Thursday, May 31, 2018

Sự thật mất lòng ! Minh Huy

Nhà báo Mỹ, Joel Brinkley, đang bị cú ném đá tập thể trên mạng vì bài báo mới đây của ông trên tờ Chicago Tribune. Ông mở đầu như sau: “Chẳng cần ở Việt Nam lâu bạn cũng có thể nhận thấy một điều bất thường.. Bạn không nghe thấy tiếng chim hót, không thấy sóc leo trèo trên cây hay chuột chui rúc trong các đống rác, không thấy chó chạy ngoài đường. Sự thật là, bạn không nhìn thấy con nào, thú hoang hay thú nuôi. Chúng đi đâu hết rồi? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: phần lớn đã bị ăn thịt.”
Gọi là cuộc ném đá tập thể có quá đáng không khi mà người ta liên tục xỉ vả, chửi bới ông thay vì viết bài biện luân, phản bác những điều ông viết. Xa hơn nữa, người ta còn lập những trang web, ký kiến nghị đòi ông xin lỗi, yêu cầu trường đại học Stanford, nơi ông đang là giáo sư môn báo chí, sa thải ông vì những nhận xét của ông bị cho là “chủ quan” và “làm tổn thương một dân tộc.”
Ở Việt Nam chưa từng có những cuộc nghiên cứu khoa học về cách ăn uống của người Việt, mà đâu đó thỉnh thoảng chỉ xuất hiện những bài phóng sự bằng mắt, bằng hình của cánh nhà báo về phong cách ẩm thực của các vùng, miền, các món ngon vật lạ đó đây, những món ăn bổ dương bổ thận “ông khỏe bà vui”…
Vì không có những nghiên cứu khoa học nên không thể dùng luận cứ khoa học để phán xét nhận định của Joel Brinkley, mà phải dùng con mắt quan sát như Joel Brinkley đã làm sau chuyến thăm Việt Nam hai tuần. Ông đã ngạc nhiên thốt lên rằng người ta ăn cả thịt chó và thịt chuột. Chó, chuột là món ăn “truyền thống” rồi, có gì đâu mà ông hoảng hốt vậy, nếu ở lâu hơn chút nữa ông sẽ phát khiếp khi phát hiện ra người ta ăn cả voi, cọp, khỉ, rắn, rít, chim chóc, cóc, nhái, ễnh ương, cào cào, châu chấu, đuông, nhộng, dòi, bọ… với nhiều cách ăn tàn bạo khác nhau. Nói chung con gì nhúc nhích được thì cho lên bàn nhậu, kể cả con người, không biết có xảy ra ở Viêt Nam chưa nhưng ở Trung Quốc đã phát hiện nhiều trường hợp ăn bào thai hầm thuốc bắc.
Thật vậy, nếu đi một vòng từ Nam chí Bắc, đâu cũng thấy những nhà hàng, quán nhậu “đặc sản” mọc lên như nấm. Ở đây không thiếu thịt con gì từ dưới sông, dưới biển, trên rừng, trên trời, hay dưới lòng đất. Thịt ngon hay dở khoan bàn, miễn càng hiếm thì càng mắc, càng tươi càng được ưa chuộng. Vì vậy mà người ta sẵn sàng nhổ lông, vặt cánh, chặt đầu, cắt cổ, lột da… trước mặt thực khách để chứng minh mức độ tươi sống của miếng thịt.
http://exlurosg.net/wp-content/uploads/2013/03/cunemdatapthe2.jpg
Theo báo điện tử Giáo Dục Việt Nam số ra ngày 24/07/2012 trong bài “Những câu chuyện ám ảnh về nạn săn bắt và ăn thịt voọc” có đoạn viết: “Khi mang những con Voọc đem về nhà, tay đao phủ cắt động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hủ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng. Sau đó họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung..”
http://exlurosg.net/wp-content/uploads/2013/03/cunemdatapthe3.jpg
Mới năm ngoái trong một bài phóng sự trên VNexpress có mô tả cảnh hai thanh niên cầm dao chuẩn bị chặt đầu con voọc thì nó chắp hai tay lạy xin tha mạng nhưng rồi đầu nó vẫn lìa khỏi cổ. Gần đây có người từ Việt Nam qua kể lại rằng: tại một nhà hàng ở Chợ Lớn có tay đầu bếp từ Hong Kong trổ tài điệu nghệ chiên xù con cá, cái mình vàng rươm mà cái đầu còn nhúc nhích với hai mắt mở trừng. Khi đĩa cá chiên dọn lên bàn, thực khách đưa đũa gắp thì cặp mắt cá hãy còn chớp chớp như hỏi rằng: quý ngài xơi thịt của em có thơm không?
Trên báo điện tử Pháp Luật Xã Hội có bài “Rợn người những món ăn “bổ dương” của quý ông Việt”, mô tả đầy đủ những món ăn dã man như óc khỉ với những trích đoạn như sau: “Theo cách suy nghĩ của những người ăn thịt khỉ “sành điệu” thì ăn óc khỉ còn sống mới là dân nhậu thứ thiệt. Lúc con khỉ còn sống, họ thường dùng một thanh gỗ đập mạnh vào đầu con vật cho nó giãy dụa rồi chết hẳn. Sau đó, chỉ cần thêm gia vị vào hộp sọ khỉ và dùng muỗng múc ăn. Mặc cho sự dã man, họ vẫn quan niệm rằng mọi thứ của khỉ đều bổ, với thịt khỉ thì “ăn gì bổ nấy”; hay rợn người với món chuột bao tử: “Nhiều người đồn đại rằng, chuột đồng bao tử (chuột con mới đẻ còn đỏ hỏn, chưa mở mắt) là món ăn “độc nhất vô nhị”, là vị thuốc bổ thận có một không hai của Từ Hy Thái hậu ở Trung Quốc. Theo lời đồn này, nếu mổ bụng con chuột cái đang mang thai, moi chuột con đỏ hỏn bên trong ra, nhúng qua nước sôi đưa vào miệng ăn tươi nuốt sống thì sẽ mang đến công dụng kỳ diệu cho đàn ông”; hoặc kinh khủng không kém với bào thai rắn: “Một món ăn khác được đàn ông Việt săn tìm khiến ai cũng phải lạnh sống lưng khi nhìn thấy, đó là bào thai rắn. Theo mô tả của một quý ông đã từng nếm thử thì bào thai rắn thực chất bao gồm một rổ trứng – rõ ràng là trứng, nhưng hơi nhỏ, lại có màu ngả sang màu xanh nhạt. Bề ngoài giống trứng cút hoặc trứng chim bồ câu nhưng có giá cắt cổ, mỗi quả lên đến vài trăm nghìn đồng. Nếu đập vỡ quả trứng ra, sẽ thấy một con rắn bé tí như đầu đũa ngo ngoe như con giun đất.”
Mấy năm gần đây trong nước xuất hiện nhiều danh từ mới như “sa tặc”, “cẩu tặc”, “ngư tặc”…, nay có thêm “cầm tặc” là những tay săn chim bừa bãi với suy nghĩ chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn. Họ lùng sục ngày đêm để bắt từng đàn chim hàng ngàn con mỗi ngày cung cấp cho nhà hàng, quán nhậu. Những tấm lưới khổng lồ giăng khắp cánh đồng với giàn âm thanh hiện đại phát ra tiếng chim kêu mà con người còn không phân biệt nổi thật giả huống chi là loài thú. Từng đàn chim đang soải cánh trên bầu trời xanh, bỗng nghe tiếng kêu đồng loại bèn sà xuống lao thẳng vào tấm lưới oan nghiệt, để rồi vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nếu ai đó thử vào google gõ mấy chữ “nạn săn bắt chim ở Việt Nam” thì trong tích tắc sẽ xuất hiện vô số bài tường thuật hầu hết được đăng tải trên các báo trong nước. Đơn cử vài bài với những tựa đề như sau: “Vườn chim Bạc Liêu chỉ còn là dĩ vãng”, “Đồng Tháp Mười: Báo động nạn săn bắt chim cò bằng “câu trời”, “Hà Nam: Nạn săn bắt “hồn quê”, “Nạn săn bắt chim, cò ở Nghệ An gia tăng”, “Quảng Nam: Chim rừng đang “khóc” với nạn săn bắn, bẫy! – CAND”. Với lối săn bắt vô tội vạ như được mô tả trong những bài báo trên thì Tố Hữu có sống lại cũng chào thua, vì làm gì có “hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim”, hay Hoàng Giác phải sửa lại lời hát bài Ngày Về thành “tung cánh chim tìm về lò nướng”.
Là người Việt Nam ai không khỏi chạnh lòng khi ông nhà báo nước ngoài phán một câu dễ đụng chạm tới tự ái dân tộc: “Người Việt Nam ăn nhiều thịt nên tánh tình nóng nảy hay gây sự.” Trên thế giới chưa có báo cáo khoa học nào chỉ ra sự liên hệ giữa thức ăn và tính tình của một sắc dân hay nhóm người, vậy thì lại phải soi xét lập luận này qua con mắt quan sát và óc phân tích nặng phần tâm lý. Hãy lấy loài vật làm thí dụ: con nào ăn thịt có chiều hướng hung hăng hơn những con không ăn thịt. Cọp, beo, sư tử, chó sói chắc chắn hung dữ hơn hơn trâu, bò, ngựa, thỏ. 
Điều này có thể áp dụng với con người hay không còn là câu hỏi lớn mà nhiều nhà xã hội học và tâm lý học đã và đang nghiên cứu. Có ông bỉnh bút lớn biện luận rằng, trung bình mỗi người Việt Nam ăn 41 kg thịt mỗi năm trong khi người Luxembourg ăn 136 kg mỗi năm mà đâu thấy họ hung hăng gây hấn với nước nào đâu. So sánh như vậy là khập khiễng chăng, vì hai nước có hai vị trí địa lý khác nhau, kẻ thù khác nhau, môi trường sống khác nhau, đời sống kinh tế khác nhau, mức độ văn minh khác nhau thì làm sao mà có cách hành xử như nhau được. Hơn nữa, ăn thịt ít hay nhiều, nếu có, chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định tính tình nóng nảy của con người, trong khi cách thức người ta giết con vật để ăn góp phần quan trong hơn. Ở các xứ văn minh sẽ khó mà tìm ra cảnh đâm trâu, đập đầu chó, thọc huyết heo, chặt đầu khỉ, lột da rắn… ở nơi công cộng, trong khi ở xứ ta những hình ảnh ghê rợn này xảy ra hàng ngày khắp mọi nơi, trước mặt trẻ con, nhất là ở những lễ hội dân gian có hàng ngàn người tham dự. Có lúc việc tử hình phạm nhân còn được thi hành nơi công cộng để nâng cao tính răn đe, trong khi lúc ra tòa thì xử kín. Điều không thể chối cãi là khi con người, nhất là trẻ con tiếp xúc hàng ngày với bạo lực thì sẽ bị bạo lực chi phối và sẽ có hành vi bạo động.
Văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ẩm thực không có chỗ đứng cho lối ăn uống ghê rợn, tàn sát sinh vật, tiêu diệt môi trường vô tội vạ như đã và đang diễn ra hiện nay. Đem văn hóa ra làm bình phong để biện minh cho hành vi thiếu văn minh là mang tội hủy diệt văn hóa. Hiện có hàng ngàn bài báo cáo, phê bình, cảnh cáo hiện tượng ăn nhậu này mà chưa tác giả nào bị ném đá như Brinkley. Phải chăng vì ông là người ngoại quốc? Chuyện ông viết là chuyện ở làng ở huyện ai cũng biết rồi nhưng tại sao Brinkley lại chịu nhiều búa rìu dư luận như thế? Phải chăng vì ông là nhà báo nổi tiếng có học vị giáo sư và điều ông viết ra có tầm ảnh hưởng thế giới? Lòng tự tôn dân tộc nếu đặt không đúng chỗ sẽ làm tổn thương dân tộc. Người Việt Nam nên coi đây là bài học nhằm thay đổi tật xấu của mình để hòa hợp với nếp sống văn minh của cộng đồng nhân lọai. Lời thật dễ mất lòng, mong lắm thay!
Minh Huy

Triều Tiên thống nhất có gì? - Tự Minh

 Cuộc gặp giữa Kim và Moon. (Ảnh: Korea Summit Press Pool)
 
Kể từ khi xảy ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-Un được dấy lên, người ta lại bắt đầu hi vọng về một nước Triều Tiên thống nhất.
Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất sẽ đưa lại hòa bình và sự ổn định cần có cho khu vực châu Á. Tuy nhiên, nước Triều Tiên thống nhất chắc chắn cũng sẽ thay đổi cục diện kinh tế và chính trị trong khu vực.

Một nước lớn mới ở châu Á sẽ hình thành

Hai nước Triều Tiên tách riêng đều có thể nói là có diện tích vô cùng bé nhỏ thì sau khi hợp nhất sẽ có diện tích gần bằng với Lào, sẽ đứng thứ 24 trên tổng số hơn 50 nước ở châu Á.
Theo dữ liệu của The World Factbook phát hành bởi CIA, với diện tích trên đất liền là 220.447 km2, nước Triều Tiên thống nhất sẽ là nước có diện tích lớn thứ 84 thế giới.
Về mặt kinh tế, tổng thu nhập quốc dân (GDP) của nước Triều Tiên thống nhất sẽ bắt đầu bằng con số 1.427 tỷ đô-la, xếp hạng 11 trên thế giới, trong đó phần lớn được đóng góp bởi Hàn Quốc.
Theo các nguồn tổng hợp của tạp chí Newsweek, kim ngạch thương mại của Bắc Triều Tiên chỉ khoảng 6,6 tỷ đô-la, so với 1.050 tỷ đô-la của Hàn Quốc (số liệu năm 2017 do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố).

GDP Han Quoc, GDP Trieu Tien GDP và kim ngạch thương mại của Nam – Bắc Hàn. 
(Nguồn: TradingEconomics, Newsweek, Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc)
Theo dữ liệu của World Bank, nước Triều Tiên thống nhất sẽ có dân số là 76,62 triệu, đứng thứ 20 trên thế giới. Đặc biệt, nếu tính gộp số binh sĩ trong quân đội hai nước, sẽ có tổng số lên đến hơn 1,5 triệu quân, đứng thứ 2 thế giới.

Dan so Trieu Tien, Binh linh Trieu Tien 
Dân số và binh lính trong quân đội. 
(Nguồn: WorldBank, Global Firepower)

Tương lai phồn vinh sau thống nhất?

Chặng đường thống nhất, trước hết là về mặt kinh tế, sau đó là mặt chính trị chắc chắn sẽ còn rất gian nan và tốn kém.
Cần tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đô-la Mỹ để xây dựng một đất nước ổn định, song Nam – Bắc Triều Tiên cũng có rất nhiều cơ sở thuận lợi để cùng nhau đạt được phồn vinh.


Nghiên cứu của the Economist phiên bản Hàn Quốc lưu ý rằng Bắc Hàn có nhiều trữ lượng kim loại đất hiếm – một vật liệu mà các công ty công nghệ có nhu cầu cao để sản xuất các sản phẩm công nghệ.
Ngành sản xuất chế tạo và ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc chắc chắn sẽ được lợi rất lớn khi có thể tiếp cận với nguồn Molybdenum chống ăn mòn hay đá Baryte dùng trong sơn công nghiệp và màn hình LED.
Chưa tính đất hiếm, the Economist ước tính giá trị của các khoáng sản cơ bản của Bắc Hàn như than đá, đồng… có từ 6 tới 10 ngàn tỷ USD..
Than đá là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế Bắc Hàn. Các chế tài quốc tế gần đây áp đặt lên việc mua bán mặt hàng than của chế độ Bình Nhưỡng được cho là đã “bóp nghẹt” nền kinh tế của nhà nước cộng sản này.

Khoang san Trieu Tien
Bản đồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam – Bắc Triều Tiên. (Nguồn: Newsweek)
Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng số lượng lao động đủ điều kiện trong nền kinh tế Nam Bắc Hàn thống nhất. Các tập đoàn tại Hàn Quốc – trong đó có một số công ty lớn như Huyndai – đã bắt đầu chuẩn bị để hưởng lợi từ lực lượng lao động mới này.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu (Think tank) Chính sách Đối ngoại của Hàn Quốc, sau khi thống nhất, trong vòng 12 năm, GDP của Bắc Hàn sẽ tăng trưởng khoảng 16% một năm, trong khi tăng trưởng của Hàn Quốc cũng sẽ thêm 1% mỗi năm.

Thay đổi cơ cấu kinh tế

Theo tầm nhìn của phía Hàn Quốc đưa ra trong “Bản đồ Kinh tế mới của bán đảo Triều Tiên”, hai miền Triều Tiên sẽ cùng nhau thiết lập 3 “vành đai” kinh tế.
Vành đai bờ biển phía Đông để phát triển ngành năng lượng và khai khoáng (khai tha'c khoa'ng san?). Vành đai bờ biển phía Tây để phát triển ngành giao thông và vận tải. Vành đai biên giới đi dọc theo biên giới đất liền hiện có giữa hai miền để phát triển du lịch.

Vanh dai phat trien kinh te Trieu Tien
Ba vành đai phát triển kinh tế. (Nguồn: Newsweek)
Người Hàn Quốc thường nói đùa với khách nước ngoài rằng nước họ là một hòn đảo. Nguyên nhân là do họ không thể đi đến bất cứ nước nào khác bằng đường bộ.
Nước Triều Tiên thống nhất sẽ tạo ra các khả năng giao thương mới mà người Hàn Quốc trước đây chưa dám nghĩ đến.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng của cả hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Hệ thống đường cao tốc hay đường sắt nối liền Seoul đi qua Bình Nhưỡng để đến Bắc Kinh là viễn cảnh hoàn toàn khả thi.

alt 
Cơ cấu kinh tế hiện tại của 2 miền Triều Tiên. Nguồn: Newsweek

Ngành xây dựng và năng lượng đã khá phát triển của Nam Hàn sẽ có thị trường mới. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế tạo vốn đã là thế mạnh của Nam Hàn, ngành khoáng công nghiệp của Triều Tiên thống nhất sẽ phát triển nhanh chóng.

Rủi ro cho Việt Nam?

Việc các ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tìm thấy một miền đất hứa mới cho nguồn lao động giá rẻ hoàn toàn có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2017, chỉ riêng Samsung đã chiếm một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp như Samsung, LG… đã tìm đến Việt Nam như một giải pháp hoàn hảo thay thế cho các nhà máy của hãng này ở Trung Quốc nên họ hoàn toàn có khả năng tiếp tục di chuyển nếu có một nơi khác có nhiều ưu đãi hơn.


Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tính đến sự thay đổi trong chính sách đối với bên ngoài của Nhật Bản.
Nhật Bản vẫn là một nước chi nhiều viện trợ ODA cho Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất tích cực trong việc đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất, Nhật Bản chắc chắn không thể từ bỏ vai trò quan trọng của mình trong sự chuyển đổi này.

alt
Đối tác thương mại của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. 
Nguồn: Reuters, Newsweek
Trong hội nghị Trung-Nhật-Hàn vừa qua, ông Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Bắc Hàn nếu vấn đề hạt nhân, tên lửa và bắt cóc con tin Nhật Bản được giải quyết hoàn toàn.
Với vị trí địa lý vô cùng gần Triều Tiên, để duy trì tầm ảnh hưởng, Nhật Bản chắc chắn không thể làm ngơ trước các đòi hỏi đầu tư để tái thiết Bắc Hàn. Hơn nữa, việc đầu tư vào Bắc Hàn chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Việc Nam Bắc Triều Tiên thống nhất sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài để phát triển khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam chắc chắn cũng cần có những sự thay đổi hợp lý để có thể thực sự hưởng được giá trị từ biến động này.
Tự Minh
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/trieu-tien-thong-nhat-co-gi.html

Sau 10 năm ‘kiềm kẹp’ của Bắc Kinh, người Tây Tạng mất dần ngôn ngữ

Ảnh trái: Hiện diện an ninh dường như bớt đi trong các lễ hội thường niên xung quanh các ngôi chùa Tây Tạng tại Tongren, tỉnh Qinghai (Nikkei), Ảnh phải: Kumbum Monastery,còn gọi là tu viện Taer ( Ta’er Monastery) (Ảnh: chinadiscovery)
 
Bị Trung Cộng xâm lược vào năm 1950, người Tây Tạng đã trải qua vài lần nổi dậy nhưng bất thành. Đã 10 năm kể từ cuộc nổi dậy gần đây nhất, khu vực này dường như đã ổn định trở lại nhưng người dân tại vùng đất được coi là Thánh địa Phật giáo này đã mất đi nhiều điều quý giá.
Từ thời điểm quân đội Trung Cộng triển khai quân đội tại cả hai khu vực Vùng tự trị Tây Tạng (Tibet Autonomous Region) và tỉnh lân cận Thanh Hải vào năm 2008, khu vực dường như đã ổn định trở lại. 
Hiện nay dấu hiệu căng thẳng dân tộc dường như rất ít sau 10 năm. Đáng chú ý, hành vi tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Cộng ngày càng hiếm hoi.
Tại Tu viện Taer (Taer Monastery), một thánh địa của dòng Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat) của Phật giáo Tây Tạng nằm tại ngoại ô thủ phủ tỉnh Thanh Hải của Xining, nhiều người dân gần đây đã cung cấp những dịch vụ cho khách du lịch với vai trò hướng dẫn viên.
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi, đã giải thích ý nghĩa lịch sử và tôn giáo của nhiều hình ảnh Phật trong đền thờ, nói rằng tất cả các hình ảnh và tài liệu liên quan tới lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong, Đạt Lai Lạt Ma, đã bị chính quyền cấm và xóa bỏ. Bởi Trung Cộng coi Đạt Lai Lạt Ma là một người ly khai và là một kẻ thù của nhà nước. 
Tây Tạng
Mất dần ngôn ngữ riêng
Khi được hỏi người dân Tây Tạng nghĩ gì về lệnh cấm, người phụ nữ hạ giọng nói “Chúng ta hãy nói về chủ đề đó sau”. Đi ra xa ngôi đền, đến nơi có rất ít người xung quanh, người phụ nữ mới sẵn sàng trả lời câu hỏi. “Tôi kính trọng Đạt Lai Lạt Ma, nhưng chúng tôi không thể trưng bày ảnh của ông ấy vì những lý do chính trị”, cô cho biết. “Vì chính phủ sẽ không cho phép điều đó, chúng tôi không thể làm điều gì cả”, cô bổ sung và có chút xúc động. 
Người phụ nữ kiếm sống bằng cách làm hướng dẫn viên cho các khách du lịch người Hán từ Trung Cộng. Cô cho biết có thể nói giọng Trung Hoa chuẩn, nhưng tiếng Tây Tạng không nhiều, và thậm chí không thể đọc.
Hầu hết những người sống gần ngôi đền đã mất ngôn ngữ Tây Tạng, một người đàn ông sống tại một phần khác của tỉnh Thanh Hải cho biết “Chúng tôi phân biệt họ (người Tây Tạng) bằng cách gọi họ là “Người Tây Tạng của đền Taer” ( the Tibetans of the Taer Temple).
Người đàn ông nói thêm rằng đứa con trai của ông đã mất đi giọng Tây Tạng đúng gốc trong khi theo học tại một trường tiểu học ngôn ngữ tiếng Trung.
“Thật buồn khi mất truyền thống, nhưng tôi không có lựa chọn khác ngoài việc để cho con tôi có được nền giáo dục ngôn ngữ Trung Hoa cho tương lai của chính nó”.
Sự hiện diện quân sự trong các sự kiện tôn giáo
Tại một ngôi chùa ở quận Tongren, khoảng 150km từ Xining, gần 2.000 cư dân địa phương đã tụ tập cho một lễ hội Phật giáo với âm thanh bi ai của những chiếc kèn được trang trí sặc sỡ. Dường như không có nhiều sự hiện diện chính thức của an ninh, chỉ có 2 chiếc xe cảnh sát đỗ phía trước cổng chùa.
Một cư dân địa phương nói các biện pháp an ninh mạnh mẽ hiếm gặp trong những ngày này, không giống như vài năm trước, khi các phương tiện cảnh sát vũ trang thường tuần tra trong những dịp như vậy.
Các vụ tự thiêu giảm rõ rệt
Tình hình an ninh tại tỉnh Thanh Hải nhìn chung ổn định hơn khu vực tự trị Tây Tạng, người đàn ông cho biết. Số lượng tự thiêu, vốn đã xảy ra thường xuyên cho tới vài năm trước, đã giảm mạnh.
Những vụ tự thiêu biểu tình giảm đi không phải do sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ, mà vì Đạt Lai Lạt Ma và những cao tăng khác đã lên tiếng chống lại hành vi tự sát.
Khoảng 2 năm trước, một người thanh niên trẻ đã chết sau khi tự thiêu trước một bức tượng Phật để phản đối quyền tự do thờ cúng. Khoảng 1.000 người trong làng đã tập trung cho nghi thức của người đàn ông này theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. 
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế những người ly khai cực đoan bằng cách kêu gọi bất bạo động. Ông cũng kêu gọi ưu tiên đấu tranh cho quyền tự chủ của Tây Tạng, hơn là cho độc lập hoàn toàn.
Dù các vụ tự thiêu đã giảm hẳn, chính phủ Trung Cộng vẫn không tỏ dấu hiệu sẽ nương tay hơn đối với Đạt Lai Lạt Ma.
Bắc Kinh muốn phụ trách cơ chế ‘tái sinh’ Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng? 
Với việc Đạt Lai Lạt Ma năm nay đã 82 tuổi, nhiều người Tây Tạng lo lắng cho sự kế vị của ông. Trong nhiều thế kỷ, vị trí này được kế tục thông qua một cơ chế “tái sinh”.
Bắc Kinh dường như rất muốn phụ trách quá trình này, và người Tây Tạng lo sợ chính phủ có thể sử dụng nghi lễ truyền thống để kiểm soát khu vực tự trị.
“Chúng tôi đang đối mặt với nhiều câu hỏi khắc nghiệt về tương lai của chúng tôi, mà chúng tôi không thể tìm thấy câu trả lời”, một người Tây Tạng cho biết.
An Hòa

Giới Thiệu Trại Hè Thân Hữu Các Trường Trung Học VNCH năm 2018. - Việt Báo

 FOUNTAIN VALLEY - Ngày Chủ Nhật, 24 tháng 6 năm 2018 , khu Forest Shelter thuộc công viên Mile Square Park,  thành phố Fountain Valley, Nam California lần thứ 6 được hân hạnh chọn làm địa điểm tổ chức Trại Hè Thân Hữu Các Trường Trung Học VNCH gồm 14 Hội, 27 trường: Trưng Vương, Gia Long, Nguyễn Đình Chiểu/Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho); Lê Văn Duyệt, Petrus Ký, Bưởi – Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Bá Tòng (Saigon); Đồng Khánh/Quốc Học (Huế), Liên Trường Pleiku, CHS Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Liên Trường Tây Ninh, Võ Tánh/Nữ Trung Học Nha Tang/Huyền Trân tham dự và đặc biệt lần đầu tiên các CHS trường Duy Tân, Phan Rang-Ninh Thuận tham dự. Chị Ann Nguyễn đại diện trường Duy Tân đã tỏ ra rất vui mừng tham dự năm nay.
             Theo BTC lý do tổ chức và tên Trại Hè "Thân Hữu Các Trường Thân Hữu Việt Nam Cộng Hòa - 2018" Tạo cơ hội để các trường thời VNCH có cơ hội sinh hoạt chung làm sáng tỏ tinh thần tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng và tiến bộ của miền Nam Việt nam trước 1975, và giúp các trường sinh hoạt chung cho đỡ tốn kém và công sức tổ chức, Chi phí thuê khu trại, âm thanh, ban nhạc trên $1000, không một hội AHCHS nào có thể thuê một mình. Các trường sẽ chia chi phí trại  nhưng sẽ có sinh hoạt sắc thái riêng: Phần chung là văn nghệ và Thể thao/Trò chơi. Phần riêng là ẩm thực, trang trí trại và phần giới thiệu Hội của mình.



             Ngày trại sẽ bắt đầu từ 10:00 sáng đến 4:00 chiều ngày chủ Nhật 24 tháng 6 năm 2016 tại tại Mile Square Park, 16801 Euclid St.  Fountain Valley, CA 91708,  Khu Forest Shelter gần góc đường Warner Ave. và Euclid St.
 Chương trình gồm Văn nghệ, Trò chơi, Ẩm thực và Giải thưởng. Đậu xe: Đậu trong khu Trại, vào bằng cổng Euclid St. Mỗi xe $5. Không kể số người. Đi ra khi vào phải trả tiền lẩn nữa. Đậu miễn phí: Đậu ngoài đường nếu cho phép, tuyệt đối không đậu tại khu thương mại vì sẽ bị kéo xe.

            Ban Tổ chức TRẠI HÈ THÂN HỮU trân trọng kính mời quý viị Giáo sư, quý vị ban hành chánh, qúy anh chị đồng môn cùng Ông bà, Cha mẹ và các con cháu tham dự. Phần ăn nghệ và trò chơi hoàn toàn miễn phí với giải thưởng. Phần ẩm thực tuỳ mỗi trường. Vui lòng liên lạc qua các trường mình muốn hay qua BTC để biết chi tiết. Năm nay Đại diện Quộc Gia Nghĩa Tử anh Phó Thịnh Trương (714) 724-1568 là Trưởng Ban Tổ chức, anh Nguyễn Lý Sáng (714) 791-6481, đại diện Liên Trường Tây Ninh trách nhiệm Trại Trưởng.

Xin gửi vài hàng về TRẠI HÈ THÂN HỮU CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC VNCH. Đây là năm thứ 6 vào ngày 24/6/2018 tại Mile Square Park, Fountain Valley Ca.
1* Ngày giờ tổ chức: Chủ Nhật 24 tháng 6 năm 2018 từ 10:00AM đến 4:00PM
2* Địa điểm: Khu Forest Shelter trong Mile Square Park, thành phố Fountain Valley CA. Địa chỉ: 16801 Euclid St, Fountain Valley, CA 92708.
́3* BTC: Ngoài các trường tham dự hàng năm, đặc biệt năm may có một trường tham dự lần đầu: Trung học Duy Tân do chị Ann Nguyễn đại diện.
4* Mục đích: Tạo cơ hội để các trường thời VNCH có cơ hội sinh hoạt chung giúp đỡ lẫn nhau làm sáng tỏ tinh thần tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng và tiến bộ của miền Nam Việt nam trước 1975.
Tham dự: Chương trình Văn nghệ, Trò Chơi, Giải thưởng hoàn toàn tự do. Ẩm thực tuỳ mỗi trường. Vui lòng liên lạc với trrường xưa của quý vị để có thêm chi tiết.
5* Nguyên tắc và cơ cấu Ban Tổ Chức:
    1.- Theo thông lệ, khi bầu cử tân BTC, mỗi trường, không phân biệt lớn nhỏ, đều có một phiếu
    2.- Các trường Trung Học VNCH, sẽ chia chung chi phí cho sân khấu, ban nhạc, âm thanh, địa điểm trại, v.v..)  Tất cả những đóng góp ý kiến, văn nghệ, trò chơi tập thể và tài chánh sẽ được tham gia đồng đều, theo đơn vị Hội hay Trường, tại mỗiTrại Hè chung.
    3.- Các Hội tự túc trong phần ẩm thực, trang trí lều trại của mỗi Hội, những cuộc thi đua, trò chơi, v.v... chỉ là cho vui, không có tính cách ganh đua.
    4.- Mỗi trường đều có đại diện trong BTC.
    5.- Mỗi năm sẽ họp nhau bầu ra một Ban Tổ Chức, Ban Quản Trại để điều hành Trại.
    6.- Vị trí lều trong ngày trại, thứ tự trình diễn văn nghệ sẽ được quyết định bằng bốc thăm.
    7.- Sau Trại sẽ có tổng kết, đề cử người có nhiệm vụ nhắc nhở cho kỳ Trại năm sau.
6* Bầu Cử Ban Tổ Chức & Ban Quản Trại Trại Hè 2018. Trong buổi họp ngày 20-4-2018, các Hội Trưởng và Đại Diện 14 Trường/Hội có mặt đã quyết định, đề cử và đồng ý bầu chọn như sau:

    1.- Ban Tổ Chức: có trách nhiệm tổng quát việc tổ chức Trại Hè
Trưởng Ban:           QGNT Phó Thinh Trương 
Phó Trưởng Ban: Hội Trưởng, Trưởng Nhóm, Đại Diện các trường.
Thủ Quỹ:               NDC/LNH Ngô Hoàng Mai 
Thư Ký:                 PKy Đặng Huy Quý Mão                  
     2.- Ban Quản Trại: thi hành quyết định của BTC trong ngày Trại
Trưởng Trại: LTTN, Nguyễn Lý Sáng,
Phó Trưởng Trại: các Hội Trưởng, Trưởng Nhóm, , Đại Diện các trường.
    3.- Các Trưởng Ban
Ban Văn Nghệ.: GL Đinh Minh Thu,
Ban Thông Tin:  B/CVA Bùi Đức Uyên
Ban Sinh Hoạt/ Trò Chơi: QGNT Võ Minh Phượng,
Ban Trật Tự.: VTT Trần Đức Nghĩa
Ban Y Tế.-  B/CVA Vũ Quốc Phong
Ban Giám Sát:   TV Vương Đỗ Mai Phương
* Chi phí tham dự trong BTC. Dựa theo số tiền đã phải chi trong Trại Hè 2017, mỗi Hội cần đóng trước $150 cho Trại Hè 2018. Các trường chưa đóng, xin gửi về Thủ Quỹ Ngô Hoàng Mai 
ghi check cho (Pay to the order of): Hoang Mai Ngo, gửi về địa chỉ
    Ngô Hoàng Mai
    7079 21st Street Apt D
    Westminster, CA 92683
Phan Tấn Hải

HỘI NGHỊ THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT HẢI NGOẠI 11-12 tháng 8 năm 2018

 Thân kính gửi quý anh chị Hội Trưởng Hội Cựu Học Sinh các trường Việt Nam Cộng Hoà,
Chị Trần Thập - Chân Phước Liêm, Chị Mai Phương - Trưng Vương, chị Lê Phương Lan - Gia Long, Chị Kim Kiểm - Lê Văn Duyệt, Chị Hương/chị Nguyễn Thị Mỹ Hường - LT Pleiku, Anh Nguyễn Lý Sáng - LT Tây Ninh, Cḥi Xuân Thúy - Nguyễn Bá Tòng, Chị Huỳnh Hường - NĐ Chiểu/Lê Ngọc Hân, Anh Ngô Hữu Thành - NLS Bảo Lộc, Anh Võ Quang Đạt - Petrus Ký, Anh PTrương/Chị Võ Minh Phượng - Quốc Gia Nghĩa Tử, Anh Nguyễn Minh Trì - QH/ĐK, Chị Nguyễn Thị Mùi - TH Trung Thu, Anh Trần Đức Nghĩa - Võ Trường Toản, Anh Ngô Thiện Tánh - Võ Tánh/Nữ Trung Học/Huyền Trân, Chị Kim Lang - Trung học Hoàng Diệu, Sóc Trăng, Chị Ngọc Tịnh -Trung học Đà lạt, Anh Phạm Hòa -Trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết,


            Thưa quý anh chị 

Sau 43 năm sống lưu vong, những nhà tranh đấu cho lá cờ VNCH đã đứng vững tại hải ngoại. Chúng ta cảm tạ sự tranh đấu bền bỉ đó. Nhưng tất cả chúng ta đều biết: 

- Chắc chắn tham vọng Hán hoá dân tộc Việt đã có, đang có, sẽ có và không bao giờ ngưng.
- Chắc chắn người Hán sẽ làm mọi thủ đoạn để thực hiện mưu đồ của họ. Một trong những mưu đồ thâm độc là qua một số người Việt Nam họ muốn biến đổi tiếng Việt và viết lại lịch sử dựa vào việc dùng những tài liệu của Tầu. Điển hình là đề nghị cải cách tiếng Việt của một số người trong nước.

- Chắc chắn Hán tộc có thể đô hộ nhưng không thể đồng hoá Việt tộc. Lịch sử đã chứng minh điều này. Lý do chính vì Việt tộc chúng ta có bản chất riêng và tiếng nói riêng: Tiếng Việt Nam. TIẾNG VIỆT CÒN NƯỚC TA CÒN.

Chúng ta - những người Việt đã lớn lên trong ngôn ngữ tiếng Việt tuy chưa hoàn chỉnh nhưng dễ hiểu, phong phú, nhất là về văn hoá, xã hội - không thể để tiếng Việt suy đồi và Hán hoá. Trong tinh thần này, trước khi thế hệ chúng ta qua đi, chúng ta cần đóng góp ý kiến của chúng ta trong việc hoàn chỉnh tiếng Việt.

Là những cựu học sinh như quý anh chị, tuy không chuyên môn nhưng là tiếng mẹ đẻ nên chúng tôi dấn thân trong công việc này. Chúng tôi tha thiết thân kính mời quý anh chị tham dự với chúng tôi trong việc tổ chức một HỘI NGHỊ THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT HẢI NGOẠI dự định tổ chức vào ngày 11-12 tháng 8 năm 2018 tại Orange County, California. Đây là một cơ hội đóng góp trước khi chúng ta rơi vào quên lãng.

Chúng tôi trân trọng mời quý anh chị gửi ít nhất một đại diện tham gia Ban Tổ Chức và nếu được một số anh chị tham dự các tiểu ban.

Thưa quý anh chị,

Đây là một việc làm hoàn toàn có tính cách văn hoá, giáo dục không chính trị, đảng phái. Ước vọng của Ban Tổ Chức là sau 43 năm, 3 triệu người Việt hải ngoại muốn đóng góp với 90 triệu người trong nước về việc hoàn chỉnh tiếng Việt. Với việc làm này, trăm năm sau dù tiếng Việt ra sao, chúng ta cũng không hổ thẹn vì chúng ta đã đóng góp ý kiến thiết thực của chúng ta.

Một lần nữa, chúng tôi tha thiết kính mời quý anh chị tham dự Phiên họp Bàn Thảo Chương Trình và Phân Nhiệm dự định tổ chức: 
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 
Lúc 11:00AM đến 1:00PM 
Tại văn phòng Ban Đại Diện Các Trung Tâm   Việt Ngữ Nam California, 
Toạ lạc: 
8295 Westminster Blvd. Suite 270, 
Westminster CA 92683.

Rất mong được đón tiếp quý anh chị. Để công việc tiếp đón quý anh chị được chu đáo, quý anh chị vui lòng cho biết số người tham dự qua BTC dưới đây.

Trân trọng kính mời và cảm tạ quý anh chị trước.

Thay Mặt Ban Tổ Chức:

- Nguyễn Song Thuận, Trưởng Ban 949-278-3758, 
Email: nguyensongthuan@yahoo.com

- Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng Ban Đặc Trách Hội Nghị 714-878-7409, 
Email: tavietlcs@yahoo.com

- Bùi Đức Uyên, Phó Trưởng Ban Đặc Trách Chương Trình 714-330-6002, 
Email: ubui1964@yahoo.com