Sunday, October 15, 2017

60 NĂM, Trường Phan Bội Châu Phan Thiết… BS Đổ Hồng Ngọc

Thư gởi bạn xa xôi,tặng Trần Vấn Lệ
Tôi thi đậu vào Đệ thất (lớp 6) trường Phan Bội Châu Phan Thiết năm 1954, đứng hạng 7, được học bổng. Hồi đó, đậu vào Phan Bội Châu là một vinh dự lớn. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến trường Phan Bội Châu Phan Thiết tôi vẫn còn nghe một chút gì đó nao nao!

Mãi đến năm 1952, Bình Thuận mới có một ngôi trường trung học công lập đầu tiên. Lúc đầu trường chỉ có vài lớp, mượn tạm một cơ sở nằm trên đường Saigon, nay là đường Trần Hưng Đạo. Năm 1954 cả trường cũng mới chỉ có mấy lớp, đệ thất, lục, ngũ. Đệ tứ thì phải ra Nha Trang hoặc vào Saigon học tiếp để thi Đíp-lôm (Trung học đệ nhất cấp). Thời đó, Trung học đệ nhất cấp là một kỳ thi cực kỳ khó, chỉ đậu chừng 10%, thi tất cả các môn học, có cả vào vấn đáp. Ai đậu Pri-me (tiểu học) đã là “oai” rồi, đậu Đip-lôm thì “nhất”!
Vào Đệ thất Phan Bội Châu được mấy tháng, chưa kịp biết hết bạn bè thầy cô thì tôi đã phải rời trường, khăn gói theo gia đình về quê Lagi, Hàm Tân sinh sống. Lúc đó Hàm Tân là tỉnh lỵ của Bình Tuy, tỉnh mới được thành lập, tách khỏi Bình Thuận, trực thuộc Nam phần. Thế là bỏ trường bỏ lớp, xa thầy xa bạn. Tôi tiếc và buồn lắm. Nhưng không cách nào khác. Mãi 3 năm sau Bình Tuy mới có lớp đệ thất đầu tiên trong một nhà thờ, tôi mới đi học lại. Hồi lớp Nhất, tôi học ở Bạch Vân, trong chùa Bà Đức sanh hội. Hết học chùa nay tới học nhà thờ là vậy! Nhờ học nhảy mà tôi đuổi gần kịp bạn bè cùng thời.
Bây giờ mỗi lần về Phan Thiết, tôi thấy mình vẫn quyến luyến nhiều hơn với ngôi trường Phan Bội Châu nhỏ bé, xinh xắn, xưa cũ đó của mình- ngôi trường nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo- khi chưa dời về đường Nguyễn Hoàng (Lê Hồng Phong) ngày nay. 


Năm 2002, trường Phan Bội Châu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Thầy Bình hiệu trưởng có mời tôi về nói chuyện với học sinh về “Tuổi mới lớn”. Dịp này trường có một cuộc triển lãm. Một quyển sổ cũ kỹ rất to gọi là Sổ Trước Sách ghi tên học sinh của trường từ lúc thành lập đến nay được trưng bày ở phòng truyền thống. Bạn ơi, có tên tôi trong đó đàng hoàng nhé! Anh Nguyễn Đình Tư (Tư Đình, nhà thơ Từ Thế Mộng, học sinh khóa đầu tiên, 1952) thấy tôi đứng nấn ná hoài bèn tìm cách photo gởi tặng tôi mấy trang.
Trong quyển Sổ Trước Sách của trường Phan Bội Châu lúc đó, tôi đứng số thứ tự 276. (Khóa tôi có 111 người vào đệ thất, từ số thứ tự 234 đến 345). Ở mục họ tên “Đỗ hồng Ngọc” – thời đó chữ lót viết không hoa- thấy ghi “ Ở lại đệ thất”, rồi lại có dấu đánh chéo, xóa tên. Tôi đoán lúc đầu chắc trường xét cho tôi ở lại lớp thôi nhưng lỗi “nghỉ lâu không xin phép” là quá nặng nên quyết định “xóa sổ” luôn! Mục năm sinh bạn thấy ghi 1942. Đó chỉ là “Thế vì khai sanh” thôi chớ tôi tuổi thiệt 1940. Thời chiến tranh, đa số trẻ con đi học trễ. Ở mục Lý lịch cũng ngộ: ghi con ông Đỗ đơn Trì, nghề: “chết” và bà Nghê thị Như, nghề: buôn bán. Thực ra cha tôi chết trong kháng chiến chống Pháp nhưng chỉ cần ghi nghề: “chết” , là đủ, không cần “ngày tháng nào? làm gì? ở đâu? ai biết?”… như kiểu bây giờ!


Bạn để ý địa chỉ: ở chùa Hải Nam, đường Trại cưa Phan Thiết (thuộc Đức Nghĩa). Gọi là đường Trại cưa vì ở đó có rất nhiều trại cưa dọc ven sông, chuyên xẻ gỗ cho người ta đóng thuyền cá. Tôi thường lang thang coi người ta đóng những chiếc thuyền khổng lồ ở đó. Đường Trại Cưa (nay là đường Trưng Nhị) dọc hữu ngạn sông Mương Mán (khu Trường Dục Thanh bây giờ), nơi có bến đò qua Chợ Gò bên kia sông, là nơi tôi thường qua lại để đến Nhà thương chữa bệnh. Nối tiếp đường Trưng Nhị, qua khỏi cầu, là đường Trưng Trắc, nơi có nhà những bạn bè tôi như Tải (Tâm), Quế, Tốt, Tươi…
Ở mục Ngày vào học thấy ghi: Đệ thất I, ngày 14/9/54. Ngày thôi học ghi: 30/11/55.
Tôi chưa học hết đệ thất, mới mấy tháng đã bỏ trường vậy mà trường vẫn “bảo lưu” danh sách học sinh cho tôi, mãi đến 30/11/55 mới chính thức xóa sổ.
Trong Lời phê của ông hiệu trưởng thấy ghi: “Khá, nhưng cần phải gắng học thêm”. Rồi trên đó lại có dòng chữ nhỏ hơn: “Xóa sổ vì nghỉ lâu không xin phép”- chắc là của người thư ký ghi sau khi có quyết định của hội đồng.


Trong quyển Sổ Trước Sách đó, mỗi học sinh có dán cái hình. Cười chết được. Mặt nào mặt nấy ngây ngô. Dễ thương làm sao! Mỗi người một vẻ. Con trai con gái. Ngộ nghỉnh. Tức cười. Cái hình tôi chụp ở Liên Hoa lúc 12 tuổi, mặc pyjama, đi guốc xuồng. Xanh lè, ốm nhom, suy dinh dưỡng nặng, cân được 25 kg ở nhà thuốc tây Phạm Tư Tề: mắt lồi (ốc bươu), mũi bự, tai vễnh, mặt quạu…!
Dù đã bị “xóa sổ”, bị… đuổi học gần 60 năm về trước tôi vẫn luôn coi mình là một “cựu học sinh” của trường, vẫn luôn tự hào đã từng là học sinh của Phan Bội Châu Phan Thiết ngay từ thuở ban sơ…
Năm nay trường kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, tôi chắc cũng sẽ ghé về thăm một chút để mong gặp lại cái anh chàng mắt lồi, mũi to, tai vễnh… như hôm nào kia, nơi vườn Luxambourg, có người trông thấy một cậu học trò nhỏ, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ…  

Je vais vous dire ce que me rappellent… le ciel agité de l’automne… les arbres qui fissonnent…
(Anatole France).
Thân mến, Đỗ Hồng Ngọc

No comments:

Post a Comment