Sunday, August 5, 2018

Hà Nội trong mắt ai… Phạm Sanh PBC72


Mấy ngày này, người Hà Nội đang lội. Nhớ cảnh Hà Nội những năm sau 75 lúc chiếc xe u - oát bắt đầu vào Gia Lâm ngang qua cái cổng vòm kiến trúc Gothic ngồ ngộ của trường đại học Bách khoa nổi tiếng miền Bắc một thời, biểu tượng kết cấu tấm mỏng những năm 70. Nhớ mấy người bạn hiếm hoi chính gốc Hà Nội, mấy mươi năm vẫn nét ấy của người Hà Nội. Thấy khó viết làm sao.
Vào đến Hà Nội, lo xong chuyện ăn ở, là vội vã hỏi thăm đường đến mấy bờ hồ tràn đầy truyền thuyết thơ ca. Hồ Hoàn Kiếm có cái tháp rùa với đền Ngọc Sơn  hoang sơ cổ kính, muốn vào phải băng qua cây cầu Thê Húc, đậm gam màu chữ Nôm của cụ Nguyễn văn Siêu. “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thư đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”, người Việt mình cũng oai dữ và chả sợ đứa nào. Dạo bộ ven bờ hồ trong cái không khí se se lạnh, ngắm các búp hoa lộc vừng  đỏ tươi bé xíu đong đưa che phủ màn sương, theo đám đông người ngắm cụ rùa nổi lên hụp xuống… Kỷ niệm nhất là lần đầu gặp mấy cô bé Hà Nội tung tăng trong áo len mũ dạ đủ kiểu nhiều màu, mới nhìn thôi đã bị quát tháo “muốn gì” giọng Bắc rặt. Con gái ngoài đó dữ thiệt, không hiền như GH, MQ, HT… gốc Bắc lớp mình.

Xong Hoàn Kiếm, dạo đường Cổ Ngư “xưa” đầy hoa ban hoa phượng, xuyên qua Trúc Bạch Hồ Tây lăn tăn sóng vỗ, thăm đền Quán Thánh nhớ An Dương Vương, đến chùa Trấn Quốc nhớ Lý Nam Đế, Ông Cha xưa giữ nước quyết liệt thật. Mỏi chân, ngồi ăn bánh cóng Tây Hồ, nhìn và lại nhớ mênh mang về người Hà Nội.
Hà Nội còn nhiều hồ đẹp như Thiền Quang, Bảy Mẫu, Quảng Bá, Thành Công, Giảng Võ…, bởi cái tên Hà Nội đã nói lên phần nào, vùng đất giữa  các con sông, và  cái lý của vua Lý Thái Tổ khi dời kinh đô Hoa Lư về đất Thăng Long “… vùng đất cao ráo, nhiều sông hồ, sẽ không còn cảnh ngập lụt như ở Ninh Bình…”. Rất tiếc, đời Lý đời Trần lại làm đê sông Hồng, làm cho sông cao đê cao và Hà Nội thấp dần. Ý tưởng phá đê cũng đã xuất hiện từ đời Lý đời Trần, nhưng, chiến tranh nối tiếp chiến tranh, cả nghìn năm phải lo chống chọi từ phương Bắc, đến giai đoạn người Pháp vào, rồi 2 miền nội chiến, rồi đất nước hết đánh nhau…, Hà Nội vẫn đơn giản vô tư chiều chiều ra đê sông Hồng ngắm sông, nhìn cầu Long Biên trăm tuổi nhờ người Pháp xây dựng hay cầu Thăng Long “vĩ đại” kỷ niệm mối tình Xô Việt.

Chính cơn lốc “đổi mới” mất kiểm soát trong phát triển đô thị, cộng với lòng gian tham của con người, đã làm cho Hà Nội chìm lỉm. Người Hà Nội đã quên chống ngập, lấn chiếm lấp hồ, vội vã thay bằng những tòa nhà cao tầng cao vút, những khu đô thị tráng lệ vô hồn lẫn thiếu vắng tình người. Hà Nội phải mở rộng cho bằng người ta, thủ đô mà lỵ, ôm Hà Tây chưa đủ, lấy thêm một phần Hòa Bình Vĩnh Phú. Ngày kỷ niệm 10 năm, quan chức lãnh đạo ngồi trên cao mặt mày hớn hở, trái ngược cảnh người dân Thường Tín Quốc Oai trần truồng lặn hụp cả tuần lễ trong 2 mét nước, 7 ngày không dám tắm,  đến nay nước vẫn còn ngập đến nóc nhà. Mà cả làng biệt thự triệu đô Geleximco Hoài Đức của bọn nhà giàu cũng khóc, bốn bề nước ngập mênh mông. Hà lội, không vội được đâu. Đành bơi lòng vòng theo ông già Nguyễn Bính, nắng mưa là chuyện của Trời, tương tư là chuyện của tôi yêu bà…
Mà ở VN, đâu phải chỉ một mình Hà Nội được lội, Sài Gòn cũng xăn quần tới háng,  Đà Lạt Buôn Ma Thuộc trên cao Cà Mau Phú Quốc dưới biển đều trôi hết. Phá rừng lấp sông lấn biển, gian tham đủ kiểu thì Trời tru Đất diệt là điều dễ hiểu. Chỉ tội người nghèo, người vô tội, kể cả người ở đâu đâu. Vỡ đập thủy điện ở Lào vừa rồi, nhìn Google Earth, thấy rừng  Kontum bên mình trắng bóc. Lo cho người Lào chưa xong, thì bên mình, nhà dân thị xã Kỳ Anh xuống sông do xả lũ thủy điện Hòa Bình. Lấy đá vá Trời, vắt đất thay Trời làm mưa… những khẩu hiệu vô thần có phần nào hoang tưởng, làm người dân tưởng mình là Tề Thiên, cán bộ nghĩ mình lên Đại Thánh. Dân tứ xứ bạt núi phá rừng lấn sông lấp biển, cán bộ định cư xây biệt phủ thu tô, lờ đờ nghẻo đầu nhứt tôm… nị hảo. Trời Đất công bằng, mượn phải trả, các Tỉnh miền Tây, hà bá kéo nhà xuống sông, mấy Tỉnh trên cao miền Bắc, Sơn tinh lấp vùi cả xóm.
Chỉ tội cho dân tình, dân Rạch Giá lấn biển nhậu nhẹt từ trưa thì người Cà Mau biển lấn thức khuya tới sáng, ở Phan Thiết, Đức Long nở ra thì Tiến Thành nhỏ lại, quan chức chỉ đường đại gia phá rừng ăn gỗ thì người dân tộc chỉ còn lên mỏm núi hay vượt rừng qua Kampuchia. Thời nào cũng vậy, đời cha ăn mặn thì đời con khát nước, “đầy tớ” ăn trộm thì “chủ” chỉ có nước đi ăn mày. Thế giới chỉ có VN mới có cảnh bọn tham nhũng “trị” thằng tham nhũng, mới có trường đại học quốc gia Hà Nội đào tạo thạc sỹ phòng chống tham nhũng. Hết biết, con nít  từ nhỏ đã thấm đòn tham nhũng thì còn dạy ai cái nỗi gì. Miền Bắc còn ghê hơn, đi đẻ đã phải biết  lót tay rồi.
Đi tàu ra Nha Trang dạy học mới đây, giường nằm chung toa với mấy bà Bắc mới, ngang Bình Thuận chê nhà cửa đường xá gì mà lụp xụp xác xơ thế nào ấy, không bằng chị bằng em mấy tỉnh ngoài Bắc, toàn nhà lầu đường nhựa bóng ưởng. Bắt qua chuyện gái miền Tây làm biếng, thất học, chỉ thích lấy chồng Trung Quốc Đài Loan, sao bằng gái Bắc, lo học lo làm chỉ lấy chồng VN. Nghe mà buồn, thuế má bao nhiêu dồn về ngoài ấy, xây to ăn lớn. Học hành thi cử gì cũng ưu tiên thành phần giai cấp, con em cán bộ, lại còn chắc ăn, gian lận  nâng sửa điểm từ thi tốt nghiệp … Chấp hết đám giỏi miền Nam cũng không học lại con dốt của bà.
Nha Trang lúc này khách sạn lấp đầy con đường dọc biển, nghẹt xe nghẹt người Trung Quốc. Đi dọc đường Bạch Đằng tìm lại kỷ niệm xưa lúc nhỏ ra ở nhà Cậu Mợ, căn biệt thự vẫn còn, cũ kỹ, đang treo tấm biển bán nhà, chắc của chủ nhân mới một vị cán bộ nào đó. Tìm quán ăn đông người cho ngon, cũng gặp toàn người TQ. Gọi Grabbike, xuống Viện Hải dương, cũng gặp toàn TQ. Hèn chi cá đi hết, chỉ còn một con mao tiên, một con mao quỹ, ba con rùa biển, mấy con cá mập con. Trưa hè, ngồi ghế đá nghĩ chân dưới bóng mát hàng cây bàng già bên hông dãy nhà cổ kính người Pháp để lại, lại nhớ bạn. Người Nha Trang lâu quá vẫn chưa về. Chắc là không về nữa rồi. Xế chiều, lại bắt xe ôm ra ngã sáu nhà thờ đá mua mớ lan rừng quế trắng dã hạt Hòn Hèo về Sài Gòn chăm sóc cho vui. Không thích đi ăn bánh căn bánh xèo Tháp Bà nữa, xem mấy món ăn MQ đưa lên facebook đã thấy no bụng.
Sắp hết hè, phượng đỏ rụng gần hết. Lại lo chuyện học hành cho con cho cháu, cho bằng mấy đứa Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Ở Mỹ ở Tây vậy mà sướng, đỡ lo…
Phạm Sanh, 72PBC

No comments:

Post a Comment