Qua bao lần vui buồn, mình rút ra được một cảm nhận đó là khi vui vui bao nhiêu thì khi buồn
buồn sẽ bấy nhiêu và ngược lại.
Mỗi lần buồn, hạch hạnh nhân, tuyến yên nằm ở trung tâm não của mình hoạt động rất khó chịu, nó tiết ra một chất gì đó làm mình cảm thấy vô cùng khó chịu, cảm thấy vô cùng bức bối, tù túng, ngột ngạt. Đây là lúc mình cảm nhận rất rõ tâm thái muốn vượt thoát khỏi sự trói buột của thân xác, và tâm thức con người.
Và để đối trị, mình lùi về một góc, nhìn thẳng vào trung tâm khó chịu đó, không đồng hóa mình với nó, không mong cầu nó mau hết, cũng không ra sức chống đối, lãng tránh, hay đè nén nó. Mình chỉ hay biết, chỉ nhìn, nhìn, và nhìn thẳng vào nó, và thấy cảm giác khó chịu dần vơi giảm. Đã có bằng chứng khoa học về những người bị bệnh trầm cảm nặng
lâu ngày, hạch hạnh nhân, tuyến yên của họ thường xuyên tiết ra độc chất khiến hình thành khối u trong não.
Để bổ sung thêm phần đối trị, mình ngồi xuống theo tư thế tọa thiền và bắt đầu hít thở bằng bụng. Hít vào bụng phình ra, lòng bàn tay phải hướng vào phía bụng, và cả tay phải chuyển động nhịp nhàng đưa ra nương theo sự phình ra của bụng từ trong ra ngoài. Thở ra bụng xẹp lại, tay phải chuyển động nhịp nhàng thu lại theo sự xẹp lại từ từ của bụng.
Hít thở tự nhiên, theo dõi, hay biết sự vào ra của hơi thở nơi mũi. Hít thở vào ra như thế khoảng hơn 200 lượt vào ra.
Xong sau đó, tay phải chạm đỉnh đầu, tay trái đưa ra trước miệng, và bắt đầu thở ra bằng miệng thật sâu thật dài, khoảng 5 lần, hạn chế hít vào, khi này tay trái cảm nhận làn khí từ miệng thổi ra. Hít thở bụng như thế làm cho mình lắng dịu cảm giác khó chịu do hạch hạnh nhân, tuyến yên nơi trung tâm não gây ra, có nguyên nhân khởi phát từ cảm xúc buồn.
Trải qua bao lần thăng trầm như thế, dần dà mình không còn ham thích cảm giác vui nữa, cũng không
chán ghét cảm giác buồn. Chỉ là không đồng hóa mình với xúc cảm vui buồn huyễn hóa, duyên hợp giả tạm và vô thường đổi thay khôn lường. Bởi vui bao nhiêu thì sẽ buồn bấy nhiêu, đúng như lời Phật dạy,
hãy quán thọ thị khổ.
Khi có ánh nhìn như vậy, chúng ta sẽ không còn chạy theo trần cảnh bên ngoài mà tìm niềm vui, bởi biết chắc sau niềm vui, nỗi buồn sẽ đến. Mà chúng ta sẽ quay vào, tự chế tác niềm vui, và hạnh phúc cho bản thân bằng ánh nhìn ngay thẳng vào bao vọng tưởng, xúc cảm thị phi, rồi thì chúng sẽ tan đi, và niềm vui, hạnh phúc chơn thật sẽ hiện lên. Và khi sống với tâm thái này, trong chúng ta sẽ tràn đầy tâm lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, chúng ta sẽ sẵn sàng trao tặng đi tất cả đến với mọi người, mọi chúng hữu tình trong trời đất này một cách vô tư.
Hành Giả
Namo Buddhaya
No comments:
Post a Comment