Tuesday, December 8, 2015

Tản mạn về phong thủy



Có khi nào các Bạn tò mò tìm hiểu về phong thủy, một nghệ thuật nối kết giữa con người và thiên nhiên  đã xuất hiện cách đây khoảng 5000 năm, có nguồn gốc từ thời Trung Hoa cổ đại. Nhiều tác giả nghiên cứu Trung Quốc cho rằng đây là tác phẩm của người Hoa Hạ, nhưng mới đây cũng có nhiều tác giả người Việt lại cho là của Bách Việt, dẩn bằng chứng ghi lại trên các trống đồng thời các vua Hùng, và nghe nói ngay cả Lão tử cũng là người phương Nam. Xưa quá, lịch sử lại cắt khúc phức tạp nên cũng khó khẳng định, nhưng ứng dụng phong thủy vào đời sống hàng ngày thì nhiều người trên thế giới càng lúc càng say mê, trong đó chắc chắn có mấy bạn 72 PBC của mình.
Từ xa xưa, con người đã quan niệm thế giới là một hệ thống, trong đó bất cứ cái gì cũng có tương tác với cái khác. Tương tác giữa Trời, Đất và Con người trong không gian-thời gian là một ví dụ. Quan điểm này đã hình thành nên thế giới quan vũ trụ ngay cả cho đến khi được thay thế bằng những luận cứ khoa học. Đây là cơ sở cho ngôn ngữ tâm linh, thậm chí mê tín, đã được lắp đặt sẳn trong bộ não mỗi con người. Thời Trung Hoa cổ đại, trả lời cho câu hỏi bản thể học, cái gì đã tạo nên vũ trụ, được giải đáp bằng mối tương tác phức tạp về vũ trụ và vài nguồn gốc xuất xứ. Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái, bát quái sinh vô lượng…(Kinh dịch). Hay Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật (Lão Tử).

Nghiên cứu về phong thủy, có khá nhiều trường phái, thường có ba trường phái chính. Phong thủy cơ bản, dựa vào Trời, nói về thiên văn. Phong thủy hình thể (phong thủy địa hình), dựa vào Đất, nói về địa lý. Phong thủy la bàn, dựa vào Người, nói về siêu hình học. Mở rộng ra phong thủy hình thể là các phái Loan Đầu, Hình Tượng, Hình Pháp… chủ yếu luận về long mạch, lăng tẩm, huyệt mộ (Âm trạch). Hay tích hợp phong thủy cơ bản và phong thủy la bàn thành các trường phái lý khí (bát trạch, mệnh lý, tam hợp, phiên quái, tinh túc, huyền không…) dựa chủ yếu vào lý thuyết âm dương ngũ hành, bát quái, hà đồ, lạc thư, để tìm sự tương tác giữa các nhân tố, từ đó luận đoán sự tốt xấu hiện tại và tương lai, thường lý khí áp dụng trong tướng số, chửa bệnh, xây dựng thành phố làng mạc, chùa chiền, nhà ở (dương trạch ). Mới đây còn có cả phong thủy hiện đại, luận về môi trường, nội thất, cảnh quan, bố trí văn phòng, cả quản lý nhân sự. Các phái phong thủy có rất nhiều nhưng tụ trung đều quay quanh một lý thuyết hợp nhất, lấy Kinh Dịch làm căn bản.
Kinh Dịch là một hệ thống tư tưởng triết học kinh điển của người Á Đông cổ đại, dựa trên cơ sở của các quy luật bất biến cân bằng thông qua tương tác và biến đổi. Vì biến dịch cho nên có sự sống, vì bất dịch cho nên có trật tự của sự sống, vì giản dịch nên con người có thể kết hợp mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội.
Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại vua Phục Hy gặp con Long Mã tại sông Giang tử, Phục Hy là một trong Tam Hoàng của Trung Hoa thời thượng cổ (khoảng 2852-2738 TCN), được cho là người sáng tạo ra bát quái. Dưới triều vua Vũ nhà Hạ, bát quái đã phát triển thành quẻ, có tất cả sáu mươi tư quẻ, hay Tiên Thiên Bát Quái. Vào thời kỳ cuối của nhà Thương, trong khi bị giam cầm, vua Văn Vương nhà Chuđã nghiên cứu phát triển tiếp và Hậu Thiên Bát Quái ra đời. Trong thời kỳ Xuân Thu (khoảng 722-481 TCN), Khổng Tử đã viết Chu Dịch để giải thích Kinh Dịch, câu nói bất hủ "Nếu trời để cho ta sống thêm mươi năm nữa thì ta sẽ đọc thông Kinh Dịch…”, chứng tỏ ý nghĩa các quẻ Kinh Dịch quá thâm thúy khó hiểu. Những năm 1970 các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện các ngôi mộ cổ còn gần như nguyên vẹn từ thời nhà Hán vào khoảng thế kỷ 2 TCN ở Mã Vương Đôi tỉnh Hồ Nam. Một trong các ngôi mộ chứa bản Kinh Dịch gần như còn nguyên vẹn . Cũng nhờ các phát hiện này, người ta mới thấy câu nói Khổng Tử là đúng, các suy nghĩ của Ông chỉ mang tính diễn dịch nhưng không chính xác theo kinh dịch !!! Lại vô ngã vô định...

Giữa Phật giáo và kinh dịch phong thủy cũng có điểm tương đồng và bất đồng. Phât Giáo không phủ nhận song cũng không khẳng định, vì kinh dịch phong thủy tuy có nguyên lý nhất định, nhưng không phải là chân lý tuyệt đối. Phong thủy chỉ là thấy được cái trước mắt chứ không thấy cái lâu dài, tăng sân si. Chẳng hạn, ở ngôi nhà hợp phong thủy nhưng không biết tích đức, không biết làm điều thiện mà trái lại làm những điều xấu xa độc ác, thì không thể nào có may mắn trong cuộc sống. Thật ra, nhiều tài liệu phong thủy cũng nói rõ, nhất số mệnh (bao gồm cả phúc đức), nhì thời vận và ba mới là phong thủy. Phong thủy chỉ hổ trợ cho cuộc sống tốt hơn chứ không quyết định tất cả.
Tại Việt Nam, sự có mặt phong thủy trên các lĩnh vực đời sống có từ thời dựng nước vua Hùng đến các triều vua nhà Nguyễn, từ việc chọn đất chọn hướng xây dựng kinh thành lăng tẩm đến ăn uống ngủ nghê học hành đi lại, đặc biệt các kỳ thi thời xưa đều có nội dung về phong thủy. Tuy nhiên, tài liệu và tác giả nghiên cứu kinh dịch hoặc áp dụng phong thủy khá hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Trạng Trình, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê.
Phong thủy thì nhiều chuyện lắm, nói hoài không hết, chỉ bày cho mấy bạn một công cụ nghiền ngẩm cho vui, đó là con số và nhóm số của đời mình. Mỗi người chúng ta, tùy nam nữ năm sinh sẽ có một con số từ 1 đến 9, ví dụ nam sinh năm (1951, 1952, 1953, 1954, 1955) sẽ có các con số tương ứng (4,3,2,1,9). nữ sinh năm (1951, 1952, 1953, 1954, 1955) sẽ có các con số tương ứng (2,3,4,5,6). Nhóm số hướng đông sẽ là (1, 3, 4, 9), tương tự nhóm số hướng tây sẽ là (2, 5, 6, 7, 8). Các hướng phù hợp…
Số
Tiền của
Sức khỏe
Tình yêu
Học thức
1
2
3
4
5 Nữ
5 Nam
6
7
8
9
ĐN
ĐB
N
B
TN
ĐB
T
TB
TN
Đ
Đ
T
B
N
TB
T
ĐB
TN
TB
ĐN
N
TB
ĐN
Đ
T
TB
TN
ĐB
T
B
B
TN
Đ
ĐN
ĐB
TN
TB
T
ĐB
N

Về màu sắc, hình dáng, cây cỏ, công việc…, mấy bạn kết hợp thêm ngũ hành. Ví dụ mạng hỏa, cố gắng cái gì cũng đỏ và nhọn (hơi dữ dằn một chút, nhất là mấy bà hỏa).


Làm nghề xây dựng, không biết phong thủy là một tai nạn lớn trong khi tiếp xúc nói chuyện với chủ nhà. Nhưng ngẩm nghĩ lại, phong thủy không có gì là trái khoa học. Phong thủy nói về khí, khí tốt phải giữ lại tràn ngập thông thoáng các phòng, khí xấu phải cho đi nhanh, làm cửa chính thông thống với cửa sau hết tiền bệnh tật là chắc, làm toilet mà quên thông gió thì nghèo đói suốt đời, làm phòng ngũ vợ chồng mà có cây đà (dầm) vắt ngang qua giường thì nên ly dị sớm… Phong thủy nói về nước, nước phải chảy và tụ lại, hay nhất là nên có bể cá trong nhà, đặt tại những nơi góc khuất gió xoáy. Sau này khi nghiên cứu về thủy lực, khí động học, dòng xe tham gia giao thông, xây dựng nhà cửa cầu đường, quy hoạch đô thị…, tôi đều suy nghĩ về triết lý phong thủy. Thậm chí các lý thuyết chuyển động hỗn loạn Chaos, phương pháp quản lý chất lượng theo 5 S (Kaizen) của người Nhật, luyện tập khí công, tôi nghĩ cũng có cái gì đó ứng dụng kinh dịch và phong thủy.

Thế giới đang bàn về thay đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang nói về thời tiết cực đoan, thành phố lớn nào cũng nghẹt xe ngập nước. Ai cũng nói tự nhiên, môi trường sinh thái đang bị con người tàn phá nghiêm trọng. Phải chăng quan hệ cân bằng “Trời- Đất- Người” mà triết lý kinh dịch phong thủy luôn nhắc tới đang bị phá vỡ, do lòng tham và tôi lại nghĩ đến vô ngã vô định nghiệp chướng của nhà Phật. Mấy bạn 72, nếu trục trặc chuyện tình tiền… gì đó, mail hỏi PS, sẽ không tính công, vì chắc đúng đâu mà lấy tiền phải trả lại cho mệt.

Phạm Sanh,   P3/B2/72PBC

Friday, November 27, 2015

Cháo trắng Sáu Chu


CHÁO TRẮNG SÁU CHU
Nhiều thế hệ người Phan Thiết gần ai cũng biết đến món cháo trắng Sáu Chu ở Ngã Bảy. Với họ đây là một món ăn dân dã nhưng ngon và độc đáo đến lạ, không nơi nào sánh bằng.
Sáu Chu.
Những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Phan Thiết đã trở thành một đô thị lớn nổi tiếng khắp cả nước với nghề làm nước mắm. Nhiều đoàn ghe bầu từ khắp nơi mang những sản vật của xứ mình đến bán cho người Phan Thiết rồi lại chở đầy những tỉn nước mắm Phan Thiết về cố hương.
Trong đoàn ghe bầu chở đầy tủ thờ, một sản phẩm nổi tiếng từ miệt Gò Công đến cập bến sông Cà Ty những ngày cuối năm Kỷ Mão 1939, có một thanh niên người Hoa trẻ tên gọi Sáu Chu, lần đầu tiên xa nhà theo chủ đi phụ việc trên ghe. Công việc nặng nhọc nhưng vốn là người có sức khỏe và nhanh nhẹn nên mọi việc được Sáu Chu làm loáng cái đã xong. Bởi vậy ai cũng mến chàng trai trẻ này.
Những ngày neo ghe ở bến chờ đưa những tỉn nước mắm lên ghe, Sáu Chu làm quen với một cô gái cũng trạc tuổi mình hằng ngày phụ mẹ bán hàng ở bến ghe. Sau nhiều chuyến hàng và nhiều lần gặp nhau, cùng phận nghèo, họ hiểu nhau, cảm thông rồi yêu nhau. Mùa đông năm Canh Thìn 1940, chàng trai người Hoa xứ Gò Công và cô gái Việt ở làng Đức Nghĩa nên vợ nên chồng.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ cô gái cho một mảnh đất nhỏ ở làng Đức Nghĩa che tạm mái lều tranh làm nơi tá túc. Sáu Chu vẫn theo chủ ghe bầu xuôi ngược Phan Thiết – Gò Công để kiếm tiền sinh sống, cô Đồng vợ Sáu Chu hằng ngày phụ mẹ buôn bán lặt vặt ở bến ghe.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương và thực hiện những chính sách cưỡng bức thu mua lúa gạo, bắt nhổ lúa trồng đay nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật ra khắp châu Á – Thái Bình Dương, đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam trở nên kiệt quệ. Nạn đói cùng với khói lửa chiến tranh hoành hành trên khắp đất nước. Mọi hoạt động kinh tế, giao thông bị đình trệ. Bến ghe trên sông Cà Ty nơi hàng trăm chiếc ghe bầu hằng ngày neo đậu giờ trở nên vắng lặng. Sáu Chu phải từ giã nghề đi biển lên bờ cùng vợ tìm kế sinh nhai.

Những năm ấy ai cũng nghèo, gạo thóc khan hiếm, nhiều người chỉ nấu cháo ăn qua bữa. Là người Hoa vốn quen với việc ăn cháo hằng ngày, Sáu Chu bàn với vợ mở một gánh cháo trắng, nấu sao cho ngon ngon, khác lạ để bán cho bà con trong xóm. Hai vợ chồng trẻ mày mò, tìm nhiều kiểu nấu khác nhau. Cuối cùng món cháo nấu với lá dứa thơm phức, đặc quánh, béo ngậy của vợ chồng Sáu Chu ra đời được người dân xóm nghèo Đức Nghĩa thích thú vì khác lạ với món cháo họ thường ăn. Cháo của Sáu Chu ăn hoài không thấy ngán, càng ăn càng thấy ngon nên tiếng lành đồn xa. Không chỉ người dân trong làng Đức Nghĩa mà những người ở Đức Long, Lạc Đạo, Phú Trinh mà cả vùng Đại Tài, Đại Nẫm cũng tìm đến ăn.
Đến năm 1954, khi kinh tế dần hồi phục, người dân bắt đầu có của ăn của để, vợ chồng Sáu Chu vay mượn người thân mở một tiệm bán cháo nhỏ ở đầu chợ Phan Thiết. Món cháo trắng lá dứa của Sáu Chu ăn kèm vịt muối, tôm khô, củ kiệu, chà bông, cá kho, đặc biệt là thịt heo đùi cắt lát mỏng chấm xì dầu và ớt bằm đã trở thành món ăn bình dân nổi tiếng khắp Phan Thiết. Món cháo trắng lá dứa có tên háo Sáu Chu từ ngày ấy.
Nhiều người sống ở Phan Thiết từ cuối thập niên 50 – 70 của thế kỷ trước đều không quên hình ảnh một người đàn ông người Hoa chỉ mặc quần đùi áo thun mang tên Sáu Chu đứng bán tiệm cháo ở đầu chợ Phan Thiết với đông nghịt người mua. Giai đoạn này mỗi ngày gia đình ông Sáu Chu dùng hơn 50 ký gạo để nấu cháo, bán liên tục từ sáng đến khuya.
Ngoài món cháo lá dứa, tiệm của ông Sáu Chu khi xưa còn bán thêm món mì quảng cũng rất nổi tiếng. Mỗi tô mì quảng ở tiệm ông lúc nào cũng có thêm con tôm bạc to là đặc điểm riêng mà các tiệm mì quảng ở Phan Thiết thời đó không có.
Đến thập niên 80, chợ Phan Thiết được xây lại, ông Sáu Chu dời tiệm cháo ra phía bùng binh Ngã Bãy để bán, và vị trí này được con cháu ông tiếp tục bán cho đến ngày nay.
Bí quyết gia truyền.
Rất nhiều người tìm cách nấu món cháo lá dứa, nhưng khó lòng ngon như cháo của gia đình ông Sáu. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết, chị Trần Thị Ngọc Phượng, 48 tuổi, người gọi ông Sáu Chu bằng ông ngoại, hiện đang kế thừa nghề bán cháo của gia đình, không ngần ngại chia sẻ: “Mỗi ngày tùy theo lượng cháo dự dịnh bán mà “bắc” một xoong nước vừa đủ rồi cho một bó lá dứa đã rửa sạch vào nấu sôi. Đợi đến khi nước sôi ngả màu xanh, tức lá dứa đã ra hết vị thì cho gạo đã vo trước đó vào nồi nước đang sôi, rồi liên tục khuấy đều. Cứ 1 phút khấy 1 lần, làm khoảng 3-4 lần như vậy thì ngưng. Sau đó canh đến khi thấy hạt gao bung ra tức là đã nở gạo và nước cháo có nhựa thì giảm lửa từ từ. Cứ khoảng nửa giờ thì mở nắp khuấy cho hạt cháo vỡ đều và làm liên tục đến khi cháo đặc vừa đủ là xong. Thời gian để nấu một nồi cháo trung bình từ 5 – 6 giờ”, chị Phượng kể.
Khi thấy chúng tôi đặt câu hỏi nếu làm như vậy thì quá đơn giản, ai cũng có thể làm được, chị Phượng cười nói thêm: “ thật ra có 3 cái quan trọng mà không có nó thì không thể nấu được món cháo Sáu Chu. Đó nước để nấu cháo phải là nước lấy từ các giếng ở đường Thái Phiên, tức là các giếng xung quanh ngôi nhà của ông Sáu Chu xưa. Cũng là nước giếng nhưng lấy ở chổ khác về không nấu ra được. Hai, gạo nấu cháo phải là loại gạo Long Định hạt tròn hoặc các loại gạo ngon khác nhưng phải là loại gạo dẽo. Gạo nấu cháo chỉ được vo chứ không được ngâm. Ba, phải biết canh lửa và nước, nếu “ghế” sớm hoặc trể quá đều bị hư, tức là cháo cũng đặc nhưng để lâu sẽ bị chảy nước. Đây là cái khó mà người khác nếu không kinh nghiệm sẽ không làm được”.
Muốn rõ thêm về nguồn nước dùng nấu cháo, chúng tôi tìm đến các giếng nước quanh nhà ông Sáu ngày xưa và nhận thấy nước giếng ở đây trong vắt, nhưng không thể uống vì hơi mặn, thế mà theo người nhà nói dùng nước này nấu cháo lại cho vị ngon đến lạ.
Giữ nghề
“Trước đây ông ngoại tôi thường căn dặn, không có gì dể bằng nấu cháo trắng, nhưng để người ta ăn nhớ đến mình thì cần đặt cả tình cảm, tâm huyết, và uy tín của mình lên nồi cháo” chị Phượng nói. Nhờ hết sức gìn giữ “thương hiệu” nên cháo trắng Sáu Chu đã truyền đến 4 đời người. Và, tuy chiếm vị trí khiêm tốn ở một góc nhỏ trên vỉa hè khu bùng binh Ngã Bay trước chợ Phan Thiết nhưng luôn đông khách.
Ngày nay có nhiều món ăn ngon, lạ, cầu kỳ được bày bán khắp nơi, nhưng với nhiều người Phan Thiết, nhất là những đi xa trở về đều muốn ghé Ngã Bảy ăn tô cháo lá dứa Sáu Chu với hột vịt muối, tôm khô bởi qua đó họ cảm nhận được vị ngon của quê hương mình.
Lê Huân
Chú thích ảnh:
1. Ông Sáu Chu
2. Giếng nước trong Hội quán Phúc Kiến trên đường Thái Phiên ( Đức Nghĩa ) được gia đình ông Sáu Chu dùng nước này để nấu ra món cháo lá dứa thơm ngon, béo ngậy.
3. Căn nhà xưa của ông Sáu Chu nay là số 14 đường Thái Phiên.
4,5,6: Quán cháo của con cháu ông Sáu Chu ngày nay ở bùng binh Ngã Bảy trước chợ Phan Thiết.

Nguồn: FB Lê Huân

Thursday, November 26, 2015

NGÀY ĐÓ


CÓ ĐÔI BẠN NGÀY XƯA
NƠI SÂN TRƯỜNG GHẾ ĐÁ
THƯỜNG TRÒ CHUYỆN BÊN NHAU
PHƯỢNG VỀ VƯƠNG ĐÁY MẮT

NGÀY ĐÓ ĐÔI BẠN NHỎ
QUẤN QUÝT GIỜ RA CHƠI 
THEO NGÀY XƯA HOÀNG THỊ 
HÒ HẸN MỘT NGẢY MAI

NHƯNG DÒNG ĐỜI TRĂM LỐI 
SAO HẸN ĐƯỢC NGÀY VỀ...
SÂN TRƯỜNG HOA PHƯỢNG THẮM
TÌM LẠI BÓNG HÌNH XƯA 

ĐỜI ĐOẢN KHÚC TỪ LY
DÂNG TRÀO NIỀM NHUNG NHỚ 
TIẾC NUỐI THÁNG NGÀY THƠ
PHƯƠNG BUỒN CAY CAY MẮT

GIỜ NGHÌN TRÙNG XA CÁCH 
AI THẤU HIỂU NIỀM RIÊNG
XA NHAU LÒNG VẨN NHỚ
" BỤI ĐỎ " CỦA NGÀY XƯA...

HỮU ANH  KANGAROO

Sunday, November 22, 2015

Những nét chung về xã hội Nhật Bản / Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết

 Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Mong rằng qua bài viết này (lần lượt từ Bài số 1 đến Bài số 6), các bạn trẻ VN hiểu thêm được người Nhật và nước Nhật.


Bài số 1: Những nét chung về xã hội Nhật Bản
Trong khi vẫn gìn giữ nền văn hóa truyền thống, Nhật Bản cũng nhanh chóng hấp thu kỹ thuật của phưng Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sau khi thất trận Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản hoang tàn đã phục hưng và trở thành nước có nền kinh tế mạnh hàng thứ nhì trên thế giới và là một đồng minh vững chắc của Mỹ. Nhật Hoàng trên ngai vàng chỉ là biểu tượng cho sự thống nhất quốc gia, quyền lực thực sự nằm trong hệ thống các chính trị gia, các công chức và các doanh nhân. Kinh tế Nhật Bản đã chậm lại trong thập niên 1990, sau 3 thập niên phát triển chưa từng có.
Sự hợp tác giữa Chính quyền - Doanh nghiệp - Học đường, một định chế luân lý chức nghiệp, sự làm chủ khoa học kỹ thuật và một ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ (1,1% của GDP), đã giúp Nhật tiến nhanh thần kỳ lên nền kinh tế có kỹ thuật mạnh hàng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ và nền kinh tế lớn hàng thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Đặc điểm đáng chú ý trong nền kinh tế Nhật Bản là các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối kết hợp khắng khít với nhau thành những tập đoàn khép kín gọi là Keiretsu. Đặc điểm thứ hai là thuê mướn việc làm trọn đời cho phần lớn lực lượng lao động ở thành thị. Ngày nay cả hai đặc điểm này đang bị xói mòn. Kỹ nghệ, khu vực kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản, lại phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng. Nông nghiệp - khu vực kinh tế nhỏ hơn rất nhiều – nhưng lại được trợ cấp và bảo hộ ở mức độ cao, đạt được năng suất thu hoạch cao trong số những nước có năng suất cao nhất thế giới. Tuy nhiên những chính sách hỗ trợ cho nông dân ngày càng bị hạn chế do những qui chế của WTO hoặc GATT hoặc TPP v.v.... Dù vậy, Nhật Bản vẫn tự túc đủ và dư thừa gạo, nhưng phải nhập khẩu trên 50% các loại rau quả, ngũ cốc khác và thức ăn cho gia súc. Nhật Bản nằm trong số những nước có đoàn tàu đánh cá lớn nhất thế giới và đánh bắt được 15% tổng số toàn cầu. Sau 3 thập niên tăng trưởng kinh tế toàn diện và lạ lùng, mức tăng trung bình những năm của thập niên 1960 là 10%, những năm của thập niên 1970 là 5% và những năm của thập niên 1980 là 4%. Tăng trưởng kinh tế giảm sút rõ rệt trong những năm 1992 - 1995 do hậu quả của đầu tư quá mức trong cuối những năm 1980, và các chính sách thu hẹp đầu tư trong nước, để giải tỏa bớt đầu tư quá mức trong thị trường chứng khoán và bất động sản. Mức tăng trưởng lại được đẩy lên 3,9% nhờ các kích cầu tài chánh và tiền tệ, kìm hãm được tốc độ lạm phát thấp. Nhưng năm 1997-2010 Nhật Bản trải qua giai đoạn suy thoái trầm trọng vì khó khăn về tài chính và hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, càng trầm trọng khó khăn hơn vì những cứng nhắc trong cơ cấu tổ chức các công ty và thị trường lao động. Năm 1999 sản lượng bắt đầu ổn định vì chính sách chi tiêu khẩn cấp của chính phủ bắt đầu có hiệu quả, sự tin tưởng của các doanh nghiệp bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ quá đà làm cho nền chứng khoán của Nhật Bản giảm liên tục, giảm phát phát sinh và kéo dài cho đến cuối năm 2010. Cư dân trong di chuyển lên vùng đô thị càng ngày càng đông đúc và bộ phận dân số già nua càng ngày càng tăng lên và đó là hai vấn đề lớn trong tương lai lâu dài. Ngành sản xuất rôbô là ngành kinh tế mũi nhọn, Nhật Bản có 410.000 rôbô làm việc trong số 720.000 rôbô của toàn thế giới (thống kê năm 2005), chiếm hơn một phần hai số rôbô trên thế giới.

 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Bài số 2: Những đặc trưng của người Nhật Bản
1) Xã hội có tôn ti trật tự.
2) Lịch thiệp – đúng mực, hòa hợp với nhóm, tự trọng.
3) Cần cù, trung thành với nhóm.
4) Có ý thức tập thể.
5) Không khẳng định rõ ràng có hay không, im lặng là vàng.
6) Người Nhật Bản sống hòa mình với thiên nhiên.
7) Không thân mật với người ngoại quốc.
8) Thiếu hiểu biết về các dân tộc khác.
Có những tính đặc trưng nêu trên là do người Nhật Bản là một dân tộc gần như là thuần nhất (có 2 dân tộc khác là người AINU ở miền Bắc và người RYUKYU ở miền Tây Nam, nhưng chỉ là thiểu số), đại dương bao quanh cách ly với những nước khác và là một dân tộc làm nông nghiệp.
Thời xưa Nhật Bản học được nhiều thứ của Trung Quốc, Triều Tiên - chữ nho, văn hoá, tôn giáo, triết học. Nhưng người Nhật Bản ngày nay thích các nền văn hóa Tây phương về ẩm thực, nhà cửa, cách ăn mặc, nghệ thuật, âm nhạc và nhiều mặt khác. Khác với các dân tộc khác xung quanh TQ, người Nhật không bắt chước nguyên xi mà biến những cái mình đã học được từ nước ngoài thành phong cách của người Nhật Bản và áp dụng chúng trong lối sống hàng ngày. Trên nhiều phương diện, phát triển những văn hóa đó mạnh và cao hơn văn hóa mình đã học được từ thầy. Ta có thể kể đến như trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, phật giáo, nhu đạo, mì ramen, há cảo, ngành sắt thép, ngành ô tô v.v... Có thể nói Người Nhật là một trong số rất ít dân tộc học thầy mà lại hơn thầy.
Những nét văn hoá truyền thống như cổ nhạc kịch (kabuki), kịch nói kiểu ngông cuồng (Noh), trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, người Nhật vẫn kế thừa phát triển nhưng không còn được giới trẻ say mê rộng rãi, vì có quá nhiều nghi thức và phức tạp so với một xã hội hiện đại ngày nay.



Bài số 3 : Người Nhật Bản và các tôn giáo
Trừ khoảng thời gian khoảng 200 năm trong thời EDO bế quan tỏa cảng, đàn áp đạo Thiên chúa, trong lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, người Nhật rất khoan dung trong tôn giáo.
Tổng số tín đồ các tôn giáo vào khoảng 213.000.000 người, gần gấp 2 lần dân số Nhật Bản. Nghĩa là có những người đa tôn giáo.
Sự phối hợp giữa Thần đạo, Phật giáo, Thiên chúa Giáo và Khổng giáo.
Khi được hỏi ông/bà theo tôn giáo nào ? Người Nhật Bản trả lời chẳng theo tôn giáo nào cả.
Khi thi nhập học, làm lễ kết hôn, sinh con, cần làm ăn phát đạt, xin cho khỏi bệnh người Nhật lên miếu, đền thờ của Thần đạo.
Khi có ma chay tống táng, người Nhật mời thầy chùa về tụng kinh hoặc lên chùa.
Vào ngày 25 tháng 12 người Nhật ăn mừng lễ giáng sinh rất rầm rộ. Đa phần khi kết hôn thì thường làm lễ kết hôn trước mặt cha đạo Thiên chúa hoặc mục sư đạo Tin lành.
Ngày 31 tháng 12, người Nhật lắng nghe tiếng chuông chùa của những cổ tự vào ngày cuối năm.
Vào ngày 01 tháng 01, người Nhật lên các miếu, đền thờ của Thần đạo hoặc chùa của Phật giáo cầu phước cho năm mới. Tại Nhật, ta có thể thấy nhiều chùa (đạo Phật) và đền thờ (Thần đạo) nằm chung trong một khuôn viên đất hoặc bên cạnh nhau.


Bài số 4: Tại sao người Nhật Bản làm việc nhiều quá vậy ?
Vì người Nhật Bản đam mê công việc, vì muốn hết mình vì công ty, vì muốn cống hiến cho xã hội trong đó có bản thân mình chứ không phải bị bắt buộc, cưỡng chế như một quốc gia nào đó thường tuyên truyền.
"Người Nhật Bản thường che dấu cá tính mình và sẵn sàng hiến mình cho đời sống của công ty, dù có phải hy sinh một phần lợi ích của gia đình và cá nhân mình. Họ làm việc tận tụy cho công ty và sẳn sàng bảo vệ lợi nhuận của công ty khi cần thiết". Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự thay đổi dù không nhiều trong phong cách này.
Một điều quan trọng là người Nhật làm việc tận tụy ở đây không có nghĩa là làm nhiều thời gian. Đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ. Nhật Bản có rất nhiều ngày nghỉ trong năm.
Ba yếu tố trong lề lối làm việc của người Nhật Bản
1) Cần cù, tiết kiệm và lối sống giản dị.
Người Nhật Bản làm việc không phải là một hoạt động kinh tế, mà như là một hoạt động tôn giáo từ những năm 1600. Như thể người ta tin rằng làm việc chăm chỉ là phương cách để được lên thiên đàng sau khi chết. "Lao động là một đức hạnh" vẫn còn là nếp suy nghĩ của người Nhật Bản hiện đại.
2) Danh vọng:
Từ thời Minh Trị (1868) giai cấp xã hội (giới võ sĩ, giới nông dân, giới công kỹ nghệ, giới thương nhân) đã được bãi bỏ, mọi người được tự do chọn nghề nghiệp cho mình, không buộc phải theo nghiệp gia đình. Nếu cố gắng, ai cũng có cơ hội, có địa vị mới cao hơn trong xã hội, trong công ty. Điều quan trọng là thành công ở đời. Trở về quê nhà với công thành danh toại là giấc mơ của mọi người. Nhưng giới trẻ Nhật Bản ngày nay không còn khuynh hướng theo nếp nghĩ này nữa mà nghĩ một cách phóng khoáng hơn.
3) Tác phong tập thể:
Nhật Bản xưa là một nước nông nghiệp và canh tác lúa, tuy nhiên đất đai toàn là đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt và những trở ngại khác đòi hỏi họ phải đoàn kết hợp tác với nhau làm việc. Trong hoàn cảnh như vậy, con người phải hợp tác với nhau.

 
Bài số 5: Các quan niệm về công ty
1) Công ty là của các cổ đông, của ban quản lý, của công đoàn lao động, của công nhân trong xí nghiệp. Công ty không phải là của cá nhân người chủ doanh nghiệp (trừ những trường hợp thiểu số).
2) Công ty là một tổ chức chức năng có một mục đích rõ rệt và là một cộng đồng.
3) Công ty là nơi nuôi dưỡng và nâng cao phẩm chất con người. Công ty là nơi rèn luyện tinh thần, xây dựng nhân cách mình.
Người Nhật Bản làm việc cho một công ty cho đến ngày về hưu, chỉ chuyển đổi công việc làm việc cho một công ty khác khi ở một hoàn cảnh đặc biệt. Phong cách này hiện tại cũng đang dần dần thay đổi nhưng không nhiều.
Vì giá cổ phiếu giảm, tình hình kinh tế của Nhật Bản rơi vào tình trạng xáo trộn khoảng 20 năm nay. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng, các công ty bảo hiểm lần lượt bị phá sản và số người thất nghiệp tăng lên dần vì các chính sách thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp. Bởi vậy, các quan niệm truyền thống của Nhật Bản cũng thay đổi theo sự thay đổi của hệ thống tổ chức xã hội.
Hệ thống làm việc suốt đời cho một công ty, thăng thưởng theo thâm niên, chỉ sử dụng những người mới ra trường để đào tạo họ thành những nhân viên phù hợp với văn hóa của chính doanh nghiệp, vốn là những truyền thống tốt đẹp của Nhật Bản, đang dần dần biến mất trong xã hội Nhật Bản. Thay vào đó, chủ nghĩa thành tích-kết quả, hệ thống tuyển dụng từng mỗi năm, hệ thống lương năm và nhiều hệ thống làm việc khác, dần dần được đưa vào các công ty Nhật Bản. Kết quả tất nhiên là cách cư xử và lòng trung thành của người làm việc đối với công ty, sẽ thay đổi lớn trong tương lai.

Văn Hóa và Xả Hội Nhật Bản

 Togetsukyo at Arashiyama, Kyoto, Japan

Hôm nay ngày 3 tháng 11 là ngày lễ của Nhật Bản. Nhân đây xin giới thiệu các ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Nhật Bản có rất nhiều ngày lễ của quốc gia (được nghỉ).
1. Ngày 1 tháng 1 : Lễ Tết (dương lịch). Nhật Bản không còn ăn tết âm lịch từ sau Minh Trị.
2. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 1 : Lễ thành nhân (lễ các thiếu niên đến 20 tuổi, được công nhận là người lớn, được uống rượu, hút thuốc từ 20 tuổi)
3. Ngày 11 tháng 2 : Lễ kỹ niệm lập quốc (tương đương với ngày quốc khánh)
4. Ngày 20 tháng 3 : Lễ xuân phân (bắt đầu mùa xuân). Ngày xuân phân thay đổi theo mỗi năm, thường nằm trong khoảng ngày 19 đến 22 tháng 3.
5. Ngày 29 tháng 4 : Lễ ngày Chiêu Hòa (trước kia là sinh Nhật vua Chiêu Hòa, cha của đương kim Thiên hoàng, sau khi vua chết thì vẫn duy trì ngày lễ để tăng thêm ngày nghỉ)
6. Ngày 3 tháng 5 : Lễ ngày kỹ niệm hiến pháp (ngày kỹ niệm vua Minh Trị ban hành hiến pháp)
7. Ngày 4 tháng 5 : Lễ ngày màu xanh (bảo vệ môi trường xanh, trồng cây v.v…)
8. Ngày 5 tháng 5 : Lễ ngày trẻ em
* Tháng 6 không có ngày lễ quốc gia. Quốc hội Nhật Bản đang cố tìm ra một ngày nào đó để tăng thêm ngày lễ. Có thể tương lai sẽ là lễ ngày núi
9. Ngày thứ hai của tuần thứ 4 tháng 7 (trước kia là ngày 20 tháng 7) : Lễ biển
* Tháng 8 không có ngày lễ quốc gia
10. Ngày thứ hai của tuần thứ 4 tháng 9 : Lễ kính lão (trước sau ngày 20 tháng 9)
11. Ngày 22 tháng 9 : Lễ ngày nghỉ quốc dân (ngày này không cố định, nằm giữa ngày lễ kính lão và ngày lễ thu phân để dân chúng được nghỉ liên tục)
12. Ngày 23 tháng 9 : Lễ thu phân (bắt đầu mùa thu)
13. Ngày thứ hai của tuần thứ 3 tháng 10 : Lễ ngày thể dục
14. Ngày 3 tháng 11 : Lễ ngày văn hóa
15. Ngày 23 tháng 11 : Lễ tạ ơn lao động (tương đương với ngày lao động quốc tế, Nhật Bản không nghỉ ngày lao động quốc tế)
16. Ngày 23 tháng 12 : Lễ sinh nhật đương kim thiên hoàng (vua Nhật). Nhật Bản không nghỉ lễ giáng sinh để không thiên vị trong tôn giáo
Chú thích :
*1. Những ngày nghỉ liên tục trong thượng tuần tháng 5 gọi là tuần lễ vàng, những ngày nghỉ liên tục trong hạ tuần tháng 9 gọi là tuần lễ bạc.
*2. Trừ những ngày cố định như sinh nhật vua, ngày lỹ niệm hiến pháp v.v…, trên cơ bản là đưa những ngày lễ quốc gia vào ngày thứ hai (hoặc ngày thứ sáu) để dân chúng có thể nghỉ liên tục.
*3. Những ngày lễ quốc gia rơi vào ngày chủ nhật thì tự động được chuyển sang ngày thứ hai ngay sau đó.
*4. Để phân tán thời gian nghỉ của dân chúng, Nhật Bản dự định tăng thêm ngày nghỉ mới trong tuần lễ bạc (tháng 9) nhưng chưa tìm ra được lý do để thuyết phục dân chúng.


Nguồn: FB Ryu Mizukoshi - Cựu học sinh Phan Bội Châu PT


Hôm nay, ngày 3 tháng 11 là ngày lễ văn hóa của Nhật Bản, tôi xin chia sẻ một vài nét văn hóa mà mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp có thể thực hiện được chứ không cần phải đợi đến cả quốc gia.
1. Toilet : tất cả mọi người đã đến Nhật đều cảm nhận được là toilet của Nhật Bản rất sạch đẹp. Trong nhà hàng, khách sạn, cơ quan chính quyền, công ty thì khỏi cần giải thích nhưng ngay cả các toilet công cộng trong công viên, trong nhà ga xe điện v.v… đều rất sạch. Do người Nhật ăn ở vệ sinh?, đúng vậy nhưng chỉ đúng một phần. Khi tôi sang Nhật vào giữa thập niên 1970 thì toilet công cộng cũng khá dơ bẫn. Trong toilet cũng có những dòng chữ “xin giữ vệ sinh chung” hoặc ngoài đường cũng có những bảng “cấm đái” (xin lỗi các cô gái) dù không nhiều như ở VN. Một thời gian sau thì những dòng chữ như “xin giữ vệ sinh chung” v.v… được thay đổi thành các dòng chữ “thành thật cảm ơn quý vị đã giữ sạch đẹp” hoặc “thành thật cảm ơn quý vị đã giữ sạch đẹp cho người sử dụng kế tiếp” xuất hiện, và từ đó trở về sau thì toilet công cộng của Nhật càng ngày càng sạch đẹp ra.
2. Thay đổi những từ ngữ dễ tổn thương :
Trước đây trong trường học, người Nhật vẫn sử dụng từ “Hội phụ huynh”, “Phụ huynh” như ở VN, nhưng trong khoảng 30 năm trở lại, người Nhật biết là các từ này sẽ làm tổn thương đến các em học sinh không có cha, không có mẹ và làm các em cảm thấy tủi thân. Từ đó trở về sau tại Nhật người ta sử dụng các từ “Hội người nuôi dưỡng” hoặc “Người nuôi dưỡng”.
Tương tự như trên, những từ như “mù”, “điếc”, “khùng”, “tàn tật”, “khuyết tật” v.v… không còn trong tiếng Nhật nữa. Thay vào đó những từ “người có trở ngại về thân thể”, “người không có tự do về thân thể” hoặc “người chậm phát triển về trí tuệ” được sử dụng một cách phổ biến.

Nguồn: Ryu Mizukoshi

Friday, November 13, 2015

Estate Sale…/ Góc của Phan

Hồi mới qua Mỹ, lần đầu thấy tấm bảng ghi là Estate Sale cắm ở góc đường, tôi đoán là một hình thức bán bớt đồ cũ trong nhà. Như bày bán ở Garage thì gọi là Garage Sale; bày bán ở sân sau nhà thì gọi là Yard Sale; dọn nhà thì người ta bán bớt những thứ không tiện đem theo với bảng cắm là Moving Sale, còn Estate Sale… chắc cũng tương tự. Tự dặn là về phải tra tự điển, nhưng rồi tôi quên luôn! Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, ra đường thấy chữ gì không hiểu thì cứ nhủ lòng về tra tự điển, nhưng bao giờ cũng quên nhiều hơn là nhớ.
Cho tới một hôm tình cờ nghe cô bạn Mỹ làm chung kể chuyện, tôi mới hiểu chính xác Estate Sale là bán sạch gia tài. Cổ kể là vợ chồng cổ mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền, còn rất mới, nhưng với giá chỉ một phần mười giá trị thực của bộ bàn ăn đó. Theo cô ấy cho biết, bộ bàn ăn trị giá năm ngàn đồng, dù nó chỉ còn mới được tám mươi phần trăm, nên có phải mua với giá một, hai ngàn đồng, cô ấy cũng đồng ý mua. Vậy mà vợ chồng cô ấy mua được với giá chỉ năm trăm đồng, từ một căn nhà treo bảng Estate Sale. Cô ấy phải ghi xuống giấy ngày, giờ và địa chỉ của căn nhà đó. Rồi thông báo cho chồng cô ta biết trước mấy ngày để đến đúng hôm đó, hai vợ chồng phải dậy sớm mà đi xếp hàng. Khi lọt được vào ngôi nhà Estate Sale, cô nhanh chóng quyết định, nhưng phải kể là may mắn nên cô đã mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền với giá quá rẻ.
Trò chuyện thêm với cô bạn, tôi mới hiểu ra Estate Sale là bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ ly tách muỗng chén, đến quần áo, giường ngủ, tủ trà, bệ thờ; tới cả tranh, tượng, đồ kỷ niệm… Nhưng giá bán của Estate Sale không rẻ như Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale vì không phải là đồ thừa trong nhà. Lý do bán hết các thứ trong nhà vì chủ nhà phải vô viện dưỡng lão chẳng hạn; những người già neo đơn ấy không có thân nhân để có thể cho lại, nên họ bán hết, bán sạch, với giá cao hơn bán đồ cũ, đồ thừa của Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale…
Và người Mỹ đi Estate Sale như đi hội chợ, nhất là Estate Sale ở những khu nhà giàu. Ngay từ sáng sớm thiên hạ đã xếp hàng ghi tên, xe đậu dài hai ba blocks đường. Tới giờ mở cửa, người ta tranh nhau mua. Sau đó bưng bê nườm nượp, náo nức như được chia của.
Câu chuyện về Estate Sale như một hiểu biết thêm về đời sống Mỹ trong đầu óc mới tới định cư của tôi. Rồi thời gian và cuộc sống cá nhân, gia đình quay cuồng theo cơm áo gạo tiền nên chả nhớ gì tới Estate Sale nữa.
Cho tới một sáng cuối thu, đã bảy giờ nhưng mặt trời còn chưa ló dạng. Không gian yên ắng tới chỉ nghe mỗi tiếng đồng hồ tích tắc trên tường. Ngoài cửa sổ, sương còn phủ ngọn đồi sau nhà mờ ảo màu lá vàng phai. Không gian đẹp nhưng buồn quá, nhất là cái lạnh đã len lỏi về, đậu trên những ngón tay cảm giác điêu tàn.
Tôi đi thay quần áo để lên đường, đi giúp một ông bạn già. Hôm nay ổng bán Estate Sale. Tuy hẹn chín giờ nhưng tôi đi sớm để có thời gian ngồi uống với ông bình trà. Bởi đêm qua thao thức về ông, tôi nghĩ sau hôm nay, có thể là lần cuối tôi gặp ông trong đời. Nhớ lại, tôi quen biết ông chừng năm, bảy năm trước, dịp tôi phỏng vấn Cựu Thiếu tướng Đỗ Kế Giai ở Trung tâm sinh hoạt cao niên trong thành phố. Bữa đó, chính ông đã đến bắt tay tôi trước, hỏi tôi có phải là Phan mà ông thường đọc đó không? Tôi có cảm tình ngay với một người lớn tuổi, hiền lành, đôn hậu. Tình thân chưa có nhưng lòng cảm mến thì nhiều, tôi cho ông số điện thoại để tiếp tục nói chuyện vào dịp khác bởi tôi đang bận với cuộc phỏng vấn…
Rồi tình thân nảy nở sau những lần ông mời tôi đi uống cà phê, rất thỉnh thoảng, nhưng ông thực sự có hiện diện trong tôi như một người bạn mà tôi thường tự trách là ít thăm hỏi ông, hay mời ông đi uống ly cà phê. Giao tiếp với người già chỉ mất ít thời gian mà được lợi rất nhiều về kiến thức và kinh nghiệm sống. Biết thế, nhưng khi có thời gian rảnh thì tôi vẫn đi chơi với bạn trẻ nhiều hơn; Chỉ khi cần hỏi, là cần tới người già thì tôi mới nhớ tới ông, gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê… để hỏi. Tôi là một con người hiện đại qua cách tìm thông tin là biết hỏi ai; và ông bạn già là người thuộc thế hệ cũ qua việc sẵn sàng cho không kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cả đời. Sự cho và nhận co giãn theo tuổi đời thì tôi co ông giãn. Đó là ý nghĩ hôm trời mới chớm thu, tôi gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê vào một sáng cuối tuần. Hôm đó, tôi không có gì để hỏi ông mà chỉ là bỗng nhớ tới một người bạn mà quỹ thời gian của người đó không còn nhiều nên tôi dành thời gian rảnh rỗi có được cho ông.
Hôm đó ông nói với tôi là, “…anh cũng đã già.” Tôi tin nhận xét của ông vì tôi đã vừa từ chối bạn bè trang lứa rủ nhau đi nông trại của một người bạn từ sáng sớm để hạ một con dê và nhậu tới chiều. Chắc chắn là một cuộc vui, nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn. Bạn bè chưa già thì còn dịp khác để gặp. Nhưng ông bạn già hiu hắt như gió thu, hôm tình cờ gặp nhau ngoài chợ, lòng tôi bất an sau khi chia tay…
Hôm đầu thu đó, hỏi thăm ra mới biết, vợ ông đã qua đời hồi hè. Ông không cho tôi biết vì bà đi thăm con gái với cháu ngoại bên Cali, bị đột qụy và mất luôn ở bên ấy. Ông muốn đưa bà về Dallas để lo ma chay vì bà đã sống ở Dallas mấy chục năm. Nhưng người con trai ông sống ở Dallas thì lại muốn em gái lo ma chay cho mẹ luôn bên Cali cho tiện. Cái lý của anh ta đưa ra là chết ở Mỹ thì lo ma chay ở đâu cũng chỉ là cái nhà quàn như nhau…
Tôi chỉ quen biết ông như một người viết và một độc giả, chưa bao giờ tôi uống với ông một ly bia vì ông không rượu bia, không thuốc lá. Nhưng hôm đầu thu đó, ông tự tay mượn điếu thuốc lá đang cháy dở trên tay tôi; ông hút một hơi thuốc thật sâu, rồi trả lại tôi. Tôi sợ ông sặc, nhưng ông không sặc như tôi sợ. Ông nhả khói chậm rãi, và chìm vào tâm sự, “Tôi chưa bao giờ nói với anh, cũng không nghĩ tới chuyện nói với ai. Nhưng nỗi buồn trong tâm khảm tôi lớn dần như mầm bệnh ung thư tới hồi bộc phát. Tôi biết là trước sau gì cũng chết, tôi không sợ chết, chỉ buồn lòng người làm cha mà không biết dạy con mình…”
“…Vợ chồng tôi chỉ có hai người con. Lo được cho thằng lớn ăn học tới ra đại học không phải nợ tiền học đồng nào. Nó đi làm, lãnh lương cất riêng vào trương mục nhà băng của nó. Ngày ngày vẫn về nhà ăn, ở, cha mẹ lo. Nó cho đó là lối sống Mỹ, và nó chọn cách sống ấy.
"Cha mẹ đừng tọc mạch vào thu nhập của con cái". Nhưng khi nó muốn lấy vợ thì nó chọn lối sống của người Việt là dù sống ở đâu trên địa cầu thì chuyện cưới hỏi của con cái, cha mẹ người Việt cũng đứng ra lo cho con.
Thế là vợ chồng tôi lo cưới vợ cho con trai. Tôi không lấy gì làm buồn lòng vì cha mẹ tôi cũng đi cưới vợ cho tôi khi xưa. Nhưng rồi con tôi muốn mua nhà. Nó trình bày với vợ chồng tôi, nó mua nhà trăm rưỡi, cần mượn nhà băng một trăm ngàn, nếu trả trong ba mươi năm thì tổng số tiền nó phải trả cho nhà băng lên tới ba trăm ngàn. Nghĩa là một trăm ngàn vốn với hai trăm ngàn tiền lời trong ba mươi năm. Nó muốn cha mẹ giúp đỡ cho nó mượn một trăm ngàn, để nó trả dứt căn nhà ngay khi mua, không phải trả tiền lời cho nhà băng. Nếu nó phải trả ra số tiền ba trăm ngàn trong ba mươi năm, thì mười năm cho một trăm ngàn. Nó sẽ trả cho cha mẹ một trăm ngàn trong mười năm là khả năng có thể.
Tôi bắt đầu thất vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho nó mượn. Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói gém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ học như nó? Tôi suy nghĩ nhiều đêm, đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra nó, chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được… Nhưng tôi thất bại trong chuyện dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng tình mẫu tử càng lên ngôi.
Nó trả lời cho tôi câu hỏi, ‘tiền đâu để lo cho em nó?’ ‘Thì ba mẹ lấy tiền con trả hàng tháng để lo cho nó.’ Tôi định hỏi câu hỏi quan trọng nhất theo kinh nghiệm của tôi là, ‘Nhưng con có chắc là con sẽ trả cho ba mẹ hàng tháng. Hay trả vài tháng… rồi quên luôn?’
Tôi thương vợ tôi nên đã làm điều tôi biết trước nhưng vẫn làm là tôi cho con trai tôi mượn một trăm ngàn. Vợ tôi mất tinh thần nhiều năm sau đó vì đúng là nó không trả. Nhưng chúng tôi được trời phật cho lại đứa con gái muộn màng. Nó là nguồn an ủi, niềm vui còn lại cho vợ chồng tôi. Lúc nào nó cũng vui vẻ nói là ba mẹ chết rồi thì tài sản cũng để lại cho anh em con thôi. Thì anh Hai cần trước thì anh Hai lấy trước. Ba mẹ đừng có giận anh Hai nữa, chỉ tổn hao sức khoẻ cho ba mẹ thôi. Còn con, nợ học thì ai đi học ở Mỹ mà không nợ. Chừng con ra trường thì con trả. Ba mẹ đừng lo nữa…
Con bé lạc quan nói sao làm vậy. Về sau, nó lấy chồng bên Cali nên về Cali sống. Vợ tôi muốn bán nhà, dọn về Cali ở với con gái thì thằng con trai không cho đi vì bà nội phải ở Dallas để trông con cho vợ chồng nó đi làm…
Đến cái chết đột ngột của mẹ nó. Tôi muốn đưa bà ấy về Dallas để lo ma chay vì bà ấy sống ở đây đã như là quê hương. Nó ngại tốn kém nên lý lẽ bất dung tình với cả cha mẹ. Tôi không buồn sao được anh…”
Ôi, cái hôm đầu thu đó! Nhớ lại sao mà buồn. Và tại sao lại có hôm nay, tôi đến giúp ông bạn bán Estate Sale, bán hết gia tài một lần để giã biệt. Buổi chiều cuộc đời như không gian thu tràn ngập lá vàng bay, những nảy nở mùa xuân, khoe sắc hạ, thu úa, đông về… Người ta có sống tới trăm tuổi thì mùa thu thứ một trăm của cuộc đời cũng phải rời bỏ ngôi nhà không cần bật đèn giữa nửa đêm cũng biết lối đi tới nơi muốn tới; bán bỏ cả cái thìa khuấy ly cà phê mỗi sáng đã không thể nhớ nổi nó có trong nhà từ bao giờ mà người gia chủ chỉ nhớ chắc là khuấy ly cà phê bằng cái thìa khác sẽ không ngon; bức tranh mua garage sale có vài đồng bạc hồi mới qua Mỹ, nhưng không có nó trên tường nhà thì cứ tưởng mình đang ở chơi nhà bạn, hay nhà bà con chứ không phải nhà mình; đến tiếng cái đồng hồ nhà mình cũng khác hẳn tiếng đồng hồ nhà khác mà chỉ có mình phân biệt được… lại còn nắm đất quê hương trên bàn thờ, hồi ra đi mình mang theo để nhớ đường về. Nhưng nó nằm im lặng đã bốn mươi năm. Bây giờ người đem nó đi còn gởi lại nắm xương ở quê người thì nắm đất quê hương ấy trở thành oan nghiệt. Cho không ai lấy, bán chẳng ai mua, mà ném qua cửa sổ thì hóa ra mình đã biến thành thú vật.
Tôi ứa nước mắt trên tay lái, làm sao ông bạn tôi có thể sống sau hôm nay khi chính tay tôi bán hết những gì đã gắn bó với ông cả đời. Tôi, chính tôi, đã tiếp tay thần chết sớm bắt ông rời bỏ thói quen và kỷ niệm; rồi rời bỏ tới người thân; cuối cùng là rời bỏ cuộc đời… Nhưng nhớ lại tâm sự đầu thu của ông, ông đi dự đám tang của vợ ông bên Cali như người quen biết cũ, mấy chục năm vợ chồng còn lại cái trống không trong lòng già; con trai ông đi dự đám tang của mẹ dửng dưng đến mức đường về, anh ta nhắc ông trên phi cơ là ba phải làm di chúc căn nhà lại cho con, vì ba đi đột ngột như má thì chính phủ lấy nhà…
Tôi nghĩ chắc anh ta không chỉ muốn lấy căn nhà đã trả hết mà muốn lấy luôn cả phần bảo hiểm nhân thọ của cha nên mới chọc giận ông đúng thời điểm tinh thần và thể lực của ông suy kiệt nhất sau mấy ngày đám tang bên Cali. Tôi biết anh ta, có gặp mặt vì Dallas đâu có mấy nhà hàng của người Việt. Nhưng chưa chào hỏi anh bao giờ để cất giữ bí mật cho cha anh – là bạn tôi. Anh là ai trong gia đình lớn của anh, gia đình nhỏ của anh, trong xã hội anh đang sống… tôi không quan tâm tới địa vị hay tên tuổi của anh ở địa phương. Tôi chỉ biết là tôi đã có lỗi với một người không có lỗi gì với tôi là anh. Tôi đã đồng ý với con gái của ông bạn, dù chỉ nghe ông kể, “…con còn phải đi làm và lo lắng cho gia đình con. Con không thể chăm sóc cho ba mỗi ngày như má. Nhưng má mất rồi thì ba không thể ở một mình. Ba có chuyện gì, không ai biết, không ai hay… làm sao con yên tâm. Con xin ba giao hết nhà cửa cho anh Hai… muốn làm gì làm bên Dallas. Ba về Cali với con. Ba phải ở viện dưỡng lão vì con không thể và không có thời gian để lo cho ba như má. Nhưng vài hôm con sẽ có thời gian ghé thăm ba một, hai tiếng đồng hồ; con nấu được gì ngon, con đem vô cho ba ăn… ba có chuyện gì, người chăm sóc cho ba sẽ báo ngay cho con, con vô ngay với ba…”
Tôi có tào lao lắm không khi khi không lên tiếng về chuyện nhà người khác? Tôi nói với ông hôm đầu thu, “Chia buồn với ông về sự mất mát người thân nhất của ông mà tôi không biết, cho dù ông có cho hay thì tôi chắc cũng không có điều kiện bay qua Cali để viếng tang của bà. Thôi thì ngày nào còn sống hãy tính chuyện đời cho xong để êm xuôi khi ra đi. Ông bà đã giúp con trai không phải nợ tiền học. Tôi tính nhanh là đã cho anh ta năm chục ngàn. Ông bà cho mượn một trăm ngàn mua nhà – và không hoàn lại. Vậy là ông bà đã cho con trai một trăm năm chục ngàn. Nên bây giờ ông bán căn nhà đã trả hết mà ông đang ở, cũng cỡ một trăm năm chục ngàn. Số tiền đó cho hết con gái, là công bằng với con cái.
Ông về Cali sống với đề nghị của con gái là hoàn toàn hợp lý. Số tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ ông, gởi con gái để lo cho ba những ngày cuối đời ba, lo cả hậu sự cho ba. Thừa thiếu gì thì tôi tin là con gái ông không tính toán với ông. Còn phần bảo hiểm nhân thọ của ông thì di chúc lại cho con gái. Nhưng chỉ nhờ cô ta quản lý số tiền đó để về sau chia đều cho hết cháu nội, cháu ngoại của ông bà. Cứ đứa nào vô đại học thì được nhận một khoản tiền do ông bà để lại cho con cháu ăn học. Tôi biết, với đà lạm phát và trượt giá ở nước Mỹ thì số tiền học bổng miễn hoàn lại cho con cháu sẽ không nhiều, nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với đời thứ ba của gia đình ông trên nước Mỹ…”
Câu chuyện đầu thu mới đó mà đã cuối thu rồi! Ông bạn tôi đúng là người độ lượng như tôi đã tin ông như thế! Ông giao căn nhà cho con dâu để cho mướn kiếm thêm tiền chợ cho cháu nội ông được sống sung túc hơn. Ông di chúc lại căn nhà cho con dâu của ông chứ không bán. Giấy tờ xác quyết là tài sản riêng của con dâu, “để nhỡ… vợ chồng con xảy ra chuyện bất trắc gì sau khi ba mất. Thì ba mẹ chỉ giúp được con một chỗ ở để nuôi mấy đứa cháu nội của ba mẹ. Cảm ơn con.”
Ông cho hết con gái khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ cô ấy. Ông nghe tôi về khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông. Ông chỉ còn giữ lại hàng hà kỷ niệm trong từng đồ vật mà tôi đang bán ra cho những người không quen biết. Thế nên mắt ông lạc thần trông theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông lần cuối khi ra cửa một mái ấm gia đình đã tới hồi kết.
Buổi sáng một ngày cuối thu mà tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn ông biệt xứ lúc cuối đời, tay khép lại cánh cửa nhà mình lần cuối, bình thản nói với vợ, “thôi, mình đi nghe em…” là di ảnh của bà mà ông kẹp ở nách để khoá cửa ra đi...
Ngoài đường, những trang trí cho ngày lễ Halloween đã lên đèn dọc lối đi. Tôi nhìn ông thả bộ ra xe mà thấy một kiếp người đến với cuộc đời cách nay tám mươi năm, chỉ có tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Bởi ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi. Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khoá cửa, cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc, nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình. Tôi nhìn theo ông ấy tan vào thế giới ma quỷ và màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale của ông bạn.
Tới Estate Sale của tôi, cũng là kinh doanh từ vốn một tiếng khóc chào đời, tôi sẽ kẹp nách mang theo được gì lúc ra đi? Chỉ biết chai rượu thường nhưng để lâu năm cũng ngon như nước cam tuyền… từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau. Đâu đó là thơ Bùi Giáng. Nên, uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời… Khi hiểu được thơ Bùi Giáng thì cuộc đời coi như đã tàn thu. Còn bạn?
Phan