Sunday, November 22, 2015

Những nét chung về xã hội Nhật Bản / Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết

 Ryu Mizukoshi - Cựu Học Sinh Phan Bội Châu Phan Thiết 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Mong rằng qua bài viết này (lần lượt từ Bài số 1 đến Bài số 6), các bạn trẻ VN hiểu thêm được người Nhật và nước Nhật.


Bài số 1: Những nét chung về xã hội Nhật Bản
Trong khi vẫn gìn giữ nền văn hóa truyền thống, Nhật Bản cũng nhanh chóng hấp thu kỹ thuật của phưng Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sau khi thất trận Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản hoang tàn đã phục hưng và trở thành nước có nền kinh tế mạnh hàng thứ nhì trên thế giới và là một đồng minh vững chắc của Mỹ. Nhật Hoàng trên ngai vàng chỉ là biểu tượng cho sự thống nhất quốc gia, quyền lực thực sự nằm trong hệ thống các chính trị gia, các công chức và các doanh nhân. Kinh tế Nhật Bản đã chậm lại trong thập niên 1990, sau 3 thập niên phát triển chưa từng có.
Sự hợp tác giữa Chính quyền - Doanh nghiệp - Học đường, một định chế luân lý chức nghiệp, sự làm chủ khoa học kỹ thuật và một ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ (1,1% của GDP), đã giúp Nhật tiến nhanh thần kỳ lên nền kinh tế có kỹ thuật mạnh hàng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ và nền kinh tế lớn hàng thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Đặc điểm đáng chú ý trong nền kinh tế Nhật Bản là các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối kết hợp khắng khít với nhau thành những tập đoàn khép kín gọi là Keiretsu. Đặc điểm thứ hai là thuê mướn việc làm trọn đời cho phần lớn lực lượng lao động ở thành thị. Ngày nay cả hai đặc điểm này đang bị xói mòn. Kỹ nghệ, khu vực kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản, lại phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng. Nông nghiệp - khu vực kinh tế nhỏ hơn rất nhiều – nhưng lại được trợ cấp và bảo hộ ở mức độ cao, đạt được năng suất thu hoạch cao trong số những nước có năng suất cao nhất thế giới. Tuy nhiên những chính sách hỗ trợ cho nông dân ngày càng bị hạn chế do những qui chế của WTO hoặc GATT hoặc TPP v.v.... Dù vậy, Nhật Bản vẫn tự túc đủ và dư thừa gạo, nhưng phải nhập khẩu trên 50% các loại rau quả, ngũ cốc khác và thức ăn cho gia súc. Nhật Bản nằm trong số những nước có đoàn tàu đánh cá lớn nhất thế giới và đánh bắt được 15% tổng số toàn cầu. Sau 3 thập niên tăng trưởng kinh tế toàn diện và lạ lùng, mức tăng trung bình những năm của thập niên 1960 là 10%, những năm của thập niên 1970 là 5% và những năm của thập niên 1980 là 4%. Tăng trưởng kinh tế giảm sút rõ rệt trong những năm 1992 - 1995 do hậu quả của đầu tư quá mức trong cuối những năm 1980, và các chính sách thu hẹp đầu tư trong nước, để giải tỏa bớt đầu tư quá mức trong thị trường chứng khoán và bất động sản. Mức tăng trưởng lại được đẩy lên 3,9% nhờ các kích cầu tài chánh và tiền tệ, kìm hãm được tốc độ lạm phát thấp. Nhưng năm 1997-2010 Nhật Bản trải qua giai đoạn suy thoái trầm trọng vì khó khăn về tài chính và hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, càng trầm trọng khó khăn hơn vì những cứng nhắc trong cơ cấu tổ chức các công ty và thị trường lao động. Năm 1999 sản lượng bắt đầu ổn định vì chính sách chi tiêu khẩn cấp của chính phủ bắt đầu có hiệu quả, sự tin tưởng của các doanh nghiệp bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ quá đà làm cho nền chứng khoán của Nhật Bản giảm liên tục, giảm phát phát sinh và kéo dài cho đến cuối năm 2010. Cư dân trong di chuyển lên vùng đô thị càng ngày càng đông đúc và bộ phận dân số già nua càng ngày càng tăng lên và đó là hai vấn đề lớn trong tương lai lâu dài. Ngành sản xuất rôbô là ngành kinh tế mũi nhọn, Nhật Bản có 410.000 rôbô làm việc trong số 720.000 rôbô của toàn thế giới (thống kê năm 2005), chiếm hơn một phần hai số rôbô trên thế giới.

 

Con Người và Xã Hội Nhật Bản
Bài số 2: Những đặc trưng của người Nhật Bản
1) Xã hội có tôn ti trật tự.
2) Lịch thiệp – đúng mực, hòa hợp với nhóm, tự trọng.
3) Cần cù, trung thành với nhóm.
4) Có ý thức tập thể.
5) Không khẳng định rõ ràng có hay không, im lặng là vàng.
6) Người Nhật Bản sống hòa mình với thiên nhiên.
7) Không thân mật với người ngoại quốc.
8) Thiếu hiểu biết về các dân tộc khác.
Có những tính đặc trưng nêu trên là do người Nhật Bản là một dân tộc gần như là thuần nhất (có 2 dân tộc khác là người AINU ở miền Bắc và người RYUKYU ở miền Tây Nam, nhưng chỉ là thiểu số), đại dương bao quanh cách ly với những nước khác và là một dân tộc làm nông nghiệp.
Thời xưa Nhật Bản học được nhiều thứ của Trung Quốc, Triều Tiên - chữ nho, văn hoá, tôn giáo, triết học. Nhưng người Nhật Bản ngày nay thích các nền văn hóa Tây phương về ẩm thực, nhà cửa, cách ăn mặc, nghệ thuật, âm nhạc và nhiều mặt khác. Khác với các dân tộc khác xung quanh TQ, người Nhật không bắt chước nguyên xi mà biến những cái mình đã học được từ nước ngoài thành phong cách của người Nhật Bản và áp dụng chúng trong lối sống hàng ngày. Trên nhiều phương diện, phát triển những văn hóa đó mạnh và cao hơn văn hóa mình đã học được từ thầy. Ta có thể kể đến như trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, phật giáo, nhu đạo, mì ramen, há cảo, ngành sắt thép, ngành ô tô v.v... Có thể nói Người Nhật là một trong số rất ít dân tộc học thầy mà lại hơn thầy.
Những nét văn hoá truyền thống như cổ nhạc kịch (kabuki), kịch nói kiểu ngông cuồng (Noh), trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, người Nhật vẫn kế thừa phát triển nhưng không còn được giới trẻ say mê rộng rãi, vì có quá nhiều nghi thức và phức tạp so với một xã hội hiện đại ngày nay.



Bài số 3 : Người Nhật Bản và các tôn giáo
Trừ khoảng thời gian khoảng 200 năm trong thời EDO bế quan tỏa cảng, đàn áp đạo Thiên chúa, trong lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, người Nhật rất khoan dung trong tôn giáo.
Tổng số tín đồ các tôn giáo vào khoảng 213.000.000 người, gần gấp 2 lần dân số Nhật Bản. Nghĩa là có những người đa tôn giáo.
Sự phối hợp giữa Thần đạo, Phật giáo, Thiên chúa Giáo và Khổng giáo.
Khi được hỏi ông/bà theo tôn giáo nào ? Người Nhật Bản trả lời chẳng theo tôn giáo nào cả.
Khi thi nhập học, làm lễ kết hôn, sinh con, cần làm ăn phát đạt, xin cho khỏi bệnh người Nhật lên miếu, đền thờ của Thần đạo.
Khi có ma chay tống táng, người Nhật mời thầy chùa về tụng kinh hoặc lên chùa.
Vào ngày 25 tháng 12 người Nhật ăn mừng lễ giáng sinh rất rầm rộ. Đa phần khi kết hôn thì thường làm lễ kết hôn trước mặt cha đạo Thiên chúa hoặc mục sư đạo Tin lành.
Ngày 31 tháng 12, người Nhật lắng nghe tiếng chuông chùa của những cổ tự vào ngày cuối năm.
Vào ngày 01 tháng 01, người Nhật lên các miếu, đền thờ của Thần đạo hoặc chùa của Phật giáo cầu phước cho năm mới. Tại Nhật, ta có thể thấy nhiều chùa (đạo Phật) và đền thờ (Thần đạo) nằm chung trong một khuôn viên đất hoặc bên cạnh nhau.


Bài số 4: Tại sao người Nhật Bản làm việc nhiều quá vậy ?
Vì người Nhật Bản đam mê công việc, vì muốn hết mình vì công ty, vì muốn cống hiến cho xã hội trong đó có bản thân mình chứ không phải bị bắt buộc, cưỡng chế như một quốc gia nào đó thường tuyên truyền.
"Người Nhật Bản thường che dấu cá tính mình và sẵn sàng hiến mình cho đời sống của công ty, dù có phải hy sinh một phần lợi ích của gia đình và cá nhân mình. Họ làm việc tận tụy cho công ty và sẳn sàng bảo vệ lợi nhuận của công ty khi cần thiết". Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự thay đổi dù không nhiều trong phong cách này.
Một điều quan trọng là người Nhật làm việc tận tụy ở đây không có nghĩa là làm nhiều thời gian. Đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ. Nhật Bản có rất nhiều ngày nghỉ trong năm.
Ba yếu tố trong lề lối làm việc của người Nhật Bản
1) Cần cù, tiết kiệm và lối sống giản dị.
Người Nhật Bản làm việc không phải là một hoạt động kinh tế, mà như là một hoạt động tôn giáo từ những năm 1600. Như thể người ta tin rằng làm việc chăm chỉ là phương cách để được lên thiên đàng sau khi chết. "Lao động là một đức hạnh" vẫn còn là nếp suy nghĩ của người Nhật Bản hiện đại.
2) Danh vọng:
Từ thời Minh Trị (1868) giai cấp xã hội (giới võ sĩ, giới nông dân, giới công kỹ nghệ, giới thương nhân) đã được bãi bỏ, mọi người được tự do chọn nghề nghiệp cho mình, không buộc phải theo nghiệp gia đình. Nếu cố gắng, ai cũng có cơ hội, có địa vị mới cao hơn trong xã hội, trong công ty. Điều quan trọng là thành công ở đời. Trở về quê nhà với công thành danh toại là giấc mơ của mọi người. Nhưng giới trẻ Nhật Bản ngày nay không còn khuynh hướng theo nếp nghĩ này nữa mà nghĩ một cách phóng khoáng hơn.
3) Tác phong tập thể:
Nhật Bản xưa là một nước nông nghiệp và canh tác lúa, tuy nhiên đất đai toàn là đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt và những trở ngại khác đòi hỏi họ phải đoàn kết hợp tác với nhau làm việc. Trong hoàn cảnh như vậy, con người phải hợp tác với nhau.

 
Bài số 5: Các quan niệm về công ty
1) Công ty là của các cổ đông, của ban quản lý, của công đoàn lao động, của công nhân trong xí nghiệp. Công ty không phải là của cá nhân người chủ doanh nghiệp (trừ những trường hợp thiểu số).
2) Công ty là một tổ chức chức năng có một mục đích rõ rệt và là một cộng đồng.
3) Công ty là nơi nuôi dưỡng và nâng cao phẩm chất con người. Công ty là nơi rèn luyện tinh thần, xây dựng nhân cách mình.
Người Nhật Bản làm việc cho một công ty cho đến ngày về hưu, chỉ chuyển đổi công việc làm việc cho một công ty khác khi ở một hoàn cảnh đặc biệt. Phong cách này hiện tại cũng đang dần dần thay đổi nhưng không nhiều.
Vì giá cổ phiếu giảm, tình hình kinh tế của Nhật Bản rơi vào tình trạng xáo trộn khoảng 20 năm nay. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng, các công ty bảo hiểm lần lượt bị phá sản và số người thất nghiệp tăng lên dần vì các chính sách thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp. Bởi vậy, các quan niệm truyền thống của Nhật Bản cũng thay đổi theo sự thay đổi của hệ thống tổ chức xã hội.
Hệ thống làm việc suốt đời cho một công ty, thăng thưởng theo thâm niên, chỉ sử dụng những người mới ra trường để đào tạo họ thành những nhân viên phù hợp với văn hóa của chính doanh nghiệp, vốn là những truyền thống tốt đẹp của Nhật Bản, đang dần dần biến mất trong xã hội Nhật Bản. Thay vào đó, chủ nghĩa thành tích-kết quả, hệ thống tuyển dụng từng mỗi năm, hệ thống lương năm và nhiều hệ thống làm việc khác, dần dần được đưa vào các công ty Nhật Bản. Kết quả tất nhiên là cách cư xử và lòng trung thành của người làm việc đối với công ty, sẽ thay đổi lớn trong tương lai.

No comments:

Post a Comment