Sunday, February 25, 2018

Ngày Bình Thuận Tân Niên Hội Ngộ Mừng Xuân Mậu Tuất

HỘI THÂN HỮU BÌNH THUẬN
Binh Thuan Friendship Association
 
                                      THƯ MỜI

Trân trọng kính mời:   Ðồng hương Bình Thuận và Thân Hữu
Ðến tham dự  "Ngày Bình Thuận Tân Niên Hội Ngộ Mừng Xuân Mậu Tuất"
    của đồng hương Bình Thuận, sẽ được tổ chức:

Vào ngày:         Chủ Nhật 04 tháng 3 năm 2018
Từ:                10:00 sáng - 3:00 chiều
Tại:             Diamond Seafood Place Restaurant
                           8058 Lampson Ave.
                           Garden Grove, CA 92841
                           (714) 891-5347

Ðây là dịp họp mặt lớn trong năm để quý đồng hương Bình Thuận và thân hữu xa gần chung vui và mừng Xuân Mậu Tuất.

Chương trình gồm các tiết mục vui tươi, mang màu sắc Quê Hương Vùng Biển Mặn cùng những tập tục cổ truyền ngày Tết như Chúc Thọ, Lì xì .... và một chương trình văn nghệ mừng Xuân với sự góp mặt của các ca sĩ thân hữu Bình Thuận và các ca sĩ chuyên nghiệp. Chi phí cho mỗi người là $35.00.
 
Ðể tiện việc sắp xếp, xin vui lòng cho chúng tôi biết số người cùng đến tham dự với quý vị. Sự hiện diện của quý vị sẽ là một vinh dự lớn lao cho Hội Thân Hữu Bình Thuận.

Trân trọng kính mời,

TM Hội Thân Hữu Bình Thuận
Tạ Trung
Hội Trưởng
714-642-9590 (cell)

Wednesday, February 21, 2018

Gió Mùa Đông Bắc - Chương 3 - Thời Trung Học - Trần Ngươn Phiêu

Chương 3
Thời Trung học
Ðối với một anh học sinh từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn học, Trường Petrus Ký quả thật là một kiến trúc đồ sộ. Ðược hoàn thành từ năm 1927, trường chiếm một diện tích gần 9 mẫu, mặt quay ra đường Nancy (Cộng Hòa, thời VNCH), đối diện một khoảng xa với hông bên mặt của thành Ô Ma (Camp des Mares). Về phía bên mặt trường là đường Charles Thompson (Nguyễn Hoàng) gần đường xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho.
Hai dãy hai từng song song theo chiều Ðông Tây là các lớp học. Hai hành lang phía trước và sau nối liền các lớp học thành một khung hình chữ nhật. Hai bên đầu hành lang, trước cổng, là các phòng nhân viên hành chánh và các phòng giáo sư. Hành lang phía sau là dãy nhà các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh và lớp dạy vẽ. Bốn dãy kiến trúc đó bao vây một sân danh dự lớn có dựng tượng đồng bán thân của nhà bác học Petrus Ký, một nhân tài Việt Nam được liệt kê vào sổ vàng hậu thế kỷ XIX là “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”. Sau cuộc đổi đời 1975, tượng đồng bị hạ, trường đổi tên thành Lê Hồng Phong, một nhân vật cách mạng, không dính dáng gì đến văn học Việt!
Về bên phía trái của trường có hai dãy lầu ba từng được sử dụng làm phòng học và phòng ngủ cho học sinh nội trú. Bên sau các phòng thí nghiệm là hai phòng ăn rất rộng cho học sinh nội trú và bán nội trú. Các phòng ăn với diện tích rộng này cũng là nơi để tổ chức các kỳ thi có đông thí sinh hay các buổi sinh hoạt cộng đồng vào các dịp Lễ Tiễn Ông Táo mỗi năm, trước khi về nghỉ lễ Tết, hoặc Lễ Mãn Khóa học cuối năm.
Ðời sống nội trú đã cho Triệu có cơ hội gặp được bao nhiêu bạn bè hầu như rải rác khắp miền Nam. Hai năm nội trú ở trường đường Nancy và hai năm sau khi trường phải tạm dời về trường Sư Phạm trước Sở Thú khiến Triệu được biết hầu hết các anh lớn theo học ban Tú Tài, sau đó theo học Ðại học ở Hà Nội hay ở ngoại quốc. Về sau, trước khi tốt nghiệp bằng Thành chung, Triệu lại được biết thêm bao nhiêu lớp đàn em.
Những thiên tài âm nhạc như Trần Văn Khê, duyên dáng đánh nhịp hay thổi phong cầm vào các ngày văn nghệ Tết Ông Táo, các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Ðặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm...với lý tưởng bồng bột lửa đấu tranh cho nước nhà được độc lập, đã thấy manh nha từ cái lò Petrus Ký. Khi Ðệ Nhị Thế chiến bùng khởi ở trời Tây, Huỳnh Văn Tiểng đã đọc một bài phú tiễn đưa lính chiến đi Pháp mà hơn nửa thế kỷ sau Triệu vẫn còn nhớ:

Nhưng khuyên ai:
Trăng gió dẫu say phong cảnh mới
Nước non đừng lạt cảm tình xưa
Rượu Bordeaux dầu có hương vị thơm tho, phó mát xứ Brie dẫu có mùi thâm thía, nho Grenoble dầu hết sức ngọt ngào,
Cũng xin đừng chê rượu đế nhà ta là vô vị, bánh qui bánh tét thiếu gout, hay nước mắm hòn là dơ dáy....”

Trong số các bạn bè khác, rất nhiều tên tuổi sau này đã thường thấy được nhắc nhở trên các lãnh vực hoạt động ở miền Nam. Ðặc biệt sau khi thâu hồi độc lập, phần lớn các hiệu trưởng về sau thời kỳ 1950 đều xuất thân từ Petrus Ký. Nhìn trở lại lịch sử đào tạo trí thức cho miền Nam, ngoài các trường trung học công rất ít oi vì chánh sách ngu dân của Pháp (Bốn trường: Petrus Ký, Nữ học đường, Mỹ Tho và Cần Thơ), các trường tư thục phần nhiều do các nhà cách mạng du học về nước sáng lập, đã góp công lớn trong việc giáo dục thanh niên Nam Bộ. Các trường tư thục vang bóng một thời đã bị nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa khai tử sau 1975, thật sự rất xứng đáng được nhân dân miền Nam tưởng nhớ ghi công như trường Taberd, Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Chấn Thanh, Ðồng Nai, Nguyễn Văn Khuê, Bassac... và bao nhiêu trường sau này của các tôn giáo sáng lập, thời Việt Nam Cộng Hòa.
Các giáo sư trường Petrus Ký vào thời trước, ngoài những người Pháp hoặc Việt Nam du học tốt nghiệp ở Pháp về, phần đông đều được đào tạo từ Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội. Triệu vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các vị thầy khả kính đã một thời ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai của Triệu. Giáo sư Trần Văn Quế, người gốc Tây Ninh theo đạo Cao Ðài, dóc vác cao lớn, gương mặt hiền hậu, đầu hớt tóc ngắn là giáo sư dạy Sử, Ðịa, có một giọng nói đầm ấm, từ tốn, đã khơi dậy lòng ái quốc cho đám thanh niên thời của Triệu. Sau này ông Quế đã bị Pháp bắt đày Côn Ðảo và may mắn được trở về đất liền sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Một giáo sư Sử, Ðịa khác rất say mê nghề trong khi thuyết giảng là Nguyễn Văn Thành đã bị Việt Minh giết vào lúc khởi đầu Nam bộ Kháng chiến.
Giáo sư Phạm Thiều, gốc Nghệ - Tĩnh vừa dạy chữ Nho, nhưng cũng lại dạy toán rất giỏi, là một nhân vật có phong cách nhà Nho, ăn mặc chững chạc, vào lớp lúc nào trước tiên cũng móc trong túi áo chiếc đồng hồ quả quýt, đặt lên góc bàn bên phải và xoay cho dây đeo cuốn tròn chung quanh tươm tất, xong mới bắt đầu dạy. Triệu đã gặp lại Thầy sau này trong thời gian kháng chiến. Lần đầu tiên gặp lại Thầy ở chiến khu Rừng Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Triệu mới chợt nhận chân được cái vui tánh hồn nhiên của Thầy. Sau khi hỏi Triệu: “"Cậu đi đâu đây?"”. Thầy lại vui đùa nhại lời ca “"Nhớ chiến khu"” của Ðỗ Nhuận và hát: “ Chiều nay lên chiến khu đi gò mèo!”. Thầy đã một thời làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn, Ủy viên Tuyên huấn Ủy ban Hành chánh Nam bộ với biệt hiệu Trường Phong và đã tập kết ra Bắc. Sau 1975, giáo sư được bầu dân biểu thành phố Sài Gòn, nhưng đã thất vọng vì lối cai trị và tham nhũng của cán bộ Cộng sản. Ông đã tự vận chết, sau khi gởi cho Ðại hội Ðảng Q3, Thành phố Hồ Chí Minh một tuyệt thư:

“Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại.
Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối
Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”.

Sau đêm chủ nhật 23 tháng 9 năm 1945, mở màn cuộc Kháng chiến Nam bộ, rất nhiều giáo sư như Nguyễn Văn Chì, Nguyễn Văn Chí, Lê Văn Huấn, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Trứ, Lê Văn Cẩm... đều bỏ thành vào bưng tham gia chống Pháp. Có một việc cần nêu lên là các giáo sư còn sống và trở lại thành sau 1975, phần đông đã có một đời sống rất khiêm tốn. Các chức vụ béo bở đã được dành cho những người của Ðảng Cộng sản. Giáo sư Nguyễn Văn Chì trong thời chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau ngày 30 tháng Tư 1975, chức đó phải nhường cho người khác. Giáo sư Chì được giao chức vô thưởng vô phạt: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Triệu được một người ở cùng làng Bến Tranh (Mỹ Tho) với giáo sư Chì cho biết tin, là sau 1975, ông đã trở về quê và đã qua đời trong cảnh nghèo xơ xác!
Sống nội trú bốn năm ở Petrus Ký, Triệu sáng trưa, chiều tối nào cũng phải tiếp cận với các giám thị. Các vị đều xuất thân trong nghành giáo dục nên phong cách rất đặc biệt. Giữa khung cảnh Sài Gòn tân tiến, giám thị Tươi mà Triệu thường ngưỡng mộ nhưng nay đã quên họ, lúc nào cũng mặc áo dài đen, quần vải ta trắng. Phải là người có can trường lắm mới có can đảm mặc quốc phục giữa đám học sinh quỉ quái và các đồng nghiệp vận Âu phục chễm chệ. Thầy Ngữ gốc Bình Dương thì lúc nào cũng vùi vào sách vở, nghiên cứu cách biến chế màu vẽ để bán ra thị trường vì trong xứ lúc ấy không còn màu nhập cảng từ Pháp. Thầy Thấy mắt cận thị nặng, gốc Nha Mân thì say mê nghiên cứu cách nuôi và chọn giống chó berger Ðức. Thầy Ruộng người Gia Ðịnh, mặt tươi đỏ, thường được học sinh gọi đùa là mặt say rượu, lại là người hay tìm hiểu gốc gác các học sinh ông đang phụ trách. Triệu đã khám phá ra được đặc tính này vào một hôm, trong khi say mê đá banh, một bạn nhỏ dưới lớp Triệu, anh Phan Phục Hổ đã trong cơn phật ý, phát ngôn bừa bãi. Thầy Ruộng gọi lại bảo: “Ba mầy, ông Phan Văn Hùm vừa là học giả danh tiếng, vừa là nhà cách mạng đang bị tù, mầy phải giữ mồm giữ miệng, làm sao cho xứng đáng là con của ổng”. Phan Phục Hổ đã phải rướm lệ xin lỗi và cám ơn Ông! Trong trận đá nầy, Triệu cũng “xổ nho”, văng tục ngạo bạn, nên cũng bị Ông chỉnh: “Ông Bác, Ông Nội mầy là nhà Nho, người bị đày ở Nha Mân vì Ðông Kinh Nghĩa Thục, người đang là Thầy dạy học. Con nhà gia giáo không ăn nói như vậy”. Báo hại từ đó về sau, Triệu luôn luôn phải lưu ý, giữ mồm, giữ miệng, tởn tới già!
Khi Triệu bắt đầu niên học, không khí chiến tranh đã bắt đầu làm dân chúng xao xuyến. Dựa theo thanh thế quân đội Nhật, Thái Lan đã lên tiếng đòi lại đất đai của họ đã bị Pháp lấn chiếm. Thái đã gây hấn, ném bom xuống các vùng Siemréap, Battambang ở Cam Bốt. Sài Gòn đã bắt đầu phải đào hầm trú ẩn. Riêng ở trường, sáng nào cũng có lớp dạy cứu thương và cách đề phòng chống hơi ngạt chiến trận do giáo sư Lê Văn Cẩm phụ trách.
Thật ra đây là những lớp lý thuyết, theo dõi rất ngán. Triệu đã có dịp cho Giáo sư Cẩm biết về việc học sinh miễn cưỡng phải đến lớp. Giáo sư đã trả lời: “Tây nó làm bộ bắt phải dạy. Tôi xin mượn một mặt nạ chống hơi độc cho sinh viên xem, nó có cho mượn đâu. Muốn học thật sự có căn bản, nên ghi tên theo lớp Cứu Thương của Hội Hồng Thập Tự, sau các buổi chiều ở trường”.
Triệu và vài bạn ở Gò Công và Gia Ðịnh đã rất thích thú theo dõi các lớp huấn luyện này. Phụ trách dạy là các nữ y tá Pháp của Hội Hồng Thập Tự và các điều dưỡng của Bịnh viện Chú Hỏa (Bịnh viện Ðô thành). Lớp học dành cho công chức và thanh niên tình nguyện đến tham gia vào chiều tối, ở một lớp trống sau giờ học của sinh viên. Chẳng những được dạy về băng bó, cứu thương và chích thuốc ở lớp học, Triệu và các bạn lại được các nhân viên điều dưỡng thỏa thuận cho đến phụ giúp việc chích thuốc vào các thứ Bảy và Chủ nhật ở bịnh viện. Vào thời đó chưa có thuốc trụ sinh mà người mang bịnh hoa liễu lại bị khá nhiều. Thuốc chích chữa bịnh chỉ có loại “914” phải chích vào tĩnh mạch. Triệu nhờ thế đã được tha hồ thực tập việc chích thuốc vào gân máu. Sau khi được cấp chứng chỉ cứu thương, Triệu đã thật sự có căn bản để có thể thực sự hành nghề “chích thuốc dạo”sau này!.
Mặc dầu các bạn hữu Triệu đều từ bốn phương đến, Triệu vẫn thích làm bạn với một nhóm nhỏ anh em vì tương đồng ý tưởng hơn. Ðó là một số anh em chung quanh anh Trần Thanh Mậu, người làng Vĩnh Lợi, Gò Công. Mậu là em của Trần Thanh Xuân, một sinh viên giỏi đã được học bổng sang Pháp. Vào thời đó, miền Nam có được hai sinh viên đậu Bằng Tú Tài ưu hạng, được chọn du học. Một là Trần Lệ Quang, sau đổ kỹ sư cầu cống Ponts & Chaussées, Tổng trưởng Công chánh thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Người kia là Trần Thanh Xuân, học kỹ sư về các công trường hàng hải (Ingénieur Maritime), có một thời hoạt động chính trị ở Pháp, thập niên 1940, sau trở về Hà Nội.
Mậu có lẽ được người anh uốn nắn nên mặc dầu tuổi trẻ nhưng thường ưu tư về vận nước đang hồi còn phải chịu sự đô hộ của Pháp. Một số bạn của Mậu từ Gò Công đã biết Mậu từ lâu nên trong các giờ chơi, hay tụ tập kể cho nhau những giai thoại các trận như “Ðám lá tối trời”, tức khu Rừng La ù(Gò Công) của Trương Công Ðịnh trong thời chống Pháp, về Tổng đốc Lộc, một tay sai của Pháp, hoặc cùng đọc bài “Văn tế các chiến sĩ Cần Giuộc” của Cụ Ðồ Chiểu không được ghi trong chương trình Việt văn. Nhiều bạn khác thấy vậy cũng lần lần gia nhập nhóm, đặc biệt là anh Bùi Ðức Tâm, con địa chủ giàu có vùng Tân An. Anh Tâm là người biết rõ lịch sử kháng chiến chống Pháp thời Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Ðịnh, Trần Văn Thành... Anh đã làm nhiều người say mê vì tài kể chuyện. Các địa danh về những cuộc đụng độ ngày xưa, sau này vào lúc xảy ra Kháng chiến Nam Bộ sau 1945, nhiều anh em đi vào bưng đã như quen thuộc tên trước, nhờ nghe được các chuyện của anh Tâm. Sau 1975, có bạn gặp lại anh ở Sài Gòn, sau khi tập kết về, nhưng hình như không được giao chức vụ quan trọng vì là thành phần con địa chủ?

Chương 3 - Trần Ngươn Phiêu

GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC - Trần Ngươn Phiêu

LỜI NÓI ĐẦU
Đây chỉ là tiểu thuyết, loại tự truyện, về hành trình của một thanh niên bắt đầu trưởng thành vào lúc đất nước chuyển mình tranh đấu thoát ách thực dân Pháp ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến. Từ những giai đoạn lúc ban đầu, khi toàn dân một lòng đứng lên quyết tâm chống trả mưu toan trở lại của Đế Quốc Pháp đến những biến thiên hơn ba mươi năm kế tiếp, đây là một đoạn lịch sử cận đại, bối cảnh của cốt truyện. Được cơ hội lớn lên vào khoảng đầu Thế chiến Thứ Hai, người viết muốn ghi lại những gì mình đã chứng kiến về các đổi thay trọng đại ở miền Nam. Đất nước đã tranh đấu vuợt thoát từ chế độ thuộc địa trở lại vị trí độc lập, nhưng đã phải hứng chịu bao nhiêu biến thiên, đổ nát.
Truyện được hư cấu căn cứ trên những sự kiện có thật. Nếu trong sách có những trùng hợp về tên tuổi, địa danh, xin người đọc tha thứ, coi đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên vô tình. Người viết muốn ghi lại cho thế hệ trẻ những sự việc đã đưa đất nước qua những biến đổi đau thương mà những người có trách nhiệm lèo lái quốc gia đã có thể tránh được nếu mỗi khi phải chọn lấy một quyết định chánh trị, họ thật sự luôn luôn đặt quyền lợi và hạnh phúc dân chúng làm mục tiêu tối hậu. Dân chúng Việt Nam đã hứng chịu bao nhiêu mất mát, khổ cực, điêu linh do một số người nhân danh đảng phái hô hào sẽ đưa toàn dân đến một xã hội tự do, bình đẳng trong một thế giới đại đồng. Việc đáng trách là trong khi đó họ cũng đã có cơ hội chứng kiến các thảm bại, khổ cực của dân chúng của các nước đang thực thi chế độ mà họ lại đang mong áp đặt lên dân chúng Việt Nam!
Người viết muốn ghi lại được phần nào những gì mình đã trải qua trong một thời đất nước chuyển mình.
T.N.P.
Chương 1
Bên bờ Rạch Cát
Buổi sáng tinh sương ở Biên Hòa vào khoảng tháng Tám bao giờ cũng lạnh so với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi chẳng những ở về phương Bắc lại còn là chốn khởi đầu của núi rừng miền Nam.
Triệu cùng ông ngoại ra ga Hiệp Hòa để đón chuyến xe lửa sớm buổi sáng đi Sài Gòn. Đây là một nhà ga rất nhỏ, thường được gọi là ga tạm, giữa hai ga lớn là ga Chợ Đồn và ga chánh Biên Hòa. Xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa chỉ ghé lại ga này vào chuyến sáng sớm và chuyến bảy giờ tối để công chức, công nhân hoặc các bạn hàng có thể đi làm việc hay buôn bán ở Sài Gòn.
Trời còn sớm, sương vẫn còn trải mờ mờ trên mặt đất. Các công, tư chức làm ở các cơ quan chánh phủ hay các hãng xưởng kể như đều biết nhau vì thường cùng đáp xe hằng ngày nên đã chụm nhau từng nhóm nhỏ cười đùa, bàn chuyện thời sự ... Phần đông đều mặc âu phục, cổ thắt cà vạt vì là cách ăn mặc hầu như bắt buộc của các thầy thông phán trước Đệ nhị Thế chiến.
Trong giới bạn hàng, các phụ nữ chuyên mua bán cá thì rất thong dong vào chuyến sáng vì gánh thúng không, chưa có cá, nên họ cười đùa rộn rã. Chỉ có chuyến chiều về thì mới thấy họ mệt lả vì các gánh nặng trĩu, sau khi bổ được cá ở chợ Cầu Ông Lãnh về bán ở các chợ Biên Hòa.
Từ ngày Triệu về Biên Hòa vì ông ngoại đã về hưu, dọn nhà từ Vĩnh Long về miếng vườn nhỏ ở ấp Phước Lư, bên dòng Rạch Cát, một nhánh của sông Đồng Nai, thì mỗi lần ông cháu có việc đi Sài Gòn, đều chọn khởi hành từ ga tạm Hiệp Hòa cho tiện vì gần nhà.
Từ vườn nhà ra ga không bao xa, nhưng mỗi lần đi Sài Gòn, ngoại thường thức rất sớm, khi tiếng chuông công phu khuya chùa Đại Giác ở Cù lao Phố gióng lên và ngân rền trên sóng nước Đồng Nai. Lúc còn ở Vĩnh Long, một tỉnh nhỏ nhưng ở ngay trong thành phố, Triệu thường bị đánh thức khi thành phố bắt đầu rộn rịp xe cộ buổi sáng. Về Phước Lư, nửa tỉnh nửa quê, chuông công phu khuya của chùa Đại Giác là đồng hồ báo thức mỗi sáng, nhắc Triệu thức dậy, chong đèn dầu ôn bài để đến trường Tỉnh. Mỗi lần thức dậy, đánh que diêm đốt đèn, mùi diêm sinh tỏa trong không khí buổi sáng tinh sương có một hương vị là lạ mà Triệu không bao giờ quên kể như suốt cuộc đời sau này.
Hôm nay là ngày đặc biệt vì ngoại đã toan tính từ lâu, sau khi Triệu được trúng tuyển và có học bổng nội trú ở Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ngoại rất hãnh diện thấy cháu mình thi đậu cao, được tiếp tục học sau khi đậu Sơ học ở trường tỉnh. Triệu mồ côi mẹ lúc lên năm và ngoại đã đem Triệu và em gái Triệu về nuôi vì Ba của Triệu luôn đi làm việc xa ở Cam Bốt.
Ngoại biết cháu có học bổng, ở nội trú nhưng ngoại muốn đưa Triệu qua Sài Gòn để giới thiệu với bà con, bạn bè xa gần để gởi gắm Triệu trong những ngày sống xa ngoại.
Ông ngoại của Triệu ngày xưa vốn quê ở Cù lao Phố, một địa danh đặc biệt, đã nổi tiếng một thời khi Trần Thượng Xuyên, một dũng tướng nhà Minh, đã bỏ xứ lưu vong vào lúc Trung Hoa bị nhà Mãn Thanh chiếm. Chúa Nguyễn đã chấp nhận cho các danh tướng nhà Minh này vào lập nghiệp và khai khẩn đất miền Nam. Dương Ngạn Địch chọn vùng Định Tường (Mỹ Tho) để lập nghiệp. Trần Thượng Xuyên chọn đất Đông Phố và Nông Nại (Cù lao Phố) làm nơi dung thân. Nếu Mạc Cửu là người đã được biết tiếng nhiều nhất vì đã có công gầy dựng miền Hà-Tiên thành một miền trù phú, vang tiếng một thời về cả thương nghiệp lẫn văn hóa, thì vùng Sông Phố cũng có một thời rất nổi danh, trước cả Chợ Lớn, Sài Gòn.
Cù Lao Phố có vị trí biệt lập, dễ cho việc phát triển và cai trị. Quốc lộ 1 ngày trước và thiết lộ Sài Gòn-Hà Nội xuyên qua đây bằng hai chiếc cầu lớn: cầu Gành và cầu Rạch Cát. Giới giang hồ, trộm cắp ngày trước đều tránh xa, không dám léo hánh đến cù lao này. Dân chúng đều biết mặt nhau và rất đoàn kết trong mọi việc.
Đang đêm khi nghe có báo động trộm cướp là cả làng thắp đuốc sáng, canh giữ hai cầu và suốt mặt sông. Khi bắt được tội phạm, dân đem ra xét xử tại chỗ, xong cột đá vào kẻ cướp và quẳng xuống cầu Gành, không cần báo cáo cho chánh quyền nào khác!
Nhờ óc kinh doanh người Trung Hoa nên kinh tế vùng Sông Phố phát triển rất mạnh. Ngoài sự trợ giúp tài chánh cho chúa Nguyễn khi còn lập nghiệp trong Nam, các danh tướng Tàu, đặc biệt Trần Đại Định là con của Trần Thượng Xuyên, còn trợ giúp chúa Nguyễn về binh bị. Cũng vì thế nên khi Nguyễn Huệ vào Nam đánh thắng Nguyễn Ánh, ông đã căm thù sự trợ giúp của người Trung Hoa nên đã tàn sát dân chúng vùng Cù Lao Phố, thây trôi đầy sông, sau bao nhiêu ngày nước mới trong lại được.
Ngoại ngày xưa cũng là một học sinh xuất sắc, được tuyển chọn theo học trường Bổn Quốc tức Trung học Chasseloup Laubat sau này. Ông thường vẫn nhắc chuyện ngày trước, sau khi thi đậu được cấp học bổng, quần áo, giầy vớ đều được trường cấp. Đồng phục màu xanh dương đậm, nút đồng vàng, cũng do trường cho thợ may cắt cấp cho học sinh. Mỗi bận ông nghỉ hè về làng Hiệp Hòa, dân trong làng rất hãnh diện có một học sinh vận đồng phục của trường. Vì thuộc gia đình nghèo nên đang học nửa chừng thì tình nguyện sang học và làm việc với sở Địa Chánh Nam Kỳ. Vào thời đó, Pháp vừa mới ổn định được phần nào miền Nam nên thấy có nhu cầu phải thiết lập họa đồ chính xác cho toàn miền. Các chuyên viên Pháp thấy nhu cầu cần gấp các trắc lượng viên nên đã dành nhiều quyền lợi, lương bổng cho các thanh niên được chọn để huấn luyện về ngành này. Sau khi tốt nghiệp, ông ngoại Triệu đã được gởi đi hầu hết các tỉnh miền Nam để thiết lập địa bộ các làng xã. Nhờ đó, tuy tuổi còn nhỏ nhưng Triệu đã biết tên rất nhiều địa danh xa xôi miền Nam vì được nghe ngoại nhắc đến trong các câu chuyện hằng ngày.
Hôm nay dắt Triệu cùng qua Sài Gòn nhưng như thường lệ, hai ông cháu chọn xuống ga Phú Nhuận, thay vì ra thẳng ga Chợ Bến Thành, vì ngoại muốn luôn dịp ghé thăm các cháu nội cư ngụ ở vùng đó. Mỗi lần chuyến xe buổi sáng đến ga Thủ Đức thì khung cảnh trên các toa náo nhiệt hẳn lên, vì các bạn hàng bán các thức ăn cho các chợ Sài Gòn thường lên tàu ở ga này.
Thủ Đức vốn nổi tiếng từ xưa về sản xuất nem chua và các thức ăn chơi khác như thịt nướng, bún, bánh hỏi. Dân chúng từ Sài Gòn thường đáp xe lên đây vào các buổi chiều để nhàn du và thưởng thức các món đặc biệt của địa phương nầy. Bạn hàng Thủ Đức, ban ngày thường có lệ, đáp chuyến tàu sớm này, để bán các đặc sản của họ ở các chợ Sài Gòn. Sau khi lên xe suông sẽ, họ thong dong bày dao thớt, tiếp tục chuẩn bị sửa soạn tiếp các món hàng sắp đem ra chợ. Các tay buôn thường là những người lão luyện lâu năm trong nghề. Thấy họ cuộn từng bó rau lớn và xắt mỏng thoăn thắt mà phải phục tài. Những người đáp xe chưa ăn sáng thường có cái lệ hay gọi các thức ăn vào khoảng này, trước khi xe đến ga chợ Bến Thành.
Phú Nhuận vào thời khoảng 1939 là một vùng rất thưa dân cư. Nhà cửa hai bên đường Chi Lăng vào thuở ấy không có các phố xá như hiện nay mà phần nhiều là những mảnh vườn nho nhỏ. Nhà phần đông cất kiểu nhà sàn thấp, có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng, chưa có nước máy như về sau này. Cậu của Triệu là con trai trưởng của ngoại, tốt nghiệp Trường Sư Phạm, gần Sở Thú và được bổ nhiệm hành nghề ở Nha Học Chánh Nam Kỳ ở đường Lê Thánh Tôn. Thay vì chọn chỗ ở gần nơi làm việc, cậu Hai của Triệu lại về Phú Nhuận vì thích phong cảnh vườn. Phú Nhuận lại là trạm chót của xe buýt từ Sài Gòn vô, lại có trạm gần Nha Học Chánh nên sự di chuyển hằng ngày rất tiện lợi.
Nơi trạm xe buýt khởi hành từ Phú Nhuận có một quán ăn người Trung Hoa rất nổi tiếng về món thịt bò kho. Vào thời trước, chỉ có Sài Gòn là nơi hằng ngày có bán thịt bò nhiều hơn cả, vì phần đông người Pháp và Âu đều tập trung thủ đô miền Nam. Ở các chợ tỉnh nhỏ, các thớt thịt bò rất hiếm vì ít người tiêu thụ, nên khó tìm ra loại thịt để nấu món đặc biệt này. Gân, sụn nấu sao cho vừa đủ chín, không còn quá cứng nhưng cũng không quá nhão, để thực khách khi ăn, vẫn còn thưởng thức được cái thú vị đang cắn vào miếng gân, miếng sụn. Nghệ thuật là như thế, nên quán chỉ nấu vừa đủ bán cho khách vào buổi sáng. Nếu bán còn dư, phải hâm lại thì món ăn đã biến chất, không còn ngon như mới nấu lần đầu. Triệu đã được ngoại giải thích và biết thưởng thức hương vị món bò kho từ thuở đó.
Riêng về phần Triệu thì mỗi lần ghé Phú Nhuận như vậy, Triệu rất thích thú vì nhà cậu Hai có rất nhiều sách, nhất là sách cho giới trẻ. Triệu đã bắt đầu đọc được sách tiếng Pháp nên có thể tha hồ chọn và mượn đem về Biên Hòa đọc. Sách tiếng Việt cho thanh thiếu niên vào thời trước thường rất ít. Chỉ có loại Sách Hồng, phỏng theo loại Livres Roses của Pháp. Phụng, con trưởng của Cậu và là chị họ lớn hơn Triệu đã biết được sự mê sách của Triệu nên mỗi lần có dịp về thăm ngoại ở Biên Hòa, không bao giờ quên soạn đem về một gói lớn sách cho thằng Triệu nó đọc. Chị không may đã mất sớm vì bị bịnh sốt thương hàn. Sau khi cậu Hai của Triệu mất thêm một đứa con trai khác cũng bị nhiễm bịnh ấy, nguyên do vì Phú Nhuận vào thời trước chỉ dùng nước giếng, không được khử trùng như nước máy, nên sau cùng phải dọn nhà ra vùng Tân Định. Ngày nay đã trên tám mươi tuổi, hồi tưởng lại những ngày thơ ấu, Triệu vẫn nhớ đến nỗi vui mừng mỗi khi đạp xe đạp ra ga nhỏ Hiệp Hòa để đón người chị họ từ Sài Gòn về nghỉ hè, lúc nào cũng lo đem một bọc sách cho thằng em nhà quê !
Từ Phú Nhuận, hai ông cháu Triệu đáp xe buýt ra vùng Chợ Cũ lựa những món cần mua vì ở Chợ Cũ giá rẻ hơn ở chợ Bến Thành. Triệu cùng ngoại đi trở về Đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ) để vào cửa hàng Charner là nơi chuyên bán những vật dụng nhập cảng từ Pháp. Trong bản kê khai vật dụng cá nhân mà Trường Trung học Petrus Ký bắt buộc học sinh nội trú phải sắm, có việc phải gắn số đính bài vào áo quần để khỏi nhầm lẫn của nhau. Thuở đó, chỉ có cửa hàng Charner mới nhập cảng loại số thêu này mà thôi. Đó là những cuộn băng vải, có thêu số, chỉ cần được cắt ra, kết vào áo quần, khăn, mền để biết sở hữu chủ là ai. Triệu đã được cấp cho số 336, một con số định mạng, vì không hiểu vì sao, trong thời gian trưởng thành, mỗi khi Triệu cần được cấp một số hiệu thì y như rằng, thế nào trong số được cấp, bao giờ cũng có con số 3!
Việc sắm vật dụng để vào học nội trú là cả một vấn đề cho gia đình bên ngoại của Triệu, vì Ông ngoại nay đã về hưu. Muốn vào được nội trú học sinh phải có đủ các món đã được ghi trong một bản kê khai dài. Triệu có cái may là được người cô thứ Tư của Triệu đang có một tiệm may ở Long Xuyên hứa sẽ cho những bộ áo quần phải sắm!
Trưa hôm ấy ngoại đưa Triệu đến thăm giáo sư Cẩm là người bà con xa trong họ, đang là giáo sư Toán của trường Petrus Ký. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, người gốc Thủ Dầu Một, nét mặt rất cương nghị. Khi Triệu đến, gặp lúc ông đang loay hoay với máy vô tuyến điện để tìm bắt tin tức các đài ngoại quốc. Ở Việt Nam thời bấy giờ, các nhà buôn Pháp mới bắt đầu nhập cảng máy vô tuyến truyền thanh nên người có máy còn rất hiếm. Đài phát thanh “Radio Sài Gòn” lúc đó chưa có, nên nhà buôn Boy Landry tự đảm nhiệm luôn chương trình phát tuyến cho dân chúng. Chương trình Pháp ngữ thường tiếp vận các đài bên Pháp nên khá đầy đủ. Chương trình Việt ngữ lại rất nghèo nàn. Chỉ có phần văn nghệ Việt thì sôi động vì đài khuyến khích dân chúng tham dự trình diễn văn nghệ với việc tặng quà của các hãng thuốc lá Sài Gòn. Chương trình thực hiện như Radio “crochet” bên Pháp. Người trình diễn, nếu kém tài nghệ hoặc bị đối phương cố tình phá, sẽ bị hội trường phản đối, đành phải trao trả micro, rời sân khấu. Dân chúng gọi việc này là bị móc xuống. Các buổi phát thanh Radio móc là những buổi vui nhộn và được người Việt thích nhất.
Giáo sư Cẩm vừa tìm đài vừa cằn nhằn vì nhà ông ở đường Dixmude, gần đại lộ Galiénie (Trần Hưng Đạo thời VNCH) là nơi có đường xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn. Mỗi lần xe điện chạy ngang là làn sóng bị phá rối không nghe được. Trên bàn ông ngổn ngang sách Pháp. Triệu đọc thoáng qua thấy có nhiều cuốn nói về Einstein là một bác học Triệu có nghe danh nhưng cũng có sách Việt như quyển Tố TâmTuyết Hồng Lệ Sử của tác giả Song An Hoàng Ngọc Phách. Ông khen Triệu được trúng tuyển vào trường nhưng cho biết phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn, vì trường là nơi tụ họp của học sinh giỏi tứ phương miền Nam chớ không phải một xó xỉnh như Biên Hòa. Thực dân Pháp chỉ mở có hai trường Trung học công ở Sài Gòn là Petrus Ký cho nam và Nữ học đường cho nữ mà thôi! Ông bảo Triệu lên lầu nhà chơi với con trai ông, để ngoại cùng ông nghe đài.
Sau buổi chiều mua sắm thêm các vật dụng nhập học nội trú, hai ông cháu Triệu lấy vé xe lửa ở ga Sài Gòn trở lại Biên Hòa. Như thường lệ, hai ông cháu đã đến sớm để có thì giờ ghé tiệm bán sách cũ của một người Trung Hoa. Ngang ga xe lửa Sài Gòn thời trước, có hai tiệm đặc biệt trước ga: Một là quán cơm chay và hai là tiệm sách cũ. Người chủ tiệm sách cũ này có thói đặc biệt là khi mua hoặc bán sách ông đều định giá theo cân kí lô! Sách lựa xong, đưa cho ông xem để tính tiền! Sách cân nặng thường được ông định giá cao. Các sách khác dẫu là sách có giá trị nhưng không nặng kí, ông vẫn bán cho giá rẻ mạt. Triệu có cơ hội tha được nhiều sách về nhà nằm đọc, học được nhiều điều hay qua sách vở, một phần lớn đều do mua được sách quý với giá rẻ ở tiệm sách đặc biệt của ông Tàu nầy!
Trên xe về Biên Hòa, Triệu thưa với ngoại:
-Nhà ông Cẩm có tiểu thuyết Việt, nghe đồn là hay nhưng làm sao dám mượn.
Ngoại đáp:
-Tiểu thuyết đó là của các sinh viên, mang từ Bắc về. Tao cũng có hỏi qua ông Cẩm nhưng ổng nói đó là sách kỷ niệm lúc đi học. Toàn là sách ủy mị, lãng mạn. Ổng với tao nghe tin tức ngoại quốc. Chiến tranh thế giới có thể sẽ xảy đến. Nhựt Bổn thế nào cũng sẽ đụng độ với Anh, Mỹ, Pháp. Xứ sở mình không biết tương lai sẽ ra sao!
Ngoại ngồi tư lự trên xe suốt buổi. Triệu không dám bàn gì thêm cho đến khi xe ngừng ga nhỏ Hiệp Hòa. Các chị mua cá từ chợ Cầu Ông Lãnh lật đật xuống xe, nặng nhọc lầm lũi gánh cá về nhà để bán chợ sáng, không còn đùa cợt vui vẻ như buổi sáng khi quảy gánh còn trống không qua Sài Gòn bổ hàng.
(Còn tiếp)

Monday, February 12, 2018

Bàn Ủi Con Gà - Saigon Xưa Blog

Cận Tết nhớ về chiếc bàn ủi bằng than này, không biết có ai còn nhớ hôn ta, ai trong page Sài Gòn xưa đã từng sở hữu quạt than này không ta ,và sau năm 75 đại đa số người dân Sài Gòn phải dùng lại vì thời điểm đó thiếu hụt trầm trọng, thí dụ chiều 30 mà mượn không ra chiếc bàn ủi than để ủi cho thẳng bộ áo quần thì coi như tiêu tan cái tết, thời đó có những chiếc bàn ủi bằng đồng chưa đầy một ký nhưng sức nặng của ký ức khi nghĩ đến nó mỗi lúc xuân về thì luôn trĩu lòng một lớp người trên dưới bảy mươi tuổi như tôi.
___________________________
1.Của hiếm ở làng
Những năm sau 4/75, miếng ăn đã khó, cái mặc lại càng khó khăn hơn. Nếu là cán bộ nhà nước thì còn kiếm được tấm phiếu 5 mét vải, còn những người ở quê, hầu như phiếu vải là một khái niệm quá xa vời với họ. Để có cái mặc, lớp người già thì tận dụng đồ cũ của đám cháu con thải ra để vá víu lại cho ra tấm áo, mảnh quần mà mặc tạm.

Đám thanh niên thì chắt chiu dành dụm hoặc xin cha mẹ ít tiền để đến các “chợ trời” mua lại đồ cũ của người nhưng mới của ta về xúng xính với chúng bạn mỗi dịp tết về, mà đâu phải năm nào cũng có tiền để đi “chợ trời” mua sắm! Hai ba năm mới dành được ít tiền mua “bộ cánh” để du xuân. Vì vậy, việc lộn ngược đồ cũ (phần bên trong, ít phai màu) để may lại cho thành “mới” là chuyện khá phổ biến của thời đó. Để tiết kiệm chi phí trả công thợ may, nhiều bà mẹ quê phải làm cái việc cực chẳng đã là may tay, sau khi xả chiếc quần cũ ấy ra. Việc may lại số vải cũ ấy không quá khó nhưng làm sao xóa được dấu vết của đường li đã bị “ủi chết” từ chiếc quần cũ mới là điều gian nan. Lúc này, chiếc bàn ủi như vị cứu tinh để vừa xóa dấu vết của li quần cũ lại vừa góp phần làm mới chiếc quần vừa được may lại để có cái mà mặc chơi tết với chúng bạn.
Không nhớ thời ấy, giá của chiếc bàn ủi là bao nhiêu nhưng cả xóm tôi, đến ngót trăm nóc nhà mà chỉ có 2 chiếc, một của nhà tôi, một của bác thợ may đầu xóm. Bác thợ may thì… còn khuya mới mượn được chiếc bàn ủi của bác vì ông còn phải “ủi gấp” số quần áo vừa mới tân trang cho đám thanh niên trong làng đang sắp hàng chờ chực đến phiên mình nhận “đồ mới”. Vì vậy, bao nhiêu cặp mắt “trai thanh gái lịch” của làng đều đổ dồn vào chiếc bàn ủi của nhà tôi. Chả phải giàu có gì nhưng mẹ tôi có một thói quen nữa là bà mua sắm tất tật những thứ mà gia đình sẽ phải dùng đến chứ không chịu đi mượn của ai.
--
2.Đốm lửa ký ức
Ngày 29 tết, việc đồng áng coi như tạm gác lại, những người đàn bà chuẩn bị đổ bánh thuẩn hoặc làm bánh in, đàn ông thì đóng bánh nổ. Đám thanh niên thì chuẩn bị ủi quần áo. Nhà tôi bấy giờ trở thành “điểm hẹn” của đám trai gái trong làng đến ủi nhờ đồ. Những cục than hồng rực đỏ được lấy ra từ bếp đang nấu các loại bánh, bỏ thẳng vào lòng chiếc bàn ủi. Quanh năm lạnh ngắt, chiếc bàn ủi bỗng chốc hực lên vì nóng. Thực ra thời ấy, quần áo có nhiều nhặn gì cho cam, nhưng vì đông người xin ủi quá nên chiếc bàn ủi không lúc nào yên.

Hễ than sắp tàn lớp này, lập tức được thay lớp than hồng khác. Đám thanh niên chen nhau, ai cũng “xin” được ủi cho mình trước. Vì vậy, có bao chuyện khóc cười xung quanh câu chuyện ủi đồ để đi chơi tết thời ấy, trong xóm có chị Lành, chị hiền hậu như tên cha mẹ đặt cho. Dành dụm cả năm chị mới may được một bộ quần áo vải xoa. Nhưng không phải chị may trong dịp chơi tết mà may để “diện” với họ nhà trai ngày ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi ấy, chị mặc thêm bộ đồ xoa nọ dăm ba lần nữa để đi chơi với anh chồng sắp cưới. Thứ vải xoa này, ni lông là chính nên chỉ cần mặc vài lần là hai ống quần như chiếc lò xo. Thế là phải ủi làm sao cho thẳng để có cái mà đi với anh về thăm nội ngoại. Cầm bộ đồ nhàu nhĩ trên tay, chị ngồi chờ chực gần hết buổi mới ủi được. Vội vội vàng vàng thế nào, vừa đặt chiếc bàn ủi lên một ống quần để “đẩy”, quần chẳng thẳng mà chỉ thấy một bên vạt dính luôn trong chiếc bàn ủi, khói bay nghi ngút, khét lè khét lẹt! Thế là tiêu luôn cái tết của chị Lành. Mấy chục năm rồi, tôi vẫn không quên hai hàng nước mắt ròng ròng của chị khi nhìn chiếc ống quần đã biến thành than.
Lại có anh Toan nhà bên, cũng sốt ruột thế nào, chưa kịp móc miếng vải vô đầu “con gà” để “khóa” lại, đã vội nhấc lên. Một đống than hực đỏ từ trong chiếc bàn ủi đã trút xuống chiếc quần. Coi như xong cái tết. Kinh nghiệm “xương máu” ấy đã giúp chúng tôi, đám đàn em kém các anh chị dăm bảy tuổi, không bao giờ mắc phải. Trước khi ủi quần áo thì “ủi” vào tàu lá chuối cho giảm nhiệt. Cũng chẳng bao giờ quên móc “con gà” vào khóa để không bao giờ than trong bàn ủi phải đổ lên áo quần, bây giờ nhà nào cũng sắm được chiếc bàn ủi điện, hễ quá nóng là tự khắc nó giảm nhiệt ngay. Cũng chẳng có cô gái nào mặc quần “lò xo” như chị Lành, anh Toan của xóm tôi ngày trước. Bao nhiêu quần là áo lượt đủ kiểu dáng của những nam thanh nữ tú dập dìu ngày tết. Nhìn thấy họ, lòng tôi lại dậy lên nỗi xót thương về một quãng cơ cực của làng mình. Những lúc ấy, hình ảnh chiếc bàn ủi bằng than cứ đùn lên như một đống lửa chưa bao giờ tắt.
=====
Tóm tắt sơ lược
Khoảng thế kỷ 15, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật luyện kim, người ta bắt đầu có ý tưởng về một chiếc bàn ủi bằng sắt rỗng ruột có thể chứa than bên trong để làm nóng. Đây là một chiêc hộp sắt rỗng ruột có tay cầm, mặt đế được chế tạo trơn tru để có thể dễ dàng lướt trên bề mặt quần áo đồng thời không để lại các vết bẩn của kim loại. Để làm nóng mặt đế, ngoài than hồng, người ta có thể cho vào bên trong: gạch nung nóng, một thanh kim loại nóng hoặc những thứ khác có thể nung nóng và giữ nhiệt. Người ta đã có thể ủi phẳng quần áo một cách trực tiếp mà không cần phải đặt mảnh vải vào bên dưới mặt đế của chiếc hộp nữa. Đây chính là khuôn mẫu của chiếc bàn ủi hiện đại được sử dụng cho đến ngày nay.

Nhược điểm của mô hình bàn ủi này là vẫn chưa thể giữ nhiệt được lâu, đặc biệt là ở phần mũi bàn ủi. Tuy vậy, mẫu bàn ủi trên vẫn được tiếp tục sử dụng gần 400 năm sau đó, Đến khi phương pháp luyện thép Bessemer được phát minh vào những năm đầu thế kỷ 19, những vấn đề còn tồn động của các mẫu bàn ủi cũ cơ bản đã được giải quyết. Người ta đã có thể chế tạo những chiếc bàn ủi làm toàn bằng thép và được truyền nhiệt bằng cách đặt trên bếp lò. Sức nóng được lan tỏa đều khắp phần đế bao gồm cả vị trí mũi bàn ủi cho phép ủi phẳng được những vị trí phức tạp trên trang phục như xung quanh nút áo, cổ áo, tuy vậy, nhược điểm của mẫu bàn ủi thời bấy giờ là vẫn chưa thể giữ được nhiệt lâu. Sau một thời gian ủi nhất định vẫn phải đặt lên bếp lò để làm nóng phần đế. Điều này làm gián đoạn quá trình ủi quần áo và khá mắt thời gian.
Xin hết.
=============
Liên kết Trang web : https://saigonxua.org/
Liên kết Facebook : https://www.facebook.com/oldsaigon75

Sunday, February 11, 2018

Chuyện “bức tử” một bức tượng và những chuyện chưa biết xung quanh khu vực này

Năm 1967, nền Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam đã xây dựng tượng đài hai quân nhân Thủy quân Lục chiến (TQLC) trước Hạ viện, hay còn gọi là Tòa nhà Quốc hội, nay là Nhà hát Thành phố. Tượng hai người lính TQLC cao 9 mét, trong tư thế xung phong, mũi súng hướng về trụ sở Hạ viện.
Ngay sau khi bức tượng được đặt ở một vị trí quan trọng nhất thủ đô đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số người cho rằng quân đội “thao túng” các dân biểu Hạ viện bằng hình ảnh hai người lính cầm súng đại liên đe dọa sinh hoạt dân chủ của miền Nam.
Quân đội lại giải thích những người lính bảo vệ Quốc hội khi họ hướng mũi súng vào tòa nhà thay vì hướng ngược lại… Lại có một giải thích khác, mũi súng thực ra hướng về Khách sạn Continental nằm phía phải Hạ viện, nơi được coi là “hang ổ” của các lực lượng phản chiến, trong số đó có cả những dân biểu.

Chuyện “bảo vệ” hay “đe dọa” còn tùy thuộc vào chính kiến của mỗi người… Tác giả chỉ có tham vọng kể lại chuyện bức tượng và những diễn biến quanh hai người lính TQLC vào ngày 30/4/1975.
Việc xây dựng những bức tượng kỷ niệm khắp các điểm nổi bật ở thủ đô Sài Gòn đã được “Nội các Chiến tranh” của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thực hiện trên một quy mô lớn. An Dương Vương, thánh tổ Pháo binh, được đặt tại công trường Diên Hồng, trước Thượng viện, đường Bến Chương Dương. Phù Đổng Thiên Vương, thánh tổ Thiết giáp, nằm tại bùng binh Ngã 6 Sài Gòn. Trần Nguyên Hãn, thánh tổ Truyền tin, tại bùng binh Quách Thị Trang, trước cửa chợ Bến Thành. Phan Đình Phùng, thánh tổ Quân cụ, tọa lạc trước bưu điện Chợ Lớn. Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân, tại công trường Mê Linh…

Bên cạnh những danh nhân lịch sử, các binh chủng còn có tượng đài kỷ niệm như tượng Thiên sứ Micae, thánh tổ binh chủng Nhảy Dù gần Bệnh viện Sùng Chính, quận 5. Biệt Động Quân có tượng ba người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ. “Tổ quốc Không gian” của Không quân trước mặt Tòa Đô Chánh và, đặc biệt hơn cả, là bức tượng TQLC trước Hạ viện.
Việc xây dựng tượng TQLC cũng gặp nhiều trục trặc. Ban đầu, Thiếu tá Huỳnh Huyền Đỏ (thuộc bộ Tổng Tham Mưu) đưa ra phác thảo mẫu với hình tượng ba người lính. Thiếu tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ thuật Gia Định. Trong khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó Thiếu tá Đỏ không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho Bộ Tư lệnh TQLC.


Trước áp lực phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh, TQLC giao cho Thiếu úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hướng dẫn của họa sĩ Lê Chánh (Bộ Tư lệnh TQLC) và Lương Trường Thọ (Trung tâm Huấn luyện TQLC).
Thiếu úy Thuộc, đại đội trưởng đại đội Công vụ TQLC, tuy không là họa sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là “tay ngang” nhưng ông cùng anh em đại đội Công vụ đã nhận lãnh trách nhiệm. Họ làm việc liên tục 24/24 và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khi hai người lính TQLC xuất hiện trước công chúng, một số người “trong nghề” phê bình những khiếm khuyết của bức tượng như nòng súng đại liên quá ngắn nếu so với kích thước thật, trong khi đó “cặp mông” của hai chiến sĩ lại quá to… Nếu hiểu rõ bức tượng đã được hoàn thành bởi những người “lính thợ tay ngang” nhiều người sẽ tỏ ra thông cảm với những nỗ lực của TQLC.

Diễn biến cuộc “bức tử” hai người lính TQLC ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố “đầu hàng” đã được ghi hình. Từ những hình ảnh được trích từ video clip do các phóng viên người Pháp thực hiện ngày 30/4/1975, có thể thấy như sau:
Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đầu bức tượng người lính TQLC trước Quốc hội. Với một chiếc búa, anh ta đập vành nón sắt của người lính để bắt đầu cuộc “bức tử” pho tượng.
 Thanh niên “băng đỏ”, hay còn gọi là “cách mạng 30/4”, đứng trên vai bức tượng người lính. Anh tiếp tục dùng búa giáng lên đầu bức tượng…
Cuối cùng, anh ta giơ hai tay lên trời ra dấu hiệu… “chiến thắng”.
Bức tượng sau đó được buộc dây do một số người đứng ở dưới đất kéo xuống…
Hai người lính TQLC từ từ ngả về phía Tòa nhà Quốc hội.

Khi bức tượng chạm đất, một đám bụi mù bốc lên giữa sự chứng kiến của một số phóng viên nước ngoài.
… Biến cố ngày 30/4/1975 đánh dấu sự chấm dứt của miền Nam và điều đáng ghi nhớ, đó cũng là ngày mà bức tượng TQLC bị “bức tử”, bị giựt sập trước tòa nhà Hạ viện. VNCH đã cáo chung nhưng hai anh lính TQLC không ra đi trong cô đơn vì vài giờ trước khi bị “bức tử” đã có một anh hùng khác cũng thác theo Sài Gòn ngay dưới chân các anh.
Người tự sát dưới chân tượng đài sáng ngày 30/4/1975 là Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, Chánh Sở Tư Pháp Vùng I Chiến thuật, người mới từ Đà Nẵng di tản về Sài Gòn.

Nhà văn Duyên Anh trong “Ngày dài nhất” viết về Trung tá Nguyễn Văn Long như sau:
“…Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá, ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây, Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm Trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô bộ đội Việt Cộng.
“Tôi muốn biểu dương Trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài Gòn. Ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam anh dũng. Máu Trung tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của Trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc… Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn Trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc…”
Xin hết.

Thursday, February 8, 2018

Em đã quên mùa xuân


Kỷ niệm 50 năm ngày Tết Mậu Thân 68 ,chúng ta cùng nhìn lại Chợ hoa đường Nguyễn Huệ trước ngày việt cộng pháo kích vào Sài Gòn vào rạng sáng mùng 1 Tết.
Em đã quên mùa xuân
Giọt buồn tóc rối thôi bay
Ngẩn ngơ nghe phố thật dài ngây ngô
Một tà áo trắng ngây thơ
Phất phơ trong gió dại khờ bâng khuâng

Bao lần quên mất mùa xuân
Để nghe tình chết một lần trong tim
Lạnh lùng sao vẫn lặng im
Lặng trong chiếc bóng đắm chìm trong đêm

Nỗi buồn ray rứt không tên
Đắm trong từng giọt qua thềm mưa rơi
Tóc thề sao quá chơi vơi
Lênh đênh gợn sóng bên đời thênh thang

Mùa xuân này vẫn không sang
Quên đi mộng ước ngỡ ngàng trong nhau
Thu tàn đông đến thật lâu
Đêm nay ôm giấc mộng sầu…tương tư…

Tác giả : Anh Tuấn
==>
Ngày xuân nói chuyện “Mưa xuân” trong thơ Nguyễn Bính,nói đến mùa xuân, đến tết cổ truyền của dân tộc, thì không thể không nhắc đến mưa xuân. Có ai trong chúng ta, dù xa quê hương đã lâu, không quên được cái tiết của ngày ấy, cả đất trời ong óng, biêng biếc, được bao trùm trong một làn sương khói lững lờ, e ấp quấn quít nơi vòm cây, mái phố. Và ta nghe ở đâu đó, trong xa thẳm, trong mỗi thân cây, gốc rạ, trong cảnh vật quen thuộc, từng tiếng động rất khẽ. Rất khẽ. Phải mùa xuân đang về hay tiếng cựa mình của đất đai sau một mùa đông giá rét, tiếng động của chồi non đầu tiên nhú trên cây?. Trùm lên tất cả bức tranh yên ấm ấy là một làn mưa bụi mỏng li ti. Giăng giăng khắp ao chuôm, đồng, bãi. Mưa không đủ làm ướt áo, ướt đầu.

Năm mươi năm trước, trong một ngày sương khói như vậy, thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính đã ghi lại một cách tuyệt với cảnh sắc ấy trong bài “Mưa xuân” của mình. Trong toàn bài hình ảnh mưa xuân được nhắc đến 5 lần, và trong cái thanh bình yên ả của một làng quê cổ miền Bắc, mưa xuân hiện ra như một nhân vật có tâm hồn, từng lúc buồn vui, đồng cảm với người thôn nữ lần đầu yêu.
Khổ đầu của bài thơ mở ra như cánh màn nhung từ từ kéo lên, kể về câu chuyện mộc mạc nơi làng quê:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Phải nói rằng, những câu thơ Nguyễn Bính thật “tầm vóc” (chữ của nhà văn Tô Hoài). Ta có cảm giác như đang ngồi trước sân khấu. Cảnh êm đềm của hai mẹ con đang ngồi bên nhau, âu yếm đùm bọc trong thế giới riêng. Đêm đêm, những ngón tay xinh xắn của cô thôn nữ lướt trên khung cửi và cô ngồi trong ánh mắt dịu dàng, che chở, đùm bọc của bà mẹ. Mặc ngoài kia ong bướm đi về. Lòng trẻ còn trong trắng, thơm ngát.
Thế nhưng cái thế giới riêng nhỏ bé ấy, thâm nghiêm và kín cổng cao tường đó, một hôm bị xao động. Cái ngày có biến động được đánh dấu bằng sự hiện diện của mưa xuân.
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Mưa xuân xuất hiện lần đầu trong bài thơ và cũng là mưa đầu xuân nên… “phơi phới bay”. Như tâm hồn của ai vậy. Tô điểm cho không khí rạo rực của những ngày đầu Xuân không phải là hoa đào tươi thắm, không phải là lay ơn sang trọng mà chỉ là hoa xoan. Hoa xoan khiêm tốn giản dị, không cầu kỳ phô trương sắc đẹp, biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Hoa xoan và đom đóm tháng 3, có ai quên được?
Giữa cái khung cảnh nên thơ ấy, ngoài mưa xuân phơi phới, đất trời tươi tắn, trên làng dưới xóm rộn rã tết, những sắc hoa xoan tím rải rác, thì người mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. Lòng nào mà ngồi cho yên được. Nên cô bé của chúng ta bỗng:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Mẹ có cấm thì… mặc. Em đâu có lỗi. Những ngón tay búp măng, xinh xắn, mảnh dẻ của cô bé hơi run rẩy trên khung cửi cùng với trái tim nhỏ thầm đập hồi hộp sau làn áo mỏng.
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh…

Không, chưa có gì!… mới chỉ là “hình như” thôi.
Sau cái cảnh mưa bụi bay, hoa xoan rụng đầy đất, hội chèo đi qua ngõ, và khi nhân tố “anh” xuất hiện thì cô bé không còn tĩnh tâm được nữa. Chuyện tình tiếp tục:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem

Nguyễn Bính đã tạc qua từng ấy thời gian hình ảnh cô thôn nữ ngửa tay, hứng từng hạt mưa bụi, dưới làn áo mỏng, trái tim run rẩy. Em đâu cầu xin số phận:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Em ra đi vào đám hội. Hơi vội. Lòng tràn đầy hy vọng, vì… “thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Mẹ già không nghi ngờ “vuông lụa trắng” của mình, nên chỉ dặn: “xem về kể mẹ nghe”.
Mưa xuất hiện lần này là “mưa bụi”. Mưa xuân dường như cũng đồng loã với cô bé. Nhưng tại sao cô không lo ướt đầu, mà chỉ lo ướt áo? ấy là vì còn để khoe bộ cánh mới, để làm đỏm với người tình. ướt đầu cũng được, chứ ướt áo thì gay. Mà có xa xôi gì đâu: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Nếu viết là: Cách một con đê, một quãng đê, một khúc đê… thì câu này coi như hỏng. Cái cô bé của năm xưa, áo tứ thân, răng đen thì phải nói là “một thôi đê”, nghe mới thú. Từ “thôi đê” đã lâu không được dùng, lần này vang lên trong thơ Nguyễn Bính nghe rất “đã”. “Thôi đê”, có nghĩa là cũng gần thôi. Đi đến với người yêu thì xa mấy cũng gần. Đêm hội diễn ra thật náo nhiệt:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Lễ hội hay như vậy mà cô chả thiết xem. Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em, còn em thì mải tìm… ai.
Lời thơ mộc mạc, chân thành, tha thiết như mối tình của cô gái quê:
Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Chờ mãi mà người ấy không đến. Thế rồi cô ra về, con đường cũ giờ đây dài dằng dặc:
Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

Không khấp khởi, hớn hở như lúc đi. Âm thầm giữa canh khuya. Mưa xuất hiện lúc này không còn là mưa bụi dịu dàng nữa, mà có phần gay gắt: “Mưa nặng hạt”. Mưa cũng có hồn tựa một nhân vật xuất hiện theo từng lớp truyện. Và cô bé không che đầu bằng ô, che đầu bằng một vật gì đó, tàu lá chẳng hạn, mà “áo mỏng che đầu”. Hình tượng cô gái lấy tà áo che đầu cho khỏi ướt có cái gì rất dân dã, mộc mạc. Không gặp được người ấy, thì bây giờ ướt áo có làm sao.
Cuối cùng, mưa xuân và hoa xoan lại xuất hiện khi câu chuyện khép lại, hội chèo làng Đặng ra về qua ngõ:
Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

Những hạt mưa không còn bay nữa. Hoa xoan nát dưới chân giầy. Mùa xuân dường như vô tình với em. Đời con gái là bao, mà sao mùa xuân đã sớm cạn ngày? Cô gái thầm hỏi và hy vọng:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

Bao giờ mưa bụi bay lần nữa để cho em vội vàng xin phép mẹ ra đi, ngày hôm nay, nhà thơ đã trở thành người thiên cổ, thiếu nữ năm xưa chắc tóc đã trắng phau vì nhuộm “nước thời gian”. Mùa xuân này, mưa bụi bay, bà cụ vẫn ngồi sưởi bên bếp sưởi, hơ bàn tay nhăn nheo, cặp mắt như nước, người già có nhớ không cái đêm hội năm xưa ở bên Đoài? Xuân này đứa cháu gái cụ tuổi cập kê cũng đang đến chỗ hẹn. Cô có gặp may hơn không?
Mà thôi, mưa xuân đang phơi phới bay, tôi cũng muốn ngửa lòng bàn tay trước mái hiên để còn vội vàng… Mưa bụi bay…
Xin hết.

SÀI GÒN – một thời của một đời..

Có nhiều bài thơ về Sài Gòn. Thành phố ấy, với nhiều người, là thánh địa của kỷ niệm…
________________________
Với Nguyên Sa, là Tám Phố Sài Gòn, là “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều”, là “Sài Gòn phóng solex rất nhanh” “Sài Gòn ngồi thư viện rất ngoan” là “Sài Gòn tối đi học một mình”, là “Sài Gòn cười đôi môi rất tròn”, là “Sài Gòn gối đầu trên cánh tay”…

Với Quách Thoại buổi sáng, là “sáng nay tôi bước ra giữa thị thành/để nghe phố nói nỗi niềm mới lạ/tiếng xe tiếng còi tôi nghe đường xá / cả âm thanh của cuộc sống mọi người/ một nụ cười chạy ẩn giữa môi tươi/trên tim nóng trong linh hồn tất cả /..”
Với Trần Dạ Từ là buổi trưa, về Thị Nghè: “vẫn một mặt trời trên mỗi chúng ta/ và mỗi chúng ta trên một bóng hình/tôi vô giác như mặt đường nhựa ẩm/trũng nỗi sầu đau náo nức lưu thông/mùa hạ đi qua tựa hồ giấc mộng/ tôi chạy điên trong một bánh xe tròn / và đứa trẻ hít còi người đàn bà bước xuống/ ôi chiếc cầu , ôi sở thú. ôi giòng sông/..”
Với Cung Trầm Tưởng, là mưa, là “mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn / mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi/ mưa hay trời cũng thế thôi/ đời nay biển lạnh mai bồi đất hoang/..”
Với Luân Hoán, là ngồi quán, là “ngồi La Pagode ngắm người/thấy em nhức nhối nói cười lượn qua/mini-jupe trắng nõn nà/vàng thu gió lộng chiều sa gót giày/ ngẩn theo tóc, tuyệt vời bay/ hồn thơ thức mộng trọn ngày bình yên/”
Với Bùi Chí Vinh, là ngày bãi trường mùa hạ “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng / em chở mùa hè của tôi đi đâu/ chùm phượng vĩ là tuổi tôi mười tám / tuổi thơ ngây khờ dại mối tình đầu..”..
Và với nhiều thi sĩ khác, Sài Gòn là phố cây xanh, là đêm cúp điện, là chiều mưa giọt, là trưa nắng đỏ. Ôi Sài Gòn, của cõi thơ không cùng, của những chân trời thi ca bao la, của những trái tim lúc nào cũng dồn dập nhịp thở của tháng ngày tuy náo động nhưng chẳng thể nào quên.


Với riêng tôi, Sài Gòn là muôn vàn kỷ niệm. Là những con đường quen thân , nhắc lại một thuở ấu thời. Là ngôi trường Chu văn An, nơi tôi miệt mài suốt bảy năm trung học. Là trường Khoa Học, là trường Luật trước khi vào lính. Là cổng Phi Long vào phi trường Tân Sơm Nhứt khi vừa nhập ngũ. Là những mơ mộng tuổi trẻ, lúc vừa bước vào đời sống quân đội trong một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh.
Buổi trưa , nằm dài trên sân cỏ mượt nhìn lên nóc nhà thờ Ngã Sáu , dưới bóng cây dầu cao vút, nghĩ về tương lai nhìn theo những sợi mây bay qua . Nghe xôn xao trong lòng những sợi nắng lung linh. Ôi, thuở còn đi học, mấy ai tiên đoán được số mệnh mình. 


Mây bay đi, như đời trôi qua.
“nằm trên cỏ nhìn trời cao
lung linh sợi nắng thuở nào phai phai
nhìn tượng Chúa dưới tàng cây
giơ vai chĩu nặng tháng ngày chiến tranh
mùa hạ mấy bước đi quanh
cổng trường đóng những đoạn đành thế thôi
ngày mai đi bốn phương trời
mây phiêu lãng chợt thương đời phù du..”


Sài Gòn những mùa thu. Có những con đường xôn xao áo lụa. Có những buổi tan học nhìn tà áo trắng mà mơ ước vu vơ. Để đêm về, trên trang vở học trò, vẽ bâng quơ đôi mắt ai, mái tóc ai:

“Thành phố ấy , xôn xao tà áo trắng
nắng hanh vàng trải lụa những mùa thu
guốc chân sáo để hồn ai ngơ ngẩn
bước mênh mang nghe quẩn sợi sương mù
mây vào áo lồng lộng bay chiều gió
lụa trắng trong e ấp buổi hẹn hò
sợi mi cong tưởng chập chờn ngực thở
tóc ai buông dài xõa những câu thơ.
Thành phố ấy, mấy ngã tư đèn đỏ
Ai chờ ai khi kẻng đánh tan trường
Bài thơ trao còn nguyên trong cuốn vở
Thuở ngại ngùng lần bước đến yêu thương..”



Sài Gòn của một thời mặc áo lính. Khi ở xứ biên trấn xa xôi, nhớ về thành phố với người thương, với phố quen, trên máy bay lượn vòng thành phố , nghe như mình đã trỡ về quê hương mình. Khi đổi về đơn vị ở phi trường Biên Hòa , mỗi buổi sáng tinh sương ghé phở Tàu Bay, ăn tô phở đầu ngày trong cái không khí trong veo buổi sớm , nay nhớ lại còn trong dư vị miếng ăn ngon của một thời tuổi trẻ.
Năm 1968, lệnh tổng động viên nên vào lính nhập khoá với những người cùng trang lứa. Lúc ấy, với hăng hái của người nhập cuộc, hiểu được bổn phận của một công dân thi hành nghĩa vụ quân sự với đất nước. Lúc ấy, mắt trong veo và tâm hồn như tờ giấy trắng:
“Bọn ta ba trăm thằng tuổi trẻ
Chọn không gian tổ quốc mênh mông
Mắt sáng môi tươi như tranh vẽ
Vào lửa binh không chút nao lòng
Chia sẻ với nhau thời bão gió
Đời muôn nhánh rẽ ngược xuôi nguồn
Cánh chim phiêu bạc ngàn cổ độ
Tử sinh ai luận chuyện mất còn?
Ngồi uống cùng nhau các hảo hán
Tưởng ngày xưa rượu tiễn lên đường
Sách vở giảng đường thành dĩ vãng
Những chàng trai dệt mộng muôn phương..”



Rồi , vận nước đến thời , gia đình ly tán, đi vào trại tù, nếm đủ những cay đắng của đời cải tạo. Khi trở về, Sài Gòn, cảnh vẫn cũ nhưng người xưa đã khác . Như Từ Thức về trần , cả một thế thời thay đổi. Người về, từ trại tù nhỏ sang qua nhà giam lớn, vẫn những con mắt công an cú vọ rập rình, vẫn những lý lịch trích dọc, trích ngang đeo đuổi. Tạm trú, tạm ngụ , ở chính ngôi nhà của mình. Nơi sẽ định cư của những người tù cải tạo , là những vùng kinh tế mới xa xăm , những nơi chốn đầy ải của ngày tuyệt lộ. Trở về xóm cũ, làm người lạ mặt:

“Đỏ bầm mặt nhựt cơn mê
lạnh tanh khuôn mắt người về dửng dưng
vào ra lối rẽ ngập ngừng
mấy năm sao lạ , nỗi mừng chợt xa
cầu thang quẩn dấu chân qua
đời như hạt nước mưa sa bóng chiều
từ rừng máu giọt gót xiêu
thảm thương phố cũ nắng thiêu mộng người
đỏ bầm ánh điện đường soi
cây nhân sinh chợt nẩy chồi cuồng điên
nhìn soi mói nụ cười đen
mắt hằn dấu đóng chao nghiêng một ngày.”


Về trình diện công an khu vực , nhìn nụ cười gằn vừa mỉa mai vừa soi mói , nhìn đôi mắt cú đóng dấu vào một ngày thất thế của người bại binh, ôi đau xót cho một đời ngã ngựa.

Ở Sài Gòn những ngày giặc chiếm, vẫn còn âm hưởng của một cuộc chiến chưa tàn . Trên chuyến xe bus nội ô, một người lính què dẫn dắt người lính mù hát những bài hát ngày xưa ngày còn chiến đấu dưới cờ. Quân lực VNCH là tập thể của những người lính tin tưởng vào công việc làm của mình. Dù thua trận nhưng họ không muốn làm hèn binh nhục tướng…


“trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi
ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng
Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến
Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
Dắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
Chuyến xe vang lời thơ nào năm cũ
Nhắc chặng đường binh lửa thuở xa xưa
khói mịt mù thời chiến tranh bụi phủ
Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa
Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
Thuở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
Dấu giày buồn còn vết giữa sình lầy
Nghe lời hát tưởng đến người gục ngã
Cả chuyến xe chia sẻ một nỗi niềm
Âm thanh cao xoáy tròn dù gỗ đá
Thức hồn người vào nhịp thở chưa quên
Ơi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
Cho máu xương không uổng phí ngày mai
Có sương khói từ mắt thầm cầu nguyện
Cho lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ
Đây thịt xương còn sót lại một đời
Còn ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
Dù rã rời nhưng vẫn thắm nụ cười
Ta nghe rực trong hồn trăm bó đuốc
Mặt trời lên xua tăm tối cho đời..”


Ở Sài Gòn năm 1980, là những ngày tôi cựa quậy trong nan lồng
Nghèo đói, bất công, đe dọa, bắt bớ, đủ thứ khổ nạn đổ lên đầu người dân nhất là những người được thả về từ trại tù. Mỗi ngày trình diện công an, rồi mỗi tuần, mỗi tháng nhưng áp lực thì càng ngày càng tăng. Tạm trú, từng tháng, từng ngày. Không có một chỗ nào ở thành phố cho các anh, người thua trận. Tôi, không có hộ khẩu, ở tạm trong nhà của mình. Rồi tham gia tổ chức vượt biên ở Bến Tre bị công an tỉnh này lên Sai Gòn tìm bắt. May là thoát được nên sau đó là phải sống lang thang đêm ngủ chỗ này tối ở chỗ khác. Những buổi tối trời mưa, đạp xe đi tìm chỗ tạm trú, mới thấy ngậm ngùi cho câu than thở trời đất bao la rộng lớn mà sao ta chẳng có chốn dung thân. Những buổi chiều nắng quái, đi trong thành phố, mới thấy cảm gíac của một kẻ cô đơn như con chuột đang cuống cuồng trong lồng giữa cơn mạt lộ. Thấy đi tới đâu cũng gặp những cặp mắt ngại ngùng của những người thân, từ chối thì không nỡ mà chứa chấp thì bị liên lụy nên tôi phải tìm một phương cách để cho qua đêm dài. Thuê phòng trọ hay khách sạn cực kỳ nguy hiểm, nên chỉ có một cách là trà trộn vào những người ngủ ngoài đường .
Lúc ấy, ở Sài gòn đầy những người ngủ ở hè phố, Họ là những người từ kinh tế mới về chịu không kham sự khổ cực hay những người vượt biên hụt trở về nhà bị chiếm. Mà chỗ an toàn nhất là bến xe Ngã Bảy. Ở đây là đường ranh của nhiều phường nên chỉ có một quãng ngắn, ở chỗ này bố ráp thì chỗ kia vẫn bình thường như không có gì xảy ra. Tôi có xem một video của trung tâm Asia có ghi lại hình ảnh của nhạc sĩ Trúc Phương cũng hoàn cảnh phải ra xa cảng để ngủ qua đêm mà chạnh lòng. Thì ra, ở lúc ấy, có nhiều người chung cảnh ngộ, phải lang thang ngủ đầu đường xó chợ một cách bất đắc dĩ. Bao nhiêu chuyện trái tai gai mắt, công an lộng hành, bắt người không cần lý do, kinh tế thì lụn bại, ngăn sông cấm chợ, cả nước nghèo đói không đủ gạo ăn, kỹ nghệ trì trệ không sản xuất được gì đáng kể. Rồi chính sách phân biệt đối xử , giáo dục thì nhồi sọ , hồng nhiều hơn chuyên, thi cử tuyển chọn theo lý lịch hơn là thực tài, y tế thì thiếu thuốc men phương tiện và y sĩ trình độ kém lại làm việc tắc trách. Thật là một thời tệ mạt nhất trong lịch sử dân tọc ta.

Ngủ ở bến xe Ngã Bảy, mướn cái chiếu 1 đồng , kiếm một chỗ qua đêm, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện. Có những bà mẹ góp nhóp tiền bạc đi thăm con ở một trại tù nào đó, chờ xe ba bốn ngày, sống lang thang lếch thếch chờ đợi. Cũng có những người không nhà, nằm la liệt dưới mái hiên, sinh sống ăn ngủ và làm tình một cách thản nhiên như đang sống trong nhà mình. Cũng có những trai tứ chiếng, những gái giang hồ quanh quẩn kiếm ăn. Những anh lơ xe, những chị buôn hàng chuyến, những mối tình, hừng hực xác thịt cứ diễn ra hàng đêm. Rồi những đêm mưa gió, ướt át, những tiếng chửi than trời trách đất cứ dòn dã. Hình như, ở gần nỗi khổ, tâm hồn họ bị chai sạn đi. Công an từ phường này qua phường kia luôn luôn bố ráp nhưng như một trò chơi cút bằt. Áo vàng mũ cối đi qua, chỉ ít lâu sau là đâu vẫn đấy.

“ .. hè phố rác lạc loài hoa dại
nở buồn tênh phiến gạch ngậm ngùi
cỏ đớn hèn hạt sầu kết trái
ươm bao năm dầu dãi nụ cười
ngủ chợp mắt đèn khuya vụn vỡ
ho khan ai quằn quại phổi khô
tiếng còi hú nhát đinh vỡ sọ
nghiến xe lăn tim nhịp chày vồ
rưng não tủy bầu trời tháng chạp
cành cỏ khô héo mãi phận mình
ở vu vơ ngỡ ngàng tiếng khóc
đêm bến xe tưởng chốn u minh
đường bảy nhánh chỗ nào phải lối
ngủ nơi đâu còi rúc giới nghiêm
như tiếng cú rúc trong huyệt tối
người lao xao cõi tạm cuồng điên
gío nhọn hoắt ngon lành da thịt
mưa giọt soi mộng dữ chân người
ánh đèn pin mắt ai tội nghiệp
bờ đá xanh lạnh buốt chăn đời..”


Ở một đất nước vào thời kỳ mà cây cột đèn nếu đi được cũng muốn vượt biển, thì còn con đường nào khác hơn là thách đố với định mệnh, những lần sửa soạn ra đi, tự nhủ hãy đi một vòng thành phố thân yêu để rồi vĩnh biệt không còn gặp lại. Những khúc sông , những cây cầu , những dãy phố , mỗi mỗi đều nhắc đến kỷ niệm và khi sắp sửa ra đi như mất mát một phần đời sống mình. Có buổi tối , đi trong mưa, để tưởng nhớ lại lúc xa xưa, khi bềnh bồng trong cảm giác lãng mạn của một người đi tìm vần thơ.
Mai ta đi xa. Thôi giã từ thành phố. Lòng đau như cắt trong lúc giã từ “ ta thắp nến đọc hoài trang sách kể

 “Chuyện người tù vượt ngục suốt một đời
Ta hùng hực cánh buồm chờ gió đẩy
Sống một ngày thêm thúc giục khôn nguôi
Đã đắp xóa bao lần cơn mộng biếc
đường phải đi cho đến lúc xuôi tay
sóng loạn cuồng con thuyền trôi biền biệt
giăng buồm lên phương viễn xứ một ngày
Ta cũng biết còn xa vùng đất hứa
Phải đi qua địa ngục chín mươi tầng
Đời hiện tại xích xiềng theu bão lửa
Nỗi niềm riêng còn khóe mắt thương thân
Đã thấm thía ngày qua ngày tù tội
Chim trong lồng mơ vùng vẫy trời cao
Cười khinh mạn những chão thừng buộc trói
Về phương đông nơi bến đỗ tay chào
Mộng ước mãi chiều nao vời cố quận
Chim sẻ ngoan còn ríu rít phố phường
Loài ác điểu vẫn gây căm tạo hận
Bẫy gai chông ngầm phục ở quê hương
Ta tin tưởng có quỉ thần dẫn lối
Dù giặc thù vây bủa cả không trung
Còn một chén nốc ngụm men vời vợi
Gió chuyển rồi thôi đến lúc lên đường
Chuyện sinh tử dỡn chơi thêm ván cuối
cạn láng rồi thử thách với phong ba
ngôi tinh đẩu dẫn ta về bến đợi
đường biển vẽ rối tay lái thẳng lối qua.”

Bây giờ, nhiều người trở lại nói thành phố đã đổi khác. Hết rồi, những con đường cũ, những ngõ hẻm xưa. Hết rồi, những tâm tình thuở nào, của một htời trong một đời người. Tôi, có lúc đọc những bài viết cũ, ngắm lại những hình ảnh xưa, lại nhói đau như vừa đánh mất một điều gì trân quí. Thôi vĩnh biệt sài Gòn, tiếng kêu thảng thốt của người vừa đánh mất một phần đời sống mình…
Xin hết.
Blog Saigon Xưa