WESTMINSTER, California (NV) – Ý định đầu tiên của Ngọc Lan khi muốn đi tìm sự thật về “căn nhà ma” là “xin ngủ một đêm trong đó.” Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng để thành sự thật thì không biết làm như thế nào. Bởi thật khó có chủ nhà nào lại đồng ý với đề nghị “quái lạ” như vậy. Nhưng, thật bất ngờ khi ông Anh, chú của chủ nhân “căn nhà ma,” tự đưa ra lời mời.
Vậy là “giờ G” đã định, đoạn kết cho quá trình khám phá bí mật “căn nhà ma” sắp hoàn thành.
*Ai thực hiện “sứ mệnh” ngủ trong “căn nhà ma”?
Từ căn nhà “nổi tiếng” trở về tòa soạn, báo cho sếp biết lời mời của chủ nhà, tôi đồng thời cũng hỏi bâng quơ, “Giờ quan trọng là ai sẽ ‘hy sinh’ đây?”
Dĩ nhiên, tôi biết mình là người đầu tiên “không thoát” được, nhưng một mình thì cũng không xong. Dù rằng nhà đó đang có người ở, nhưng ở một mình trong căn phòng của “căn nhà ma” thì… cũng “rét” lắm!
Tôi rủ phóng viên Nhất Anh, “Đi ở nhà ma không em?” Nhất Anh cười lắc đầu nguầy nguậy, “Dạ không, em tin những chuyện này lắm! Em không đi đâu.”
Vừa lúc đó, em Nia ở ban Kỹ Thuật bước vào. “Nia, đi ngủ ở nhà ma với chị không?” Nia cũng cười, “Dạ thôi.” – “Sợ hả?” – “Dạ, em không có sợ, nhưng em cũng không dám liều, lỡ ‘mấy cái đó’ đeo theo về nhà thì phiền những người khác.”
Chuyện này làm sao ép được, ai biết “lỡ có gì” thì làm sao. Nhìn qua thấy phóng viên Quốc Dũng, tôi hỏi luôn, “Dũng, Thứ Bảy đi với chị không?” – “Em thì tin có ma. Em muốn được thấy nhưng chưa bao giờ thấy. Mà hổm rày chị nói ở đó không có ma vậy em đi làm chi!” Quốc Dũng trả lời.
Tuy nhiên, sáng sớm Thứ Sáu, tôi thấy tin nhắn của Bé Châu, “thầy cò, sửa chính tả” của ban biên tập, “Cô Lan ơi còn chỗ trống cho con ngủ nhà ma không cô Lan?”
“Ok, con đi với cô Lan, đang định đi một mình vì thấy ai cũng sợ.” Tôi mừng húm trả lời. Ai dè Bé Châu cũng mừng luôn “Trời ơi mừng quá! Để con đi hộ tống cô Lan cho.”
Ra là cô bé cũng theo dõi nhóm phóng viên làm đề tài này hổm rày, và cũng tò mò muốn được một lần ngủ “nhà ma” là như thế nào.
Tôi dặn dò Bé Châu mang theo “sleeping bag” hay mền gối vì nhà đó không có gì sẵn hết.
Tối Thứ Sáu, một ngày trước ngày “định mệnh,” nhiều người trong Ban Nội Dung tụ tập ở nhà Thịnh Nguyễn, một thành viên mới, để ăn uống. Câu chuyện rôm rả không có gì khác hơn là kể chuyện “nhà ma” mà nhân vật chính lại là… Đằng Giao.
Nghe tôi nói ông Anh bảo “đừng kêu Đằng Giao tới,” mọi người xúm lại chọc Đằng Giao “tối tăm mặt mũi” để rồi cười ầm ĩ. Đằng Giao tỏ ra tức lắm, và quả quyết, “Tôi không sợ. Tôi sẽ đi đến đó tối ngày mai. Mà có sợ tôi cũng không bỏ cuộc.”
Thế là trong khi Quốc Dũng nắm chặt bàn tay giơ lên nói, “Đằng Giao không sợ!” thì Long lay-out cũng cất lời, “Tối mai em sẽ đậu xe sẵn ngoài cửa, anh Giao mà chạy ra là em để anh lái đi liền, đừng lo!”
Thiện Lê thì nhắn nhủ, “Con sẽ mở điện thoại suốt đêm, có gì chú Giao cứ gọi con.” Anh Dân Huỳnh, người đã đến căn nhà đó quay phim hôm trước, tỏ ra quan tâm, “Đằng Giao đi hả Đằng Giao? Nói nghe nè, nhớ mang theo… tã.” Cả đám lại cười như vỡ chợ.
“Ok, Đằng Giao không sợ! Đằng Giao sẽ đi!” Lão đồng nghiệp tôi gầm gừ lên tiếng trước mặt mọi người.
Đang nói cười rôm rả, bỗng Long Layout nói, “Tối mai là Rằm Tháng Bảy, tháng cô hồn đó nghen! Coi chừng ma lên nhiều lắm đó!”
“Trời, thiệt hả! Sao trùng hợp vậy!” Tôi kêu lên.
Cơ hội ngay ngày Rằm Tháng Bảy, tháng cô hồn, vác mền gối vô ngủ trong căn nhà mà người ta đồn có ma dữ thì chắc trong đời làm báo không mấy ai mong.
Nhưng, đã trót mang nghiệp vào thân, đành vậy.
*Tượng Phật của Đằng Giao và “bửu bối” của Ngọc Lan
Chúng tôi hẹn nhau trước 9 giờ tối mọi người tập trung ở nhà Ngọc Lan để cùng đi chung xe qua “nhà ma.”
Chiều đó Đằng Giao mua sườn bò nướng về ăn tối với đứa con trai.
Anh kể, “Nhìn thằng con ngấu nghiến nhai thịt, tôi khẽ thở dài, hy vọng đây không phải là bữa ăn cuối cùng của hai cha con. Những câu chuyện rùng rợn tôi bị nhồi nhét vào đầu suốt mấy chục năm qua cứ dồn dập hiện về. Nỗi sợ không dữ dội đến mức tôi phải bất ngờ ‘ngã bệnh’ hay chợt có một lý do nào đó rút lui giờ chót, nhưng cũng đủ để tôi hối hận vì đã nhận lời ngủ ở nhà ma.”
“Gần chín giờ tối. Không dám nói gì với con, tôi lặng lẽ thắp nhang khấn Phật, xin ngài phù hộ cho sáng mai tôi còn được về nhà. Không thấy thằng con, tôi nhanh tay cầm tượng Phật nhỏ rồi cho vào ba lô. Có thờ, có thiêng, mang thêm một bửu bối hộ thân tôi thấy an tâm hơn. Tượng Phật này, tôi thỉnh ở Đà Nẵng từ 15 năm trước. Đến nơi nào đáng ngại, tôi thường đem ngài theo. Đi chơi, tôi để ngài ở nhà để phù hộ thằng con tôi,” Đằng Giao nhớ lại.Từ n hà Ngọc Lan đến “căn nhà ma” mất khoảng… 4 phút. Bé Châu chạy xe đậu trên sân nhà luôn chứ không đậu ở đường Hurley.
Ngọc Lan mang hành trang vào nhà trước. Sau khi được chỉ cho biết căn phòng chúng tôi sẽ ở chính xác là phòng nào thì đến phiên Đằng Giao và Bé Châu ra mang những thứ còn lại vào.
Lúc này, Đằng Giao không phải đặt tượng Phật trong ba lô mà là ẵm trên tay “cẩn thận” bước vào “căn nhà ma.”
Ngọc Lan kể, “Tôi sững sờ khi nhìn thấy lão đồng nghiệp mình tay cầm ba lô, tay ôm chiếc tượng Phật ngang ngực từ ngoài bước vào, đi thẳng về căn phòng đã được chủ nhà chỉ định. Ông Anh mỉm cười không nói gì. Còn Nguyễn, chàng chủ nhà trẻ tuổi khẽ kêu lên: ‘Trời ơi, có cần phải làm vậy không!’ trước khi cúi mặt xuống bàn để giấu tiếng cười kinh ngạc.”
Đây là điều hoàn toàn bất ngờ, không có trong tưởng tượng của Ngọc Lan.
Mà thật sự, cũng không ai, ngoài Ngọc Lan biết rằng, trước khi đi, cô cũng đã kịp tròng vào cổ chiếc dây đeo màu đỏ có hình Phật Ngọc mà Thiện Giao, sếp cũ của cô tặng, sau khi được một Phật tử nào đó tặng cho nhân dịp tượng Phật Ngọc nổi tiếng lần đầu tiên được đưa đến Mỹ.
Nghĩa là cả Đằng Giao và Ngọc Lan đều tự thủ “bửu bối” cho riêng mình, trong một niềm tin thầm kín nào đó nên không ai nói trước với ai.
*Gương mặt trắng trong đêm
Buổi tối trong căn nhà, ông Anh và Nguyễn ngồi tiếp chuyện mọi người, đặc biệt là ông Anh cứ thích “hù dọa” coi chừng sẽ có chuyện này chuyện kia xảy ra.
Tuy nhiên, với Đằng Giao thì “có đông người hơn mà cảm giác của tôi vẫn không khá hơn chút nào. Cũng như lần trước, chả hiểu vì sao mà người tôi cứ như lâng lâng, say say. Tai tôi cũng ù đi và mắt tôi không tập trung vào một chỗ được, nhìn gì cũng thấy mờ mờ, đục đục. Tin lời Nguyễn là tôi sợ ma, ông Anh cứ chọc ghẹo, mục đích là để tôi bớt căng thẳng. Nhưng làm sao có thể ‘cảm hóa’ được tôi, một người từng nghe bao nhiêu đồn đãi về căn nhà này.”
“Nói thật, tôi không nhớ hôm ấy ông Anh nói gì để trấn an. Tai tôi có nghe được gì đâu. Lúc đang ngồi ở bàn ăn, người tôi tê cứng, tim như nhảy thót ra ngoài khi nghe tiếng ‘cạch’ ngay sau lưng. Mẹ ơi! Tôi quay phắt lại thì một người đàn bà mở cửa điềm nhiên bước vào. Tôi như chết trân. Hình như tôi nghe ông Anh giới thiệu người đàn bà ấy là vợ. Khi ông lặp lại lần nữa, tôi biết chắc bà là vợ ông. Và, hình như mọi người đã cười vì nghĩ rằng tôi ‘nhát’,” Đằng Giao nhớ lại những gì có thể nhớ.
Gần 11 giờ, chủ nhà đi ngủ.
“Tôi ở phòng kế bên, có gì cứ việc kêu. Cửa tôi để sẵn, nếu muốn về lúc nào cứ về. Và nếu được, hãy nói cho tôi biết những gì quý vị cảm nhận sau một đêm ở đây.” Ông Anh dặn dò một cách chân tình trước khi để lại quyền “tự quyết” cho chúng tôi “muốn làm gì cứ làm, quay phim, chụp ảnh gì cũng được.”
Ba chúng tôi vào phòng bàn tính công việc cần làm. Ngọc Lan quyết định sẽ ra chỗ có lò sưởi “ma quái” để kể lại toàn bộ câu chuyện chúng tôi đã thực hiện phóng sự về “căn nhà ma.” Bé Châu là người quay phim.
Mọi người đồng ý và mang máy móc đi ra. Bên ngoài chủ nhà tắt đèn tối thui. Chúng tôi vừa đi vừa lò dò tìm công-tắc đèn.
Đằng Giao không quên ôm chiếc tượng Phật theo bên mình, đặt tượng lên thành lò sưởi, quay mặt tượng về hướng lão ngồi.
Trong khi chờ Bé Châu chuẩn bị máy quay, canh góc quay, Ngọc Lan bỗng nghe tiếng động lột xột phía gian bếp tối thui. Chưa kịp nhận ra tiếng gì thì Đằng Giao bỗng dưng quay ngoắc người lại.
“Trời ơi!”
Một người mặc áo đen, có gương mặt trắng toát như bột lừ lừ từ góc bếp tối thui bước ra. Hai tay vung vẩy, vỗ vỗ lên mặt trắng bạch chỉ có 2 lỗ mắt, lỗ miệng, lỗ mũi là đen ngòm.
Mất mấy giây định thần, Ngọc Lan mới hỏi được câu, “Em đó hả? Em là Nguyễn hả?”
“Dạ em, Nguyễn đây. Em định vô khều anh Đằng Giao,” Nguyễn trả lời và tiếp tục vỗ vỗ miếng mặt nạ dưỡng da đang đắp trên mặt cho chúng tôi… chụp hình.
Thiệt tình, nếu giữa đêm mà chủ nhà chơi trò này, nhá qua trước mặt chúng tôi rồi lặng lẽ bỏ về phòng, không nói năng gì thì chắc chắn bao nhiêu lời đồn đãi trước đây, với chúng tôi, sẽ trở thành thật 100%, và chúng tôi sẽ bị ám ảnh bởi hình ảnh đó hoài luôn.
Nhưng may quá! Kẻ mang mặt nạ trắng này là người, là chủ nhà. Không phải con ma nào hết.
Quay phim xong, gần đến 12 giờ, “giờ linh.” Đằng Giao đề nghị tất cả về phòng để tránh phiền chủ nhà nhưng kỳ thực là trong lúc quay, thỉnh thoảng cả hai người đều có những lúc kín đáo nhìn về hướng cầu thang xem có… bóng người nào không.
Dĩ nhiên, Đằng Giao lại ôm chiếc tượng vào lòng đi trở về phòng, đặt ngay sát chỗ lão chọn nằm.
Nhìn thái độ sợ hãi của Đằng Giao, Ngọc Lan không thể nhịn cười, đến mức cô quên luôn rằng mình cũng sợ ma chứ chẳng phải can đảm gì (vì chính cô cũng đang đeo sợi dây có hình Phật Bà giấu bên trong áo).
Cô gọi phone cho sếp Thắng Đỗ, người theo dõi hành trình làm phóng sự để… méc.
Đằng Giao kể, “Ngọc Lan gọi anh Thắng Đỗ, tổng thư ký báo Người Việt, để nói gì đó mà khi cô đưa điện thoại cho tôi, anh Thắng khuyến khích tôi nên ‘dũng cảm lên vì đây là dịp hy hữu trong đời phóng viên.’ ‘Dũng cảm lên’? Trời ơi! Tôi làm gì bây giờ? Có cho vàng tôi cũng không dám bỏ về một mình lúc đó, khoảng trước sau 12 giờ đêm.”
Sau khi mỗi người chiếm giữ một góc phòng, thì đến lúc quyết định phải tắt đèn mới ngủ được, chứ mở đèn thì sao thấy ma. Mà đèn gắn liền với quạt, tắt đèn là tắt luôn quạt. Nóng sao chịu nổi. Vậy phải mở cửa sổ. Nhưng mở cửa sổ thì cũng phải che miếng màn xuống chứ không mở mắt ra thấy ai đang đứng đó thì sao.
Đằng Giao lại một lần nữa từ từ chuyển bức tượng Phật sang nơi cửa sổ đang mở!
*Một đêm không như mọi đêm
Bé Châu mang đồ che tai và bịt mắt trước khi ngủ, vì như em nói, “Ở nhà con cũng mang như vậy lúc ngủ, không che tai không bịt mắt con không ngủ được.”
Đằng Giao thì vẫn bộ mặt căng thẳng, lưng dựa tường, mặt hướng thẳng nơi cửa phòng, sau khi đã cẩn thận lấy đồ chắn chân cửa vì “không muốn thấy chân người đi qua lại trong đêm.”
Sau khi xem lại những đoạn phim do Bé Châu quay, tôi cũng trùm kín mền, cố dỗ giấc ngủ.
Nhưng mà tôi không ngủ yên, vì trời nóng quá. Rất là nóng, mà tôi lại không đủ can đảm để tung mền ra hay ngồi dậy mở đèn mở quạt lên. Coi như cố đấm ăn xôi, trong khi nghe tiếng thở đều của hai bạn đồng nghiệp, tiếng xe thỉnh thoảng chạy bên ngoài, và cảm giác người mình đẫm mồ hôi.
Với Đằng Giao thì “Ngủ trong ‘căn nhà ma’ là điều quá sức chịu đựng, nhưng tôi không muốn ngủ vì phải thức thì mới chứng kiến và khẳng định là những điều ma quái thiên hạ đồn bấy lâu nay là đúng hay không. Bởi vậy tôi cố mở mắt thao láo trong căn phòng tối om om.”
Lão nói, “Bụng bảo dạ rằng mình phải thức trắng nhưng vì tôi cũng chỉ là người nên khoảng 2 giờ sáng tôi mệt quá, thiếp đi.”
Sau nhiều lần xoay trở người vì nóng, tôi hé mắt khi nghe tiếng xe chạy bên ngoài dồn dập hơn. Với tay lấy điện thoại thấy cũng đã 6 giờ sáng. An toàn rồi. Tiếng hai bạn đồng nghiệp vẫn thở đều. Tức là mọi người còn sống đủ.
Gần 7 giờ, tôi nhìn thấy Đằng Giao có vẻ thức dậy. Tôi hỏi, “Có thấy gì không ông?”
“Hoàn toàn thất vọng. Không có gì hết,” gương mặt lão đồng nghiệp rạng rỡ lạ lùng, khác hẳn với đêm qua, với những ngày qua. Sau này lão nói, “Chưa bao giờ tôi vui khi biết mình còn được thức dậy như hôm ấy.”
Tôi nhìn thấy Đằng Giao mở ba lô, cầm chiếc tượng Phật đặt vào đó.
Gọi Bé Châu thức dậy, hỏi em có thấy gì không. “Có thấy gì đâu, không cảm giác gì hết. Chỉ nhìn thấy chú Giao tối qua là lạ quá thôi!,” Bé Châu trả lời tỉnh rụi.
Chúng tôi rửa mặt và quay đoạn cuối cho cuốn phim sau một đêm ở “căn nhà ma” ngay trong căn phòng đó.
Nghe có tiếng động bên ngoài, đoán là chủ nhà đã thức, chúng tôi thu dọn hành lý, cám ơn ông Anh trong khi Nguyễn vẫn còn ngủ, ra về và không quên chụp chung mấy tấm hình kỷ niệm trước cửa nhà.
*Thay lời kết
Đằng Giao: “Đến giờ, tôi có thể hiên ngang loan báo cùng quí độc giả gần xa là căn nhà ở góc Euclid/Hazard không có chuyện gì xảy ra trong đêm đó. Có thể vì tượng Phật của tôi chăng? Những gì tôi kể lại là những gì tôi còn nhớ trong đêm hôm ấy, với tất cả can trường, dũng cảm của một người biết tôn trọng thế giới bên kia.”
Với Ngọc Lan: “Tôi luôn cảm thấy sự thú vị từ khi bắt tay thực hiện phóng sự này, với những chuỗi may mắn đi liền nhau. Không hề cảm thấy có những áp lực hay lo lắng, sợ hãi nào đặc biệt.”
Điều duy nhất cho đến giờ này cả hai tác giả còn tranh cãi là tấm tranh người phụ nữ trong ngôi nhà hàng xóm của “căn nhà ma.”
Ngọc Lan cho rằng điều duy nhất khiến cô hơi “sợ sợ” là lúc bước chân vào ngôi nhà và nhìn thấy bức tranh ấy.
Nhưng, Đằng Giao khẳng định, “Không hề có bức tranh nào hết. Không hề!”
Hỏi Nguyễn, người có mặt cùng chúng tôi, thì Nguyễn cho rằng, “Em hoàn toàn không để ý, em chỉ chú ý chiếc cầu thang của ngôi nhà đó, vì nó quá đẹp.”
Vậy là sao? Có hay không tấm tranh gương mặt người phụ nữ có ánh mắt sắc lẹm và những cọng tóc lõa xõa che nửa mặt?
Trong khi Đằng Giao bảo, “Xưa nay, tôi vẫn tin rằng, điều đáng sợ nhất của ma quỷ là chúng có trăm ngàn cách để làm cho người khác tin rằng không có ma quỷ trên đời. Phải chăng vì vậy mà bao nhiêu người liên quan đến căn nhà đều nói rằng không có gì cả, ngay cả tôi.”
Và, “Biết đâu, những người ở cõi âm cố tình xui khiến để chúng tôi phải tin rằng căn nhà ma không có ma. Nhưng… không có lửa, sao có khói? Hôm nay, ngồi tại tòa soạn Người Việt, tôi vẫn không quên cảm giác ớn lạnh rợn óc cả hai lần, khi tôi bước vào nhà Nguyễn.”
Thì Ngọc Lan tỏ ra bình thản, “Không có cảm nhận gì khác lạ hết, rất bình thường.”
Tuy nhiên, khi hoàn tất bài viết này, đúng hai tuần sau ngày “đặc biệt” ấy, thì Ngọc Lan là người duy nhất trong số ba người được mời ngủ ở “căn nhà ma” bị “dị ứng da rất nặng,” theo lời bác sĩ.
Ngọc Lan cho rằng có thể do cô nằm dưới sàn của căn phòng, mà có lẽ lâu rồi không có ai ở nên nó dơ, bụi đó làm cô dị ứng.
Nhưng dù sao, như cô nói, “Tôi cảm thấy hài lòng về tất cả những gì mình và đồng nghiệp đã làm được khi thực hiện phóng sự ‘Khám phá’“căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon.’ Còn lại chỉ là… chuyện nhỏ!” (Ngọc Lan & Đằng Giao)
No comments:
Post a Comment