Trong lịch sử khẩn hoang ở
Nam bộ, sự đóng góp của người Minh Hương và người Hoa từ xưa đến nay về
kinh tế, văn hóa thật là to lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt nam trong
lịch sử có gốc Minh Hương, từ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Võ Tánh,
Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, Phan Xích Long… đến những
nhân vật có tên tuổi trong văn hóa nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh,
Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, Lý Lan. Họ đã hòa nhập thành người Việt.
Đã có nhiều tư liệu viết về Mạc Cửu và xứ Hà Tiên, với văn học Hà
Tiên độc đáo, đỉnh cao của người Minh Hương đến khai khẩn Nam bộ. Bài
viết chú trọng về người Minh Hương và người Hoa ở những vùng khác trên
Nam bộ, chủ yếu là vùng Đồng Nai-Gia Định.
Những nhân vật tiên phong khai phá.
Ngoài Hà Tiên, thì nơi phát triển đầu tiên của người Minh Hương là xứ
Đồng Nai, gồm Cù lao Phố, Biên Hòa, Bến Nghé-Chợ Lớn. Nông Nại đại phố
tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai. Đồng Nai âm theo tiếng Quảng Đông là
Nông Nại.
Một trong những người đến cùng thời với Trần Thượng Xuyên hay còn gọi
là Trần Thắng Tài là ông nội của Trịnh Hoài Đức từ tỉnh Phúc Kiến.
Trong miếu Quan Đế ngày nay, ông có tên trong danh sách những người sáng
lập ra miếu này ở Cù lao Phố năm 1684. Miếu Quan Đế Chùa Ông hiện nay
vẫn còn và là miếu thờ cổ nhất ở Nam bộ. Cha của Trịnh Hoài Đức sau đó
cũng góp công vào hương khói của chùa Quan Đế.
Trịnh Hoài Đức lúc thiếu thời học với Võ Trường Toản. Tư liệu quí giá
và phong phú nhất về lịch sử khai khẩn Nam bộ là quyển Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức. Trong đó, Trịnh Hoài Đức viết về Cù lao
Phố như sau:
“Nông Nại (tức Đồng Nai) đại phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai
phá, tức Trần Thắng Tài chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố
xá mái ngói tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc
dài 5 dặm, chia và vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng,
đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lát gạch xanh, đường rộng bằng
phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu, ấy là
một chỗ đại đô hội mà những nhà buôn bán giàu có ở đây là nhiều nhất hơn
thảy những nơi khác”.
Cù lao Phố trở thành một cảng quan trọng đầu tiên của Nam bộ, đón
nhận thương thuyền nước ngoài, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm từ khi Trần
Thượng Xuyên đến với quân đội, suy thoái từ khoảng 1775, tức là khoảng
sau 90 năm, để nhường cho Chợ Lớn, Bến Nghé Sài Gòn sau này. Trước khi
Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn đưa đến cù lao Phố, đã có người Việt
từ miền Trung đến ở núi Dinh (Mô Xoài) vùng Bà Rịa từ năm 1658 và vùng
Long Thành. Nhờ vậy, khi Trần Thượng Xuyên đến cù lao Phố đã có dân
Việt, dĩ nhiên người dân tộc như người Mạ, người Khmer, Chăm cũng tới
lui trao đổi hàng hóa.
Trần Thượng Xuyên đến mang theo gia đình cùng với quân sĩ , nhiều
binh sĩ này vẫn tiếp tục cầm vũ khí theo đuổi binh nghiệp nhưng một số
lập nghiệp tại vùng đất mới. Sau một thời gian, thêm một số cư dân và
thương gia đến sau, với vốn liếng để lập chợ. Cù lao Phố trở thành cảng
sầm uất xuất nhập khẩu, với kho dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng
hóa thâu mua từ nhiều nguồn của cư dân sống trong vùng Đồng Nai như lâm
sản, ngà voi, nai, heo rừng, sừng tê giác…
Nguyễn Hữu Cảnh, do chúa Nguyễn gởi vào sau này để cai quản vùng đất
mới, đến Cù lao Phố ngay lúc cù lao với cảng đang hưng thịnh, nhưng trụ
sở hành chánh và đồn binh đặt ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Hữu Cảnh vào cù lao
Phố với thủy quân. Khi ông mất ở Rạch Gầm, quan tài được đưa về Cù lao
Phố, rồi từ đấy về miền Trung theo đường thủy, chôn ở quê ông là Quảng
Bình. Chứng tỏ Cù lao Phố lúc đó là cảng quan trọng, sầm uất nơi cập bến
của tàu bè khi đi và đến Đồng Nai, cửa ngõ của Nam bộ. Hiện nay ở Cù
lao Phố còn đền thờ mộ tượng trưng của Nguyễn Hữu Cảnh, do dân chúng
thiết lập để nhớ ơn ông.
Cù lao Phố bắt đầu suy thoái khi lưu dân xuống vùng đồng bằng sông
Cửu Long càng nhiều, biến vùng Mỹ Tho và các vùng phụ cận thành nơi sản
xuất lúa gạo, cây trái, thủy sản lớn nhất của miền đất mới Gia Định –
Đồng Nai. Hơn nữa Cù lao Phố thiếu hàng hóa đưa ra ngoài vì lâm sản dần
dần ít đi và không còn là sản phẩm chính cần ở thị trường. Nhiều thương
gia lần dời xuống Sài Gòn-Chợ Lớn để mua bán. Nguồn lúa gạo dồi dào của
đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu dư để xuất đi nhiều nơi ở Đàng Ngoài và
nhiều nơi khác, mà lúa gạo là nhu yếu phẩm chính.
Cù Lao Phố tàn lụi và chấm dứt khi quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đến
tấn công, đốt phá phố cù lao và giết rất nhiều người Minh Hương trong
vùng. Đại Nam nhất thống chí ghi rõ quân Tây Sơn đến “dỡ lấy hết nhà
cửa, gạch đá của cải chở về Quy Nhơn, từ đời Gia Long trung hưng tuy
người ta có trở về, nhưng trăm phần chưa được một”. Những người sống sót
đều chạy xuống vùng Bến Nghé và Chợ Lớn lập phố xá và chợ mới gần chợ
Tân Kiểng. Từ đó Chợ Lớn càng trở nên phát triển hơn và là trung tâm
thương mại ở Gia Định và miền Nam. Thương thuyền khắp nơi vào buôn bán
và chở sản phẩm như lúa gạo đi các vùng và các nước như Trung Quốc và Mã
Lai.
Năm 1822, khi người Anh ỏ Bengal (Ấn Độ) và Singpapore gởi ông John
Crawfurd vào Gia Định gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt để tìm hiểu về thương
mại, Crawfurd có viết về Chợ Lớn lúc đó gọi là Sài Gòn và Bến Nghé như
sau:
“..Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé).
Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều
mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú
hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà
chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng
[…] Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông
An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng
trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông
nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ
và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không
khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất
nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại
rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu
kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây […] Ở đây chúng tôi mua được
rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật
đẹp.”
Cũng theo Crawfurd thì ở Chợ Lớn nhà cửa của thương gia Trung Hoa đồ
sộ hơn nhà cửa của người Việt nhiều. Đang khi John Crawfurd đi thơ thẩn,
ba gia đình Trung Hoa loại khá giả nhất đã ra cửa mời ông vào chơi.
Nếu cảng Cù lao Phố vẫn còn thì đây là khu phố cổ thương mại thứ hai ở
Việt Nam sau phố cổ Hội An, được thành lập với sự đóng góp lớn của
người Hoa. Cách đây 14 năm (1993), mộ tướng Trần Thượng Xuyên được khám
phá nằm ở Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cạnh hữu ngạn sông Đồng Nai, mà tôi
có dịp đến thăm. Đình Tân Lân ở thành phố Biên Hòa, cạnh cù lao Phố, là
nơi thờ tướng Trần Thượng Xuyên có sắc phong của vua Minh Mạng. Được
xếp hạng là một di tích lịch sử văn hóa. Đình ở vị trí rất đẹp, trước
măt đền là sông Đồng Nai với cây cổ thụ lớn ngay cạnh sông. Tân Lân là
tên gọi của vùng bên phía chợ Biên Hòa nơi tướng Trần Thượng Xuyên xưa
kia đóng quân, sử ghi là xứ Bàn Lân, sau đổi là Tân Lân. Bàn Lân có thể
là do chữ Bằng Lăng nói trại ra. Cây bằng lăng là cây bản địa, mọc rất
nhiều trước đây trong vùng Đồng Nai và Gia Định. Hiện nay cây bằng lăng
còn có thể tìm thấy trong các rừng còn lại ở Đông Nam bộ (như rừng Cát
Tiên) và một vài tỉnh ở Tây nguyên (Lâm Đồng, Dak Lak).
=> Văn hóa người Minh Hương.
Có thể thấy được sinh hoạt văn hóa sinh động của người Hoa trước đây
và hiện nay thì không có gì hơn là đến khu Chợ Lớn. Tôi đi cùng với một
người bạn gốc Hoa vào Chợ Lớn thăm viếng các nhà văn hóa người Hoa.
Trong Nhà truyền thống góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (xưa
gọi là đường Cây Mai) thường có triễn lãm và các hình ảnh xưa ở Chợ Lớn
cùng các sản phẩm mỹ thuật. Nhà Truyền thống trước đây là nhà hát Tam Đa
của người Hoa trong vùng. Cạnh nhà truyền thống ở số 137 đường Triệu
Quang Phục là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc, chủ yếu là của
người Hoa. Trụ sở là Hội quán của chùa bà (Thiên Hậu) cho mượn. Chùa
Thiên Hậu nằm ở góc đường Nguyễn Trãi và Triệu Quang Phục. Đường Triệu
Quang Phục xưa là đường Canton (Quảng Đông) trong thời Pháp và là trung
tâm Chợ Lớn. Phim “Người Tình”, phỏng theo tự truyện ‘L’Amant‘ của nhà
văn nữ Pháp Margurette Durras, được quay ở đường này. Nhà Xã Tây ở cạnh
đây (gọi là Xã Tây vì là tòa nhà hành chính của Pháp chuyên lo chuyện
nhập, xuất cảnh và giấy tờ). Vùng này ngày xưa cũng được gọi là Minh
Hương xã.
Anh Trần Đại Tân, người Triều châu, quê ở Sóc Trăng là người biết
nhiều về lịch sử người Minh Hương ở Nam bộ. Anh Tân tặng tôi quyển sách
của anh viết về người Hoa ở Nam bộ. Nói chuyện về các địa lý và phố xưa
cũng như các người Hoa danh tiếng trong lịch sử và hiện nay, như Trần
Thành trước đây và Lý Ngọc Minh hiện nay. Hoạt động của Hội gồm hội họa,
thư pháp, nhiếp ảnh, xuất bản văn học. Ngoài ra còn có ban bảo trợ văn
hóa người Hoa, với chi hội ca múa nhạc có trụ sở là nhà văn hóa Quận 5,
gần Đại Thế giới, đường Trần Hưng Đạo.
Từ hội quán, chúng tôi đi bộ đến thăm chùa Thiên Hậu do người Hoa
Quảng Đông xây dựng, rất nhiều du khách nước ngoài viếng thăm. Kiến trúc
chùa rất đẹp với các tượng trên nóc, mái chùa bằng sành sứ rất công phu
và các tranh khắc trên tường là những tuyệt tác rất trang nhã của nghệ
thuật người Hoa. Cạnh chùa Thiên hậu là đền Tam Sơn, trên đường Triệu
Quang Phục, của người Phúc Kiến (Phúc Châu), nơi đây thờ Ngọc Hoàng,
Quan âm, Quan công.., không có chữ quốc ngữ chỉ có chữ Hán trong và
ngoài đền. Theo anh Tân, thì kế bên đền Tam Sơn, xưa kia có Thất phủ cổ
miếu, nhưng đã bị phá đi, hiện nay là xí nghiệp in, chỉ còn lại một bức
tường. Đây là một mất mát văn hóa to lớn.
Đến Đình Minh Hương Gia Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo, gặp lại bác
Vương Quang Tâm, hiện nay là người cai quản đình mà năm trước tôi có
đến. Đình là tòa nhà cổ nhất Sài Gòn, xây năm 1789, được công nhận là
một di tích lịch sử. Năm 1698, ở vùng này đã hình thành nên làng Minh
Hương ở Gia Thạnh, làng Minh Hương còn để lại câu ca dao
“Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng.
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương”.
Lần trùng tu cuối cùng của đình là vào năm 1921. Trong đình, bên phải
thờ Trần Thượng Xuyên (có 2 di ảnh tướng Trần Thượng Xuyên) và Nguyễn
Hữu Cảnh, bên trái thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Gia Tịnh. Cạnh đó là 1
chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và chuyển tên từ làng
thành đình. Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16/1. Sau chánh
điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời). Đình Minh
Hương Gia Thạnh cũng là nơi tề tựu, gặp gỡ của nhóm Bình Dương thi xã,
sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, với nhiều
nhân sĩ đến đây để ngâm thơ, xướng họa vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ
19.
Chùa Giác Lâm là ngôi chùa thuộc loại xưa nhất Sài Gòn. Chùa nằm ở
Phú Thọ Hoà kế quận 5 (nay là đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình), vẫn
còn giữ nguyên không thay đổi nhiều sau bao năm từ lúc thành lập. Chùa
được cư sĩ người Minh Hương tên là Lý Thụy Long xây dựng vào năm 1744 ở
vùng thanh vắng nhiều cây cối không xa chùa Cây Mai và Gò cây mai, một
nơi thanh lam thắng cảnh của Gia Định mà Gia Định thi xã của Trịnh Hoài
Đức thường hay nhóm họp làm thơ. Lý Thụy Long có tên riêng là Cẩm,
chuyên nghề đan đệm bán nên người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm. Vì thế
chùa còn có tên là Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Năm 1772 hòa thượng
Viên Quang tới trụ trì, từ đó mới đổi tên chùa là Giác Lâm. Khi xưa lúc
chùa được xây dựng như một cái am, xa cư dân, rất thanh vắng, cây cối
rậm rạp, thích hợp cho sự tu dưỡng, tu hành. Trong quyển Gia Định thành
thông chí, Trịnh Hoài Đức đã miêu tả cảnh chùa như sau: “Chùa toạ lạc
trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm…, cây cao như rừng,
hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ
mà nhã thú!…” Chùa hiện nay được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa
quốc gia.
Nghề làm gốm là nghề tiểu công nghiệp lâu đời, bắt đầu từ khi người
Minh Hương đến định cư ở xứ Đồng Nai. Hiện nay ở tỉnh Đồng Nai và Bình
Dương, đa số các chủ lò gốm là do người Việt gốc Hoa, hay Minh Hương đảm
trách. Họ đã làm nghề này cha truyền con nối bao nhiều đời cho đến nay.
Đây là hai trung tâm gốm sứ lớn nhất Nam bộ với nhiều thợ, nghệ nhân
người Hoa. Vào thế kỷ 18, đã tồn tại một trung tâm gốm sứ mang tên Xóm
Lò Gốm ở vùng quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (phía Chợ Lớn) (Xem bài:
Những dấu tích thăng trầm của xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa). Xung quanh vùng
này còn có nhiều địa danh như Lò Rèn, Xóm Lò Siêu, xóm Lò Gạch… Địa bàn
xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm
(quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa,
kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính
của khu vực Chợ Lớn, dùng ghe xuồng chở hàng sản xuất đến các tỉnh miền
Tây.
Gốm vùng Sài Gòn-Gia Định-Đồng Nai ở thế kỷ 18,19 và 20 nổi tiếng có
đặc thù riêng và nổi tiếng tốt mà nhiều nhà văn hóa sử, khảo cổ trước
đây gọi là gốm “Cây Mai” (được biết đến qua những gốm xưa tìm được ở gò
Cây Mai và khu vực đường Cây Mai, Chợ Lớn) nay được xếp loại và gọi
chung là gốm Biên Hòa, Sài Gòn. Ngày nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng
Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), gần làng Phú Định, nằm ven
kênh Ruột Ngựa, của xóm Lò Gốm xưa. Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm
thấy tại đây phế tích 3 lò gốm, trên một gò lớn chứa đầy mảnh gốm của
các loại lu, khạp, siêu, chậu… Ngày nay những nơi còn tiếp tục truyền
thống gốm cổ truyền của người Hoa hiện nay còn rõ nhất ở những lò làm lu
gốm ở Biên Hòa hoặc ở khu vực Q.9 TPHCM (Thủ Đức cũ, gần Công viên Văn
hóa dân tộc đang xây dựng), và một số cơ sở nhỏ sản xuất đồ gốm gia dụng
ở vùng Lái Thiêu.
=> Ảnh hưởng tới ngôn ngữ.
Ngoài ra, anh hưởng văn hóa mà người Minh Hương để lại sâu đậm nhất
trong đời sống Nam bộ là ngôn ngữ. Tiếng Việt miền Nam được lưu dân Minh
Hương và Hoa mang vào bổ xung cho tiếng Việt thêm phong phú. Theo Bình
Nguyên Lộc, những từ sau có nguồn gốc Minh Hương.
=> Các từ gốc Triều Châu
– Lẩu: Có nguồn gốc từ lẩu là một món canh của Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng Laiton.
– Tía: Chính các chú rể Triều Châu, lưu vong nhà Minh đã đưa ra danh từ Tía vào Nam, và bị ta hiểu là Cha.
– Hên: Do Hưng. Triều Châu đưa vào và họ đọc là Hinh thì đáng lý ta phải viết là Hênh.
– Xui: Tiếng nầy đất Bắc có nhưng vay mượn lâu đời hơn và nói là Xúi
Quẩy. Do chữ Suy mà ra, đọc theo Triều Châu, Hên Xui = May Rủi.
– Khổ Tai: Một món ăn khác mà dân miền Nam rất ưa và họ gọi là KHỔ TAI.
do người Triều Châu đọc Hô Tai (Hải Táo), một thứ rong biển mà họ nấu
với đường để bán cho dân miền Nam ăn.
=> Các từ gốc Quảng Đông
– Xí Mụi: do Quảng Đông gọi Xíu Mụi, chữ Nho là Tiêu Mai.
– Công xi: Công Ty, do Quảng Đông đưa vào.
– Hủ tiếu: Không biết chữ ra sao, nhưng do Quảng Đông đưa vào, họ nói là Phải, không hiểu sao ta lại biến thành Hủ Tiếu.
– Xíu Mại: Không biết chữ nghĩa ra sao, nhưng đa số các món ăn đều do Quảng Đông đưa vào.
– Chạp Phô: Chỉ là Tạp hóa. Nhưng chính người Quảng Đông lại cho nó cái
nghĩa hạn chế là thực phẩm: trứng vịt, tôm khô, cá khô,v.v. còn các cửa
hàng bán các thứ khác cũng tạp nhạp lại không được gọi là chạp phô.
– Giò Chá Quảy: Thật đúng là Dầu chá quảy tức con quỷ nướng trong dầu, chỉ loại bánh bột mì chiên mỡ.
– Ly: Cốc bằng pha lê, người Quảng Đông gọi là Pò Lý Púi, tức Pha Lê Bôi, ta nuốt hết, chỉ chừa lại Lý và đọc là Ly.
– Xì Thẩu: Chữ Nho là Sự Đầu, chủ sự, nhưng bị ta hiểu là Ông chủ.
Điều này cho ta thấy miền Nam ban đầu chịu ảnh hưởng nhiều của phong tục, sinh hoạt, tập quán người Minh Hương.
Blog Saigon Xưa
No comments:
Post a Comment