Wednesday, November 28, 2018

SUY TƯ CUỘC ĐỜI - ST

Sinh ra trên đời, người ta vốn chỉ là một hạt bụi. Số kiếp ngắn ngủi vô cùng, vòng xoay cuộc sống cứ dẫn ta đi mãi. Lạc bước trăm năm rồi cũng đến lúc dừng chân. Mộng đẹp thì không bền, tỉnh giấc sẽ tàn phai, họa chăng chỉ còn tiếng thở dài trong đêm hư tĩnh…
1. Đừng khóc vì mọi thứ đã kết thúc. Hãy cười vì nó đã xảy ra. Tiếc nuối chỉ đào sâu phiền não, mỉm cười bước qua, ngẩng mặt lên ắt sẽ thấy cầu vồng chiếu rọi trên đầu.

2. Có những người không đợi được, chỉ có thể bỏ đi. Có những thứ không thể nào có được, chỉ có thể từ bỏ. Có những chuyện đã qua, hạnh phúc hay đau xót, chỉ có thể chôn xuống đáy lòng. Có những muộn phiền, bất lực chỉ có thể tự mình tiêu tan. Có những nhớ nhung không thể nào giải tỏa, nói ra chi bằng giữ lại trong lòng… Trên đời thực ra có rất nhiều việc không cần để tâm, có để tâm cũng chẳng thể làm gì được. Chi bằng hãy buông xả, tùy duyên.
3. Hoa nở, ta sẽ vẽ hoa. Hoa tàn, ta sẽ vẽ chính mình. Người đến bên thì ta đương nhiên vẽ người. Người đi rồi, ta lại vẽ một bức tranh hồi ức.
4. Nhân sinh vô thường, thế sự vốn là khó đoán. Người bạn thân thiết nhất hôm nay còn khỏe mạnh nhưng rất có thể ngày mai đã rời bỏ ta đi, người yêu hôm nay còn tha thiết chẳng rời nhưng rất có thể ngày mai sẽ quay lưng, thay lòng đổi dạ. Kiếp người nhỏ bé, yếu mềm biết bao nhiêu. Trăm năm qua đi, bạn chẳng giữ lại được gì, càng không giữ lại được một trái tim đã thay đổi.
5. Cuộc đời ta đi qua ngàn vạn người nhưng thế giới này chỉ có một người sinh ra là để dành cho bạn. Bạn cũng là vì người đó mà sinh ra. Gặp được nhau rồi thì chính là may mắn. Hãy biết trân quý phúc phận của nhau. Buông tay rất dễ, cùng nhau bước qua đoạn đường dài ôi sao thật khó khăn!
6. Đời người ta giống như tấm cửa kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng. Nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự chỉ hiển lộ nếu có ánh sáng hắt ra từ bên trong.
7. Sinh ra mà đã biết là bậc trên, học rồi mới biết là bậc thứ. Gặp cảnh khốn rồi mới chịu học lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn rồi mà vẫn không chịu học (Khổng Tử).
8. Ta có thể giữ đồng hồ cát trong tay nhưng không thể ngăn nhịp chảy đều đặn, vô tình của thời gian. Đắm chìm trong giấc mộng phồn hoa, hỏi mấy ai dám cởi bỏ chiếc áo khoác hư vinh kia mà nhìn thấu lòng mình? Hỏi mấy ai có thể dửng dưng trước danh lợi, sống đạm bạc mà vẫn hành thiện, trong gian khó mà vẫn lạc quan giữa chốn đô hội, hoa lệ kia đây?
9. Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi đã bị nhàu thì dù có vuốt cho phẳng mấy cũng không thể khôi phục vẻ ban đầu.
10. Điều đáng bi ai nhất của người phụ nữ không phải là tuổi xuân già đi, mà là đánh mất chính mình. Điều đáng tiếc nhất của người của phụ nữ không phải là má hồng không còn, mà là lòng tự tin không có. Một người phụ nữ có tâm hồn là một người có sức quyến rũ từ bên trong. Một người phụ nữ có tín ngưỡng là một người có năng lượng tích cực.
11. Giữa người với người chính là một loại duyên phận. Giữa lòng với lòng chính là một loại giao lưu. Giữa yêu thương và yêu thương chính là một loại tình cảm. Giữa tình cảm và tình cảm chính là một con tim chân thành. Giữa lỗi lầm và lỗi lầm chính là một sự tha thứ.
12. Tri kỷ trong đời thực khó kiếm? Quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ không mấy người. Nhưng tìm được rồi thì đúng là niềm vui bất tuyệt, chính là như bất ngờ gặp được một mảnh tâm hồn còn thiếu của ta. “Rượu gặp bạn hiền nghìn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều“. Người tri kỷ và ta ngồi dưới bóng trăng rằm, thưởng một chén trà thơm, bàn bàn luận luận chuyện cổ kim, nói nói cười cười tỏ tình tri ngộ. Người đi, dặm hồng bụi cuốn, áo bào phôi pha. Ta đưa người ngàn dặm cũng phải dừng bước biệt ly. Chân trời góc bể, hôm sớm sau này, lấy ai mà tỏ lòng tri âm tri kỷ nữa?
Sưu Tầm 

Tuesday, November 27, 2018

Những Chuyện Nho Nhỏ - Tiểu Tử

Trong đời tôi, tôi đã nghe kể lại hay chính tôi đã mục kích rất nhiều chuyện nho nhỏ, những chuyện tầm thường không có gì “éo le gút mắt” hết, những chuyện mà tôi cho là có nghe qua hay thấy qua rồi bỏ cũng không sao. Vì vậy, tôi coi thường những chuyện nho nhỏ. 
Gần đây, một chuyện nho nhỏ xảy đến cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Thì ra chuyện nho nhỏ có khi chứa đựng một bài học lớn mà con người không để ý, vì chỉ quen nhìn những chuyện lớn, những chuyện “đập vào mắt”, xưa nay… Rồi tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con người suy gẫm. Vậy là tôi lần mò viết lại, không cần thứ tự lớp lang, không cần chọn lựa loại chuyện này hay loại chuyện nọ. 
Mời các bạn cùng tôi đi lần vào những chuyện nho nhỏ này để cảm nhận thi vị của cuộc sống đang nằm đầy ở trong đó, và nó thật là gần gũi với mình như hơi thở như nhịp tim … 

BÀ ĐẦM GIÀ VÀ ANH VIỆT NAM
Chuyện xảy ra ở ngoại ô Paris (Pháp) 
Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi: 
- Xin lỗi ! Ông là người Tàu hay người Việt Nam ? 
Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời: 
- Tôi là người Việt Nam. 
Ông ta mừng rỡ: 
- Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không? 
Tôi càng ngạc nhiên thêm: 
- Không! Tôi không có đỡ ai hết! 
Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy đồ.. v v … 
Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tồn nói: 
- Ông yên tâm! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông. 
- Vậy à! Nhưng mà tôi nói thật: Hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không ? 
- Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết. 
Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe… Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té. Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi bỏ đi luôn. Một người đàn ông Á Đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao không ? Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được, chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó. Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại cập tay bà nói để dìu bà về. Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả lời rằng mình là người Việt Nam. Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ thương … 
Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn ông, ông ở đâu? Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng đi và về bằng ngã này. Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà cụ có thật sự đi một mình được không! Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói: “Chúa ơi! Tao quên nói cám ơn ông ta!”. Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á Đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”, tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua! 
Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện cảm, nói: “Cám ơn!”. Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam” …

CHUYỆN TRƯỚC CỔNG CHÙA BÀ
Năm 2006, vợ tôi về Việt Nam lo ma chay cho má tôi. Sau đó, bả được mấy đứa cháu chở đi Châu Đốc viếng Chùa Bà. 
Cúng vái xong, ra đến cổng chùa thì có một đám bé gái độ mười hai mười ba tuổi bu lại chen lấn nhau xin tiền. Một đứa đứng gần vợ tôi, có vẻ lanh lợi nhứt, xè tay nói một hơi có ca có kệ: “Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con cầu nguyện Bà cho con gái ngoại lấy được chồng Đài Loan! Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con ... ” 
Trên đường về, vợ tôi miên man suy nghĩ về mấy đứa nhỏ đó: Không có tiền để đi học, còn quá nhỏ để có một cái nghề, và chắc nhiều đứa - rất nhiều đứa - chỉ ước ao lấy được chồng Đài Loan khi mình lớn lên một chút! Rồi vợ tôi thở dài... 
Nghe kể mà tôi thấy thương quê hương tôi vô cùng. Trước đây, dù có nghèo đi mấy cũng chưa bao giờ tệ đến như vậy! Viết lại chuyện này mà tôi nghe rát từ đáy lòng rát lên khóe mắt ... 
 

ĐẠP XÍCH LÔ
Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích - phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”. 
Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây ... 
... Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài Gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày. Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài. Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ. Bác biết không? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp. Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: Con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không? Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “trúng mối lớn”. Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói: “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây!”. Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào. Con hỏi: “Bác không đếm sao?”. Ổng cười, nhìn con: “Khỏi! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”. Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời: “Cậu lên ngồi, đi!”. Con lắc đầu: “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”. Nụ cười của ổng tắt mất: “Ủa! Gì kỳ vậy?”. Con giải thích: “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”. Ổng vỗ vỗ lên yên xe: “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”. Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói: “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”. Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng: “Cậu liệu được không cậu?”. Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm: “Được mà... Dễ ợt hà!”. Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết. Một lúc sau bỗng ổng la lớn: “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”. Từ đó, ổng chỉ cho con chạy: “Từ từ... Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít... .” Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên: “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!”... Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì... làm gì... Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói: “Mình vô ăn cái gì đi”. Ổng nói: “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”. Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại: “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”. Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra. Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên: “Ăn gì mau vậy cậu?”. Con nói trớ: “Thấy không ngon nên không ăn”. Rồi con nói tiếp: “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”. Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng! 
Kể xong, Trung hỏi: “Nhà nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”. Tôi nói: “Ờ...”. Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời! 

NÓI : HẾT RỒI !
Một ông bạn ở Paris cho tôi uống một thứ trà Tàu đặc biệt ổng đem từ bên Mỹ về. Ổng cầm cái hộp vuông màu xanh ve chai đưa lên khoe: “Trà này bên nây chưa có. Nó tên là Trà Vương. Hộp 150 gr này tôi mua bên Mỹ giá là 15 đô đó!”. 
Trà ngon thiệt! Vị ngọt phớt chớ không đắng hay chát như loại trà Tàu khác và nhứt là mùi thơm rất “vương giả” chớ không phải mùi lài hay sói hay sen như thường thấy. Uống cạn chén trà, hương trà còn đọng lại trong đáy chén phất lên mũi gợi thèm mùi vị đặc biệt này! Ông bạn tôi nói Trà Vương có nhiều số, nhưng số 103 là ngon nhứt!. 
Tôi đã đi lùng sục ở Paris nhưng không thấy bán loại Trà Vương này. Một hôm, đi với vợ tôi ở khu 13 chợ Tàu, tôi chợt thấy một bà Á đông cầm một hộp vuông màu ve chai vừa quơ quơ ra dấu vừa nói chuyện với hai bà khác cùng ngồi trên băng gỗ vỉa hè. Tôi bước lại nhìn: Thì ra đúng là hộp Trà Vương! Mừng quá! Nghe mấy bà đó nói tiếng Việt Nam nên tôi hỏi ngay: “Phải Trà Vương không bà?”. Bả quay qua tôi, trả lời cụt ngủn: “Ờ! Mà hết rồi!”. Rồi quay về tiếp tục nói chuyện với hai bà kia. Tôi chen vào: “Xin lỗi! Bà mua ở đâu vậy?”. Lần này, không quay lại nhìn tôi nhưng bả vẫn trả lời: “Mà tôi nói hết rồi!”. Tôi không dám cười, sợ bả bị chạm tự ái. Tôi vẫn ôn tồn hỏi: “Dạ! Nhưng xin bà làm ơn cho tôi biết bà mua ở đâu vậy?”. Bả nhìn tôi, chắc coi tôi có... khùng không mà cứ lải nhải hỏi hoài. Rồi bả cầm cái hộp lia lia về hướng phía dưới con đường một chiều: “Dưới kia kìa”. Tiếp theo là bả gằn từng tiếng: “Tôi-nói-hết-rồi!”. Tôi cám ơn rồi kéo vợ tôi đi “mò” dài dài xuống “dưới kia kìa”, tiệm nào cũng vô kiếm Trà Vương! Khi đi gần ... rã chân thì vào một siêu thị lớn. Họ nói: “Có!. Nhưng mà hết rồi!”. Hỏi chừng nào có nữa, họ trả lời không biết! Thì ra bà già hồi nãy nói đúng. Bả đã tốt bụng “nói cho thằng chả biết là hết rồi để thằng chả khỏi phải lội xuống tuốt dưới kia xa thấy mồ chớ bộ”! 
Các bạn có thấy chuyện nhỏ này dễ thương không? Bà già đó, cho dầu có lưu vong ở chân trời góc biển nào đi nữa, bà vẫn giữ nguyên phong cách Việt Nam. Trân quý lắm, các bạn à ! 

CHUYỆN Ở QUÊ TÔI
Má tôi mất vào ngày đưa Ông Táo. Thằng con lớn của tôi đi với má nó về Việt Nam lo ma chay. Ông thầy làm đám (phái Cổ Sơn Môn thường gọi là thầy cúng) là ông thầy Non. Cái tên này do má tôi đặt ra để tránh gọi “Thầy Con” vì ổng là con ông thầy Cả, ông này là bà con kêu má tôi bằng cô và là bạn học của tôi từ thời tiểu học ở trong làng. Kể như vậy để thấy thầy Non đối với gia đình tôi không phải là ngưởi xa lạ. 
Sau đám ma, thầy Non lấy Honda chở con tôi đi đầu trên xóm dưới thăm bà con và cũng để xem vùng quê ăn Tết. Đang chạy trên đường xóm Nhà Máy, thấy một ông lái mô tô đi cùng chiều chở phía sau một chậu mai. Thầy Non nói với con tôi: “Coi kìa! Cây Mai đẹp quá kìa!”. Rồi thầy chạy kè theo để con tôi thấy rõ hơn. Ông chở mai quay qua nhìn, con tôi nói lớn cho ổng nghe: “Cây Mai đẹp quá!”. Ông đó nói: “Ờ! Mà không có bán!”. Vì tiếng máy mô tô ồn quá nên con tôi phải nói lớn hơn cho ổng nghe: “Không! Tôi chỉ muốn nói là cây Mai của ông đẹp quá hà!”. Ổng có vẻ bực mình: “Ờ! Người ta nói không có bán là không có bán!”. Rồi ổng vọt ga chạy thẳng, làm thầy Non phải ngừng xe lại để cả hai cùng ôm bụng cười! Sau đó, lại tiếp tục đi. Một lúc, thấy một ông chạy Honda chở thằng nhỏ ngồi phía sau đâu lưng với ổng, ôm trong lòng một quày dừa tươi. Con tôi, nhớ lại vụ cây Mai, muốn phá chơi nên hỏi chọc: “Dừa có bán không vậy?”. Thằng nhỏ thúc cùi chỏ vào lưng người lái xe: “Ba! Ba! Thằng chả hỏi có bán dừa không kìa!”. Người đàn ông làm thinh nhưng có vẻ suy nghĩ. Bỗng, ông ta la lên “Ừa! Bán!” rồi tấp xe vào lề ngừng lại. Thầy Non nói: “Ở chùa thiếu gì dừa! Mua chi vậy?”. Hỏi chơi mà đâu có dè ổng bán nên con tôi đành mua một trái. Ông đó nói: “Dừa tôi mua cho vợ tôi kho thịt ăn Tết. Thấy cậu hỏi mua, tôi nhường một trái cho cậu uống chơi!”. Con tôi nói cám ơn mà không dám cười!... 
Sau hơn ba mươi năm “đổi đời”, cái thật thà chân chất của quê tôi, may quá, vẫn còn nguyên như cũ ! 

BÁN VÉ SỐ
Trên chiếc bắc Mỹ Thuận. Chiếc bắc chở đầy nhóc xe và người, ùng ục qua sông. Mấy người bán dạo rao hàng inh ỏi. Vợ chồng tôi đứng ở khoảng trống phía đầu chiếc bắc, nhìn sông nước minh mông với những về lục bình xanh biếc nhấp nhô trên sóng nước. Mùa này, lục bình bắt đầu nở bông nên thấy có màu tim tím e ấp lấp ló giữa những bựng lá to láng mướt. Đẹp quá! Sau hăm mấy năm xa xứ, bây giờ có dịp về thăm, chúng tôi thấy cái gì cũng đẹp! Nước sông đục ngầu phù sa... cũng đẹp! Chiếc ghe bầu phình bụng chở lúa khẳm lừ tưởng chừng như sắp chìm... cũng đẹp! Chiếc đò ngang hay đò dọc gì đó dài thòn có cái mui bằng phẳng thấp lè tè, hai bên hông trống trơn không có gì che chắn, lướt sóng chạy bắn nước như giành sông với những ghe thuyền khác... cũng đẹp! 
Bỗng, một bé gái cỡ 10 tuổi đến gần vợ tôi, tay chìa một tấm vé số, năn nỉ bằng một giọng trong trẻo nhưng nói khá to để át tiếng những người bán dạo chung quanh: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương. Vợ tôi lấy tiền mua vé số rồi vuốt đầu nó, hỏi: “Nhà con ở đâu lận?”. Chắc bả thấy tội cho con nhỏ, mới có bây lớn tuổi đầu mà bán xong còn phải lội bộ về nhà giúp mẹ! Nó nhìn vợ tôi, mỉm cười rồi mới trả lời: “Dạ! Ở xóm rạch Ngo gần đây hà!”. Cái cười của nó có duyên vô cùng. Trước khi đi, nó còn biết nói: “Cám ơn nghe ngoại!”. Tôi nhìn theo mà thấy mến cái dáng nho nhỏ thon thon của nó trong bộ đồ bà ba vải trắng đã ngả màu bùn non lờn lợt ... 
Một lúc sau, tôi nghe ở hành lang phía bên kia vang lên tiếng lảnh lót của con bé: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Tôi nhón gót nhìn sang: Đúng là nó! Vợ tôi hỏi: “Nó hả ?”. Tôi gật đầu mà không nén được tiếng thở dài ... 
Tôi nhìn ra sông nước với vài chiếc ghe thuyền đi lại, nghĩ mà thương cho thân phận người dân bây giờ... Tôi buột miệng nói: “Bây giớ... sao thấy nhiều lục bình quá hổng biết ” ... 
Chiếc bắc vẫn ùng ục nhả khói qua sông... ráng nhả khói mà qua sông... 
TIỂU TỬ

11 câu nói nổi tiếng để đời của Tào Tháo có giá trị đến tận ngày nay. - Nam Giang Tử

Trải qua hàng nghìn năm, nhưng những câu nói của Tào Tháo vẫn còn giá trị lớn đối với hậu thế cho đến ngày nay vậy !
Dù là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Tàu, nhưng người ta không thể phủ nhận những gì mà Tào Tháo đã làm được. Hình tượng Tào Tháo được mô tả khá tiêu cực, đặc biệt là trong tác phẩm Tam Quốc Chí diễn nghĩa, thế nhưng tài năng và sự mưu lược của con người này đã để lại cho hậu thế những bài học vô cùng giá trị.
Những câu nói của Tào Tháo không chỉ là từng là Kim chỉ nam giúp ông tạo được những thành công to lớn trong cuộc đời mình, mà còn khiến người đời sau phải suy ngẫm rất nhiều nữa.

1. “Thà ta phụ thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta”:
“Người không vì mình Trời thu đất diệt”, có thể nói rằng: Đây là triết lý sống của Tào Tháo. Chính sự đa nghi của bản thân, khiến ông không thể tin vào ai khác ngoài chính mình cả. Với Tào Tháo, bất cứ ai bên cạnh cũng có thể trở mặt, quay lưng với mình, nên con người này chọn các sống ngờ vực, và luôn nắm thế chủ động, chứ không bao giờ để bản thân bị đâm sau lưng chiến sĩ. Còn đối với chúng ta, câu nói này ý muốn nhắc nhở: Đừng quá tin người, mà hãy có chút đề phòng, bởi không gì là không thể xảy ra ở cuộc sống này đâu !

2. “Kẻ nhận sai chẳng khác nào nói mình nhu nhược”:
Điều này ý muốn nói bản lĩnh của con người, luôn tin vào tài năng và quyết định của mình. Dù kết quả có như thế nào, thì tuyệt đối cũng không phủ nhận những gì mình đã làm được !

3. “Tại sao lòng bàn chân lại trắng hơn mặt và tay?”:
Ở đây, Tào Tháo muốn nói rằng: Đừng bao giờ phơi hết “ruột gan” của mình cho người khác biết, cũng như để họ thấu rõ tâm can của mình, và người thông minh là người biết giấu kỹ những điều cần giấu !

4. “Thắng bại là chuyện thường tình của Binh gia !”
Đừng ngủ quên trên chiến thắng, và đừng gục ngã vì thất bại. Luôn lấy thất bại và chiến thắng để rút ra những bài học cho bản thân để bước những bước khôn ngoan hơn !

5. “Ta nhẹ nhàng đi cũng như khi ta nhẹ nhàng đến, ta vẫy tay chào không một chút vấn vương !”:
Luôn học cách đón nhận và buông bỏ đúng lúc, tuyệt đối không để tình cảm chi phối lý trí quá nhiều, sẽ làm hỏng việc lớn !

6. “Không tin thì không dùng, đã dùng là phải tin !”:
Tào Tháo nổi tiếng là nhà Chính trị – Quân sự rất giỏi trong việc dùng người. Và đây chính là một trong những thuật dùng người giúp ông thành công trong sự nghiệp Nhà binh của của mình. Trong bất cứ việc gì, một khi đã chọn thì phải tin vào nó. Lòng tin có sức mạnh rất lớn đối với cuộc đời mỗi người. Thắng hay bại cũng ở đó mà nên !

7. “Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi Vợ: Vợ bảo sao cứ làm ngược lại. Ắt sẽ thành công!”:
Phụ nữ luôn rất cảm tính. Trước những việc quan trọng, họ thường sẽ đắn đo rất nhiều về những rủi ro có thể ập đến, và đó cũng thường là tâm lý chung của con người. Thế nên, với chuyện Nhà binh, càng đi ngược lại với cảm tính, thì họ càng dễ chiến thắng. Bởi việc đầu tiên là họ đã vượt qua nỗi sợ hãi của con người để chiến đấu, thì chiến thắng sẽ là điều dễ nắm lấy hơn !

8. “Mỹ nhân trong thiên hạ đều tầm thường với ta, duy nhất chỉ có Vợ của kẻ thù làm ta thích thú.”:
Ở đây không phải ý muốn nói sự thích thú tầm thường giữa quan hệ nam nữ, mà ám chỉ đến thứ quan trọng nhất của kẻ thù. Ở đây vừa hàm ý rằng: Tào Tháo muốn có được những thứ kẻ thù có, và nắm thóp được điểm yếu của kẻ thù để tấn công !

9. “Biết sai sửa sai, nhưng không bao giờ nhận mình sai !”:
Không nhận sai, vì như vậy là nhu nhược, nhưng bản thân phải luôn biết điều khiến mình thất bại để lấy làm bài học lớn, khắc cốt ghi tâm, và thay đổi để không đi vào vết xe đổ lần nữa !

10. “Can đảm cẩn trọng, dám nghĩ dám làm mới có thể thành tựu sự nghiệp được !”:
Nam nhi chí lớn nhất định phải có bản lĩnh và can đảm, nhưng không được vồ vập, mà phải điềm tĩnh suy xét. Có như vậy, thì mới tạo nên được những thành công và thành tựu trong sự nghiệp được !

11. “Không được khích nộ sẽ làm giảm trí tuệ, không được oán hận sẽ giảm đi một nửa sức mạnh !”:
Ở đây Tào Tháo lại chú trọng vào cảm xúc của con người trong khi hành sự, nếu không có cảm giác tức giận, oán hận thì nhiệt tâm cũng như trí tuệ sẽ ngày một thờ ơ, dễ dàng chẳng quan tâm đến điều gì nữa cả !
Dù bị người đời lấy tên để ám chỉ cho kiểu người tệ bạc, dối trá, đa nghi, bất nhân bất nghĩa, nhưng nói một cách công bằng: Tào Tháo chính là một trong những nhà Chính trị – Quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Hoa.
NAM GIANG TỬ

Monday, November 26, 2018

NHỮNG TÂM SỰ LỊCH SỮ CUẢ ĐỨC CỐ HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN.

Ai là thủ phạm ?
Chúng ta đang còn ở trong tháng 11, đặc biệt với ba cái chết xảy ra trong tháng 11/ 1963 mà đến nay vẫn chưa biết ai là thủ phạm đứng đằng sau lưng.  
Xin gửi anh em bài viết của Mạc Vân, bút hiệu của người anh họ của tôi. Trước đây  anh là trung tá phi công với chức vụ không đoàn trưởng một không đoàn ở căn cứ không quân Nha Trang. Anh nay đã 83 tuổi và là một sĩ quan đáng tin cậy. Mời anh em đọc
TVM

NHỮNG TÂM SỰ LỊCH SỮ CUẢ ĐỨC CỐ HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN. 
MẠC – VÂN.
Tôi có cơ duyên làm quen với cố hồng y Thuận vào năm 67 khi ngài là một vị giám mục trẻ mới đổi về điạ phận Nha Trang. Hồi đó tôi là sĩ quan cao cấp không quân và là đại diện công giáo cuả sư đoàn hai ở phi trường Nha Trang.  
Ngài rất trẻ rất đẹp trai, ăn nói  diụ dàng thái độ hiền hậu  rất trí thức, dể thu hút người đối thoại. Tôi thường lên xuống toà giám mục gặp Ngài không phải là để bàn các vấn đề giáo lý hay xưng tội mà lại để thăm viếng như người thân tính. Mổi lần xuống là ngài mời vào trong văn phòng toà giám mục nói chuyện thân mật thoải mái. 
Tôi nhận xét ngài thích bàn về chính trị và rất thông suốt các vấn đề quốc tế. Cũng dể hiểu thôi, vì ngài hay đi Roma và ngài cũng là đại diện Caritas, một tổ chức từ thiện cuả giáo hội La Mả ở Việt Nam. Ngài là cháu kêu bằng cậu ruột cuả cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Biết Ngài có nhiều bí ẩn về cuộc đảo chánh 63, nên có hôm tò mò mạnh dạn hỏi Ngài về biến cố này. Và đây là những bí ẩn lịch sữ mà ngài cho tôi biết: 
Với Mỹ thì cuộc đảo chánh không thể ngừng lại được lý do là những nhà tư bản Mỹ đã đầu tư cả hàng trăm tỹ Mỹ kim vào những hảng chế tạo tàu bay, tàu bò, tàu chiến, vũ khí  đạn dược v..v... Đối với họ thì không có gì đem lợi nhuận nhanh chóng bằng đầu tư vào chiến tranh. Bên cạnh đó lại cũng kể thêm những thành phần các tướng lãnh trong quân đội hiếu chiến bên Ngũ Giác Đài, những nhà chính trị diều hâu trong quốc hội Mỹ và ở Nhà Trắng có nhiều người không thích tổng Thống Diệm. Trong lúc đó Ông Cụ một mực từ chối không chiụ cho quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam.
Cái rủi là cũng một đại hoạ vì có một nhóm tướng lãnh VN thời cơ bị Mỹ mua chuộc... 
Trong ngày đảo chánh có một gia đình người Mỹ thân với gia đình Ông Nhu là Ông bà Colby, từng làm giám đóc CIA đã đến nhà thờ cầu nguyện cho Tổng Thống Diệm và ông cố vấn Nhu. Ông bà Colby đã nói với bạn bè là hãy cầu nguyện cho hai ngườì bạn Việt Nam. Ngài nói tiếp: Colby là một người công giáo và có đưá con trai làm linh mục. 
Cuộc đảo chánh đã xẫy ra như thế nào phần lớn chúng ta đều đã biết. Tổng Thống Diệm và cố vấn Ngô đình Nhu đã bị giết. Ngài kể tiếp với một giọng bình dị.
Hai tuần sau đó nhân dịp tướng Dương văn Minh ra Huế, cùng đem theo đứa con trai độ 10 tuổi và có ghé lại thăm. Ngài kể: Xin trích. 
                Dương văn Minh vưà nói vừa đặt tay lên đầu đưá con: 
       “Thưa Cha con thề trên đầu con của con là con không giết Tổng Thống.” 
         Ngài trả lời: 
   “Chuyện đáng tiếc đó đã xảy ra rồi bây giờ làm sao đừng để cho quân Mỹ vào.” 
Nói đến đây ngài ngưng một vài phút và kể tiếp. Tướng Trần văn Đôn có đến gặp ngài. Trong câu chuyện tướng Đôn dã nói:  
          “Các tướng lãnh Việt Nam thật nhục nhã xấu hổ.”
   Chắc Ông Đôn muốn ám chỉ đến các tướng đão chánh trong đó có ông. Vài tháng sau tướng Tôn Thất Đính ra Huế làm tư lệnh quân đoàn Một đã có ghé lại thăm Ngài: 
           Ngài mời tướng Đính uống rượu:   
          Tướng Đính vừa uống rượu vừa khóc và nói. Xin trích nguyên văn:        
          “Thưa Cha; con mà giết Tổng Thống thì cũng như con giết cha con. Cho con một sư đoàn là con dẹp sạch bọn đó.”
          Sau đó Quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam và chiến tranh leo thang. Trong thời gian này Thầy Trí Quang có gọi điện thoại đề nghị với Ngài là Công Giáo và Phật Giáo cùng họp nhau xuống đường biểu tình chống Mỹ.
             Ngài trả lời với thầy Trí Quang. Xin trích nguyên văn:  
         “ Tôi với thầy là những kẻ tu trì đừng làm chính trị. ”
 Một sự cố đặc biệt đã xẩy ra trong đêm tết Mậu Thân 68.     Theo lời ngài kể:
Một chiếc xe lạ dừng lại ngoài đường lộ đối diện với toà Giám Mục trên bãi biển Nha Trang và một chiếc khác đậu bên hông trái tòa Giám mục đã xối xả bắn vào phòng ngủ của ngài. Cả phòng ngủ đầy lỗ đạn; áo quần và đồ dùng của Ngài bị rách nát chi chít những lỗ đạn. May là Ngài không ở nhà. Tôi hỏi: 
       Thưa Đức Cha ai là thủ phạm việc này? 
       Ngài giữ im lặng không trả lời.
Nay đã trên 40 năm trôi qua. Buổi nói chuyện với ngài cứ ám ảnh làm tôi bận tâm suy nghỉ. Tại sao Ngài đã đem câu chuyện bí hiểm lịch sữ này mà kể cho tôi nghe. Ngoài tôi ra không biết Ngài có kể thêm cho những kẻ khác nghe không?
Bây giờ Ngài đã qua đời, câu chuyện lịch sữ này sẻ là một bí ẩn không ai biết, nếu tôi không kể ra. Cho nên, vì bổn phận thiêng liêng, tôi muốn phổ biến nó cho những nhà viết sữ sau này có một vài ánh sáng mới trong vụ đảo chánh 63. Tôi cảm thấy mình phải viết nó ra cho công luận đối với một biến cố lịch sữ đã làm cán cân chiến tranh nghiêng về phe Cộng sản. Tôi không viết để chỉ trích hay bênh vực một ai. 
Theo tôi được biết thì hồi đó phe Việt Công đã ăn mừng và ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch mặt trận giải phóng miền Nam đã tuyên bố:                                  “Đảo chánh là đảo chánh trời cho. Bắc Việt không ngần ngại tuyên bố là Mỹ đã dọn cổ cho ta ăn.”
Một nhà báo Pháp hỏi Hồ chí Minh: "Ông Diệm là người thế nào?"
Ông Hồ đã trả lời: 
    "Ông ta là một người yêu nứớc theo kiểu Ông ta." Cuộc đảo chánh 63 vẫn còn nhiều bí ẩn. 
 Ai giết Tổng thống Diệm và cố vấn Nhu. Nếu thật sự không phải ông Minh thì là ai? Có lý do nào ông Minh dám nói láo, khi thề trên đầu con ông.
Về cuộc chính biến 63 đã có quá nhiều báo chí sách vở nói đến. Nhưng tôi cũng có một vài thắc mắc và nhận xét cá nhân: 
Tại sao Tổng Thống Diệm và Ông Nhu phải bỏ dinh Gia Long mà đến ẩn trú nhà Mã Tuyên? Theo thiển ý cuả tôi dinh Gia Long vẫn tượng trưng cho uy quyền quốc gia. Câu hỏi này chắc Ông Cao xuân Vỷ có thể trả lời. Vì đến giờ phút chót theo như nhiều tài liệu kể, Ông Cao xuân Vỷ đã cùng đi với Ông Diệm và Ông Nhu vào chợ Lớn. Tại sao khi bị bắt ở nhà thờ Cha Tam, chỉ có hai ông Diệm Nhu mà không có mặt ông Cao xuân Vỷ?  
Cũng thêm một sự tình cờ, sáng hôm đó tôi chứng kiến đoàn xe đi vào nhà thờ cha Tam bắt hai Ông trở ra. Tôi ở Đà Nẵng vào họp hành quân ở bộ tư lệnh KQ và tạm trú tại câu lạc bộ An Đông ở trong chợ lớn. Đoàn xe nhà binh hùng hậu trên mười chiếc có cả xe bọc thép M113 và xe GMC gắn bốn khẩu đại liên 50 phòng không, dẫn đầu là chiếc xe jeep cuả đại tá Dương Ngọc Lắm, tôi nhận ra Ông là vì ông có bộ râu dê và anh Đỗ Thọ mang chiếc áo T Shirt. Anh Thọ là dân KQ quen thuộc. 
Theo nhận xét cuả tôi thì cuộc chính biến 63 không phải là một cuộc cách mạng như ông Đôn viết trong hồi ký cuả ông mà là một cuộc đảo chánh do Mỹ giàn dựng, và các tướng lãnh Việt Nam chỉ là kẻ thừa hành. Họ được trả một giá rẽ mạt là 3 triệu đồng bạc VN tương đương với 40 ngàn dollars theo thời giá hồi đó, do tên Lou Connein một sỉ quan tình báo Mỹ đưa đến để các tướng tá đảo chánh chia chác với nhau.
Danh sách những vị tướng tá  lãnh nhận và số tiền được phân phát cho từng người đã được ông Đôn trình ghi rỏ  trong hồi ký của ông. Đó là đồng tiền máu mà các tên Judas thế kỹ hai mươi đã nhận để giết chủ mình.  
Cuộc tranh đấu Phật giáo 63 cũng đã nhuốm nhiều màu chính trị hơn tôn giáo. Bằng chứng là Thầy Trí Quang chạy vào toà đại sứ Mỹ ẩn trú, được bảo vệ, trong lúc đó Ông Ngô đình Cẩn, cũng vào xin tỵ nạn chính trị ở trong toà lãnh sự Mỹ ở Huế, lại bị giao trả lại chính quyền, bị đưa ra toà và bị xữ tử.
Vào đầu năm 1993, tức là 30 năm sau, thì chính ông Mai Chí Thọ, em ruột cuả Lê Đức Thọ, đã lên tiếng chỉ trich chính quyền Cộng sãn VN là đã đối xử tệ với Phật giáo trong lúc đó họ đã cộng tác chặt chẽ và giúp chúng ta trước kia.  
Theo nhận xét cuả tôi thì tổng thống Diệm là một chí sỉ hết lòng vì nước vì dân.
Dù sao thì Cụ là một người có uy tín rất lớn đối với dân Việt Nam. Cái sai lầm lớn nhất của Cụ là một nhà Nho, áp dụng chữ tín vào chính trị không đúng chổ, đúng lúc và đúng người.
Nge tin cụ Diệm bị ám sát Cụ Tưỡng Giới Thạch đã nói: “Ông Diệm và ông Nhu là những nhà chính trị lỗi lạc. Cả thế kỹ nũa chưa chắc VN đã có nhhững vị lãnh tụ như vậy.”
Chính như Hồ chí Minh cũng không dám đụng đến Cụ. Câu trả lời khãng khái và dứt khoát của Cụ với ông Hồ khi Ông đề nghị Cụ hợp tác vưà lúc Cụ bước ra khỏi nhà tù: 
“Ông có đường lối cứu nước cứu dân cuả Ông, tôi có đường lối cứu nước cứu dân cuả tôi.” Những người thân cộng tác với ông Hồ, hỏi tại sao để cho cụ ra đi sau này sẻ trở thành một hậu hoạn. Ông Hồ trả lờ: Các chú không nhớ câu nói được đồn đãi trong dân gian:
HẠI DÂN KHÔNG DIỆM.” đó sao ?
Cả đến Cabot Lodge viên đại sứ Hoa kỳ đã nhúng tay vào vụ đảo chánh trước khi lên máy bay về Mỹ cũng đã tuyên bố: “Tôi rất tiếc đã không cứu được tổng thống Diệm.”
Hoà thượng Thích Quãng Đức là một nhà tu hành chân chính và đã chết cho Đạo Pháp.
Hai cái chết  làm cho ta suy nghỉ trong những câu chuyện bầy nhầy đầy chính trị sắt máu và tiền bạc tranh chấp cuả cuộc đảo chánh 63.
Đức Giáo Hoàng Paul 6 đang cùng các Giám mục thế giới họp Vatican 2 ở Rom, khi nghe tin Tổng Thống Diệm bi ám sát đã làm lể cầu hồn cho cố tổng thống.
Sau cái chết cuả tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu, tình hình Việt Nam rối beng. Đảo chánh nối tiếp nhau như cơm bưã làm nổ lực chống Cộng suy yếu lòng người ly tán. 
Mỹ rút và giao lại cho Việt Nam. Những gì mà Mỹ đã không thắng nổi với B52 với bom dạn và tiền bạc dồi dào. Bây giờ viện trợ quân sự cho Việt Nam giảm rất nhiều trong lúc đó Bắc Việt lại nhận viện trợ rất dồi giào từ Nga Sô Trung Cộng và các nước Cộng sản đông Âu. Một chuổi dài những biến cố dồn dập như những cơn giong tố báo hiệu sự sụp đổ cuả VNCH như có bàn tay vô hình nào đó đã sắp đặt trước .
Thế trận đã bày ra đấy làm sao miền Nam tránh khỏi tai hoạ? Đổ lỗi cho Mỹ 100 phần 100 không đúng mà ta phải trách ta trước.
Miền Nam tồn tại thêm được 12 năm là cũng nhờ có sự hiện diện quân đội Mỹ và nhất là lòng can đảm chiến đấu cuả quân đội VNCH. Nếu đừng mắc phải những lổi lầm chiến lược như cuộc rút lui hối hã ở cao nguyên do những nhà lãnh đạo bất tài,  thì chưa chắc gì Cộng Sãn đã chiếm được Miền Nam dể dàng như vậy.
Vì chính Cộng sãn cũng có chiến lược chiếm miền Nam bằng hai giai đoạn. Giai đoạn một vào năm 75 ở Cao Nguyên. Và giai đoạn hai tiến xuống đồng bằng vào năm 76.  
Vào những ngày cuối tháng ba 75 tôi có đến toà Giám mục lần chót gặp ngài: Lần này ngài tõ ra rất lo âu trên nét mặt và nói với một giọng buồn bã.
Số phận miền Nam còn bi đát hơn cả Trung hoa quốc gia năm 1949, khi Trưỡng Giới Thạch tháo chạy ra Đài Loan.
          Tôi nói: Dù sao đi nữa xin Đức Cha đừng đi.
          Ngài trả lời: Cha là người tu trì đi đâu.
          Cứ mổi lần nghĩ đến biến cố 63 và 30/4 là tự nhiên tôi có hai câu hỏi:                
           Thế kỹ hai mươi này có hai nhà chính tri đạo đức hai nhà lãnh đạo tài ba đó là:
GANDHI  VÀ  NGÔ ĐÌNH  DIÊM. CẢ HAI ĐỀU Bị ÁM SÁT
Phải chăng chính trị không đi đôi với đạo đức?     
          Nuớc ta có nợ nần gi ân oán gì với nước và dân Do Thái không?
          Tại sao có hai nhân vật Do Thái đem tang thương tai hoạ đến cho nước ta?
          Năm 1954 ông Mendes France thủ tướng nước Pháp, một người Do Thái đã cắt chia
          Việt Nam ra làm hai làm hai. Năm 1975 Kissinger cũng là một người Do Thái đã bán đứng chúng ta.
 Nhân qủa hay vận nước hay ý Trời ?
MẠC VÂN

Sunday, November 25, 2018

ANH MỚI BIẾT YÊU LẦN ĐẦU Truyện của Phương Lan

Năm 1954, khi hiệp định Geneve được ký kết để phân đôi Nam, Bắc thì tất cả các cơ sở, trường học của chính quyền Quốc gia đều được di chuyển  vào miền Nam.  Chính thời điểm này và tại mảnh đất hiền hoà của miền Nam thân thương này, là nơi đã nhen nhúm mối tình đầu thầm kín của tôi.
Niên khóa năm 1955 - 1956, tôi mới mười ba tuổi và học lớp đệ lục (tức lớp 6) trường Chu Văn An.  Trường tôi tuy là trường nam sinh, nhưng riêng các lớp lớn như đệ nhị, đệ nhất  thì học chung cả nam lẫn nữ sinh.  Nguyên do là vì bên trường Trưng Vương, cơ sở chưa tổ chức kịp nên chỉ thâu nhận học sinh đến lớp đệ tam.  Nữ sinh các lớp cao hơn, đặc biệt là các ban ban sinh ngữ - triết học, và ban khoa học thực nghiệm, phải qua học nhờ bên trường Chu Văn An.  Do đó nên mới khởi sinh ra những cuộc tình thơ mộng giữa học sinh hai trường, và mối thân tình giữa trường Chu Văn An và Trưng Vương cũng bắt đầu từ đấy, rồi quen lệ cứ tiếp diễn mãi, đến các thế hệ đàn em sau này.
Tôi được quen chị Kim, năm đó chị trạc độ mười tám, mười chín tuổi và đang học lớp đệ nhất. Tôi bắt đầu chú ý đến chị hôm nhà trường tổ chức văn nghệ vào dịp Tết nguyên đán.  Chị Kim ở trong ban ca múa, hôm đó chị hát bài “Hướng về Hà Nội”  Giọng chị trong vắt, ngọt ngào, vút cao hoà với tiếng đàn.  Tiếng hát của chị làm rung động biết bao con tim của những kẻ tha hương, nhớ về thành phố cũ thân yêu, giờ đã cách xa nghìn trùng.
Tôi đứng im lặng, chiêm ngưỡng chị lộng lẫy trong áo dài màu vàng nhạt, trông thật là đẹp với mái tóc óng ả, đen như mun buông dài đến ngang lưng, một chút son hồng trên môi và nụ cười thật tươi…Tôi về, ngẩn ngơ hết cả buổi, và từ đó mỗi buổi sáng khi đứng xếp hàng chờ vô lớp, tôi thường say sưa ngắm chị xinh đẹp, tha thướt trong áo dài bằng tơ màu trắng. Tôi về mộng mơ và tôi bắt đầu làm thơ, những trang vở học trò kín đầy những vần thơ yêu với lời lẽ ngây ngô, những lá thơ tình không bao giờ gởi. Có những ngày chị Kim không đi học, thì suốt buổi hôm đó tôi cũng chẳng học hành gì được, đầu óc để tận đâu đâu, tôi thả hồn theo tưởng tượng, băn khoăn tự hỏi giờ này chị đang làm gì nhỉ? chị đau ốm gì chăng?  Hay là..? tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp, hay là chị gặp tai nạn trên đường đi đến trường?  Ruột tôi thắt lại vì lo, đầu tôi quay cuồng với bao nhiêu câu hỏi, tôi chỉ mong chóng đến giờ tan học để chạy bay đến nhà chị. Nhưng đứng trước cổng, tôi lại ngập ngừng không dám vào, không biết viện lý do gì để đến nhà chị, tôi đành đứng rình trước cổng, mong được thấy bóng chị ra vào để yên tâm. Chờ hoài chẳng thấy chị đâu, trời chợt đổ mưa tầm tã, tôi đành phải ra về, quần áo, tóc tai đều ướt nhẹp.  Hôm đó, tôi bị cha tôi đánh cho một trận nên thân, về tội tan học không về nhà, còn mải đi chơi. Tuy đau, nhưng tôi không hề hối hận, và vẫn cho hành động của mình chẳng có gì sai trái. Cha tôi làm sao hiểu được những ý nghĩ trong đầu tôi? 
Dạo này tôi thấy mình thay đổi khá nhiều, rõ ràng là đã qua thời kỳ trẻ con, tôi chán hết những trò đá dế, đánh banh, mà chỉ thích đọc sách.  Những tiểu thuyết tình làm tôi mơ mộng, thương nhớ vu vơ, tôi nghĩ về tình yêu và tôi nghĩ đến chị Kim… Bấy giờ đang là mùa mưa, Sài Gòn có những cơn mưa nhẹ nhưng dai dẳng triền miên, tưởng không bao giờ dứt, màn mưa che mờ cảnh vật, không gian như chìm lắng. Mưa buồn lê thê, hay chỉ tại lòng tôi đang cô đơn?  Ngồi bên cửa sổ, ngắm những sợi nước nghiêng nghiêng như đan mành, chao qua, chao lại theo mỗi cơn gió, lòng chợt man mác một nỗi buồn không tên, cậu bé mười ba đã hết vô tư rồi.  Mưa vẫn rơi miên mang không ngừng, mưa rơi tí tách trên mái hiên, mưa nhỏ giọt trên cành lá đong đưa trước cửa sổ, nhìn những giọt mưa như những hạt ngọc trong vắt, bỗng dưng tôi liên tưởng đến đôi mắt của chị Kim cũng long lanh, ướt át, đẹp lạ lùng.  Tôi mê nhất đôi mắt của chị, vừa dịu dàng vừa tình tứ, tôi đọc thấy trong đó những tình cảm nồng nàn chị dành cho tôi, hay tôi tưởng thế?  Mỗi khi nghĩ đến chị Kim là lòng tôi lại xôn xao những cảm giác khó tả, tâm tư tôi đầy ắp hình ảnh của chị, bóng dáng chị ám ảnh tôi đêm ngày, ngay cả trong những giấc mơ. Tôi băn khoăn tự hỏi hay là mình đã biết yêu? chắc vậy, tôi chắc lòng mình đã yêu chị Kim mất rồi.
Chị Kim không biết có hiểu tình cảm của tôi không, nhưng mỗi khi bắt chợt tôi đang ngây người đứng ngắm chị, chị thường mỉm cười và đôi khi còn thưởng cho tôi mấy cái xoa đầu, hoặc vỗ nhẹ vào vai khiến tôi đỏ mặt, vừa sung sướng vừa mắc cở.  Xưa nay tôi chưa hề có cảm giác đó bao giờ, mẹ và các chị lớn thỉnh thoảng vẫn vuốt ve hoặc ôm tôi vào lòng, tôi chẳng thấy có gì khác lạ. Thế mà không hiểu sao khi tay chị vừa chạm vào vai, tôi bỗng có cảm giác như một luồng điện vừa chạy qua khiến tôi rùng mình, tim đập như trống làng và người thì nóng bừng lên trong một cảm giác thích thú lạ lùng. Tôi về sung sướng hết cả ngày hôm đó.  Nhà tôi ở khác phố với chị Kim, và tôi vẫn cuốc bộ tới trường, nếu đi lối tắt thì không xa lắm, nhưng tôi chẳng quản ngược đường, ngày nào đi học cũng đi vòng qua nhà chị. Tôi thường đi rất sớm để được núp sau một gốc cây, lén lút ngắm chị lúc chị dắt xe đạp ra khỏi cổng. Buổi sáng, trông chị tươi mát trong áo dài lụa, tóc thề xõa ngang vai, làn da trắng mịn và đôi môi đỏ tự nhiên, tôi thấy chị đẹp như công chúa trong truyện cổ tích đời xưa, đẹp như tiên giáng thế…
Chị ra trễ cách mấy, tôi vẫn chờ và khi chị lên xe đạp đi rồi, tôi mới chạy vắt giò lên cổ cho kịp giờ vô lớp.  Có một lần thấy tôi tới trường vừa chạy vừa thở, mặt mũi đỏ nhừ, chị thương hại hỏi:
-         Sao hôm nào Phan cũng đi trễ để phải chạy toát mồ hôi vậy?
Tôi ấp úng nói dối:
-         Tại tối hôm qua em thức khuya học bài nên sáng nay dậy muộn.
Chị cười hiền hậu:
-         Những hôm nào trễ thì cứ ghé chị, chị chở đi học.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng, thế là từ hôm đó ngày nào tôi cũng “ thức khuya, dậy trễ ” và như vậy ngày nào tôi cũng được chị Kim chở đi học. Ngồi trên yên sau xe đạp của chị, tôi cố gắng không dám cử động mạnh sợ chạm vào người chị, nhưng tôi phồng mũi hít hương thơm từ tóc chị theo gió bay ngược lại.  Chị Kim không xức nước hoa, nhưng gội đầu bằng bồ kết pha với chanh nên tóc chị có mùi thơm là lạ. Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ mùi hương đặc biệt không đâu có, không nước hoa nào sánh bằng, đó là mùi hương tóc của thiếu nữ Việt Nam.
Tôi hay tìm dịp đến nhà chị chơi, khi thì đem cho chị mượn vài cuốn truyện, khi thì nhờ chị giải đáp cho một bài toán khó, khi thì… chẳng có lý do gì cả.  Lúc nào chị cũng vui vẻ tiếp đón, có khi chúng tôi ngồi với nhau cả buổi, tỉ mẩn ngắt từng cái lá sâu của cây hồng tầm xuân ngoài vườn.  Chị Kim thích hoa lắm, mảnh sân phía sau là chỗ phơi quần áo, không rộng lắm, thế mà chị đã chừa ra hơn phân nửa đất để trồng toàn hồng.  Mùa hè, hồng trổ bông rực rỡ, chị thường ra vườn đứng ngắm cả giờ không chán, và trầm trồ khen ngợi:
-         Đẹp quá, ngắm hoa thấy mát dịu cả tâm hồn.
Tôi chẳng thấy mát dịu tí nào khi ở ngoài nắng như thế này, nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ của chị, tôi cũng thấy sung sướng. Vui theo niềm vui của chị, tôi hăng hái đi lấy thùng, xách nước tưới cây, hai chị em vừa làm việc, vừa nói chuyện vẩn vơ.  Một lần chị Kim hỏi:
-         Sau này lớn lên Phan sẽ làm nghề gì?
Bị hỏi bất chợt, tôi lúng túng:
-         Em… em cũng chưa biết, nhưng chị, chị sẽ làm gì?
-         Chị à? chị chỉ thích làm cô giáo thôi, vì chị yêu nghề dạy học.
Tôi vui vẻ nói liền:
-         Nếu vậy em sẽ làm học trò, học trò của chị.
Chị cười:
-         Bộ Phan muốn là học trò mãi sao?
Được dịp, tôi thố lộ:
-         Mãi mãi, nếu chị vẫn là cô giáo!
Mỉm cười, chị đập nhẹ vào vai tôi, mắng yêu:
-         Điên hay sao, Phan? Con trai phải học giỏi, phải đi du học ngoại quốc, phải trở thành bác sĩ, kỹ sư…
-         Em khác, em cũng muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư. Nhưng…
-         Nhưng sao?
-         Nhưng… em không muốn xa chị! 
Thốt xong câu “ tỏ tình ”, tôi xấu hổ, mặt mũi đỏ bừng không dám nhìn chị mà giả vờ ngó đi chỗ khác.  Chị Kim cười hồn nhiên, lắc đầu không hiểu, có lẽ chị cho rằng tôi còn trẻ con hoặc dở hơi, chị đâu có ngờ hình ảnh của chị đã ghi sâu vào tâm hồn của cậu trai mới lớn ngay từ phút ban đầu.  Không biết  tỏ cùng ai, tôi đành gởi tâm sự qua tiếng đàn.
 Cuối niên học đó chị Kim thi đậu tú tài toàn phần.  Chị mừng lắm, nhưng tôi lại buồn vì lòng tôi ích kỷ, tôi chỉ mong chị rớt vì nếu đậu rồi, chị sẽ không còn học chung trường với tôi nữa.  Tôi bùi ngùi nhớ tiếc những ngày được chị đón đưa đến trường, lòng tôi quặn thắt, nhớ sao là nhớ, tiếc sao là tiếc… Trước khi bãi trường, các lớp đều tổ chức một buổi tiệc mãn khoá, trao quà kỷ niệm.  Nhân dịp này, tôi tặng chị Kim một bộ sưu tập tem thơ mà tôi quí nhất đời, tôi xin chị một tấm ảnh và yêu cầu chị viết vài trang vào tập “ lưu bút ngày xanh ” của tôi.  Chị Kim tặng lại tôi một quyển tập đầy những hoa ép khô rất khéo và mỹ thuật chị tự tay làm lấy, chị dơ lên cho tôi xem vài bông phượng đỏ mới ép, nói giọng buồn buồn:
-         Những bông phượng vĩ cuối cùng đời học trò của chị đấy!
Tim tôi nao lên, cảm thấy như sắp đánh mất một cái gì quí giá, tôi ngó chị lom lom:
-         Tại sao thế? chị thôi học luôn à? chị không học lên nữa sao?
-         Có lẽ không, hoàn cảnh của chị học như vậy tạm đủ rồi.  Chị nghĩ có lẽ chị phải đi tìm việc làm để phụ thêm với mẹ chị, còn Phan ở lại, cứ tiếp tục học cho giỏi nhé?
Tôi rụt dè:
-         Nhưng mà, chị Kim ơi! em… em nhớ chị lắm!
Chị vuốt tóc tôi:
-          Chị cũng vậy, thỉnh thoảng Phan cứ đến chơi, có ai cấm đâu nào?
Chị không cấm, nhưng tôi vẫn không giữ chị được lâu, vì chỉ một năm sau chị Kim đã có người yêu, đó là anh Thiện, một sinh viên năm thứ tư trường thuốc, chị quen anh ta trong dịp hai người cùng đi dự một đám cưới.  Anh Thiện hai mươi lăm tuổi, người cao lớn, vẻ hoạt hoạt bát trí thức, sánh với chị ai cũng bảo xứng đôi.  Nhưng tôi cảm thấy không ai đáng ghét hơn anh Thiện, bởi vì tôi yêu chị Kim nên tôi ghen, tôi tìm những khuyết điểm của anh Thiện để phóng đại lên gấp mười, tôi hỏi chị Kim:
-         Tại sao chị ưng anh Thiện? người gì cặp mắt lúc nào cũng nháy lia, trông gian lạ.
Chị hơi đỏ mặt:
-         Tại anh ấy cận thị, bỏ kính ra nó như vậy, chứ… đâu có…
Tôi tức mình xổ cho một tràng:
-         Phải, đối với chị, cái gì của anh Thiện mà chả đẹp? ngay cả hàm răng đứng trú mưa ba ngày không ướt của anh ấy, chắc cũng đẹp?
Chị Kim giận lắm, cau mặt mắng:
-         Chị cấm Phan không được phê bình anh ấy kiểu đó.
-         Hừ! chị lú ruột rồi, động một tí là bênh.
Chị tức tới phát nghẹn không nói được, một lúc sau mới thở dài:
-         Phan bậy lắm, lần sau không được nói năng như vậy nữa, chị giận.
Thấy chị rơm rớm nước mắt, tôi hối hận và vội vàng xin lỗi chị.
Chị Kim yêu anh Thiện lắm, chỉ cần nhìn nét mặt rạng rỡ và đôi mắt long lanh tình tứ của chị mỗi khi nhìn anh ta, là tôi lại tức điên lên, nhưng không làm gì được, tôi chỉ biết đau khổ cho sự yếu thế của mình.
Niềm riêng dấu kín trong lòng, chẳng ai buồn để ý tìm hiểu tâm trạng của tôi, bởi vì đối với chị Kim, với anh Thiện, với tất cả mọi người, tôi chỉ là một thằng nhãi.  Anh Thiện trước kia yêu chị Kim say mê, nhưng không hiểu sao càng ngày anh càng lơ là dần, và chẳng bao giờ đề cập đến chuyện cưới xin. Có lẽ anh cho rằng anh là một thanh niên có địa vị - một ông bác sĩ tương lai - lại con nhà danh giá, thiếu gì gái đẹp, nhà giàu chạy theo? còn chị Kim chỉ được cái nhan sắc, nhưng nhà nghèo, lại mồ côi cha…  Anh làm một con tính, suy xét thiệt hơn, anh thấy là anh dại và anh rút lui từ từ, thưa dần đi lại.  Có một lần anh hẹn, nhưng không đến, làm chị Kim thở ngắn, thở dài, đi ra đi vào, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, sáu giờ, rồi bẩy giờ, anh vẫn không đến… Chị Kim nhìn mâm cơm thịnh soạn chị  mất công bỏ cả buổi chiều để trổ tài nấu nướng, bây giờ đã nguội ngắt, chị tủi thân, ứa nước mắt khóc. Tôi đau đớn nhưng đành nén lòng dỗ chị:
-         Chị đừng khóc nữa, chắc anh kẹt chuyện gì đó thôi.  Hay là… chị để em đi tìm, em thử đến nhà anh ấy xem sao nhé?
Chị Kim tươi ngay nét mặt:
-         Ừ, phải đấy! Phan đi giúp chị xem sao? chị là con gái, đến nhà anh ấy không tiện.
Thế là tôi bèn lấy xe đạp, cắm cúi đạp gần năm cây số mới đến nhà anh Thiện để bắt gặp anh ta đang tươi cười âu yếm với một cô gái khác. Thấy tôi đến, anh ngạc nhiên:
-         Gì thế Phan? có chuyện gì vậy?
Tôi khều anh ra ngoài, nói nhỏ:
-         Anh quên là có hẹn với chị Kim sao? chị ấy đang đợi cơm anh ở nhà.
Anh Thiện à lên một tiếng rồi vỗ trán:
-         Ừ nhỉ, anh quên mất thiệt.
Nhưng rồi chợt liếc vào phòng khách có cô bạn đang ngồi, anh nói khẽ:
-         Nhưng anh kẹt rồi, anh lỡ hẹn sẽ đi coi xi nê với cô bạn kia.
Tôi giận lắm:
-         Anh coi thường chị Kim quá, anh có biết chị ấy đang khóc lóc? chị ấy chờ anh đã ba, bốn tiềng đồng hồ rồi…
Anh Thiện nghiêm ngay nét mặt:
-         Giữa anh và chị Kim đã có gì ràng buộc đâu? Anh chưa hứa hẹn chi cả, anh coi Kim cũng như các cô bạn gái khác.
À ra thế, tôi chua xót nghĩ thầm và thương chị Kim vô hạn, chị đã yêu anh Thiện với tất cả say đắm của mối tình đầu, chị hy vọng được cùng anh xây dựng gia đình, chị mù quáng trong tình yêu vô vọng. Chị không biết rằng anh ta là một người tính toán, anh theo đuổi chị, chỉ vì chị đẹp và tính anh thích đi chinh phục, nhưng cưới chị thì anh không cưới, chỉ vì chị nghèo.  Người vợ anh cưới phải đem lợi lộc đến cho anh, không thể là một cô gái trắng tay như chị Kim.  Tôi bẽ bàng ra về, quên cả chào, anh Thiện nói với theo:
-         Biểu với chị Kim tuần sau anh đến.
Tôi muốn nói thẳng vào mặt anh “ đừng đến nữa, chị tôi không thèm, chị tôi không cần cái bản mặt sở khanh của anh đâu. ”  Nhưng tôi đành im lặng, tôi không dám nói, tôi không đủ tư cách để nói, bởi vì chị Kim không chiếm một vị trí nhỏ nào trong tim anh cả.  Trở về nhà chị Kim, không nỡ để chị thất vọng, tôi phải nói dối rằng không gặp anh Thiện và người nhà nói rằng anh phải đi trực dùm cho một người bạn bị đau bất ngờ, chị Kim có vẻ yên lòng với lời giải thích ấy.  Nhưng lâu dần rồi chị cũng hiểu vì càng ngày anh càng tỏ ra lơ là, và đã mấy lần chị bắt gặp anh ta đang cặp tay dạo phố với một cô gái khá đẹp.  Chị Kim buồn, một cái buồn âm thầm nhưng da diết, chị không khóc, nhưng thường ngồi im lặng hàng giờ, mắt nhìn xa vắng. 
Mặc dù trong thâm tâm, tôi rất hả hê về sự rút lui của anh Thiện, nhưng thấy chị sầu não, tôi không đành lòng. Tôi lăng xăng bên cạnh chị, cố làm mọi cách cho chị vui, tôi đem đủ thứ chuyện ở trường ra kể cho chị nghe, từ chuyện ông giáo sư dạy toán, cận thị nặng, bị học trò dấu mất cặp kính, đến chuyện một tên học trò bị kêu lên trả bài trong lúc đang ăn vụng, chuyện một nữ giáo sư trẻ trong lúc đang giảng bài thì bị rơi mất hàm răng giả v..v.. Chị bật cười và quên buồn trong chốc lát.
Ngoài giờ phải đi học, chúng tôi quấn quít bên nhau suốt ngày, đó là thời kỳ tôi sung sướng nhất, vì chị Kim chẳng yêu ai, chị chỉ có một mình tôi.  Chị thường đến nhà để kèm cho tôi học, niên học đó tôi luôn luôn đứng đầu lớp.  Cha mẹ tôi mừng lắm, còn tôi, tôi ước ao sẽ chẳng bao giờ chị Kim đi lấy chồng và chúng tôi cứ sống bên nhau như thế này mãi, suốt đời… Ước mong của tôi chẳng bao giờ thành sự thật vì đến năm tôi lên đệ tứ, sắp sửa thi trung học thì chị Kim đi lấy chồng.  Cái ngày mà tôi lo sợ đã tới, chị Kim không thể sống mãi với mối tình tuyệt vọng, chị không thể yêu mãi một người không xứng đáng, chị sợ tuổi xuân qua đi nên bằng lòng làm vợ một thương gia đứng tuổi, do một đám mai mối.  Ông Hợp tuổi gần bốn mươi, giàu có, đứng đắn và chân thật, mới gặp chị Kim vài lần đã tính ngay đến việc cưới hỏi, đám cưới sẽ rước dâu về tận Rạch Giá. Thế là chị Kim đi lấy chồng, đột ngột và nhanh chóng tới nỗi tôi không kịp chuẩn bị tinh thần để hiểu rằng từ đây chị sẽ xa tôi vĩnh viễn.
Ngày chị lên xe hoa, tôi nằm nhà khóc xưng cả mắt.  Tôi buồn bã dở quyển
“ lưu bút ngày xanh ” đọc lại những dòng chị viết, ngắm lại mấy bông hoa phượng ép khô ngày trước.  Bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện về, từ ngày quen biết đầu tiên, những buổi sáng đón đưa nhau tới trường, ba năm thân ái… tất cả đã đi vào dĩ vãng, tất cả sắp xóa mờ, sắp mất hết, chỉ vì chị Kim đi lấy chồng!  Tôi hờn dỗi gom những bông hoa khô thành một gói, đem đến nhà chị quăng trả, chị nhìn tôi ngạc nhiên:
-         Gói gì đó em?
-         Hoa phượng ngày xưa của chị đấy, em trả lại.
Chị lắc đầu:
-         Phan trẻ con quá!
Tôi giận dữ:
-         Em không trẻ con!  Chính chị, chị mới vô tình, chị không bao giờ hiểu được em đâu.
Chị chỉ lắc đầu không nói gì cả, nhưng nhìn mắt chị, tôi biết chị không hiểu thật, vì lúc nào chị cũng coi tôi như một đứa trẻ, những tình cảm chị dành cho tôi chỉ là tình cảm của một người chị đối với đứa em trai nhỏ, chỉ có thế… Chị đi lấy chồng, rồi đây sống cuộc đời bận rộn những bổn phận làm vợ, làm mẹ, liệu chị có còn thì giờ nghĩ đến tôi? một thằng bé dở hơi như chị vẫn thường nói.  Riêng tôi, tôi vẫn ấp ủ hoài những kỷ niệm thân thương ngày cũ, bóng dáng thân yêu của chị, và cả một quãng đời quá khứ êm đềm đã đi sâu vào ký ức, không bao phai mờ cả.
Mười năm sau tôi mới gặp lại chị Kim, bấy giờ chị đã có ba con, trông chị vẫn đẹp, nhưng già dặn hơn xưa, còn tôi đã là một thanh niên trưởng thành.  Nhắc lại những kỷ niệm cũ, chúng tôi đều bùi ngùi nhớ tiếc dĩ vãng, chị Kim bảo:
-         Chóng thật, mới dạo nào… Bây giờ Phan đã thành người lớn rồi.
Tôi muốn nói “ chị không biết ư? em đã thành người lớn từ lâu rồi, từ dạo ấy, nghĩa là từ ngày em biết yêu, em yêu chị… ” Nhưng tôi đã không nói, đừng nói thì đẹp hơn, chị Kim chưa bao giờ hiểu, mãi mãi không bao giờ hiểu.  Phải, chị hiểu thế nào được mối tình của cậu bé mười ba tuổi?
Mười năm sau nữa, tôi mới lấy vợ, một cô nữ sinh Trưng Vương rất đẹp và duyên dáng, kém tôi tới mười tuổi (lại cũng con số mười định mệnh)
Những buổi tối êm đềm, bên ánh đèn ấm cúng, chúng tôi thường nói chuyện ngày xưa khi còn thơ ấu. Tôi kể cho Tâm Đan nghe mối tình thuở học trò, nàng nghe xong không nói gì cả, nhưng nhân dịp hai vợ chồng đi ăn cưới một người bạn của tôi, một đại uý phi công hào hoa phong nhã, nhưng cứng rắn có tiếng, người đã từng anh dũng tuyên bố “ không bao giờ để mất tự do, nghĩa là không bao giờ để lọt vào ổ phục kích của các bà .”  Con người hiên ngang, cao gần thước tám, trên không tung hoành, coi trời bằng vung, không sợ ai hết, bây giờ trông khốn khổ trong khăn đóng áo dài, xì xụp lên bái, xuống bái trước bàn thờ gia tiên nhà vợ, chỉ cốt để xin được bàn tay ngọc của một người đẹp cũng dân Trưng Vương. Tâm Đan mỉm cười, kề tai tôi nói nhỏ:
-         Thấy chưa? đứng trước nữ sinh Trưng Vương, anh hùng hào kiệt nào cũng đều xếp giáp qui hàng hết, làm rể Hai Bà đâu phải dễ?
Thấy tình cảnh của anh bạn, tôi bỗng chợt nhớ đến cái quá khứ chưa xa lắm, cái quá khứ vẫn làm cho vợ tôi kiêu hãnh, đó là thời kỳ tôi theo đuổi nàng, cũng cực khổ trần ai không kém, được dịp báo thù, tôi nghiến răng, xả hết nỗi uất ức:
-         Tưởng gì, các bà có điệu bộ cách mấy, rồi rút cục cũng bị chúng tôi xỏ mũi dắt đi. Chiến đấu có gian khổ, thì chiến thắng mới vinh quang.  Bây giờ có phải giả dại qua ải thật đấy, nhưng sau cùng, người thắng cuộc vẫn là chúng tôi.
Tâm Đan vẫn cười, một nụ cười rất đẹp - ôi nụ cười, một võ khí ghê gớm của đàn bà, tự cổ xưa vẫn làm bao kẻ anh hùng phải xiêu hồn, lạc phách - Liếc nhanh mọi người chung quanh, thấy không có ai chú ý, nàng bèn êm ái nhéo cho tôi một cái đau điếng:
-         Chưa biết ai thắng, ai bại à nghe? người nào giả dại kiểu đó cũng thành dại thiệt.  Để coi!
Ấy, chỉ có thế mà má bầy trẻ bắt đầu tuyên chiến.  Tối hôm đó, nàng đem hết mùng mền, chăn gối của tôi ra phòng khách, bắt phải ngủ riêng:
-         Để xem ai cần ai cho biết!  Người chiến thắng không bao giờ phải cầu lụy đối phương, hễ van xin là thua cuộc.
A! thì ra bà ấy định chơi trò trường kỳ kháng chiến!  Chơi thì chơi sợ gì? tôi nhủ lòng nhất định không ngán.  Nhưng tôi chỉ làm gan được hai tuần, hai tuần mà sao lâu như hai thế kỷ?  Sau cùng, chịu hết nổi cuộc chiến tranh lạnh kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt, trong lúc đó địch thủ của tôi vẫn phây phây ra vào, trông ngứa mắt không thể tả. Tôi bèn nén tự ái, hạ mình năn nỉ:
-         Thôi được, cho em thắng!
Tôi thua cuộc, nhưng trong lòng vẫn ấm ức, vì thật ra giải quyết vấn đề ai thắng ai như vậy không công bằng, nghĩa là trong thâm tâm, tôi vẫn không công nhận bà ấy thắng.  Nhưng thôi nhịn một tí cho vui cửa, vui nhà.  Khổ nỗi, nàng không biết tôi nhịn, nên vẫn kiêu hãnh với chiến công và vẫn tuyên bố rằng: việc cho giảng hoà là một “ việc thiện ” để ban ân, bố đức cho địch thủ.  Tôi tức ấm ách mà cứ phải làm thinh, rõ là đàn ông chỉ mạnh về sức vóc bề ngoài, chứ bên trong, lòng dạ ông nào cũng mềm yếu lắm, nhất là đối với phụ nữ.  Xét cho cùng, nhường nhịn vợ chưa chắc đã là dại,  bởi vì các bà chỉ muốn dành phần thắng, thì cứ cho các bà ấy thắng, mình thua nhưng có thiệt đâu? bởi vì mất cái này, thì sẽ được cái khác bù lại.  Sau mỗi lần giận nhau, cuộc làm hoà nào mà chẳng đưa đến kết cuộc vui vẻ?
Bây giờ, sau mấy chục năm sống chung, ngồi tính sổ đời, tôi phải công nhận rằng tôi đã ơn vợ tôi rất nhiều, vì những gì nàng đã cho tôi.  Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, nàng vẫn sát cánh bên tôi, chia xẻ ngọt bùi, an ủi khi tôi sa cơ thất thế, nâng đỡ khi tôi vấp ngã, và… công ơn lớn nhất của nàng là đã sanh cho tôi những đứa con, trai gái đủ cả, đứa nào cũng thông minh, xinh đẹp và giống bố… Với đôi bàn tay nhỏ bé, yếu đuối, nàng đã góp sức với tôi cùng chèo lái, đưa con thuyền bé nhỏ vượt qua bao nhiêu sóng gió, đến bến bờ hạnh phúc bình yên.  Vợ tôi là dòng suối mát mùa hạ, là tình nồng ấm áp mùa đông, là người bạn đồng hành không thể thiếu, là tất cả những gì quí giá nhất trên thế gian này.  Biết nói gì đây để tạ tình em? người bạn đường yêu quí ơi! xin cám ơn em đã cho anh hạnh phúc lứa đôi, xin cám ơn em đã đi bên anh trong suốt cuộc đời.
PHƯƠNG - LAN