Thursday, November 24, 2016

Xin cám ơn cuộc đời



Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, “Dân ngoại quốc sao mà… “quởn” quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để nguời ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà…”
Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó đuợc nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình. Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Duợc Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi nguời làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cuời trên môi.
Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai doạn cuối.
Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thuờng ráng cuời vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhung lại bị tật nguyền, rồi từ dó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư. Mấy nguời làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà duỡng lão.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cuời với tôi và đưa tặng tôi một tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:
Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not “smile” to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say “Thank you”, Thanh.
Thank you, very much, for your smile…
(Thanh thân mến,
Tên tôi là Josephine Smiley, nhưng cuộc sống Không có “nụ cười” với tôi cả. Nhiều lần tôi muốn tự tử, cho đến ngày tôi vào tiệm thuốc tây này.
Cô là người luôn luôn mỉm cười với tôi, sau cái chết của chồng tôi và con trai tôi.
Cô làm tôi cảm thấy hạnh phúc và giúp tôi tiếp tục sống. Nhân dịp ngày Lễ Tạ Ơn để nói lời “Cảm ơn”, Thanh.
Cảm ơn cô, rất nhiều, vì nụ cười của cô …)
Rồi bà ôm tôi và bà chảy nuớc mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình uớt, nghe cổ họng mình nghẹn… Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cuời, mà tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống còn.
Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ dến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn uớc nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nuớc mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:
My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile…
I love you, my “daughter”.. .
( Thanh thân yêu,
Tôi đang nghĩ đến cô Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời tôi.
Tôi nhớ đến cô, và tôi nhớ nụ cười của cô …
Tôi yêu cô , “con gái” của tôi.. .)
Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời “Mẹ American” đã gọi tôi bằng tiếng “my daughter”…
Truớc mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.
Mãi cho dến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của nguời bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã “cảm” được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.
Thông thuờng thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt. Mọi nguời đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho nguời mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (tuckey).
Từ mấy tuần truớc ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có… Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi nguời ăn nhậu.
Nguời Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thuờng làm món gà ta, “gà đi bộ.” Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần truớc ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi huớng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.
Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm dến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi “Free meals” tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những nguời không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những nguời dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, nguời da vàng cũng có, và có cả nguời Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều nguời không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp…để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.
Ở nơi đâu trên trái dất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta…
Nếu nói về hai chữ “TẠ ƠN” với những nguời mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều nguời khác. Chúng ta được sinh ra làm nguời, đã là một ơn sủng của Thuợng Ðế. Như tôi đây, có đuợc ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy…
Cám ơn quê hương tôi -Việt Nam, với hai mùa mưa nắng, với những nguời dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi- nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê nguời…
Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi duỡng con cho đến ngày truởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua…
Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên nguời. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học….
Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên nguời, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một nguời hữu dụng cho đất nuớc, xã hội…
Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê nguời, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại…
Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm – buồn vui- những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì dể mà lưu luyến cả…
Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã “nuôi” tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon “gigo” cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ, hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật…
Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc…
Cám ơn những nguời tình, cả những nguời từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết đuợc cảm nhận đuợc thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương…
Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc dời, để nhận ra cuộc sống này là vô thuờng… để từ đó bớt dần “cái tôi”- cái ngã mạn của ngày nào…
Xin cám ơn tất cả… những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:
” Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau…”

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những người thân thương, và những nguời đã từng giúp đỡ tôi.
Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói “Con thương Mẹ”, hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải đuợc cho đi, và phải đuợc đón nhận, bởi lỡ mai này, những nguời thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?
Xin cám ơn cuộc đời
Hoàng Thanh

Wednesday, November 23, 2016

Viết về Dì Hai / Phạm Sanh

Chỉ trong vòng 3 tháng, 2 bà dì đã ra đi, dì gái út và dì gái đầu của Ngoại, chắc lại rủ nhau theo ông cậu Tám, Cậu lại theo Ba. Lúc còn trẻ, Ba tôi rất quý và thương Chị Em bên vợ, nên chỉ 2 năm, tôi mất hết 4 người thân, chắc Ông già rủ theo cho vui. Dẩu biết ai rồi cũng phải ráng leo hết bậc thang cuối cùng của sinh lão bệnh tử, nhưng vẫn thấy ông Trời ác độc sao ấy.
Ông Bà Ngoại tôi có 11 người con, cậu Chín mất sớm, còn lại 2 trai 8 gái. Con đông cứ đặt tên đánh số thứ tự Hai Ba Tư Năm Sáu…, đến khi nào hết số. Sau này mấy bà dì đẻ nhiều, cũng đặt hết số. Dì Hai cũng Hai Ba Tư…, dì Ba cũng Hai Ba Tư…, và mẹ tôi không ngoại lệ. Bà ngoại sinh con dày, bệnh mất sớm. Lúc Bà mất, ông Ngoại và dì Hai đang đi về Phan Thiết lấy thêm tiền bạc đồ đạc gì đó, tụi Tây nhà thương Grall định đưa xuống nhà xác, báo hại mẹ tôi và cậu Vân nước mắt đầm đìa ôm chân Bà cứng ngắc để thằng Tây đen mủi lòng thương mấy đứa con nít không đem Bà đi được. Mẹ nói, mẹ học nghề cô mụ cũng từ cái chết của Ngoại. Còn cậu Vân học nghề bác sỹ, không biết phải từ âm đức của Ngoại hay không, tôi chưa hỏi Cậu, mà nếu hỏi chưa chắc Cậu nói, mấy Cậu rất hiền ít nói, mấy Dì cũng hiền nhưng nói hơi nhiều. Ở Phan Thiết, nói con gái ông giáo Lành, mấy gia đình “danh gia vọng tộc” ai cũng khen và muốn làm quen.
Mất bà Ngoại, dì Hai thay mẹ trông nom mấy em. Ông Ngoại bước thêm bước nữa, nghề giáo, cảnh gà trống nuôi cả bầy con nhỏ cũng khó. Bà Ngoại sau góp thêm một ông Cậu hai bà Dì, ông Ngoại hết số nên đặt tên theo chữ. Mẹ nói bà Ngoại kế tốt lắm, không có cảnh mẹ ghẻ con chồng như người đời thường ca cẩm. Rồi dì Hai gái lớn cũng phải đi lấy chồng. Tới dì Ba, dì Tư…, nhà nào làm xui đều môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Mấy người con muốn “canh tân cải cách”, trai hay gái, Ngoại ghét lắm không thèm dòm mặt dâu rễ, như dì Năm, dì Sáu, cả má tôi và Cậu Vân. May nhờ lúc nhỏ, Ba tôi ưa chun rào qua nhổ tóc sâu ông Cố ngoại dụ Ông kể tích xưa, nên sau này ông Ngoại châm chước bỏ qua.
Ngọại cũng phong kiến lắm, chỉ quý con trai. Bầy cháu ngoại, chỉ biết mấy đứa trai đầu như tôi, anh Hai con dì Hai, thỉnh thoảng có anh Cu L., anh của chị Bảy ké vào mua rượu ông già chống gậy cho Ngoại những lúc tôi vắng. Sau này khi tôi vào Sài Gòn học đại học, dì Năm từ Cần Thơ về PT ở, cũng đi mua rượu tây cho Ngoại mà bị tai nạn oan uổng. Vậy là tôi mất người dì đầu tiên. Hôm đó ở cư xá Phú Thọ, Huỳnh Sáu mới từ PT vào cho hay gấp, đi ngang nhà thấy có đám tang, tôi chết điếng, đi vội xe đò Hiệp Thành về mà cứ khóc tức tưởi dọc đường. Trong đám cháu ngoại, tôi sống với các Dì các Cậu từ bé khi Ba Mẹ còn đang khó khăn bươn chải trăm bề. Sau cái chết dì Năm, thật lâu mới đến dì Sáu, bà dì khổ nhất và dì Ba, bà dì đẹp nhất nhờ giống bà Ngoại. Trong đám con, dì Hai, má tôi, cậu Tám giống hệt ông Ngoại, mặt xương nghiêm nghị nhưng hơi thô, không được đẹp như mấy người con khác.
Dì Hai giỏi lắm, nuôi bầy con cả dượng Hai (tôi kêu bằng dượng Mười) lúc dượng “hết thời”. Nghe nói, lúc trước dượng Mười phong lưu lắm, phải đẳng cấp mới gặp được dì Hai công dung ngôn hạnh. Thời gian ở với gia đình dì Hai, nhớ mãi dượng Mười sai bọn tôi đi mướn truyện chưởng Kim Dung chỗ ông già Trần Thanh Lê về luyện, võ công tôi sau này thâm hậu là nhờ coi ké dọc đường. Dượng rất khó tính, dì Hai nấu cơm phải bên khô bên nhão. Người bị dượng Mười đánh nhiều nhất khi dượng dạy luyện thi đệ thất cho mấy đứa là anh Sơn, vì sắp đánh là anh chạy nên dượng giận đánh thêm, chị TS không hề chạy, tôi thì dượng ít đánh hơn chắc nể em vợ. Sau này dượng Mười vài Sài Gòn, chuyện gì đến phải đến. Dì tôi lâm vào cảnh đàn bà đi biển mồ côi một mình, chịu đựng nhưng Dì kiên quyết dứt tình, đúng là con gái ông Ngoại. Có những lần, dì đi bộ xuống nhà bà nội tận Đức Long để xin vài bó lá cẩm bạc hà vài nhúm lá me. Giá mà bà Ngoại đừng mất sớm thì dì tôi không khổ tâm như vậy, phải nghỉ học sớm bỏ bầy em đi lấy chồng, phải thay mẹ trông em, rồi nuôi cả cháu.
Dì Hai nấu ăn rất ngon, nghe má nói nhờ bà Ngoại nên mấy dì lớn dì nào cũng phải biết nấu ăn, tam tòng tứ đức. Có lúc, dì Hai và má tôi nhận thầu nấu ăn cho căn tin đông người, còn chuyện nấu đám nấu giỗ thì quá bình thường. Mấy chục năm, ăn cao lương mỹ vị gì cũng không thấy ngon bằng canh chua cá kho do dì Hai nấu. Trong nhà dì, hình như chỉ có chị Tư là nấu ăn ngon giống dì, chị Bảy thì chưa biết.
Những người con của dì Hai sau này đều học PBC và thành công. Nhớ có lần dì nói với mẹ, anh Ba qua Canada không lo học cứ đi chụp hình ở trần ở truồng với con đầm nào đó, xem hình mới biết là Jane Fonda. Về già, Dì nhờ con vì Dượng ra đi không trở lại. Mong Dì yên nghĩ vĩnh hằng bên dốc cát hàng dương, sum họp đầm thấm với đại gia đình bên Nội bên Ngoại, người thân bạn bè.
Về thắp nhang cho dì Hai, tôi vẫn miên man không biết dì nào sẽ đi tiếp, ai cũng yếu hết, má tôi, dì Mười lớn và cả dì Tư. Chắc phải nhắc về dì Tư, vì sau này không biết có cơ hội viết về Dì hay không. Trong đám con gái ông Ngoại, chỉ có dì Tư và má tôi là được cho vào Sài Gòn học trường Áo tím, nhưng đầu tóc phải cắt bum bê giống con trai, Ngoại vẫn mơ ước có con trai. Chồng dì Tư là ông Chín chú của Ba tôi, lúc nhỏ lên nhà Dì, Dì bắt xưng hô kêu là Bà Chín. Về nhà, nghe kể lại mẹ giận nói, bả là chị tao chứ không phải thím tao, nhờ tao bả mới lấy được ổng. Rắc rối, hai chú cháu lấy hai chị em. Dì vẫn là dì mà ông vẫn là ông. Mấy đứa em nhỏ sau này đều nhờ ông Chín và dì Tư dạy dỗ, cả dạy học. Mong dì Tư sống dai hơn dì Hai. Mong ai cũng sống dai hết, để tôi không còn cảnh vội về PT, ngang qua đèo Mẹ bồng con ngang núi Chứa Chan, cứ nhìn mấy cây chuối rừng nhìn mây mù bao phủ mà nhớ về kỹ niệm thời còn nhỏ, nhớ đến mấy Cậu Dì.
Viết vội vàng như thấp thêm nén nhang cho Dì Hai, người nuôi nấng tôi một thời như mẹ, cũng là mẹ của 3 người khóa 72PBC (DV Sơn, Thúy Sương, con dâu trưởng Ché Mùi), có gì mong mấy bạn 72 bỏ qua nếu kể lễ nhiều quá.
Phạm Sanh, 72PBC

Tuesday, November 22, 2016

Câu chuyện tìm mẹ / Xin Phổ Biến

Tấm hình duy nhất mà anh có được về mẹ, nhưng lại không biết trong 2 người này ai là mẹ của mình.
Tấm ảnh mà Hiếu (tên trong khai sanh gốc là Nguyễn Khoa Cần Thơ, sau làm lại khai sanh, chính thức trong giấy tờ là Lương Khải Thiên Ân) luôn mang theo bên mình để ghi khắc ngày rước lễ lần đầu mà Hiếu đứng bên cạnh bà Hai Trắng, người má nuôi dưỡng, cưu mang anh từ bé. Trong giây phút đón Chúa ngự vào tâm hồn, nhận được bánh Thánh từ tay vị Linh mục, tâm hồn ngây thơ của cậu bé 10 tuổi tràn đầy tình thương dành cho má Hai Trắng. Hiếu luôn nguyện cầu an lành, sức khỏe cho má vì má hiếm muộn nên lúc nào má cũng chăm sóc, giữ gìn Hiếu như một báu vật.  Nhưng rồi ông Trời cũng không phụ người hiền. Sau này, má Hai Trắng đã sinh được nhiều người con khác, nhưng má vẫn đối xử với Hiếu như con ruột của mình.  Một ngày, khi  Hiếu đã trưởng thành, má gọi Hiếu vào tâm sự rằng má nhận nuôi Hiếu khi Hiếu còn rất bé, và bà Ba Phụng, má của dì Oanh (nay là chủ tiệm phở Oanh ở Cần Thơ) là người đã trao Hiếu cho má Hai Trắng sau khi nhận nuôi Hiếu từ người mẹ ruột vì bà phải bỏ lại núm ruột của mình để đi vượt biên năm 1976.
Hiếu òa khóc.  Sự tủi thân dâng trào của một đứa trẻ bị bỏ rơi. Cảm xúc hụt hẫng xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Má Hai Trắng, người mà Hiếu tưởng là mẹ ruột hóa ra không phải ruột thịt, máu mủ.  Hiếu ôm má Hai Trắng khóc như đang cố bấu víu một cái gì thân yêu, gần gũi.
Anh mang ơn má Hai Trắng nhiều lắm, nhưng tìm người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra mình cũng là nỗi khao khát.  Sau khi đã trầm tĩnh hơn, Hiếu hỏi má Hai Trắng thêm chi tiết về người mẹ ruột.
Mẹ ruột của Hiếu tên là Nguyễn Thị Xuân, cha là Võ Tấn Ðắc.  Bà sinh ra Hiếu ở bệnh viện Ða Khoa Cần Thơ năm 1974.  Khi Hiếu còn rất nhỏ, mẹ của Hiếu tìm đường đi vượt biên và đành phải để Hiếu lại cho bà Ba Phụng nuôi vì Hiếu còn quá bé bỏng mà hành trình vượt biên thì vô cùng cam go, nguy hiểm. Nhưng rồi, nỗi đau ray rứt của một người mẹ khi phải bỏ lại núm ruột của mình để tìm đường sống vẫn theo đuổi mẹ ruột của Hiếu.  Bà trở về Việt Nam tìm Hiếu khi Hiếu đã tròn 12 tuổi. Ðáng tiếc thay, má Hai Trắng, vì lúc đó chưa có người con nào khác, sợ bị mất Hiếu đã đem Hiếu về quê giấu và bà Ba Phụng cũng tuyệt đối giữ kín tin tức về Hiếu nên mẹ ruột của Hiếu đã không tìm gặp được anh. Về sau, bà Hai Trắng đã sinh được những người con ruột khác của bà nên bà sẵn sàng cho Hiếu biết về mẹ ruột của Hiếu.

Lương Khải Thiên Ân ngày rước lễ lần đầu
 Lương Khải Thiên Ân ngày rước lễ lần đầu
Sau khi bà Hai Trắng qua đời vì tuổi già, Hiếu không còn ở nhà bà Hai Trắng nữa. Hiếu dọn lên Cần Thơ kiếm việc làm và sống độc lập.  Hiện giờ, dù đã lập gia đình và có con cái, nhưng Hiếu vẫn khao khát tình yêu thương của mẹ ruột.  Anh mong một lần được nhìn ánh mắt tràn ngập niềm vui của mẹ khi được gặp các cháu nội của mình, con của Hiếu.
Tấm ảnh mà bà Hai Trắng đưa cho Hiếu có 2 người phụ nữ. Dù Hiếu không biết chính xác người nào là mẹ của Hiếu nhưng Hiếu vẫn luôn lưu giữ khư khư tấm ảnh bên mình. Tên chính thức của Hiếu là Thiên Ân (nghĩa là ơn trời), vậy mà sao ông Trời lại nỡ chia cách mẹ con Hiếu. Trên mảnh giấy trắng kẻ sọc ca rô, gửi từ quê nhà, Hiếu viết nguệch ngoạc:
Năm nay con 42 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình cha mẹ vợ. Hiện con cư ngụ ở địa chỉ: số nhà 175 Ấp Trường Khánh1, Xã Long Thạnh, Huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang, VN. Con đã có vợ và hai đứa con.
Ðiện thoại: 07113 986774
Di động: 01206877341
Hoặc: 01678264221
Người viết: ÂN, tên thường gọi là HIẾU”.

03
Hiếu cho biết thêm, Mẹ ruột hiện định cư tại Hoa Kỳ, nhưng không biết ở tiểu bang nào.  Cho dù vì bất cứ hoàn cảnh nào mà mẹ của Hiếu phải đành đoạn lìa con khi đứa bé còn quá thơ dại, thì anh mong rằng 2 mẹ con sẽ được sum họp.
Độc giả nào biết những chi tiết nào quan trọng, cần thiết trong câu chuyện tìm Mẹ của Hiếu, xin vui lòng liên lạc trực tiếp với Hiếu ở số điện thoại trên, hoặc liên lạc Luật sư Anh Thư:  

Bạch Mã / Một Thời Như Rứa

















 
Tóan 723 Đòan 72/SCT Quang, Hậu, Phong,Sanh
 
Bảy trăm hai ba toán mình- Nơi xưa chiến trận, ngày nay chùa chiềng
Nói đến Vùng 1 chiến thuật với những địa danh có tính chiến lược, cùng thiên nhiên khí hậu cảnh đẹp núi đồi, thì không thể quên nói về vùng núi Bạch Mã.
  Từ một khu rừng núi hoang sơ, nhưng đến năm 1932 vùng Bạch Mã nầy đã được một kỹ sư người Pháp đề án để xây nhiều tòa nhà trên các đỉnh núi làm danh lam thắng cảnh và nơi nghỉ mát cho giới giàu có Vua – Chúa nhà Nguyễn cùng các quan chức Pháp.Với độ cao khoảng 1.448m của vùng núi Bạch Mã nên không khí ở đây rất mát mẻ. Đôi lúc đỉnh núi có mây trắng tụ lại phủ mù cả vùng trời như cảnh thần tiên huyền ảo trong các truyện liêu trai phim ảnh. Vì chiến tranh nơi nầy đã bị bỏ phế hoang tàn, nên sau khi trở lại thấy quanh đỉnh núi còn có vài cụm hoa lan, hoa huệ, mà ngày xưa thời Nguyễn đã trồng nay nở rộ tô đẹp thêm cảnh núi rừng.
  Từ độ cao của Bạch Mã có thể nhìn bao vùng cả khu đồng bằng từ Lăng Cô ra đến phía Nam Phú Bài - Huế. Vì vậy VC lợi dụng trong tình huống QLVNCH đang bị Mỹ cắt bớt viện trợ, nên những phi vụ đánh bom và pháo binh bị hạn chế rất nhiều, để đánh chiếm điểm chiến lược nầy.

 Thiếu Úy Hậu, Thiếu Úy Tùng Tóan 723
Trước khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết để ngừng bắn giữa hai miền Nam & Bắc. Ai ở đâu thì ở đó để chờ sự kiểm tra của Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 bên xét duyệt. Lúc đó, các toán của Sở Công Tác thường được nhận công tác nhảy vào các vùng núi chiến lược để cắm cờ vàng 3 sọc đỏ trên các rừng núi, và vùng núi Bạch Mã là một trong những điểm chiến lược quân sự rất quan trọng của vùng 1 cần phải xâm nhập chiếm giữ nhanh trước khi có hiệp định Ba Lê.
Do đó khi được lệnh Quân Đoàn1, Sở Công Tác liền thả vài toán đầu tiên xuống vùng Bạch Mã để thám sát địa thế tình hình. Khi các toán nhảy xâm nhập vào vùng hoạt động theo lệnh hành quân an toàn, rồi vài ngày sau đó gởi báo cáo về các BCH Đoàn để cho biết trên các đồi núi vùng Bạch Mã khá yên tỉnh chưa thấy dấu vết của công quân chiếm đóng. Nên Sở Công Tác được lệnh Quân đoàn 1 cho các Đoàn thay phiên lên chiếm đóng đỉnh núi chính của vùng Bạch Mã để làm đầu cầu cho Địa Phương Quân lên trấn giữ.

Lúc đó, hằng ngày các phi vụ trực thăng của PĐ 253 rất bận rộn để chuyển người và lương thực của các Đoàn Công Tác lên trấn thủ ngọn núi Bạch Mã. Các Đoàn của Sở Công Tác thay phiên nhau lên  Bạch Mã rồi đóng quân trong một toà nhà lầu đổ nát trên ngọn núi chính của vùng Bạch Mã. Cách xa đỉnh núi của Đoàn Công Tác/SCT khoảng 150 mét về hướng Nam có một đỉnh núi hơi thấp được Địa Phương Quân của Tỉnh Thửa Thiên-Huế trấn đóng. Các Đoàn Công Tác và Điạ Phương Quân thường liên lạc qua lại để giữ an ninh chung quanh vùng núi Bạch Mã.
Dưới chân núi vùng Bạch Mã có một đường đèo hoang lở đã bỏ lâu ngày vì chiến tranh chạy ngoằn nghèo quanh vùng núi ra đến vùng đồng bằng Đá Bạc - Cầu Hai. Trên các đồi núi thấp dọc theo đường đèo ấy có một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân rải quân trấn đóng để an ninh diện địa.
Khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973là một sự sắp đặt của bàn cờ quốc tế để Mỹ rút lui khỏi VN trên danh nghĩa, rồi bỏ mặc cho người bạn đồng minhVNCH trong tình huống thiếu thốn viện trợ mọi bề, kể cả súng ống đạn dược v.v.
   Sau khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3 năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam chuẩn bị cho việc đánh dứt điểm chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang trong tình trạng thiếu thốn đạn dược cố gắng xoay trở chống đỡ. Vì  thế vai trò của Hiệp định Paris, trên thực tế, đến đây là đã hết.
  Trong thời gian nầy việt cộng bắt đầu lấn chiếm các vùng núi quanh hai đồi của Đoàn Công Tác và Địa Phương Quân để bắn sẽ, và những lần tiếp tế lương thực bằng trực thăng rất là khó khăn nguy hiểm trước hỏa lực súng phòng không của địch.Vì vậy Tiểu Khu Thừa Thiên có đưa một nhóm nhỏ của ngành Chiến Tranh Chính Trị đem máy móc lên Bạch Mã để phát thanh kêu gọi việt cộng hãy tôn trọng Hiệp Định Balê. 

 Phi Đòan 253 Pilot Phúc Dù ngồi giửa giơ tay chào
  Có một lần PĐ/ 253 tiếp tế gạo cho Đoàn72/SCT. Trước khi trực thăng bay vào vùng, thì phi cơ L19 bay vào trước lạng quanh các đồi núi, rồi bắt loa phát thanh yêu cầu VC phải tôn trọng lệnh “ngừng bắn” của Hiệp định Balê, sau đó trực thăng mới bay vào để tiếp tế. Nhưng! lần đó phi công Phan văn Phúc khi vừa điều khiển chiếc trực thăng sắp đến đỉnh núi của Đoàn Công Tác, thì súng cao xạ của địch bắn xối xả lên trực thăng. Trước hỏa lực của địch, hai chiếc Gunship và A 37 nhào xuống bắn và đánh bom để yểm trợ. Sự gan dạ sống chết cùng chiến hữu không làm Phi Công Phúc chùn tay lái, cố bay lạng lách theo kinh nghiệm với bản năng phản ứng tự nhiên đã liều mạng đưa trực thăng lên đồi Bạch Mã và nhanh chóng đạp thả được hết 10 bao gạo tiếp tế. Một ngày thật kinh hoàng với bom rơi đạn nổ như một cảnh trong phim ảnh khó quên, cũng nhờ sự gan dạ của Phi công Phúc, Đoàn72/SCT mới có lương thực để chiến đấu cho đến ngày cuối,và tôi vẫn còn nhớ. 
  Vài tuần sau, vào một buổi sáng trong căn phòng chỉ huy, chai Champagne được Thiếu Tá Minh rót ra để mời các anh em Sĩ quan, có cả Trung Úy Minh, anh Tr/uy Quãng, Đ/úy Tùng, Hậu v.v đang ngồi lắng nghe Th/tá Minh nói về tình hình chiến sự và cho biết BCH Tiền Phương của Đoàn 72 được lệnh rút vào Đà Nẳng. Vì trong thời gian nầy máy bay trực thăng tiếp tế lương thực rất thiếu, và bay đến rất khó khăn bởi súng phòng không của địch. Lệnh T/tá Minh chỉ định Toán 723 phải ở lại trấn giữ đỉnh núi của các Đoàn làm căn cứ ởlâu nay trên trên Bạch Mã, để chờ , vài ngày bộ binh sẽ lên tiếp nhận, còn  các Toán khác rút theo BCH/Đ72 về Đà Nẳng. Có lẽ, mang cái tên Hậu theo định số mà cha mẹ đặt lúc mới lọt lòng, có nghĩa là người “ sau cùng ” nên tôi đành chịu trận, chỉ tội cho các toán viên phải bị vạ lây theo. 

    Tóan 723 
Được bổ sung thêm vài toán viên ở lại, nên Toán 723 nay có tất cả được 10 người, và chúng tôi đang đơn côi thu dọn những đồ đạc vất bừa bãi ngổn ngang ở dưới bãi trực thăng và trong các căn phòng ngủ, bởi khi anh em đeo trực thăng rút lui thì không thể đeo theo lên máy bay trực thăng bốc về trong cảnh lửa đạn vội vàng hãi hùng. Nhìn anh em thu dọn đồ đạc trong im lặng với khuôn mặt cúi gầm xuống đất, tôi thấu hiểu cái tâm trạng ấy, vì chính tôi cũng cảm nhận được những gì của cõi lòng mình…
   Lúc các Đoàn lên trấn thủ phải dùng kẽm gai “Concertina” rào phòng thủ quanh nhà lầu, đào giao thông hào nối liền với 5 lô cốt thiết kế bằng bao cát để làm 5 điểm canh gác, cùng gài mìn claymore, lựu đạn, trái sáng bao quanh đồi. Ngôi nhà lầu nầy với chiều dài khoảng 30m, chiều rộng 20m. Các phòng được xây bao quanh cái sân chính giữa nhà được đúc bằng bêtông mà bên dưới làm hồ để chứa nước mưa, mỗi phòng đều có cửa đi ra giữa sân. Chỉ có hai cửa chính Bắc - Nam dùng đi ra ngoải nhà lầu, và mé bên trong kế cửa ra vào hướng Nam có một cầu thang đúc xi măng để đi lên sân thượng.
   Nay chỉ có 10 người nên tôi co cụm thu hẹp lại với thế trận để tử thủ về đêm, chỉ đặt  2 vọng gác trước 2 cửa ra vào, và tùy theo thời tiết sương mù mây bay, màn đêm nếu quang đãng thì rão bước ra xa để quan sát động tỉnh.
 Các thùng lựu đạn được đem bỏ lên tầng sân thượng, rồi cột một sợi giây dài vào cái cột trụ gãy mé về hướng đồng bằng, để trong trường hợp ban đêm nếu bị đặc công việt cộng đột kích, toán sẽ chạy lên sân thượng tử thủ rồi dùng lựu đạn thả xuống các phòng bên dưới, và trong trường hợp “bất khả kháng” thì phải dùng sợi giây để liều mạng tìm “ sự sống trong cái chết” rồi nhảy ra khỏi hàng rào concertina đầy mìn bẫy hy vọng thoát thân. Ban ngày, chúng tôi không lo, chỉ cần một người gác đi lòng vòng xung quanh nhà lầu, nếu tụi nó bắn là tụi tôi sẽ đáp trả lại đầy đủ cả vốn lẫn lời liền.

Thiếu Úy Ngôn, Tr/Sĩ Nguyễn Ngọc Tiến Tóan 723
   Trong thời gian nầy, việt cộng thường lợi dụng lúc sương mù tan loãng trên đỉnh đồi, để bắn sẽ anh em ĐPQ và Toán 723. Nhưng mỗi lần chúng bắn sẽ vào Toán 723 thì bị anh em bắn M72 trả lại khiến chúng lo sợ. Còn VC bắn sẽ lính ĐPQ thì chúng chẳng hề bị bắn trả lại, nên chúng thường hay bắn vào lính ĐPQ và đã làm bị thương, chết vài người mà trong đó có Thiếu Úy Hồng Đại Đội Phó/ĐPQ. Từ đó, cảnh thần tiên thơ mộng của Bạch Mã không còn nữa mà chỉ có đạn bom đêm ngày nổ vang trên đồi, tung bụi bay mù mịt, pha trộn trong mây gió làm bẩn màu trắng của trời mây.
    Một tháng sau, được BCH/Đ72 báo tin người em ruột của tôi ở Sư Đoàn 1 vừa mới tử trận. Tôi xin lệnh Đ72 cho tôi băng rừng về Đà Nẳng một mình để tiễn đưa người em đi vào vùng trời mới, nhưng không được chấp thuận. Đây là lần thứ hai gặp tình huống oái ăm, còn lần đầu khi đang chuẩn bị lên Komtum nhảy thực tập thì nhận tin người anh ruột tử trận ở Long An, cũng không được chấp thuận để về Sài Gòn nhìn người anh lần cuối. Đời chiến binh là thế, việc nước trước việc nhà, tôi hiểu nên đành chấp nhận cái định số để trấn an tâm hồn. Nhưng ! Trước cảnh gia đình đã có 3 người anh em hy sinh, còn lại mình tôi đơn độc, lắm lúc ngồi trên đồi Bạch Mã mắt mơ màng ngắm theo những làn mây trắng bay qua, trắng cả một vùng trời, rồi chợt một ý nghỉ thoáng qua đầu… nếu ngày nào đó mình cũng đi theo các anh em thì gia đình sẽ tuyệt nòi và ai lo cho cha mẹ.
  Do đó, trước sự vi phạm Hiệp Định Ba Lê qúa trắng trợn của VC  trên  vùng  Bạch  Mã, tôi linh tính có ngày tụi nó sẽ bao vây đánh mình, và chuyện may rủi sống chết biết đâu mà lường, nên  tôi đề nghị  các anh  em sẵn có máu văn nghệ, biết đờn ca, lấy máy phát thanh, microphone mà trước đây nhóm Chiến Tranh Chính Trị lên công tác đã bỏ lại lúc rút về Huế, để làm một đêm văn nghệ dã chiến  với chủ đề “ ĐÊM  BẠCH MÃ ” không ngoài mục đích yêu cầu VC hãy tôn trọng hiệp định Ba Lê, đừng bắn sẽ nữa, nếu bắn thì Toán 723 phải tự vệ và sẽ bắn lại. Tôi còn nhớ mang máng viết đôi dòng để giới thiệu “Đêm Bạch Mã” như sau: “Cùng các bạn bên kia đồi Bạch Mã. Chúng ta là người VN, giống con rồng cháu tiên, ắt cùng chung một sự rung cảm nhịp đập của con tim khi thấy quê mẹ đang đau thương bởi chiến tranh tương tàn... Đến với các bạn đêm nay bằng lời ca của những người lính trẻ trong chiến trận đau thương của hai miền đất nước ….” .    
   Thời gian hơn 40 năm đi qua đã quên đi những dòng chữ ngày ấy, nhưng không ngoài mục đích là làm sao tụi nó phải hiểu và tôn trọng lệnh ngừng bắn. Và đó cũng là cái lo của người trưởng toán đơn độc chỉ có 10 người đang giữa vòng vây ngày càng siết chặt của cộng quân. Qua đêm hôm sau, chúng tôi nghe ĐPQ nói đang nghe VC bên kia núi cũng bắt loa hò hát và đọc những lời tuyên truyền xuyên tạc, nhưng vì dưới chiều gío thổi nên Toán chẳng nghe rõ được gì.
   Gần 2 tháng trời sống trong lửa đạn bom rơi, cảnh chết chóc bị thương của lính Đia Phương Quân, mà chẳng có đơn vị bộ binh nào lên thay thế. Hằng ngày, các anh em toán luôn hối thúc chuyên viên truyền tin gọi về BCH Đoàn 72 để xem có bộ binh lên thay Toán chưa. Nhưng bên kia đầu máy PRC 25, cũng như mọi lần rè rè  tiếng nói:
   Chưa, cứ chờ đó.
Sự bất mãn của anh em Toán 723 nảy sinh từ đó, vì bộ binh không lên thay thì phải cho Toán khác lên thay chứ. Anh em Toán 723 cảm thấy như 1 đứa con bị bỏ chợ, hay là Toán "bị đì " nên các anh em bàn bạc rủ tôi bỏ đồi Bạch Mã xuống núi về Đá Bạc, sống chết có nhau. Là một người Trưởng Toán từng sống chết với anh em kể từ ngày thành lập Đoàn 72 tại Nha Trang, chúng tôi chia nhau điếu thuốc, ngụm nước, ly cà phê đen, phì phà khói thuốc se xì ke, phê lâng lâng đê mê thả hồn phiêu du trong chốc lát…
  Tôi buồn bả thông cảm lắc đầu:
 Các em cứ ra đi để sống, còn anh phải ở lại sống chết cùng Bạch Mã.
 Thấu hiểu vì Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm nên phải chấp hành Quân Lệnh của thượng cấp, dù chưa biết đó đúng hay sai? Thi hành trước khiếu nại sau, nên tôi đành chấp nhận ở lại Bạch Mã với TS Tiến nhân viên truyền tin. Rất may tụi việt cộng và cả Địa Phương Quân bên kia núi không biết anh em ra đi để lại Bạch Mã chỉ còn có 2 người thức trắng 2 đêm canh gác.
  Sau hai ngày thì Chuẩn Uý Đàm Quang Phong được lệnh dẫn một số anh em các Toán và vài toán viên 723 trễ phép, chuồn lặn đi chơi, bị quân cảnh bắt, rồi lội bộ đường rừng lên tăng viện cho chúng tôi. Chuẩn Uý Phong cho biết khi anh em Toán 723 do TS Phong (Phong đen) hướng dẫn bỏ Bạch Mã lội bộ đường rừng về Đá Bạc thì Th/tá Minh và cả BCH Đoàn 72 hoảng hốt lên, lính quýnh quáng như gà mắc đẻ, vội vàng ra lệnh C/uy Phong vừa mới đi phép về dẫn vài anh em lên bổ sung quân số Bạch Mã liền. 

  Tháng ngày trôi qua, mùa mưa lại đến, Bạch Mã với ngày đêm mưa tầm tã, bầu trời đen tối âm u, mây mù che phủ nên tầm quan sát hạn chế trong khoảng 10 mét. Lợi dụng thời tiết xấu đó, việt cộng đã tấn công bằng chiến thuật tiền pháo hậu xung vào đồi của Đại Đội ĐPQ và Toán chúng tôi. Đã từng chiến đấu đơn độc trong rừng sâu núi thẳm của vùng Tam Biên, nên chúng tôi chẳng hề nao núng trước trận địa, sẵn sàng đợi việt cộng bò lên đỉnh đồi để bắn hạ. Nhưng chúng chỉ pháo phủ đầu vào đồi của Toán 723 để nghi binh, rồi nhào lên tấn công bên đồi của ĐPQ.
    Ầm…Ầm lửa chớp khói bay tiếng đạn reo réo víu vu, núi đồi Bạch Mã rung chuyển dưới cơn mưa sáng sớm. Bất chợt nghe tiếng Đại Úy Bạch Đại Đội Trưởng ĐPQ kêu vang trong máy truyền tin vội vã:
       Hồng Hà, Hồng Hà đây Bắc Bình anh nghe rõ trả lời .
    Tôi vội vàng cầm ống liên hợp áp sát vào tai:
       Hồng Hà nghe Bắc Bình rõ 5/5.
    Tiếng Đại Úy Bạch nói lớn trong ống nghe:
Tụi vẹm nó bám sát xung quanh hàng rào và tôi nghe rõ tiếng nói của chúng. Nhờ  anh bắn đại liên yểm trợ vào hướng đi lên đồi của chúng tôi để nó không chạy lên được đồn.
    Tôi trấn an:
     Tôi sẽ yểm trợ Bắc Bình. Hãy an tâm.
Vì mây mù qúa dày đặc không thể thấy được đồn của ĐPQ nên tôi đã cho Trung Sĩ Thành đen và Minh mập bắn đại liên M60 để yểm trợ đồn ĐPQ theo hướng địa bàn tôi hướng dẫn.
    Chừng 10 phút sau, tiếng Đại Úy Bạch của ĐPQ lại vang lên trong máy mừng rỡ:
      Cám ơn anh đã yểm trợ tốt, và xin anh tạm ngừng bắn.
    Sau khi ngừng bắn đại liên M60 để yểm trợ cho ĐPQ xong, và đang chờ đợi lệnh của BCH/ Đoàn 72. Ngồi trong lô cốt nghe tiếng đạn rơi pháo nổ ầm ầm của các đơn vị Pháo Binh yểm trợ, và cả pháo việt cộng bắn vào nhà lầu, làm rung chuyển ngọn đồi như sắp đổ sụp tan tành.
    Bất chợt tôi nghe tiếng anh em  nói vọng vào:
    Có tiếng lính  ĐPQ xin đi vào đồi của mình anh Hậu ơi.
  Vội vàng chạy ra khỏi lô cốt để nhìn xuống lối nhỏ đi lên đồi, nhưng sương mù đục ngầu chẳng thấy được gì cả. Tôi chỉ nghe tiếng ồn ào dưới gần chân đồi dồn dập la lớn:
    Địa Phương Quân đây, cho chúng tôi lên đồi, xin đừng bắn.
     Nửa tin nửa ngờ, không biết lính ĐPQ hay việt cộng trá hình. Sau mấy giây đắn đo suy nghĩ, Tôi vội hét lớn:
    Các anh hãy đưa hai tay với súng ống lên đầu rồi đi lên từ từ từng người một. Nếu ai không làm đúng chúng tôi sẽ bắn.
     Dạ ! Dạ nghe.
Tôi nhanh chóng cho bố trí trên góc trái sân thượng cây đại liên M60 do T/Sĩ.Thành đen xử dụng hướng súng ngay lối nhỏ đi lên đồi, để phản ứng khi có tình huống bất ngờ xảy ra, sau đó mới cho lính ĐPQ đi lên. Khi ĐPQ lên đồi xong, tôi kiểm tra thấy có khoảng chừng 60 người, có người có súng, người thì tay không, kể cả những người bị thương với vẻ mặt thất thần sợ hãi đang nhỏ to chuyện trò hỏi han.
   Anh em ĐPQ cho biết sau khi được chúng tôi bắn đại liên yểm trợ xong, thì thấy Đại Úy Bạch mở hàng rào ra khỏi đồn, rồi chạy về hướng đồi của Toán 723. Nhưng vì mây mù phủ che tầm nhìn, lính ĐPQ tưởng Đại Úy Bạch chạy qua đây nên đã vội vàng chạy theo để xin đi lên đồi của Toán. Có ai ngờ đâu Đại Úy Bạch một mình chạy về Tiểu Đoàn ĐPQ đóng ở vùng núi gần dưới đồng bằng Phú Lộc-Cầu Hai, Nước Ngọt.  
   Đã từng đơn độc trong rừng sâu quen rồi, và cả tuần qua cùng anh em chiến đấu để giữ vững ngọn đồi. Nay có thêm một số lính ĐPQ chạy qua gần cả trăm người, nên tôi và anh em Toán 723 càng tăng thêm sự tự tin quyết sống chết cùng Bạch Mã. Nhưng ! nhìn thấy sự hỗn loạn sợ hãi của lính ĐPQ, tôi liền bảo anh em Toán mở loa phóng thanh rồi cùng hát to bài Quốc Ca “...nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gìthân sống …” để kích động tinh thần anh em ĐPQ.
   Dưới trời mưa lất phất, mây mù phủ kín đồi, tiếng nổ của đạn pháo ầm vang, hòa cùng bài Quốc Ca VN với tiếng hát nhịp nhàng, như một bản hòa tấu hùng mạnh đang vang dội khắp đồi, làm sôi sục dòng máu ấm trong lòng thúc dục tôi bước ra khỏi lô cốt, tay cầm đàn miệng hát bài Quốc Ca, và đi theo dọc hệ thống giao thông hào dưới trời mưa phùn lành lạnh xuyên qua các lô cốt, để kích động tinh thần của lính ĐPQ. 

 Thiếu Úy Lê Văn Hậu Trưởng Tóan 723
   Thật không ngờ, có lẽ lời của bài Quốc Ca đã trỗi dậy được tinh thần để vượt qua nổi sợ hãi của những người lính trên đỉnh đồi Bạch Mã này, hãy cùng bên nhau chiến đấu trước cảnh hiểm nguy. Tôi rất vui mừng khi thấy anh em ĐPQ bày tỏ một lòng sống chết với Toán 723 để cố giữ  vững đồi Bạch Mã, và một vài anh em toán nhìn tôi cười lớn vui vẻ. Không biết chuyện gì mà anh em vui vậy, tôi liền hỏi Minh:
   Có chuyện gì mà vui thế?
   Minh cười lộ ra cả cái răng vàng:
    Hồi nảy lính  ĐPQ nói: Trung Sĩ cho em bắn vài phát đạn M60 cho lên tinh thần. Nó gọi TS xưng em vui qúa anh Hậu ơi.
  Té ra là vậy, tôi chợt hiểu từ trước đến nay các anh em toán chưa bao giờ có lính trong tay, nay có lính trong tay thì đó là một niềm vui trong chiến trận, và làm tôi cũng vui lây, vì số ĐPQ chạy qua đều dưới sự chỉ huy của tôi.
    Sau khi cùng chiến đấu từ sáng đến xế trưa thì lương thực khô dự trữ đã cạn hết, vì đã chia xẻ khẩu phần cho lính ĐPQ. Tôi phải gọi về đơn vị để xin thả dù tiếp tế lương thực. Nhưng thời tiết qúa xấu, mưa gío cả tuần nay chưa ngừng, lại thiếu phương tiện máy bay để thả hàng tiếp tế, nên Quân Đoàn 1 đã cho lệnh Toán rút khỏi Bạch Mã. Khi nghe lệnh bỏ đồi Bạch Mã, lòng tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn, một đỉnh núi mà đã có nhiều  hình  ảnh quen thân trong thời gian qua trấn đóng, và nay có thêm quân lính trong tay nên tôi vững tin ngọn đồi  sẽ  đứng vững  trước địch  quân, còn mừng  vì sắp trở về gặp lại gia đình.
    Khi nhận lệnh rút lui, tôi không nghe nói gì đến ĐPQ, vì vậy tôi chỉ cho anh em toán biết lệnh rút lui thôi, rồi cho phá hủy các khẩu súng cối cùng đạn dược, thiêu hủy giấy tờ tài liệu. Còn Ts Thành đen thì vội vàng tháo nòng cây đại liên M60 rồi lịệng xa xuống mé núi dốc đứng phía đồng bằng, sau đó Thành đã  lấy cục than viết lên tường gần kho đạn câu “đả đảo Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam”.
   Các Trung Đội Trưởng/ĐPQ thấy được những việc khác lạ của chúng tôi nên thăm dò hỏi tôi. Lúc đó tôi mới cho họ biết lệnh rút lui của chúng tôi và nói họ liên lạc về TK/Thừa Thiên để xin lệnh. Sau đó TK/Thừa Thiên liên lạc trực tiếp với tôi rồi nhờ chúng tôi dẫn đường giúp đưa ĐPQ rút theo với.
  Tôi gom toán lại, và chia đều  anh em ra đi theo từng Trung Đội ĐPQ để chỉ huy. Sau đó ban lệnh rút lui cho các Sỉ quan Trung Đội Trưởng/ĐPQ biết mà thi hành. Để cho sự rút lui không hỗn loạn, lắm lúc tôi phải cứng rắn với các Sĩ Quan/ĐPQ để lính tráng ĐPQ đi vào kỷ luật trong lúc chiến đấu.
    Dưới trời mưa, lợi dụng mây mù dày đặc khó quan sát, chúng tôi dùng mìn Claymore phá hủy hàng rào nơi dốc đứng gần chổ cầu tiêu để làm hướng rút lui an toàn. Vì nếu rút đi theo con đường mòn nhỏ hay lên xuống của ĐPQ, linh tính báo e sẽ bị phục kích.
   Để nghi binh cho việt cộng nghĩ chúng tôi còn đang trấn thủ trên đồi. Tôi nói Thành và vài anh em chờ đi sau cùng, cứ thỉnh thoảng bắn vài tràng đại liên và M79 qua hướng đồi ĐPQ đang bị việt cộng chiếm đóng, trong khi chúng tôi thứ tự rút lui. Tôi và Tiến đi đầu theo một Trung Đội ĐPQ, Chuẩn Úy Phong đi gần Trung đội sau cùng. Khi biết tất cả anh em của nhóm đi sau cùng ra khỏi hàng rào của đồi một khoảng xa khá an toàn. Tôi liền gọi yêu cầu pháo binh bắn ngay trên đỉnh đồi. Pháo của mình và pháo của địch nổ ầm ầm rung động cả núi đồi, bởi việt cộng cứ tưởng mình còn ở trên đồi. Nhưng lúc đó chúng tôi đã xuống gần nữa dốc núi rồi, và cũng là lúc tôi bị một tảng đá lớn từ trên cao bay xuống xớt qua đầu kéo theo thân hình tôi lộn theo mấy vòng rồi bất tỉnh. Khi mở mắt ra, máu phủ cả mắt nên thấy toàn màu đỏ. Tôi được anh em băng bó cầm máu quanh đầu như quấn một vòng khăn tang cho đồi Bạch Mã… 

   Phạm Hòa Tóan 723
Sau khi băng bó xong, anh em cho biết ai cũng nghĩ tôi sẽ chết khi họ nhìn thấy tảng đá bay xéo ngang qua đầu của tôi rồi đôi tôi lăn theo. Cám ơn Trời, tôi vẫn còn sống dù đầu óc có hơi choáng váng, nhưng tôi còn đủ sức di chuyển cùng anh em xuống tận chân núi, rồi theo đường đèo hoang bỏ ngày trước đi về ngọn đồi của Tiểu Đoàn /ĐPQ đóng quân để ngủ qua đêm.                                                     
   Sáng hôm sau thức dậy sớm, chúng tôi chia tay với số anh em ĐPQ đã rút theo chúng tôi từ đỉnh Bạch Mã về Tiểu Đoàn/ĐPQ an toàn. Trước khi tạm biệt, anh em lính ĐPQ chạy đến ôm tôi run run xúc động nói lời cám ơn, và bịn rịn chia tay cùng các anh em trong toán”. Ơn Nghĩa- Tình Người” mà lính ĐPQ đã thể hiện trong chiến trận thật cảm xúc. Tôi đưa tay dụi đôi mắt cay cay ươn ướt miệng gượng cười méo xẹo khi thấy họ chỉ là những người lính binh nhì thôi, nhưng con tim của họ biết rung cảm từ “Đạo Làm Người”. Họ mới đúng là Người
  Để tránh bị phục kích, chúng tôi không đi theo đường mòn, mà nhắm hướng đồng bằng để vượt rừng suối xuôi về hướng đông, và đến ven rừng Cầu Hai- Nước Ngọt vào lúc xế chiều. Đ/u Tùng với vài anh em của Đ72 từ Đà Nẳng ra đón chúng tôi, rồi được xe GMC/ Đ72 đưa về Sơn Trà, Đà Nẳng. Còn tôi thì đi vào Bệnh Viện Duy Tân - Đà Nẳng.
Lê văn Hậu
Toán 723