Tượng Ðức Mẹ Quito trên El Panecillo Hill nhìn xuống phố cổ Quito. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Ecuador là một trong mười hai quốc gia của khu vực Nam Mỹ và có vị trí nằm ngay trên đường xích đạo trái đất; nên vì thế người ta đã lấy danh từ “Ecuador” đặt tên cho quốc gia này (tiếng Tây Ban Nha Ecuador có nghĩa là Xích Ðạo).
Ecuador giáp biên giới với Columbia về phía Bắc, phía Ðông và Nam giáp với Peru, và phía Tây là biển Thái Bình. Tuy nhiên, biên giới phía Tây lại kéo dài đến tận quần đảo Galapagos nằm cách đất liền cả ngàn cây số. Quito được chọn làm thủ đô suốt từ thời đế chế Inca còn ngự trị trên vùng đất này từ thế kỷ 16.
Quảng trường San Francisco nhìn từ tu viện San Francisco. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Sau đó phải nói đến là ngọn Cotopaxi nằm không xa lắm về phía Nam Quito, ngọn Cotopaxi được xem như là một trong các núi-lửa-đang-ngủ cao nhất thế giới với 5,897m. Vào những ngày đẹp trời, người ta thường hay bắt gặp hình ảnh đỉnh Cotopaxi rất đẹp với tuyết phủ quanh năm. Ðây cũng là một trong những trọng điểm du lịch cho những tay mạo hiểm leo núi. Ngọn Cotopaxi luôn gợi nhớ cho tôi đến ngọn Phú Sĩ của Nhật Bản, nhưng so về độ cao thì ngọn Phú Sĩ thấp hơn nhiều (chỉ cao 3,776m). Mặc dù tuyết phủ trên đỉnh Cotopaxi nhưng các tay leo núi vẫn có nhiều tham vọng chinh phục đỉnh Cotopaxi. Thường thì các chuyến leo núi của họ được khởi hành vào 2 giờ sáng từ một điểm sát chân núi. Tuy nhiên những tay leo núi này chắc hẳn phải có một sức khỏe rất tốt để chịu đựng khi leo núi ở một độ cao gần 6 km. Tôi đã hai lần chinh phục đỉnh Phú Sĩ (gọi là chinh phục cho ngôn từ có vẻ ghê gớm chứ thực ra là mình đi bộ lên núi), nhưng nhìn ngọn Cotopaxi với độ cao của nó cũng phải e dè chùn chân.
Quảng trường Independence (còn gọi là Plaza Grande). (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi đã từng đến Base-camp dưới chân của Hy Mã Lạp Sơn, chỉ mới độ cao 5.2km thôi mà đã thấm đòn “thiếu dưỡng khí.” Có qua cầu rồi mới biết cái quí giá của từng hơi thở Oxyzen, của từng giây phút thiền định. Tất cả các ước muốn thèm khát của con người duy nhất lúc ấy chỉ còn Oxyzen. Nhớ lại thể nghiệm đã qua và nhìn đỉnh Cotopaxi, chợt cảm thấy “lạnh” chân vì những yếu tố thời gian cần thiết lúc đi lên và đi xuống. Những người leo đỉnh Cotopaxi phải lên đến đỉnh vào khoảng 6-7 giờ sáng và phải xuống ngay trước khi biển mây kéo về ôm trọn ngọn Cotopaxi vào lòng. Tôi đã chứng kiến nhiều lần toàn cảnh ngọn Cotopaxi, tuyết phủ trắng đỉnh núi bên cạnh bầu trời xanh mây trắng vào các buổi sáng sớm tinh sương nhưng chỉ đến khoảng 9-10 giờ sáng là biển mây kéo về che khuất Cotopaxi. Nếu bạn đi chậm, xuống núi không kịp thì rất là nguy hiểm. Có ai muốn thử leo đỉnh Cotopaxi xin cho tôi được tháp tùng!
Tu viện San Francisco. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng đến Quito, trước khi du khách muốn thử sức với Cotopaxi thì
chắc chắn một điều là phần lớn du khách sẽ lên ngọn núi Ruco Pichincha
vì đây là một trong những điểm du lịch chính của Quito. Ngọn Ruco không
cao lắm và sừng sững ngay bên cạnh thành phố, chỉ cao khoảng hơn 4.5km
thôi. Du khách có thể đến chân núi và đi lên núi mất khoảng 3 tiếng đồng
hồ hoặc có thể dùng Telefériqo cablecar lên núi chỉ mất chừng hơn 10
phút. Tuy nhiên ở một độ cao trên 4km bạn cũng có thể cảm thấy nhức đầu
đôi chút, chóng mặt hay cảm thấy khó chịu, nhưng đó là sự bình thường.
Du khách chỉ cần hít thở đúng nhịp là cảm thấy dễ chịu lại ngay. Cable
car đưa bạn đến gần đỉnh núi, ở đây người ta có làm một con đường mòn
cho ai muốn đi sát đến gần đỉnh Ruco. Tôi cũng chưa có dịp đến đỉnh núi
vì khi muốn lên thì biển mây đã dần kéo đến. Nhìn mây thì quả thực là
hình ảnh rất đẹp, rất thơ mộng. Nhưng khi nhìn thấy biển mây kéo đến thì
nét thơ mộng đó nhường chỗ lại cho sự sợ hãi và lo âu. Ðứng từ trên độ
cao này, du khách có dịp quan sát cảnh sắc của thành phố Quito dưới
chân, một thành phố nhỏ bé so với cái không gian của tạo hóa. Các ngọn
núi lửa vây quanh, mây bay vần vũ quanh mình, cái lành lạnh của độ cao,
ánh nắng mặt trời lúc ẩn lúc hiện sau các kẽ mây tạo thành một cảm giác
rất lạ cho người du khách. Có đứng ở đây mới cảm nhận được cái nhỏ bé
của con người trước uy lực của tạo hóa quanh mình.
Múa trên đường phố cổ cuối tuần. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhà thờ La Compania Church, một bảo vật của Quito. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Ðứng đâu trong khu phố cổ người ta vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh Ðức Mẹ với đôi cánh thiên thần ngước nhìn nhân thế dưới chân. Nơi tượng Ðức Mẹ dựng được xem như điểm khởi đầu con phố chính Garcia Moreno St. của khu phố cổ. Con đường này chạy thẳng hàng đến nhà thờ Basilica del Voto Nacional nằm cuối đường, đoạn đường dài cả đến 2km. Các đất nước Nam Mỹ trong thế kỷ 20 đã lần lượt cho xây dựng các tượng Chúa và Ðức Mẹ theo các phong cách riêng, hợp với niềm tin của từng thành phố, và tất cả đều trở thành các điểm du lịch ngày nay.
Tuy nhiên, ngôi nhà thờ La Compania Church gần bên quảng trường Ðộc Lập (Independent Square) mới được xem là một bảo vật của Quito. La Compania Church được kiến trúc theo phong thái Baroque, trang trí mạ vàng bên trong nhà thờ đẹp và sang trọng đến nỗi UNESCO đã tuyển chọn là 1 trong 100 building quan trọng trên thế giới.
Một góc thành phố Quito với nhà thờ Bacilica del Voto Nacional. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhà thờ bắt đầu được xây dựng từ năm 1605 và đến năm 1745 mới hoàn thành, thời gian kéo dài đó đã cho phép kiến trúc của nhà thờ được hoàn thiện hơn. Những thiên tai động đất (lần gần nhất vào năm 1987) cũng đã ảnh hưởng không ít đến kiến trúc nhà thờ. Tuy nhiên, chính quyền Quito đã kịp trùng tu để giữ ngôi nhà thờ không bị sụp đổ. Vào thăm nhà thờ, du khách có thể chụp hình bên ngoài nhưng không được phép chụp hình bên trong.
Teleférico Cablecar và thành phố Quito nhìn từ Ruco Pichincha Mountain. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Cuối
cùng, tu viện San Francisco, quảng trường Independence (còn gọi là
Plaza Grande), Santo Domingo Church, the Carondelet Palace cũng là những
điểm kiến trúc và văn hóa khác của Quito dành cho những du khách muốn
tìm hiểu thêm về thời thực dân Spain trên đất nước Ecuador. Hơn thế nữa,
Quito là một trong những trọng điểm du lịch khi vùng đất này trở thành
điểm khởi đầu con đường xích đạo của trái đất mà tôi đã có dịp viết vào
kỳ báo trước (Middle of the World). Có lẽ chính vì thế mà Quito được
UNESCO công nhận là di sản của thế giới rất sớm (1970) và cho thành phố
này một biệt danh “Light of America.”
No comments:
Post a Comment