Thursday, July 18, 2019

Ngã tư Bảy Hiền


Đây là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), điểm giao của 4 đường lớn gồm Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ.
Về tên gọi, theo ông Lê Minh Quốc trong sách "Người Quảng Nam", Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê "cóc" sinh thứ Bảy, tên Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan - phu nhân vua Bảo Đại.
Ngã tư này được đặt theo tên của ông Bảy Hiền, một đại điền chủ giàu có nhất ở vùng Sài Gòn - Gia Định xưa thời Pháp thuộc. Theo lời kể của một người cháu của ông (hiện còn sống, tên là Trần Văn Đức, hiện nay đã 88 tuổi) thì ông Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, sinh ra trong một gia đình đại điền chủ giàu có, nhiều con. Ông Trần Văn Đức (cháu ngoại đời thứ ba của ông Bảy Hiền) kể lại: "Ngày xưa, lúc tôi khoảng bốn, năm tuổi hay lon ton chạy theo ông nội đi chơi (bấy giờ khoảng 25 - 26 tuổi). Ông nội của tôi thứ mười, là em ruột của ông Bảy Hiền (tên Hiền, thứ 7) sống chung nhà tại khu vực ngã tư này".
Nếu tính thời gian lùi lại theo lời kể của ông Đức, suy ra ông Bảy Hiền thời điểm đó (khoảng năm 1932 - 1933) là khoảng hơn 30 tuổi. Ông Bảy Hiền có thể được sinh ra vào năm 1895 - 1900. Về năm mất, căn cứ vào dữ liệu của ông Đức cung cấp, tạm ước đoán ông Bảy Hiền mất khi ở độ tuổi còn sung sức giúp đời (độ hơn 40 tuổi), tức là khoảng năm 1940. Ít tài liệu viết về cuộc đời của ông Bảy Hiền, nhưng theo lời kể của người cháu thì ông là một đại điền chủ rất giàu có. Đất đai của ông trải rộng khắp khu vực Trường Chinh, Cộng Hòa, Bàu Cát… ngày nay. Với khối tài sản khổng lồ, ông Bảy xây một căn biệt thự cột ximăng, trong nhà cột gỗ lớn, nền lót gạch Tàu. Ông Đức nhớ lại: "Khi đó, con đường ở ngã tư này rất nhỏ, nhà ông ngăn cách với con đường bằng hàng rào cây kiểng được cắt tỉa rất đẹp. Nhà có đất rộng và thuê nhiều người làm. Đất dọc theo đường Hoàng Văn Thụ hướng lên đường Cộng Hòa và ngang theo đường Hoàng Hoa Thám bây giờ đều là ruộng lúa, hoa màu của ổng".
Nổi tiếng là người giàu có nhưng ông Hiền rất thương người. Khi xưa, vào ngày rằm hàng tháng, ông đăng báo thông tin thí bạc (bố thí) giúp đỡ người nghèo. Những đồng bạc xu điếu đựng đầy hai thúng được người nhà để trước cổng và phân phát. Tuy nhiên vào một hôm mọi người tập trung chen lấn đông quá khiến hai đứa trẻ đi theo chết ngạt. Sự việc diễn ra, ông rất đau buồn và kể từ đó ông không đăng báo phát tiền nữa mà hễ ai có khó khăn thì đến ngã tư vào nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn ông sẽ giúp đỡ.
Dần dà, khu vực ngã tư - nơi có nhà của ông - được người dân đặt là ngã tư Bảy Hiền, theo tên người đàn ông nhân đức. Sau khi qua đời (trước năm 1945), ông Bảy Hiền và vợ được chôn cạnh nhau trong khu vực Lăng Cha Cả. Đến năm 1945, người dân ở miền ngoài di cư vào Sài Gòn sinh sống, làm nhà lấn vào khu vực Lăng Cha Cả. Thấy vậy, chính quyền Sài Gòn mới ra luật nhà nào lấn vào khu vực lăng bao nhiêu mét thì hàng tháng phải trả bấy nhiêu tiền (khi đó 100 tiền/mét)”, ông Đức cho biết. Sau này, khu vực nghĩa trang bị giải tỏa, người nhà ông Bảy Hiền có lấy hài cốt đưa về thờ tại chùa Vạn Thọ trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (phường Tân Định, quận 1). Cụ Đức thông tin thêm: Cháu nội ông Bảy Hiền hiện vẫn còn sống, đã ngoài 80 tuổi ở khu vực ngoài Chợ Lớn nhưng tôi không rõ địa chỉ”.
Tài liệu khác thì nói, thời kỳ chính quyền Sài Gòn, có lẽ sau khi ông Bảy Hiền mất, người con trai của ông kế thừa di sản của ông, phát triển và ngày càng giàu có hơn.
Khoảng năm 1940 người Sài Gòn gọi "ngã tư ông Bảy Hiền" dần dần từ "ông" mất chỉ còn "ngã tư Bảy Hiền". Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành "Bảy Hiền". Trước năm 1954, khu vực này vẫn còn là vùng ngoại ô của Sài Gòn, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy theo con đường lên miệt Tây Ninh. Một vài gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi ngựa.
Theo ký ức của những vị cao niên, khi Nhật Bản đưa quân vào Sài Gòn, ngã ba giữa đường Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ - Lạc Long Quân (tên đường hiện nay) bị cô lập và trồng một rừng cao su rộng lớn kéo dài đến tận khám Chí Hòa. Nhật cô lập vì không muốn thông đường từ ngã tư Bảy Hiền xuống thẳng Chợ Lớn để bảo đảm an toàn kho vũ khí, kho xăng. Trong rừng cao su cũng có rất nhiều mồ mả từ đời xưa để lại, sau này chính phủ Sài Gòn khai quật lên thì phát hiện nhiều đồ cổ bằng vàng có giá trị. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đặt mìn nổ phá đồn này và xây bệnh viện Vì Dân (sau giải phóng đổi tên là BV Thống Nhất). Còn đồn điền cao su bị xóa bỏ khi quân Mỹ vào miền Nam (năm 1965), mồ mả được khai quật lên và xây nhiều căn nhà cho lính Mĩ và lính Sài Gòn ở. Từ đó, chợ Tân Bình cũng được xây dựng phục vụ kinh doanh và gọi là khu Phú Thọ.
Con đường ở Ngã tư Bảy Hiền những năm 1960 cũng được Mỹ tráng nhựa nhưng hư hỏng và rất nhỏ. Đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ thời Pháp được đăt tên là Verdun, sau đổi thành Quốc lộ 1 chạy thẳng tận Tây Ninh, đến chế độ Sài Gòn đổi thành đường Lê Văn Duyệt.
Đường Hoàng Văn Thụ hiện nay trước kia tên là Võ Tánh (đường Lý Thường Kiệt trước kia được đăt tên Nguyễn Văn Thoại), kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến chợ Tân Bình. Khu vực chợ Tân Bình khi đó rất sầm uất, đêm đến lính Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất rủ nhau chạy xe máy ào ào về chợ Tân Bình nhậu nhẹt.
Khoảng năm 1960, theo thống kê hộ tịch ngày đó, Bảy Hiền có hơn 4.000 dân sinh sống, hình thành một khu dân cư mới. Người ở đây chủ yếu là từ Quảng Nam vào lập nghiệp, họ hình thành nên làng nghề dệt vải nổi tiếng tại đây lúc bấy giờ. Trên đường Nguyễn Bá Tòng, thuộc phường 12, quận Tân Bình ngày nay có một ngôi chợ chuyên bán các món ăn, gia vị… của xứ Quảng - chợ Bà Hoa.

No comments:

Post a Comment