Thursday, October 19, 2017

Bếp Xưa

Bếp xưa ở Việt Nam quê tôi, nhất là những hình ảnh bếp xưa ở làng quê vẫn thu hút ánh mắt nhìn của tôi vì bởi bếp có linh hồn của nó, nét độc đáo riêng của bếp Việt, tôi luôn cảm nhận ra được cảm xúc trìu mến, ấm cúng của tình gia đình. Ngày tháng dần trôi, có những đôi bàn chân phải xa làng, xa bếp. Từ những cái lò đơn sơ này lại cho ra những món ăn được coi như quốc hồn quốc tuý, âm thầm nuôi dưỡng tinh thần người Việt xa quê như tôi.
Chiều chủ nhật, tôi luẩn quẩn với mấy cây rau thơm, kinh giới, tía tô,... cho đến khi ánh nắng chiều mùa hè hắt rọi xuống một màu tím dịu, hoàng hôn muộn nhuộm cả sân vườn. Những con đom đóm xuất hiện chập chờn, chớp chớp toả ánh sáng để tìm bạn tình trong những đêm hè trăng sáng, chúng là những vì sao nơi trần thế của tôi.
Nhìn kỹ đom đóm bay, mới thấy được sự lả lướt thật nghệ thuật của chúng, khi di dịch thường không phát ra ánh sáng, chỉ khi chúng ngừng bay trong tích tắc thì cái bóng đèn trên thân mình của chúng mới bừng lên ánh sáng, ánh sáng này dùng để quyến rũ đối phương. Có khi mấy anh chàng đom đóm chớp chớp ánh hào quang trước mặt nàng đom đóm thì liền bị mấy nàng ngúng nguẩy bay đi chỗ khác như tỏ ý cho rằng mấy chàng là loài đom đóm dỏm. Có một lời bài hát - đom đóm đâu ra chiều nay thật nhiều? Nay tôi muốn hỏi thêm rằng - loài đom đóm "xưa" bao nhiêu tuổi đời trên quả địa cầu xanh xinh đẹp này?
Tôi chăm sóc mấy cây hoa, ngắm mấy con đom đóm tới chán, hái một mớ rau mang vào nhà. Chiều cuối tuần rảnh rỗi tôi hay mở máy vi tính coi tin tức ở quê nhà, thì bắt gặp hình ảnh cái lò bằng gạch men. Tôi thật vui mừng vì đã rất lâu tôi chưa hề thấy lại cái lò men trắng xanh kiểu này, nó giống y chang như cái lò mà gia đình tôi mua về sử dụng sau năm 1975.
Sau năm 1975, nhà tôi nấu cơm bằng lò than để ở sau nhà. Sức nóng của than thường làm đôi gò má của tôi ửng hồng, vì thế lúc ấy tôi không đẹp vì lụa - mà tôi đẹp vì than. Khi được thấy anh tôi đi xa mua mang về cái lò gạch xinh xắn này, tôi đã quý nó từ phút giây đầu gặp gỡ. Nó được mang ra đặt ở phía tay phải ngoài ban công nhà tôi - cái ban công ngó xuống bờ kinh Vĩnh An. Nó được mang về nhà tôi bởi củi rẻ tiền hơn than, điều cần thiết cần phải có cho một cuộc sống đã nhiều lần thay đổi.
Anh tôi mua một thước củi về, mang lên tầng thượng phơi cho khô, chẻ nhỏ để dành đun dần. Tôi chất củi gọn gàng dưới chân lò, tôi phải học cách nhóm lò, cách nấu cơm với củi - chỉnh lửa sao cho vừa để khi nồi cơm chín tới, vừa đủ để lại một tí hương thơm của cơm cháy. Nồi cơm luôn được nấu trước, kế đến mới tới thức ăn, hai lò đều bùng cháy, tiếng củi cháy lách tách nghe vui tai, khi xào thức ăn thì lửa phải cao mới xứng đáng hoà hợp với cái chảo bằng sắt đen tuyền của cha tôi - để cho ra một đĩa rau muống tàu xào tỏi thật ngon lành.
Có một lần vào mùa mưa, tôi nấu món canh gừng trong cái chảo sắt đen, khi múc canh ra tô, tôi mới khám phá ra "cái đồ nhấc nồi" - đó là hai tấm vải bố dày màu huyết dụ, mà nhà tôi dùng để nhấc nồi, chảo, để tránh nóng bàn tay (không biết nó còn được gọi bằng tên gì khác không nhưng ở trong nhà tôi thường gọi như thế). Không biết làm sao mà một cái lại nằm im ru dưới đáy cái chảo canh gừng của tôi, vì cái chảo màu đen cho nên tôi đã sơ ý không nhìn thấy màu vàng của canh gừng đã chuyển thành màu huyết dụ. Anh tôi nhìn tôi với ánh mắt không mấy hài lòng, nhưng anh đã không la rầy mà chỉ bảo tôi bỏ nồi canh đó đi, và dặn tôi lần sau cẩn thận hơn. Buổi chiều hôm đó, tôi buồn buồn và thầm mắng yêu "đồ nhấc nồi là cái đồ quỷ sứ " tại sao lại lăn vào chảo canh gừng, phá tôi chi?
Từ cái bếp, khói lam chiều lan toả, màu khói trắng nhẹ nhàng bay lên rồi tan biến trên dòng sông. Cơm chín được dọn ra trên cái bàn tròn, gia đình tôi quây quần ăn cơm bên dòng kinh Vĩnh An hiền hoà thơ mộng. Trên cái bếp, những nhóm lửa tàn phai của hai lò đều được tôi gom lại để nấu một ấm nước sôi thật to để dành khi nguội uống. Sau buổi cơm chiều, mỗi ngày tôi đều hoàn tất một cử chỉ cám ơn với cái bếp - đó là cái bếp luôn được tôi lau chùi sạch sẽ, bóng loáng.
Cũng từ cái bếp này, khói trắng bay cao, khói đen đọng lại trên mấy cái nồi, dù có mấy cái tấm viền khói cho nồi, nhưng khói đen của củi vẫn hí ha hí hửng len lỏi bám vào thành nồi, như chứng tỏ khói là sự hiện thân của củi trên cái bếp này. Những cái nồi bám đầy nhọ đen, chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ cao, chỗ thấp này,... lại không được mọi người nhìn nhận giống như tranh vẽ của Picasso. Thế là tôi - một cô gái quê miệt vườn, ngày cuối tuần phải đi xin tro trấu về cùng với xà bông tẩy trắng vết nhọ nồi, rồi sau đó đem mấy cái nồi này ra ngoài ban công phơi nắng. Ánh nắng gắt giữa buổi trưa rọi xuống mấy cái nồi bằng gang phản chiếu ra những tia nắng li ti, như thể mấy cái nồi này nhe răng cười trêu ghẹo tôi.
Bếp xưa ở Việt Nam quê tôi, nhất là những hình ảnh bếp xưa ở làng quê vẫn thu hút ánh mắt nhìn của tôi vì bởi bếp có linh hồn của nó, nét độc đáo riêng của bếp Việt, tôi luôn cảm nhận ra được cảm xúc trìu mến, ấm cúng của tình gia đình. Ngày tháng dần trôi, có những đôi bàn chân phải xa làng, xa bếp. Từ những cái lò đơn sơ này lại cho ra những món ăn được coi như quốc hồn quốc tuý, âm thầm nuôi dưỡng tinh thần người Việt xa quê như tôi. Ngày nay thỉnh thoảng bên lò bếp gas hiện đại, bất chợt tôi vẫn nhớ thương chi lạ cái bếp xưa nơi quê nhà.
ST

No comments:

Post a Comment