Ông
K dừng lại không nói gì thêm. Tôi nghĩ ông đang xúc động vì câu chuyện
của mình trong quá khứ, nên không hỏi gì. Tôi nhìn ra ngoài sân lòe nắng
của San Diego ngày hè dễ chừng 100 độ F. Cái nắng hanh hao im ắng không
một ngọn gió nào làm tôi nhớ cái nắng Sài Gòn thuở còn đi học, thuở còn
những ngày thanh bình của đất nước, của con người miền Nam Việt Nam. Tôi
gặp lại ông K sau gần 30 năm lưu lạc nơi xứ người. Vẫn là một tình cờ
từ trang viết. Mùa hè năm ngoái, tôi đến Nam Cali và biết được ông đang ở
San Diego. Chúng tôi gặp nhau mừng rỡ vì biết mình còn khỏe mạnh, dù cả
hai chúng tôi đều đang ở bên bờ vực của cuộc đời. Ông
K là đồng nghiệp của tôi ở một trường Trung Học ở Sài Gòn. Có điều
trùng hợp là chúng tôi về trường NT cùng năm 1979 sau khi mất miền Nam 4
năm. Đây là giai đoạn đói khổ cùng cực của người công chức như chúng
tôi, nên ngoài những giờ lên lớp như cái xác ướp, chúng tôi còn phải
chạy ra chợ trời kiếm sống. Vì thế, nào có thì giờ đâu dừng lại bên tâm
tình của nhau mà chia xẻ ngọt bùi? Nói
là đồng nghiệp nhưng ông K lẽ ra phải là thầy tôi. Vì khi ông là một
trong sáu sinh viên đầu tiên được du học sang Mỹ năm 1959 tôi chỉ là đứa
bé gái lên 10. ông K tuổi Dần sinh năm 1938, nghĩa là hiện nay ông đang
ở tuổi 80. Nếu chỉ nghe ông nói người ta không thể tin về số tuổi. Ông
có giọng nói sang sảng và nụ cười luôn ở trên môi. Nhưng, nào ai biết
được đằng sau nụ cười đó, tiếng cười khanh khách đó là một quãng đời
giông bão? Ông nói đùa với tôi chính vì chữ "Mậu" đó mà đời ông bảy nổi
ba chìm, và ai tuổi Dần dù Nam hay Nữ đều có chung số mệnh long đong! Nhắp một ngụm trà nhỏ, ông nói: -
Tôi là người miền Trung, người Phan Rí tỉnh Bình Thuận. Theo tiếng của
người Chàm, Phan Rí có nghĩa là Cổng Trờinằm giữa Phan Rang và Phan
Thiết. Gia đình tôi nghèo lắm. Tôi giống như chàng Châu Trí ngày xưa bỏ
đom đóm vào chai để lấy ánh sáng học bài. Ông cười sau câu nói đó và tiếp: -
Cô biết không, tôi ở làng Hải Tân ven biển Phan Rí, mỗi ngày đến trường
phải đi bộ từ làng lên Huyện Hòa Đa gần 5 cây số. Đi bộ mỗi ngày như
vậy mà không có giày dép gì ra hồn. Đi học phải mang cơm và cá khô theo
để ăn trưa đó cô. Người hoc trò nhỏ
tuổi đó gian khổ là vậy, nhưng lại là học sinh duy nhất đậu Trung học
hạng Bình Thứ ở Nha Trang, và sau này được học bổng sang Hoa Kỳ du học
năm 1959. Học bổng này đặc biệt được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký văn
bản. Lúc đó ông 21 tuổi. Ông K còn cho tôi biết ông học tại thành phố
Alpine, tiểu bang Texas. Đó là trường Sul-ross Texas State College. Tôi nói: -
Anh về lại Việt Nam năm 1961 với bằng cấp BA Education, tức là cử nhân
văn chương Anh phải không? Vậy lúc đó anh là "ngôi sao sáng" thiếu gì
đàn bà con gái vây quanh? Ông cười vui: - Đúng đó cô. Nhưng đường đời vạn nẻo cô à. Tưởng là cuộc đời tôi bằng phẳng thênh thang, nhưng sau đó là muôn ngàn sóng gió. Tôi vỗ tay sau câu nói này của ông: - Trời ơi anh nói chuyện như là văn sĩ viết văn. À, tôi hiểu rồi, dù sao anh cũng theo học văn chương, dù là văn chương Mỹ! Đến phiên tôi trầm ngâm: -
Mọi sự đã qua hết rồi. Tất cả đã trở thành quá khứ, thành trotàn của dĩ
vãng. Tất cả đã tàn lụi như tuổi già của chúng ta bây giờ đó anh! Ông K lại cười, nụ cười pha chút cay đắng. Tôi hỏi thêm: -
Anh sang Mỹ lần 2 năm 1999 sau 40 năm. Trong khoảng thời gian đó, cuộc
đời anh thế nào? Khi trở lại Mỹ, tại San Diego, California này, anh có
cảm nhận gì với đất nước này? - Dĩ
nhiên là tôi vui sướng lắm khi trở lại nơi này, được gặp lại các con.
Lần trước là tâm trạng háo hức của chàng trai 21 tuổi thành công trong
việc học, còn lần này là tình cảm rệu rã của một ông già 61 tuổi biết
đâu là đất là trời! Mời cô đi vòng vòng ra ngoài sân hóng gió, trong căn
nhà nhỏ này tôi thấy ngột ngạc quá. Chúng
tôi bước ra khỏi nhà đi vòng qua khu chợ Viễn Đông. Nói là nhà vì tôi
gọi đây là "căn nhà mơ ước" của ông bạn già 80 tuổi của tôi thôi. Thật
sự, nó chỉ là căn apartment có chu vi chừng hơn 50 mét vuông, gồm một
phòng khách nối liền với phòng ăn và bếp, và một phòng ngủ, thuộc Senior
Housing of San Diego trên đường Orange và đường 54. "Căn nhà mơ ước" vì
nó được đợi trông mơ ước trong 11 năm trời từ lúc 2005 đến 2016 mới
được cấp phát cho người lớn tuổi như ông K.. Mỗi tháng ông K phải đóng
208 đô la và được dịch vụ chăm sóc người già trong 13 tiếng 30 phút. Kể
ra, chính quyền chi trả dịch vụ này cũng gần 500 đô la. Trên đường đi, tôi nửa đùa nửa thật, nói với ông: -
Anh K, chỗ tình thân, xin anh dừng chấp nha. Tại sao chuyện gì anh cũng
hơn người ta: vợ hai người, con sáu đứa mà bây giờ thui thủi một mình
trong Housing này? Ông cười lớn: - Cô đừng nóng, rồi tôi sẽ kể cho cô nghe "my true story" mà! Dù không đông vui như ở Little Sài Gòn, San Diego cũng có khá nhiều người Việt, và cũng có hàng quán shopping dù thưa thớt hơn. Khu
chợ Viễn Đông thưa người vì hôm nay không rơi vài cuối tuần. Ly nước
chanh dây làm tôi tỉnh người nghe ông K kể chuyện ngày xưa. "Khi
tôi về lại Việt Nam, tôi xin dạy Anh văn ở trường Phan Bội Châu, Phan
Thiết. Và cũng ở nơi này, tôi gặp bà H sau đó là vợ tôi. Bà H người miền
Nam, quê Sa Đéc, con một gia đình giàu có, chủ tiệm vàng. Điều này sau
đó tôi mới biết. Cô biết không, từ nhỏ đến giờ chỉ chú tâm tới việc học
nên kiến thức về tình yêu, tình trường tôi không biết gì, nói trắng ra
là quá đỗi ngây thơ. Tôi gặp và tìm hiểu bà H, kết hôn năm 1964 tại Phan
Thiết nơi tôi dạy học. Chỉ hai năm sau, tôi bị động viên khóa Thủ Đức
18 dưới dạng sĩ quan biệt phái. Cũng quá may mắn cho tôi lúc đó thiếu
giáo sư Anh văn nên tôi không ra trận ngày nào mà được biệt phái về dạy
trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1967 - 1969. Nhưng đời sống hôn nhân của
chúng tôi gặp một trở lực lớn, đó là có người thứ ba xen vào. Người đó
chính là người tình cũ của vợ tôi! Tôi cắt ngang lời ông: - Trời đất, bốn năm năm trời mà ông không biết có mối tình "lâm ly" đó sao? -
Không, vì họ vụng trộm trước khi là vợ tôi.. Tôi biết được là do một
bức thư của ông C gởi cho vợ tôi từ Sài Gòn. Vì thương con nên tôi bỏ
qua nếu bả chịu "cải tà quy chính". Dĩ nhiên, bà ấy khóc lóc, năn nỉ đủ
điều. Thật tình, tôi muốn xin tòa ly hôn từ 1969. Nhưng, chắc cô cũng
biết, luật gia đình của bà Ngô Đình Nhu vẫn còn hiệu lực lúc đó, nên tôi
hy vọng vợ tôi sẽ vì con mà từ bỏ con đường sai trái của mình. Nhưng
tôi lầm cô ơi! Họ vẫn dan díu âm thầm sau lưng tôi vì chính lão già
đáng tuổi cha chú của bà H đã dạy cho bà ấy con đường ăn chơi từ lúc lên
Sài Gòn trọ học. Ngựa quen đường cũ... Mà tôi cũng không hiểu lão đó có
ma lực gì để người đàn bà như vợ tôi có chồng con, đàng hoàng danh phận
vậy mà vẫn si mê lão... Tôi chăm chú nghe, xót xa: - Vậy mà anh phải chịu đựng thêm 15 năm nữa mới dứt bỏ một ân tình? - Đúng đó, cô ơi. Phải tới năm 1984, tôi mới được tự do, được ly dị với người vợ trước. - Nghĩa là có bà vợ sau nữa, phải không anh? -
Cô hơi nóng ruột rồi đó, để tôi kể tiếp. Tôi là sinh viên sĩ quan khóa
18, nghĩa là phải đi "học tập" như hàng trăm ngàn người lính VNCH tháng
6/1975, trong thời gian ở tù của tôi là thời gian vàng son của họ. Bà H
công khai mối tình đó, kể cả cho ông C ở luôn trong nhà của chúng tôi. Sự
thể đã như vậy, tôi không thể nào muối mặt tiếp tục cuộc sống vợ chồng
với bà H, mặc dù lúc đó đứa con út của tôi mới có 4 tuổi. Ra tòa, tôi
chịu hết quyền child support là tiền nuôi con, chỉ đi ra một mình, không
đem theo thứ tài sản gì. Có điều làm
tôi đau đớn, tòa vừa tuyên án buổi trưa, bà H gầm gừ đuổi tôi ra khỏi
nhà đêm hôm đó, vì nhà này do cha mẹ của bà ấy mua cho. Cô hiểu và thông
cảm cho tôi, lúc đó Sài Gòn còn có lệnh giới nghiêm 12 giờ khuya. Tôi
phải ôm sách vở, quần áo ra khỏi nhà lúc ấy, phải kêu cửa nhà người
đồng nghiệp ngủ qua đêm. Lúc đó, tôi về dạy NT với cô được 5 năm rồi,
trong trường không ai biết. Vì tự trọng, tôi đâu thể nói điều này với ai
được. Đến lượt tôi im lặng, người
bạn già trước mặt tôi đã tin cậy tôi, nói lên sự đau đớn của đời mình.
Chuyện này không dễ cho bất cứ ai. Hơn nữa, với ông K, cả trường NT đều
nghĩ đến ông với nhiều thiện cảm. Ông không làm mất lòng ai bao giờ. Làm
việc với ông gần 15 năm, tôi không nghĩ rằng ông phải chịu đựng nỗi
nhục nhằn trong hôn nhân cho đến thế. Khi
bước chân vào nhà, tôi đã thấy được điều này: ông đang ở một mình nên
quang cảnh mọi chổ trong căn apartment của ông bừa bãi, thiếu sự chăm
sóc của người nội trợ. Căn phòng ngột ngạt, thiếu không khí, có phải vì
chủ nhân đang ôm ấp một tâm sự u buồn? "Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ" Thi hào Nguyễn Du đã xác định tâm trạng
con người làm buồn đau cảnh vật. Tâm sự riêng tư ai cũng có bên mình,
nhưng với ông K, một người bạn già 80 tuổi của tôi, nỗi lòng này, thật
sự cứ ôm ấp hoài biết thố lộ cùng ai? Bên
ngoài, nắng đã đổ dài. Có thể hơn 4 giờ chiều. Mấy đứa cháu vừa phone
cho tôi nói rằng chúng nó còn mãi chơi ở ngoài biển, về chậm cho mát và
tránh nạn kẹt xe từ San Diego về lại Little Sài Gòn. Gia đình chúng tôi ở
miền Đông Bắc, mỗi lần về thăm Cali đều tự hỏi: tại sao ở Cali xa lộ
rộng mỗi bên có hơn 5, 6 lanes vậy mà lúc nào cũng kẹt xe? Freeway 5 là
một ví dụ. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông K nói tiếp: -
Ly dị với bà H năm 1984, tôi phải mướn căn nhà nhỏ lụp xụp gần trường.
Lúc đó vừa dạy ở NT vừa dạy trường đại học ngoại ngữ Hà Nội ở Sài Gòn..
Mẹ tôi ở Phan Thiết vào thăm và ở luôn với tôi vài tháng. Không may, bà
bị bệnh phải nằm một chổ. Lúc đó, có một cô hàng xóm thấy cảnh neo đơn
của mẹ con tôi nên thường qua lại giúp đỡ... Tôi chen vào, hóm hỉnh nói leo: - Và cuộc tình thứ hai bắt đầu? - Sao cô hay quá vậy? - Tôi là thầy bói anh không biết sao? Anh đừng nói với tôi là hoàn cảnh trớ trêu đó nha! - Và sau đó, tôi kết hôn lần hai với bà này. Bà này còn trẻ hơn cô nữa. Bả trẻ hơn tôi 18 tuổi. -
Anh còn đổ thừa cho chữ "Mậu" của anh nữa không? Số đào hoa quá chừng
mà than thở hoài. Rồi sao bây giờ anh lại "đơn thương độc mã" như thế
này? - Với bà vợ thứ hai tên Y này,
tôi có 33 năm cuộc đời chồng vợ, có một cháu gái hiện nay hơn 30 tuổi.
Tôi đi tù chỉ có 2 năm 7 tháng nên không đủ tiêu chuẩn đi theo diện HO.
Qua Mỹ năm 1999 là do con trai bảo lãnh. Một đứa bảo lãnh mẹ, một đứa
bảo lãnh tôi, nhưng bà H vợ cũ của tôi từ chối không đi. Bả nói rằng
không muốn gặp tôi, coi tôi như kẻ thù của bà. Điều này làm cha con tôi
đau lòng. Khi con tôi bảo lãnh, bà H quyết liệt chỉ cho cháu P làm giấy
tờ cho tôi sang Mỹ một mình, không được đem bà Y và con gái út cùng
theo. Dĩ nhiên, tôi phải quay lại bảo lãnh mẹ con bà Y và họ sang Mỹ năm
2005. Như cô cũng biết, giai đoạn
đầuở Mỹ, ai cũng có nhiều lận đận trong việc mưu sinh. Tôi cũng không
ngoại lệ. Ở tuổi 61, ở Việt Nam đã nghỉ hưu rồi, nhưng sang Mỹ tôi lại
đi làm thêm 18 năm nữa. Tôi vừa hưu trí năm ngoái, vài tháng trước khi
gặp cô ở Nam Cali. - Anh có thể nói về công việc của anh không? -
À, ban đầu, tôi xin làm cashier ở chợ Mira-Mesa, chợ 99cents. Sau đó,
tôi được nhận vô làm security ở Conventional Center San Diego từ năm
2000. - Như vậy anh đã liên tục làm việc 56 năm trong cuộc đời mình? Rời chợ Viễn Đông, chúng tôi thả bộ vào công viên gần đó. Năm ngoái anh K minh mẫn và nhanh nhẹn hơn bây giờ. Điều
này cũng không lạ. Tuổi già chỉ sau một năm là khác hẳn. Giai đoạn sức
khỏe trên đà trược dốc. Thấy ông đi đứng chậm, tôi chạnh nghĩ về bản
thân mình. Đường đi sẽ đến thôi, rất gần. Tôi
dõi mắt nhìn ra xa. San Diego có nhiều cây xanh hơn Little Sài Gòn. Và
San Diego có núi nếu chúng ta đi xuôi về Poway. Sinh hoạt ở đây chậm,
vắng lặng chứ không ồn ào như Westminster hay Garden Grove. Tôi lại nhìn
ông K: một người thành danh, một người thầy giáo từng dạy những ngôi
trường nổi tiếng ở Sài Gòn, dạy những đại học sư phạm đào tạo người thầy
giáo khuôn mẫu cho Việt Nam, bây giờ tuổi già cô đơn, ngồi lặng lẽ một
mình trong căn nhà im ắng đó. Tiếng ông trầm trầm khiến tôi ra khỏi cơn mơ tưởng của riêng mình: -
Cuộc sống của chúng tôi bình yên trong 20 năm ở Mỹ này. Tôi là người
theo đạo Tin Lành nên tất cả tôi đều tin theo ý Chúa. Chúa đã cho tôi
nhiều thứ quá rồi, ngay cả bây giờ tuổi 80 này cũng là tuổi thọ. Tôi
cũng chịu ơn nước Mỹ đã nuôi sống tôi và gia đình tôi từ 40 năm qua. Có
điều mẹ con bà Y bây giờ không hỏi han gì đến tôi, điều này làm tôi băn
khoăn. Mười mấy năm nay, bà Y đâu phải làm lụng gì, tôi đi làm nuôi hai
mẹ con đầy đủ. Tôi không hiểu sao cả hai bà vợ đều đối xử ghẻ lạnh với
tôi. Cô nghĩ sao? hay là tôi bị gạt? Tôi cười: - Anh muốn nói là "Tôi đã lầm đưa em sang đây". Như nhớ ra điều gì, tôi hỏi ông: - Anh có nghĩ rằng bà giận hờn anh về điều gì không? Ông K suy nghĩ một vài phút rồi vỗ trán như chợt nhớ ra điều gì, ông nói: -
À, chắc là lý do này cô ơi. Tháng 12 năm ngoái, bà H, mẹ của cháu P có
sang Mỹ du lịch và nhân thể thăm con. Chúng nó mời tôi cùng đi Houston
với mẹ nó một tuần lễ. Bà Y bực bội với chuyện này và tuyệt giao với
tôi. Rồi ông lại cười, có vẻ thích thú, ra điều bí mật: -
Cô biết không, đi chơi với mấy mẹ con một tuần, cũng có lúc tôi với bả
ngồi nói chuyện riêng tư. Bả xin lỗi tôi, khóc nhiều và... ôm tôi chặt
cứng! Bây giờ chúng tôi là bạn, không còn là kẻ thù nữa, tôi cũng vui.
Nói cô nghe đừng cười nha, bả còn muốn "trở lại" với tôi.. Nhưng, hơn 30
năm rồi, tình cảm nguội ngắt rồi, chúng tôi đã già lắm rồi! Ban đầu, khi tôi mới dọn về căn nhà này bà Y còn lui tới mang cơm nước, chăm nom. Từ tháng 12 năm ngoái tới giờ bặt âm vô tín! Tôi cười,chia sẻ thông cảm với ông: - Có lẽ bà Y ghen với vợ cũ của ông! Phone
reo, các cháu cho biết sẽ về đón tôi trong 15 phút nữa.Tôi và ông K
lững thững trở lại Parkcrest Senior Apartments tức là chổ ông K ở. Bây
giờ bóng chiều đã buông, trời có chút gió làm lay động hàng cây bên kia
đường. Nhìn ông K khệnh khạng bước về ngôi nhà mơ ước bấy lâu, lòng tôi
chùng xuống. Tuổi 80 sống đơn độc một mình, biết đâu được đêm hôm ấm
lạnh? ông vừa trải qua hai lần đi cấp cứu bệnh viện, điều này làm tôi
thoáng chút lo âu khi nghĩ đến ông. Cũng có nghĩa là nghĩ đến phận mình
khi tuổi già đang bước đến đời mình thật gần. Bổng nhiên ông K lên tiếng: -
Cuộc đời tôi như cô đã biết, với hai người phụ nữ làm vợ, bà trước sống
với nhau 20 năm, bà sau này 33 năm, vậy mà tôi cũng không thể hiểu hết
họ. Hình như tôi không có được một tình yêu thật sự. Cả hai người phụ nữ
này đều coi tôi là tay vịn để họ bước qua cầu. Lần kết hôn sau này tôi
nghĩ chỉ là lòng thương cảm mà thôi, vì tôi và bà Y đều ở trong thời
gian đơn lẻ, vừa ly dị. Chúng tôi là "rổ rá cạp lại" cho vui. Tôi an ủi ông: -
Tình yêu khó nói lắm anh K, và mỗi người có một định mệnh. Dù sao, anh
cũng được chính phủ Mỹ đãi ngộ khi về già. Biết bao nhiêu người còn khốn
khổ hơn chúng ta. Ông K gật gù: - Đúng thế cô Lam. Tôi có than trách gì đâu, chỉ buồn cho mình. Tôi nào có lầm lỗi gì với hai người vợ này đâu? Chúng
tôi chỉ đứng trước sân chờ xe các cháu tới đón. Căn nhà mơ ước của ông K
vẫn vắng lặng, im lìm. Tôi nhìn những chiếc lá khô vương vãi khắp sân
lao xao trước gió. Có khi đời người cũng như những chiếc lá khô kia. Song Lam
No comments:
Post a Comment