Saturday, April 6, 2019

BÀ CỬU SANH VÀ HÃNG NƯỚC MẮM HOÀNG HƯƠNG - FB Lê Huân


http://www.baobinhthuan.com.vn/…/tro-lai-chuyen-nuoc-mam-ph…
Chuyện kể về người phụ nữ tài năng, một tay gầy dựng cơ nghiệp nhà chồng, chắp cánh cho thương hiệu nước mắm Hoàng Hương lừng tiếng trên thương trường và góp phần đưa nước mắm Phan Thiết trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Làm dâu
Mùa đông năm Quý Dậu 1933, người dân xóm Gò Tranh thuộc làng Tân Xuân, huyện Hàm Thuận ( nay là phường Xuân An, tp Phan Thiết ) ai cũng mừng và chúc phúc cho ông bà Nguyễn Văn Địch và Lê Thị Thàn vừa gả được cô con gái thứ năm, xinh đẹp, hay lam hay làm của mình cho một gia đình hàm hộ nước mắm có tiếng ở Phan Thiết. Nhiều người tấm tắc khen ông bà Thàn đã chọn được chổ “môn đăng hộ đối” cho con gái, vì ông bà vốn cũng là người khá giả, có ruộng có vườn cho tá điền thuê. Riêng ông Địch còn có nghề thầu cung cấp đá cho Sở Lục lộ tỉnh Bình Thuận để làm đoạn đường số 1 từ thị xã Phan Thiết ra núi Tà Zôn. Ông Địch còn nổi tiếng khắp làng khi đặt tên những người con của mình là tên các loại nhạc cụ như: Đờn, Quyễn, Kèn, Kiễn, Sạng,....
18 tuổi, xa cha mẹ về nhà chồng làm dâu, Năm Quyễn ( Nguyễn Thị Quyễn ) mặc dù trước giờ vốn quen với việc lao động, phụ mẹ lo chuyện ruộng vườn nhưng khi về nhà chồng, một gia đình giàu có, quyền quý đã gặp phải nhiều điều buồn tủi. Mẹ chồng, bà Trần Thị Tỵ, một người phụ nữ từ miền Trung vào Phan Thiết lập nghiệp, bươn chãi, gầy dựng nên thương hiệu nước mắm Hoàng Hương và trở thành người giàu có trong giới hàm hộ thời ấy. Nhưng bà Tỵ cũng nổi tiếng là người kỹ tính. Mặc dù là con dâu trong nhà nhưng với trách nhiệm là con dâu trưởng, bà Tỵ bắt Năm Quyễn phải thức dậy từ đầu canh năm để chuẩn bị cho ngày mới, trước khi những người công nhân đầu tiên đến làm việc, và đi ngủ khi tất cả mọi người trong nhà đều đã ngủ. Bất kỳ một hành động nào của Năm Quyễn đều được bà Tỵ để ý và uốn nắn, nhắc nhở nếu làm không đúng theo ý bà. Nhiều người ác miệng nói cô Năm ham làm dâu nhà giàu làm chi để rồi phải khổ như vậy. Cũng có người tỏ ý khinh thường Năm Quyễn xuất thân là người nhà quê chứ không phải là người trí thức, thành thị như họ. Đã không biết bao nhiêu lần Năm Quyễn về nhà khóc với mẹ và than thở với các em về cuộc sống làm dâu khổ cực của mình. Những lần như thế, được mẹ động viên, an ủi đã làm động lực cho Năm Quyễn cố gắng làm tròn trách nhiệm là con dâu trưởng trong sự hướng dẫn và dìu dắt của mẹ chồng.
Gầy dựng cơ nghiệp nhà chồng.
Từ những năm 1942, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước bắt đầu có nhiều bất ổn, nạn đói xuất hiện từ cuối năm 1944. Lụt lớn, làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, tiếp theo đó là hạn hán kéo dài trên khắp cả nước làm cho hơn một nửa diện tích ruộng đất không thể cày cấy được. Tình hình càng khó khăn thêm khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3 năm 1945. Bộ máy chính quyền của Pháp nhanh chóng tan rã. Chiến tranh bắt đầu nổ ra triền miên. Tại Phan Thiết, các hoạt động thương mại không còn. Những hàm hộ nước mắm đều phải giảm quy mô sản xuất hoặc đóng cửa vì không có thị trường tiêu thụ. Nước mắm làm ra chỉ bán trong tỉnh với giá rẻ mạt vì không thể chở đi xa. Cũng như các cơ sở khác, hãng nước mắm Hoàng Hương khi ấy chỉ còn 5 thùng cá làm mắm để ăn và bán lẻ.
Năm 1948 bà Trần Thị Tỵ mất. Người con trai trưởng là ông Phan Văn Sanh nhận thừa kế gia sản của mẹ để lại. Khi phong trào kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cũng như nhiều thanh niên cấp tiến thời đó, ông Phan Văn Sanh đã tham gia Việt Minh, và đi về vùng kháng chiến ở Quảng Nam trong suốt 9 năm để lại cơ ngơi gần như không còn gì ngoài ngôi nhà tự, mái lều trống hoắc và đàn con thơ 6 đứa cho vợ là bà Năm Quyễn quản lý.
Một mình với đàn con thơ cùng với mái nhà của mẹ chồng, bà Năm Quyễn đã một mình chèo chống gầy dựng lại cơ sở làm ăn. Mặc dù xuất thân từ nông thôn nhưng nhờ những năm tháng cực khổ sống cùng mẹ chồng, học được những bí quyết của nghề làm nước mắm cùng với sự thông minh và cần cù của mình, chỉ một thời gian không lâu sau đó bà Năm Quyễn đã đưa thương hiệu nước mắm Hoàng Hương là một trong những thương hiệu nước mắm Phan Thiết đầu tiên xuất hiện trở lại thị trường sau những năm tháng chiến tranh.
Từ năm 1954, khi tình hình kinh tế miền Nam bắt đầu ổn định trở lại thì cũng là lúc thương hiệu nước mắm Hoàng Hương phát triển mạnh nhất.
Lúc đầu Hoàng Hương muối cá mòi và sản xuất dầu cá mòi. Về sau, ngư trường không còn nhiều cá mòi nữa nên Hoàng Hương chuyển sang muối cá cơm rất giàu hương vị. Nước mắm Hoàng Hương làm đủ chất, cá muối trên 6 tháng nên được người tiêu dùng ưa thích. Thời đó, nước mắm Kiết Thành chiếm lĩnh thị trường Saigon - Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây do chế biến nước mắm có vị mặn ít. Còn ở miền Đông, nước mắm Hoàng Hương của bà Năm Quyễn đã thống lĩnh các vùng Tây Ninh, Trảng Bàng, Sông Bé, Bình Long, Bình Phước, .... do nước mắm của hãng Hoàng Hương có vị mặn và độ đạm cao, đựng trong tỉn sành, càng chôn lâu dưới đất ăn càng thơm ngon nên những người nông dân làm rẫy, làm vườn rất thích.
Từ 5 thùng cá sau chiến tranh, đến năm 1956 hãng nước mắm Hoàng Hương đã phát triển lên 15 que, một con số mà chỉ một vài hãng nước mắm ở Phan Thiết đạt được.
Vào mùa cá, bà Năm Quyễn, mà sau này gọi theo tên chồng là bà Cửu Sanh, đã mua và muối cá cả ngày lẫn đêm để giải phóng thuyền chài nhanh kịp ra khơi đánh cá chuyến tiếp. Bà Cửu Sanh nổi tiếng là người sống có tình có nghĩa với dân chài. Những gia đình khó khăn, bệnh tật, ghe thuyền hư hỏng, dân chài tìm đến bà đều được bà giúp đỡ tiền bạc.
Sản xuất muối quy mô lớn.
Để làm ra nước mắm Phan Thiết thơm ngon, ngoài chất lượng cá, kỹ thuật làm chế biến, thì muối biển là nguyên liệu cực kỳ quan trọng. Điều đặc biệt khác với các hãng nước mắm Phan Thiết khác, bà Cửu Sanh đã nghĩ ra việc sản xuất muối tập trung để chủ động nguyên liệu sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất chứ không lệ thuộc vào nguồn cung cấp của diêm dân vốn manh mún, nhỏ lẻ và bấp bênh.
Đồng muối của bà Cửu Sanh thời đó ở khu vực Sở Muối - chùa Vạn Thiện ( nay là khu dân cư mới Hùng Vương, Bắc Xuân An ) lên đến 50 héc ta. Ngoài cung cấp muối cho 15 que sản xuất của mình, bà Cửu Sanh còn cung cấp muối nguyên liệu cho hầu hết các hãng và các cơ sở sản xuất nước mắm của các hàm hộ ở Phan Thiết.
Gia tộc đáng tự hào.
Mặc dù là một hàm hộ nước mắm lớn ở Phan Thiết nhưng bà Cửu Sanh có 4 người anh em ruột tham gia kháng chiến chống Pháp - Mỹ, tập kết ra Bắc và đảm nhận những trọng trách quan trọng trong quân đội nhân dân Việt Nam mà ít ai ngờ tới. Anh ruột của của bà là ông Ba Đờn ( Vũ Thanh Tùng ) là ủy viên Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Bình Thuận. Em trai kế là ông Sáu Kèn, tức thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm là tư lệnh binh chủng thiết giáp - pháo binh và phó tư lệnh quân khu Trị Thiên. Người em gái là bà Nguyễn Thị Sạng ( vợ nhạc sĩ Huy Sô ) là ủy viên thường vụ Phụ nữ tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến. Người em út Nguyễn Sơn là Phó ban tuyên huấn thành ủy TPHCM.
Người em chồng của bà Cửu Sanh cũng là y tá liệt sĩ, hy sinh trong trận Xóm Mía ở Hàm Thuận.
Vợ chồng ông bà Cửu Sanh có 9 người con đều học hành đổ đạt, trong đó có 3 người con du học ở nước ngoài. Sau năm 1975 các con của bà đều ra nước ngoài sinh sống.
Bà Cữu Sanh mất năm 1979, tức 2 năm sau ngày chồng bà là ông Phan Văn Sanh mất, thọ 64 tuổi. Di sản của ông bà Cửu Sanh được để lại cho con trai trưởng của ông bà là ông Phan Văn Mãi thừa kế và gìn giữ. Hiện nay ngôi nhà ở số 112 Trưng Trắc là ngôi nhà cổ xưa trên 100 năm tuổi đang được người thân của ông Mãi làm nhà phát cơm chay từ thiện. Các con cháu của ông Mãi cũng đang có kế hoạch tôn tạo, phục dựng lại ngôi nhà cổ của tổ tiên.
Vỹ thanh
Cả một đời tần tảo lo cho chồng con, gầy dựng phát triển thương hiệu nước mắm Hoàng Hương nổi tiếng khắp cả nước, đóng góp người và của cho hòa bình của đất nước, cuộc đời và sự nghiệp của bà Cửu Sanh thật đáng để mọi người khâm phục và quý trọng.
Lê Huân
Chú thích ảnh:
1. Bà Nguyễn Thị Quyễn.
2. Con trai trưởng Phan văn Mãi và em trai kế, thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm bên mộ bà Nguyễn thị Quyễn năm 1980
3. Đám tang bà Nguyễn Thị Quyễn năm 1979
4. Bà Nguyễn Thị Quyễn ở ruộng muối Vạn Thiện
5. Ông bà Phan văn Sanh và các con lớn
6.7 Ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi là hãng nước mắm Hoàng Hương.
8.9. Nhãn hiệu nước mắm Hoàng Hương xưa.








No comments:

Post a Comment