Ít ai biết rằng, ông chính là cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận trước năm 1975, và là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch – người được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên dương và đặt tên cho một con đường nằm bên hông chợ Tân Định, Sài Gòn.
Theo Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, dòng thiền này vừa giúp thiền sinh điều chỉnh được bệnh tâm thể của mình, hài hòa thân tâm, hài hòa với mọi người từ gia đình đến cộng đồng, xã hội; vừa hướng dẫn cho thiền sinh tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, phát huy từ từ trí huệ tâm linh.
“Cách thiền của dòng thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thích Thông Triệt sáng lập vào ngày 4 Tháng Giêng, 1995. Thầy xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ một thời gian tại Việt Nam theo dòng thiền Trúc Lâm. Sau năm 1975, thầy bị Cộng Sản đưa đi tù ‘cải tạo’ suốt 14 năm. Trong hoàn cảnh khó khăn này, thầy vẫn tu tập theo pháp thiền do sư phụ truyền dạy, nhưng cuối cùng, thầy khám phá một pháp thiền mới dễ tu, dễ thực hành và mau có kết quả là thiền Tánh Không ngày nay, có sự liên hệ giữa thiền và khoa học não bộ,” ông cho biết.
Đi tu để tâm thong thả
Nói về cơ duyên đi tu, ông kể: “Tôi hồi trước là sĩ quan quân đội thua trận, đi trình diện, rồi Cộng Sản kêu đi ‘học tập’ một tháng. Một tháng mà kéo dài tới 12 năm 3 tháng. Vào tù, có mấy người lén đem kinh Phật vô, rồi họ đến chỗ chúng tôi hỏi người nào rảnh thì sao ra nhiều bản, để có bị tịch thu cái này thì còn cái khác. Lúc đó tôi rảnh nên lãnh kinh sao ra. Chép tới chép lui từ từ tôi thấm.”
Ông đi tù “cải tạo” từ cuối Tháng Năm, 1975, ngay sau ngày mất nước, và được thả ra vào cuối Tháng Tám, 1987. “Sau khi ra tù, mấy năm sau đó tôi lang thang ở miền Nam. Đến cuối Tháng Hai, 1992, tôi sang Mỹ theo chương trình tị nạn H.O.,” ông nhớ lại.
Ông bảo, ông “lang thang ở miền Nam” là bởi vì khi ra tù thì gia đình ông chỉ còn một người con ở lại Việt Nam; vợ ông cùng sáu người con khác thì ở Canada.
“Gia cảnh tôi cũng hơi lộn xộn chút. Người phối ngẫu cũ của tôi vượt biên, chừng phỏng vấn vào Mỹ thì không biết vì lý do gì mà Mỹ từ chối. Bà ấy mới qua Canada với các con. Khi qua Mỹ, những năm 1993, 1994 tôi dời lên ở Buffalo, New York, để chạy qua chạy lại gần với Canada, gần với các con của mình. Hồi lúc ở tù tôi bị suyễn quá, tôi sợ lạnh, nên không qua Canada ở,” ông kể.
“Tôi sang Mỹ khi đã 65 tuổi. Ngày tôi ra tù, gặp lại gia đình, thì thấy không giống như ngày xưa nữa. Tôi đi vắng mặt 12 năm, con cái tôi lớn hết ráo rồi, tôi đâu còn như ông bố ngày xưa để dạy dỗ con nữa, tôi lạc hậu, không biết gì hết. Nhớ lại thời gian trong tù chép kinh, tôi nhớ lời Phật dạy, và thấy trong người khỏe hơn, nên nghĩ đến chuyện xin gia đình cho xuất gia. Chính vì vậy, khi ở Buffalo, tôi có nói với mấy đứa nhỏ, mà chúng nó chưa đồng ý đâu. Mãi cho đến cuối năm 1999 thì tôi mới được con cái chấp nhận cho đi tu, và đầu năm 2000 tôi trở thành ông tăng,” ông kể tiếp.
Tỳ Kheo Thích Không Chiếu hướng dẫn thiền sinh học thiền.
(Hình: Tánh Không)
“Nhiều lý do để tôi đi tu lắm, nhưng lý do quan trọng nhất là tôi nhận thấy cuộc sống thế gian này vô thường lắm, nên đi tu để tâm thong thả, không bị khổ sở về cuộc đời. Chứ nếu cứ ngồi nghĩ lại chuyện cũ, chuyện xưa thì khổ sở lắm. Mình mất nước, rồi đi tù, trở ra, cũng không còn cái cũ. Vô thường lắm, nên lo tu cho rồi,” ông nói.
Khi sang Mỹ, ông gặp lại Hòa Thượng Thích Thông Triệt, người ở chung trong tù với ông. “Lúc đó tôi biết thầy Thông Triệt có mở lớp thiền trên Portland, Oregon, nên cuối năm 1999 tôi xin theo thầy xuất gia,” ông cho biết.
Ông kể, nhờ chép kinh trong thời gian ở tù nên ông bước vào con đường tu nhanh chóng, và “thầy chỉ cần hệ thống hóa các pháp lại là tôi lĩnh hội được ngay. Thực hành thiền là một cách huấn luyện cho tâm từ động trở nên yên lặng, giúp cho cuộc sống của người thực hành trở nên thanh thản, thân tâm hài hòa và hài hòa với môi trường chung quanh.”
“Thí dụ, khi còn ở tù, hằng đêm cán bộ quản giáo tập họp chúng tôi ra trước sân, trời lạnh cũng như trời nóng, phải ngồi một tiếng đồng hồ để bị chửi bới, nào là tay sai, nào lính đánh thuê, nào là ăn gan uống máu… Người ta có thể kêu ngay tên mình, chỉ ngay trước mặt, chửi mình nữa. Mục đích là để mình tức quá, khó ngủ thôi. Nhưng tôi học được bài học của Phật rồi, tôi nói thầm, anh chửi là chuyện của anh, tôi nghe là chuyện của tôi. Từ đó tiếng chửi bới của họ không làm khổ tôi nữa. Đạo Phật lạ ở chỗ đó,” ông nói thêm.
Đi tu để sám hối vì “không giữ được miền Nam”
Ông hào hứng kể chuyện tu tập bao nhiêu thì ông lại dè dặt mỗi khi nhắc đến chuyện cũ bấy nhiêu. Bởi lẽ, chuyện đời ông là một chuỗi ngày dài như sợi dây liên kết. Do đó, câu chuyện của ông cứ đứt quãng mỗi khi ông nhắc chuyện xưa.
“Bây giờ tôi tu rồi, tôi không muốn đổ thừa ai, chê trách ai. Tôi cho đó là cái nghiệp, cái duyên của mình thôi. Chuyện cũ mình moi ra, phê phán, không được đâu, khó lắm. Chuyện cũ cứ để nó vậy thôi. Nhưng nó cũng có lợi lắm, nó giúp cho mình sáng ra, đừng để lầm vết xe cũ nữa. Nếu mình học được bài học cũ thì mình khôn hơn hồi trước,” ông ngập ngừng nói.
“Hồi xưa mình nghĩ mình đi lính, rồi nhờ Mỹ giúp đỡ nên mình chống sự xâm chiếm của miền Bắc, bảo vệ miền Nam. Rốt cuộc cái đùng phá tiêu hết. Anh Mỹ lo chạy. Thành ra cái mộng của mình tiêu tùng, đổ vỡ hết. Hồi xưa mình có lý tưởng nhưng tiêu rồi. Nên đi tu để mình sám hối, để mình bớt khổ thôi,” ông trầm tư nói.
Ông tâm sự: “Khi đi tu tôi mới thấy khác. Khác là vì khi cái tâm mình nghĩ khác thì sự việc sẽ khác. Lúc trước tôi nghĩ thế này, Mỹ bỏ mình, mình bị phản bội, mình tức mình khổ. Rồi tôi nghĩ, mấy ông tướng lĩnh bỏ chạy, mình khổ. Nếu cứ nghĩ như vậy hoài thì mình tức mình khổ thôi. Tôi thấy thế này, mình yếu thì mình phải làm con cờ cho người ta. Muốn không làm con cờ thì mình phải mạnh lên, phải tự lực thôi. Bây giờ nước nào cũng vậy, dựa vào người ta là bị người ta xài xể. Người ta buông mình cái rụp thì chới với ngay. Thành ra mình thành con cờ. Tôi đi tu để không làm con cờ nữa.”
“Con cờ” trên bàn cờ quốc tế mà ông nói chính là Hiệp Định Paris 1973 do bốn bên tham chiến gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ký kết tại Paris ngày 27 Tháng Giêng, 1973. Về mặt công khai thì đàm phán có bốn bên, nhưng việc đàm phán để đạt được nội dung hiệp định lại chủ yếu là các phiên họp kín giữa hai đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ quyết định. Trong quá trình đàm phán, Hoa Kỳ gần như phớt lờ ý kiến của đoàn Việt Nam Cộng Hòa và tự sắp đặt mọi chuyện trong các cuộc họp kín với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ông nói: “Tôi có mấy người bạn là đại tá không quân, họ nói lãnh nhiệm vụ thả bom trên đường mòn. Mỹ chỉ định phải thả những cây cầu. Nhưng thật sự Cộng Sản vô họ tìm chỗ nước cạn rồi sắp đá đi. Còn cầu chỉ là giả tạo thôi, nó ngầm để cao xạ, nếu mình chúi đầu xuống thả bom mấy cây cầu thì bị cao xạ tỉa. Đó là cái mồi để dụ máy bay. Thành ra mấy ông đại tá không quân nói không dại gì đi đánh mấy cái cầu, mà đi đánh mấy đoàn xe. Nhưng hễ đi đánh mấy đoàn xe thì về bị rầy. Tôi tự hỏi, tại sao lạ vậy? Thì hóa ra họ ký kết ngầm làm sao mình đâu có biết, họ liên lạc với nhau bằng ngoại giao hay bằng gì mình không biết, mà mình cứ đánh trật chứ không đánh trúng. Mỹ và miền Bắc ký kết. Miền Nam cuối cùng mới kẹt. Mình là con cờ. Mình không có quyền gì hết. Nếu Mỹ không buông thì miền Nam không bao giờ thua. Người ra giúp mình, nếu là chủ thì mình không bị thí. Còn người ta là chủ, thì mình không thể nói năng gì được với người ta, thành ra mình thua là phải rồi.”
Hỏi ông, có phải miền Nam chủ quan khi có Mỹ hỗ trợ phía sau? Ông nhận định: “Tôi nghĩ rằng thế này, miền Nam quá là tự do, quá là rộng rãi, quá là dân chủ… cho nên không ai nói ai nghe. Mà không thấy thực tế chủ nghĩa Cộng Sản như thế nào. Mình đã một lần cắt đứt rồi, khi cả triệu người từ miền Bắc di cư vô vào năm 1954 rồi, mà cũng chưa thấm được chủ nghĩa Cộng Sản nữa. Miền Nam không có đồng lòng, không có quyết tâm. Mình cứ mất quyền chủ động của mình là vậy.”
“Mình có sáu năm bình yên mà, từ năm 1954 đến 1960 lận. Mình cứ thản nhiên bình yên, mình không biết Cộng Sản cấy người, không biết Cộng Sản nằm vùng, không biết gì hết về Cộng Sản… Và mình mất sáu năm bình yên!” ông suy tư nói.
Kể về thời gian làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận, ông cho hay: “Tôi ở Ninh Thuận được sáu năm, từ năm 1969 đến 1975 thì ‘sập tiệm.’ Sáu năm đó ở Phan Rang tương đối yên, tốt.”
Để có được chức vụ này, ông cho biết: “Nó cũng có lý do, không phải tự nhiên. Bố tôi là giáo sư Pháp Văn ở các trường tư thục tại Sài Gòn. Trong số những học trò của bố tôi có ông Nguyễn Văn Kiểu, tức anh ruột Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu; và ông Năm Tôn, anh rể ông Thiệu. Một lần tình cờ tôi than phiền với ông Kiểu là tình hình an ninh của mấy tỉnh chung quanh Sài Gòn không tốt. Ban đêm thì du kích cũng xuất hiện dài dài. Ông Kiểu hỏi tôi, ‘Ông nói tình hình như vậy mà ông có làm được không?’ Tôi nói cho tôi thử. Thế là ông ấy điều tôi ra Ninh Thuận thử.”
Ông cho biết, ông xuất thân trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt khóa 5, sau đó đi tác chiến ở các tiểu đoàn Sơn Cước miền Ban Mê Thuột. Có thời gian dài ông ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm thì ông về Bộ Tổng Tham Mưu, rồi ra Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23.
Ông được cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Đại Học Quân Sự Đà Lạt. Ra trường ông được về Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc, Long Khánh. Năm 1969 ông nhận chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận.
Trong một bài viết về cựu Đại Tá Trần Văn Tự, ông Huy Vân – một người đồng đội của ông ở Ninh Thuận – viết: “Nói đến tỉnh Ninh Thuận là phải nhắc đến ông Đại Tá Trần Văn Tự, vị đầu tỉnh có tiếng thanh liêm chính trực, kế hoạch chống Cộng Sản xâm nhập ấp hữu hiệu. Ông phục vụ tại tỉnh Ninh Thuận kế hoạch chống Cộng Sản hơn cả các vị tiền nhiệm. Mỗi lần địch xâm nhập hầu như bỏ lại xác tại trận. Tiếng tăm ông cũng vang một thời. Ông phạt tôi cũng nhiều lần và chính ông cũng đỡ tôi dậy. Vì lẽ, ông làm việc xét qua nhãn quan của người có kinh nghiệm lịch lãm, một cấp chỉ huy có tinh thần quốc gia dân tộc, mọi việc ông tự quyết đoán và ít khi ông nghe theo thành phần nịnh bợ. Ninh Thuận bỏ ngỏ không phải do ông hành động, chính do kế hoạch trung ương lệnh.”
Tỳ Kheo Thích Không Chiếu tại khu chúng cư Greenfair Towers II, trên đường Fairgrounds, góc với đường Broadway, ở thành phố Sacramento. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Phải nói Đại Tá Tự là người chống Cộng quyết liệt, vì lẽ theo tinh thần thân sinh ông là cụ Trần Văn Thạch cũng là người có tên tuổi đi vào lịch sử. Sau 13 năm trong ngục tù Cộng Sản – đôi khi gặp lại ông rất ôn tồn, vui vẻ nhận lấy thương đau bi thảm của đất nước! Phục vụ dưới thời ông là điều vinh dự cho riêng cá nhân tôi; sự thưởng phạt rất công minh, không phe phái lăng nhăng. Tuy nhiên có lúc ông cũng bị mang tai tiếng… Chắc chắn là không ai vẹn toàn trong lúc thi hành nhiệm vụ. Giờ đây ông cũng an cư thiền tịnh lo việc tu hành, cầu xin ơn trên trời Phật độ cho ông thêm nhiều sức khỏe tu luyện sớm đạt được công quả,” trích bài viết “Tản mạn qua 16 năm sống trên đất Mỹ” vào ngày 23 Tháng Tám, 2008, của ông Huy Vân.
91 tuổi vẫn lái xe ngược xuôi Bắc Nam
Ông trải lòng: “Tôi là thầy chùa gốc lính. Thành ra tôi bị kẹt khi nói chuyện chính trị, nói chuyện tình hình. Bình thường ông tăng không nói chuyện đó. Thật ra, mình nói cũng không phải để oán hận, để buồn khổ gì hết. Nói để kể vì sự tình nó như vậy thôi.”
Sinh năm 1927 tại Pháp, ông sống ở Sài Gòn, rồi ngược xuôi Cần Thơ-Sài Gòn. Vì thời cuộc, gia đình riêng của ông cũng ly tán sau biến cố 1975.
“Trước năm 1975, tôi có cho hai đứa con lớn đi du học. Sau đó chúng ở Canada với mẹ, nhưng rồi mỗi đứa cũng tứ xứ. Bây giờ thì con gái đầu lòng ở Pháp, ba đứa con ở Canada, hai đứa ở Mỹ (California, Arizona), và một đứa ở Việt Nam,” ông kể.
“Tuy vậy, bảy đứa con không phải đều thành đạt, bởi vì có hai đứa phải vất vả kiếm sống. Không phải nó dở, mà nó không thích làm công chức, không thích làm có lương, nó muốn sống tự lập vậy thôi. Hồi xưa tôi cứ lo con mình nó nghịch nhau, gây gổ nhau, nhưng thật ra tụi nó thương yêu nhau lắm, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, đứa này thất nghiệp có đứa kia giúp. Con tôi có mấy đứa cũng học thiền nữa, tự học thôi chứ tôi không bắt,” ông kể thêm.
Giờ đây, ở một mình trong căn apartments (được ‘housing’) ông tự đi chợ, tự nấu ăn, tự giặt đồ, tự làm hết mọi thứ. “Tôi qua đây đúng 65 tuổi nên được nhận tiền già. Hồi trước có $400, $500, nay lên $900 rồi. Cứ mỗi tháng nhận tiền sinh sống. Đi chợ búa có xe, ở nhà có bếp nấu. Còn quần áo thay vì đem xuống máy giặt nhưng mặc ít nên dơ cái nào thì tôi giặt cái đó rồi phơi,” ông nói.
“Tôi tu nhưng không có chùa. Chỗ nào cần thì đến giảng, chỉ cho họ cách tu, cũng như đem kinh nghiệm của mình trao đổi với họ thôi. Mỗi lần đi giảng, nếu đạo tràng đưa ít thì lấy, còn nhiều thì tôi chia bớt cho đạo tràng vì tôi không có xài nhiều làm chi, chỉ giữ đủ xài thôi, hoặc là có chỗ này chỗ kia xây dựng thì tôi cúng dường,” ông nói tiếp.
“Tôi ăn chay, với người ta giúp đỡ này kia thành ra ít tốn kém lắm. Nhiều khi đi sửa xe, mấy ông thợ cũng sửa giùm nữa. Cái gì đáng họ mới lấy tiền, họ cũng không tính tiền công nữa. Rồi tôi cũng ngại, không muốn lợi dụng lòng tốt người ta, nên tôi kiếm chỗ nào thợ không biết mình mà họ tử tế thì sửa. Còn mấy ông thợ sửa giùm thì tôi ‘chạy.’ Người ta tốn tiền mướn xưởng, mướn thợ, mà để người ta sửa giùm hoài ngại lắm,” ông thổ lộ.
Địa điểm Hội Thiền Tánh Không Sacramento tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sacramento. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Một ngày của Tỳ Kheo Thích Không Chiếu bắt đầu lúc 5 giờ sáng tọa thiền đến 6 giờ. Sau đó có một tiếng thể dục, tắm rửa. Đến 7-8 giờ thì ăn sáng, nấu cơm. Đi bộ khoảng một tiếng sau đó. Từ 10-11 giờ tọa thiền. Ông ăn cơm trưa khoảng 12 giờ, và ngủ nghỉ đến 2 giờ trưa. Bắt đầu 2-3 giờ chiều thì tọa thiền. Sau đó dành một tiếng đi bộ, đến 4-5 giờ chiều soạn bài giảng. Khoảng 6 giờ 30 phút ăn chiều, sau đó tọa thiền đến 8 giờ 30 phút tối. Từ sau 9 giờ tối ông đi ngủ.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hằng ngày ông vẫn cùng chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi. Ông phụ trách đạo tràng ở Sacramento và San Jose. Ở Sacramento thì chỉ cách nhà khoảng 15 phút, nhưng mỗi lần đi giảng ở San Jose, ông phải mất khoảng hai tiếng. “Đi riết nó quen, sáng đi, chiều chạy về,” ông nói.
Vậy nhưng, ông còn chạy từ Sacramento xuống Santa Ana, Nam California, để giảng cho những nơi muốn nghe ông hướng dẫn.
“Hồi xưa tôi đi nổi, chứ giờ già rồi, hơn 90 tuổi rồi, tôi phải chia làm hai đoạn. Tôi tới Fresno ngủ nhờ nhà quen ở đó rồi hôm sau đi tiếp. Mỗi khúc như vậy đi khoảng 5-6 tiếng, còn nếu đi ‘một lèo’ thì cũng được, nhưng mệt lắm. Mệt thì mất sức lắm, cả tuần lễ mới lấy lại sức được. Bây giờ già yếu rồi, thành ra không dám liều như hồi xưa. Liệu sức thôi. Ăn cũng vậy, tôi ăn vừa đủ no thôi, không ăn no nữa,” ông chia sẻ.
Nói về sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư, đạo hữu Thông Văn Phạm Ẩn, 69 tuổi, cho biết: “Xuyên qua sự hướng dẫn của thầy Thích Không Chiếu, thầy giúp ích chúng tôi rất nhiều qua bài giảng của thầy, từ lúc thầy ở trong tù sau đó thầy đi ra ngoài làm tỳ kheo. Sự giúp đỡ của thầy khiến chúng tôi có mãnh tiến hơn trên con đường tu tập Phật pháp, cũng như trau dồi tâm linh cho từng cá nhân thiền sinh.”
Đạo hữu Nguyễn Thị Nguyệt, 68 tuổi, chia sẻ: “Thầy Thích Không Chiếu là một chân tu, cuộc sống thầy rất đạm bạc, thầy không màng có chùa, không muốn những cái gì cho riêng thầy. Pháp của thầy đi vào thực tế, đi vào đời sống, rất cần thiết, nên các thiền sinh khi nghe pháp của thầy rất lợi lạc.”
Đạo hữu Tâm Sơn Nguyễn Văn Đàng, 62 tuổi, cho hay: “Lần đầu tiên tôi đến dòng thiền Tánh Không là năm 2014. Trong bốn năm qua, khi tiếp xúc với thầy theo thời gian, tôi cảm nhận được sự quý trọng của mình đối với thầy càng ngày càng tăng dần. Đối với những pháp của thiền Tánh Không mà tôi được học, được tiếp cận thì nó có nhiều cái lợi lạc trong cuộc sống của tôi, trong cơ thể, tâm hồn, nhận thức, suy nghĩ, quan điểm sống, thái độ sống, cách cư xử hằng ngày của mình trong gia đình và xã hội có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt hơn cho bản thân mình. Thầy dạy rất thực tế, nêu thí dụ thực tế, chứ không phải cao sâu, huyền bí gì cả, nên mọi người rất muốn nghe thầy giảng. Dù người nào đó có bận công việc gì đó cũng cố gắng sắp xếp để tới nghe thầy giảng.”
Đạo hữu Minh Phạm, 40 tuổi, từ Đức sang thăm gia đình cũng đến học thiền với Tỳ Kheo Thích Không Chiếu. Anh nói: “Trước đây tôi có thực hành thiền theo dòng thiền của Thiền Sư Nhất Hạnh, cũng được bốn năm thì mẹ tôi giới thiệu dòng thiền Tánh Không này. Công việc của tôi là software engineer (kỹ sư nhu liệu), nên áp dụng thiền đỡ bị stress rất nhiều. Tôi thấy dòng thiền này thích hợp bởi vì đơn giản, khoa học, không bị một sự ràng buộc nào hết, và tôi gặt hái được nhiều lợi lạc. Tôi học từ Tháng Mười Một, 2017, đến nay được bảy tháng. Mỗi tuần đều được giáo thọ ở đây hướng dẫn học qua điện thoại bằng cách gọi qua ứng dụng Viber.”
Đạo hữu Uyển Như Nguyễn Thị Yến, 67 tuổi, giáo sư dạy Việt Ngữ tại trường đại học cộng đồng Cosumnes River College (CRC), đến với thiền Tánh Không từ năm 2007, nói: “Tôi gặp được thiền Tánh Không như một món quà vô giá, đến nay đã 11 năm rồi. Năm 2007 chỉ là một nhóm nhỏ thường sinh hoạt thiền tập với nhau. Đến năm 2011 nhóm nhỏ này trở thành đạo tràng. Năm 2013 được chính phủ California công nhận là một tổ chức vô vụ lợi. Đạo tràng Sacramento có một thuận lợi rất lớn là có sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Không Chiếu. Thầy là một trong các vị giáo thọ có bài dạy rất gần gũi, đi vào đời sống rất cụ thể.”
Và cứ thế, đều đặn mỗi tuần, ông đến sinh hoạt thiền tập vào mỗi Chủ Nhật cùng đạo tràng Sacramento, thuê tại địa điểm của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sacramento. (Quốc Dũng)
No comments:
Post a Comment