Cố gắng ghi lại những gì còn đọng lại trong ký ức, để bà con Đa Kao & Tân Định, cũng như những ai thương mến vùng đất hiền hoà này tìm lại chút kỷ niệm: Một Thời May Mặc của vùng Tân Định và Đa Kao, nhu cầu chưng diện và làm đẹp thời nào cũng được mọi người quan tâm đến. Trước năm 1975, dù chỉ là một khu vực không lớn của thành phố Sàigòn, nhưng vùng Đa Kao và Tân Định đã xuất hiện rất nhiều tiệm may, có thể kể trên đường Yên Đổ đi từ phía đường Công Lý ra đến đầu đường Hai Bà Trưng sẽ gặp những tiệm may nổi tiếng như: Trường số 12 Yên Đổ, Văn Minh số 2 Yên Đổ. Hai tiệm may áo dài Phương Mai ở đầu hẻm 58 và Huỳnh Lộc ở đầu hẻm 21. Bây giờ các tiệm may này không còn tồn tại nữa!
Duy nhất, còn tiệm may Hai Ve số 82/4 cùng nằm trên đường này. Ông chủ tên Võ Văn Ve. Gia đình ông từ Thủ Đô Nam Vang chạy về Sàigòn lánh nạn để khỏi bị “cáp duồng.” Dáng người ông thấp, nước da sạm đen, đầu hói, độc đáo nhất là hàm ria giống tài tử Clark Gable trong phim “Gone with the Wind.” Ông mở tiệm may Âu phục và Nón. Chính nhờ may nón mà đã giúp ông kiếm được nhiều tiền và được nhiều người biết tiếng, các tay chơi, dân sành điệu của Sàigòn trước 1975 đa số đều đội nón do ông may với Logo trên nón có hai chữ HV. Nay, nghề may nón của ông coi như không còn hợp thời nữa! Vì ra đường bà con bắt buộc phải đội nón Bảo Hiểm (Helmet), hay còn gọi tên bình dân là đội “Nồi Cơm Điện” để lái xe hai bánh gắn máy. Người lái xe không chấp hành sẽ bị phạt vi cảnh, mà số tiền phạt không phải là nhỏ. Do đó, ông chỉ còn may Âu Phục là chính. Tuy tuổi đời đã ngoài bảy mươi, nhưng ông vẫn còn tiếp tục cầm kéo để vui với tuổi già và làm đẹp cho thiên hạ.
Bây giờ phải kể thêm những nhà may một thời được giới học sinh, bà con lao động lui tới, nhưng nay cũng không còn:
Nguyễn Hà số 73 B đường Huỳnh Tịnh Của, Tài nằm trong hẻm 60 xóm Cù Lao và Phước trong hẻm 62 xóm Nhà Đèn. Tiền công ở đây tính giá rất bình dân.
Ngoài ra, có bác thợ may tên Phôn cũng ở trong xóm Nhà Đèn. Ông chỉ may tại nhà, khách hành phải tự tìm đến ông, đa số là dân sang trọng và lịch lãm vì ông may rất đẹp. Ông đo, cắt, may tùy theo vóc dáng từng người. Vài tiệm may lớn ở Sàigòn nghe tiếng đến mời ông hợp tác với tiền lương hậu hĩnh hoặc chia theo tỷ lệ, nhưng ông khước từ.
Bích Hùng nằm phía đầu đường Trần Quang Khải và Hai Bà Trưng, gần hãng Gạch Bông Vân Sơn.
Thái Lai gần Pháp Hoa Ngân Hàng, góc đường Nguyễn Văn Mai – Hai Bà Trưng.
Đô Hội nằm đối diện nhà thờ Tân Định, đường Hai Bà Trưng.
Paris Mode gần cà phê Thu Hương, góc Hiền Vương – Hai Bà Trưng.
Trên đường Trần Văn Thạch có: Lê Châu chuyên may áo dài gần nhà sách Yểm Yểm Thư Quán và rạp hát Moderne.
Tụ Bảo gần tiệm tạp hoá Thế Giới của người Hoa.
Của lúc đầu trên đường Trần Văn Thạch, sau dời sang Trần Quang Khải, gần Ronéo Thông Reo.
Hà Úy số 55 Nguyễn Phi Khanh và Tân Hà nằm ngay góc Hiền Vương và Pasteur.
Nếu như Hà Nội có Ba Mươi Sáu Phố Phường thì người ta có thể đặt tên Phố May trên khu vực Đa Kao vì nơi đây có nhiều tiệm may lớn như:
Cao Minh trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần chè Hiễn Khánh và rạp hát Casino Đa Kao.
Dung là một tiệm may “Nịt Ngực” rất nổi tiếng. Nơi đây may tùy theo kích thước của ngực và dáng người. Chủ nhân tốt nghiệp ở Paris về. Khách hàng đa số là các mệnh phụ và giới nghệ sĩ cũng nằm trên đường ĐinhTiên Hoàng, phía sau chợ Đa Kao.
Ngoài ra, có thể kể thêm: Hoàng Nhân, Diễm, Đỗ Văn, Toàn Mỹ, Lê Lương, Đức Nhuận, Trần Bia, Thanh Sử (trong khu mì Cây Nhãn, nơi đây có bốn căn phố cổ), Thúy Hồng nằm cạnh Cà phê Hân.
Trên đường Phan Thanh Giản có: Ưng, Đại Thành, Thanh Thủy gần Võ Đường của Võ Sư Đặng Thông Phong.
Trên đường Tự Đức có: Hãng May Việt Nam, Nguyệt, đặc biệt, ba tiệm may áo dài nằm trên ba con đường khác nhau, mà trước 1975 được nhiều bà con tín nhiệm tìm đến. Hiện nay cả ba tiệm vẫn còn là: Thiết Lập số 268 bis đường Pasteur, Phường 8- Quận 3, đối diện với viện Pasteur.
Phương Luân số 16 Trần Quang Khải, phường Tân Định – Quận 1, đối diện với Đình Nam Chơn.
Thanh Châu số 244 đường Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao- Quận 1, nằm dưới chân Cầu Bông.
Chủ nhân cũ của các tiệm may này không còn nữa! Có thể là do các con cháu hay những người làm cũ đứng ra tiếp tục ?
Cũng cần nhắc đến môt tiệm may nón nữ lâu đời vẫn còn tồn tại là: Hương số 11 Trần Quang Khải, nằm gần Minh Sư Đạo – Quang Nam Phật Đường, thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông.
Sau 30/04/1975, một nghề mới xuất hiện và rất thịnh hành cho đến nay là: vá, đắp đầu gối, sang sợi, mạng, sửa và lên lai quần Jeans. Hiện nay đoạn đường Lý Chính Thắng (Yên Đổ cũ), dù chỉ một khoảng ngắn từ Huỳnh Tịnh Của ra đến đầu đường Hai Bà Trưng, hai bên đường có hơn mười mấy tiệm. Nổi tiếng và lâu năm nhất là tiệm Hoàng số 48 Lý Chính Thắng chuyên may, sửa quần Jeans rất có uy tín, kinh nghiệm, giá phải chăng, nên rất đông khách, thời gian trôi qua đã quá lâu. Những hình ảnh ngày xưa thân ái đã phai nhạt nhiều. Không thể nào kể ra đầy đủ được. Chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót. Xin được thông cảm.
Cố gắng ghi lại những gì còn đọng lại trong ký ức, để bà con Đa Kao & Tân Định, cũng như những ai thương mến vùng đất hiền hoà này tìm lại chút kỷ niệm: “Một thời may mặc của vùng Tân Định và Đa Kao.”
Xin hết.
Cảm ơn anh Trần Đình Phước (San José, California 2017)
No comments:
Post a Comment