Sunday, October 29, 2017

Bơ Bretel

Đúng vậy, ở Pháp hay toàn thể vùng Tây Âu không tìm thấy loại beurre mặn đóng hộp này, chỉ bày bán tại các tiệm thực phẩm Á đông đắt gấp 2 hay 3 lần beurre tươi , bơ mặn bày bán tại siêu thị được ghi là beure salé 1% trong gói giấy có thời hạn xử dụng tối đa 1 tháng , còn beure Bretel tôi có mua thử và đọc (lúc trước ở VN chỉ biết ăn mà không đọc, vì hàng tây là tốt) thấy ghi là Beurre Pasteurisé , là một kỹ thuật bảo tồn bằng nhiệt bằng cách nung nóng sữa, để tiêu diệt một số vi sinh vật không mong muốn và đóng hộp kéo dài thời hạn xử dụng của nó, như vậy xét về phần bổ dưỡng không bằng beurre tươi và loại muối vùng Guérande của Đại tây Dương ngon hơn muối sản xuất bơ Bretel nhiều. Ngay cả trên hộp beurre cũng được ghi là chỉ xử dụng ở vùng tropical
Chỉ là thị hiếu và ảnh hưởng sâu đậm vì bị dô hộ quá lâu
Beurre Bretel được sản xuất bởi hãng Maison Bretel Frères năm 1871 sáng lập bởi hai anh em Eugène Bretel và Adolphe Bretel ở Valognes (Pháp). Hãng phát triển mau chóng, sản xuất từ 95 tấn năm 1871 nhảy vọt lên 1840 tấn năm 1879, là một trong những hãng sản xuất bơ quan trọng nhứt của Pháp thời bấy giờ. Hãng đã nhận được nhiều huy chương trong nhiều hội chợ quốc tế năm 1878, 1889, 1900 ở Paris, 1893 ở Chicago … và sống nhờ xuất cảng ra ngoại quốc (80% beurre được xuất cảng). Hãng tiếp tục phát triển mua lại nhiều cơ xưởng khác trong vùng Normandie và mở thêm chi nhánh mới ở Rennes: Nouvelle Beurrerie d’Ile-et-Vilaine, sau đó hãng nầy được mua lại bởi Raoul Le Doux, là cháu của hai người sáng lập. Lúc đó Maison Bretel Frères đã có tất cả là 17 cơ xưởng và được sáp nhập với nhóm Union Laitière Bricquebec vào năm 1960 nhưng sau đó được mua lại bởi hãng Gloria vào năm 1972. Nhà phân phối N.V.T in trên hộp Beurre Bretel bây giờ là chữ viết tắt của tên Ngo Van The, tôi có vào trong immeuble (building) để xem bảng tên đó vì tôi cũng làm việc trong quartier gần đó. Thật ra N.V.T chỉ là nhà phân phối thôi, văn phòng ở địa chỉ 30 rue de la Montagne Sainte Geneviève chỉ là cái văn phòng nhỏ để liên lạc, còn entrepôt ở đâu tôi không biết. Cái hộp bơ bây giờ không giống cái hộp ngày trước, không có các mề đay trúng tuyển trong các hội chợ và cái hộp nhỏ hơn và nó không còn được sản xuất bởi Maison Bretel Frères nửa vì nó đã bị mua lại. Tôi đoán có lẽ ông NVT đặt một số hàng với cái hiệu bơ Bretel để phân phối trong vài siêu thị Việt Nam ở Pháp và ở một số nước khác trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc vì vẫn còn một số những người tiêu thụ ” hoài cổ “, là những người lớn tuổi, vẫn nhớ những hương vị của món ăn ngày trước, chớ còn giới trẻ Việt Nam ở Pháp bây giờ đâu có quan tâm đến loại bơ đó nữa đâu, nói thiệt xin quí vị đừng buồn, nó dở ẹt ! Siêu thị ở Pháp bán thiếu gì các thứ bơ mặn, tươi có trộn với muối vùng Guérande của Đại tây Dương ngon gấp mấy lần bơ Bretel. Quí vị có qua Pháp chơi, gặp người Pháp hỏi họ có nghe nói đến Beurre Bretel bao giờ chưa thì tôi chắc chắn họ sẽ lắc đầu và trong siêu thị Pháp không bao giờ có bán loại beurre đó vì một lẽ giản dị là nó chỉ để xuất cảng mà thôi và do đó beurre Bretel bán trong hộp là beurre trộn muối để bảo quản lâu không bị hư thối dù được bán trên quầy hàng chưng bày ngoài trời trong những quốc gia nhiệt đới. Trong những siêu thị Tàu bây giờ thấy có bán loại beurre hộp hiệu Beur’tel, không biết có phải là một phiên bản khác của nhãn hiệu Bretel không, chớ cũng không bán beurre Bretel chính gốc. Lâu lâu, tôi có vài người quen từ Mỹ đến Pháp chơi và bắt tôi dẫn đi mua beurre Bretel, tôi phải kêu lên: ”Chị đến từ một siêu cường Hoa Kỳ, đồ ăn thừa mứa, bơ sữa tràn đồng, bơ mặn thiếu gì, tội gì phải qua bên Tây ăn Bơ Bretel!“. Bà chị tôi trả lời tỉnh bơ: ”Tại chị ăn bơ Bretel quen rồi em à, hồi nhỏ ưa ăn bơ Bretel quẹt lên bánh mì, ông già chị uống cà phê phải cho một chút bơ vô tách cho thơm ổng mới chịu, với chị mua chút ít về làm quà cho mấy người quen ở Mỹ “.  Thiệt hết chổ nói ! Tôi cũng có mua thử một hộp về ăn coi hương vị nó có thay đổi hay không ? Quả thật ! Nó dở hết chổ chê ! Thua xa lắc mấy thứ bơ mặn trong siêu thị, mà bây giờ thì tôi đâu dám ăn bơ, sợ bị cholestérol thấy bà ! Hay là bây giờ tôi sống lâu ở Pháp nên cái goût cũng thay đổi hoặc Bụt nhà không thiêng nên ăn beurre Bretel không thấy ngon như lúc còn trẻ chăng ? Chớ còn tôi nói chuyện với mấy bà chị ở Mỹ, mấy bả khen bơ Bretel đáo để, nói là nó thơm ngon và đậm đà hơn bơ Mỹ, không có mùi. Bây giờ bơ Bretel chỉ được bán ở tiệm Thanh Bình ở khu Maubert Mutualité thôi chớ mấy chổ khác không thấy bán. Tôi chỉ giữ hộp bơ làm kỷ niệm, là hình ảnh của những năm tháng cũ ở Việt Nam và xin góp thêm vài ý với quí vị đồng hương Việt Nam để bà con “fan” của bơ Bretel có cái nhìn rõ hơn về loại bơ mà mình đã gắn bó từ bấy lâu nay.
ST

Saturday, October 28, 2017

Cô Lái Tắc Xi - Minh Nguyện Graves

Cô taxi số 6 tại Huế.

Bài số 5247-19-31090-vb6102017
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX.  Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.

***
 Thời tôi mới qua Mỹ, có người quen cứ dặn lui dặn tới:

-Khi ai hỏi làm nghề chi, đừng nói làm nails, thay vào đó nói là làm tóc....Chứ nếu nói làm nails họ khinh.
Tôi nghe mà buồn lắm, vì nói láo thì tôi không quen, mà bị họ khinh chỉ vì làm nails thì mình cũng không muốn.
Biết làm răng chừ? Thôi tránh gặp “mấy người dị ứng nghề Nails” cho khoẻ, khỏi mang thêm tội nói láo.
Lúc còn ở Việt nam, tôi làm tài xế Taxi.
Cũng "Kinh qua gian khổ" nhiều năm, tự hào mình có "tay lái lụa" hơn hẳn các nam đồng nghiệp. Thế mà qua Mỹ thi lý thuyết đậu cái một, mà thi thực hành trầy trật
đến cú thứ ba mới...đậu vớt. Ai cũng nói người lái xe quen cái tật
ở VN là đến bảng Stop cứ rề rề rồi vọt luôn, không hề ngừng hẳn; lúc quẹo trái, quẹo phải hay
đổi lane không thèm quay qua nhìn, chỉ nhìn kiếng mà thôi.
Qua đây, thỉnh thoảng có mấy người khách tò mò "điều tra lý lịch" hay hỏi:
- “Vậy hồi còn ở bên Việt Nam, cô làm nghề gì?”
Tôi trả lời tỉnh queo:
-“Tài xế Tắc-xi.”
Họ không tin, cứ hỏi lui hỏi tới:
- “Cô nói đùa chứ làm sao cô làm được cái nghề nguy hiểm đó?”
Tôi phải lấy mấy cái hình chụp trong đồng phục lái xe và chiếc xe số 6 của mình cho họ coi thì họ mới chịu tin.
Thời đó đàn bà con gái biết lái xe ở thành phố Huế hiếm lắm; cả khoá tôi học chỉ có vỏn vẹn 5 “người đẹp” chơ mấy! Cả trường lái xe đếm không đủ trên mười ngón tay nữa là! Ra trường đậu bằng
 lái rồi, khỏi phải xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi chi hết, đi ngã trước, ngã sau “chùi lót”, tự nhiên tôi được “mời” vô lái xe cho công ty ATC. Chả là công ty này muốn chơi nổi, có tài xế là người đẹp xứ Thần Kinh.
Tức cười có lần một ông khách từ miền Nam ra thăm xứ Huế, ông nói giọng Bắc, chắc Bắc Kỳ Di cư 54, hỏi tôi:
-"Cô có biết tại sao người đất Thần Kinh mà cứ mãi không giàu lên được không?"
Tôi tỏ ý không biết. Ông mới giải thích kèm nụ cười:
-"Thì người Thần Kinh mà".
Ngôn ngữ ở VN sau này gọi người điên là bị thần kinh.
Làm nghề Taxi có đủ vui buồn sướng khổ.
Có ngày gặp khách vừa đẹp vừa thơm lừng lựng, ăn mặc thì mát hơn gió bờ sông, lại rộng rãi cho tiền típ hào phóng. Nhưng cũng có ngày, khách kẹo hơn kẹo kéo bị “lại đường” vừa dơ, vừa hôi, vừa xấu, vừa khó, vừa kiết nữa chứ. (khổ ghê!!!)
Kỷ niệm về những năm lái xe Taxi thì nhiều lắm, nhưng có một kỷ niệm vui vui mà tôi không bao giờ quên.
Như mọi ngày, bắt đầu nhận ca thì tôi đậu xe trong sân của khách sạn Century. Người khách vẫy xe từ sảnh của khách sạn, muốn tôi đưa qua Đập Đá. Tui nghĩ “Đây qua Đập đá có mấy bước mà răng không  đi bộ cho khoẻ?” mới hỏi:
-Chú tới chỗ mô ở Đập Đá để con đưa đi?
-Tôi muốn tới chợ Vĩ Dạ.
-Chú muốn mua đồ?
-Không, tôi tìm người.
-Người nớ tên chi?
-Người đó tên Hoa hồi xưa gia đình có gian hàng ở chợ Vĩ Dạ.
-Hồi xưa là cách chừ lâu mau rồi chú?
-Hơn ba chục năm rồi.
Tôi đậu xe ở cái nhà hàng quen nằm trong hẻm, rồi đi bộ với ông khách tới chợ. Tôi nói:
-Chắc phải tìm mấy bà "già già" mà hỏi, chơ mấy O “sồn sồn” thì ngắm cho vui thôi, họ không biết chuyện của chú hơn 30 năm trước mô, hỏi chi cho mất thì giờ. (Vì chú đồng ý trả tiền giờ, nên tôi không muốn chú mất thì giờ vô ích!)
Sau khi hỏi lui hỏi tới cũng gần chục “bà già chợ” thì tìm ra manh mối của người mà chú muốn tìm. Hồi xưa gia đình bà có gian hàng ở chợ, nhưng giờ thì bà nghỉ bán rồi, và nhà ở không xa chợ  mấy.
Đi ngoằn ngoèo qua mấy con đường xóm theo cái “bản đồ” tui vẽ theo lời của một bà cụ bán rau, cuối cùng tui cũng tìm ra ngôi nhà có “giàn hoa leo Ti-gôn”.
Chú nhờ tôi vào nhà hỏi coi có đúng ngôi nhà mình muốn tìm. Tiếp tôi là người đàn ông lớn tuổi:
-Đúng nhà bà Hoa đây cô, nhưng hôm nay nhà có kỵ bên ngoại, cách đây có 2 xóm thôi, nên bà đi qua đó rồi. Cô vô ngồi đợi để tui biểu tụi nhỏ kêu về, hay cô muốn chạy qua đó thì tui chỉ đường cho.
Ông khách không muốn đợi, nên chúng tôi xin địa chỉ ở nhà ngoại, và trước khi tới đó, ông khách muốn đi mua ít quà trước đã. Tò mò tôi hỏi:
-Rứa người nớ là răng với chú?
-Hồi còn trẻ, hai gia đình quen nhau, tôi yêu thầm người đó. Chỉ là yêu thầm thôi. Sau đó tôi đi lính, chiến tranh mà cô, không hề gặp lại. Nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến người xưa, lần này có dịp đến Huế, nên tôi muốn đến thăm, coi như tình bạn vậy mà.
Tôi hỏi lại:
-Rứa nếu không tìm ra được bà, chú có buồn không?
-Buồn chứ cô. Thật ra tôi có về Huế một vài lần, nhưng không lần nào tìm được, tới lần ni thì tôi nhứt quyết tìm cho ra.
Tôi lên giọng “tra trắng”:
-Chú à, tìm người xưa thì phải kiên nhẫn chơ. Mất thời giờ một chút nhưng tìm được mới thấy quý. Bởi rứa Nguyễn Bá Học mới nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” đó chú nờ.
Ông khách cười hiền lành:
-Cô đã đi tìm ai chưa, mà nói lý sự dữ rứa?
-Dạ chưa. Ai tìm con thì có, chơ con chưa tìm ai cả tề… (Trạng ghê!)
À, tôi quên nói, là ông khách ni nói được cả tiếng Huế, lẫn tiếng Nam. Ban đầu thì ông nói giọng Nam, nhưng nói chuyện một hồi với tôi thì ông xổ giọng Huế rặt, Huế chay...rất chuẩn.
Lòng vòng qua chợ Đông Ba, ghé tiệm bánh Bảo Thạnh, cho ông mua mấy hộp bánh, trà, chúng tôi quay trở lại chợ Vĩ Dạ.
Tôi đi trước, ông đi sau (chắc nhờ tôi….đỡ đạn!).
Đứng ngay cửa là người phụ nữ đứng tuổi, bà cao hơn tôi hình dung, (vì ông khách tôi người trung bình thôi,) tóc búi (như mạ tôi hay búi tóc đằng sau cho gọn gàng); khuôn mặt đẹp phúc hậu, đầy đặn, tươi cười nói lớn:
-Ui chào, nghe có người hỏi, mà không biết là ai, hồi nãy thấy xe taxi chạy qua, tui nói với chị Na “Ai mà giống Ngân quá, cặp mắt nhìn không làm răng “lạc” được". Thì chừ đúng là Ngân rồi.
Tôi trở ra xe, ngồi chờ khách của mình trở về mà lòng bâng khuâng. Tôi vui vì đã giúp ông tìm ra được người xưa, còn ông nghĩ chi thì tôi không biết.
Trên đường trở về, trông ông có vẻ lặng lẽ hơn. Tôi hỏi:
-Răng chú? Gặp người xưa rồi, chừ có thất vọng không?
-Không cô à. Người xưa thuộc về ký ức, mình sống với hiện tại nhiều hơn chứ. Tuy nhiên, có khi đừng gặp thì hay hơn, để mình cứ giữ mãi hình bóng xưa, không bị thất vọng vì thực tại đổi thay.
Trước khi chia tay ông nói:
-Cô có biết nhạc sĩ viết bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” mà hồi nãy ngồi trên xe cô nghe không?
Tôi nói:
-Dạ, biết chơ, nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng con không biết mặt.
Ông nói:
-Tôi là nhạc sĩ Nhật Ngân đây.
Tôi cười, bán tín bán nghi (Tính tui đa nghi mà. Ông ni có "trạng" không ri hè? Thấy mình cù lần nên giả đò làm người nổi tiếng để làm oai với mình?) nhưng cũng lịch sự nói:
-Rất hân hạnh được biết nhạc sĩ.
Mãi đến sau này khi tôi sang tới Mỹ, trong một lần coi dĩa nhạc của Paris by Night, chương trình dành riêng cho nhạc sĩ Nhật Ngân. Tôi nghĩ thầm: “Ông nhạc sĩ ni ngó quen quen, không biết mình gặp ông chỗ mô?” Tới lúc ông kể lần ông về Huế đi tìm người bạn gái cũ, và ông nhắc lại có người khuyên ông “Tìm người thì phải kiên nhẫn chú à” thì tôi mới sực nhớ lại chuyện cũ.
Đúng là mình hân hạnh được gặp người nhạc sĩ của bài hát mình yêu thích “Tôi Đưa Em Sang Sông." 
*

Một buổi tối kia trời mưa lớn, tôi đang trên đường trở về bãi đậu xe của công ty thì nghe bộ đàm báo tới đón khách ở trên Ga (đây là ga xe lửa.)
Vừa qua cầu Ga, chưa vào đến sân ga, đang dò tìm địa chỉ (không phải khách xuống tàu gọi, mà là mấy nhà ở khu vực quanh nhà ga) thì một người thanh niên chạy ra vẫy xe.
Trong khi tôi đang tìm cách quay đầu xe, thì người đó nói “Chị ơi, đợi chút vì có thêm 3 thằng bạn nữa.”
Chỉ ít giây thì có 4; 5 người nữa ào ào mở cửa nhảy vào xe. Tôi nói “Xe chỉ chở đươc 4 hành khách thôi.”
“Không can chi mô chị à, trời vừa mưa vừa túi ri thì công an mô mà chộ. Chị cứ chở đi, có chi bọn em chịu cho. Hồi tụi em gởi thêm chị ít tiền uống nước.”
Tui biết không còn cách chi hơn nên cho xe chạy.
Vừa lái xe, tui vừa liếc nhìn phía sau xe, rất khó nghe được họ nói gì vì trời mưa lớn, nhưng chắc chắn tôi nghe câu này:
-Hết xe hay răng mà mi kêu xe con gái lái?
-Ai biết mô, kêu tổng đài, họ đưa xe mô thì đi xe nấy thôi.
-Ai đời đi đập bậy (đánh lộn) mà lại kêu xe con gái, làm răng chạy cho kịp.
Tôi nghe bọn họ nói chuyện mà ngao ngán. Thôi rồi “Đời cô Lựu” của tui! Chở bọn đi đánh nhau thì coi như rước hoạ vô người rồi....
Một người trong nhóm có vẻ là người đầu têu nói:
-Chị lái lên Phú Cam, rẽ phải ở nhà thờ, đi sâu vô trong con đường mới, tới cái quán AB. thì dừng lại, đợi tụi em 5 phút thôi, rồi chở về lại ga, tụi em sẽ trả tiền cho chị.
Tôi vừa lái vừa nghĩ “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” nên tìm kế hoãn binh:
-Chị còn con nhỏ, không lái khuya, mấy em chịu khó trả tiền cuốc ni cho chị đi, rồi chị gọi xe khác lên chở tụi em về.
Nhưng bọn họ nhứt định bắt tui đợi, vì “Chắc chắn không quá 5 phút mô, kêu xe khác chi cho mất công, tụi em trả thêm tiền. Chị đừng lo, tụi em có cả cọc tiền đây nè.”
Đúng là tụi hắn có cả cọc tiền, vì hắn nắm cả “bụm” tiền giơ lên cho tui chộ!
Thôi đành tương kế tựu kế chơ cãi với tụi này ngó không lại rồi. (mặc dù tui thuộc cỡ…bạn hàng thân thuộc của mấy bà bán cá ở chợ….Xép, chơ không phải…”đồ bỏ” mô nghe, ha ha ha)
Thật ra không phải tôi sợ tụi hắn không trả tiền, cái sợ là tuị hắn “lỡ tay” ..quơ nhằm tôi, gãy tay, mẻ chân, sứt đầu, bể trán …thì còn mô mà làm…"người đẹp của ATC” nữa! Hu hu hu..
Xe chưa dừng hẳn ở trước cái quán AB. thì tôi nghe giọng cái thằng ban đầu ra lệnh:
-Thằng Cân nhảy ra trước, vô lôi thằng Ghẻ ra nghe chưa, làm thiệt nhanh cho tụi nớ không kịp trở tay.
Trong tích tắc, cả 3 cánh cửa xe mở toang, thằng Cân (thằng ngồi trước) nhanh như mèo lao ra, rồi biến vào màn đêm. 5 thằng còn lại cũng nhảy ra khỏi xe, đóng cửa rầm rầm và nói:
-Chị trở đầu xe lại, đừng tắt máy nghe, để về cho nhanh.
Chỗ đó khá rộng, chỉ có điều hơi tối, nên tui chầm chậm trở đầu xe. Đang phân vân có nên báo bộ đàm về trung tâm không, thì….
Cánh cửa sau lại mở ra, thằng Cân túm cổ thằng Ghẻ (tôi đoán vì hồi nãy nghe nói vậy) dúi đầu nó vào trong xe (băng ghế sau) và đấm liên tục. Năm thằng còn lại ở ngoài xe thì vừa chửi thề vừa đấm đá với một nhóm khác mới chạy ra từ nhà hàng AB.
Tôi, (cứ tưởng mình đang đóng phim hành động, chỉ có điều không biết vai diễn của mình là vai chi) sợ quá, đạp ga "lút chân” luôn.
Bị nhấn ga đột ngột nên xe rú ầm ầm, chồm lên, phóng vọt tới trước. Hai thằng ở băng ghế sau đang vật lộn bị hất văng ra khỏi xe. (Sorry khách hàng nha! Tui không cố ý hất khách xuống mô nờ!)
Đoạn đường ở Phú Cam ngoằn ngoèo, nhà dân hai bên rất lưa thưa, chỉ có cây cối lùm xùm và vách đá nên càng tối hơn, tôi cứ đạp ga miết cho tới gần nhà thờ Phú Cam thì mới “hoàn hồn” cầm lấy bộ đàm:
-Trung tâm ơi, tụi ni hắn đi đánh nhau, số 6 sợ bể kiếng xe, nên chạy về rồi, không lấy được tiền. Xe mô "đánh đấm” giỏi lên lấy tiền dùm số 6 với nờ!
Mấy thằng bạn lái xe nhao nhao, mà tui nhớ rõ nhất là giọng của xe 16 biệt danh Sơn Điên (đùa cho vui chơ hắn rất tốt bụng):
-Số 6 ở mô? Tụi hắn cướp tiền số 6 hở? 16 ở cầu Bến Ngự tới liền đây.
Tui vừa sợ, vừa cảm động vì bạn bè đồng nghiệp quan tâm tới mình.
-Số 6 không can chi, nhưng tụi hắn thì …chắc phải gọi cứu thương rồi đó.
Đang còn sợ; nhưng cái tật ưa “làm đày” thì không bỏ, nên sau khi hoàn hồn tui gân cổ lên cãi:
-Sợ tuị hắn cướp người số 6, chơ tiền mà kể chi? Hỏi vô duyên!
Sáng hôm sau, như thường lệ, các xe được rửa sạch sẽ để bàn giao ca. Lúc đó chưa tìm đủ 5 cô lái xe, chỉ có 2 nữ là bé Bình số 12 và tôi 06; lái từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, nghỉ ngày Chủ nhật. Con trai thì lái 24 giờ, làm 1 ngày nghỉ 1 ngày.
Tôi đang nhâm nhi ly cà phê, đọc tờ báo thì nghe thằng bạn Đoan là thợ sửa xe của công ty hỏi lớn:
-Rứa hồi đêm xe mô đi Phú Cam?
-Có chuyện chi mà hỏi? Tui hỏi lại.
-Thằng bạn tui nhà ở trên Phú Cam, gần quán AB. kể, hồi đêm xe taxi mình đưa một băng lên đó đập lộn. Đánh nhau toe tua, thức cả xóm dậy luôn. Công an tới mà không kịp. Hắn còn nói, “thằng” taxi nớ lái ngầu vô hậu, phóng xe ào ào, rú xe ầm ầm, chạy như bay rứa…Mà không biết răng, có người ở trong quán nói đó là “Con” lái xe chơ không phải “Thằng." Rứa hồi đêm chị lái tới mấy giờ?
-9 giờ. Tui nói.
-Rứa thì chị chơ còn ai nữa, con Bình 12 ngày qua nghỉ mà, có mình chị thôi! Bà lái chi dữ rứa bà?
-Ha ha ha…Tui cười:
Khi ghi lại những kỷ niệm về những năm tháng lái xe Tắc-xi của mình, là tôi mong các bạn hiểu thêm về công việc này. (Cũng không phải tui làm quảng cáo không công cho mấy hãng taxi mô nghe!)
 Tôi tự hào để nói rằng, lái xe cũng như bất kỳ một nghề nghiệp nào, sẽ luôn có người tốt và người xấu, có những “Con sâu làm rầu nồi canh.” Cái chính là con người, bản thân mình phải “tu”; không gian lận, dối lừa, không làm hại ai, thì ơn trên sẽ giúp đỡ cho mình vượt qua nghịch cảnh, sống cuộc đời an lành.
Sau mấy năm lái Taxi ở thành phố Huế thì cha mẹ tôi bảo lãnh chúng tôi qua Mỹ. Lúc đó, tôi thường đi chợ Sài Gòn, một cái chợ nhỏ ở trên đường Lamar. Ba mẹ con đi chợ (cuốc bộ), với số tiền ít  ỏi trong tay, lòng nhẩm tính số tiền phải trả, nhưng tới khi tính tiền thì cái biên lai nhiều hơn tôi dự đoán rất nhiều.
Tôi nghĩ là người ta tính không đúng nên muốn được kiểm tra lại.
Có một người đàn ông đứng ngay đằng sau có vẻ vội vàng, mặt mày nhăn nhó, quay sang tôi nói, "Chị à, nếu…"
Nghĩ ông này đang vội, muốn tôi đi ra chỗ khác, liền cự:
"Họ tính tiền sai, tui có quyền yêu cầu tính lại, ông có vội thì cũng phải ráng mà đợi!"
Thì ổng vội nói: "Không! không, tôi chỉ muốn hỏi nếu chị thiếu tiền trả, tôi sẽ giúp cho chị và hai cháu."
Ui chao ơi là ốt dột hè! Mặt tôi đỏ lên vì mắc cỡ, đã lấy dạ hẹp hòi mà đi đo bụng người khác.
Nếu những người đã đối xử tốt với tôi có cơ duyên đọc được những "lời tự thú" này, thì một lần nữa, tôi xin được tạ lỗi và nói lời cám ơn.
Xin mượn câu nói người xưa để kết thúc chuyện Tắc-xi cùng tôi nghe các bạn:
“Trên đời này không có sự hy sinh nào là nhỏ bé, không có sự cố gắng nào là uổng phí và không có nghề nào là hèn mọn.”
Minh Nguyệt Graves

Vũ Trọng Phụng và sự tha hoá của con người trong môi trường bạc tiền, tham nhũng

Vũ Trọng Phụng là một trong những khuôn mặt độc đáo nhất của văn học tiền chiến. Văn chương Vũ Trọng Phụng đối lập với văn chương Tự Lực văn đoàn và cũng khác hẳn lối hiện thực phê phán của những người cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng… 
Trái với những nhận định của phần đông các nhà phê bình từ trước đến nay – kể cả những người như Phan Khôi, Trương Tửu – Vũ Trọng Phụng không dùng ngòi bút để chống lại một thành phần, một giai cấp, cũng không trực tiếp chỉ trích sự mục nát, thối rữa của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân, nhìn trên bề mặt, mà ông mô tả sự tha hoá của con người, trên toàn diện xã hội, dưới chiều sâu, qua nhiều từng lớp, nhiều hạng người, mỗi người có một cách tha hoá khác nhau trước thế lực của tiền bạc và tham ô.
Ra đời dưới một ngôi sao xấu
“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu”, như lời Xuân Tóc Đỏ, nhân vật chính trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912 tại Hà nội, trong một gia đình nghèo. Cha là Vũ Văn Lân, làm thợ điện, mất khi Phụng mới được 7 tháng. Mẹ là Phạm Thị Khách, goá chồng mới 24 tuổi, ở vậy nuôi con và mẹ chồng.
Vũ Trọng Phụng có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, biết đánh đàn, soạn nhạc, và làm thơ. Học xong Cao đẳng tiểu học, 16 tuổi, thi vào trường sư phạm không đỗ, phải kiếm việc, làm thư ký cho nhà hàng Gô Đa, rồi nhà in Viễn Đông trong 2 năm.
Từ 18 tuổi, chuyển hẳn sang viết văn, làm báo, còn có các bút hiệu  khác là Thiên Hư, Phụng Hoàng… Trong chín năm từ 1930 đến 1939, Vũ Trọng Phụng đã cộng tác với nhiều tờ báo như Hà thành ngọ báo, Nhật tân, Hải Phòng tuần báo, Công dân, Tiểu thuyết thứ bẩy, Hà nội báo, Tương lai, Tiểu thuyết thứ năm, Sông Hương, Đông dương tạp chí, Tao đàn, v.v… và viết đủ mọi thể loại.
Sống bằng nghề cầm bút, luôn luôn trong cảnh túng bẫn. Năm 1937 lập gia đình với Vũ Mỵ Lương, sinh được một bé gái, tên là Mỵ Hằng. Vũ Trọng Phụng bị lao, nhưng vẫn dốc hết sinh lực ra viết đến hơi thở cuối cùng. Xuất hiện trên văn đàn năm 1930, năm sau, đã nổi tiếng với vở kịch Không một tiếng vang, và hai năm sau, qua những phóng sự như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Vũ Trọng Phụng trở thành ngòi bút phóng sự nổi tiếng nhất đất Bắc.
Năm 1936, xuất bản bốn cuốn tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, và Làm đĩ, gây xôn xao dư luận. Bệnh tật và làm việc quá sức, Vũ Trọng Phụng mất ngày 13/10/1939 tại Hà Nội, ở tuổi 27. Với sức sáng tác sung mãn lạ kỳ, trong 9 năm cầm bút Vũ Trọng Phụng để lại trên dưới 30 truyện ngắn, 9 cuốn tiểu thuyết, 8 thiên phóng sự, 6 vở kịch… Phần lớn là những tác phẩm có giá trị.
Sinh cùng năm với Hàn Mặc Tử và mất trước Hàn Mặc Tử một năm, Vũ Trọng Phụng cùng với Hàn Mặc Tử và Bích Khê, là ba thiên tài mệnh yểu của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.
Ở miền Bắc, trong suốt thời gian dài, từ thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm đến giai đoạn đổi mới, Vũ Trọng Phụng bị coi là nhà văn phản động, có tư tưởng chống cộng.
Vũ Trọng Phụng bị loại trừ khỏi văn học Việt Nam vì người ta tìm thấy : “Trong di sản Vũ Trọng Phụng có một bài báo dài nhan đề “Nhân sự chia rẽ giữa Đệ Tam và Đệ Tứ, ta thử ngó lại … (1937), đã tạo thuận lợi quyết định cho ý đồ loại trừ Vũ Trọng Phụng khỏi văn học sử nước nhà” (trích bài Một khía cạnh ở nhà báo Vũ Trọng Phụng : người lược thuật thông tin quốc tế của Lại Nguyên Ân, Tạp chí văn học, tháng 12/ 1989).
Bài báo có tên đầy đủ là “Nhân sự chia rẽ giữa đệ tứ và đệ tam quốc tế, ta thử ngó lại cuộc cách mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khỏi thủy cho đến ngày nay” in trên Đông Dương tạp chí số ra ngày 25/9/ 1937.
Ngoài ra, những cố gắng của Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo (nhà in Minh Đức), in và giới thiệu lại tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, càng làm tăng các tội “phản động” và “làm mật thám cho Tây” mà người ta gán cho nhà văn họ Vũ.
Do ảnh hưởng sâu rộng từ bài viết triệt hạ thâm độc Vũ Trọng Phụng của Hoàng Văn Hoan và các tê-no khác như Nguyễn Đình Thi, Vũ Đức Phúc… Vũ Trọng Phụng bị khai trừ hẳn trên văn đàn miền Bắc.
Đến thời kỳ đổi mới, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới thực sự được in lại, với Tuyển tập Vũ Trọng Phụng do Nguyễn Đăng Mạnh soạn và viết bài giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học in năm 1987, và lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng tại Văn Miếu Hà Nội ngày 12/10/ 1989.
Từ sự “phục hồi” này, nẩy sinh một loạt nhận định mới, nhiều người không ngần ngại “chuyển hướng”, biến Vũ Trọng Phụng thành nhà văn “cách mạng”, thậm chí một “chiến sĩ cộng sản”, đại biểu tầng lớp nông dân, cầm bút chống lại thực dân phong kiến.
Truy lùng sự thật
Thực ra Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn tranh đấu, hiểu theo nghiã cách mạng. Ông cũng không chống Pháp, theo nghĩa thông thường.
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, một nhà văn đích thực, viết về sự tha hoá của con người. Tác phẩm của ông, phát xuất từ xã hội Việt nam dưới thời Pháp thuộc, những năm 30-40, với tất cả những tệ đoan của thời đó, nhưng Vũ Trọng Phụng không quy kết trách nhiệm cho tập đoàn lãnh đạo là chính phủ bảo hộ, hoặc nhà vua Annam, mà ông đào sâu hơn, điều tra mỗi hành động của cá nhân con người, để xác định trách nhiệm mỗi cá nhân trước bổn phận và đạo đức sống của chính mình.
Trong những truyện ngắn đầu tiên như Một cái chết (1931), Bà lão lòa (1931), ông đã nêu đích danh thủ phạm của những cái chết bi thương, đói khát, là lòng dạ ác độc, không cưu mang nhau, giữa người với người.
Chính vì điểm ấy mà Vũ Trọng Phụng khác những nhà văn cùng thời. Tác phẩm của ông không bị giới hạn trong luận đề chôn xã hội cũ, như phần lớn các thành viên Tự Lực văn đoàn, ông cũng không tố cáo những bất công của xã hội thực dân như các ngòi bút hiện thực phê phán.
Vũ Trọng Phụng là nhà văn tả chân đúng nghiã nhất của hai chữ tả chân : nghiã là ông chỉ truy lùng sự thực, ông chỉ đi tìm sự thực về con người mà thôi. Vì vậy, tác phẩm của Vũ đạt tới sự phổ quát : những nhân vật của Vũ có thể tìm thấy trong bất cứ xã hội nào mà tham nhũng và tiền bạc làm chủ, xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây.
Tác phẩm Giông tố
Giông tố không phải là quyển tiểu thuyết như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Có nghiã là nó không chỉ tố cáo sự thối nát trong chế độ làng xã thôn quê, sự bóc lột người cùng đinh của bọn giàu có, quan lại, ở nông thôn, của một thời Pháp thuộc, như Ngô Tất Tố. Nó lại càng không đả phá chế độ gia đình trị trong xã hội cổ truyền đầu thế kỷ XX, như Nhất Linh.
Vũ Trọng Phụng trình bày con người của mọi thời dưới khía cạnh thực nhất: Đó sự thay lòng đổi dạ  của con người trong một môi trường xã hội mà tiền bạc có thể chi phối tất cả.
Vũ Trọng Phụng viết về sự tha hoá của con người trong khi các tác giả khác mới chỉ đề ra những nạn nhân của chế độ, như Loan trong Đoạn tuyệt, nạn nhân của chế độ mẹ chồng nàng dâu ; Dậu trong Tắt đèn, nạn nhân của sưu cao thuế thuế nặng, của quan lại dâm ô ; Bính trong Bỉ vỏ, nạn nhân sự phản bội của người tình, sự tàn ác của cha mẹ, sự đoạ đầy của xã hội, v.v… 
Nhân vật của Vũ Trọng Phụng khác hẳn: trong Giông Tố, chúng ta không tìm ra được khuôn mặt nào đáng thương quá đáng, cũng không tìm thấy khuôn mặt nào đáng ghét quá đáng, kể cả Nghị Hách và Thị Mịch, là hai đối trọng, kẻ hiếp dâm và kẻ bị hiếp.
Trong Giông tố, (cũng như trong Vỡ đê và Số đỏ), không hề có sự chia đôi giữa nạn nhân và thủ phạm, vì thế mà những người phê bình như Trương Chính, quá quen với lối phân chia tốt xấu, không thể hiểu được sự phức tạp của con người Thị Mịch.
Nghị Hách là một triệu phú, chuyên dùng sự khủng bố, chuyên mua tất cả, làm xong tội ác cũng trả giá bằng tiền. Sau khi hiếp dâm Thị Mịch, Nghị Hách đã dùng tiền và thế lực mua chuộc quan lại, đổi ông huyện thanh liêm đi chỗ khác, sai người giải truyền đơn giả cộng sản để ghép tội dân làng, Vũ Trọng Phụng viết :    
«Đến hôm quan huyện và quan đồn về khám xét cả làng thì sự khủng bố lại càng hoàn toàn, lại càng đầy đủ. Bầu không khí hầu như không thở được nữa. Trẻ già lớn bé đều đã tái xanh mặt mũi khi thấy ông chánh hội, ông phó hội, ông lý trưởng, ông phó lý, người nào cũng run như cày sấy ở trong phòng hội đồng của làng, trước một hộ râu vênh vểnh của ông quan đồn và bốn cái lưỡi kiếm sáng quắc ở miệng súng của bốn bác lính khố xanh.
Ông đồn giơ miếng vải đỏ và những mẩu giấy trắng chữ tím ra, để mắng bọn lý dịch như tát nước vào mặt họ. Trẻ con người lớn đứng xem đen ngòm… Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái đống người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò, lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy.
Tối mặt tối mũi lại, một đứa trẻ hoảng hốt cắm cổ chạy, thế nào ngã đánh bõm một cái xuống ngay ao. Tuy vậy mà bọn người lớn, sợ sệt quá, cũng không dám vớt. Khi quan huyện phải quát xuống vớt, mới có một anh chàng lực điền chắp tay vái mấy cái rồi cởi áo ra, nhảy xuống ao mò đứa bé con…
Rồi bọn lý dịch phải theo ông đồn và ông huyện ra xe hơi lên tỉnh. Hôm sau, họ được về thì lại đến lượt ông đồ phải gọi lên tỉnh có việc quan. Rồi ông đồ cũng về. Thế là cả bọn đều là những cái trứng để đầu đẳng.
Ngoài cái kiện đua hơi với ông nghị giàu có, hách dịch nhất. Chưa biết được thua thế nào, mấy người còn lo sốt vó về tội canh phòng bất cẩn, dung túng kẻ phản nghịch trong làng, hoặc ở ngoài đến tuyên truyền ở làng, và dạy học trò mà không có phép mở trường tư. Cả làng đều nằm mê thấy toàn những ngục tù, những hình phạt.
Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện cũ phải đi, để cho ông khác về thay. Thì cả làng ai cũng tin chắc chắn, y như được ông thành hoàng báo mộng cho vậy, là ông đồ và bọn lý dịch đã ký vào đơn kiện thế nào rồi cũng vì một việc cô Mịch bị hiếp mà mất chức, mà ngồi tù!» (trích Giông tố, trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, nxb Văn Học, 1987, trang 254).
Đoạn văn trên đây, không hề mô tả dân làng như những nạn nhân vô tội, điều mà chúng ta thường thấy trong những tác phẩm hiện thực thời ấy.
Vũ Trọng Phụng thoát khỏi lối trình bày một chiều phân chia nạn nhân và thủ phạm, ông mô tả dân làng, dưới những nét hiện thực tả chân : khi có việc tố tụng, mới thấy tính chia rẽ và nhu nhược không những của dân quê mà còn cả bọn lý dịch. Sự sợ sệt của họ trước bất cứ việc gì dây dưa tới cửa quan, càng khiến bọn nha lại dễ dàng khu xử theo luật tắc của đồng tiền, mà những kẻ như Nghị Hách, có đầy đủ phương tiện để chi phối toàn bộ guồng máy quan trường theo ý mình.
Trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng trình bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê. Mặc dù có Phú, một thanh niên có học, biết luật, đứng lên dẫn đầu cuộc tranh đấu cho quyền lợi lương bổng, nhưng họ cũng vẫn trong tình trạng ô hợp, xung động, mất trật tự, chỉ cần mấy lời đe dọa của lũ nha lại, là tất cả đều tan rã, không đủ khí phách để đi đến cùng. Hai nhược điểm chính của người dân nước ta là chịu nhẫn nhục và không kiên quyết, cho nên họ không thể đấu tranh giành quyền sống, giành tự do, dân chủ được.
Toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nói lên điều đó như một lời tiên tri và vẫn còn đúng tới hôm nay. Vũ Trọng Phụng muốn nói : phải trách mình chứ đừng nên trách người.
Những nhân vật người Pháp trong tiểu thuyết của ông, thường không phải là bọn tham quan ô lại, mà bọn tham ô, thường là người Việt. Chính người Việt đã xử tệ với dân Việt, chính người Việt đã tham nhũng, tồi tàn, đã làm bẩn xã hội Việt.    
Vì thế, ông không trình bầy một xã hội chia hai, một bên là bọn quan trường Pháp thuộc tàn nhẫn, đẫm máu người và một bên là đám dân đen Việt Nam trong sạch và vô tội bị thực dân bóc lột đoạ đầy, mà ông trình bày sự ti tiện của con người trước áp lực của kim tiền và tham nhũng. Tác phẩm của ông đào sâu xuống cái thấp hèn của con người, cái thối nát của chính những người Annam, những tri huyện, tổng đốc, đã lạm quyền, những bọn cai đội, lý dịch đã ra tay đàn áp, bóc lột dân nghèo.
Vũ Trọng Phụng đã sớm nhìn thấy trách nhiệm của người mình đối với người mình. Thấy nước mình tàn tệ như thế là vì người mình thối nát, ông không đổ lỗi cho thực dân Pháp, cho chính quyền thuộc địa, nghiã là ông không che đậy trách nhiệm cá nhân của người Việt, trước tình trạng thê thảm của dân Việt: quan trường tham nhũng, người dân ù lỳ, nhẫn nại, chỉ biết sợ sệt, chịu đựng, không biết đoàn kết, không có đầu óc đấu tranh. 
Tất cả những nhược điểm ấy của người Việt, được Vũ Trọng Phụng đề cập từ năm 1936, đến nay vẫn không thay đổi, và đó là lý do giải thích tại sao chúng ta vẫn còn là một trong những nước cuối cùng, tồn tại một chế độ toàn trị, trong khi hầu như cả thế giới đã loại  bỏ.
Sự bất nhân trong tính người 
Ở Vũ Trọng Phụng là sự phản tỉnh rất sớm về cái gọi là «tính người». Năm 1936, khi viết ba tác phẩm chính của mình là Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng mới 24 tuổi, mà ông đạt tới độ chín của các nhà văn đứng tuổi từng trải.
Có lẽ bởi Vũ Trọng Phụng đã phải vào đời sớm, làm nghề nhà báo, phải xông xáo trong những môi trường ăn chơi trụy lạc, đến các cửa quan, về thôn ổ. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng trước tiên là ngòi bút phóng sự điều tra, văn phóng túng, trực tiếp, đốp chát, là thứ hiện thực hàng ngày được đưa lên mặt báo.
Tiểu thuyết Giông tố gần như tổng hợp các tin vặt có thể lượm được trên một cột báo bình dân khoảng năm 1932. Thí dụ: tin Nghị Hách hiếp dâm một cô gái quê, tên Thị Mịch, con ông bà đồ Uẩn. Quỳnh thôn thấy con gái trong làng bị nhục, đồng đơn kiện Nghị Hách. Quan huyện thanh liêm muốn làm cho ra lẽ, bị quan Tổng đốc, thân Nghị Hách, đổi đi chỗ khác… Dân làng khi chưa kiện, biện luận hùng hồn, “nhất trí” một lòng một dạ, nhưng khi chạm đến cửa quan thì mỗi người một bụng, không ai muốn dây dưa, chỉ sợ tai bay vạ gió, không khéo lại vào tù…
«Tính người» trong tiểu thuyết Giông tố được phô bày một cách phũ phàng, không thương tiếc : Từ cô Mịch, con gái ông đồ, hiền lành, ngây thơ, quê mùa, đã hứa hôn với Long, một thanh niên đứng đắn. Mịch ban đầu là nạn nhân, bị hãm hiếp, được dân làng thương xót, rồi Mịch có mang, bị mọi người đàm tiếu, khinh bỉ.
Tú Anh, con trưởng của Nghị Hách, tưởng là một nhân vật tốt, muốn cứu vớt thanh danh gia đình Mịch, đã bắt buộc bố phải cưới Thị Mịch làm vợ lẽ ; nhưng để thực hiện chương trình phúc thiện, Tú Anh đã dùng những thủ đoạn đen tối, lừa dối hai người tình Mịch và Long làm cho họ hiểu lầm nhau.
Khi trở thành vợ bé Nghị Hách, một bước lên «bà lớn», Mịch cảnh vẻ, quát tháo con ở, ngoại tình với Long, dâm đãng như bất cứ người đàn bà có tiền, có thế lực nào. Ông bà đồ, cha mẹ Mịch ngày trước thanh bần trong sạch, tôn trọng đạo đức thánh hiền, nay vểnh vao trong chiếc xe hơi của Nghị Hách, dạo phố Hà nội, như những kẻ giàu mới phất, mặt mũi phởn phơ, không kém gì hạng người mà ngày trước ông bà đã từng khinh bỉ. Chính bản thân Mịch cũng thù ghét cha mẹ ở thái độ đổi trắng thay đen, đã bán khoán mình với giá rẻ cho Nghị Hách để hưởng giàu sang.
Đầu óc rửa thù bao trùm lên toàn thể nhân vật trong tiểu thuyết : gia đình Nghị Hách là một cuộc ân oán trên hai thế hệ với những oan nghiệt do chính Nghị Hách gây ra. Dùng tất cả những thủ đoạn đê hèn để làm giàu và tiến thân, Nghị Hách là một trường hợp đặc biệt của tội ác: hiếp dâm, giết người, không hề ngần ngại, miễn sao đạt được hai mục đích: thỏa mãn tính dâm dục và thành công trong địa hạt tiến thân. Chính đứa con trai của Nghị Hách xét đoán cha như sau: «Cái thằng cha ấy nó đẻ ra moa, chính là vì một phút điên rồ của xác thịt đấy!…
Cũng vì thế mà lúy bỏ ma me, để ma me nghèo, chết, rồi bây giờ lúy lại chực từ nốt cả moa! Các đằng ấy bảo vì lẽ gì tớ lại không rửa thù?» (trang 244).
Sự rửa thù, trong tác phẩm, từ trong gia đình ra đến xã hội, không chỉ có trong gia đình thối nát của Nghị Hách, mà trong cả gia đình Thị Mịch, đối cảnh của Nghị Hách, cũng không thoát khỏi : Bà đồ Uẩn, trong sự giàu sang, hãnh diện vì trả thùđược bọn dân làng, đã từng khinh bỉ, riếc móc con gái bà.
Mịch trước khi bị hiếp dâm đã yêu Long, hai người đã chuẩn bị cưới hỏi. Sau khi bị nhục, Mịch nghĩ mình không còn xứng đáng với người tình, đã treo cổ tự vẫn nhưng không chết, Long đã hiểu cho tình cảnh Mịch, nhưng rồi sau đó, bị nghi ngờ chiếm hữu, Long xa lánh dần.
Mịch đi từ vị trí một người chọn chết để giữ thanh danh và trong sạch với người yêu, sang vị trí một người bất cần, trong Mịch chỉ còn lại sự căm hờn cho nhân tình thế thái:
«Trước kia Mịch tự tử là vì ái tình. Bây giờ Mịch không được yêu, thì Mịch chỉ trông thấy sự căm hờn mà thôi. Mà sự căm hờn chỉ nuôi, chứ không giết» (trang 335)
« Mịch đối với Long chỉ còn sự căm hờn» (trang 357).
Đối với cha mẹ, Mịch cũng bị oán thù chi phối :  
«Mịch thấy mẹ mình như là hèn hạ quá, nhẫn tâm quá» (trang 359)
«Mịch oán giận mẹ. Căm tức bố, khinh bỉ anh» (trang 396).
Giông tố là thảm kịch về sự thấp hèn bất tín của con người trên mọi lãnh vực, không ai có thể tin được ai, không ai có thể nhờ cậy được ai. Từ trong ra ngoài, từ  anh em đến cha mẹ, từ vợ đến chồng, cha đến con, tất cả đều sống trong lừa dối, bất mục, một vòng loạn luân khép kín: Tội ác và lừa bịp gieo rắc khắp nơi, nên không thể biết hậu quả chỗ nào mà tránh.
Bộ ba tiểu thuyết then chốt: Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê, đã xây dựng nên vũ trụ Vũ Trọng Phụng, một vũ trụ đen tối mà con người đối xử với nhau không hơn gì loài thú.
Khía cạnh bất nhân trong nhân tính, sau này chúng ta thấy lại trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.
Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã phanh phui «thú tính» nơi con người, kể cả những người được coi là «hiền lành, chân thật». Trong khi những tác giả hiện thực cùng thời mới chỉ phân chia xã hội thành hai lớp lang tốt và xấu, đề cao cái tốt và hạ bệ cái xấu.
Vũ Trọng Phụng đi trước thời đại, bước lên trên lối phân tích luân lý giáo khoa đó, ông tả chân một xã hội hai mặt với những con người hai mặt, dùng đối thoại và độc thoại nội tâm của các nhân vật, như một phương pháp thám hiểm vùng tiềm thức của con người, ở thời điểm những năm 30 của thế kỷ trước.
Thụy Khuê