Monday, December 10, 2018

Nghĩa Trang Bắc Việt - Blog Saigon Xưa

Hình ảnh màu hiếm hoi “Nghĩa trang Bắc Việt”, nghĩa trang này nằm phía sau Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ,đối diện qua cột cờ là Trung tâm Hành Quân và cuốn hồi ký của Phạm Quỳnh trong chuyến ghé thăm Sài Gòn thăm nghĩa trang Bắc Việt năm xưa.
>> Tóm tắt sơ lược Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh [Trích phần Phạm Quỳnh ghé vào Sài Gòn ngày 13-3-1922] :
5 giờ sáng ngày 13, tàu tới Sài Gòn, yết bảng đến 4 giờ sáng ngày 15 chạy về Singapore, đỗ ở Sài Gòn 48 giờ.
Thừa được thời giờ dài rộng như thế, bèn bỏ tàu xuống bộ, dạo chơi thành phố và thăm hỏi bạn bè, nhưng trước khi đi chơi, anh em rủ nhau vào chào quan Thống đốc Nam kỳ Dr Cognacq, ngài chính là quan đại lý trông coi về việc đấu xảo ở bên Đông Pháp; ngài tiếp tử tế lắm, và chúc cho các phái viên vượt bể được bình yên, mạnh khoẻ. Nhân quan Toàn quyền Long cũng ở Sài Gòn, các phái viên muốn xin vào chào ngài, nhưng bữa ấy ngài bận nhiều khách, không thể tiếp được, có hẹn đến 11 giờ hôm sau là ngày 14 lại. Hôm sau, đúng giờ ấy, các phái viên vào chào ngài, ngài hỏi han và nói chuyện ân cần lắm, nói rằng ngài sẽ gặp các phái viên ở bên Pháp, vì cách vài tuần nữa ngài cũng xuống tàu về Pháp.
Trưa ngày 13, anh em cùng nhau về Chợ Lớn, trước là xem phố phường, sau là thử vào ăn cơm một hiệu cao lâu ở đấy xem cách người Khách ở Nam kỳ tiếp người An Nam thế nào. Cách đó thật là lãnh đạm vô cùng, người Khách ở Chợ Lớn tựa hồ như không cần gì người An Nam cả; mà những hàng trí thức trong Lục tỉnh ngày nay, đối lại với họ cũng lạnh nhạt như thế, coi đó thời biết hai giống người ác cảm nhau đã sâu lắm; cái ác cảm ấy có lẽ cũng là một sự hay cho đường kinh tế nước ta sau này.
Chiều ngày 13, các ông Bắc kỳ buôn bán ở Sài Gòn đặt tiệc tại nhà ông Đắc là đại lý của hiệu Đào Huống Mai ở Sài Gòn để đãi các phái viên. Ông Đắc mới ra Hà Nội vắng, nhưng các bạn Bắc kỳ đến dự tiệc cũng đông, thật là tỏ ra cái cảm tình người đồng quận.
Tiệc đoạn ở hiệu Đào Huống Mai, thời các bạn Nam kỳ cho xe hơi đến đón đi xem trò “xiếc” (cirque) của người đồng bào mình mới mở tại Sài Gòn được vài bữa.
Bọn xiếc này đặt tên là “xiếc Tân Nam Việt” (cirque du jeune An-nam), tài tử toàn là người An Nam cả, mà đứng chủ là ông André Thận, năm trước đã sung phái bộ ra xem Hội chợ ở Hà Nội. Bọn này mới tập có mấy tháng mà làm trò đã tài lắm, leo dây, múa rối, chẳng kém gì các bọn xiếc của người Mỹ người Ý đã sang làm trò ở bên ta. Có mấy vai tài tử xuất sắc nhất, tưởng sánh với người các nước cũng không thua, nhất là vai thầy Hào và vai cô Mão. Đàn bà An Nam ta mà làm trò xiếc trước nhất: chắc là cô Mão này.
Xong trò xiếc lại diễn thêm một bài tân kịch đề là “Vợ ngoan làm quan cho chồng” của ông Hồ Văn Lang đặt để giúp cho việc cổ động công thải 6 triệu đồng.
Bài kịch soạn khéo, người diễn cũng giỏi. Trước tôi vẫn biết trong Nam kỳ mấy năm nay mới xuất hiện một lối kịch mới gọi là “tuồng cải lương” thịnh hành lắm, nhưng chưa hiểu cải lương ra thế nào, Nay được xem bài kịch này mới rõ. Tuồng “cải lương” là một lối kịch đặt theo kiểu mới của Âu tây, nhưng vẫn giữ cái phong vị cũ của tuồng ta, là đương khi các vai nói chuyện như thường, lại pha thêm mấy đoạn hát theo điệu đàn, thành ra vừa là kịch, vừa là ca bản tân, bản cựu, tưởng cũng là một lối tuồng hợp với trình độ người mình hiện bây giờ. Ngoài Bắc ta thường có muốn cải lương diễn kịch, có lẽ cũng phải theo một lối ấy trong ít lâu, rồi mới mong tìm được một cái thể khác thích đáng hơn. Nếu thế thì đồng bào ta trong Nam kỳ đã thí nghiệm rồi, ta cứ việc nhân đấy mà châm chước.
Trưa ngày 14, ông Nguyễn Phú Khai, nguyên quản lý báo Tribune Indigène, hiện làm chủ hiệu buôn nhập cảnhThuận Hoà, mời ăn cơm ở nhà riêng ông đường Pellerin. Ông Nguyễn cũng có thể cho là một tay lãnh tụ trong “Tân Nam Việt” ta ở Nam kỳ, người thông minh, linh lợi, lại có cái tư tưởng cao về quốc gia, về xã hội, cách giao thiệp ôn hoà nhã nhặn, rõ ra một người có tư cách khác thường. Tân học mà được như ông cả, ấy mới thật là xứng đáng.
3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem Hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hưng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát li được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp.
5 giờ chiều cùng mấy ông ngoài ta đi xem vườn Bắc kỳ nghĩa trang, cách thành phố Sài Gòn 6-7 cây-lô-mét, đó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn. Số người ngoài ta vào lập nghiệp trong ấy ngày một nhiều, mà hướng lai không có một khu đất nào riêng để chôn những người bất hạnh mất đi. Nay nhờ có mấy ông hữu tâm xướng xuất lên, mua được một khu đất chừng mười mẫu, kinh doanh làm thành một vườn nghĩa địa, hiện nay đã có vài ba cái mộ mới chôn. Tình đồng quận, nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm.
7 giờ tối các bạn Nam kỳ đặt tiệc tại nhà Saigon-palace-Hôtel để đãi phái viên Bắc kỳ, dự tiệc bữa ấy, ngoài mấy anh em chúng tôi, có những vị như sau này: ông Nguyễn Phú Khai, ông Trương Văn Bền, ông Lương Văn Mỹ (công chính kỹ sư ở Chợ Lớn), quan Đốc phủ Chợ Lớn Nguyễn Tấn Sử, ông Nguyễn Phan Long, ông Nguyễn Chánh Sắt, ông Lê Hoàng Mưu, ông Nguyễn Tử Thức, ông Lê Đức, ông Nguyễn Văn Thường, ông Hồ Văn Lang, ông Tự An (ở báoTribune indigène), ông Nghiêm. Tiệc thật là vui vẻ lắm, rõ hiểu cái tình liên lạc kẻ Bắc người Nam. Khi uốngchampagne, ông Nguyễn Phú Khai thay mặt các bạn Nam kỳ chúc phái bộ Bắc kỳ vượt bể bình yên và sang bên Đại Pháp quan sát được nhiều điều ích lợi cho đồng bào. Ông Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt các phái viên Bắc kỳ cám ơn các bạn Nam kỳ.
Tiệc xong, ông Trương Văn Bền và ông Nguyễn Phú Khai đem xe hơi riêng đưa các phái viên đi chơi phố phường, về Chợ Lớn, rồi ra Sài Gòn theo đường bờ sông cho đến nơi gọi là Lang Thô, một bên thuyền bè đậu, một bên dẫy đèn điện dài nhấp nhánh như sao sa, trên trời, mặt trăng chiếu rọi, thật là một cảnh ngoạn mục.
Buổi tối này là một buổi tối cuối cùng của anh em chúng tôi còn để chân trên đất nước nhà, trước khi dời mình sang những phương xa cõi lạ, từ Hải Phòng đến Sài Gòn, tuy lênh đênh trên mặt bể, nhưng vẫn chưa ra khỏi hải phận nước nhà; từ đây trở đi mới thật là băng miền di vực, cho nên trước khi từ biệt các bạn Nam kỳ để xuống tàu, ai nấy cũng thấy có chút cảm động trong lòng, cảm động vì cái tư tưởng cố quốc tha hương.
4 giờ sáng ngày 15, tàu cất neo chạy về Singapore (Tân-gia-ba), ra khỏi Vũng Tàu (Cap Saint-Jacques), lại gặp sóng to, say sóng mất non một ngày, mãi đến hôm nay 16 mới tỉnh dậy, ăn được một bữa, thấy người hơi khoan khoái, vào trong phòng khách, viết mấy dòng này.
Theo bài viết ở trên cách đây hơn 90 năm trong cuốn nhật ký của Học giả Phạm Quỳnh ở ngoài Bắc trong chuyến đi Pháp dự Đấu xảo Marseille năm 1922 cũng đã đến viếng thăm nghĩa trang này khi tàu biển chở ông ghé vào Sài Gòn ngày 13/3/1922, có thể nói qua đoạn nhật ký trên của Phạm Quỳnh chúng ta biết được vào năm 1922 nghĩa trang này mới chỉ có vài ngôi mộ, vậy mà gần 50 năm sau như những tấm ảnh ảnh quý vị thấy trong hình năm 1969, nghĩa trang này đã kín hết … 
____________________________

>>> Sơ lược về học giả Phạm Quỳnh.
Như vừa viết bài biết ở trên ngày 13-3-1922, đúng 90 năm trước đây, học giả PHẠM QUỲNH từ Hà Nội đã ghé vào Sài Gòn trên chuyến tàu đưa ông cùng 3 đại biểu khác ở Bắc Kỳ đi dự Đấu xảo Thuộc địa lần thứ hai tại Marseille, miền nam nước Pháp, cùng đi chuyến tàu với Phạm Quỳnh là các ông quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Lưu Văn Vị thay mặt cho quan trường Bắc Kỳ, ông Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt cho Tư vấn nghị viện.
Số đại biểu Bắc Kỳ được mời dự Hội chợ Thuộc địa Marseille 1922 gồm tất cả 7 người, ngoài 4 vị kể trên thì 3 người còn lại lên đường trong một chuyến tàu sau, gồm các ông Phạm Duy Tốn (cũng thay mặt Tư vấn nghị viện, bố nhạc sĩ Phạm Duy), ông Hoàng Kim Bảng thay mặt cho các nhà thương mại, ông Nguyễn Hữu Tiệp thay mặt cho các nhà canh nông.
Vào năm 1922 Phạm Quỳnh vừa được 30 tuổi, ông đang làm chủ bút tờ Nam Phong Tạp chí, được cử đi Pháp thay mặt cho Hội Khai trí Tiến Đức, tại Pháp năm 1922 Phạm Quỳnh cũng có vài dịp gặp gỡ ông Hồ Chí Minh, khi đó 32 tuổi, đang hoạt động bí mật tại đây.
Năm 1945 cách mạng mùa Thu nổ ra, Phạm Quỳnh đã bị bắt đưa đi khỏi biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu Huế ngày 23-8-1945, nơi ông đang sống ẩn dật, và bị sát hại ngày 6-9-1945, sau ngày tuyên bố độc lập chỉ 4 hôm, cùng bị hành quyết với Phạm Quỳnh là ông Ngô Đình Khôi, anh cả của ông Diệm, và người con trai của ông Khôi.
Xác của 3 người mãi đến năm 1956 mới tìm được ở nơi hẻo lánh trong rừng Hắc Thú, nhờ có người chứng kiến vụ sát hại cho biết tin, và gia đình ông Diệm đứng ra tổ chức việc đi tìm, khi mất Phạm Quỳnh chỉ mới 53 tuổi, Việt Nam đã sớm mất đi một trong những học giả thuộc hàng lỗi lạc nhất của đất nước…
Nhân dịp Đấu xảo Marseille 1922, hoàng đế Khải Định cũng được mời đến dự, và ông đã trở thành nhà vua đầu tiên của Việt Nam chính thức đi ra nước ngoài (không kể các ông vua bị Pháp bắt đi đày ở nước ngoài như Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái, hay các ông Vua khá …)
Chuyến về nước thì Phạm Quỳnh đi chung tàu với vua Khải Định và Phạm Quỳnh đã kể lại chuyến đi Pháp trong tác phẩm “Pháp du hành trình Nhật ký” của ông.

No comments:

Post a Comment