Thursday, May 23, 2019

Kim Ngân – Từ ca sĩ bốc lửa và quyến rũ trở thành kẻ lang thang không nhà - Đằng Giao NV

Cư dân gốc Việt sống tại Little Saigon không ai xa lạ với hình ảnh người phụ nữ gầy rạc, nhem nhuốc, đen đủi, vai đeo cái túi, tay cầm ly cà phê dang dở, hàng ngày đi lang thang dọc theo lề phố Bolsa.

Người phụ nữ bước đi, lúc lầm lũi, yên lặng, lúc bỗng dưng hung dữ, vô cớ chửi bới vang trời.
Ít người biết, người phụ nữ này từng là hoa khôi, là ca sĩ của Little Saigon, những năm 80 của thế kỷ trước. Cô đã từng là một ca sĩ có vẻ đẹp bốc lửa cùng giọng hát rạo rực tuổi thanh xuân. Mời bạn theo dõi câu chuyện để biết vì sao một hồng nhan tuyệt sắc thuở nào, chỉ một thời gian sau đã trở nên như vậy.

Vẻ đẹp bốc lửa của ca sĩ Kim Ngân thập niên 1980
Ông Lý Văn Điệp, cư dân Westminster, nhìn người đàn bà đang trong cơn thịnh nộ qua cửa kính xe hơi. Ông quay kính xuống, lắc đầu rồi nói: “Tội nghiệp!”
Bà Phan Hoàng Yến, chủ nhà sách Tú Quỳnh nói về người đàn bà này bằng giọng nhỏ nhẹ: “Mỗi lần cô ấy vô đây, tôi phải nhẫn nhịn, yên lặng để mặc cô ấy muốn làm gì thì làm. Coi vậy chứ rất khó vì nhiều lần, cô ấy la lối um sùm làm khách lạ sợ hãi. Khách quen thì họ quá biết cô ấy là người vô hại nên làm lơ. Tôi coi cô ấy như con cháu trong nhà thôi. Cô ấy ra chơi ngoài này từ hồi xưa rồi”.
Bà nói với giọng thông cảm: “Con người ai cũng có lúc thoải mái, lúc bực bội. Người tỉnh táo thì mới biết kiềm chế chứ. Hồi đó cô ấy cũng tiểu thơ khuê các chớ đâu phải thường”.
Rất nhiều lần, “bà điên homeless” này, vì không vừa ý điều gì đó, đã đổ ly cà phê trên tay lên sách vở của nhà sách Tú Quỳnh. Bà quơ tay, quơ chân chửi bới oang oang một lúc rồi… trở nên bình thường.
“Vì biết quá khứ cô ấy, tôi ráng mà chìu sự phá phách của cô thôi. Được cái là cô không bao giờ hành hung người khác nên tôi cũng yên tâm”, bà Yến cho biết.
Bà chỉ cuốn sách mang tựa đề “Share Phòng, Share Tình” của tác giả Lâm Tường Dũ. Hình bìa là một cô gái trẻ có khuôn mặt vô cùng lôi cuốn: “Đó, cô ấy hồi trước đó. Đẹp như công chúa mà bây giờ như vầy, ai mà không thấy thương”.
Bà nhấn mạnh: “Hồi đó cô ấy là một ca sĩ, rất đẹp. Ca sĩ Kim Ngân”.

Nhà hàng Thành Mỹ cũng là một nơi từng biết về cựu ca sĩ Kim Ngân. Bà chủ nhà hàng, được mọi người gọi là “cô Ba nhà hàng Thành Mỹ”, thường giúp đỡ bà Kim Ngân.
“Cô Ba” kể: “Kim Ngân ghé đây thường lắm. Được cái là cô ấy chưa bao giờ lớn tiếng hay phá phách ở đây. Vô đây, cô ấy chỉ khi thì xin tiền, khi thì xin đồ ăn. Chỉ qua cách cô ấy ‘order’ đồ ăn là mình biết ngay đây là người có một quá khứ ‘ngon lành’ lắm. Tô phở phải có rau giá thiệt tươi, và phải sắp xếp trên đĩa thiệt đẹp mới chịu ăn”.
“Thường thường, ăn xong, cô ấy vô ‘restroom’ lau chùi mình mẩy rồi chải tóc”, bà nói thêm.
“Cô Ba nhà hàng Thành Mỹ” nhận xét thêm về Kim Ngân: “Hu’t thuốc lá thì cô ấy tự ra ngoài chứ không cần ai nhắc. Nhiều lần nhìn phong cách của Kim Ngân, cách cầm điếu thuốc, cách đưa lên miệng hút, tôi thấy một cái gì rất ‘oai’, rất ‘sang trọng, quí phái. Cuộc sống khổ cực, theo tôi, không làm mất đi tiềm thức của cô”.
Các nhân viên tiệm Food to Go Hương Hương, Westminster, thường giúp bà Kim Ngân bằng cách bán thức ăn với giá rẻ. Họ nói: “Cô ấy chưa bao giờ xin nên chúng tôi bán giá đặc biệt. Cô ấy hay gây gỗ với khách làm tụi tôi khó xử. May là cô chưa tấn công ai bằng chân tay hết”.

Bà Kim Ngân trong Food to Go Hương Hương.
Họ nói thêm: “Trời ơi, coi vậy chứ cô này đài các lắm, kiếm chuyện chê bai đủ thứ chứ không phải thường đâu”.
Khắp phố Bolsa, hầu như ai cũng cảm thương người ca sĩ trẻ đẹp trong quá khứ, từng ngấp nghé ngưỡng cửa của thành công, rồi lại lâm vào cảnh không may đến nỗi phải ra nông nỗi này.
Quá khứ chìm sâu trong trí óc rối bời bời như mớ bòng bong, không dễ dàng trở về chút nào. Kim Ngân cũng thế.
Kiều nữ một thời của Little Saigon phải cố gắng lắm thì quá khứ mới về dần, từng đợt, từng đợt. Quá khứ ấy lẫn lộn với những ưu tư, đôi khi đến vớ vẩn, của cuộc sống hiện tại; nên thoạt nghe, người ta tưởng rằng tất cả những gì thốt ra từ miệng chỉ là một chuỗi lảm nhảm của một người mất trí.
Để có thể nghe được từng nốt thăng trầm của cuộc đời một người từng làm các vũ trường, sân khấu ca nhạc Little Saigon hực cháy vì dung nhan đầy ma lực của mình, chỉ cần kiên nhẫn một chút. Vâng, hãy kiên nhẫn lắng nghe bà, với chút tình người, và cả một chút cảm thông.
Điều đầu tiên mà những người từng biết bà, nay nhắc lại, là: Bà từng là một người rất đẹp, cái đẹp có hấp lực mê hồn, pha chút liêu trai.

Hãy lắng nghe bà Kim Ngân nói về đời mình: “Kim Ngân sang đây năm 1975 với má và hai em, một gái, một trai. Năm đó Kim Ngân 12 tuổi và không rành tiếng Việt vì hồi ở Việt Nam chỉ học tiếng Pháp từ lúc 5 tuổi, cho tới khi đi Mỹ”.
Bà ngừng nói, dùng những ngón tay xinh xắn thuôn dài, những ngón tay cáu đen đất cát không dấu được nét thanh tao của một thời đài các, xé nhỏ miếng chả lụa trong đĩa bánh cuốn, cho vào miệng rồi trệu trạo nhai trong cái miệng không đủ răng. Phải một lúc lâu mà mới nuốt được một miếng nhỏ.
Rồi bà quay lại câu chuyện, nhớ lại từng chi tiết, một cách khó khăn. Khi chưa rời Việt Nam, gia đình Kim Ngân ở đường Hoàng Diệu, khu Khánh Hội, và thân mẫu làm “tài pán” cho vợ chồng ông Ưng Thi, chủ rạp ciné Rex ở Quận Nhất, Sài Gòn.
Bà khẽ nhăn vầng trán nhỏ nhắn mịn màng gần bị nắng mưa tàn phá, chớp cặp mắt tinh anh, cố đuổi bắt một kỷ niệm đẹp rồi nhoẻn cười, nhỏ nhẹ khoe: “Tất cả là nhờ bố Hải. Bố thương Kim Ngân lắm, bố chỉ cho Kim Ngân hát hoài”.
Thật vậy, người dẫn dắt cô gái 22 tuổi Kim Ngân vào con đường văn nghệ năm 1983 là nhạc sĩ Trường Hải.
“Bà xã tôi quen với mẹ Kim Ngân là bà Võ Thị Nhơn, có tên Mỹ là Annie. Lúc ấy Kim Ngân còn trẻ lắm và vô cùng xinh đẹp mà cũng biết ca chút ít nên tôi mời cháu hát bản ‘Không!’ của Nguyễn Ánh 9 cho cuốn video đầu tiên của Trung Tâm Trường Hải tại Hoa Kỳ mang chủ đề ‘KHÔNG!’”, nhạc sĩ Trường Hải kể.

Kim Ngân thời trong “KHÔNG!” của nhạc sĩ Trường Hải. 
Video “KHÔNG!”, sản xuất năm 1983, là cuốn video Việt Nam đầu tiên được sản xuất tại hải ngoại. Ngoài Kim Ngân còn có những giọng ca kỳ cựu như Trường Hải, Elvis Phương, Lê Uyên Phương,…
Ông lặng người hồi tưởng rồi khẽ khàng nói: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Kim Ngân là cô rất đam mê ca hát mặc dù giọng hát của cô không phải là xuất sắc, cô lại không rành tiếng Việt cho lắm. Phải mất thời gian tập luyện rất công phu mới thu âm xong bài ‘Không!’”
“Nhưng chỉ thấy mặt cô là tôi không cần phải lo.” Ông Trường Hải thú nhận. “Quả thật cô ca bài đó rất có ‘lửa’ và cuốn băng ấy bán rất chạy và được rất nhiều người khen”.
“Vua Guitar” Trung Nghĩa, “Mười ngón tay vàng,” cũng không quên được vẻ đẹp của ca sĩ Kim Ngân thời ấy. Ông khẳng định: “Kim Ngân vào thời 1985 là một mỹ nhân của Bolsa. Đệ nhất mỹ nhân, chẳng thua kém ai cả. Kim Ngân đẹp kinh khủng. Vừa đẹp vừa sang cả như một tiểu thư trong cổ tích. Tất cả mọi phòng trà thời đó, chỉ cần có in hình cô là bán hết bàn; không cần biết có cô trình diễn hay không”.
Ca sĩ Kiều Nga vui vẻ nói về Kim Ngân: “Chị Kim Ngân rất ‘sexy,’ dễ thương và cởi mở với tất cả mọi người. Chị ấy đẹp tới nỗi đàn bà cũng phải mê”.
Nhạc sĩ Anh Tài cũng có ấn tượng riêng về Kim Ngân. “Nhắc tới Kim Ngân là tôi nhớ một bản nhạc Pháp, duy nhất – Adieu Sois Heuse. Không thể nào quên được Kim Ngân hát bài này”, ông nói.
Bà Kim Ngân cười nhưng nghiêm giọng: “Muốn hay, mỗi bản nhạc phải có linh hồn riêng”.
Ca sĩ Giáng Ngọc cũng nhớ rõ quãng thời gian ca sĩ Kim Ngân trình diễn chung sân khấu với nhóm “Ma Nữ Đa Tình” gồm năm ca sĩ Giáng Ngọc, Thúy Vi, Zaza Minh Thảo và Ngọc Anh và Linda Trang Đài. Giáng Ngọc kể: “Chị Kim Ngân rất đẹp, nhưng đặc biệt, rất bình dị, dễ thương và hòa đồng với mọi người. Nhạc chị hát có vẻ nhộn nhịp hơn ca sĩ Ngọc Lan”.
Bà Kim Ngân cố tìm tòi trong ký ức rồi gật đầu: “’Ma Nữ Đa Tình’ ‘quậy’ lắm. Người nào cũng nhảy giỏi, hát hay và tốt bụng. Mỗi lần lên sân khấu là đàn ông, con trai la hét vỗ tay quá trời. Vui ơi là vui”.
Ông Triệu Thái Hòa, cư dân Fountain Valley, là khán giả rất “trung thành” của Kim Ngân. Để tả về nhan sắc cô, ông có ba chữ: Yêu kiều, khả ái và mê hồn.
Ông cười bẽn lẽn nói: “Hồi năm 1986, tôi còn ở Dallas, Texas. Lần đầu tiên được nhìn thấy cô bằng xương, bằng thịt, chân tay tôi rụng rời, còn tim thì… đứng im. Tôi ngộp thở. Mà tôi đâu phải mới lớn đâu. Lúc đó tôi có bốn đứa con, ba người vợ – hai bà ở Việt Nam, một bà mới cưới bên này. Nói thiệt, lúc đó, chỉ cần Kim Ngân gật đầu một cái, tôi sẵn sàng bỏ tất cả để theo cô.
Gia đình tôi gốc Hồng Kông, tôi dư tiền lo cho cô sang giàu suốt đời. Tới năm 1997, khi nghe cô ấy ca tôi vẫn còn nghĩ vậy mà”, ông Hòa tình thật nói.

Ông Trần Hữu Hoan, ngụ tại Westminster, cũng từng bị sắc đẹp của ca sĩ Kim Ngân lôi cuốn: “Lần đầu nghe Kim Ngân hát ở vũ trường Majestic, cô bạn gái của tôi tên Hoa, vì thấy tôi ngẩn mặt ra nhìn Kim Ngân nên cô ấy hất đổ ly rượu trên bàn ướt lênh láng rồi hùng hục giật bóp bỏ về. Còn tôi thì mãi nhìn Kim Ngân trên sân khấu nên không muốn chạy theo. Người đâu mà xinh xắn lại nóng bỏng lạ lùng”.
Ông Nam Nguyễn, cư dân Westminster, dường như có vẻ “cứng rắn” hơn. Ông kể: “Nhan sắc của Kim Ngân làm đàn ông say hơn say rượu nặng. Tôi không mê cô chút nào, nhưng hồi đó, cô hát ở đâu là tôi có mặt ở đó. Có lần tôi phải bay qua New Orleans (Louisiana), để ngắm cô vì hơn ba tháng liên tiếp cô không hát ở đây (khu Little Saigon)”.
“Lúc đó tôi mới hiểu rằng nếu anh em, bạn bè mà bỏ nhau vì cô, tôi chấp nhận”, ông nói thêm.
Bà Diễm Hoàng, ngụ tại Fountain Valley, lại có nhận xét khác: “Tôi thì nhớ là hồi đó cô này lên sân khấu là nhảy nhót, uốn éo như con điên”.
Năm 1982, ca sĩ Kim Ngân lấy chồng là Nguyễn Tiến Bắc, em trai bà Dương Thị Thanh Lan, giám đốc trung tâm phát hành băng nhạc Thanh Lan, năm cô 19 tuổi. Họ có hai đứa con gái, Mai Khanh và Thúy Anh.
Bà Kim Ngân nói: “Mai Khanh lớn hơn Thúy Anh 3 tuổi, năm nay 30 tuổi rồi”. Thở dài, mắt nhìn xa xăm một lúc, bà hỏi một câu hỏi rất đàn bà: “Con lớn như vậy Kim Ngân có già không?”
Đến năm 1993 thì Kim Ngân không ở với ông Tiến Bắc nữa. Hỏi về chuyện này, bà lặng thinh một lúc lâu rồi thở dài và hỏi: “Chuyện vui không nói, sao nói chuyện buồn? Đàn ông mà, không ai có linh hồn hết”.
Đã có lúc bà có trung tâm phát hành băng nhạc riêng – Trung tâm Kim Ngân (gần tiệm Hủ Tiếu Thanh Xuân ngày nay).

Hình bìa băng nhạc đầu tiên của trung tâm Kim Ngân, với đầy đủ các ca sĩ nổi tiếng nhất ở hải ngoại

Thế rồi, đến một lúc, Kim Ngân thay đổi và bắt đầu nghiện ngập. Các đồng nghiệp nói bà bắt đầu trễ nãi, không đúng hẹn, ăn nói không cẩn thận và lem nhem tiền bạc làm nhiều người không hài lòng. “Kim Ngân buồn thì ‘chơi’ cho đỡ buồn chứ đâu có lường gạt ai đâu mà xấu xa”, bà phân bua.
Năm 1996, bà Kim Ngân có thêm một đứa con trai nữa. Đứa bé này được nhân viên Sở Xã Hội đến đem đi. Lúc đó. Em bé vừa một tuổi.
Ca sĩ Lê Uyên nói với giọng thương tâm: “Thấy thương, tôi đưa hai mẹ con về ở chung cả năm. Trời ơi, thằng nhỏ hơn một tuổi mà nhỏ xíu như đứa bé bốn tháng. Nó cũng không biết đi vì mẹ nó cứ cặp nó trên nách suốt ngày. Mà lại còn thiếu ăn nữa. Nhà có sữa mà mẹ nó chỉ cho bú nước mới lạ lùng. Mình cho nó bú thì Kim Ngân không chịu”.
Thời gian này, trí óc bà Kim Ngân vẫn còn lúc tỉnh, lúc mê.
Kim Ngân khoe là vào năm 2003, bà vẫn còn vừa đi hát vừa học làm răng giả. Bà nói: “Khi đó tôi ở Fountain Valley. Hát không đủ tiền nên tôi ráng kiếm nghề đàng hoàng nuôi con”. Lúc này, con bà đã không ở với bà rồi.
Hỏi về đứa con trai, bà Kim Ngân lộ vẻ bực bội: “Hai đứa lớn, người ta bắt đi vì Kim Ngân làm biếng, không chịu bồng con. Đứa này, mình bồng ngày, bồng đêm mà cũng tới bắt mất tiêu”.
Bà Yến bỏ cuốn sách có hình ca sĩ Kim Ngân trẻ đẹp xuống, bà nói: “Đã có mấy lần các nghệ sĩ tổ chức ca nhạc gây quỹ cho Kim Ngân. Họ thương cô ấy lắm”.
“Có. Tôi và Trung Nghĩa cùng một số ca sĩ khác từng tổ chức buổi văn nghệ ngay tại tòa soạn báo Người Việt quyên tiền cho Kim Ngân. Được một số tiền nhưng không dám đưa hết cho cô ấy vì sợ cô ấy hu’t chích. Tôi chỉ giữ $3,000 để mua thức ăn cho hai mẹ con Kim Ngân thôi”, ca sĩ Lê Uyên kể.
Bà Yến nói: “Má Kim Ngân cũng nhiều lần khuyên cô ấy cai nghiện nhưng không được. Cô ấy nói rằng mình là người tự do và không chịu bị nhốt vô một chỗ”.
“Bây giờ không ai biết Kim Ngân có trợ cấp xã hội hay không và có chịu uống thuốc tâm thần hay không”, bà Kim Yến lắc đầu cho hay.
Ông Daniel Rascon, ngụ tại Westminster, biết bà Kim Ngân mười mấy năm trước khi bà hay vào khu nhà tiền chế, mobile home, là khu ông ở, có tên Rancho de Sol tại góc đường Bolsa và Brookhurst. Ông nói: “Cô ấy giới thiệu tên mình là ‘Kim’ nhưng tôi hay gọi cô là ‘Olivia’ vì cô gầy như một nhân vật phim hoạt hình tựa đề ‘Popeye’”.
“Tôi cho cô ở trong mobile home với tôi một thời gian. Nhà chật nên cô ngủ trên air mattress (giường bơm hơi). Tôi nhớ là cô rất ít ngủ. Ban đêm, cứ chừng một tiếng cô lại ra ngoài hút thuốc hay làm gì đó với vài người quen nữa. Tôi hỏi họ là ai thì cô nói là ‘boss’ của cô. Sau đó tôi gặp trục trặc hôn nhân nên dọn đi nơi khác. Tôi quay lại nhà này cách đây bốn năm. Năm ngoái, cô đến gõ cửa nhiều nhà trong khu này xin vô ở. Tôi nhận ra cô nên đồng ý”, ông Rascon phân trần.
“Gần đây, một người đàn bà trong gia đình cô, tên Jan hay Jane, tôi không rõ, có tiếp xúc với tôi qua điện thoại và đề nghị mua mobile home của tôi để cô Kim ở luôn nhưng tôi chưa quyết định”, ông Rascon cho hay.
Ông kể rằng nhiều lần ông về trễ nên bà Kim Ngân phải đứng tựa lưng vào tường chờ đợi rất mệt mỏi. Ông cũng nói bà cứ nằm tạm ở trước cửa ra vô cho đỡ mệt nhưng chưa bao giờ bà làm vậy. Bà Kim Ngân quắc mắt: “Kim Ngân đâu phải con chó giữ nhà. Con người phải giữ linh hồn chứ”.

Nơi bà Kim Ngân từ chối không nằm. 
Theo lời ông Rascon, lần cuối bà Kim Ngân về nhà ông là ngày 11 Tháng Mười Hai, 2015. Ông mừng cho bà Kim Ngân đã có người chăm sóc.
Bà Kim Ngân gọi người đàn bà này là “má Yến.” Kim Ngân kể: “Má Yến lo cho Kim Ngân chỗ ăn, chỗ ở bên này. Kim Ngân không phải ‘homeless’”.
Hiện thời, bà Võ Thị Nhơn, mẹ bà Kim Ngân, đã tái định cư tại Việt Nam và cũng đã có lúc đưa bà về nước nhưng sau đó Kim Ngân lại đòi quay lại Mỹ. “Mình ở xứ này quen rồi. Quen người ta, quen con đường. Con đường có linh hồn của nó.” bà Kim Ngân nói.
Một điều được bà nhắc đi, nhắc lại một cách bực bội và đay nghiến, mỗi khi bà nói về đàn ông. Bà gằn giọng: “Đàn ông Việt Nam ai cũng có một câu giống nhau: ‘Anh có nhiều bạn gái nhưng mà anh chỉ yêu có mình em’”.
Dư âm của một tình khúc buồn cho những linh hồn quá khứ?
Theo Đằng-Giao (Nguoi-Viet)

Nhiều thương phế binh VNCH mất nơi nương tựa Thanh Trúc

Thông báo tại Phòng Công Lý-Hòa Bình ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn cho thấy nơi này ngưng làm việc kể từ ngày 15/5/2019 cho đến khi có thông báo mới.
Courtesy of Huỳnh Công Thuận
Trong những năm gần đây nhiều thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến tại Phòng Công Lý-Hòa Bình ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, để được khám sức khỏe, được hỗ trợ về vật chất cũng như gặp gỡ những anh em đồng cảnh ngộ.
Tuy nhiên hôm 15 tháng Năm vừa qua, một tấm bảng dán trên cửa văn phòng cho thấy nơi này ngưng làm việc kể từ ngày 15/5/2019 cho đến khi có thông báo mới.
Là người thường xuyên lui tới phòng Công Lý-Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tới để phụ giúp, gặp gỡ, thăm viếng những người lính miền Nam bị thương tật hay tàn phế sau chiến tranh, cựu chiến binh miền Bắc nay là nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ:
Đến đấy thì tôi thấy các ông thương phế bình Việt Nam Cộng Hòa  toàn là những người trên 60 cho đến 80, ông nào cũng già yếu khổ sở lắm. Trong khi các binh sĩ của phía Bắc Việt thì còn được một chút quyền lợi rồi lương hưu các thứ thì các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không được một cái gì hết. Thôi thì không được đã thiệt thòi rồi mà khốn nạn nhất là từ 75 đến giờ cả bản thân, gia đình, con cháu họ bị nghi lỵ, bị phân biết đối xử đủ chuyện hết. Dạo gần đây còn đỡ chứ hồi sau 75 độ khoảng 20 năm con cái họ học giỏi mấy thì giỏi cũng về cày ruộng chứ không thể nào vô đại học.
Phòng Công Lý –Hòa Bình mà không hoạt động nữa thì tụi tôi bất lực bất tài, coi như không có điểm dựa hoặc không có một trợ giúp trong những lúc sau này đau ốm hoặc có cái gì thì tụi tôi chỉ là hai bàn tay trắng và không có ai mà quan tâm giúp đỡ cho chúng tôi nữa hết.
-Thương phế binh Võ Hồng Sơn
Thương phế binh Võ Hồng Sơn, bị cụt cả hai chân, hàng ngày đi bán vé số để mưu sinh, từng được Phòng Công Lý Hòa Bình trợ giúp ủy lạo 5 năm qua, cho biết việc được hỗ trợ trong thời gian qua:
Một năm như vậy là Dòng Chúa Cứu Thế phát cho một người 1 triệu rưỡi với một phần quà và có đãi ăn đãi uống. Tết nhất thì các Cha cũng vô lì xì cho một người năm ba trăm ngàn. Tầm soát sức khỏe thì vẫn đi khám bình thường. Tất cả những thương phế binh vô gía cư, không nhà cửa, ngủ đường ngủ chợ là đều được Dòng Chúa Cứu Thế cứu vớt về lo lắng. Hoàn cảnh của tôi cũng vậy, không nhà không cửa, như vợ tôi chết cũng Dòng Chúa Cứu Thế lo chôn cất mai táng luôn.
Nhưng mà Phòng Công Lý –Hòa Bình mà không hoạt động nữa thì tụi tôi bất lực bất tài, coi như không có điểm dựa hoặc không có một trợ giúp trong những lúc sau này đau ốm hoặc có cái gì thì tụi tôi chỉ là hai bàn tay trắng và không có ai mà quan tâm giúp đỡ cho chúng tôi nữa hết.
Ngưng hoạt động thì coi như người thương binh miền Nam mất đi một chỗ hội họp để anh em, bạn bè, thầy trò thỉnh thoảng gặp nhau và an ủi lẫn nhau. Hơn nữa mất Phòng Công Lý–Hòa Bình là còn mất đi số tiền bảo hiểm sức khỏe cần thiết, là lời ông Sáu, biệt danh là Sáu Nhảy Dù, một chân cụt và bàn chân kia thì bể nát, cộng thêm chứng ung thư hành hạ ông từng ngày:
Khám bịnh hàng năm rồi mình bịnh thì bên đó cũng cho mình tiền mua bảo hiểm, mỗi năm được triệu hay triệu mấy tùy theo. Bây giờ nếu không còn nữa tất nhiên mình cũng phải ráng thôi chứ không biết làm sao hết. ông có thì mình chắc khổ dữ lắm, hầu hết là tiền, bệnh hoạn rồi thuốc men là chịu chết thôi chớ biết sao giờ. Không có hội là mình tay trắng rồi.
Từ một nơi xa hơn Sài Gòn, thương phế binh Nguyễn Công Lý, đi khập khiểng với một chân bị thương tật, một mắt trái bị hỏng và gò má trai bị vỡ mà vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống hàng ngày:
Nói chung Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh có đã sáu bảy năm nay rồi. Đối với anh em chúng tôi đây là mái nhà chung để hàng năm anh em về hội tụ.  Giờ thì các Cha bị thuyên chuyển tứ tán hết rồi. Người mời về theo như trong dư luận ở Sài Gòn thì muốn dẹp chương trình. Anh em buồn lắm, giờ mạnh ai nấy là tự lo kiếm kế mưu sinh như từ xưa tới giờ thôi.
Tụi tôi thường được quí Cha cho tiền đóng bảo hiểm, rồi mỗi năm có một đợt tri ơn rồi khám bịnh khám sức khỏe cho mình đó là điều tốt. Mà bây giờ văn phòng đóng cửa thì phải ly tán thôi, anh em không còn cơ hội gặp nhau nữa, cuộc sống khó khăn sắp tới thì phải tự lo. Các Cha đi hết rồi còn ai lo cho mình nũa, với phần là giao cái danh sách anh em cho ông Cha mới thì cũng nhiều phiền phức nữa.
Ông Cha mà thương phế binh Nguyễn Công Lý nói tới ở đây là linh mục Lê Xuân Lộc, người thừa lệnh linh mục bề trên mới Phê Rô Đinh Ngọc Lâm để khóa cửa Phòng Công Lý-Hòa Bình tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn hôm 15 tháng Năm.
Chi tiết này cũng được nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy nhắc tới trong bài viết của ông với tiêu đề “Xung Quanh Việc Văn Phòng Công Lý-Hòa Bình Tạm Đóng Cửa”
Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ giúp đỡ bởi vì đó là đối tượng là những những người nghèo. Tiếp tục như thế nào là chuyện chúng tôi sẽ nói sau, những người nghèo và thương phế binh là những đối tượng cần giúp đỡ thì chúng tôi sẵn sàng.
-Linh mục Phê Rô Đinh Ngọc Lâm
Nhằm tìm hiểu liệu chương trình giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có được tiếp tục hay không trong thời gian tới, đường dây đài Á Châu Tự Do được nối về số máy của linh mục Phê Rô Đinh Ngọc Lâm, mới chính thức nhận lãnh trách nhiệm Bề Trên của Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng kiêm Cha Sở Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp:
Tôi mới nhận việc, chưa họp hành, chưa làm gì, chưa chạy chương trình gì hết. Tôi bảo bàn giao thì họ đóng cửa và tạm ngưng, còn ngày 20 họ khám thì tôi bảo khám thì tôi ủng hộ. Chúng tôi có cách thức của chúng tôi để làm, tiếp tục làm gì thì tôi phải họp sau đó tôi sẽ thông báo. Người ta mang tiền đến tôi vẫn nhận , tôi mời những ai là thương phế binh mang giấy tờ đến để tôi chuyển giao cho họ thôi, còn nếu cần khám bệnh cho họ chúng tôi sẽ khám bệnh mà.
Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ giúp đỡ bởi vì đó là đối tượng là những những người nghèo. Tiếp tục như thế nào là chuyện chúng tôi sẽ nói sau, những người nghèo và thương phế binh là những đối tượng cần giúp đỡ thì chúng tôi sẵn sàng.
Được biết trước khi bàn giao cho nhân sự mới vào ngày 15 thì Phòng Công Lý–Hòa Bình vẫn tiếp nhận và giúp thương phế binh cho đến hết ngày 14.
Người tự tay dán bản thông báo tạm ngưng làm việc kể từ ngày 15 tháng Năm là ông Huỳnh Công Thuận, cựu quân nhân miền Nam từng sát cánh với các linh mục trước của Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi quí linh mục đó đổi đi nơi khác, Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng ông khá lo lắng vì với nhân sự mới thì không rõ Phòng Công Lý-Hòa Bình sẽ được hoạt động lại hay không dù là dưới một tên mới.
Vẫn theo cựu chiến binh Võ Văn Tạo, quyết định tạm đóng cửa Phòng Công Lý–Hòa Bình khiến công luận nghi ngại rằng có thể các linh mục bề trên mới về Dòng Chúa Cứu Thế đang bị một số áp lực nào đó từ phía chính quyền:
Người lính có gì đâu ghê gớm mà sao họ trả thù cay ghê, họ thể hiện cái tiểu nhân quá đáng, cho nên thấy thương mấy ông thương phế bình chịu thiệt thòi cay đắng luôn. 
Thanh Trúc - Á Châu Tự Do

Monday, May 13, 2019

Bí Quyết Sống Lâu của Cụ Ông Chu Hữu Quag 111 tuổi - Tâm Thanh

Cụ Chu Hữu Quang sinh năm 1906, tháng 1 vừa qua cụ đã trải qua sinh nhật lần thứ 111. Có thể nói rằng một đời của cụ bằng nhiều cuộc đời của người khác.
Trước năm cụ Chu 50 tuổi, cụ theo ngành kinh tế, là giáo sư kinh tế học và nhà tiền tệ học. Sau 50 tuổi, cụ chuyển sang theo đuổi ngành ngôn ngữ học, cụ đã dùng 3 năm để phát minh ra “Bính âm Hán ngữ” mà chúng ta thường dùng ngày nay. Cụ Chu được gọi là “cha đẻ của Bính âm Hán ngữ”. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn đó là nhà vật lý học lỗi lạc thế giới Albert Einstein đã từng gặp cụ hai lần.
Cụ Chu Hữu Quang, 111 tuổi.
Nếu so về thành tựu một đời thì số tuổi 111 của cụ mới khiến mọi người bất ngờ hơn. Sau năm 100 tuổi, cụ còn viết sách, xuất bản sách, bây giờ dù đã 111 tuổi nhưng cụ vẫn kiên trì viết lách, không hề bị lẫn, mắt không hề mờ, ăn được uống được, sức khỏe cực kỳ tốt. Nói đến việc sống thọ, cụ đã tổng kết ra 5 bí quyết sau:

1. Con người ta không chết vì đói mà chết vì ăn, tôi không ăn đồ bổ.

Tôi không ăn đồ bổ, những thứ bổ dưỡng mà người ta tặng tôi cũng không ăn. Trước đây tôi làm việc ở ngân hàng, có rất nhiều người mời mọc, có vài người cố mà ăn, nhưng tôi thì không ăn lung tung như thế. Còn nhớ trước đây tôi có một bác sĩ cố vấn ở Thượng Hải, ông ấy bảo tôi rằng đa số chúng ta không chết vì đói mà chết vì ăn, ăn những thứ bậy bạ không tốt cho sức khỏe, trên bàn tiệc có rất nhiều thứ ăn vào rồi thì nên nôn ra.
Tục ngữ có câu “bệnh từ miệng mà ra”, cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, chẳng phải bệnh nào cũng do ăn uống mà ra hay sao? Cơ thể không cần còn cố mà ăn thì sẽ hại ngược lại cơ thể. Ăn uống phải điều độ, đa số người ta không chết vì đói mà chỉ có ăn mà chuốc lấy bệnh. Trong việc ăn uống, không nên ăn quá nhiều món mặn, đừng ăn thịt thà dầu mỡ nhiều, chủ yếu nên ăn bốn loại đó là trứng gà, rau xanh, sữa và đậu hũ. Thế nhưng sữa và trứng gà cũng không nên dùng quá nhiều, mỗi ngày một quả trứng gà, sáng và chiều đều uống một ly hồng trà.

2. Nhẹ lòng thì sống lâu, gặp phải chuyện gì tôi cũng không tức giận.

Tôi xem mọi thứ của cải, vật ngoại thân rất nhẹ nhàng. Nhà Phật có câu, người coi trọng vật ngoại thân quá nặng nề thì tinh thần của người đó sẽ càng khổ sở. Rất nhiều năm trước tôi mắc chứng mất ngủ, ngủ không ngon. Đến thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, tôi bị đưa về nông thôn, vừa khỏe ra lại chữa được bệnh mất ngủ, cho đến bây giờ tôi cũng không bị mất ngủ nữa. Vì thế tôi và bà nhà đều tin một câu: “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc” (Nghĩa bóng: Họa phúc ở đời khó mà lường trước được). Gặp phải bất cứ việc gì không thuận lợi cũng đừng thất vọng, đừng tức giận.
Dù đã 111 tuổi nhưng cụ Châu vẫn kiên trì viết lách, không hề bị lẫn, mắt không hề mờ, ăn được uống được, sức khỏe cực kỳ tốt.
Dù đã 111 tuổi nhưng cụ Chu vẫn kiên trì viết lách, không hề bị lẫn, mắt không hề mờ, ăn được uống được, sức khỏe cực kỳ tốt.
Có hai câu mà tôi thường hay nói: “Thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ” (Gặp phải những việc ngoài dự liệu cũng đừng hoảng loạn, đừng tức giận vì những việc vô duyên vô cớ). Đây là danh ngôn triết lý của cổ nhân, rất có lý lẽ. Quý Tiện Lâm từng viết trong quyển “Ngưu Bàng tạp ức”, dù có bị buộc tội, đừng tức giận, đừng hoảng loạn. Đây là một thử thách sự kiềm chế và công phu của chúng ta. Muốn sống thọ thì phải biết kiềm chế, đừng để lỗi lầm của người khác trừng phạt chính mình.

3. Sống càng giản dị càng tốt!

Cuộc sống của tôi bây giờ chỉ có ngủ, ăn, đọc sách, viết lách. Mỗi tháng tôi đăng một bài viết lên báo.
Về việc ăn uống, chủ yếu tôi ăn bốn thứ là trứng gà, rau xanh, sữa và đậu hũ.. Quần áo mặc cũng đơn giản, những thứ quần áo đẹp đẽ người ta tặng thì chẳng có dịp để mặc, bởi vì không hay ra ngoài, mà mặc vào thì cũng thấy không hợp. Tôi cũng ít đi du lịch, chỉ ở nhà viết lách, uống trà, đọc sách, tu thân dưỡng tính.
Trước đây, người ta thường cho rằng, một người không thể sống thọ nếu khi còn trẻ sức khỏe không được tốt. Lúc tôi còn trẻ từng bị lao phổi, bị chứng trầm cảm. Khi kết hôn thì mẹ tôi bí mật tìm một vị thầy bói xem tướng số cho tôi, nói rằng hai vợ chồng tôi chỉ sống được đến 35 tuổi, chúng tôi liền cười cười. Tôi thấy rằng ông thầy bói không nói sai đâu, chỉ là chúng tôi đã tự cải biến số mạng của chính mình thôi.
20160919232823842_small
Cuộc sống của chúng tôi khá là giản dị, có quy củ, không ăn lung tung, không hút thuốc, không uống rượu, có uống thì cũng chỉ uống chút bia. Trước đây có khách thì chúng tôi phải mời thuốc, mua rất nhiều nhưng đều chỉ mời khách hút, chúng tôi thì không. Chúng tôi muốn sống có quy củ, đầu phải suy nghĩ nhẹ nhàng, gặp phải nhiều việc khó khăn, cứ nghĩ thoáng gì sẽ không có vấn đề gì nữa.

4. Cho đến già tôi vẫn luôn kiên trì “3 không”

Một là không lập di chúc, hai là không mừng sinh nhật, ba là không ăn Tết.
 Không lập di chúc – gia đình hòa thuận,
 Không mừng sinh nhật – quên đi số tuổi, 
Không tổ chức ăn Tết – cuộc sống thanh đạm.
Cuộc sống hằng ngày càng giản dị càng tốt, nhu cầu trong cuộc sống cũng càng ít càng tốt.
Ảnh gia đình cụ Châu. 
Ảnh gia đình cụ Chu.

5. Đời sống vợ chồng phải kính trọng nhau, “coi nhau như khách”

Lúc vợ tôi Trương Doãn Hòa (93 tuổi) còn sống, sáng trưa chiều chúng tôi đều uống trà cùng nhau. Tôi thích uống cà phê còn bà ấy thích uống trà xanh, cùng nâng chén cung kính. Quan điểm của chúng tôi là cuộc sống vợ chồng chẳng những phải có yêu thương mà còn phải kính trọng nhau, “coi nhau như khách”.
Khi uống trà và cà phê, cả nhà cùng nâng ly, chỉ một động tác nhỏ này thôi nhưng chúng tôi đã kiên trì thực hiện cả đời. Tuy chỉ là một việc nhỏ nhặt nhưng lại rất có ích, có thể tăng niềm vui trong cuộc sống gia đình, giúp cho gia đình ổn định hơn. Giữa vợ chồng cần phải tôn trọng lẫn nhau, đây là do người xưa truyền lại, rất đáng học tập. Vợ chồng là những người sống cùng nhau lâu nhất, mỗi ngày phải vui vẻ thì cả thể xác và tâm hồn mới khỏe mạnh được. Ngược lại, ngày ngày cãi nhau, đánh nhau, chẳng những không ai vui vẻ được mà còn gây tổn hại đến sức khỏe.
Cụ Châu Hữu Quang và vợ Trương Doãn Hòa.
Cụ Chu Hữu Quang và vợ Trương Doãn Hòa.
Trên đời có rất nhiều chuyện không thuận lợi, nếu nhịn được thì nhịn một chút không có gì là to tát cả. Làm người thì phải nghĩ thoáng, đừng tức giận, trong gia đình có rất nhiều chuyện đều chỉ là những việc nhỏ nhặt.
Tâm Thanh

CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ - Trần Bảo Định

Dựa trên câu chuyện có that. BS Thiện tên thật là Đề (Bệnh Viện 4 Dã Chiến) sau 75 về Trảng Bom mai danh ẩn tích. Dì 5 là mẹ Kim Ngân, hiện là Chủ Tịch QHCHXHVN. Gia đình KN sau có tim được BS Đề nhưng ông đã lánh mình dưới chân chúa và quên hết chuyện đời .
*

1.
Cô Bảy giả dạng gánh dừa khô, men theo con đường đất từ ngã ba Giồng Quýt qua ngõ chợ Bến Tranh về Sơn Phú. Bước chân cô len lỏi dưới tán lá dừa mát rượi, mùi hoa dừa vào mùa bông trổ khiến sự âu lo và mệt mỏi hình như tan biến. Qua cây cầu dừa bắc ngang mương nước, cô Bảy nhìn căn nhà trống hoác, mái lá xác xơ, không bàn ghế, chỉ chơ vơ hai tấm vạt tre ghép lại thành chiếc giường cạnh đầu song.
- Dì Năm ơi!

Cô Bảy gọi, không tiếng trả lời. 
Ngoài vườn, gió lùa tiếng lá dừa đong đưa xào xạc.
Cô Bảy xuống bếp giở nồi cơm, bốc giề cơm cháy còn ấm. Vậy là dì Năm có ở nhà, chắc quanh quẩn đâu đây.
- Bảy! Có việc gì mà con đến gấp vậy?
Cô Bảy giật nẩy mình ngoái lại, thấy dì Năm quần ống thấp ống cao, chân đầy bùn đất, mặt lấm tấm mồ hôi. 
- Dì đi đâu về?
- Dì lội rạch chuyển thơ. Trưa rồi, con ngồi đó, dì nấu cơm.
Dì Năm lấy nồi xúc gạo; cô Bảy bước theo níu tay.
- Con không đói và phải đi ngay! Có việc nầy con xin báo dì…
Cô Bảy cố dằn cơn xúc động, báo tin dượng Năm đã hy sinh anh dũng trong đêm đánh sân bay Tiên Thủy, khi cùng tổ đánh bộc phá mở cửa. Đồng đội không lấy xác được; bọn Mỹ đã dùng xe xúc gom lại tưới xăng thiêu hủy.
Dì Năm rúm người, từng thớ thịt co giựt, nước mắt chảy tràn trên mặt...
Dì ngồi bệt xuống đất, đôi mắt đỏ chạch. Dì mím chặt môi, không khóc!
*
Những chiếc xuồng ba lá chở bộ đội khẩn trương vẹt ô rô cóc kèn, đưa đàng mình vượt dòng Trúc Giang tiến vào thị xã.
Tết Mậu Thân. Giờ G: Nổ súng!
Dì Năm, cán bộ dẫn mũi đưa đại đội đặc công thọc sâu vô Trung tâm Hành quân Tiểu khu Kiến Hòa; trận đánh giằng co ác liệt, có lúc cận chiến giành giựt nhau trụ đèn, bờ tường và từng thước rào kẽm gai... đầy những xác người nằm vắt võng. Dì ù tai hoa mắt; một vệt sáng lóe; dì gục xuống. 
- Trình ông thầy! Có một xác, ngực còn thoi thóp.
- Đàn ông hay đàn bà?
Đại úy Bác sĩ Thiện hỏi viên Trung sĩ Y tá Thịnh
- Dạ! Trình ông thầy, đàn bà.
Theo hướng dẫn của viên trung sĩ, Bác sĩ Thiện đến khu nhà xác Bệnh viện Dã chiến để kiểm tra. Ông lật mặt và sử a lại thế nằm người phụ nữ ngay ngắn, vạch mí mắt xem đồng tử, đặt ống nghe lên ngực. Sau khi xem xét cẩn thận, ông quyết định chuyển gấp người phụ nữ sang khu cấp cứu hồi sức do ông trực tiếp phụ trách. Ông tự hỏi, người phụ nữ này là ai, Việt Cộng hay thường dân? Nếu Việt Cộng, An ninh quân đội Sài Gòn chẳng để ông yên, và chắc chắn ông sẽ đối mặt với Tòa án binh. Nếu là thường dân, thấy chết không cứu, ông là kẻ sát nhân, trái với con đường ông đã chọn sống theo Phúc âm Thiên Chúa; và nghịch với lời thề khi ra trường, rằng: “Trước Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông, nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời…”.
Một cuộc đấu tranh dữ dội trong lòng Đại úy Bác sĩ Thiện.

Cánh quạt máy bay trực thăng liên tục lên xuống, chở thương binh kể cả dân thường bị thương từ nơi xảy ra đụng độ. Trước sự sống chết, con người gần như xóa bỏ những toan tính riêng tư; nhứt là người sống có Đức tin như Bác sĩ Thiện. Ông dứt khoát; dù Việt Cộng hay dân thường, dù thù hận hay yêu thương... thì con người vẫn là vốn quý, và cứu người là mệnh lệnh của trái tim. Mình phải cứu người đàn bà nầy cái đã!
Để an toàn cho người mình cứu và cũng để an toàn cho chính bản thân, Thiện ra lệnh:
- Trung sĩ Thịnh!

- Trình Đại úy Bác sĩ, có mặt!
Trung sĩ Y tá Thịnh dập hai chân, đứng nghiêm chào trình diện. Đại úy Bác sĩ Thiện nghiêm nét mặt:
- Tôi đã kiểm tra, người phụ nữ này là dân thường bị thương trong lúc chiến cuộc nổ ra. Trung sĩ cho lập hồ sơ bệnh án; nạn nhân ở khu vực lò heo Thạnh Trị, bến xe đò Mỹ Tho, Định Tường.
- Tuân lệnh!
Trung sĩ Thịnh bước nhanh ra khỏi phòng.

2.
Đại úy Bác sĩ Thiện đi đi lại lại một mình trong căn phòng vắng lặng. Ông châm thuốc hút, nhìn qua khung cửa bên kia giếng nước Mỹ Tho, một vệt nắng chiều vàng nhạt trườn lên góc phố. Theo kinh nghiệm của người sĩ quan quân y kề cận chiến trường, ông khẳng định người đàn bà kia là nữ chiến binh Việt Cộng. Bờ vai phải da bị chai vì dây quai súng; hai mép hông chai vì dây nịt đạn; những lằn chai qua mắt cá chưn vì mang dép râu.
Ông mỉm cười và tự đùa với mình: ''Thiện ơi, giết một chiến binh không tấc sắt trong tay, mà lại là một nữ chiến binh đang thừa chết thiếu sống, thì mày đâu xứng trang nam tử! Nhiệm vụ của mày là cứu người chứ không phải giết người"!
Ông thấy lòng mình vui vui, dù phố chiều Mỹ Tho ảm đạm.
Dưới ánh đèn điện chập chờn ánh mắt, dì tỉnh dần. Dì ngơ ngác và cố định thần coi mình đang ở đâu; ai đưa mình đến đây; lúc nào và bằng phương tiện gì. Thân thể trần truồng dưới lớp bông băng bó; mũi miệng tay đầy dây nhợ. Sự sống đã mỉm cười với dì. Nhưng, nỗi sợ lạnh xương sống cũng ập đến: '' Mình đã sa vào tay giặc''! Dì nhớ hai đứa con gái còn thơ dại không biết sống chết ra sao. Nhớ đêm cuối cùng vợ chồng gặp nhau ở Cồn Ốc; và sau đó, người chồng cũng là người đồng chí đã ra đi vĩnh viễn. Dì chuẩn bị đón nhận mọi nghiệt ngã sẽ xảy ra khi trực diện với đối phương, với những đòn thù tra tấn để chúng khai thác moi tin tức. Rồi, dì thương đồng đội đánh vào Tiểu khu Kiến Hòa, không biết ai còn ai mất. Dì giấu tung tích mình, giấu phiên hiệu đơn vị, và đặc biệt giữ an toàn cơ sở. Thà chết, dứt khoát không sơ hở hoặc đớn hèn, gây thiệt hai cho tổ chức.
Có một bàn tay nhẹ nhàng kéo tấm chăn đắp ngực! Theo phản xạ tự nhiên, dì muốn níu tấm chăn lại, nhưng toàn thân không còn sức lực nào để níu. Dì mở mắt, ánh mắt rực lửa căm thù nhìn thẳng mặt người vừa cúi xuống kéo tấm chăn đắp. Đáp lại, ông ta nhìn dì với đôi mắt hiền trên khuôn mặt nghiêm nghị của cái tuổi bước vào bốn mươi. Ông nhẹ nhàng kéo chăn trở về chỗ cũ sau khi đã khám xong.
Giờ thì dì có thể một mình tập đi, tự lo vệ sinh và ăn uống. Thông qua thuộc cấp của ông, dì biết đó là Đại úy Bác sĩ Thiện, người gốc Bắc di cư, đạo dòng, sống lương thiện và tử tế; ông nghèo không tiền mua nhà ngoài phố nên gia đình sống trong khu gia binh. Một người khiêm tốn, lịch sự, kín đáo và tự trọng. Cả tháng nay, dì chuẩn bị và chờ đợi cái ngày rời nơi điều trị để sang cơ quan thẩm vấn của địch. Thời gian đi qua, cái ngày đó chưa thấy đến. Trái lại, dì được chữa trị tốt, có hiệu quả. Hơn nữa, hai đứa con gái của dì được đến thăm và chăm sóc cho mẹ. Dì thấy lạ, đâm lo và suy nghĩ rất lung, rằng có phải đây là ngón đòn độc của bàn tay sắt bọc nhung mà viên Đại úy Quân y Sài Gòn giăng bẫy.

Rau nào sâu nấy; trong cái ác làm gì có điều thiện? Đầu óc dì luôn luôn cảnh giác! Cái gì xấu là của bọn Mỹ - ngụy!

*
Sân bay dã chiến vắng dần tiếng trực thăng tải thương. Nạn nhân chiến cuộc được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến lần lượt trở về nhà. Bom đạn Mậu Thân đã lùi xa thành thị.
- Mời bà lên gặp Đại úy Bác sĩ.
Tiếng Trung sĩ Y tá Thịnh gọi dì.
Vừa đi, dì Năm vừa suy nghĩ: " Có lẽ thời khắc chờ đợi đã tới''.
- Mời bà ngồi!
Dì vẫn đứng, không ngồi. Căn phòng im phăng phắc.
Viên Đại úy Bác sĩ đứng dậy, giọng từ tốn:
- Mời bà ngồi. Tôi có việc muốn trao đổi cùng bà.
Một suy nghĩ thoáng qua đầu dì Năm: ''Kịch bản bắt đầu và viên Đại úy Quân y đang bước vào vai diễn''. Dì Năm dè dặt, và cũng hết sức cảnh giác.
- Hôm nay, bà có thể về nhà!
Dì trố mắt, ngó trâng trâng viên Đại úy Bác sĩ
- Ông nói sao? Tôi có thể về nhà? Ông đùa hay thật?
- Hôm nay, bà có thể về nhà. Mọi việc điều trị cho bà coi như đã xong!
Đại úy Bác sĩ Thiện, nhắc lại và nói chậm rãi.
- Tại sao ông không chuyển tôi sang cơ quan thẩm vấn?

- Tôi, Bác sĩ, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là cứu người. Những phần việc khác, không phải chức trách của tôi. 
Ngưng lời giây lát, Đại úy Bác sĩ Thiện nói tiếp:
- Với tôi, bà là ai, tôi không cần biết; điều cần biết, bà là bệnh nhân của tôi. Bây giờ, những thương tích trong người đã lành, bà có thể ra về. Đơn giản vậy thôi!
Những lời chơn thật và đầy ắp tình người của Đại úy Bác sĩ Thiện, khiến cái ý nghĩ “sa vào tay giặc” của dì bị “nốc ao” trước khi vào trận đánh. Thật ra, chẳng có trận đánh nào cả!
Một viên Đại úy với dáng vẻ lạnh lùng khô cứng mà tấm lòng khí khái nhân nghĩa. Cái nào đúng, cái nào sai? Bất giác, dì thốt lên:
- Nhìn kẻ thù không khó, chỉ khó khi nhìn nhân nghĩa ở kẻ thù!
- Bà nói gì?
Giựt mình, Đại úy Bác sĩ Thiện hỏi.
- Tôi cảm ơn ông!
Không để viên Bác sĩ kịp hỏi, dì nói tiếp:
- Trước khi ra đi, tôi muốn nói với ông một điều. Tôi, người chiến sĩ giao liên quân giải phóng.
Dứt lời, dì quan sát nhanh vị Bác sĩ coi thái độ ông ta phản ứng ra sao?
Những nếp nhăn khắc khổ trên trán ông toát ra nét bình thản. Ông thêm thuốc vào ống vố, bật lửa và bập một hơi dài, khói thuốc là đà bay qua cửa sổ như cánh chim sổ lồng vội vã bay về chốn cũ.
- Thưa bà, việc đó là việc của bà. Bà có quyền sống và chiến đấu cho lý tưởng của mình.
Không gian chiều dằn dặt trên hàng cây cổ thụ đường Hùng Vương, Đại úy Bác sĩ Thiện ngó lên trần nhà
- Bà nhớ rằng, muốn thương nước thì phải thương nòi. Và trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này, ngày hòa bình thì ngắn, ngày chiến tranh thì dài. Mong sao cuộc chiến sớm kết thúc. “Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!” 
Tôi quý trọng những con người sống có lý tưởng, và dám chết cho lý tưởng, dù lý tưởng đó đối nghịch với tôi.
Trung sĩ Thịnh bước vào, câu chuyện dừng lại đột ngột.
- Trình ông thầy! Hồ sơ bệnh nhân Phan Thị Sinh đã xong.
- Trung sĩ để đó.
Khi viên trung sĩ y tá lui ra, ông ký tên vào sổ bệnh án của dì và hỏi:
- Xin lỗi! Bà còn cần gì ở tôi?
Tiếp xúc với viên Đại úy Bác sĩ quân y nầy, dì Năm có cái nhìn và đánh giá về ông hoàn toàn khác trước. Ông là người tử tế và đáng tin cậy. Dì Năm nói khó khăn hoàn cảnh gia đình, nhứt là hai đứa con gái còn nhỏ dại và chúng nó còn đang ăn học.
Vị Bác sĩ Quân y ngồi xuống ghế, mắt ngó mông lung:
- Bà cứ đi. Trong khả năng, tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học hành. Tôi cầu nguyện bà còn sống trở về sau cuộc chiến.
Rồi, ông đột ngột đứng dậy
- Xin phép, tôi không tiễn!
Đại úy Bác sĩ Thiện khép cửa lại, ngước nhìn trời xanh qua khung cửa sổ trong giây phút tĩnh lặng. Trở lại với lòng mình, ông thầm khấn:
- Lạy Chúa! Con đã làm sai chăng?

3.
Tất cả việc làm của Đại úy Bác sĩ Thiện không qua khỏi tai mắt bọn tình báo Mỹ, và An ninh quân đội Sài Gòn. Ông bị bắt, bị tước quân tịch, bị cấm hành nghề bác sĩ và bị đưa ra Tòa án Quân sự Cần Thơ thuộc Vùng bốn Chiến thuật để nhận bản án hai năm tù. Vợ con ông bị trục xuất khỏi Trại Gia binh BỊnh viện Dã chiến Định Tường.
Hôm xét xử, hai quân cảnh áp giải Bác sĩ Thiện ra tòa. Bác sĩ Thiện mỉm cười với số phận của mình, và ung dung bước vào vành móng ngựa. Công tố viên hỏi:

- Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, can phạm có ân hận gì không?
Bác sĩ Thiện đưa đôi tay bị còng để lên vành móng ngựa, sắc mặt ông bình thản, không lộ vẻ lo sợ hay vui buồn.
- Thưa ông Công tố! Tôi trai thời chiến nên phải vào quân ngũ. Mang lon Đại úy, cái đó là thân mang. Nghề thật của tôi là thầy thuốc nên tâm phải gắng cứu người. Tôi cứu người phụ nữ trong cơn hấp hối, đó là mệnh lệnh của lương tâm. Lúc đó, tôi không thể làm khác. 
Ông khẳng khái:
- Thưa quý tòa! Tôi, bác sĩ Nguyễn Lương Thiện, hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình!
Mãn hạn tù, ông trôi giạt bốn phương, chạy xe ôm và làm đủ nghề cơ bắp kiếm sống.

Hòa bình!
Bà Năm – người chiến binh ngày đó – vội quay về chốn cũ mong gặp lại ân nhân xưa. Bác sĩ vẫn bặt vô âm tín! Tiếng ve kêu xé không gian đại lộ Hùng Vương làm rụng những cánh phượng hồng đỏ màu máu..…
Nhiều đêm, dì Năm thao thức tự hỏi: tại sao ngày sum họp lại là ngày bóng chim tăm cá! Trải qua 31 năm lặn lội tìm Đại úy Bác sĩ Thiện, dì Năm mòn mỏi sức lực theo thời gian chồng chất tuổi già. Phút lâm chung, dì trăng trối và dặn các con:
- Thương má, các con phải tìm cho bằng được Đại úy Bác sĩ Nguyễn Lương Thiện và gia đình. Nếu không,.má chẳng thể đi đầu thai!
Dì Năm ra đi mang theo nỗi hoài vọng gặp lại ân nhân!
Trần Bảo Định