Trường Trung Học Trần Lục nằm ở Tân Định Sài Gòn, chỉ có 4 lớp đầu trong bậc Trung Học – lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) tới lớp Đệ Tứ (lớp 9) – và sau đó thường là chuyển lên Trung Học Chu Văn An (trên đường Minh Mạng) để học lớp Đệ Tam (lớp 10) tới khi tốt nghiệp Trung Học, lúc đó là thi Tú Tài 2.
Điểm đặc biệt, Hội Ngộ 60 Năm Trần Lục cũng là duy nhất trong đời rất nhiều người, vì sau đó là thôi, theo lời anh Phạm Gia Đại trong Ban Tổ Chức, vì phải chờ 60 năm nữa mới tổ chức lần thứ nhì (nếu có bạn nào còn hiện diện trong cõi này, mà chưa quên ký ức trung học).
Buổi hội ngộ được trực tiếp truyền sóng livestream vào FaceBook do chị Tâm An thực hiện, cũng như truyền sóng truyền hình trực tiếp qua một đài địa phương.
Trước khi vào hội ngộ là một chuyến đi tour cho một số cựu học sinh Trần Lục và thân hữu một tuần thăm thắng cảnh Yellowstone tại California. Anh Bùi Đức Uyên đã giúp cho các bạn xa gần đi du lịch đến khu Yellow Stone ngay trước ngày Hội Ngộ, và trở về Little Saigon tối ngày 25/5/2018 để kịp thời tham dự Hội Ngộ.
Hôm Thứ Bảy 26/5/2018 là buổi tiền hội ngộ tại hội trường khu nhà Clubhouse/Lake Park, nơi văn nghệ phụ diễn cây nhà lá vườn, ban nhạc một người, và tự do ngồi, nói chuyện, hàn huyên…
Buổi hội ngộ chính là Chủ Nhật 27/5/2018 tại nhà hàng Golden Sea, nơi ban nhạc một người Night Star.
Đặc biệt có hai thầy đã từng dậy học tại Trần Lục tham dự: Thầy Cô Đỗ Kim Bảng và Thầy Doãn Quốc Sỹ.
Giây phút từ biệt là buổi Điểm Tâm hôm Thứ Hai 28/5/2018, đúng ngày Lễ Memorial Day, tại tiệm Phở Pasteur lúc 10am sáng, nơi đã đặt trước một bàn dài cuối phòng cho 50 người.
Buổi Hội Ngộ có nhiều bạn từ xa về tham dự, trong đó xa nhất có một bạn từ Úc châu tới, một bạn từ Pháp quốc tới. Còn xa cỡ Texas tới cho nhà báo Nguyễn Văn Lập, còn gọi là Lập Mũ Đỏ. Hai bạn Trần Lục bị stroke và đã thuyên giảm nên đến tham dự được là: Nguyễn Cường đi walker (tại địa phương) và anh Vũ Trọng Tiến (đến từ Stockton bắc Cali). Nghĩa là, hễ chồm dậy được, là tới tham dự, vì sau Hội Ngộ này là thôi, không có lần thứ nhì nữa.
Thầy Đỗ Kim Bảng được mời lên trình bày, nói rằng kỷ niệm ban đầu của Thầy với Trung Học Trần Lục là lo ngại, vì sau 5 năm ở Võ Bị được về dạy trung học, chỉ lo là gặp các tay quậy phá hàng thứ ba thế giới, chỉ thua ma với quỷ thôi, nhưng hóa ra học sinh các nah lại vô cung ngoan hiền, và sau một năm dạy, Thầy tự tin vì biết làm tròn được nhiệm vụ nhà giáo.
Thầy Đỗ Kim Bảng nói rằng các anh bây giờ cũng cao niênc ả rồi, kiến thức nhiều người hơn tôi. Trong phong tục dân tộc, hễ 50 tuổi là được người chung quanh gọi là cụ rồi, tôi nhớ hồi Giáo sư Nguyễn Đăng Thục hơn 50 tuổi là được gọi bằng cụ, trong khi 60 tuổi là thượng thọ lục tuần, 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, 80 tuổi là thượng thọ bát tuần… do vậy bây giờ tôi cũng gọi các anh là “các cụ ạ.”
Thầy Doãn Quốc Sỹ nói rằng tình thầy trò lúc nào cũng vô giá… Trong khi lương nhà giáo đạm bạc, nhưng tình thầy trò thực sự là vô giá, cảm động. Thầy Doãn Quốc Sỹ đã yếu, đi lên nhờ người con trai là nhà báo Doãn Quốc Hưng dìu theo.
Anh Đỗ Đăng Liêu từ Úc châu tới, nói rằng thời nhỏ đã say mê đọc tác phẩm Dòng Sông Định Mệnh của Thầy Doãn Quốc Sỹ. Anh Liêu nói rằng bạn học Trần Lục nào tới Úc, đi bộ vào nhà anh, sẽ được anh nướng một con cừu làm tiệc, và trước giờ chỉ mới làm như thế một lần, nhưng hy vọng sẽ đón nhiều bạn để làm nhiều lần nữa.
Anh Phạm Hữu Bảo từ Pháp quốc sang nói rằng anh từng có cơ duyên học Thầy Đỗ Kim Bảng, nhưng không có cơ duyên học Thầy Doãn Quốc Sỹ.
Một điểm độc đáo Hội Ngộ 60 Năm Trần Lục là văn nghệ AVT, một hình ảnh và phong cách nhạc của 3 nhạc sĩ rất là Bắc Kỳ 54 ở Sài Gòn kiểu thời xa xưa. Cũng đặc biệt là ban nhạc Hương Xưa với 4 ca sĩ cũng rất là Bắc Kỳ 54 ở Sài Gòn, trong đó có ca sĩ Hồng Tước cũng là một nhạc sĩ sáng tác.
Bạn Phạm Gia Đại đã hát ca khúc Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Thầy Đỗ Kim Bảng, một vị Thầy để lại một số ca khúc được ưa chuộng như Mưa Đêm Ngoại Ô, Bước Chân Chiều Chủ Nhật…
Thầy Đỗ Kim Bảng được mời lên giải thích đã nói rằng Thầy rất mực ưa thích đi lang thang một mình trên đường phố Sài Gòn, dưới ánh nắng vàng thơ mộng…
Cũng nên nhắc rằng Thầy cũng nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, và tiểu sử trên các trang lịch sử âm nhạc viết như sau: Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học)… Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954, ông di cư vào Saigon . Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội. Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát….
Trong khi đó, thượng thượng thọ là Thầy Doãn Quốc Sỹ (sinh ngày 17 tháng 2 năm 1923), dạy học tại các trường trung học công lập như Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội, 1952-1953), Trần Lục (Sài Gòn, 1953-1960). Làm hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961), giáo sư trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (1961-1962), giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1962 đến giữa thập niên 1960. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.
Là nhà văn nổi tiếng, Thầy Doãn Quốc Sỹ để lại nhiều tác phẩm lớn, trong đó có Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966)...Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng "Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến tranh và hòa bình" trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và "có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam."
Trong khi Thầy Đỗ Kim Bảng bị tù cải tạo ba năm rồi vượt biên, Thầy Doãn Quốc Sỹ bị CSVN giam nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm.
Cũng trong truyền thống văn học của Trần Lục, anh Phạm Gia Đại là tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng có nhan đề Những Người Tù Cuối Cùng, đồng thời cũng là một nhà bình luận chính trị thời sự được chú ý nghe.
Tương tự, trong các cựu học sinh, có tham dự là hai nhà báo Nguyễn Văn Lập và Phan Tấn Hải từ nhiều năm nay hoạt động trong giới cầm bút ở hải ngoại.
Tham dự Hội Ngộ tổng cộng khoảng 120 đồng môn và thân hữu tới từ các nơi xa như Pháp, Úc, và các nơi như Virginia, Texas, Nevada, Bắc Cali, San Diego…
Trường Trung Học Trần Lục nguyên là trường bán công thành lập vào năm 1950 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Bắc Việt. Vị hiệu trưởng đầu tiên là linh mục Trần Văn Kiệm, tốt nghiệp BS Hóa Học và MS Vật Lý tại Hoa Kỳ vào thập niên 1950. Sau trở thành trường công lập. Năm 1954 trong cuộc di cư vào Nam, Hiệu Trưởng và toàn ban giáo sư đã lên đường vào Nam lánh nạn cộng sản. Khi vào đến Saigon, trường tạm trú tại trường Đổ Chiểu cho đến năm 1971 khi xây dựng được cơ sở mới trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, Quận 10 Saigon thì đổi tên thành Trường Trung Học Nguyễn Du. Từ ngày thành lập đến nay, trường Trần Lục (và sau đó là Nguyễn Du) đã đào tạo được nhiều nhân tài phục vụ cho đất nước về các lãnh vực văn hóa giáo dục, quân sự, chính trị, v.v...
Việt Báo
No comments:
Post a Comment