Monday, May 13, 2019

CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ - Trần Bảo Định

Dựa trên câu chuyện có that. BS Thiện tên thật là Đề (Bệnh Viện 4 Dã Chiến) sau 75 về Trảng Bom mai danh ẩn tích. Dì 5 là mẹ Kim Ngân, hiện là Chủ Tịch QHCHXHVN. Gia đình KN sau có tim được BS Đề nhưng ông đã lánh mình dưới chân chúa và quên hết chuyện đời .
*

1.
Cô Bảy giả dạng gánh dừa khô, men theo con đường đất từ ngã ba Giồng Quýt qua ngõ chợ Bến Tranh về Sơn Phú. Bước chân cô len lỏi dưới tán lá dừa mát rượi, mùi hoa dừa vào mùa bông trổ khiến sự âu lo và mệt mỏi hình như tan biến. Qua cây cầu dừa bắc ngang mương nước, cô Bảy nhìn căn nhà trống hoác, mái lá xác xơ, không bàn ghế, chỉ chơ vơ hai tấm vạt tre ghép lại thành chiếc giường cạnh đầu song.
- Dì Năm ơi!

Cô Bảy gọi, không tiếng trả lời. 
Ngoài vườn, gió lùa tiếng lá dừa đong đưa xào xạc.
Cô Bảy xuống bếp giở nồi cơm, bốc giề cơm cháy còn ấm. Vậy là dì Năm có ở nhà, chắc quanh quẩn đâu đây.
- Bảy! Có việc gì mà con đến gấp vậy?
Cô Bảy giật nẩy mình ngoái lại, thấy dì Năm quần ống thấp ống cao, chân đầy bùn đất, mặt lấm tấm mồ hôi. 
- Dì đi đâu về?
- Dì lội rạch chuyển thơ. Trưa rồi, con ngồi đó, dì nấu cơm.
Dì Năm lấy nồi xúc gạo; cô Bảy bước theo níu tay.
- Con không đói và phải đi ngay! Có việc nầy con xin báo dì…
Cô Bảy cố dằn cơn xúc động, báo tin dượng Năm đã hy sinh anh dũng trong đêm đánh sân bay Tiên Thủy, khi cùng tổ đánh bộc phá mở cửa. Đồng đội không lấy xác được; bọn Mỹ đã dùng xe xúc gom lại tưới xăng thiêu hủy.
Dì Năm rúm người, từng thớ thịt co giựt, nước mắt chảy tràn trên mặt...
Dì ngồi bệt xuống đất, đôi mắt đỏ chạch. Dì mím chặt môi, không khóc!
*
Những chiếc xuồng ba lá chở bộ đội khẩn trương vẹt ô rô cóc kèn, đưa đàng mình vượt dòng Trúc Giang tiến vào thị xã.
Tết Mậu Thân. Giờ G: Nổ súng!
Dì Năm, cán bộ dẫn mũi đưa đại đội đặc công thọc sâu vô Trung tâm Hành quân Tiểu khu Kiến Hòa; trận đánh giằng co ác liệt, có lúc cận chiến giành giựt nhau trụ đèn, bờ tường và từng thước rào kẽm gai... đầy những xác người nằm vắt võng. Dì ù tai hoa mắt; một vệt sáng lóe; dì gục xuống. 
- Trình ông thầy! Có một xác, ngực còn thoi thóp.
- Đàn ông hay đàn bà?
Đại úy Bác sĩ Thiện hỏi viên Trung sĩ Y tá Thịnh
- Dạ! Trình ông thầy, đàn bà.
Theo hướng dẫn của viên trung sĩ, Bác sĩ Thiện đến khu nhà xác Bệnh viện Dã chiến để kiểm tra. Ông lật mặt và sử a lại thế nằm người phụ nữ ngay ngắn, vạch mí mắt xem đồng tử, đặt ống nghe lên ngực. Sau khi xem xét cẩn thận, ông quyết định chuyển gấp người phụ nữ sang khu cấp cứu hồi sức do ông trực tiếp phụ trách. Ông tự hỏi, người phụ nữ này là ai, Việt Cộng hay thường dân? Nếu Việt Cộng, An ninh quân đội Sài Gòn chẳng để ông yên, và chắc chắn ông sẽ đối mặt với Tòa án binh. Nếu là thường dân, thấy chết không cứu, ông là kẻ sát nhân, trái với con đường ông đã chọn sống theo Phúc âm Thiên Chúa; và nghịch với lời thề khi ra trường, rằng: “Trước Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông, nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời…”.
Một cuộc đấu tranh dữ dội trong lòng Đại úy Bác sĩ Thiện.

Cánh quạt máy bay trực thăng liên tục lên xuống, chở thương binh kể cả dân thường bị thương từ nơi xảy ra đụng độ. Trước sự sống chết, con người gần như xóa bỏ những toan tính riêng tư; nhứt là người sống có Đức tin như Bác sĩ Thiện. Ông dứt khoát; dù Việt Cộng hay dân thường, dù thù hận hay yêu thương... thì con người vẫn là vốn quý, và cứu người là mệnh lệnh của trái tim. Mình phải cứu người đàn bà nầy cái đã!
Để an toàn cho người mình cứu và cũng để an toàn cho chính bản thân, Thiện ra lệnh:
- Trung sĩ Thịnh!

- Trình Đại úy Bác sĩ, có mặt!
Trung sĩ Y tá Thịnh dập hai chân, đứng nghiêm chào trình diện. Đại úy Bác sĩ Thiện nghiêm nét mặt:
- Tôi đã kiểm tra, người phụ nữ này là dân thường bị thương trong lúc chiến cuộc nổ ra. Trung sĩ cho lập hồ sơ bệnh án; nạn nhân ở khu vực lò heo Thạnh Trị, bến xe đò Mỹ Tho, Định Tường.
- Tuân lệnh!
Trung sĩ Thịnh bước nhanh ra khỏi phòng.

2.
Đại úy Bác sĩ Thiện đi đi lại lại một mình trong căn phòng vắng lặng. Ông châm thuốc hút, nhìn qua khung cửa bên kia giếng nước Mỹ Tho, một vệt nắng chiều vàng nhạt trườn lên góc phố. Theo kinh nghiệm của người sĩ quan quân y kề cận chiến trường, ông khẳng định người đàn bà kia là nữ chiến binh Việt Cộng. Bờ vai phải da bị chai vì dây quai súng; hai mép hông chai vì dây nịt đạn; những lằn chai qua mắt cá chưn vì mang dép râu.
Ông mỉm cười và tự đùa với mình: ''Thiện ơi, giết một chiến binh không tấc sắt trong tay, mà lại là một nữ chiến binh đang thừa chết thiếu sống, thì mày đâu xứng trang nam tử! Nhiệm vụ của mày là cứu người chứ không phải giết người"!
Ông thấy lòng mình vui vui, dù phố chiều Mỹ Tho ảm đạm.
Dưới ánh đèn điện chập chờn ánh mắt, dì tỉnh dần. Dì ngơ ngác và cố định thần coi mình đang ở đâu; ai đưa mình đến đây; lúc nào và bằng phương tiện gì. Thân thể trần truồng dưới lớp bông băng bó; mũi miệng tay đầy dây nhợ. Sự sống đã mỉm cười với dì. Nhưng, nỗi sợ lạnh xương sống cũng ập đến: '' Mình đã sa vào tay giặc''! Dì nhớ hai đứa con gái còn thơ dại không biết sống chết ra sao. Nhớ đêm cuối cùng vợ chồng gặp nhau ở Cồn Ốc; và sau đó, người chồng cũng là người đồng chí đã ra đi vĩnh viễn. Dì chuẩn bị đón nhận mọi nghiệt ngã sẽ xảy ra khi trực diện với đối phương, với những đòn thù tra tấn để chúng khai thác moi tin tức. Rồi, dì thương đồng đội đánh vào Tiểu khu Kiến Hòa, không biết ai còn ai mất. Dì giấu tung tích mình, giấu phiên hiệu đơn vị, và đặc biệt giữ an toàn cơ sở. Thà chết, dứt khoát không sơ hở hoặc đớn hèn, gây thiệt hai cho tổ chức.
Có một bàn tay nhẹ nhàng kéo tấm chăn đắp ngực! Theo phản xạ tự nhiên, dì muốn níu tấm chăn lại, nhưng toàn thân không còn sức lực nào để níu. Dì mở mắt, ánh mắt rực lửa căm thù nhìn thẳng mặt người vừa cúi xuống kéo tấm chăn đắp. Đáp lại, ông ta nhìn dì với đôi mắt hiền trên khuôn mặt nghiêm nghị của cái tuổi bước vào bốn mươi. Ông nhẹ nhàng kéo chăn trở về chỗ cũ sau khi đã khám xong.
Giờ thì dì có thể một mình tập đi, tự lo vệ sinh và ăn uống. Thông qua thuộc cấp của ông, dì biết đó là Đại úy Bác sĩ Thiện, người gốc Bắc di cư, đạo dòng, sống lương thiện và tử tế; ông nghèo không tiền mua nhà ngoài phố nên gia đình sống trong khu gia binh. Một người khiêm tốn, lịch sự, kín đáo và tự trọng. Cả tháng nay, dì chuẩn bị và chờ đợi cái ngày rời nơi điều trị để sang cơ quan thẩm vấn của địch. Thời gian đi qua, cái ngày đó chưa thấy đến. Trái lại, dì được chữa trị tốt, có hiệu quả. Hơn nữa, hai đứa con gái của dì được đến thăm và chăm sóc cho mẹ. Dì thấy lạ, đâm lo và suy nghĩ rất lung, rằng có phải đây là ngón đòn độc của bàn tay sắt bọc nhung mà viên Đại úy Quân y Sài Gòn giăng bẫy.

Rau nào sâu nấy; trong cái ác làm gì có điều thiện? Đầu óc dì luôn luôn cảnh giác! Cái gì xấu là của bọn Mỹ - ngụy!

*
Sân bay dã chiến vắng dần tiếng trực thăng tải thương. Nạn nhân chiến cuộc được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến lần lượt trở về nhà. Bom đạn Mậu Thân đã lùi xa thành thị.
- Mời bà lên gặp Đại úy Bác sĩ.
Tiếng Trung sĩ Y tá Thịnh gọi dì.
Vừa đi, dì Năm vừa suy nghĩ: " Có lẽ thời khắc chờ đợi đã tới''.
- Mời bà ngồi!
Dì vẫn đứng, không ngồi. Căn phòng im phăng phắc.
Viên Đại úy Bác sĩ đứng dậy, giọng từ tốn:
- Mời bà ngồi. Tôi có việc muốn trao đổi cùng bà.
Một suy nghĩ thoáng qua đầu dì Năm: ''Kịch bản bắt đầu và viên Đại úy Quân y đang bước vào vai diễn''. Dì Năm dè dặt, và cũng hết sức cảnh giác.
- Hôm nay, bà có thể về nhà!
Dì trố mắt, ngó trâng trâng viên Đại úy Bác sĩ
- Ông nói sao? Tôi có thể về nhà? Ông đùa hay thật?
- Hôm nay, bà có thể về nhà. Mọi việc điều trị cho bà coi như đã xong!
Đại úy Bác sĩ Thiện, nhắc lại và nói chậm rãi.
- Tại sao ông không chuyển tôi sang cơ quan thẩm vấn?

- Tôi, Bác sĩ, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là cứu người. Những phần việc khác, không phải chức trách của tôi. 
Ngưng lời giây lát, Đại úy Bác sĩ Thiện nói tiếp:
- Với tôi, bà là ai, tôi không cần biết; điều cần biết, bà là bệnh nhân của tôi. Bây giờ, những thương tích trong người đã lành, bà có thể ra về. Đơn giản vậy thôi!
Những lời chơn thật và đầy ắp tình người của Đại úy Bác sĩ Thiện, khiến cái ý nghĩ “sa vào tay giặc” của dì bị “nốc ao” trước khi vào trận đánh. Thật ra, chẳng có trận đánh nào cả!
Một viên Đại úy với dáng vẻ lạnh lùng khô cứng mà tấm lòng khí khái nhân nghĩa. Cái nào đúng, cái nào sai? Bất giác, dì thốt lên:
- Nhìn kẻ thù không khó, chỉ khó khi nhìn nhân nghĩa ở kẻ thù!
- Bà nói gì?
Giựt mình, Đại úy Bác sĩ Thiện hỏi.
- Tôi cảm ơn ông!
Không để viên Bác sĩ kịp hỏi, dì nói tiếp:
- Trước khi ra đi, tôi muốn nói với ông một điều. Tôi, người chiến sĩ giao liên quân giải phóng.
Dứt lời, dì quan sát nhanh vị Bác sĩ coi thái độ ông ta phản ứng ra sao?
Những nếp nhăn khắc khổ trên trán ông toát ra nét bình thản. Ông thêm thuốc vào ống vố, bật lửa và bập một hơi dài, khói thuốc là đà bay qua cửa sổ như cánh chim sổ lồng vội vã bay về chốn cũ.
- Thưa bà, việc đó là việc của bà. Bà có quyền sống và chiến đấu cho lý tưởng của mình.
Không gian chiều dằn dặt trên hàng cây cổ thụ đường Hùng Vương, Đại úy Bác sĩ Thiện ngó lên trần nhà
- Bà nhớ rằng, muốn thương nước thì phải thương nòi. Và trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này, ngày hòa bình thì ngắn, ngày chiến tranh thì dài. Mong sao cuộc chiến sớm kết thúc. “Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!” 
Tôi quý trọng những con người sống có lý tưởng, và dám chết cho lý tưởng, dù lý tưởng đó đối nghịch với tôi.
Trung sĩ Thịnh bước vào, câu chuyện dừng lại đột ngột.
- Trình ông thầy! Hồ sơ bệnh nhân Phan Thị Sinh đã xong.
- Trung sĩ để đó.
Khi viên trung sĩ y tá lui ra, ông ký tên vào sổ bệnh án của dì và hỏi:
- Xin lỗi! Bà còn cần gì ở tôi?
Tiếp xúc với viên Đại úy Bác sĩ quân y nầy, dì Năm có cái nhìn và đánh giá về ông hoàn toàn khác trước. Ông là người tử tế và đáng tin cậy. Dì Năm nói khó khăn hoàn cảnh gia đình, nhứt là hai đứa con gái còn nhỏ dại và chúng nó còn đang ăn học.
Vị Bác sĩ Quân y ngồi xuống ghế, mắt ngó mông lung:
- Bà cứ đi. Trong khả năng, tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học hành. Tôi cầu nguyện bà còn sống trở về sau cuộc chiến.
Rồi, ông đột ngột đứng dậy
- Xin phép, tôi không tiễn!
Đại úy Bác sĩ Thiện khép cửa lại, ngước nhìn trời xanh qua khung cửa sổ trong giây phút tĩnh lặng. Trở lại với lòng mình, ông thầm khấn:
- Lạy Chúa! Con đã làm sai chăng?

3.
Tất cả việc làm của Đại úy Bác sĩ Thiện không qua khỏi tai mắt bọn tình báo Mỹ, và An ninh quân đội Sài Gòn. Ông bị bắt, bị tước quân tịch, bị cấm hành nghề bác sĩ và bị đưa ra Tòa án Quân sự Cần Thơ thuộc Vùng bốn Chiến thuật để nhận bản án hai năm tù. Vợ con ông bị trục xuất khỏi Trại Gia binh BỊnh viện Dã chiến Định Tường.
Hôm xét xử, hai quân cảnh áp giải Bác sĩ Thiện ra tòa. Bác sĩ Thiện mỉm cười với số phận của mình, và ung dung bước vào vành móng ngựa. Công tố viên hỏi:

- Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, can phạm có ân hận gì không?
Bác sĩ Thiện đưa đôi tay bị còng để lên vành móng ngựa, sắc mặt ông bình thản, không lộ vẻ lo sợ hay vui buồn.
- Thưa ông Công tố! Tôi trai thời chiến nên phải vào quân ngũ. Mang lon Đại úy, cái đó là thân mang. Nghề thật của tôi là thầy thuốc nên tâm phải gắng cứu người. Tôi cứu người phụ nữ trong cơn hấp hối, đó là mệnh lệnh của lương tâm. Lúc đó, tôi không thể làm khác. 
Ông khẳng khái:
- Thưa quý tòa! Tôi, bác sĩ Nguyễn Lương Thiện, hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình!
Mãn hạn tù, ông trôi giạt bốn phương, chạy xe ôm và làm đủ nghề cơ bắp kiếm sống.

Hòa bình!
Bà Năm – người chiến binh ngày đó – vội quay về chốn cũ mong gặp lại ân nhân xưa. Bác sĩ vẫn bặt vô âm tín! Tiếng ve kêu xé không gian đại lộ Hùng Vương làm rụng những cánh phượng hồng đỏ màu máu..…
Nhiều đêm, dì Năm thao thức tự hỏi: tại sao ngày sum họp lại là ngày bóng chim tăm cá! Trải qua 31 năm lặn lội tìm Đại úy Bác sĩ Thiện, dì Năm mòn mỏi sức lực theo thời gian chồng chất tuổi già. Phút lâm chung, dì trăng trối và dặn các con:
- Thương má, các con phải tìm cho bằng được Đại úy Bác sĩ Nguyễn Lương Thiện và gia đình. Nếu không,.má chẳng thể đi đầu thai!
Dì Năm ra đi mang theo nỗi hoài vọng gặp lại ân nhân!
Trần Bảo Định

No comments:

Post a Comment