Monday, October 16, 2017

Ngủ phi trường - Huy Lâm

Đi du lịch bằng đường hàng không có một tiện lợi không gì bằng là nhanh, nhất là khi cuộc sống càng ngày càng trở nên bận rộn tíu tít và thì giờ rảnh rang ngày lại càng teo lại. Thế nhưng đi máy bay lại là một việc hết sức nhiêu khê: ngoài phải xếp hàng qua cổng an ninh bị rà soát thật kỹ, hành khách còn phải trải qua rất nhiều thủ tục từ kiểm tra giấy tờ, soát vé, gửi hành lý v.v…Thế nên, đi chơi hay đi du lịch mà phải đi bằng đường hàng không là chuyện chẳng đặng đừng nếu như không còn phương tiện nào khác. Đã thế, gặp hôm thời tiết xấu, trời giông bão sấm chớp hay máy bay có trục trặc thì thế nào chuyến bay cũng bị đình chỉ hay, tệ hơn nữa, bị huỷ bỏ, và điều này có nghĩa là hành khách phải đợi đi chuyến khác – nhanh thì cũng mất nửa ngày, còn chậm thì có người phải chờ qua đêm ở phi trường..

Người thì mệt mà phi trường thì thông thường chẳng có món ăn chơi nào hấp dẫn để giết thì giờ. Vậy, hành khách phải là gì cho hết những thì giờ trống trải để chờ chuyến bay tới đây. Cách giết thì giờ hiệu nghiệm nhất là ngủ. Nhưng ngủ ở đâu? Những hàng ghế để hành khách ngồi ở phi trường thì không cách gì có thể thoải mái cho bằng chiếc giường hay thậm chí cái ghế sofa ở nhà được? Do đó trước đây, hành khách chỉ có thể tìm một góc khuất nào đó ngủ gà gủ gật, mơ mơ màng màng, và nhiều khi giật mình vì tiếng động ở xung quanh. Nhưng nay hành khách có thể tìm được một giấc ngủ yên lành tĩnh lặng ngay giữa phi trường rồi vì nhiều phi trường đang mang đến cho khách hàng một dịch vụ rất mới: đó là cho mướn chỗ ngủ ở phi trường.

Ở Đức, hai phi trường Berlin và Munich hiện đang có dịch vụ cho mướn chổ ngủ có tên là NapCity. Khách hàng có thể mướn một phòng nhỏ và trả theo giờ, trong đó có đặt một chiếc giường đủ cho một người nằm và một chiếc bàn cũng thật nhỏ để khách hàng có được một nơi riêng tư tĩnh lặng ngay giữa một phi trường đầy huyên náo để ngủ hoặc làm việc.. Sắp tới đây, NapCity sẽ đưa dịch vụ này sang Mỹ, do đó trong tương lai gần, những ai tới phi trường mà gặp thấy những căn phòng bé tí cho thuê theo giờ thì cũng đừng tỏ ra quá ngạc nhiên.

Tuy nhiên, NapCity không phải là dịch vụ cho mướn chỗ ngủ duy nhất ở phi trường Mỹ trong thời gian sắp tới đây. Hiện có ít nhất bốn công ty cũng đang ráo riết tìm chỗ ở bên trong cổng phi trường để đặt những chỗ ngủ cho mướn này. Nó có thể là một căn phòng bé xíu hay có thể là một chiếc hộp kiểu như cái kén để khách có thể chui vào nằm trong đó. Một trong những công ty này có tên Minute Suites LLC, đang có dịch vụ cho mướn chỗ ngủ tại những phi trường ở Atlanta, Dallas-Fort Worth, và Philadelphia, với phi trường tại Charlotte, North Carolina, sẽ khai trương vào cuối năm này. Phi trường Dulles tại thủ đô Washington cũng đang xem xét và có thể sẽ đưa dịch vụ này đến với hành khách của phi trường vào năm tới.

Trong khi đó tại Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hành khách chờ bay ở hai phi trường Abu Dhabi và Dubai có thể mướn một loại ghế ngủ của công ty GoSleep, trả mỗi giờ $14. Những chiếc ghế nàycó thể kéo ra thành giường với màn che bên trên để khách hàng có thể kéo lên cho kín đáo và có chút bóng tối cho dễ ngủ. Ở phi trường quốc tế Dubai, hành khách còn có thể nâng cấp, mướn hẳn một phòng của công ty Snooze Cube.. Đây là loại phòng ngủ mini vừa đủ chỗ cho một chiếc giường nhỏ và hành lý; khách hàng trả $21 cho mỗi hai tiếng, đủ thời gian cho một giấc ngủ ngắn, hoặc mướn luôn một phòng ngủ của Sleep ‘N Fly cho cả gia đình với một chiếc giường đôi và có thể kéo ra thêm một chiếc giường nhỏ cho trẻ em với giá $60 cho hai tiếng ban đêm.

Mùa hè năm nay, một công ty có tên izZzleep cũng vừa khai trương loại dịch vụ mướn chỗ ngủ này tại phi trường Mexico City, với giá cả khá nhẹ nhàng – từ $8 một tiếng đến $34 cho nguyên đêm. Công ty Yotel Ltd., có trụ sở tại thành phố London, cũng cho mở dịch vụ YotelAir tại bốn phi trường ở Âu châu, với dịch vụ tại phi trường Changi Singapore sẽ khai trương vào đầu năm 2019. Giống như NapCity, Yotel cũng hy vọng mở rộng dịch vụ của họ ở những phi trường bên Mỹ trong tương lai gần..

Càng ngày càng có nhiều người dân trên thế giới chịu đi du lịch và cần đến dịch vụ đi máy bay thì các phi trường cũng phát triển và mở mang thêm. Càng có nhiều hành khách thì càng có thêm nhu cầu, và nhu cầu đẻ ra dịch vụ, trong đó chắc chắn có những dịch vụ mới mẻ như cho mướn chỗ ngủ ở phi trường.

Mướn chỗ ngủ ở trong phi trường mặc dù còn là ý tưởng lạ nhưng đáp ứng được nhu cầu của nhiều hành khách, nhất là trong khi hành khách phải chờ lâu ở phi trường mà cơn buồn ngủ bỗng dưng ập đến thì khổ biết chừng nào và lúc đó người ta sẽ không ngại tốn tiền. Tuy nhiên đến nay, nếu tìm ở những phi trường quốc tế thuộc loại nhộn nhịp nhất thế giới – từ New York City, Los Angeles, Toronto đến Madrid hay Zurich – hành khách vẫn không thấy dịch vụ cho mướn chỗ ngủ theo giờ này. Lý do thì có nhiều, nhưng có lẽ là vì những công ty du lịch còn chần chừ chưa muốn đầu tư vì chưa biết lời lỗ ra sao. Đầu tư mở một quán rượu, một tiệm nước hay nhà hàng ở một phi trường đông hành khách thì có phần ăn chắc hơn là những dịch vụ như phòng tập thể dục hay cho mướn chỗ ngủ – và thông thường thì các phi trường lại còn đòi chia tiền lời nữa.

Mặc dù ngành kinh doanh này còn mới mẻ và sẽ còn phải cố gắng vượt qua một số trở ngại để có thể thành công, nhưng cũng có công ty như Minute Suites cho biết công việc kinh doanh của họ chạy khá đều. Tuy nhiên, công ty đã phải linh động về giá cả, điều chỉnh giá tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi của khách hàng – khi bận rộn thì giữ giá nhưng lúc vắng thì phải chấp nhận hạ giá để lôi kéo khách hàng – một công thức làm ăn căn bản mà ngành kinh doanh nào cũng cho áp dụng. Công ty Minute Suites còn nhắm mở dịch vụ ở những cổng phi trường có những chuyến bay quốc tế hay nơi có nhiều hành khách đổi máy bay. Với một phòng khá rộng ngay trong phi trường Dallas-Fort Worth, giá là $32 một giờ và ngủ qua đêm là $140; mới nghe có vẻ hơi mắc nhưng tính ra vẫn rẻ hơn $100 so với một phòng tại khách sạn Hyatt Regency cũng nằm trong khu vực phi trường.

Mô hình kinh doanh của công ty Minute Suites không chỉ nhắm vào hành khách của những chuyến bay bị trễ hay những chuyến bị huỷ bỏ mà còn nhắm vào các chiêu đãi viên và phi công là những hành khách cũng cần tạt vào để chợp mắt một hai tiếng trước khi bay tiếp.

Ý tưởng về một chỗ ngủ tạm nhỏ vừa đủ một người nằm thực ra không hẳn là một ý tưởng mới mẻ cho lắm. Người Nhật đã từng đi tiên phong trong khái niệm về một chiếc hộp ngủ từ gần nửa thế kỷ trước nhắm vào những nơi đô thị đất chật người đông, hay gần những quán rượu để người say xỉn ghé vào ở tạm qua đêm chờ sáng hôm sau thì về nhà, hoặc tại những ga xe lửa cho những khách nào lỡ trễ chuyến xe.

Loại khách sạn hộp (capsule hotel) để ngủ tạm này lần đầu tiên được mở ra tại thành phố Osaka năm 1979. Sau Nhật, một số nơi khác ở Á châu như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ gần đây cũng đã cho mở dịch vụ này, và có thể nói loại khác sạn này ở một số nơi với những tiện nghi được rút xuống tới tận cùng căn bản là chỉ gồm duy nhất một chiếc nệm và một chiếc gối. Tuy nhiên, với những thứ căn bản đó thì vẫn có thể gọi là vẫn còn tiện nghi chán. Nghe nói ở Việt Nam một thời gian sau 30 Tháng 4 có dịch vụ cho thuê chiếu ở bến xe đò để những người lỡ độ đường hay vô gia cư có thể đến đó thuê ngủ đỡ qua đêm rồi đến sáng thì lại trả về cho chủ. Người đến sớm thì may ra còn chiếc chiếu lành chứ đến trễ thì chiếu rách cũng phải chịu.

Riêng ở các phi trường Mỹ, những chỗ cho mướn để ngủ tạm được thiết kế ngon lành hơn và đương nhiên là cũng rộng rãi hơn. Bên trong được trang bị với giường, gối, và chăn mền. Một phòng ngủ của Minute Suites còn có hệ thống âm thanh gắn bên trong tường và có tiếng nhạc nhẹ để ru ngủ khách hàng. Một số phòng thậm chí đủ rộng để có thêm chiếc bàn nhỏ và ghế ngồi.

Những phòng hay “hộp” ngủ tạm này ở một số nơi còn có máy truyền hình và khách có thể sử dụng làm máy vi tính, có hệ thống Wi-Fi, máy xạc pin cho điện thoại di động và ổ cắm điện. Tuy nhiên có lẽ đây là những thứ bày vẽ thêm của người Mỹ chứ ý tưởng ban đầu của dịch vụ này căn bản là để đáp ứng nhu cầu cần ngủ của hành khách ở phi trường. Và khi có được một giấc ngủ ngon, đậm và sâu rồi thì giường nệm hay giường tre cũng giống nhau thôi. Quan trọng nhất là chỗ ngủ phải sạch sẽ và an toàn.

Nay mai nếu có phải sử dụng phương tiện đi máy bay và nếu không may bị lỡ chuyến thì hành khách cũng không còn phải lo lắng không có chỗ ngả lưng khi cần và nhất là bớt cảm thấy bơ vơ ở một phi trường thường luôn vắng tanh vào ban đêm.  

Huy Lâm

No comments:

Post a Comment