Khẩu hiệu: Cứu Quốc-Kiến Quốc
Các tư lệnh chỉ huy nổi tiếng : Phạm Đăng Lân – Nguyễn Chấn – Nguyễn Văn Chức
Công binh được gọi là một ngành trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trực thuộc hệ thống điều hành của Tổng cục Tiếp vận.
Công binh được thành lập trong Quân đội với các chức năng: Chiến đấu,
Kiến tạo, Yểm trợ và Tạo tác, ban đầu được gọi là Nha Công binh, sau
đổi tên và nâng cấp lên thành Cục Công binh, ngành Công binh đã tồn tại
cùng Quân lực Việt Nam Cộng hòa với thời gian từ năm 1951 đến tháng 4
năm 1975.
Năm 1953, ngành Tiếp liệu Công binh thành hình với Nha Vật liệu Công
binh Trung ương và Sở Vật liệu Công binh Quân khu để phụ trách công tác
tiếp liệu và sửa chữa quân cụ của Công binh, thời gian này các Đại đội
Công binh được biến cải thành các Tiểu đoàn Công binh chiến đấu.
Năm 1955, Bộ chỉ huy Công binh được thành lập, kể cả một Trường Huấn
luyện & Đào tạo Công binh. Các Sở Vật liệu Công binh được đặt dưới
quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy Công binh. Ngành Công thự Tạo tác vẫn hoạt
động riêng, khi ngành Tiếp vận được cải tổ với sự thành lập các Bộ chỉ
huy Tiếp vận Vùng, các Tiểu đoàn Yểm trợ Công binh cũng được thành lập
để yểm trợ cho các vùng liên hệ.
=> Chuyện Đời Quân Ngũ Của Một Người Lính Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau những cuộc mật đàm, đi đêm giữa các cường quốc Mỹ – Trung Cộng,
Nga Sô đưa tới việc ký kết hiệp định Paris ngày 27/1/1973, đây cũng là
lúc khóa 02/72 làm lễ ra trường Công Binh Quân Lực V.N.C.H. Ngôi trường
này nằm trên một ngọn đồi thơ mộng theo đồ án kiến trúc của Pháp để lại
mà phía sau trường đồi dốc thoai thoải hướng xuống dọc bờ sông có chiếc
cầu bắc ngang dòng sông Phú Cường dẫn đường vào thị xã của tỉnh Bình
Dương, sau lễ mãn khóa, cá nhân tôi được chuyển về liên đoàn 5 Công Binh
kiến tạo ở thành Ông Năm Hóc Môn và điều động về Đại đội 541 Công Binh
kiến tạo KBC 6322, trú đóng ở cầu Đồng Nai cạnh xa lộ Biên Hòa. Trách
nhiệm chính của đơn vị là xây cất NGHĨA DŨNG ĐÀI ở Nghĩa trang Quân đội
Biên Hòa.
______________________________
1. Chuyện Ngĩa Trang Quân Đội và Nghĩa Dũng Đài
Vào thời điểm đó công trường Nghĩa Dũng Đài đang ở vào giai đoạn khởi
công, cơ giới đào đất, đóng cừ móng bê tông trụ đài chính và 4 trụ đỡ
của vành khăn tang. Ngoài ra đại đội còn có sà lan hàng ngày khai thác
cát dưới lòng sông Đồng Nai để cung cấp cát cho các đơn vị quân lực
V.N.C.H có nhu cầu sử dụng.
Từ 1973-1974, hàng năm cứ đúng ngày 1 tháng 11 năm 1973 & 1974
Việt Nam Cộng Hòa đều có tổ chức lễ tưởng niệm “chiến sĩ trận vong.”
Buổi lễ được cử hành tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa với sự tham dự
của Tổng Thống Thiệu, thủ tướng Khiêm, Đại tướng Viên, chủ tịch quốc hội
Cụ Huyền, Cụ Cố Lắm, Cố Đại Sứ Mỹ ông Bunker -sau đó là ông Martin- và
ngoại giao đoàn tham dự.
Lần cuối cùng ngày 1/11/1974 sau khi làm lễ ở “Đền Tử Sĩ” đích thân
Tổng Thống Thiệu cầm đuốc đốt dầu thô bừng cháy được lấy lên từ giàn
khoan ngoài khơi vùng biển phía Nam. Các giếng dầu lúc đó được mang tên
rất đẹp như, Hoa Hồng 9, Bạch Hổ, Mía, Dừa….. do các tổ hợp ngoại quốc
đấu thầu, rồi phái đoàn lên xe đi về hướng Nghĩa- Dũng – Đài, và dừng
lại đi bộ đến thắp nhang cầu nguyện trước mộ “chiến sĩ vô danh” và cắm
nhang các phần mộ kế cận, cuối cùng nghe thuyết trình về công tác xây
dựng, hoàn tất Nghĩa- Dũng- Đài trong lúc phu nhân của các vị lãnh đạo
cũng đi từng ngôi mộ cắm nhang cho khu đối diện.
Đời binh nghiệp của tôi gắn liền với Đại Đội 541 Công Binh kiến tạo
cho tới 12g trưa ngày 30/4/1975 thì tan hàng theo vận nước nổi trôi của
miền Nam. Chưa đầy 48 giờ sau ngày tiến chiếm Saigon, quân đội Cộng Sản
đã cho tàn phá Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà.
Tôi nhớ ngày 3/5/1975, từ sáng sớm sau khi không qua nổi làn sóng
người “phe ta” tràn vào trình diện ở cổng trường Gia Long khép kín, tôi
buồn chán lang thang đạp xe đạp lên thăm viếng Nghĩa trang quân đội Biên
Hòa. Dọc đường xa lộ vắng vẻ thỉnh thoảng mới có vài chiếc molotova
ngược xuôi và chạy chậm ngừng lại quan sát, nhanh chóng đưa những can
xăng vào các nhà điểm bán xăng bên đường.
Qua khỏi con dốc của làng Đại Học Thủ Đức, trụ đài cao 43m đứng sừng
sững giữa bầu trời và vành khăn tang vòng kính 43m, cao 1m2 bao quanh
nằm chảy dài ngạo nghễ cùng với cổng Tam Quan & Đầu Tử Sĩ trong ánh
nắng ban mai của thủơ ban đầu mất nước.
Đến nghĩa trang quân đội, tôi thấy tượng “Thương Tiếc” không còn uy
nghi lẫm liệt ngồi trên bệ đá nữa mà đã bị cộng sản giật sập nằm bên vệ
đường. Đầu tượng úp mặt quay về hướng Sài Gòn, chân ngóng về Biên Hòa và
một cánh tay của tượng bị gãy lìa nằm cạnh đó. Hình ảnh ấy làm tôi thấy
lòng mình chùng xuống. Chỉ còn biết hướng tầm mắt vào nghĩa trang
nguyện cầu rồi lên xe đạp đi tới hậu cứ của đơn vị. Nơi đây đã hoàn toàn
bị san bằng trên đường tiến quân của cộng sản vào Sài Gòn, sau khi từ
trại cải tạo trở về, tôi đã âm thầm nhiều lần lên thăm viếng nghĩa trang
Quân Đội. Sau khi đi định cư ở Mỹ trong một dịp về Quê Hương, tôi cũng
đã trở lại vùng đất nơi an nghỉ của những người con yêu Tổ Quốc và tận
mắt chứng kiến nhiều cảnh đổi thay. Nơi bệ đá của tượng Thương Tiếc ngày
xưa nay đã có một hộ dân cư dựng lên nhà ở và là điểm vá ép vỏ xe các
loại. Ngay ngã ba đầu đường dẫn vào nghĩa trang có bàn bán giải khát và
nhang đèn.
Qua khỏi lối rẽ chạy vòng quanh Đền Tử Sĩ, Cộng Sản đã xây dựng nhà
máy lọc nước Thuận An án ngữ ngay bên phải cổng Tam Quan của đường lộ
chính dẫn tới Nghĩa Dũng Đài, do đó thân nhân tử sĩ vào viếng mộ bắt
buộc chỉ còn hướng bên trái đi lại mà thôi. Suốt quãng lộ chính này, mặt
đường toàn là đất đỏ của nhà máy gạch phơi dùng để sản xuất gạch, những
con đường nhựa phụ chạy theo hình vòng cung của các lô đã bị hư hại
90%. Tất cả ống cống thoát nước giữa các giao điểm đường lộ hoàn toàn
chẳng còn nữa, khiến nhiều đoạn sụp lở thành hố sâu. Thương tâm nhất là
những phần mộ an táng xa phía sau gần khu Nông Mục Quân Đội cũ là vùng
đất thấp chưa được lắp đặt mộ tiền chế cỏ lau sậy mọc cao và nước mưa
năm tháng xoáy mòn chỉ còn trơ trọi mộ bia ngả nghiêng.
Tóm lại khung cảnh đổ nát và hoang tàn của nghĩa trang quân đội Biên
Hòa mà không bút mực nào diễn tả hết được ý nghĩa, và năm nay thêm một
lần Tháng Tư, tôi lại thấy lòng mình chùng xuống như ngày nào, khi hồi
tưởng đời quân ngũ từ 30 năm trước.
2. Công binh Việt Nam Cộng Hòa ra Trường Sa
Tháng 1/1974, Trung Cộng chiếm đóng công khai đảo Hoàng Sa. Để ngăn chận
sự lấn chiếm những đảo còn lại của biển Đông, các đơn vị của Liên Đoàn 5
Công Binh kiến tạo được lệnh đưa các toán công binh ra quần đảo Trường
Sa để xây cất các hạng mục công trình như dựng cột cờ, bia chủ quyền,
nhà tiền chế, nhà để máy phát điện, nhà chưá bồn nước dư trữ….
Vào thời gian đó quần đảo Trường Sa gồm những đảo san hô như Thái
Bình, Tại Tứ, Song Tử- Đông… rộng lớn trù phú và dân cư sinh sống trên
đảo đông đúc thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan và Phi Luật Tân, Đảo Nam
-Yết do Việt Nam cộng Hòa đóng trên đảo đã thiết lập đài khí tượng thủy
văn không có dân chúng cư ngụ. Những đảo san hô còn lại như Trường Sa,
Sơn Ca, Sinh Tồn, Song -Tử -Tây, An Bằng hoàn toàn bỏ hoang chưa thuộc
chủ quyền của quốc gia nào.
Trong chiến dịch được mang tên Trần Hưng Đạo 48, ngày 9/3/1974 lúc
1g30ph chiều, chiếc yểm trợ hạm Cần Thơ H.Q 801 do hải quân trung tá
Nguyễn Duy Long làm hạm trưởng cùng với sở thủy đạo, người nhái hải quân
và toán công binh của đại đội 541 CBKT gồm khoảng 400 binh sĩ, hạ sĩ
quan do tôi làm trưởng toán rời bến Tân Cảng Sài Gòn để ra khơi trực chỉ
đảo Trường Sa.
Sau 2 ngày hải hành tàu đến địa điểm bỏ neo ngoài khơi đảo và đoàn
chúng tôi xuống ca nô vào quan sát vị trí chung quanh đảo. Đảo này diện
tích 300 x 400m. Chúng tôi được chuẩn úy Giáo thuộc tiểu khu Bà Rịa&
Phước Tuy là “chúa Đảo” thuyết trình cho biết trung đội địa phương quân
của anh mới đổ bộ lên đảo cách đây vài ngày. Kế tiếp toán công binh của
tôi bắt đầu đổ quân & di chuyển vật liệu lên đảo. qua một tháng nỗ
lực xây dựng vì nhu cầu công trường nên tóan của chúng tôi được đơn vị
bạn công binh thay thế trở về đất liền tiếp tục xây cất Nghĩa Dũng Đài
và mỗi quân nhân được tưởng thưởng một Hải vụ bội tinh.
Ngày 15/4/1975 như để thăm dò lần cuối cùng thái độ của Hoa Kỳ trong
cuộc chến tranh Việt Nam, Bắc Việt đã huy động tàu chiến, bộ binh tấn
công đánh chiếm các hòn đảo của Trường Sa mà Mỹ đã không một lời lên
tiếng phản ứng. Theo thiểu ý của tôi, nhìn lại dữ kiện lịch sử cận đại
của các nước nhược tiểu là đồng minh với Hoa Kỳ đã rút ra được bài học:
“Vì quyền lợi và ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở trong nước cũng như trên
chính trường quốc tế”. Các vị Tổng Thống của cả 2 đảng Cộng Hòa &
Dân Chủ phải hướng về chủ trương và đường lối quốc gia Hoa Kỳ theo từng
giai đoạn diễn biến của thế giới. Trong tình hình lúc ấy, viễn ảnh một
cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tại biển đông ai cũng thấy là sẽ
khó tránh khỏi bởi tiềm năng nguồn năng lượng vô tận dầu hỏa còn nằm sâu
trong lòng biển Đông, hơn nữa đây còn là trục lộ hàng hải chính giao
điểm của các quốc gia qua lại. Vậy mà Bắc Việt chiếm gọn Trường Sa, Mỹ
không nói một tiếng. Chiến xa Bắc Việt còn ngần ngại gì mà không kéo
nhau vào Saigon.
=> Những ngày cuối cùng của Dinh Độc Lập
Ngày 8/4/1975 Trung úy Nguyễn Thành Trung lái F5 ném bom làm Dinh Độc
Lập bị hư hại Đại Sảnh Đường. Đại đội 541 CBKT lại tạm xa rời nghĩa
trang quân đội để vào sửa chữa Dinh cho đến 6g chiều ngày 26/4/1975 là
ngày công tác cuối cùng trong Dinh Độc Lập.
Tôi còn nhớ rất rõ, vào lúc 6 giờ chiều ngày 28/4/1975 phi trường
Biên Hòa hoàn tất việc di tản. Những tiếng nổ và lửa cháy suốt đêm cả
một vùng trời cho đến sáng 29/4/1975 Biên Hòa bỏ ngỏ, các đơn vị pháo
binh 175ly & 155ly lần lượt kéo về lập phòng tuyến bên cầu Đồng Nai
nòng súng trực xạ và dân chúng di tản lũ lượt từng đoàn đủ mọi phương
tiện đi về Saigon.
Vào lúc 1g chiều ngày 25/4/1975 vị Trung úy của Dinh độc Lập mà tôi
thường tiếp xúc hàng ngày đến bắt tay xã giao thăm hỏi trong ánh mắt
không vui, ngỏ ý mượn 6 anh em binh sĩ để lên trên lầu vào phòng khiêng
một tủ sắt nhỏ mang đi. Theo tôi đây là tài sản riêng tư quý giá của gia
đình cố Tổng Thống Thiệu mang đi vào phút chót.
Từ ngày 26-4 là lúc các đơn vị Quân Lực V.N.C.H đóng chung quanh cầu
Đồng Nai bị pháo kích đồng thời nhiều toán đặc công Cộng Sản xâm nhập
đánh phá lưu thông. Xa lộ Biên Hòa gián đoạn từng hồi. Công Binh đã có
kế hoạch đặt chất nổ phá sập tất cả các cây cầu huyết mạch dẫn vào Sài
Gòn, nhưng rồi kế hoạch đã không được thi hành.
Trong mốc thời gian ngắn ngủi công tác ở Dinh Độc Lập, tôi cũng đã có
dịp nhìn thấy Tổng thống Thiệu , cụ Phó Trần Văn Hương với gương mặt
suy tư lo âu và mệt mỏi lẫn buồn bã cùng các vị chính khách và tướng
lãnh hối hả tấp nập ra vào phòng họp Dinh để rồi cuối cùng ” kẻ ra đi
người ở lại” đưa tới đại họa nước mất nhà tan vào tay Cộng Sản.
=> Tạm kết: mong góp phần hoàn tất Nghĩa Dũng Đài
Trong thời chiến tranh các thế hệ nối tiếp của người lính công binh nói
riêng và Quân lực V.N.C.H nói chung đã xây dựng lên biết bao công trình
mà cho tới ngày hôm nay vẫn còn tồn tại trong phần đất miền Nam như Dinh
Độc Lập, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, bệnh viện Vì Dân, Đài Bảo Tháp
Hoa Sen nằm cạnh nhà hát Hòa Bình Q10 Sài Gòn, cầu bê tông tiền áp Đà
Rằng, các trục quốc lộ….
Nhớ lại chặng đường tuổi trẻ trôi nhanh với biết bao kỷ niệm thăng
trầm đắng cay trong cuộc đời mà những bạn công binh cùng trang lứa như
kiến trúc sư Thiếu úy Vũ Văn Dũng chỉ huy bắc chiếc cầu cho mặt trận An
Điền & Rạch Bắp của quân đoàn III đã anh dũng hy sinh bên chiếc cầu
nối nhịp dang dở, cán sự công chánh thiếu úy Trần Văn Sơn vĩnh viễn nằm
lại vùng đất cao nguyên gió lạnh mưa mùa trên mặt trận Kon Tum…. Và biết
bao anh hùng vô danh bất tử của Quân Dân & Cán chính Việt Nam Cộng
Hòa, giờ đây tôi chỉ ước nguyện mong ngày nào đó còn chút sức khỏe để
đích thân về lại “NGHĨA TRANG QUỐC GIA BIÊN HÒA” góp một bàn tay hoàn
tất công trình dang dở NGHĨA DŨNG ĐÀI và xây dựng “BIA TƯỞNG NIỆM” mồ
chôn tập thể tử sĩ từ trần vào giờ thứ 25 của miền Nam nước VIỆT.
Blog Saigon Xưa
No comments:
Post a Comment