâu của cây hồng tầm
xuân ngoài vườn. Chị Kim thích hoa lắm,
mảnh sân phía sau là chỗ phơi quần áo, không rộng lắm, thế mà chị đã chừa ra
hơn phân nửa đất để trồng toàn hồng. Mùa
hè, hồng trổ bông rực rỡ, chị thường ra vườn đứng ngắm cả giờ không chán, và
trầm trồ khen ngợi:
-
Đẹp quá, ngắm hoa thấy mát dịu cả tâm hồn.
Tôi
chẳng thấy mát dịu tí nào khi ở ngoài nắng như thế này, nhưng nhìn khuôn mặt
rạng rỡ của chị, tôi cũng thấy sung sướng. Vui theo niềm vui của chị, tôi hăng hái đi lấy thùng, xách nước tưới
cây, hai chị em vừa làm việc, vừa nói chuyện vẩn vơ. Một lần chị Kim hỏi:
-
Sau này lớn lên Phan sẽ làm nghề gì?
Bị
hỏi bất chợt, tôi lúng túng:
-
Em… em cũng chưa biết, nhưng chị, chị sẽ làm gì?
-
Chị à? chị chỉ thích làm cô giáo thôi, vì chị yêu nghề dạy học.
Tôi
vui vẻ nói liền:
-
Nếu vậy em sẽ làm học trò, học trò của chị.
Chị
cười:
-
Bộ Phan muốn là học trò mãi sao?
Được
dịp, tôi thố lộ:
-
Mãi mãi, nếu chị vẫn là cô giáo!
Mỉm
cười, chị đập nhẹ vào vai tôi, mắng yêu:
-
Điên hay sao, Phan? Con trai phải học giỏi, phải đi du học ngoại quốc,
phải trở thành bác sĩ, kỹ sư…
-
Em khác, em cũng muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng…
-
Nhưng sao?
-
Nhưng… em không muốn xa chị!
Thốt
xong câu “ tỏ tình ”, tôi xấu hổ, mặt mũi đỏ bừng không dám nhìn chị mà giả vờ
ngó đi chỗ khác. Chị Kim cười hồn nhiên,
lắc đầu không hiểu, có lẽ chị cho rằng tôi còn trẻ con hoặc dở hơi, chị đâu có
ngờ hình ảnh của chị đã ghi sâu vào tâm hồn của cậu trai mới lớn ngay từ phút
ban đầu. Không biết tỏ cùng ai, tôi đành gởi tâm
sự qua tiếng đàn.
Cuối
niên học đó chị Kim thi đậu tú tài toàn phần.
Chị mừng lắm, nhưng tôi lại buồn vì lòng tôi ích kỷ, tôi chỉ mong chị
rớt vì nếu đậu rồi, chị sẽ không còn học chung trường với tôi nữa. Tôi bùi ngùi nhớ tiếc những ngày được chị đón
đưa đến trường, lòng tôi quặn thắt, nhớ sao là nhớ, tiếc sao là tiếc… Trước khi
bãi trường, các lớp đều tổ chức một buổi tiệc mãn khoá, trao quà kỷ niệm. Nhân dịp này, tôi tặng chị Kim một bộ sưu tập
tem thơ mà tôi quí nhất đời, tôi xin chị một tấm ảnh và yêu cầu chị viết vài
trang vào tập “ lưu bút ngày xanh ” của tôi.
Chị Kim tặng lại tôi một quyển tập đầy những hoa ép khô rất khéo và mỹ
thuật chị tự tay làm lấy, chị dơ lên cho tôi xem vài bông phượng đỏ mới ép, nói
giọng buồn buồn:
-
Những bông phượng vĩ cuối cùng đời học trò của chị đấy!
Tim
tôi nao lên, cảm thấy như sắp đánh mất một cái gì quí giá, tôi ngó chị lom lom:
-
Tại sao thế? chị thôi học luôn à? chị không học lên nữa sao?
-
Có lẽ không, hoàn cảnh của chị học như vậy tạm đủ rồi. Chị nghĩ có lẽ chị phải đi tìm việc làm để
phụ thêm với mẹ chị, còn Phan ở lại, cứ tiếp tục học cho giỏi nhé?
Tôi
rụt dè:
-
Nhưng mà, chị Kim ơi! em… em
nhớ chị lắm!
Chị
vuốt tóc tôi:
-
Chị cũng vậy, thỉnh thoảng Phan cứ đến chơi, có ai cấm đâu nào?
Chị
không cấm, nhưng tôi vẫn không giữ chị được lâu, vì chỉ một năm sau chị Kim đã
có người yêu, đó là anh Thiện, một sinh viên năm thứ tư trường thuốc, chị quen
anh ta trong dịp hai người cùng đi dự một đám cưới. Anh Thiện hai mươi lăm tuổi, người cao lớn,
vẻ hoạt hoạt bát trí thức, sánh với chị ai cũng bảo xứng đôi. Nhưng tôi cảm thấy không ai đáng ghét hơn anh
Thiện, bởi vì tôi yêu chị Kim nên tôi ghen, tôi tìm những khuyết điểm của anh
Thiện để phóng đại lên gấp mười, tôi hỏi chị Kim:
-
Tại sao chị ưng anh Thiện? người gì cặp mắt lúc nào cũng nháy lia,
trông gian lạ.
Chị
hơi đỏ mặt:
-
Tại anh ấy cận thị, bỏ kính ra nó như vậy, chứ… đâu có…
Tôi
tức mình xổ cho một tràng:
-
Phải, đối với chị, cái gì của anh Thiện mà chả đẹp? ngay cả hàm răng
đứng trú mưa ba ngày không ướt của anh ấy, chắc cũng đẹp?
Chị
Kim giận lắm, cau mặt mắng:
-
Chị cấm Phan không được phê bình anh ấy kiểu đó.
-
Hừ! chị lú ruột rồi, động một tí là bênh.
Chị
tức tới phát nghẹn không nói được, một lúc sau mới thở dài:
-
Phan bậy lắm, lần sau không được nói năng như vậy nữa, chị giận.
Thấy
chị rơm rớm nước mắt, tôi hối hận và vội vàng xin lỗi chị.
Chị
Kim yêu anh Thiện lắm, chỉ cần nhìn nét mặt rạng rỡ và đôi mắt long lanh tình
tứ của chị mỗi khi nhìn anh ta, là tôi lại tức điên lên, nhưng không làm gì
được, tôi chỉ biết đau khổ cho sự yếu thế của mình.
Niềm
riêng dấu kín trong lòng, chẳng ai buồn để ý tìm hiểu tâm trạng của tôi, bởi vì
đối với chị Kim, với anh Thiện, với tất cả mọi người, tôi chỉ là một thằng
nhãi. Anh Thiện trước kia yêu chị Kim
say mê, nhưng không hiểu sao càng ngày anh càng lơ là dần, và chẳng bao giờ đề
cập đến chuyện cưới xin. Có lẽ anh cho
rằng anh là một thanh niên có địa vị - một ông bác sĩ tương lai - lại con nhà
danh giá, thiếu gì gái đẹp, nhà giàu chạy theo? còn chị Kim chỉ được cái nhan
sắc, nhưng nhà nghèo, lại mồ côi cha… Anh làm một con tính, suy xét thiệt hơn, anh
thấy là anh dại và anh rút lui từ từ, thưa dần đi lại. Có một lần anh hẹn, nhưng không đến, làm chị
Kim thở ngắn, thở dài, đi ra đi vào, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, sáu giờ, rồi
bẩy giờ, anh vẫn không đến… Chị Kim nhìn mâm cơm thịnh soạn chị mất công bỏ cả buổi chiều để trổ tài nấu
nướng, bây giờ đã nguội ngắt, chị tủi thân, ứa nước mắt khóc. Tôi đau đớn nhưng
đành nén lòng dỗ chị:
-
Chị đừng khóc nữa, chắc anh kẹt chuyện gì đó thôi. Hay là… chị để em đi tìm, em thử đến nhà anh
ấy xem sao nhé?
Chị
Kim tươi ngay nét mặt:
-
Ừ, phải đấy! Phan đi giúp chị xem sao? chị là con gái, đến nhà anh ấy
không tiện.
Thế
là tôi bèn lấy xe đạp, cắm cúi đạp gần năm cây số mới đến nhà anh Thiện để bắt
gặp anh ta đang tươi cười âu yếm với một cô gái khác. Thấy tôi đến, anh ngạc nhiên:
-
Gì thế Phan? có chuyện gì vậy?
Tôi
khều anh ra ngoài, nói nhỏ:
-
Anh quên là có hẹn với chị Kim sao? chị ấy đang đợi cơm anh ở nhà.
Anh
Thiện à lên một tiếng rồi vỗ trán:
-
Ừ nhỉ, anh quên mất thiệt.
Nhưng
rồi chợt liếc vào phòng khách có cô bạn đang ngồi, anh nói khẽ:
-
Nhưng anh kẹt rồi, anh lỡ hẹn sẽ đi coi xi nê với cô bạn kia.
Tôi
giận lắm:
-
Anh coi thường chị Kim quá, anh có biết chị ấy đang khóc lóc? chị ấy
chờ anh đã ba, bốn tiềng đồng hồ rồi…
Anh
Thiện nghiêm ngay nét mặt:
-
Giữa anh và chị Kim đã có gì ràng buộc đâu? Anh chưa hứa hẹn chi cả, anh coi Kim cũng như các cô bạn gái
khác.
À
ra thế, tôi chua xót nghĩ thầm và thương chị Kim vô hạn, chị đã yêu anh Thiện
với tất cả say đắm của mối tình đầu, chị hy vọng được cùng anh xây dựng gia
đình, chị mù quáng trong tình yêu vô vọng. Chị không biết rằng anh ta là một người tính toán, anh theo đuổi chị,
chỉ vì chị đẹp và tính anh thích đi chinh phục, nhưng cưới chị thì anh không
cưới, chỉ vì chị nghèo. Người vợ anh
cưới phải đem lợi lộc đến cho anh, không thể là một cô gái trắng tay như chị
Kim. Tôi bẽ bàng ra về, quên cả chào,
anh Thiện nói với theo:
-
Biểu với chị Kim tuần sau anh đến.
Tôi
muốn nói thẳng vào mặt anh “ đừng đến nữa, chị tôi không thèm, chị tôi không
cần cái bản mặt sở khanh của anh đâu. ”
Nhưng tôi đành im lặng, tôi không dám nói, tôi không đủ tư cách để nói,
bởi vì chị Kim không chiếm một vị trí nhỏ nào trong tim anh cả. Trở về nhà chị Kim, không nỡ để chị thất
vọng, tôi phải nói dối rằng không gặp anh Thiện và người nhà nói rằng anh phải
đi trực dùm cho một người bạn bị đau bất ngờ, chị Kim có vẻ yên lòng với lời
giải thích ấy. Nhưng lâu dần rồi chị
cũng hiểu vì càng ngày anh càng tỏ ra lơ là, và đã mấy lần chị bắt gặp anh ta
đang cặp tay dạo phố với một cô gái khá đẹp.
Chị Kim buồn, một cái buồn âm thầm nhưng da diết, chị không khóc, nhưng
thường ngồi im lặng hàng giờ, mắt nhìn xa vắng.
Mặc
dù trong thâm tâm, tôi rất hả hê về sự rút lui của anh Thiện, nhưng thấy chị
sầu não, tôi không đành lòng. Tôi lăng xăng bên cạnh chị, cố làm mọi cách cho
chị vui, tôi đem đủ thứ chuyện ở trường ra kể cho chị nghe, từ chuyện ông giáo
sư dạy toán, cận thị nặng, bị học trò dấu mất cặp kính, đến chuyện một tên học
trò bị kêu lên trả bài trong lúc đang ăn vụng, chuyện một nữ giáo sư trẻ trong
lúc đang giảng bài thì bị rơi mất hàm răng giả v..v.. Chị bật cười và quên buồn
trong chốc lát.
Ngoài
giờ phải đi học, chúng tôi quấn quít bên nhau suốt ngày, đó là thời kỳ tôi sung
sướng nhất, vì chị Kim chẳng yêu ai, chị chỉ có một mình tôi. Chị thường đến nhà để kèm cho tôi học, niên
học đó tôi luôn luôn đứng đầu lớp. Cha
mẹ tôi mừng lắm, còn tôi, tôi ước ao sẽ chẳng bao giờ chị Kim đi lấy chồng và
chúng tôi cứ sống bên nhau như thế này mãi, suốt đời… Ước mong của tôi chẳng bao
giờ thành sự thật vì đến năm tôi lên đệ tứ, sắp sửa thi trung học thì chị Kim
đi lấy chồng. Cái ngày mà tôi lo sợ đã
tới, chị Kim không thể sống mãi với mối tình tuyệt vọng, chị không thể yêu mãi
một người không xứng đáng, chị sợ tuổi xuân qua đi nên bằng lòng làm vợ một
thương gia đứng tuổi, do một đám mai mối.
Ông Hợp tuổi gần bốn mươi, giàu có, đứng đắn và chân thật, mới gặp chị
Kim vài lần đã tính ngay đến việc cưới hỏi, đám cưới sẽ rước dâu về tận Rạch
Giá. Thế là chị Kim đi lấy chồng, đột ngột và nhanh chóng tới nỗi tôi không kịp
chuẩn bị tinh thần để hiểu rằng từ đây chị sẽ xa tôi vĩnh viễn.
Ngày
chị lên xe hoa, tôi nằm nhà khóc xưng cả mắt.
Tôi buồn bã dở quyển
“
lưu bút ngày xanh ” đọc lại những dòng chị viết, ngắm lại mấy bông hoa phượng
ép khô ngày trước. Bao nhiêu kỷ niệm cũ
hiện về, từ ngày quen biết đầu tiên, những buổi sáng đón đưa nhau tới trường,
ba năm thân ái… tất cả đã đi vào dĩ vãng, tất cả sắp xóa mờ, sắp mất hết, chỉ
vì chị Kim đi lấy chồng! Tôi hờn dỗi gom
những bông hoa khô thành một gói, đem đến nhà chị quăng trả, chị nhìn tôi ngạc
nhiên:
-
Gói gì đó em?
-
Hoa phượng ngày xưa của chị đấy, em trả lại.
Chị
lắc đầu:
-
Phan trẻ con quá!
Tôi
giận dữ:
-
Em không trẻ con! Chính chị, chị
mới vô tình, chị không bao giờ hiểu được em đâu.
Chị
chỉ lắc đầu không nói gì cả, nhưng nhìn mắt chị, tôi biết chị không hiểu thật,
vì lúc nào chị cũng coi tôi như một đứa trẻ, những tình cảm chị dành cho tôi
chỉ là tình cảm của một người chị đối với đứa em trai nhỏ, chỉ có thế… Chị đi
lấy chồng, rồi đây sống cuộc đời bận rộn những bổn phận làm vợ, làm mẹ, liệu
chị có còn thì giờ nghĩ đến tôi? một thằng bé dở hơi như chị vẫn thường
nói. Riêng tôi, tôi vẫn ấp ủ hoài những
kỷ niệm thân thương ngày cũ, bóng dáng thân yêu của chị, và cả một quãng đời
quá khứ êm đềm đã đi sâu vào ký ức, không bao phai mờ cả.
Mười năm sau tôi mới gặp lại
chị Kim, bấy giờ chị đã có ba con, trông chị vẫn đẹp, nhưng già dặn hơn xưa,
còn tôi đã là một thanh niên trưởng thành.
Nhắc lại những kỷ niệm cũ, chúng tôi đều bùi ngùi nhớ tiếc dĩ vãng, chị
Kim bảo:
-
Chóng thật, mới dạo nào… Bây giờ Phan đã thành người lớn rồi.
Tôi
muốn nói “ chị không biết ư? em đã thành người lớn từ lâu rồi, từ dạo ấy, nghĩa
là từ ngày em biết yêu, em yêu chị… ” Nhưng tôi đã không nói, đừng nói thì đẹp
hơn, chị Kim chưa bao giờ hiểu, mãi mãi không bao giờ hiểu. Phải, chị hiểu thế nào được mối tình của cậu
bé mười ba tuổi?
Mười
năm sau nữa, tôi mới lấy vợ, một cô nữ sinh Trưng Vương rất đẹp và duyên dáng,
kém tôi tới mười tuổi (lại cũng con số mười định mệnh)
Những
buổi tối êm đềm, bên ánh đèn ấm cúng, chúng tôi thường nói chuyện ngày xưa khi
còn thơ ấu. Tôi kể cho Tâm Đan nghe mối
tình thuở học trò, nàng nghe xong không nói gì cả, nhưng nhân dịp hai vợ chồng
đi ăn cưới một người bạn của tôi, một đại uý phi công hào hoa phong nhã, nhưng
cứng rắn có tiếng, người đã từng anh dũng tuyên bố “ không bao giờ để mất tự
do, nghĩa là không bao giờ để lọt vào ổ phục kích của các bà .” Con người hiên ngang, cao gần thước tám, trên
không tung hoành, coi trời bằng vung, không sợ ai hết, bây giờ trông khốn khổ
trong khăn đóng áo dài, xì xụp lên bái, xuống bái trước bàn thờ gia tiên nhà
vợ, chỉ cốt để xin được bàn tay ngọc của một người đẹp cũng dân Trưng
Vương. Tâm Đan mỉm cười, kề tai tôi nói
nhỏ:
-
Thấy chưa? đứng trước nữ sinh Trưng Vương, anh hùng hào kiệt nào cũng
đều xếp giáp qui hàng hết, làm rể Hai Bà đâu phải dễ?
Thấy
tình cảnh của anh bạn, tôi bỗng chợt nhớ đến cái quá khứ chưa xa lắm, cái quá
khứ vẫn làm cho vợ tôi kiêu hãnh, đó là thời kỳ tôi theo đuổi nàng, cũng cực
khổ trần ai không kém, được dịp báo thù, tôi nghiến răng, xả hết nỗi uất ức:
-
Tưởng gì, các bà có điệu bộ cách mấy, rồi rút cục cũng bị chúng tôi xỏ
mũi dắt đi. Chiến đấu có gian khổ, thì
chiến thắng mới vinh quang. Bây giờ có
phải giả dại qua ải thật đấy, nhưng sau cùng, người thắng cuộc vẫn là chúng
tôi.
Tâm
Đan vẫn cười, một nụ cười rất đẹp - ôi nụ cười, một võ khí ghê gớm của đàn bà,
tự cổ xưa vẫn làm bao kẻ anh hùng phải xiêu hồn, lạc phách - Liếc nhanh mọi
người chung quanh, thấy không có ai chú ý, nàng bèn êm ái nhéo cho tôi một cái
đau điếng:
-
Chưa biết ai thắng, ai bại à nghe? người nào giả dại kiểu đó cũng thành
dại thiệt. Để coi!
Ấy,
chỉ có thế mà má bầy trẻ bắt đầu tuyên chiến.
Tối hôm đó, nàng đem hết mùng mền, chăn gối của tôi ra phòng khách, bắt
phải ngủ riêng:
-
Để xem ai cần ai cho
biết! Người chiến thắng không bao giờ
phải cầu lụy đối phương, hễ van xin là thua cuộc.
A! thì ra bà ấy định chơi trò trường kỳ kháng
chiến! Chơi thì chơi sợ gì? tôi nhủ lòng
nhất định không ngán. Nhưng tôi chỉ làm
gan được hai tuần, hai tuần mà sao lâu như hai thế kỷ? Sau cùng, chịu hết nổi cuộc chiến tranh lạnh
kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt, trong lúc đó địch thủ của tôi vẫn
phây phây ra vào, trông ngứa mắt không thể tả. Tôi bèn nén tự ái, hạ mình năn nỉ:
-
Thôi được, cho em thắng!
Tôi thua cuộc, nhưng trong lòng vẫn ấm ức, vì
thật ra giải quyết vấn đề ai thắng ai như vậy không công bằng, nghĩa là trong
thâm tâm, tôi vẫn không công nhận bà ấy thắng.
Nhưng thôi nhịn một tí cho vui cửa, vui nhà. Khổ nỗi, nàng không biết tôi nhịn, nên vẫn
kiêu hãnh với chiến công và vẫn tuyên bố rằng: việc cho giảng hoà là một “ việc
thiện ” để ban ân, bố đức cho địch thủ. Tôi
tức ấm ách mà cứ phải làm thinh, rõ là đàn ông chỉ mạnh về sức vóc bề ngoài,
chứ bên trong, lòng dạ ông nào cũng mềm yếu lắm, nhất là đối với phụ nữ. Xét cho cùng, nhường nhịn vợ chưa chắc đã là
dại, bởi vì các bà chỉ muốn dành phần
thắng, thì cứ cho các bà ấy thắng, mình thua nhưng có thiệt đâu? bởi vì mất cái
này, thì sẽ được cái khác bù lại. Sau
mỗi lần giận nhau, cuộc làm hoà nào mà chẳng đưa đến kết cuộc vui vẻ?
Bây giờ, sau mấy chục năm sống chung, ngồi tính
sổ đời, tôi phải công nhận rằng tôi đã ơn vợ tôi rất nhiều, vì những gì nàng đã
cho tôi. Trải qua bao nhiêu thăng trầm
của cuộc sống, nàng vẫn sát cánh bên tôi, chia xẻ ngọt bùi, an ủi khi tôi sa cơ
thất thế, nâng đỡ khi tôi vấp ngã, và… công ơn lớn nhất của nàng là đã sanh cho
tôi những đứa con, trai gái đủ cả, đứa nào cũng thông minh, xinh đẹp và giống
bố… Với đôi bàn tay nhỏ bé, yếu đuối, nàng đã góp sức với tôi cùng chèo lái,
đưa con thuyền bé nhỏ vượt qua bao nhiêu sóng gió, đến bến bờ hạnh phúc bình
yên. Vợ tôi là dòng suối mát mùa hạ, là
tình nồng ấm áp mùa đông, là người bạn đồng hành không thể thiếu, là tất cả
những gì quí giá nhất trên thế gian này.
Biết nói gì đây để tạ tình em? người bạn đường yêu quí ơi! xin cám ơn em
đã cho anh hạnh phúc lứa đôi, xin cám ơn em đã đi bên anh trong suốt cuộc đời.
PHƯƠNG - LAN
No comments:
Post a Comment