Wednesday, August 5, 2015

PHAN BỘI CHÂU : MỘT ÐỜI VÌ NƯỚC HỌC SINH TRUNG HỌC PHAN BỘI CHÂU PHAN THIẾT PHẢI NOI GƯƠNG

          Từ đầu thế kỷ XX, phong trào chống thực dân Pháp nổi lên khắp nơi trong nước với hai phái ôn hòa và chủ trương dùng vũ lực nhưng cả hai đều muốn duy tân đổi mới đất nước mọi mặt theo gương Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bổn lúc đó, được coi như ngon đuốc dẫn đường của các quốc gia Á Châu đang bị bọn thực dân da trắng đô hộ. Tiêu biểu cho hai phái trên là Phan Chu Trinh (phái Duy Tân) và Phan Bội Châu lãnh tụ phong trào Ðông Du, tìm phương tiện đánh đuổi Pháp ra khỏi nước. Tại Nam Kỳ, tinh thần yêu nước của mọi người cũng sôi nổi bành trướng mạnh mẻ, không những trong hành động mà còn thể hiện trên báo chí, một sự thống nhất kỳ lạ ở nội dung tư tưởng và hình thức thi pháp, với những tên tuổi Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diệu, Trần Chánh Chiếu, Hoàng Hưng..
          Bấy giờ cả nước như đang cuồng nộ với phong trào ái quốc, lan rông từ Bắc vào Nam. Ðối với dân tộc Việt bao đời với truyền thống yêu nước, nên lúc nào máu chảy ra từ cơ thể con người, cũng vẫn là dòng máu hiến dâng cho đại nghĩa dân tộc. Phan Bội Châu cũng vậy, từ thuở nhỏ qua tên Phan Văn Sơn, đã hấp thụ được bao điều nghĩa nhân ái quốc và cũng đã chứng kiến cảnh quốc phá gia vong. Nên dù chỉ mới 17 tuổi nhưng tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu đã bộc lộ quá rõ ràng khi viết bài hịch "Bình Tây Thu Bắc" và đem dán ở gốc đa đầu làng, hô hào mọi người tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp...  Năm Ất Dậu 1885, Tôn Thất Thuyết nửa đêm mở cửa thành tấn công giặc Tây bị thất bại. Từ đó vua Hàm Nghi xuất bôn, dùng máu viết huyết thư kêu gọi toàn dân đứng dậy tham gia phong trào Cần Vương cứu nước. Hưởng ứng chính nghĩa trên, Phan Bội Châu hô hào bạn bè trang lứa trong làng gia nhập đội Thiếu Sinh Quân đánh giặc. Lại viết Song Tuất Lục để ca tụng tinh thần chống Pháp của Sĩ phu đất Nghệ, đang tham gia phong trào Văn Thân chống giặc Tây.
          Tất cả đã nói lên con người hào kiệt Phan Bội Châu, nên ông đã bị cấm thi cho tới năm 1900 mới được thi lại và đổ Giải Nguyên tại Nghệ An. Nhưng không như hầu hết kẻ đương thời, tiếp tục lao vào con đường thi cử để tìm vinh hiển phú quý trong chốn quan trường. Trái lại Phan Bội Châu chỉ biết bôn ba xuôi ngước khắp nơi tìm đồng chí, để mưu toan việc chống Pháp cứu nước. Năm 1904 ông cùng Nguyễn Hàm lập Duy Tân Hội , tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể thuộc dòng Ðông cung Nguyễn Phúc Cảnh, làm minh chúa và nhận lệnh bí mật sang Nhật năm 1905, phát động phong trào Ðông Du, gây dựng cơ sở để đưa các nam nữ thanh niên yêu nước ra hải ngoại học hỏi tinh hoa của người, đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí để chuẩn bị tổng tấn công, đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi non sông gấm vóc Hồng-Lạc...
          Trên đất Nhật, Phan Bội Châu dùng thơ văn nồng nàn thắm đượm như Hải Ngoại Huyết Thư, Kính Cáo Toàn Quốc Phụ Lão Văn, Thư Gửi Phan Chu Trinh, Ai Cáo Nam Kỳ Phụ Lão Thư, nhưng có tác động sấm sét, không thua gì cơn cuồng phong bảo nộ, ảnh hưởng tâm hồn quốc dân cả nước tỉnh giấc Nam Kha, không còn quan niệm nhỏ nhoi coi việc nước là của quan quyền, chứ không phải của chính mình, nên cứ thờ ơ trốn trách nhiệm.. Ông còn viết Việt Nam quốc sử (1905), Việt Nam quốc sử khảo (1908), để giới thiệu gấm vóc và dân tộc Việt oai hùng dũng liệt với các chính khách Trung Hoa, Nhật Bản đương thời.
          Qua những hoạt động đấu tranh vô cùng hiệu quả của Phan Bội Châu, Cường Ðể và các thanh niên trong phong trào Ðông Du tại hải ngoại, khiến thực dân Pháp thực sự khiếp sợ, nên chúng đã đem quyền lợi của thuộc địa Ðông Dương, để chia phân với Nhật Bổn, yêu cầu trục xuất tất cả những nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây. Cùng từ đó, Phan Bội Châu sống đời vong quốc của một nhà cách mạng, bôn ba hết đất Tàu tới Xiêm, chỉ mong tìm đồng chí, đồng tâm, giải cưú quốc dân đang sống nhục nhã dưới gót giầy nô lệ của giặc Tây, rửa nỗi nhục nhược tiểu của nước Việt trong cơn quốc biến.
          Rốt cục mộng lớn chưa thành đạt, thì năm 1925 trên đường tới Quảng Châu viếng mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái thì bị mật thám Pháp-Anh tại tô giới , qua sự chỉ điểm của đám Việt gian lúc đó, bắt giải về nước và sống kiếp chim lồng cá chậu tại Bến Ngự (Huế) cho tới lúc qua đời vào năm 1940. Ông mất vào ngày 20 tháng 10, trong nổi thê lương trầm thống như hầu hết những anh hùng liệt nữ bao đời, vì nước coi nhẹ lợi danh phù phiếm sồng buồn chết lẽ loi, nên đám tang vắng vẽ, còn báo chí vì sợ bạo quyền phải câm nín. Cuối cùng chỉ có mật thám Pháp vây bủa khắp mọi nẻo đường, để chào mừng người quá cố đi vào cõi trăm năm.
          Trên con đường cách mạng cứu nước, Phan Bội Châu đã từng thay đổi nhiều lần phương hướng hoạt động đấu tranh nhưng tuyệt đối bản sắc Sào Nam Tử không hề lẫn lộn với bất cứ ai, dù đó là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền.. Là người có ý chí sắt đá, Phan Bội Châu luôn mạo hiểm quả quyết, lúc nào cũng tự tin là bất cứ ai, nếu muốn làm việc gì đó, thì không có việc gì là không thể làm được. Nhưng dù là một nhân vật lớn của thời đại, Phan Bội Châu không bao giờ có hành động độc tài, tư tưởng độc đảng và tâm tư hoài vọng tới cuộc sống riêng mình, mà luôn lắng nghe dư luận, để cầu tiến đổi mới theo tình hình chính trị đương thời và gần như cắt đứt những gì của riêng mình, để chỉ nghĩ tới đại nghĩa dân tộc mà thôi.. Ðó chính là nét độc đáo của lãnh tụ Ðông Du, luôn phục thiện, dám làm, luôn đi đầu và cam chịu hy sinh thân phận của mình để mưu cầu chính nghĩa, ngay từ lúc còn niên thiếu, cho tới khi tóc đã bạc cả mái đầu :
"Mò tìm quên quách chòm râu bạc.
Bảy chục còn nghi tuổi mới ba".
          Nghệ An-Hà Tỉnh, một trong 15 bộ của Văn Lang từ thời Tổ Hùng dựng nước. Trong dòng sử của dân tộc là đất ngàn năm văn vật, quê hương của những tài danh văn học kiệt hiệt Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Trường Tộ. Chính khí thiêng sông núi sau này đã tạo nên những con người bất tử Phạm Hồng Thái, Ðặng Thái Thân, Ðặng Thúc Hứa, Trần Hữu Lục, Hoàng trọng Mâu, Cao Thắng, Phan Ðình Phùng và Phan Bội Châu. Chính điều kiện lịch sử và xã hội ảnh hưởng đến con người xứ Nghệ, quá can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến cá gỗ.
          Những đặc tính đó đã ảnh hưởng tới nhiều người ngang tàng, nghệ sĩ như Nguyễn Hũu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ hay tạo nên cái hùng tráng sấm sét, của những câu thơ luôn dậy sóng muôn trùng của Phan Bội Châu. Cái chất anh hùng hào kiệt trong thơ văn của ông ngay từ lúc chưa xuất dương, đã nói tới khí phách của giới trí thức VN đầu thế kỷ XX, tuy hình thức vẫn sử dụng các thể thơ cổ xưa như thất ngôn bát cú, hát nói... nhưng nội dung đã khác biệt thuở xa xưa, vì tư tưởng không còn tôn quân hay tri thiên mệnh, mà chỉ thấy nói tới dân vi quý, nước vì dân mà có, thì dân cũng vì nước mà lo. Tư tưởng này 100 năm sau, cũng đã được Cố Tổng Thống đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu nhắc lại với lời lẽ thiết tha thắm đượm "Ðất nước còn thì còn tất cả". Ý ông muốn nói  'nước có được là do mọi người chung sức tạo thành, nên còn nước thì còn những gì hiện tại và sẽ mất tất cả khi nước không còn'.
"Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển đời,
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, đọc cũng hoài."
          Tóm lại với Phan Bội Châu, trách nhiệm của người hào kiệt trước nhất là phải ý thức, biết tự mình làm chủ đất nước, say mê hành động, không bao giờ được trốn tránh bổn phận để làm một kẻ ẩn dật đứng bên lề xã hội như kẻ tha nhân vô tình, sống ký sinh vào mồ hôi máu mắt của người khác. Trong lúc Phan Chu Trinh cả đời bài phong kiến, chống thực dân nhưng vẫn muốn cậy vào cái văn minh của Tây để duy tân đất nước. Trái lại Phan Bội Châu đã thẳng thừng tố cáo trước quốc dân dã tâm của bọn thực dân da trắng, xâm lăng nước Nam chỉ để vơ vét bốc lột, những cái gọi là văn minh khai hóa, chỉ là lớp son phấn bên ngoài, nhưng thực chất là chỉ ở đâu, chứ không bao giờ thấy có được nơi bản điạ :
“Trường Quốc Học đặt tên là Pháp-Việt
Dạy người Nam đủ biết tiếng Tây."
hoặc :  "Nó nuôi mình như trâu, như chó
Nó coi mình như cỏ như rơm
Trâu nuôi béo, cỏ coi rơm
Cỏ moi rễ cỏ, trâu làm thịt trâu"
          Tuy vậy, ngày nay khi nhắc tới các biến cố lịch sử trọng đại đầu thế kỷ XX, các sử gia vẫn xem sự kiện Phan Châu Trinh đề xướng dân chủ để thay thế thể chế quân chủ, như một bước ngoac quan trọng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Riêng Phan Bội Châu trong tân phái (Duy Tân Hội) lúc đầu vẫn chủ trương quân chủ lập hiến, nhưng đồng thời ông cũng nhiệt liệt ủng hộ lập trường dân chủ của Phan Tây Hồ. Sau này, qua những tháng năm bôn ba nơi hải ngoại, tư tưởng đấu tranh của Sào Nam càng lúc càng thay đổi rõ rệt. Chẳng những Ông đề xướng quan niệm dân chủ của Phan Châu Trinh, khi nhấn mạnh sự quan hệ giữa người dân đối với chủ quyền của đất nước, mà còn tiến tới sự kết hợp giữa đấu tranh dân chủ, trong đó có vấn đề nhân quyền, dân quyền trong đời sống chính trị và sự đấu tranh giành độc lập.
          Sự khác thường của hào kiệt Phan Bội Châu là chẳng bao giờ độc tôn dành quyền một mình chống Pháp, bởi thế ngay từ lúc nhập cuộc, khi viết Hải Ngoại Huyết Thư gửi về nước để hô hào toàn quốc chống Pháp, ông đã minh định một cách rõ ràng, về trách nhiệm thuộc về ai đã khiến non sông bị rơi vào tay giặc Pháp nhưng cũng không quên nhắc tới bổn phận phục quốc sẽ thuộc về ai. Từ tư tưởng của Phan Bội Châu đã cho chúng ta một ý niệm rõ ràng, đó là  "đất nước là của chung mọi người Việt Nam" bao gồm chánh quyền (vua quan) và người dân. Do đó muốn cứu nước, đừng mong gì "nơi nhà cầm quyền""chính người dân phải tự mình chia nhau nhận lãnh trách nhiệm" .
"Nếu cả nước đồng lòng như thế
Việc gì coi cũng dễ như không
Không việc gì việc không xong
Nếu không xong, quyết là không có trời."
          Mấy ngàn năm qua, non sông Hồng Lạc đâu có thiếu anh hùng liệt nữ và cũng nhờ vậy mà đất nước mới tồn tại đến hôm nay. Cái thảm tuyệt mà đời nào cũng có, đó là sự thiếu đồng tâm, đồng chí, khiến cho sức mạnh của dân tộc bị mất mát, tạo cơ hội để ngoại nhân xâm lấn, làm phương tiện cho lũ cầm quyền thối nát bán buôn đất đai biển đảo mà tiền nhân đã đổ xương máu gầy dựng. Từ năm 1925-1940 bị giặc Pháp bắt và giam lỏng tại Huế nhưng ý chí sắt đá của người hào kiệt trí thức Phan Bội Châu vẫn không sút giảm, dù đang sống trong tử địa. Ông viết :
          "Sống không trừ được mối lo thiên hạ, chết không rữa được thù ý trung. Mối giận dằng dai , sông Cả núi Hồng muôn thuở đó.
          Hý cuộc trước đã sắp đến tàn vũ đài sau chính đang sắp dựng. Thúc người sôi sục , gió Âu mưa Á tám phương dồn".
          Ôi còn gì cao quý hơn, trong khi cái chết gần kề nhưng Phan Bội Châu đã không hề quan tâm tới mạng mình khi viết lời tuyệt mệnh, mà chỉ lo lắng cho cuộc tồn vong của đất nước và sinh mạng của những đứa con thân yêu Việt Nam đang tiếp tục ngăn chống giặc thù. Xưa nay cuộc đời của những người dấn thân vì nước, đều mnag chung nổi bất hạnh cuối đời, nếu không lên máy chém hay chết mòn trong ngục lạnh, thì cũng bị nghèo đói bệnh tật bủa vây như cảnh sống éo le đắng cay của Phan Bội Châu, trong gian nhà nhỏ, chẳng kín trên bền dưới "Ngoài rèm nguyệt xế mây lai láng. Bên án đèn khua gió hắt hiu. Căng dù ngồi giữ vài chồng sách. Ðội nón ra xem mấy khóm cây". Tự do cho đất nước đã không dành được mà còn vướng thân tù ngục, Phan Bội Châu xứng đáng là hào kiệt nước Nam, một đời vì nước.
          Là một con người tài hoa, Phan Bội Châu không những là một thi nhân vang danh bốn biển với hàng trăm bài thơ đủ loại, từ ca tụng gió trăng mây nước hữu tình, cho tới những đề tài cảm hoài, tức sự, trào phúng và gửi gấm nổi niềm tâm sự của trang hào kiệt trong cơn đất nước ly loạn, dân chúng khổ hận dưới ách nô lệ của thực dân Pháp. Ngoài ra Ông còn là một nhà văn lớn, có nhiều tác phẩm giá trị để lại trong kho tàng văn học nước nhà, được đánh giá như là gạch nối giữa nên văn chương bác học của các nhà nho khoa bảng đương thời và một văn nghệ sĩ mang tư tưởng hiện đại. Tất cả bàng bạc qua những vở tuồng truyện, tiểu thuyết như Trưng Nữ Vương, Trùng Quang tâm sử, Tái Sinh Sinh, Chân Tướng Quân, Pham Hồng Thái. Nói chung văn chương của Phan Bội Châu dù viết dưới hình thức nào chăng nữa, thì cũng vẫn là những câu chuyện nói về những người yêu nước, qua bao thế hệ nối tiếp hy sinh trong công cuộc chống giặc Pháp, nhất là đối với những chiến sĩ đã sát cánh cùng ông, qua những nẻo đường lưu vong ở Nhật Bản, Thái Lan, Trung Hoa. Cũng từ đó, ngày nay ta mới cảm thương cho những nam nữ đất Việt, chỉ vì nghe theo tiếng gọi cứu nước, nên đã bỏ tất cả, để dân thân vào phong trào Ðông Du đầy bi thãm hùng tráng. Tất cả từ những con chim đầu đàn như Cường Ðể, Phan Bội Châu.. tới những đảng viên vô danh, đều chịu đủ biển thống khổ của đời người chiến sĩ, lần lượt kế tiếp nhau hy sinh ngả gục, vì sự khủng bố của mật thám Pháp, giặc Tây, sự ngược đãi của nhà đương cuộc Nhật-Tàu, bệnh tật đói rét thường xuyên và ngàn trăm bất hạnh.
          Hơn tám mươi năm bị Pháp đô hộ, lịch sử thống trị của thực dân cũng đồng thời là lịch sử của cuộc kháng chiến không ngừng của toàn dân Việt, dù có thay đổi giai cấp lãnh đạo, từ phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, Ðông Du.. thì cũng chỉ với một mục đích không bao giờ thay đổi, đó là quyết tâm đánh đuổi cho bằng được giặc Pháp ra khỏi non sông đất Việt, dành lại độc lập cho dân tộc và tiến bộ xã hội. Ngay từ đầu thế kỷ XX, chính Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.. là những người đầu tiên đã sử dụng văn học làm vũ khí, để cổ vũ tuyên truyền tinh thần yêu nước của toàn dân. Chẳng những thế, chính Phan Bội Châu cũng là người đâu tiên đã dùng hát nói vào dòng thơ văn chính trị, vốn là một nghịch lý và chẳng bao giờ xảy ra từ cuối thế kỷ XIX trở về trước. Tuy cùng là những văn nhân tài tử nhưng tư tưởng diễn đạt trong các bài hát nói quen thuộc của Phan Bội Châu gần như khác biệt với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh và Tản Ðà. . dù tất cả đều thể hiện được nét đẹp ngang tàng phóng khoáng.
          Với Phan Bội Châu khi sử dụng thể hát nói (27 bài), qua cái hùng tâm tráng chí của người hào kiệt, làm cho người đọc cảm thấy rất gần gũi với nét nho phong tài tử của Nguyễn Công Trứ :
 "Ðãn ngôn vũ trụ giai ngô sự
Khẳng dữ giang sơn phó bĩ cường".
(Ðã nói trong vũ trụ đều là của ta
Chẳng lẽ lại đem núi sông phó mặc cho kẻ mạnh, Khuyết danh ).
          Ðây cũng chính là những khái niệm mới mà Phan Bội Châu và các đồng chí yêu nước sử dụng để tuyên truyền trong khi chống Pháp, khơi gợi tinh thần dân tộc, giống nọi.. qua những câu thơ dậy sóng. Tóm lại Phan Bội Châu là bậc hào kiệt muôn đời, sống mãi trong dòng sử của dân tộc, luôn nhận lãnh trách nhiệm trước quốc dân, nên hát nói của Ông không bao giờ dùng để hành lạc như kẻ đương thời, không có mùi vị trích tiên, tài tử hay để cầm, kỳ, thi, tửu, càng không phải  'vũ trụ giai ngô phận sự', mà là phong cách của một nhà cách mạng , đáng được làm gương cho hậu thế.Trong tâm khảm của mọi người, Phan Bội Châu (1867-1940) là một chiến sĩ quốc gia kiệt xuất với tinh thần yêu nước nồng nàn, tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên nam nữ qua nhiều thập niên đầu thế kỷ XX, khi tham gia các phong trào chống giặc Pháp cứu nước. Nghiên cứu văn chương Phan Bội Châu, các thế hệ sau này đều ngây ngất trước những dòng thơ dậy sóng, tâm huyết, xúc cảm, gần như đã đạt tới phong cách chân thiện mỹ của mọi thời đại. Theo sử liệu, những năm cuối thế kỷ XIX, tình hình đất nước thật bi thảm, hầu hết các phong trào chống Pháp lần lượt bị tan rã, từ những cái chết oanh liệt của Cao Thắng, Ðinh Công Tráng, Phan Ðình Phùng, Mai Xuân Thưởng.. nên dường như chỉ còn có lực lượng của Hoàng Hoa Thám, đang đơn độc chiến đấu trên rừng núi Yên Thế. Nhưng dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống chống xâm lăng từ ngàn xưa, nên tầng lớp khoa bảng sĩ phu trong các phong trào Văn Thân-Cần Vương vừa nằm xuống, lập tức đã có ngay một tầng lớp Nho sĩ trí thức trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đứng lên kê vai gánh vác trách nhiệm còn dang dở của cha anh. Ðó chính là những phong trào Duy Tân, Ðông Du, Ðông Kinh Nghỉa Thục, Việt Nam Quốc Dân Ðảng... ngay từ đầu thế kỷ XX... cho tới khi giặc Pháp bị đánh đuổi ra khỏi non nước Việt.
          Hơn 100 năm trước, hàng hàng lớp lớp những người trẻ tuổi vì nợ nước mà quên nhà, đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chống giặc thù xâm lăng, dành lại non nước Việt. Phan Bội Châu ví như một con chim đầu đàn trong số trên, cùng với đồng đội đồng bào chung số phận, lớp chết lớp kế tiếp nhau vào tù hay bị giam lỏng mãn đời trong tử địa.Ngày nay tên tuổi Phan Bội Châu được gắn liền với bao thế hệ thanh niên nam nữ Bình Thuận, qua ngôi trường trung học công lập tại thị xã Phan Thiết hơn nửa thế kỷ thăng trầm biển dâu trầm thống. Nhớ Phan Bội Châu cũng đâu bao giờ dám quên những anh hùng liệt sĩ yêu nước làm rạng danh sông núi Bình Thuận như Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Ưng Chiếm, Bùi Hành, Cao Hàng, Phan Chánh, Lê Công Chánh, Tống Hưng Nho, Nguyễn Ðặng Giai... Vũ Anh Khanh và trăm ngàn thanh niên thiếu nữ anh hào cận sử, đã theo gót cha anh liều thân ngăn chống Cộng Sản đệ tam quốc tế (VC) theo Nga-Tàu nhuộm đỏ quê hương từ 1960-1975.
          Hơn bao giờ hết, đất nước Việt Nam ngày nay đang đắm chìm trong biển điêu linh nhục hận, trước thảm tuyệt diệt vong gần kề, vì tập đoàn lãnh đảo đảng (cũ, mới), chung qui toàn lũ theo Tàu đỏ, bán trọn đất nước và dân tộc cho ngoại nhân. Bình Thuận là đất anh hung suốt hai mươi năm chống cộng sản Bắc Việt. Những chiến tích để đời trong trận Tết Mậu Thân (1968), Giữ dân giữ đất vào những ngày đầu thi hành Hiệp định ngưng bắn 1973, Tái chiếm Phú Long và cuối cùng là Cuộc Triệt Thoái Tuyệt Vời hơn 10.000 quân Bình Thuận bằng chiến hạm của Hải Quân/Việt Nam Cộng Hòa về Vũng Tàu trong ngày 19/4/1975. Và dù Bình Thuận đã bị giặc chiếm, người lính Địa Phương Quân Bình Thuận vẫn tiếp tục chiến đấu tại Phước Tuy cho tới khi được lệnh buông sung mới rã ngũ.
          Trong hàng hàng lớp nam nữ anh hung trên của Bình Thuận, đã không thiếu những khuông mặt cựu học sinh Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết. Họ mang đủ màu cờ sắc áo, cấp bậc và chức vụ từ dân sự, cảnh sát, cán bộ Xây Dựng Nông thôn, Nghĩa Quân & Địa Phương Quân. Họ là những sĩ quan ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, xuất thân từ các quân trường nổi tiếng nhất Đông Nam Á như Võ Bị Quốc Gia, Thủ Đức, Chiến Tranh Chính Trị, Không Quân, Hải Quân, Đông Ba Thìn, Cây Mai...Là chiến sĩ Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, các Sư Đoàn Bộ Binh lừng danh khắp bốn vùng chiến thuật..
          Chúng ta hân hạnh được học dưới mái trường thân yêu mang tên Người Yêu Nước Phan Bội Châu, nên tuyệt đối không chấp nhận những thành phần tiếp tay cho Cộng Sản Việt Nam bán nước bán dân cho Tàu đỏ, làm hoen ố thanh danh của ngôi trường, trong đó đã có không biết bao nhiêu cựu học sinh đã hy sinh trong cuộc chiến.
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di 
MƯỜNG GIANG

1 comment:

  1. Lê Hoàng · Friends with Thu Van Nguyen Thi and 5 others
    "Rốt cục mộng lớn chưa thành đạt, thì năm 1925 trên đường tới Quảng Châu viếng mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái thì bị mật thám Pháp-Anh tại tô giới , qua sự chỉ điểm của đám Việt gian lúc đó, bắt giải về nước và sống kiếp chim lồng cá chậu tại Bến Ngự (Huế) cho tới lúc qua đời vào năm 1940. "Cảm ơn anh Mường Giảng đã viết một bài viết dài về sự nghiệp cụ Phan bội Châu. Tuy nhiên anh chỉ viết cụ bị bắt qua sự chỉ điểm của đám Việt gian nhưng không nói rõ là ai ! Lần mò tìm hiểu thêm theo sách của cụ Nhượng Tống xuất bản năm 1928 của Nam Đồng thư xã mới biết bọn Việt gian này là Lý Thụy và Lâm đức Thụ bán cụ cho mật thám Tây để lấy 100 ngàn. Đến năm 1927 cũng chính Lý Thụy giết Lâm đức Thụ. Tìm hiểu thêm, cũng thấy Lý Thụy này chỉ điểm cho Tây bắt Nguyễn thái Học, giết luôn cả Đức thầy Huỳnh phú Sổ. Lý Thụy này là ông nào mà ghê quá !

    ReplyDelete