Thursday, September 28, 2017

Ngôn ngữ lính tráng Sài Gòn xưa

Ngôn ngữ Sài Gòn trước 1975 mang đậm chất “lính”. Cũng là điều dễ hiểu vì miền Nam khi đó đang trong thời kỳ “leo thang chiến tranh” với lệnh “tổng động viên” trên toàn lãnh thổ. Thanh niên đến tuổi 18 đều bị “động viên” vào quân ngũ, chỉ trừ một số trường hợp được “hoãn dịch” vì lý do sức khỏe, gia cảnh hoặc học vấn.
Bậc cha mẹ lo lắng khi con cái đến tuổi “quân dịch” còn thanh niên thì đứng trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Mối lo của họ được thể hiện qua ám ảnh “Thi rớt tú tài…” và còn bi đát hơn với hai câu thơ:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ cho xong
Thời nào cũng vậy, một số con ông cháu cha cũng có cách luồn lách để khỏi đi lính. Người Sài Gòn thường dùng chữ “trốn lính” hay “trốn quân dịch”. Một trong những cách “trốn lính” là tìm đường đi du học, hay cùng lắm, khi bị “bắt lính” lo “chạy” để được phục vụ trong các đơn vị không tác chiến, làm “lính văn phòng” hay còn được gọi là “lính kiểng”.
Đôi khi loại “lính kiểng” còn được gọi là “lính cậu”. Đây là loại “lính nhưng không phải là lính” nếu đem so sánh với những chiến binh ngày đêm phải đương đầu với súng đạn tại những tiền đồn heo hút hay rừng sâu núi thẳm, cách biệt hẳn với chốn phồn hoa đô hội. Xem ra câu “huynh đệ chi binh” không phải lúc nào cũng đúng như ý nghĩa vốn có của nó.
Hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam, kẻ trước người sau, đều lần lượt rời ghế học trò để khoác trên mình bộ quần áo lính. Đó có thể là sắc áo “rằn ri” của các binh chủng dữ dằn như Nhảy dù (được “thần tượng hóa” thành “thiên thần mũ đỏ”). Lực lượng đặc biệt, Biệt cách dù (Airborne Ranger, Liên đoàn 81 Biệt cách dù trong trận chiến An Lộc đã nổi tiếng với 2 câu thơ: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích. Biệt Cách Dù vị quốc vong thân” hay Thủy quân lục chiến đội trên đầu chiếc mũ “mũ be-rê xanh” còn Biệt động quân thì lại chọn màu mũ nâu.
Tuy nhiên, mũ bê-rê chỉ dùng khi về phép và các dịp đặc biệt, khi ra trận mọi quân binh chủng đều đội chiếc “mũ sắt” phía bên trong có lót lớp “mũ nhựa” để bảo vệ phần đầu. Trên nguyên tắc là vậy chứ nhiều khi đạn vẫn có thể xuyên thủng “mũ sắt” nếu bắn từ khoảng cách gần.
Lính bộ binh thì “hiền” hơn với bộ kaki, sau này được thay thế bằng bộ quân phục “bốn túi”, áo bỏ ngoài quần, giống như lính Mỹ. Đặc điểm của bộ binh là phải “gom ống quần” trong khi Không quân và Hải quân được thả ống quần, “lè phè”, thoải mái. Cũng vì thế lính Không quân và Hải quân sợ nhất là bị “gom ống quần lội bộ”, ám chỉ bị thuyên chuyển sang bộ binh để đi tác chiến.

“Giày trận” được gọi là “bốt đờ sô” (botte de saut), có loại hoàn toàn bằng da nhưng sau này có loại giày kết hợp giữa da và vải, rất nhẹ trong những chuyến lội rừng, băng suối. Lính “địa phương quân” hay “nghĩa quân” thì hẩm hiu hơn với những đôi giày bằng vải bố, được gọi tắt là “giày bố”, kiểu như giày “ba-ta” nhưng cổ cao hơn giày thường.
Ngay khi bắt đầu trình diện tại các Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ, thanh niên dù “đăng lính” hay bị “bắt lính” cũng đều phải qua một trong những thủ tục là làm “thẻ bài”. Tấm “thẻ bài” là vật bất ly thân, được đeo trên cổ trong suốt thời gian tại ngũ của quân nhân.

Mỗi quân nhân bắt buộc có hai tấm “thẻ bài” bằng kim loại không gỉ, được đeo bằng sợi dây cũng bằng kim loại. Trên mỗi tấm có ghi họ tên, “số quân” và loại máu để khi bị thương, cần tiếp máu, quân y biết ngay loại máu gì. Khi người chiến sĩ tử trận, một tấm thẻ bài được bỏ trong miệng tử sĩ và tấm kia đơn vị sẽ giữ lại để làm tài liệu báo cáo.
Hình trên là tấm thẻ bài của tướng Nguyễn Văn Điềm, “số quân” 50/200.102, ông thuộc loại máu A. Hai số đầu của “số quân” là năm sinh sau khi trừ 20. Như vậy, tướng Điềm sinh năm 1930 (50 – 20 = 30). Tôi sinh năm 1946 nên có hai số đầu là 66: 66/168.566. “Số quân” của người lính tựa như “số an sinh xã hội” (social security number của Mỹ gồm 9 số), số “căn cước” (thời VNCH).
Bài hát “Tấm Thẻ Bài” qua tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy đã gây nhiều xúc động trong lòng người nghe và mãi đến bây giờ, mỗi lần được nghe lại bài hát nầy hoặc là nhìn thấy lại hình tấm thẻ bài chúng ta càng thấy ngậm ngùi và thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua. Nhạc sĩ Huyền Anh đã viết những câu thật xúc động:


Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đã mờ mờ mang tên anh.

Anh đã đi, đã đi vào vùng biển đời người
Anh ngủ yên, ngủ yên như cỏ úa
Anh ơi sau cuộc chiến này
Có còn chi để lại
Hay chỉ còn tấm thẻ bài mang tên anh


Trong số các món quân trang, quân dụng được cấp phát, ngoài chiếc balô người lính còn có poncho là một tấm vải mưa trùm đầu theo kiểu vải khoác của người Nam Mỹ. Poncho lại còn có một công dụng mà bất cứ người lính nào cũng chẳng muốn sử dụng: poncho sẽ được dùng để khâm liệm xác của tử sĩ bỏ mình trên chiến trường…
… “Trốn lính” là chấp nhận sống bên lề xã hội, “trốn chui trốn nhủi” khi thấy bóng dáng cảnh sát, quân cảnh. Cuộc sống của người trốn quân dịch là những chuỗi ngày bấp bênh, không tương lai ngay giữa Sài Gòn đô hội. Cũng vì thế, có người tự chặt “ngón tay bóp cò” (ngón trỏ) để khỏi đi lính, có người “tự hành xác”, “ốm tong ốm teo” để được các trung tâm nhập ngũ trả về vì “không đủ sức khỏe”…

… Dĩ nhiên trong lãnh vực báo chí Sài Gòn xưa tràn ngập những tin tức liên quan đến lính, từ các mục Tin Chiến Sự, Tin Chiến Trường đến các mục Hậu phương & Tiền Tuyến, Ủy lạo binh sĩ, v.v… Riêng quân đội cũng có cơ quan báo chí trực thuộc Phòng 5 Bộ tổng tham mưu với tờ Phụng Sự, ấn phẩm ra hằng tháng trong suốt thời gian từ 1953 đến 1960. Phụng Sự là tạp chí nghị luận, biên khảo và văn nghệ với sự góp mặt của Toàn Phong (tác giả Đời Phi Công), Hoàng Ngọc Liên, Hà Liên Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Uyên Thao, Phan Lạc Tuyên…
Báo Chiến Sĩ Cộng Hòa (1959-1974) là cơ quan hợp nhất hai tờ Phụng Sự và Quân Đội và tạp chí Chỉ Đạo xuất hiện từ tháng 10/1956 thuộc Ủy ban Chỉ đạo chiến dịch Tố Cộng. Ngoài những nhà văn vừa kể, những tờ báo lính còn xuất hiện bài vở của các cây bút tiếng tăm trong và ngoài quân đội như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Thiệu Lâu, Toan Ánh, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc, Trần Phong Giao, Dương Kiền, Duyên Anh, Hà Huyền Chi…
Nguyệt san Quân Đội của Nha Chiến tranh Tâm lý xuất hiện từ đầu năm 1957 đến 1960, do Trung úy Tô Kiều Ngân làm chủ bút (hẳn bạn đọc còn nhớ tiếng sáo của Tô Kiều Ngân trong chương trình Tao Đàn trên Đài Phát thanh Sài Gòn). Tiếp đến là những tờ Tiền Phong, Lý Tưởng, Mũ Đỏ, Lướt Sóng, Tinh Thần, Khởi Hành, và các nhật báo Tiếng Dân, Dân Việt, Tiền Tuyến…
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã xác định trong một bài diễn văn tại trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt năm 1960: “Cuộc chiến tranh ta phải đương đầu không phải là một thứ chiến tranh quân cụ, một thứ chiến tranh bấm nút, hay một thứ chiến tranh chỉ liên hệ đến một số quân nhân mà thôi đâu. Thứ chiến tranh mà ta phải đối địch là thứ chiến tranh cách mạng, một thứ chiến tranh lý tưởng liên hệ trực tiếp đến toàn dân, và trong đó yếu tố tinh thần, yếu tố tin tưởng vào chế độ của mình là yếu tố quyết định”.

Ngày Quân lực VNCH được chính thức chọn vào ngày 19/6/1965 trong thời Ðệ nhị Cộng hòa (dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, và Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ) sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Từ năm 1965 cho đến 1974 đều có các cuộc diễn binh trọng thể để kỷ niệm Ngày Quân Lực tại Sài Gòn.
Khẩu hiệu chính của quân đội VNCH là “Danh dự – Trách nhiệm – Tổ quốc”, mỗi binh chủng lại còn có khẩu hiệu riêng, chẳng hạn như Không quân là “Tổ quốc, Không gian”, “Bảo quốc, Trấn không” hoặc Cảnh sát thì có “Cảnh sát Quốc gia, Phục vụ Đồng bào”… Các đơn vị quân đội VNCH ngoài tên gọi còn có những “biệt danh” nghe rất kêu nhưng cũng rất ngổ ngáo. Thủy quân lục chiến có Quái Điểu (tiểu đoàn 1), Trâu Điên (tiểu đoàn 2), Sói Biển (tiểu đoàn 3), Kình Ngư (tiểu đoàn 4), Hắc Long (tiểu đoàn 5), Thần Ưng (tiểu đoàn 6), Hùm Xám (tiểu đoàn 7), Ó Biển (tiểu đoàn 8), Mãnh Hổ (tiểu đoàn 9). Biệt động quân có biệt hiệu “Cọp ba đầu rằn”, Không quân có các phi đoàn Thần Phong, Thần Tượng, Song Chùy, Phi Hổ, Hổ Cáp, Thiên Lôi, Hỏa Long, Phượng Hoàng…
Quân lực VNCH có một số cơ sở đào tạo và huấn luyện. Đứng đầu là Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, đào tạo những thanh niên tình nguyện trở thành sĩ quan hiện dịch ra trường với cấp bậc Thiếu úy. Khi mới thành lập năm 1948, thời gian huấn luyện tại trường chỉ kéo dài 9 tháng. Năm 1957 tăng lên thành 12 tháng rồi đến năm 1961 là 2 năm.
Đến giữa thập niên 1960, khóa học của Trường Võ bị Đà Lạt là chương trình 3 năm, từ năm 1966 trở đi lại tăng lên 4 năm. Học trình lúc đầu tương đương với trường cao đẳng. Sinh viên mãn khóa được miễn thi nhập học vào trường đại học vì coi như hoàn tất bằng Tú tài toàn phần (gồn Phần I, lớp Đệ nhị và Phần II, lớp Đệ nhất). Đến năm 1966, sinh viên tốt nghiệp Trường Võ Bị có văn bằng tương đương với bằng cử nhân khoa học. Hai năm đầu sinh viên mang cấp bậc trung sĩ, hai năm sau là chuẩn úy. Sinh viên học xong 4 năm thì tốt nghiệp với cấp thiếu úy.
Khóa học bao gồm những môn vũ khí, truyền tin, tác chiến, kết hợp lý thuyết với thực hành. Theo truyền thống, để được gắn Alpha, sinh viên sĩ quan sau những tuần huấn nhục phải leo lên ngọn Lang Biang để nhận phù hiệu trên đỉnh ngọn núi cao nhất Đà Lạt.

Trường Võ bị Quốc gia lấy Học viện West Point của Hoa Kỳ làm mẫu mực. Hai năm đầu chương trình học cho các sinh viên đều giống nhau. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi thì tách ra ba quân chủng riêng biệt, trong đó 1/8 thuộc Không quân, 1/8 thuộc Hải quân và 3/4 thuộc Lục quân.
Năm 1965, quân lực VNCH tiếp nhận khái niệm và cơ cấu Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) khi đó được áp dụng trong Quân đội Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan). Tổng cục CTCT được tổ chức thành 5 cục bao gồm: Cục chính huấn, Cục tâm lý chiến, Cục xã hội, Cục an ninh quân đội, Cục quân tiếp vụ và một trường Ðại học Chiến Tranh Chính Trị cũng đặt tại Đà Lạt.
Trường Bộ binh Thủ Đức là nơi tập họp các thanh niên có bằng Tú tài Phần I trở lên (lớp Đệ nhị) bị động viên vào quân ngũ để được đào tạo trở thành sĩ quan trừ bị và ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. Trong suốt thời gian hoạt động 1953-1975, trường Thủ Đức đã đào tạo hơn 80.000 sĩ quan trong đó khoảng 4.000 sĩ quan đặc biệt là những hạ sĩ quan được đặc cách đi học lớp sĩ quan. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” và “Cư An Tư Nguy” (Muốn sống hòa bình phải nghĩ đến chiến tranh) là những châm ngôn của Trường.
Trường Bộ binh Thủ Đức là nơi tôi đã từng trải qua với vô vàn kỷ niệm, vui cũng như buồn rất khó quên. Bò hỏa lực, đoạn đường chiến binh, leo dây tử thần, hít đất, thụt dầu, phạt dã chiến là những món “ăn chơi” không thể thiếu trong thời gian “huấn nhục” của người chiến binh. Vui nhất phải kể đến những lần về phép cuối tuần tại Sài Gòn nếu không có lệnh “cấm trại 100%”.

Người ta thường gọi sinh viên sĩ quan Thủ Đức chúng tôi là “lính con cá” vì trên cầu vai không có lon mà chỉ có chữ Alpha tựa như hình con cá! Phải đợi đến khi tốt nghiệp ra trường mới được đeo lon Chuẩn úy (Omega). Trường Bộ binh Thủ Đức có “khu bưu chính” (KBC) mang số hiệu 4100, con số 4100 (bốn ngàn một trăm) được sinh viên chúng tôi đọc trại thành “bốn người một mâm”… chả là vì mỗi khi lên “nhà bàn” ăn cơm thì cứ bốn người ngồi chung một carrée!
Tại Sài Gòn còn có Trung tâm Huấn luyện Quang Trung chuyên đào tạo binh sĩ cho các đơn vị tác chiến khắp “bốn vùng chiến thuật”. Tôi cũng đã từng nếm mùi quân trường Quang Trung trước khi được chuyển sang Thủ Đức ở giai đoạn 2.
Quang Trung có món “chà láng”: những lúc rảnh rỗi tất cả phải ra giao thông hào, dùng càmen bằng inox để chà đất cho thật láng! Một việc làm “vô bổ” nhưng lại có tác dụng khiến cho những thanh niên mới khoác áo lính phải bận rộn, không còn thì giờ rảnh rỗi để nhớ nhà, nhớ cuộc đời dân sự.

Trường Huấn luyện Không quân, Trường Sĩ quan Hải quân và Trường Hạ sĩ quan (tốt nghiệp với cấp bậc Trung sĩ, thường được gọi là Trường Đồng Đế) tất cả đều ở Nha Trang, “miền quê hương cát trắng”. Trường Thiếu sinh quân đặt tại Vũng Tàu, ưu tiên cho các con em tử sĩ. Còn một số trung tâm huấn luyện chuyên môn cho các quân binh chủng như Pháo binh, Công binh, Quân cụ, Quân khuyển, Quân y, Truyền tin… đặt tại các địa phương trên cả nước.
Sẽ là điều bất công nếu không nói về Đoàn Nữ Quân Nhân, “những bông hồng trong bộ đồ lính” hay nói một cách thi vị hơn: “Hoa lạc giữa rừng gươm”. Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân đầu tiên là Đại tá Trần Cẩm Hương, ái nữ của kỹ sư Trần Văn Mẹo – Tổng trưởng Công chánh thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Nữ quân nhân hiện diện tại các đơn vị quân đội với quân phục tác chiến ở tiền phương hoặc với đồng phục màu xanh tại các đơn vị tham mưu. Họ có mặt trong mọi binh chủng và ngành chuyên môn trong quân lực và vào thời điểm “leo thang chiến tranh”, quân số của Đoàn Nữ Quân Nhân lên tới xấp xỉ 10.000 người.
Trường Nữ Quân Nhân nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại, giữa Trường đua Phú Thọ và Chợ Tân Bình. Trường được thành lập từ giữa thập niên 1960 và đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hồ Thị Vẽ, từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, 30/4/1975.
… Ngoài ra còn có Trường Xã Hội Quân Đội thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, tọa lạc trong Trại Lê Văn Duyệt, nơi đặt bản doanh Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô nằm trên đường Lê Văn Duyệt. Trường Xã Hội Quân Đội còn đào tạo và huấn luyện những cô giáo nhà trẻ mẫu giáo để phục vụ tại các trung tâm, trường học ở khu gia binh thuộc quyền điều hành của quân đội. Trường Sinh ngữ Quân đội nơi tôi giảng dạy cũng có một nhà trẻ dành cho con em của các giảng viên và do nữ quân nhân phụ trách.
… Lực lượng quân đội VNCH có đến 11 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn nhảy dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, 21 liên đoàn biệt động quân, 4 lữ đoàn Kỵ binh thiết giáp, Lực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật, các đơn vị Pháo binh biệt lập và lực lượng Địa phương quân gồm 400 tiểu đoàn, nghĩa quân hơn 50.000 quân.
Những con số vừa nêu rõ ràng là nói lên sức mạnh hùng hậu của quân lực VNCH. Chỉ tiếc một điều, sức mạnh đó sẽ không là gì một khi đồng minh “đem con bỏ chợ”…
Nguyễn Ngọc Chính
(Hồi ức một đời người)

Tôi Đi Lính

 Hải, Phạm Hòa, Đặng Để, Châu 
 Hồ Hùng Dũng và Nguyễn Trường Khanh
 DD765, TD11 THSQNT - K10B72-SQTB
t trung tâm 3
tuyn m nhp ngũ
qua Quang Trung
đến Ðng Ðế - Nha Trang
Minh Vũ
hồi ký
           









Sau khi trình giấy tờ và hoàn tất mọi thủ tục tại Phòng Tuyển mộ Nhập ngũ Quân vụ thị trấn Sàigòn-Gia định, chúng tôi được chỉ định lên xe GMC không có mui che đậu sẵn ở trước cửa. Mỗi xe chở 30 tân binh, đoàn xe trực chỉ đi đến Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập ngũ.

       Xe đi trở lại về hướng chợ Hòa Hưng, qua chợ Ông Tạ, đến ngả tư Bảy Hiền, rồi thẳng đường đi Quang Trung.

       Tôi ngồi yên lặng trên băng xe  phía sau, nhìn những quang cảnh sinh hoạt quen thuộc của đường Lê văn Duyệt, con đường mà tôi đã lớn lên với tuối học trò của những buổi trưa nắng, buổi chiều mưa…Tôi mở mắt to nhìn lại một lần chót, trước khi tôi rời xa khung cảnh thân thương quen thuộc ấy.

       Xe cộ vẫn tấp nập ồn ào, con đường vẫn xôn xao như ngày nào.

       Thấy đoàn xe chở tân binh đi ngang qua, dân chúng hai bên đường vẫy tay chào tạm biệt. Tôi nghe tiếng la ó từ trên xe của những người bạn tân binh vẫy tay chào lại, nhất là   mỗi khi xe đi qua mặt các cô thiếu nữ đang đi xe đạp, xe gắn máy …



Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập ngũ



     Ðoàn xe rẽ vào cổng Trung Tâm 3 Tuyễn Mộ Nhập Ngũ và đi theo con đường quanh co dọc theo các dãy nhà, trại làm việc. Xe ngừng lại. Chúng tôi được lệnh xuống xe, xếp hàng ngồi chồm hỗm chờ các cán bô Trung Tâm sắp xếp công việc. Sau khi được các Cán bộ Trung Tâm 3 cấp phát quân trang tạm thời, đọc cho ghi số quân, trời đã gần nửa đêm, chúng tôi được các cán bộ TT3 dẫn đi đến các barrack để tìm chổ nghỉ lưng tạm, chờ sáng hôm sau làm việc tiếp.

     Giường ngủ là hai dãy nền xi măng, chiều ngang khoảng 2m5, xây cao hơn mặt nền nhà khoảng 0.5m, song song theo hai bên vách của barrack, chạy dài từ cửa trước cho đến cửa sau. Chính giữa barrack treo cái bóng đèn tỏa ánh sáng lờ mờ, như thiếu hơi điện. Mọi người trưng dụng những quân trang tạm thời vừa mới được cấp phát, trải ra trên nền xi măng để nằm tạm qua đêm.

     Ðêm đầu tiên bắt đầu cuộc đời lính, được nếm mùi đời có chút hơi “bụi”, tôi cảm thấy khó ngủ vì đông đảo người ồn ào và  khói thuốc lá bay mù mịt.

     Tôi nằm trăn trở, xoay mình qua lại, cố dỗ giấc ngủ. Những hình ảnh của thành đô cứ ẩn hiện chập chờn trước mắt. Hình ảnh của gia đình, của bạn bè, của người yêu, người chưa yêu, hình ảnh phố xá tấp nập, hình ảnh căn phòng nhỏ của tôi có kê chiếc bàn vuông và kệ sách đựng đủ loại sách báo....

     Buổi sáng ngày kế tiếp, các Tân Binh tập hợp xếp hàng dài, ngồi xếp bằng bẹp xuống đất, được các cán bộ của Trung Tâm 3 phát cho một xấp giấy có in sẵn các mẫu khai lý lịch, tình trạng sức khỏe v.v…

  Ngồi chờ nghe các cán bộ giải thích, chỉ dẫn nầy nọ, nọ kia…Nắng lên, bắt đầu cảm thấy nóng nực, mồ hôi rịnh trên trán, hai chân tê mỏi, tôi muốn duỗi chân ra một cái cho thoải mái…mà không duỗi ra được!

    

           Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, chúng tôi mới được tan hàng. Mọi người tụ năm tụm ba đứng đầy dưới những tàng cây Bá Ðậu dọc theo hai bên con đường đi vào dẫy nhà lợp tôn dung làm chổ làm việc cho các cán bộ của Trung Tâm. Kẻ đi tìm nước uống, người ngồi phì phà nhả khói …

           Buổi chiều, chúng tôi được di chuyển sang một khu trại nhà tập thể, bên trong có để sẵn hơn 200 chiếc giường chồng hai tầng bằng gỗ, cũ kĩ. Chúng tôi được lệnh tạm trú tại đó, chờ đến khi có lệnh mới.

           Một bồn nước được xe kéo đến, mọi người xúm nhau bu quanh để chờ hứng nước vào chiếc bình bằng nylon cá nhân, có hình dạng như cái gối nhỏ, chứa khoảng 5 lít nước. Cảnh chen lấn, hổn độn vô trật tự. Tôi đứng nhìn thấy mà chán! Không hiểu tại sao dân  mình gì gì cũng dành giựt nhau, từ ăn uống ở các nhà hàng quán, cho tới các nơi giải trí chen lẫn nhau, xô đẩy nhau mua vé xem ciné, xem đại nhạc hội . .

    

             Tôi đứng chờ cho bớt người dành giựt để hứng một ít nước cho vào chiếc bình nylon chứa nước của tôi, nhưng hết đợt nầy lại đến đợt khác, người người cứ tiếp tục giành giật. Nhìn thấy có nhiều anh đã lấy nước xong rồi, còn trở lại cởi áo ra tắm tại chổ, nước chảy tràn ngập ra sân…Chán nản, tôi bỏ đi sang Câu Lạc Bộ bên kia con đường, mua một ly cà phê đá và một gói thuốc lá ngồi nhấm nháp.

            Tôi nhả khói, nhìn sang bên kia xem thiên hạ đang chen lấn, dành giựt la chí chóe.                                                                          

            Uống xong ly cà phê, phì phà vài điếu thuốc lá, tôi đi trở về căn phòng tập thể. Ðịnh ngả lưng ngủ một giấc, nhưng bên trong quá nóng nực, lại ồn ào và nực mùi khói thuốc. Tôi cũng hút thuốc lá lai rai, nhưng còn không chịu nỗi được với mùi khói thuốc dầy đặc nên đi ra ngoài, ngồi dựa lưng nơi gốc cây Bá Ðậu có cành lá trải rộng và thiu thiu ngủ.

            Mặt trời xế bóng, cán bộ Trung tâm 3 phát loa phóng thanh gọi tập hợp và có người hướng dẫn xuống nhà Bàn (phòng ăn)lấy thức ăn. Trong nhà tập thể đã nóng vậy, mà nhà Bàn còn nóng hơn!

             Tôi đứng chờ đến phiên mình lấy thức ăn, mồ hôi chảy đẩm ướt mặt mày, quần áo. Nhà Bàn phất lên mùi hôi vì thiếu sạch sẽ. Ngửi mùi thôi.. là thấy đã muốn nhợn ói. Tôi không biết một lát nữa đây, thức ăn sẽ như thế nào?

             Tôi chỉ lấy cơm thôi, không lấy thức ăn vì mùi cá tanh quá! Cơm nấu trong cái chảo to, có bỏ vitamine trên mặt màu hơi vàng. Trở lại Câu Lạc Bộ để mua thức ăn và ly trà đá uống để “chửa lửa”, tôi ngồi lì bên đó cho đến chập tối, khi có lệnh tập hợp mới trở về.

             Chiều tắt nắng, không khí dịu bớt hơi nóng. Sau khi tập hợp xong, tôi tìm chổ tìểu tiện và tắm “dã chiến” một phát cho khỏe người, xong trở lại chiếc giường chồng hai tầng nằm mắm mắt.. để đó mà nghe chung quanh đầy những âm thanh không được êm dịu. .

            Buổi sáng hôm sau, thiên hạ thức dậy ồn ào ở bồn chứa nước để rửa mặt, đánh răng. Một vài người xô đẩy, gây gổ dành đến phiên mình trước. Tôi dùng lượng nước còn lại ở trong bình dùng làm gối kê đầu để rửa mặt, chớ không đến bồn chứa nước.

             8 :30 sáng, tập hợp. Mỗi người được phát cho một khúc bánh mì dài chừng 6 inches và một ít đường cát trắng để ăn với bánh mì. Sau đó cán bộ Trung Tâm đọc tên từng người lên nhận giấy phép cho về. Tôi không được phép về, vì bữa khai trong phiếu sức khỏe, mắt bị cận thị, nên họ giữ tôi lại chờ chở sang bệnh viện Cộng Hòa khám mắt.

             Tất cả được về phép, chỉ còn khoảng 50 người ở lại chờ đi khám bệnh. Nhìn thấy thiên hạ đi phép mà tôi thèm thuồng. Mới xa nhà, xa thành phố có mấy hôm, tôi tưởng chừng như cả tháng…Tôi nhớ nhà vô cùng, nhớ phố phường, nhớ người yêu..khoắc khoải trong lòng.

            Khu nhà tập thể vắng lặng, không tiếng ồn ào, không mùi khói thuốc lá. Bọn người ở lại chờ đi khám sức khỏe được tắm rửa no nê. Buổi tối, tôi sang Câu Lạc Bộ ngồi uống cà phê, khói lửa, nghe nhạc đến khuya mới về ngủ.

              Ba ngày kế tiếp, mỗi buổi sáng thức dậy tập họp, có xe GMC đậu chờ sẳn chở sang nhà thương Cộng Hòa khám mắt. Xe chạy ngang qua các khu dân cư đang sinh hoạt,  thấy không khí vui làm sao.. Nhìn những cặp tình nhân trẻ đang chở nhau trên xe gắn máy qua lại trông mà thấy phát thèm. Tôi liên tưởng đến mình của những ngày tháng cách nay hơn một tuần lễ, nữa tháng, mình cũng hạnh phúc được làm tài xế như vậy, rồi chợt tiếc nuối cho những ngày tháng đã vụt qua mau..

              Ðám người đi phép trở lại, hôm sau được gọi tên, mang quân trang lên xe GMC chờ sẵn đưa sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thụ huấn Giai đoạn I Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan. Cứ mỗi ngày, ngày nào cũng có người đi.

             Năm 1972 là năm Tổng động viên. Tất cả sinh viên học sinh nếu không đủ điều kiện hoãn dịch theo luật tổng động viên mới của Chính phủ phải vào lính. Có tất cả 12 khóa Sĩ Quan Trừ Bị, mỗi khóa có từ 500-900 người. Tôi bị kẹt ở lại khám sức khỏe 2 tuần lễ, bị lọt xuống đến khóa 10B/72.

           Tôi được cho về phép 3 ngày, sau khi có kết quả khám mắt. Chả được gì! Cận nặng, cận nhẹ, cận thị hay không cận gì cũng cá mè một lứa. Ba ngày phép tôi ở nhà, không muốn đi đâu, không muốn thăm em nào hết. Nằm trong Trung Tâm 3 thì nhớ nhung đủ thứ, giờ được về nhà, tôi lại không muốn đi đâu, mà cảm thấy lưu luyến cái không khí gia đình mình, tôi muốn đưọc gần gũi với cha mẹ, với anh chị em.

             Hết phép, trở lại Trung tâm 3. Hôm sau tôi được gọi tên sang TTHL/Quang Trung để thụ huấn giai đoạn I Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan.



Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung


            Sau khi thụ huấn hết giai đoạn I tại đây, các Khóa Sinh lên đường đi công tác, được tạm thời gắn Alpha.

           Ðoàn xe GMC chở đám SVSQ trở lại Quân trường Quang Trung sau hơn 2 tháng đi công tác chiến dịch tuyên truyền cho Hiệp Ðịnh Paris 1973.

            Chúng tôi thiểu não liệng cái ba lô nặng nề lại chiếc giường sắt 2 tầng với dáng vẽ mệt mỏi. Buối tối, mọi người được lênh tập họp ngoài sân của Liên Ðoàn để nghe sĩ quan cán bộ Tiểu Ðoàn Trưởng có đôi lời và sau đó về tập họp tại sân Ðại đội trước barrack đang ở. Chúng tôi ngồi mà buồn ngủ, đầu cứ gật tới, gật lui.

          Không có ai giơ tay lên thắc mắc, hay phát biểu ý kiến như những lần trước, mà hầu hết …hình như ai  cũng chỉ chờ “tan hàng cố gắng”.

         Tưởng là thiên hạ buồn ngủ, chờ cho tan hàng để  ..ngủ nghê. Nhưng khi tan hàng rồi mọi người lại xúm nhau chụm đầu lại chuyện trò in ỏi. Họ kể cho nhau nghe 1001 chuyện những ngày đi chiến dịch. Anh nào cũng móc bóp ra khoe hình ảnh người yêu, hình má nuôi, chị nuôi, em nuôi .., không anh nào khoe hình cha nuôi và anh nuôi!.

           Riêng tôi, mấy tháng đã quen sống thoải mái, giờ trở lại khu nhà tập thể ồn ào, đông nghẹt hơi người, tôi cảm thấy ngột ngạt, hơi khó chịu ..

          Những ngày kế tiếp, chúng tôi không ra bải tập mà ngồi học trong phòng. Lệnh của Tiểu Ðoàn bảo tất cả Khóa Sinh phải “tháo Con Cá”(Alpha) xuống, trở lại là Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan như trước.

          Trở lại ăn cơm ở nhà Bàn..ớn “ tới cổ. Bữa nào nhà Bàn cũng thu dọn cho heo ăn mệt nghỉ. Thực phẩm mang vào quân trường sau chiến dịch, đứa nào cũng còn đầy ba lô, ăn cả tuần lễ mới hết. Xuống nhà Bàn chỉ lấy cơm thôi, rồi mang sang Câu Lạc Bộ ngồi ăn.

          Những câu chuyện sau khi đi chiến dịch về, không biết nói sau cho hết. Hể đến giờ học thì tạm ngưng, giờ nghỉ giải lao (Break time), giờ tan học là thiên hạ tiếp tục quay lại “Cuốn phim tạp lục” đi Chiến dịch trao đổi với nhau. Có anh thì nói nhiều, có người lại ngồi đăm chiêu trầm ngâm khó hiểu.

          Tôi bắt đầu lấy giấy bút ra viết những bức thư gởi về thành đô cho những người tôi đã hứa. Tôi biết trước, cố gắng tránh né không “ kết” thêm những tình cảm vương vấn, mà giờ nầy vẫn phải trả nợ giấy bút..viết mỏi tay muốn rụng rời, ý là tôi cố gắng thu gọn, chỉ viết có vài dòng, viết vắn tắt cho mỗi bức thư.

          Thư viết gởi cho bạn bè, là tay tôi nó muốn  rã rời. Tôi chưa có thì giờ viết thư gới về cho gia đình của tôi nữa.

         Buối tối trong barrack như  ngày hội Tết, anh nào cũng ngồi kề bên cái rương cây đựng quần áo, bên nhọn đèn cầy cậm cụi, cấm cúi viết thư. Câu Lạc Bộ bán sạch hết đèn cầy, các “thư sĩ” phải trưng dụng đến đèn pin. Ðêm nào sĩ quan cán bộ Ðại Ðội Trưởng đi kiểm soát cũng la hét ôm xồm vì một số anh em miệt mài “gởi dòng tâm sự” qua giấy bút, không ngủ đúng giờ qui định. Anh em áp dung phương cách ngụy trang “trùm mền”, mở đèn pin, nằm xấp viết thư kín đáo.

         Buổi sáng, xếp hàng đi đến lớp học, đã có hơn phân nửa đứng sang một bên “khai bịnh” lên bệnh xá xin thuốc, chích thuốc. Anh em trong thời gian chiến dịch, đi uống “cà phê sửa”, còn “dấu sửa” mang theo quân trường. Một số khác thì cất dấu “hột xoài, hột mít” dưới háng đêm vô quân trường để trồng. Viên sĩ quan Ðại Ðội Trưởng khóa sinh phải buột miệng chửi thề:

        -“Ð.M..! Thế nầy thì học hành, tập tành cái chó gì …”

       Sau hơn một tuần lễ trở lại quân trường Quang Trung, chúng tôi được lệnh thu xếp quân trang, sang Trại Chuyển Tiếp để chờ đi quân trường khác thụ huấn tiếp giai đoạn 2.

             Cuộc chiến tranh Việt-nam lên đến hồi khốc liệt từ trước và sau “Mùa Hè đỏ lửa” năm 1972. Năm 1972, có 12 Khóa Sĩ Quan Trừ Bị chính thức và các khóa phụ xếp theo vần như khóa 4, 4A hay khóa 8, khóa 9A, 9B, 9C, hay khóa 10, 10A, 10B, khóa 12, 12A, 12B v.v…, chưa kể một số khác tình nguyện vào các binh chủng Hải Quân, Không Quân, Vỏ Bị Ðà lạt, Trường Chiến Tranh Chính Trị, Trường Cảnh Sát ..

                Ðất nước loạn ly, thanh niên xếp bút nghiên tòng quân nhập ngủ,

          “Làm trai cho đáng nên trai

            Xuống Ðông, Ðông tỉnh, lên Ðoài, Ðoài tan”

          Các thanh niên, sinh viên học sinh chúng tôi nao nức, bồi hồi trăn trở theo từng nhịp thở của thời cuộc. Lệnh tổng động viên mới của chính phủ ban hành theo đó thì thanh niên trong hạn tuổi 18 phải xong năm thứ nhất đại học, 19 tuổi phải xong năm thứ hai, hoặc là xong năm thứ nhất ở các phân khoa Kỷ Thuật. Nếu không đạt được tiêu chuẩn yêu cầu của Nha Ðộng Viên Bộ Quốc Phòng đề ra ..thì các chàng trai hãy bắt đầu nghêu ngao hát:



           …”Anh sẽ ra đi về miền cát  nóng,

           Nơi có quê hương mịt mờ khói súng …

           Anh sẽ ra đi về miền mênh mông

           Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng …”



bài hát “Trả lại em yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy và chuẩn bị bàn giao  “Ðào” cho người khác là vừa ..

              Các phân khoa đại học “trai thiếu, gái thừa”. Gần hết những thanh niên thuộc dạng bình thường trông được trai đều xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, lên đường tòng quân nhập ngủ, chỉ còn lại thành phần thanh niên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh (con trai duy nhất trong gia đình có cha mẹ gìa trên 60 tuổi) hay bị tật nguyền …

             Quân trường Võ Bị Thủ Ðức chật nức, không còn đủ chỗ chứa nữa. Tổng Cục Huân Huấn mượn đỡ trường Ðồng-Ðế Nha Trang (Trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế) để huấn luyện sĩ quan. (Có 12,000 SVSQ Trừ Bị tốt nghiệp trường Ðồng Ðế-NhaTrang và một số các SVSQ Không Quân, Hải Quân thụ huấn quân sự tại đây)

           Tiểu Ðoàn của chúng tôi được chỉ định đi đến trường Ðồng Ðế-Nha Trang.



Trường Ðồng Ðế-Nha Trang


            Chúng tôi được cấp phát cho mỗi đứa một ổ bánh mì dài độ 1’-0” và 2 hộp cá mòi Sumaco để chuẩn bị lên đường. Ðứa nào cũng hứng đầy bi đông nước và khệ nệ đeo trên vai ba lô, tay sách sacmaren (sách tay) nặng trĩu.

          Sau khi được các sĩ quan cán bộ từ quân trường Ðồng Ðế dặn dò mọi chi tiết, chúng tôi bước lên những chiếc xe GMC đậu chờ sẵn. Ðoàn xe lăn bánh rời khỏi TTHL Quang Trung vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó theo ngả xa lộ Ðại Hàn, ra xa lộ Biên Hòa rồi trực chỉ Quốc lộ 1. Có lính vỏ trang theo hộ tống và tôi nhìn thấy phi cơ L-19 thỉnh thoảng xuất hiện bay quần trên bầu trời để bảo vệ an ninh.

              Ðoàn xe đi xuyên qua các tỉnh Phan Thiết, tôi ngửi được mùi nước mắm thơm phức từ những vựa nước mắn nằm dọc theo hai bên quốc lộ; rồi đi qua địa phận các tỉnh Phan Rang, Phan Rí, nắng như lửa đốt. Ðoàn xe đi chậm lại khi đi ngang xuyên qua phố xá. Nhìn những người dân địa phương đang đi bộ trên đường bị ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt, người nào mặt mày cũng hóc hác, da đen thui đen thủi, tóc le hoe ..

           Quốc lộ 1 có một khoảng đi cặp sát theo bờ biển, một bên là núi đá. Gió biển thổi vào mát rượi, có lẫn mùi muối hăn hắc ..

          Ðoàn xe dừng lại ở một khoảng quốc lộ cạnh bờ biển, chúng tôi được phép rời xe 15’ để..”xã nước” và vương vai hít thở vài cái cho thoải mái, xong lên xe tiếp tục cuộc hành trình.

        Gần xế chiều, chúng tôi đến điạ phận Cam Ranh có bải cát trắng tinh bao bọc những hàng dừa xanh lả lơi thơ mộng. Tôi mải mê nhìn ngắm những vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất miền thùy dương mà đã nhiều lần nghe nói đến, nhưng giờ mới được diện kiến. Xe đi khoảng hơn một giờ sau thì vào đến thành phố biển Nha Trang. Ðoàn xe vẫn đi trên Quốc lộ 1, xuyên qua phố xá một đoạn, qua cầu Xóm Bóng độ hơn nửa giờ thì dừng lại ở trại Tiếp Nhận trường Ðồng Ðế-Nha Trang, nằm dưới chân đèo Rù Rì.

        Ở Trại Tiếp nhận 3 tuần lễ, chờ sắp xếp để đưa sang quân trường Ðồng Ðế. Trại Tiếp Nhận trường Ðồng Ðế không lớn bằng trại Tiếp Nhận quân trường Quang Trung. Chỉ có 6 cái barrack nằm song song, mỗi bên 3 cái. Ở giữa là sân rộng, có một nhà tiền chế cho toán kiểm sóat cổng ra vào trại. Cuối sân là dẫy nhà dùng làm văn phòng cho cán bộ phụ trách. Trại Tiếp Nhận nằm trơ trọi dưới chân đồi, không một bóng cây. Ban ngày, nắng rọi vào mái tôn, nóng hừng hực như lửa đốt, chúng tôi phải ra đứng bên hiên nhà đế tìm chút gió thoảng.

          Cán bộ trại cắt cử cho chúng tôi làm tạp dịch chung quanh doanh trại. Tối lại thì tập họp, tất cả ngồi bẹp xuống mặt đất cát, sỏi để nghe các cán bộ hướng dẫn nầy nọ và thỉnh thoảng coi văn nghệ “tài tử” tự nguyện của các Khóa Sinh chúng tôi hát cho nhau nghe đỡ buồn.

         Khoá Sinh không được phép rời khỏi khu vực trại Tiếp Nhận. Mỗi ngày có xe kéo bồn chứa nước đến vào buối sáng. Khoảng hơn 11 giờ sáng và 5 giờ chiều mỗi ngày, xe nhà Bàn chở thức ăn đến. Ăn cơm với cá biển kho, mùi cá tanh không chịu nỗi. Lính “công tử” nào nuốt không vô thì đã có các ông cán bộ và lính phục vụ nhà Bàn có mang theo thức ăn “khá hơn” để bán lấy tiền. Trời trưa nắng gắt, các ông cũng ngụy trang kín đáo mang đến cà phê đá, trà đá, lén lút bán cho các Khóa Sinh. Ðứa nào muốn mua gì gì khác, có thể nhờ các ông cán bộ nhà Bàn làm trung gian mua dùm, tính giá “văn nghệ” thôi.

         Hằng ngày, kẻng đánh báo thức 6 giờ sáng, thức dậy ra sân tập thể dục, xong đánh răng rửa mặt, chia công tác, dùng cái rà-mèn đựng cơm ăn “chà láng” giao thông hào chung quanh trại. Nếu không có thêm công tác gì thì ngồi tán dóc, kể chuyện trời trăng mây nước, hoặc đọc sách, viết thư trong lúc chờ xe nhà Bàn đến lảnh cơm ăn.

        Hơn một tuần lễ, sau khi đi công tác trở về quân trường Quang Trung, anh em phóng thư đi, giờ đã có thư lại. Thư từ Quang Trung được chuyển ra ngày nào cũng đầy ấp cả bao “chỉ xanh”  loại lớn. Khoái nhất là mỗi ngày ngồi chờ cho ông Bưu tín viên (Mail man) của trại vác cái bao to tổ bố đứng giữa sân đọc tên. Chờ cho ông ta đọc trúng cái tên cúng cơm của mình, ra lảnh thư, hối hả mở ra xem. Có anh thì ra giao thông hào, ngồi trầm ngâm đọc thư, có anh nằm xấp trên giường ngủ đọc thư, có anh ngồi dựa lưng vào vách hè barrack đọc thư …

         Tôi nhận được vài lá thư từ Sàigòn gởi ra, mừng và cảm thấy được an ủi vô cùng giữa  khung cảnh đồi núi sỏi đá nắng cháy da. Những dòng chữ thắm đượm nồng nàng tình cảm chan chứa của người hậu phương đã cho tôi có được những giây phút lâng lâng hạnh phúc hồi tưởng nhớ lại mấy tháng đi chiến dịch..



Chuẩn bị sang quân trường Ðồng Ðế.


     Ðoàn xe chở chúng tôi đi độ hơn nửa giờ, thì đến cổng quân trường Ðồng Ðế. Quân Trường Ðồng Ðế tọa lạc sát cạnh bờ biển .Ngồi trên xe, tôi nhìn thấy khoảng trống mênh mông trời nước phía trước mặt ở cuối con đường .

     Ðoàn xe đi qua cổng gát, rồi dừng lại một bên sân Vũ Ðình Trường. Cả đám Sinh Viên Sĩ Quan khóa đàn anh đang ngồi chờ, chào đón. Chúng tôi vai mang ba lô, tay xách sacramen nhảy xuống xe là đã nghe tiếng hò hét, quát tháo của cán bộ quân trường ra lệnh cho đám “Lính mới” dậm chân tại chổ, miệng đếm nhịp 1, 2, 3, 4 …1,2,3,4. Khi hàng vạn cái chân đã nhịp nhàng ăn khớp với nhau, chúng tôi bắt đầu chạy quanh Vũ Ðình Trường chào sân. Sau mấy tháng đi chiến dịch “ăn hút” phây phả, anh em đã tạm quên “mùi” quân trường, cho nên mới chạy hết 3 vòng, đã có vài “chiến sĩ” ngả gục...và lác đác kéo dài qua đến vòng thứ 4. Sang vòng thứ 5, chỉ còn lại phân nửa đang chạy mà tôi có cảm tưởng như đang.. đi bộ! Tôi cũng rán cầm cự kéo dài qua được vòng thứ 5 thì..bắt đầu thấy sao trời chớp nhá, cổ họng tôi khô như có lửa cháy; tôi rán bước thêm vài bước nữa trước khi “gục ngả” nằm dài. Cán bộ quân trường nắm áo tôi kéo đứng dậy, bảo chạy tiếp, tôi lắc đầu, ra dấu tôi đã…hết “xíu quách”, chớ tôi nói không ra lời. Mặc cho cán bộ hò hét, tôi quị người xuống chiếc “giường đất” êm ái, để cho tới đâu thì tới, chớ tôi không còn bước nỗi nữa. Biết tôi “làm thật” chớ không phải làm giả, cho nên cán bộ quân trường “thông cảm” cho tôi nằm luôn tại chổ giống như bao nhiêu chiến sĩ  khác...Tôi nghĩ anh nào mà còn ngoan cố dấu “hột xoài hột mít” dưới háng hay cà phê sửa mang theo từ Quang Trung ra Ðồng Ðế, có lẽ cũng..văng hột, xịt sửa ra ngoài, khỏi cần chờ ban Quân Y quân trường trao quà tặng 100 đến 500 ngàn đồng, tiền thưởng cho “chiến sĩ xuất sắc”!

     Sau một lúc nằm dài thẳng cẳng, các chiến sĩ  mới lác đác cục cựa mò cái bi đông tìm nước uống. Cán bộ quân trường ngồi ..rình, vừa thấy chúng tôi tay chân “mó máy”, bảo đứng dậy chạy tiếp. Vòng chạy đợt nhì nầy gây cấn hơn lần đầu. Cán bộ hướng dẫn hò hét dữ tợn hơn, vừa chạy theo sau lưng đếm nhịp, vừa đẩy người tôi đi tới. Tôi đi gần được một vòng thì thấy “ngàn sao”..và hết biết gì chung quanh nữa…

     Màn ra mắt Quân Trường chỉ có vài tiếng đồng hồ thôi, một số anh em chúng tôi ê ẩm cả long thể.



     Ba tuần lể huấn nhục bắt đầu sau 2 tuần chúng tôi đến quân trường Ðồng Ðế. Trong 3 tuần nầy, chúng tôi phải chịu nép mình chấp hành những qui luật của quân trường, thi hành những hình phạt, biểu gì làm nấy, bảo sao làm vậy.., phải thi hành, không được phản đối cũng như có ý kiến. Phải chịu đựng những kham khổ. Chúng tôi được cắt cử làm những công tác mà tay chân phải đụng chạm với bùn sình, chất thải dơ bẩn, không được phép thay quần áo, tắm rửa, để nguyên áo quần dơ và mang giầy vớ dơ ngủ một đôi ngày. Chân nhớt nhợt vì chất bẩn tồn động trong đôi vớ thối, nơi các ngỏ ngách thoát mồ hôi, chổ tiếp giáp của thân thể với tứ chi không được vệ sinh nên ”lên men”..cũng nhớt nhợt, phát ra mùi khó ngửi và ngứa ngái khó chịu vô kể. Chúng tôi không được nhân thư từ, không gặp gở, tiếp xúc với ai, ngoài những người bạn đồng ngủ và sĩ quan Ðại Ðội Trưởng Khóa sinh. Không được đi đến Câu Lạc Bộ, không hút thuốc lá …

     Một số khoá sinh không chịu đựng nỗi gia đoạn huấn nhục đã bỏ cuộc nửa chừng, hoặc vì quá bức xức, quá sức chịu đựng của mình nên nổi khùng không kềm chế được mình, gây nên những hành động đáng tiếc ..

     Hết 3 tuần lễ huấn nhục là một cuộc di hành từ trường lên đến đỉnh núi Ðồng Ðế có cái tượng “thằng Cù Lần” trên chót vót.

      Không biết 2 câu thơ:

       “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,

        Em nằm xõa tóc đợi chờ anh”

Do ai là tác giả? Và đã có từ lúc nào để diển tả khung cảnh bức tượng cao khoảng 25m, đúc bằng ciment, sơn màu trắng, đứng ở thế “nghỉ” của nhà binh đặt trên đỉnh núi; bên

dưới chân của bức tượng là đường nóc của những dãy núi thấp. Ðứng phía xa xa từ hướng thành phố Nha Trang, nhìn giống như những đường nét của một người phụ nữ, đang ở thế nằm nghiêng, tóc xõa dài.. đợi chờ ..

       Vượt qua được ngọn núi cao để đến đỉnh đồi, rồi đi trở xuống lại chân núi, cũng phải đổ nhiều mồ hôi vì vai mang ba lô, đầu đội nón sắt cùng súng ống, đạn dược nặng nề.

       Từ sáng sớm, các Khóa Sinh rời trại, di quân theo hàng dọc đường ra Ba Làng đến Bải Tiên vòng theo chân núi, một bên là vách đá, một bên là bờ biển. Buổi sáng sớm, thủy triều xuống thấp, bải cát dài, rộng, có lẫn đá lớn nhỏ lỏm chỏm. Ði khoảng 3 km, rẽ sang con đường mòn, đi leo lên những triền dốc. Có lúc gặp con dốc hơi thẳng đứng, Khoá Sinh phải rán khom lưng, hoặc bò, hay dùng đủ phương cách để vượt qua. Ì ạch theo chân các bạn mình, đến xế trưa, tôi cũng được “ôm chân” thằng Cù Lần. Một sĩ quan cán bộ ngồi sẵn ở dưới chân bức tượng ghi tên, ghi danh số để biết người nào đã đến nơi, người nào còn “chém vè” ở lưng chừng núi.

       Trên đường xuống núi thì đỡ vất vả hơn lúc leo lên. Cứ đổ dốc mà..chạy! Có lúc dùng bàn tọa ngồi cho trượt xuống núi, và biết chắc là về barrack sẽ ..bỏ cái quần!

      Xế chiều, tất cả các Khóa Sinh tập hợp đầy đủ dưới chân núi. Sau khi sĩ quan cán bộ kiểm điểm xem còn em nào ở nán lại để tâm sự với thằng Cù Lần không? Ðầy đủ quân số rồi, chúng tôi trở về trại lúc trời nhá nhem tối.

       Anh em được tắm một bữa thả dàn, để chuẩn bị sáng hôm sau mặc quần áo sạch sẽ, nguyên bộ vãi kaki mầu vàng nâu, có thắc cravat, đầu đội mũ lưỡi trai, dự lễ gắn Alpha, chánh thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan.

      Sau buổi lễ gắn Alpha, chúng tôi được đi phép và phải trở lại quân trường lúc 6 giờ chiều cùng ngày .

      Khu Tiếp Tân tọa lạc kế bên bờ biển, nằm một bên, phía trước cổng chính của quân trường Ðồng Ðế đông nghẹt thân nhân của các SVSQ đến thăm. Tôi thì..ra Nha Trang không có thì giờ đi dạo phố phường, chưa quen cô nào hết và gia đình lại ở xa nên..không có ai đến thăm!

      Tôi thả bộ đi vòng vòng khu Tiếp Tân, nhìn thiên hạ lao xao một lúc rồi tấp vô ngồi nơi mấy cái quán cốc che tạm bằng những miếng vải nylon do vợ con của các nhân viên cơ hữu đang phục vụ trong quân trường bài bán thức ăn uống làm một bụng cho đả thèm, xong tôi la cà xuống những quán cốc khác bán dừa tươi dọc theo bải cát, chọn cho mình được một chiếc ghế bố, ở một vị trí mát mẻ, tôi ngồi nhìn ra khơi trời nước bao la, nghe sóng vỗ rì rào, gió vi vu nhăm nhi nước dừa ngọt, mát rượi. ./.

Minh Vũ 

     Chú thích : Người viết chỉ nhớ man mán tới đâu viết ra tới đó. Quí vị cựu SVSQ Ðồng Ðế nào còn nhớ chi tiết nào bổ túc thêm cho để anh em cùng chia sẻ những ngày mới vừa “Xếp áo thư sinh từ giả kinh kỳ”.
Ða tạ

Wednesday, September 27, 2017

Bình Luận về phim Việt Nam War / Vì sao chính quyền cộng sản sợ hãi bộ phim "Chiến Tranh Việt Nam"

BBC Đại Tá Vũ Văn Lộc Phan Nhật Nam Việt Vùng Vịnh Ngô Kỷ Phim Vietnam War Preview Vietnamese vs vietnamese Lynn Novick emotional interview

CÁI MIỆNG LÀ CÁI DUYÊN MÀ CŨNG LÀ CÁI VẬN...

Cái miệng là cái duyên mà cũng là cái vận; có cái miệng biết nhả ngọc phun châu, lại có cái miệng biến thành lời dao kiếm. Bởi vậy, miệng không chỉ là một đường nét trên khuôn mặt, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến phúc phận của một người phụ nữ. Người phụ nữ càng nói năng dịu dàng thì càng có phúc phận.
Trong cuộc sống, có một kiểu phụ nữ luôn may mắn hơn những người khác, đó chính là phụ nữ biết nói lời dịu dàng.
Bất kể trong trường hợp nào, người phụ nữ như vậy cũng luôn biết hành xử theo hoàn cảnh, sảng khoái nói năng, chỉ đôi ba câu đã có thể cho người ta cảm giác của sự thông minh tài giỏi.
Người phụ nữ như vậy, biết rằng lúc nào cần phải khéo léo ngọt ngào, lúc nào cần phải thẳng thắn cương quyết. Khi cần, họ có thể biến những lời tựa như đao kiếm thành những cơn mưa phùn dịu nhẹ, biến bầu không khí căng thẳng trở nên thoải mái nhẹ nhàng. Không cần đến dung mạo lay động lòng người, không cần đến sắc đẹp cá lặn chim sa, chỉ cần dựa vào lời nói dịu dàng, họ có thể khiến lòng người như tắm mát gió thu.

Một người phụ nữ biết nói chuyện, hơn nữa là nói những lời tốt đẹp, tự nhiên sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt, là người phụ nữ thông minh sắc sảo ai gặp cũng thấy quý mến; họ vừa biết cách khiến cho gia đình vui vẻ, vừa khiến cho người thân bạn bè hân hoan, lại vừa được các đồng nghiệp nhiệt thành chào đón.
Người phụ nữ càng dễ dàng ăn uống thì càng thêm hạnh phúc. Ngày nay, có rất nhiều người vất vả với việc ăn kiêng giảm cân, nhưng lại rất ít người nhớ đến câu nói của ông bà ta xưa kia, rằng: “Ăn được là phúc”.
Người phụ nữ có thể vô tư ăn uống, không câu nệ vào món nọ món kia, thì không chỉ có thể trạng tốt mà tinh thần cũng luôn vui vẻ. Việc ăn uống tưởng như không quan trọng, thật ra lại gắn bó chặt chẽ với tố chất thân thể mỗi người. Thân thể khỏe mạnh, tinh thần cũng sảng khoái vững vàng. Rất nhiều người đợi đến lúc lâm bệnh rồi, hoặc già cả rồi, mới nhận thấy ăn được ngủ được là chuyện xa xỉ biết chừng nào.
Người phụ nữ “thích ăn” là người biết tận hưởng cuộc sống. Sống điềm nhiên tự tại, mà ăn uống cũng tự tại điềm nhiên, đừng vì nỗi lo sợ thể hình hay chương trình giảm cân nào đó mà khiến cho việc ăn uống trở thành áp lực nặng nề. Làm được như thế, thì cuộc sống cũng sẽ trở nên muôn màu muôn vẻ hơn.
Một người có thể ăn uống vui vẻ sẽ có được cảm giác yêu đời và sống hạnh phúc hơn. Người như vậy thường lạc quan tích cực, giỏi về việc tìm kiếm niềm vui từ trong những việc nhỏ nhặt của cuộc sống.
Biết tận hưởng đời người, cuộc đời này mới không lãng phí. Người phụ nữ như vậy, ngày tháng sẽ ngày càng hạnh phúc.
Người phụ nữ khéo nói là người có vận khí, người phụ nữ giỏi ăn là người có phúc khí. Cái miệng nắm giữ ăn nói và nhân duyên của một người. Phúc vận của người phụ nữ, toàn bộ đều ở nơi cái miệng mà thành.
Vui vẻ trò chuyện, vui vẻ ăn uống, làm một người phụ nữ có phúc khí thật ra lại đơn giản bất ngờ ...
Như Nhiên

Tuesday, September 26, 2017

Tịnh Tâm và Tịnh Khẩu


Tôi dọn về khu nhà nầy Noel 84 như thế cũng đã 33 năm trôi qua, khu vực yên tỉnh, khí hậu thật tốt và gần trường học, cả trường Tiểu học và trường Trung Học nhờ thế mà 2 thằng nhóc đi học thoải mái, rồi mấy người bà con cũng mượn địa chỉ để ghi danh cho con đi học vi khu trường học rất tốt.
Khi mới về đây đa số là người Mỹ trắng cao niên hưu trí, có vài gia đình người Nhật và họ sống đây từ lâu, ở đầu đường phía bên trái có một bà người Mỹ gốc Đài Loan chắc ở đây từ lúc bé và mỗi ngày bà hay đi bộ ngang nhà và chào hỏi rất niềm nỡ, thỉnh thoảng Bà đứng lại và nói chuyện mưa nắng thời tiết. Lúc Bà mất mới biết Bà là Dược Sĩ nỗi tiếng với nhiều bằng phát minh như Tylenol hay Advil gì đó, bên trái là nhà của Ông Giáo Sư người Nhật dạy ở UCLA và đối diện 1 gia đình Mỹ Trắng và 2 gia đình người Nhật, bây giờ nhìn lại con đường những gia đình quen ngày trước hầu như không còn nữa, có người thì dọn đi có người thì gìa yếu và bệnh chết sau 33 năm tôi trở thành người thâm niên nhất trên con đường này.
Dạo ấy người Á Đông và các nước Trung Đông chưa vào Hoa Kỳ nhiều, không ngờ khu này là sư tổ của kỳ thị, người agent bán nhà còn tuyên bố một câu xanh dờn “anh cứ lái xe 5, 7 block đường nếu thấy 1 nhà của dân da màu tôi sẽ hoàn trả tiền cọc, còn những người bán nhà nếu thấy người da màu vào mua thì họ tìm mọi cách từ chối’ cho đến bây giờ tôi cũng không thấy người da màu ở khu vực này và khu này lúc ấy có vài gia đình Á đông mà thôi.
Tôi ở đây được khoãng chục năm thì đầu đường Ông Giáo Sư già Mỹ Trắng để bản bán nhà và sau đó thấy một gia đình Á đông dọn vào và sau này mới biết là gia đình người Việt Nam và ít giao thiệp bên ngoài mỗi khi đi ngang qua nhà tôi chào và chỉ có người vợ chào lại còn người chồng thì làm thinh. Gia đình này  cũng có 2 đứa con trai cũng cùng tuổi với các con của tôi và các cháu cũng rất ngoan và hiền, sau khi học xong Trung Học thì cậu con trai đầu của gia đình này vào Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Một hôm có một Trung Sĩ Hậu Duệ VNCH trong Quân Lực Hoa Kỳ ở Chiến Trường Iraq, chào quốc kỳ VNCH trong doanh trại và gửi lá Quốc Kỳ về treo tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và tôi có đến nhà ngỏ ý mời cháu với vinh dự kéo Quốc Kỳ VNCH tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ trong buổi lễ Thượng Kỳ từ đó mới biết gia đình cháu là bà con với bạn thân tôi cùng đơn vị ở Quận Cam cũng không ai xa lạ gia đình Chú của Th/Tướng Lương Xuân Việt và người chủ gia đình này cùng khóa 25 Võ Bị với bạn thân tôi và anh luôn mặc áo nâu song và tu theo tịnh khẩu.
Mỗi ngày nhìn gia đình của hàng xóm như nhắc nhở trong đời sống lắng nghe và càng ít phát biểu càng tốt nếu không phát biểu lại càng tốt hơn.