Gánh nước mướn , không ai nghĩ làm nghề này để giàu có, mà chỉ mong có đủ hai bữa cơm cho qua ngày. SAIGON 1964
Đa phần những người làm nghề gánh nước mướn đều là những lao động nghèo ở tứ xứ lang bạt đến Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Họ sống trong những xóm nghèo, hễ nhà nào cần nước thì chở đến. Vốn liếng của người gánh nước mướn cũng chẳng có gì ngoài sức lao động.Thuở ấy, ở Sài Gòn chưa có hệ thống nước kéo vào tận nhà. Đồng hồ nước vào thời điểm đó là một thứ xa xỉ. Nó chỉ có trong các doanh trại quân đội, bệnh viện, trường học. Người dân muốn xài nước thì ra các phông-tên được nước lắp đặt sẵn tại những nơi công cộng. Ban đầu còn ít nhà nên cũng tiện cho những ai ở gần phông-tên dưới 100m. Song lâu dần, số người quần tụ đông đúc hơn, khoảng cách đã tăng lên và việc thiếu nước sinh hoạt đã thành vấn đề nghiêm trọng. Vậy là nảy sinh việc những nhà có tiền mướn người gánh nước về cho mình, nghề gánh nước mướn bỗng dưng có một chỗ đứng trong xã hội. Để làm được nghề này, người gánh nước phải có một hoặc nhiều đôi thùng thiếc (thường lấy từ những thùng đựng dầu hoả có khắc nổi hình con sò của hãng Shell ). Dùng hai khúc cây tròn hoặc vuông đóng thành một thanh tựa, nối hai vách thùng với nhau. Hai thanh kẽm dài khoảng 1m uốn cong lại thành hình chữ V, có hai móc ở đầu và một chiếc đòn gánh. Người gánh nước mướn phải có sức khỏe, thời đó, người lao động nghèo không có xe đạp để chở, nên chỉ biết dùng sức người như là một phương tiện chính để mưu sinh. Có khi khoảng cách gánh nước đi dài hơn 300m hoặc những nhà ở trong hẻm thì còn xa hơn nữa. Mỗi khi có ai gọi, người gánh nước sẽ xách đôi thùng lại phông – tên để hứng nước rồi gánh lại nhà người đó. Giá trung bình khoảng 2 đồng/đôi. Mỗi nhà xài trung bình 4 đôi nước cho 5 người. Cứ đến Tết, nghề gánh nước mướn được trọng vọng hơn bao giờ hết, vì đó là dịp người ta xài nhiều gấp đôi, gấp ba những ngày thường. Ngoài ra, vì người dân Sài Gòn có tâm lý muốn đầu năm mới được no đủ để cả năm may mắn tốt lành nên cứ vào chiều ba mươi Tết, chủ nhà lại đặt hàng người gánh nước mướn để các lu chứa nước được đầy ăm ắp. Đặc biệt, sau giờ giao thừa, những người gánh nước mướn còn hào phóng gánh tặng cho chủ nhà vài thùng xem như một lời cầu chúc tốt lành cho năm mới. Đáp lại, chủ nhà cũng vui vẻ trao những bao lì xì đỏ tươi như là một lộc đầu năm cho những người gánh nước tận tụy này. Trong số những người làm nghề gánh nước mướn thời đó, người được xem là may mắn và hạnh phúc nhất phải kể đến hoa khôi chân đất Bùi Thị Ba. Tuy vất vả, cực nhọc với nghề gánh nước mướn nhưng vẻ đẹp mỹ miều toát lên từ thân thể của cô hoa khôi đã hút hồn chàng hắc công tử nổi tiếng như cồn ở miền Nam thuở đó. Ngày ngày, ngắm nhìn nàng gánh từng thùng nước ngang nhà tâm hồn chàng hắc công tử bỗng xốn xang. Ông nhất quyết đi tìm nhà của cô gái gánh nước mướn, biết nàng là con của một ông già làm nghề sửa xe đạp, hắc công tử đã xin đổi cả căn nhà chỉ để được lấy cô làm vợ. Cuộc đời cô gánh nước mướn nghèo khổ bước sang một trang mới. Cô sinh cho hắc công tử bốn người con (hai trai, hai gái) đặt tên là Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ và sống hạnh phúc suốt đời bên chàng. Đó là cô gái làm nghề gánh nước mướn may mắn nhất trong tất cả những người làm nghề gánh nước thời đó. Đến đầu thập niên 1970, khi Công ty thủy cục Sài Gòn cho lắp đồng hồ nước vào từng nhà dân thì nghề gánh nước mướn đã mất hẳn. Từ đó trở đi, ở những xóm nghèo của Saigon không ai còn thấy người gánh nước mướn nào nữa…..cái nghề cực nhọc này từ từ trôi vào miền quên lãng…..
Sưu tầm
Giữa lòng phố saigon xa xưa có nghề gánh nước mướn - còn ở vùng quê thì sao? cũng có giếng nước cây đa, bến cũ con đò: họ cũng gánh nước đêm trăng và những đôi nam thanh nữ tú cũng thành duyên nợ sống đến rang long đầu bạc....
ReplyDelete