Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hội Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn Hải Ngoại (AHSPQN) vừa có buổi hội ngộ kỳ thứ 26 năm 2017, vào lúc 11 giờ Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy tại nhà hàng Paracel Seafood.Phát biểu sau nghi thức khai mạc, hội trưởng Phạm Nghĩa Hùng, tức nhạc sĩ Vũ Hùng trong Ban Tù Ca Xuân Điềm, nói: “Xin chân thành tri ân thầy cô ngày xưa đã từng dạy dỗ chúng con nên người hữu dụng cho xã hội. Tuy tuổi già sức yếu, hôm nay vẫn về đây chung vui với đám học trò thân yêu mà ngày xưa quý thầy cô đã hết lòng dạy dỗ. Xin cảm ơn các đồng môn từ khóa 1 đến khóa 13, trong nước cũng như hải ngoại, đã về đây tìm lại nhau, kể lại cho nhau những ký ức vui buồn thân thương nơi trường mẹ. Xin cảm ơn quý thầy cô, các đồng môn Sư Phạm Quy Nhơn ở khắp nơi đã nâng đỡ, khích lệ tinh thần và vật chất cho kỳ hội ngộ lần thứ 26 này.”
Bài hát “Sư Phạm Quy Nhơn Hành Khúc” do Giáo Sư Hoàng Song Nhi sáng tác, được toàn ban văn nghệ cất lên tiếng hát chào đón ngày hội ngộ, hùng hồn như một thời đã từng hát vang trong sân trường vào những lúc chào cờ.
Các thầy cô Sư Phạm Quy Nhơn gồm các giáo sư Trần Văn Mẫn, Lê Văn Ba, Đinh Văn Hiền, Hoàng Song Nhi, và các giáo sư Nguyễn Hữu Phước, và Nguyễn Duy Linh từ trường Sư Phạm Sài Gòn, giáo sư Thái Doãn Ngà, của trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng được mời lên sân khấu để học trò kính dâng lên những bó hoa mang đậm nghĩa tình.
Giáo Sư Lê Văn Ba, cựu giáo sư trường Sư Phạm Quy Nhơn, trong lời tâm tình, cho biết, “Hôm nay chúng ta quy tụ về đây, có cả các cây cổ thụ từ các nơi trong ngành sư phạm. Dù là thầy hay trò, chúng ta đều làm nghề dạy học, xin cầu chúc cho Hội Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn được nhiều tiến bộ, đoàn kết, anh chị em nhiều sức khỏe, nhiều sáng kiến giúp cho xã hội chúng ta đang sống ở Mỹ.”
Nhân dịp này, ban cố vấn và ban chấp hành Hội AHSPQN được giới thiệu ra mắt, gồm các ông, bà Bùi Khương, Võ Thị Di Hinh, Võ Thị An, Trần Vinh Lợi, Phạm Nghĩa Hùng, Lê Thị Thoa, Hoàng Thị Nga, Lê Thị Thanh, Phạm Thị Thanh Tràm, và Đặng Thu Hiên.
Ông Vũ Hùng, K6, mở màn phần văn nghệ với nhạc phẩm “Một Ngày Trọn Vẹn Bên Nhau” do ông sáng tác, cùng các màn múa “Sáng Rừng” do ban văn nghệ Hội AHSPQN trình diễn, và vũ điệu nón lá trong bài “Huế Thương”, các màn hợp ca, cùng xổ số vui vẻ náo nhiệt.
Bà Nguyễn Thị Sương từ Việt Nam cũng sang dự hội ngộ. Bà thuộc khóa 8, niên khóa 1968-1971, sau khi ra trường về dạy ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Sương xúc động nói, “Sau 49 năm xa cách, hôm nay lần đầu tiên gặp lại thầy và các sư huynh, sư tỷ, học trò cùng một thầy như con một nhà, coi như là gia đình thứ hai của tôi!”
“Là những giáo sinh từ xa đến học, ở nội trú nên có nhiều dịp kể nhau nghe những vui buồn, chia sẻ những bài vở kinh nghiệm khi thực tập, kể cả những món ăn địa phương. Vì thuộc ban đại diện của khóa, nên tôi có nhiều dịp gần gũi và làm việc chung với thầy hiệu trưởng Trần Văn Mẫn, thầy rất thương học trò, khi có khó khăn gì thầy đều giúp đỡ tận tình. Gặp lại thầy Mẫn nay đã già ngồi xe lăn đến dự, chúng tôi ai cũng khóc, thương thầy lắm!” bà Sương nói tiếp.
Ông Vũ Hùng, hội trưởng đương nhiệm, thuộc khóa 6, cho biết rất quý nghề sư phạm. Khi tốt nghiệp trung học, ông tình nguyện đi vào ngành này, vì biết rằng mình có giọng hát tốt, có thể dùng để huấn luyện các em vừa chơi vừa học. Khi ra trường, ông về tỉnh Ninh Thuận, dạy tại trường tiểu học Văn Sơn cho đến 1975.
“Tôi tự hào là một giáo viên của chế độ VNCH, đã đào tạo những thế hệ học trò có lương tri, biết yêu quê hương tổ quốc, đó là ý nguyện ban đầu khi quyết định chọn nghề giáo,” ông Hùng nói.
“Qua 26 năm thành lập, Hội AHSPQN hải ngoại quy tụ lại những người cùng trường, chung chí hướng trước 1975, để dẫn dắt con em gốc Việt sinh ra tại Mỹ biết được tình yêu quê hương đất nước, giữ gìn văn hóa nước Việt tại hải ngoại,” ông Vũ Hùng chia sẻ tiếp.
Trường Sư Phạm Quy Nhơn được thành lập từ năm 1962, bằng Nghị Định 701-GD/BC/NĐ, ký ngày 10 tháng 5,1962 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Học sinh muốn vào học phải có bằng Tú Tài 1 trở lên, và phải qua kỳ thi tuyển.
Giai đoạn đầu, trường thu nhận giáo sinh các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị đến Phan Thiết. Từ năm 1969 đến 1975, trường chỉ thu nhận giáo sinh ở Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Từ niên khóa 1972-1975, trường có khoảng 1,000 giáo sinh, gồm cả năm thứ nhất và năm thứ hai.
Sau hai năm đào tạo, giáo sinh sẽ trở thành các thầy cô giáo, tùy theo số điểm ra trường, được ưu tiên chọn nhiệm sở trong các tỉnh thuộc khu vực hoạt động của Trường Sư Phạm Quy Nhơn, mang sứ mạng giáo dục để cải tiến xã hội.
No comments:
Post a Comment