Tết đến, xuân về, tuổi già rảnh rỗi, nhớ người thân, nhớ bạn bè Thày Cô. Lại nhớ các câu đối, thơ văn nói về ngày Tết, học ê a cười thấm thía, một thời niên thiếu ngồi mòn ghế trung học PBC.
Ngày Tết, đất trời vạn vật cây cỏ mừng xuân, người người nhà nhà sửa soạn vui vẻ đón Xuân, các Cụ xưa cũng tức cảnh sinh tình, nghĩ ra các câu đối chọc đời trêu người, bắt đầu với câu đối “vô đối” của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến…
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Trong 6 món nói lên không khí phong vị Tết thì 3 món gần như không còn. Từ 1936, nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết …Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay…, như vậy câu đối đỏ đã bị “hấp hối” lâu rồi. Tràng pháo thì bị “khai tử” từ năm 1995, do Chính phủ VN bấy giờ, thấy phong tục đốt pháo ngày Tết quá lãng phí, thật ra chính là đất nước quá nghèo và TQ cũng đang có lệnh cấm này. Món thứ 3, cây nêu ngăn ngừa ma quỹ vào ngày Tết cũng không còn ý nghĩa cho lắm, vì thời này ma quỹ sợ người chứ không phải như thời xưa, người sợ ma quỹ.
Như vậy chỉ còn lại 3 món, đó là thịt mỡ- dưa hành- bánh chưng xanh, đều liên quan đến ăn, người VN vẫn thường nói “ăn Tết”, không ăn làm sao mà sống, có thực mới vực được đạo. Ông Bà mình hay thật.
Món thịt mở kho hột vịt thì khỏi chê ba ngày Tết. Người dân Bình Thuận ăn Tết, ngoài nồi thịt mở, còn thêm nồi măng. Ven sông ven suối núi đồi BT đều có tre mọc, người ta đi xắn măng vào khoảng tháng 8 tháng 9, phơi khô để dành ăn Tết. Riêng ở Sài Gòn thì cẩn thận, mở đang là kẻ thù đáng sợ cho sức khỏe và… sắc đẹp quý ông quý bà, mở làm cho cái gì cũng quá “kích thước” mong đợi. Bỏ mở, qua siêu nạc thì còn nguy hiểm cho tuổi thọ hơn nữa, heo cho ăn hoặc chích Salbutamol, tăng mỗi ngày 2 kg thịt, ủn ỉn mập mạp, mông vai căng tròn, dễ thương hết sức, nhưng người ăn thịt heo siêu nạc sẽ giảm ký nhanh vì… ung thư. Xem ra, món thịt mỡ cũng dễ bị ra đi trong thực đơn ngày Tết. Mấy bạn tuổi cao, cơ thể đang lên cholesterol, thi mỡ hay siêu nạc đều không nên.
Tiếp đến, kẻ có nguy cơ bị thổi còi trong ngày Tết, chính là cô nàng đỏng đảnh có tên dưa hành. Dưa hành, một số nơi làm dưa mắm, dưa cải, dưa giá hay tai heo củ kiệu thường xắt trộn nước mắm và đường, cho vào hũ, nói chung là người lớn bày người nhỏ làm, khoa học gọi là cơ chế lên men vi sinh. Cái này thì mấy vị bác sĩ tiêu hóa nhảy đổng lên như ngựa (giống điệu Gangnam style), cho rằng, cái trò men vi sinh thực chất là âm mưu của vi khuẩn HP (helicobacter pylori). Bọn vi khuẩn này mà vào là gây loét dạ dày, tá tràng, có thể dẫn đến ung thư bao tử như chơi (dù rằng không phải ai ung thư bao tử cũng do vi khuẩn HP). Nhiều bợm nhậu vẫn trung thành với dưa hành, chắc trong số ủng hộ này, đám bạn trai 72 cũng nhiều, “lý sự” tới đâu hay tới đó, bác sĩ nhìn đâu chẳng thấy vi khuẩn với ung thư, người ta sống chết có số. Nhưng cô em “dưa hành” hãy đợi đấy.
Chỉ còn bánh chưng người ngoài Bắc, và bánh tét người trong Nam. Ngày Tết không thể nào vắng màu xanh bánh chưng bánh tét trên các bàn thờ, các bàn ăn, cùng với bình trà ly rượu. Trước đây, cả nhà đốt lửa xúm nhau nấu bánh cả đêm ngoài sân ngoài vườn. Nay thường đặt bánh người ta nấu do không có thời gian. Thời đại công nghiệp có khác.
Ngoài ra, mỗi vùng miền khi “ăn Tết”, đều bổ sung thêm các loại hoa quả cây trái bánh mứt làm từ thổ sản địa phương, tất nhiên không thể thiếu là vài chai rượu Tây, mấy thùng bia nước ngọt ướp lạnh. Phan Thiết có đặc sản cốm hộp làm từ nếp (nếp rang lên thành nổ, trộn với nước đường, bỏ gừng, đóng hộp, dán giấy màu…), sau Tết đem tặng bạn bè người thân sống làm việc ở Sài Gòn vài hộc cốm, nói chuyện thăm hỏi ăn cốm gừng uống trà nóng, quý lắm. Về mứt, người dân Phan Thiết thường làm mứt me, mứt gừng, mứt dừa, mua thêm mứt mãng cầu, mứt hạt sen, mứt hồng… Trái cây đơm cúng bàn thờ Ông Bà và các bàn thờ khác (bàn thờ Thiên, bàn thờ Phật, bàn thờ Thổ địa, bàn thờ bếp, bàn thờ giếng…) đều được chọn mơn mởn tươi tốt lành lặn, bám theo ý tưởng ngũ quả: mãng CẦU, SUNG, DỪA, đu ĐỦ, XOÀI. Người miền Trung ít thích chuối (chúi nhủi), cam (cam chịu), lê (lê lết), lựu (lựu đạn), sầu riêng…
Nói miên man về “ăn Tết”, quên mất chủ đề đang trao đổi về thơ văn câu đối của mấy Cụ ngày xuân. Hàng loạt câu đối Tết tuyệt tác của các nhà thơ xưa vẫn sống mãi với dân tộc và văn học Việt Nam… như:
Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
Ghê thật, thời này mà cụ Nguyễn Khuyến đã nghĩ đến chuyện trộm chó ! Nhưng vẫn chưa tinh quái, siêu thực bằng cụ bà Hồ Xuân Hương:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón Xuân vào
Cụ Nguyễn Công Trứ thì ứng xử khôn khéo thẳng thắn hơn với nợ nần phúc đức trong ngày xuân:
Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
Riêng ông Nghè Trần Tế Xương thì lúc nào cũng lạc quan chua chát:
Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân. …
Sau này hậu thế nhiều người cũng làm nhiều câu đối Tết, nhưng xem ra không sâu sắc chanh chua bằng mấy Cụ, đặc biệt ý trào phúng châm chọc hài hước mang tính vượt không gian-thời gian trong các bài thơ về Tết của cụ Tú Xương thì quá siêu quái, làm người đọc không bao giờ quên…
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu…
…Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.
(Chúc Tết)
Hay:
Công đức tu hành, sư cô lọng
Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe
Phong lưu rất mực ba ngày tết
Kiết cú như ai cũng rượu chè
(Năm mới)
Xuân từ trong Huế mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rắng xuân, xuân mãi thế ru mà
(Xuân ru)
PS. viết bậy bạ thì được, làm câu đối thơ văn thì không được, giống như …yêu nhau thì nặng mà lấy nhau chắc là hổng đặng, thôi thì… Phải được như các bạn NT., KN., TPS.,... thì hay quá. Sắp Tết rồi, ráng rặng ra một đoạn thơ con cóc tặng mấy bạn, nhớ đừng chê, vì bạn bè, bỏ qua là chính.
Đường xuân Gia Long, chen chợ Tết
Phố đông Nguyễn Huệ, lạc rừng mai
Phan Thiết, em xa không trở lại
Rừng mai chợ Tết có còn ai.
Happy New Year - 明けましておめでとう- Prost neu jahr - 新年很幸福 - 새해 복 많이 받으세요 - Bonne Nouvelle Année - Nuovo anno felice - С Новым Годом - Feliz Año Nuevo - Ano novo feliz- มกราคม กคมมรา
Phạm Sanh, 72PBC
No comments:
Post a Comment