Monday, September 10, 2018

Trong Nỗi Khốn Cùng - Nguyễn Thế Thăng - Đọc để quên và để nhớ

Suốt cuộc đời tôi trên mảnh đất quê hương bất hạnh, có lẽ mùa Ðông 1975 là một cái đông lạnh lẽo nhất. Không biết có phải vì miền Nam Việt Nam vừa trải qua một cuộc đổi đời khủng khiếp, hay vì lúc ấy tôi đang bị cùm tại Trại A9/Long Thành, Biên Hòa (ngã Ba Thái Lan) trong một dãy nhà tôn vách gỗ mà không hề có lấy một tấm mền mỏng che thân! Ban ngày ngủ, ban đêm phải thức trắng ngồi xoa bóp liên tục khắp cả người cho ấm. Ôi đêm dài vô tận trong cái lạnh thấu xương cộng thêm vết thương trên người còn tươi máu. Chính từ chuỗi ngày đêm nơi tầng cuối địa ngục này lại trở thành một phước duyên cho tôi tập tễnh bước vào Thiền để sống sót và tồn tại đến ngày nay.
Trước và sau ngày 30/4/75 tôi đã không hề có ý định chạy ra nước ngoài. Khoảng đầu tháng 6/75, tôi lên Trà Cổ (Hố Nai, Biên Hòa) rồi từ đó vào rừng gia nhập Liên Ðoàn 5 của Ðại Úy Lê Ðình Thạch (trước đây thuộc Sư Ðoàn 5/BB) gồm một số Biệt Kích Dù, Biệt Ðộng, Cảnh Sát, Ðịa Phương Quân... Chúng tôi sống trong các mật khu cũ của Việt cộng vùng Sông Buông, Sông Mây (đầu Chiến Khu D). Việt cộng tràn ra thành phố, bỏ ngõ mật khu của họ lại với đầy đủ chòi, lán, vọng gác trên cây, bếp với nồi niêu xoong chảo, nương khoai, vườn rau và một số rất lớn lựu đạn chày chỉ còn được dùng để đánh cá vì hệ thống kích hỏa bị hư đến hơn 60%. Chúng tôi thường tấn công những kho gạo Tân Bình, Tân Bắc, Trà Cổ... Trước khi vác gạo về mật khu, chúng tôi dọn sạch kho đem bỏ từng bao trước cửa mỗi nhà dân. Dân địa phương và gia đình cũng tiếp tế cho chúng tôi rất nhiều thực phẩm khác. Vũ khí cũ như M16, M79 dần dần hết đạn, chúng tôi phải đánh Việt cộng để lấy AK, B40...
Ðến khoảng tháng 9/75, lực lượng chúng tôi đã có khoảng 80 người. Biết không thể chống cự nổi bọn cộng sản đang say men chiến thắng, chúng tôi dự trù sẽ đi đường bộ băng ngang Kampuchia đến vùng biên giới Kampuchia -Thái Lan để dưỡng quân rồi tùy cơ ứng biến. Trong vùng còn có một toán thuộc Liên Ðoàn Biệt Cách 81 (trước 30/4/75) hoạt động độc lập dưới sự chỉ huy của một người tên Wòng A Cẩu. Chúng tôi cũng đang liên lạc để sát nhập với một lực lượng khác do Thiếu Tá Tam (Thiếu Tá Nguyễn Phước Trường) chỉ huy. Có một linh mục tham gia tên Trần Học Hiệu (LM Hiệu sau này đã bị giết chết trong tù). Khoảng tháng 10/75, VC đưa hai trung đoàn có bốn chiến xa yểm trợ tấn công đơn vị chúng tôi và đơn vị của Thiếu Tá Tam. Chúng tôi trải quân ra thật rộng với từng tổ tam tam chế, đóng chốt trên tất cả những yếu điểm, kể cả những chòi trên ngọn cây, bình tĩnh sử dụng thật tiết kiệm từng viên đạn một. Chiến đấu trong hơn bốn ngày đêm, chúng tôi đã mất hơn nửa quân số. Sau khi Anh Thạch hy sinh, chúng tôi phải xé lẻ tan hàng. Ba người theo tôi đi về Phước Long. Ðến 10g sáng (?),chúng tôi lọt ổ phục kích gần Xã Vĩnh Cửu (?),một trung đội cộng sản nằm dài theo bụi tre cách khoảng mười-lăm, hai-mươi thước bắn xối xả vào chúng tôi đang di chuyển giữa đồng trống, quần áo tôi bị thủng nhiều lỗ, một viên AK xuyên qua đầu gối (đang ở thế ngồi chồm hổm để bắn lại) làm tôi ngã vật ra sau nhưng vẫn tiếp tục bắn đồng thời ra lệnh ba thuộc cấp thoát thân. Chuẩn Úy Nguyễn Thạch Ðiệp nhất định liều chết để lôi tôi đi... Tôi hét lên, Ðiệp vẫn không buông tôi ra, tôi phải chĩa súng vào người Ðiệp gằn giọng nếu không chạy đi, tôi phải bắn chú, Ðiệp rớm nước mắt “dạ” rồi vọt liền, cùng lúc với đợt xung phong xáp lá cà của địch, một tên dùng nguyên khẩu súng với trái đạn B40 đập lên đầu tôi, tôi né qua một bên, bị trúng vào gáy rồi ngất đi. Hình như một tên chỉa AK vào đầu tôi định bóp cò, một tên khác la lên... "Ðừng bắn, thằng này cấp cao, tài liệu sống, đem nó về." Lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên võng vải nylon, máu me ướt sũng lưng, bọn VC thay nhau khiêng tôi đi. Ngang qua một số dân địa phương đang làm rẫy, tôi thoáng nghe vài tiếng kêu... Giê-Su Ma!!.
Toán cộng sản đưa tôi về huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai (Biên Hòa), nhốt tôi trong một căn nhà không có nóc (bị pháo kích sập, chỉ còn bốn bức tường với các cửa đóng kín bằng những tấm ván lớn chéo nhau). Tôi được đặt trên một bao tải cũ, gối đầu trên một cục gạch thẻ, trên người chỉ còn một quần lót dính đầy máu đã khô, đầu gối được bó lại bằng chính cái áo trận của tôi. Ðêm đó trời mưa như trút, cả người tôi ướt như chuột nằm chịu trận suốt mấy giờ.Vết thương đau nhức khủng khiếp, máu vẫn tiếp tục loang loang theo nước mưa. Sau cùng vì quá lạnh, sức đã kiệt, tôi lên tiếng kêu gọi bộ đội xin chuyển tôi đi nơi khác, không nghe tiếng trả lời, tôi ráng lết vào sát chân tường để núp. Nếu lúc đó cửa có mở tôi cũng không thể trốn đi vì đầu gối chân phải đã bị bắn xuyên từ bên này sang bên kia, xương bánh chè bị vỡ nát. Bị bắt tại trận với vũ khí trên tay thế này chắc chắn 100% là chết, nếu lỡ sau này có sống sót, có lành cũng thành phế nhân, tôi đành quyết định chọn con đường tự sát. Ráng đập đầu vào tường nhưng sức không còn. Thử cắn lưỡi thì thú thật đau quá, không đủ can đảm. Có lẽ phải nhờ Việt cộng giết giùm thôi. Tôi bắt đầu la lên chửi rủa cộng sản, chửi đích danh Hồ Chí Minh khan cả tiếng. Tôi tiếp tục chửi tất cả những tên đầu não cộng sản lúc bấy giờ mà tôi nhớ được như... Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ... Rồi không biết ngất đi từ lúc nào. Khi tỉnh dậy toàn thân tê tái, tê như đóng băng, đầu vẫn gối trên cục gạch, thân vẫn nằm trên cái bao tải ướt sũng, trên người gần như trần truồng được đắp lại bằng.... một tấm tôn! Ngoài kia gió vẫn rít gào, trời vẫn vô tình mưa rả rích, nước mưa vẫn gõ nhịp đều đặn trên tấm tôn lạnh lùng...
Sáng hôm sau Việt cộng triệu tập một cuộc mít-tinh dân chúng huyện Thống Nhất để triển lãm mục đích răn đe với khoảng hơn bốn mươi xác những “tên ác ôn đã đền tội”. Mười một người bị bắt (tất cả đều bị thương), số còn lại trốn thoát. Chúng khiêng tôi ra đặt nằm phía sau một chiếc xe Jeep mui trần cho bà con xem. Rất nhiều tiếng đả đảo từ những tay cò mồi. Không ít những giọt nước mắt nghẹn ngào. Vẫn vỏn vẹn một chiếc quần lót đẫm máu, tôi ngồi thẳng người, bình tĩnh nhếch mép cười khi nghe những tiếng hô đòi tử hình kẻ “tội phạm”. Lúc đó đối với tôi hai tiếng “tử hình” nghe không còn ghê rợn nữa mà thật bình thường vì đó chính là điều tôi mong đợi và chấp nhận như một sòng phẳng tất nhiên. Một cô trung niên, mặt khá xinh, người nhỏ nhắn, có vẻ rất hung hăng, vừa xô đẩy những bộ đội giữ trật tự, vừa hô to: Ðả đảo những tên “xâm lăng” (?) khốn nạn, hòa bình không muốn chỉ muốn chiến tranh, những tên mặt người dạ thú, giả nhân giả nghĩa, giết hại dân lành... Hãy để cho tôi nhổ vào mặt nó, đập vào mặt nó, tôi mới hả dạ!” Tôi nghĩ mụ này là “Việt cộng cái” giả dạng thôi, lòng tôi thanh thản đến lạ lùng. Hãy để chúng trổ tài bịp bợm. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi cõi đời ô trọc bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ cách nào, dù xấu nhất. Tôi mỉm cười nhìn thẳng vào mắt mụ khi mụ vung nắm đấm. Mụ không nhổ vào mặt tôi. Mụ cũng không đập vào mặt tôi. Mụ luồn tay vào bụng tôi làm như đấm tôi vậy, miệng vẫn tiếp tục chửi rủa. Tôi cảm thấy cái gì đó nằng nặng trên bụng, liếc nhanh, thì ra đó là một quả quít nhỏ, tôi vội lấy tay che lại, nụ cười thành trơ trẽn biến mất, nhường chỗ cho sự ngạc nhiên đầy lý thú và cảm thông rất nhanh. Ðôi mắt diễn viên trong một thoáng lạc đi rồi trở lại ngay với vở kịch còn dang dở! Cô ấy trạc tuổi tôi hoặc nhỏ hơn chút ít. Ðến bây giờ, tôi vẫn hằng ước mong có được một dịp tái ngộ người ân nhân tuyệt vời này - Không phải vì đơn thuần quả quít mà vì giá trị khích lệ trong một hoàn cảnh quá hi hữu.
Những ngày và đêm tiếp theo là thủ tục hỏi cung. Bộ đội chánh quy từ miền Bắc tương đối nhẹ tay, một vài người nói và làm như miễn cưỡng, một người đã lén pha cho tôi một ly sữa sau lần tôi bị ngất đi vài giờ, nhưng những tay “giải phóng - Cộng sản người miền Nam” thì thật tàn bạo... Chính nơi đây tôi đã được nhìn thấy thế giới bên kia sau những lần chết đi, có lần kéo dài đến sáu, bảy tiếng... Tôi đã nhẹ nhàng thanh thoát, lướt bay trên những cánh đồng đầy hoa, không một chút bụi. Không cảm giác áo quần mặc trên mình dù rằng quần áo rất đẹp, không tơ lụa nào sánh bằng, hình như kết bằng mây ngũ sắc. Cả không gian thật tươi mát, thật sạch như vừa trải qua một cơn mưa nhẹ. Bầu trời không một áng mây, không có mặt trời nhưng lại rất sáng và trong suốt như pha lê. Tôi đã nhớ lại từng chi tiết nhỏ cả quãng đời đã qua từ khi nhập thế. Những điểm tốt cùng với bao nhiêu điều xấu. Vui vẻ, hài lòng, thảnh thơi trước những việc thiện. Hối hận, ăn năn, dằn vặt, đau khổ trước những điều bất thiện. Có lẽ đó là “Tòa Phán Xét” theo giáo lý đạo Thiên Chúa. Có thể đó chính là Niết Bàn và Ðịa Ngục theo Phật Giáo chăng? Tôi đã nghe và hiểu những con chim đang hót những lời tán tỉnh. Tôi đã thấy những con cá giành ăn và nghe chúng cãi nhau. Chính nhờ vậy tôi lại càng không sợ chết nữa, trái lại còn mong muốn được ra đi thật sớm. Tôi như tỉnh ngộ và nhận rõ rằng cái xác này tuyệt nhiên không phải là tôi. Nó chỉ là một phương tiện, một địa chỉ tạm trú của một trong vô lượng vô số kiếp mà thôi. Quá đủ rồi. Tôi đã thoát ra và ngắm nhìn cái xác này bất động. Mấy lần đầu, tôi nghĩ đó chỉ là những giấc mơ.
Sau vài lần lập đi lập lại thành xác tín, thành khẳng định những gì bên kia cửa tử, tôi khẩn khoản một cách chân tình, một cách rất bình thản: Các anh thấy tôi đã chết nhiều lần, tôi đã được qua thế giới bên kia, đẹp lắm, bình yên lắm, tôi thề sẽ không bao giờ oán hận các anh, tôi hứa sẽ mang ơn nếu các anh cho tôi một viên đạn vào đầu để tôi được đi luôn, không phải trở lại cõi đời này. Thật bất ngờ, kể từ hôm đó, họ không hề đụng chạm đến tôi nữa. Một lần, một tay cán bộ bắt tôi nhận diện những đồng ngũ đã hy sinh qua những tấm hình chụp trắng đen. Anh Thạch nằm chết bên cạnh khẩu M60 không còn một viên đạn. Mắt anh một nhắm, một mở. Miệng anh như mỉm cười. Tôi lặng người, nước mắt lưng tròng. Tay cán bộ giả vờ nhìn đi chỗ khác. Tôi cố tình tìm nhưng không nhìn thấy xác Chuẩn Úy Vũ Thế Cường, là anh họ của tôi (anh ruột mẹ tôi là Vũ Thế Nghiệp tức nhà báo Thần Phong hai năm sau đó bị xử bắn tại Thủ Ðức). Vĩnh biệt các anh và hẹn ngày gặp lại, tôi khẽ thì thầm.
Quay trở về mùa Ðông 1975 tại Trại A9 Long Thành. Trại nằm ngay tại Ngã Ba Thái Lan gồm nhiều dãy nhà tôn vách ván nơi đang tập trung học tập các cựu viên chức hành chánh VNCH. Chúng tôi khoảng năm-mươi người gồm nhiều thành phần bị nhốt trong dãy nhà ngang cuối cùng có hàng rào kẽm gai quây kín. Tất cả tù nhân bị cùm hai chân, xiềng một tay vào ban đêm, ban ngày chỉ xiềng một tay vào một chân. Cùng trại có một người lớn tuổi tên là Phan Xuân Hạ, bị bắt vì nghi ngờ là sĩ quan cao cấp VNCH đang trốn tránh. Cụ rất hiên ngang, dõng dạc. Nghe cái tên quen quen, tôi hỏi cụ có liên hệ gì với với một người bạn cùng khóa là Phan Xuân Mai không. Cụ chỉ mỉm cười: Con cháu trong nhà thôi. Bà Minh Ðăng (Không biết tên thật, chủ đại bài gạo Minh Ðăng, Biên Hòa) người phụ nữ duy nhất bị bắt vì tiếp tế nguyên một xe gạo vào rừng, đã dùng sợi dây xích làm xâu chuỗi, không biết bà đã đọc bao nhiêu kinh mà sợi xích sáng bóng như thép ròng vậy. Nguyễn Văn Chi, người bị đánh hội đồng nhiều nhất trong suốt hơn hai tháng vì bị nghi ngờ là Thiếu Úy Trần Văn Chi (Th/Úy Chi bị một viên đạn xuyên qua vai phải, trốn thoát, hiện đang ở San Jose - California), Ngô Ðình Chiến bị bắn xuyên qua bả vai trái, tay trái bị liệt. Nguyễn Văn Cân bị ghẻ toàn thân chỉ trừ hai con mắt, Nguyễn Y - người Bình Ðịnh (trông giống hệt hình Quang Trung Ðại Ðế), Trịnh Văn Thương bị bắn xuyên qua đùi, Phạm Văn Thận với chiếc jacket với hàng chục lỗ đạn.... 
Cũng trong trại này có một người lính cũ của tôi, Ðào Văn Lành, không biết bị bắt bao giờ và về tội gì. Anh được làm trong nhà bếp, phụ giúp nấu cơm cho trại. Một lần đem cơm cho tù nhân, anh nhận ra tôi nhưng không dám nói, chỉ ra hiệu. Tôi thì vẫn... muôn đời Lục Quân Việt Nam, cứ bô lô ba la, cứ vui trước đã, đằng nào cũng chết, vui ngay cả với tử thần như một thân hữu đang đợi trông. Cơm ngày hai bữa trưa và chiều, mỗi người được hơn một chén cơm với “thịt cọp”. Thịt cọp có nghĩa là muối hột, khi nhai kêu cọp cọp. Tôi chỉ ăn một nửa muối, phần còn lại dùng pha nước để tự rửa vết thương. Thỉnh thoảng được một chút canh nấu bằng lá cải già hay bí rợ với muối. Một hôm Lành lén trao cho tôi một lon sữa bò trong đó có phân nửa chất nước đen đen, quẹo quẹo mà Lành nói là nước cá kho. Chao ơi, nó ngon làm sao. Mỗi bữa ăn, tôi chỉ dám chan một muỗng cà phê trên chén cơm hẩm mà tưởng như đang thưởng thức món cá cao lâu ngày nào. Khoảng hơn mười ngày sau, khi vắng bóng người, Lành hỏi nhỏ: Nước cá kho tôi cho ông có ngon không? Cám ơn Lành, đang thiếu thốn mà được như thế không gì so sánh bằng. Lành thật thà: Ông biết không, tụi nó kêu tôi rửa cá khô, nguyên cả ký lô cá khô tôi rửa bằng một tô nước thôi, nước đó tôi cô lại còn nửa lon cho ông xài đỡ. Ráng sống, ráng nhịn cho qua nghe ông!
Rồi cũng qua một mùa Ðông. một mùa Ðông tang thương, thê lương trên khắp nẻo đường đất nước. Cả miền Nam biến thành một trại tù khổng lồ. Bốn tháng sau tôi bị chuyển về giam tại xã Ngãi Giao, quận Ðức Thạnh (Phước Tuy / Bà Rịa). Chỉ cùm hai chân ban đêm nhưng ban ngày vẫn phải đeo xiềng vô một chân để đi lao động (mục đích giữ tù không chạy trốn). Từng đoàn tù với xiềng xích kêu loảng xoảng trên đoạn đường gần làng Bình Giả, tôi lẩm bẩm hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Ðức Quang) thật thấm thía: “...Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người, nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi. Nụ cười xa vời, nụ cười của lòng hờn sôi. Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!” Trung Úy Nguyễn Văn Tài lúc nào cũng chỉ một câu vọng cổ trong Chuyện tình Lan và Ðiệp: Em tên là Nguyễn Thị Lan(g), xác còn nằm đó mà hồn tan(g) lâu rồi!! Ở đây tuy ấm hơn nhưng rất khó ngủ vì hàng sư đoàn rệp tấn công suốt đêm. Cũng tại nơi này, hai thằng em tôi là Ðồng Quang Nhường và Nguyễn Văn Hiển bị đánh chết. Hai em trốn trại bị bắt lại. Chúng trói hai tay hai chân rồi treo lên xà nhà như đang khiêng hai con heo. Ðích thân thằng trại trưởng dùng búa gỗ (một khúc cây tròn đường kính cỡ 15cm, dài khoảng 30-40cm, đục một lỗ ở giữa tra cán vào, cán dài khoảng 1m, dùng để đập tôn cho bằng). Nó vung thẳng cánh đập một nhát vào đầu Ðồng Quang Nhường nghe bộp như đập một quả dừa. Nguyễn Văn Hiển ngoái đầu qua nhìn, thuận tay nó vớt một búa ngay quai hàm của Hiển, quai hàm trẹo lặt qua một bên, máu vọt ra có vòi. Tôi nhắm mắt lại kêu Trời!! Cố bịt miệng để khỏi la thành tiếng. Cả hai xác Nhường và Hiển co giật vài lần rồi buông thõng. Vài phút sau, chúng cắt giây thả hai xác xuống. Tôi và ba người nữa tình nguyện đi chôn. Cả hai xác còn nóng hổi được đặt nằm trên tấm gỗ dài cỡ 1 thước 8, rộng 25 phân, hai cánh tay đong đưa theo nhịp bước, nhất là theo cái cà thọt khấp khểnh chân què của tôi. Hiển máu vẫn còn chảy toong toong trên đường. Cái đầu của Nhường ọp ẹp như quả cà chua úng, hai mắt lồi lên, mặt sưng tím bầm. Ðất tổ ong mà dụng cụ đào chỉ là mấy cái cuốc xẻng cũ sứt sẹo. Trung Úy Tài nhỏ con nhất nhưng là người khỏe nhất, hăng hái nhất... Mấy ông ráng đào sâu sâu cho hai đứa nó. Cố gắng mãi đến tận mặt trời lặn cũng chỉ đào xuống được khoảng bảy tấc!! Cả hai xác đều bị chôn nguyên trạng, không áo quan, không poncho hay chiếu bó lại. Tôi ráng gom vài mảnh báo cũ phủ mặt cho hai em. Xếp vài cục đá xung quanh đầu rồi lấp đất nhè nhẹ như sợ hai đứa đau. 
Ðêm đó tôi không tài nào ngủ được. Khoảng nửa khuya, dưới ánh đèn heo hắt, tôi nhìn thấy thật rõ ràng: Nguyễn Văn Hiển đang đứng bên cửa sổ phòng giam, không nói gì, đôi mắt thật buồn nhìn về xa xăm. Tôi nói thầm: Hiển ơi, thôi em hãy đi đi, đừng luyến tiếc gì cõi đời giả tạm này, nghiệp báo em đã trả xong, đừng oán ghét, đừng hận thù, hãy để cho lòng thanh thản mà siêu thoát... Tôi cứ nói như thế, lặp đi lặp lại, dỗ dành, van lơn, lâu lắm, bóng Hiển tan dần rồi biến mất. Hình như có tiếng người trở mình bên cạnh. Tôi xoay qua: Trong bóng tối mờ mờ, tôi nhận ra Ðồng Quang Nhường, hai anh em như đang nằm trên một toa xe lửa, dưới lưng cái gì bầy hầy như phân trâu bò. Tôi hỏi nhỏ: Chúng nó đưa anh em mình đi đâu đây? Chúng nó sẽ đưa anh ra Bắc nhưng anh đừng lo (Nhường lúc nào cũng lạc quan) mọi việc sẽ rất tốt đẹp, rồi anh sẽ vinh quang nơi xứ người. Tôi cười khẩy: Mẹ kiếp, miền Bắc chính là xứ người, không phải xứ của anh em mình, nhưng cái thân tàn tật tù tội trên đất cáo Hồ thì vinh với quang cái khỉ khô gì. Nhường cười. Hai anh em cùng cười với nhau. Tôi bừng tỉnh. Chơ vơ. Thì ra đó chỉ là một ác mộng.
Mấy tháng sau tôi nhận được lệnh: Tha thụ hình, cho phép đi cải tạo. Tôi bị chuyển qua Trại Lê Lợi. Nơi đây tuy không bị còn bị cùm hay xiềng nhưng ở trong khu cách ly. Bên kia hàng rào nhìn thấy Ngô Bá Lai, Nguyễn Hữu Tạo và một số rất đông bạn bè khác, nhận ra nhau trong ánh mắt thật ngỡ ngàng, tủi nhục, chua xót, đắng cay. Ngô Bá Lai nháy mắt bảo tôi ra nhà vệ sinh, hai đứa trật quần ra ngồi bên nhau trao đổi tin tức. Lai ân cần hỏi tôi thiếu thốn gì không. Một tháng sau chuyển qua trại Long Giao. Tôi vào trại với hai cổ tay và cánh tay bị trói chặt ra sau lưng bằng dây điện thoại, hai chân trần với vỏn vẹn một bộ đồ trên người và một túi vải nhỏ đeo trước ngực. Phạm Văn Bông nhận tôi về tổ, trong cùng tổ có Trần Ngọc Hoàn; cùng đội, cùng trại có Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Nhự, Chung Gia Phong, Bùi Ðức Hùng, Nguyễn Thành An, Ðặng Kim Cương, Trương Hội, Phạm Ðức Thịnh... Trại bên có Nguyễn Ðức Phương. Bạn bè chia sẻ cho tôi thật nhiều đồ dùng và thực phẩm. Phạm Tuế tặng tôi một chiếc quần treillis còn khá mới.
Ngày 23/5/1977, chuyển ra miền Bắc trên chuyến tàu sông Hương. Nằm trong toa xe lửa trên đoạn đường từ Hải Phòng lên bến phà sông Hồng với toàn phân trâu phân bò, tôi cứ mãi miên man nghĩ về từng chiến hữu trong chiến khu, nghĩ thương hai thằng em bị thảm sát trong tù, về thân phận mình, về dân tộc và quê hương cơn quốc nạn. Ðôi mắt cay cay nhiều xót xa.........
Người lính Nguyễn Thế Thăng

1 comment:

  1. Tôi đọc mà thấy xót xa cho thân phận một kiếp người, ai là kẻ chiến thắng , và ai là người thua trân ? Một hành xử vô nhân tính , dù cho cuộc chiến đã tàn sau 43 năm nhưng khi tôi đọc lại như mới hôm qua , kẻ thù truyền kiếp chính là Vc bọn chúng dã man hơn loài thú dữ , quả báo sẽ đến với chúng , bằng chứng là Hoàng Phủ Ngọc Tường , đang nhận hậu qủa của sự trường phạt hắn đấy . Rất cám ơn PBC/HN và Người lính Nguyễn Thế Thăng . Đã cho tôi đọc bài này.

    ReplyDelete