Năm 2002, Trường tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, năm 2012 kỷ niệm 60 năm. Rồi sẽ đến lúc ky niệm 70, 80 năm…Ở những mốc thời gian đặc biệt này, nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Mấy chục năm qua trường THPT Phan Bội Châu Phan Thiết đã làm được gì cho đời và để lại gì trong lòng người, nhất là đối với những người đã từng học tập, từng giảng dạy, từng công tác, từng gắn bó với trường.
Thực cũng khó để nói được đầy đủ chính xác, bởi thành quả của hoạt động giáo dục trong một quá trình gần trọn đời người, không dễ nói hết được bằng những điều cụ thể. Lao động sư phạm là một loại hình lao động mà sản phẩm không thể đem ra trưng bày, không thể định giá bằng những chuẩn mực cân đo đong đếm, thành tích mà chúng ta nói với nhau cũng chỉ là ước lệ. Thực chất tiềm ẩn trong từng con người được hưởng thụ giáo dục. Dẫu không trực tiếp biến thành xương cốt, thành máu thịt của con người nhưng lại chi phối rất lớn đến sự hình thành tri thức, đi vào tâm hồn vào tình cảm con người, thể hiện nhân cách sống, chất lượng sống của từng con người và của cả xã hội. Hiệu quả của hoạt động giáo dục rất rộng, rất đa dạng, có những hiệu quả thể hiện cụ thể nhưng cũng có những hiệu quả tiềm ẩn khó nhận ra. Tuy vậy, trong một chừng mực tương đối, chúng ta cũng có thể thấy đôi điều trường Phan Bội Châu đã làm được. Ví như, trong chức năng dạy học bậc trung học ở địa phương.
Căn cứ vào số học sinh vào trường, ra trường trong 60 năm qua thể hiện trong sổ sách còn lưu trữ tại trường, tuy không đầy đủ do một vài năm bị thất lạc nên không thực sự chính xác, nhưng cũng có độ tin cậy.
Số vào trường qua 60 kì tuyển sinh: 48929
Vào lớp 6 :
Từ năm học 1952- 1953 đến năm học 1974-1975: 8846.
Từ năm học 1994-1995 đến năm học 1999-2000: 2592.
Tổng đầu vào lớp 6: 11438.
Vào lớp 10 :
Từ năm 1959-1960 đến năm học 2010-2011: 37491.
Ngoài số học sinh vào trường qua các kỳ thi tuyển, còn một số không nhỏ học sinh chuyển từ các trường khác đến, có năm số chuyển trường vào rải rác các lớp lên đến 20%-30% số trúng tuyển. Phải chăng đây là biểu hiện của lòng tin của phụ huynh học sinh muốn gởi gắm con em mình cho nhà trường dạy dỗ.
Số học sinh ra trường qua 55 ky tốt nghiệp : 38184
Số ra trường qua ky thi Trung học đệ nhất cấp, Trung học cơ sở: 8248.
Trung học Đệ Nhất cấp (1956-1975) : 5482.
Trung học cơ sở (1994-2003) : 2766. (Từ năm học 1975-1976, đến năm học 1993-1994 trường không có cấp II, trung học đệ nhất cấp)
Số ra trường qua kỳ thi Tú Tài, Tốt nghiệp THPT: 29936.
Chỉ tính riêng số trúng tuyển vào lớp 10, (đệ tam):37491
Số tốt nghiệp Trung Học PhổThông (Tú Tài) : 29936
Tỷ lệ của hiệu quả đào tạo gần 80% là một tỷ lệ khá cao đối với bậc học THPH (TH Đệ nhị cấp)
Dựa vào những con số trên có thể đánh giá được hiệu quả giáo dục của nhà trường. Song, điều có ý nghĩa hơn, có giá trị và đáng được trân trọng hơn được biểu hiện qua sự lớn lên trong từng cá thể học sinh.
Khi vào trường, là những cô cậu bé vừa học xong cấp một, hoặc hết cấp hai với những hiểu biết cơ sở. Sau một thời gian học tập và rèn luyện ở trường, những cô bé, cậu bé ngày trước đã lớn hẳn lên. Sự lớn lên không chỉ bằng chiều cao, cân nặng, không chỉ bằng những điều học hỏi được qua giáo khoa những môn cơ bản, mà còn qua các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; có những tiềm năng văn nghệ thể thao, giao lưu và các mối quan hệ xã hội có điều kiện thành năng lực tao nên thành quả chung cho một con người và cho một ngôi trường, trường Phan Bôi Châu. Và, những cô cậu bé ngày trước ấy thoát xác thành những thanh niên tuấn tú, với ”học vị” Tú tài, đủ tri thức đễ học tiếp đại học hoặc cũng vững vàng tự tin đi vào cuộc sống. Đây là nhiệm vụ chính nặng nề mà trường Phan Bội Châu đã hoàn thành, đặc biệt, trong điều kiện có nhiều có khăn.
Nhớ lại buổi ban đầu chỉ với tấm lòng của 14 Thầy giáo không xuất thân từ các trường sư phạm, nhưng lại có lòng yêu nghề dạy học đến tuyệt vời. Xin được trân trọng bày tỏ lòng cảm phục và biêt ơn quý Thầy.
Chỉ 14 thầy đã phải xoay sở mọi điều từ lập hồ sơ xin phép, mượn cơ sở phòng ốc, tổ chức tuyển sinh, thống nhất chương trình giảng dạy (sự chỉ đạo từ trên ngày ấy rất mờ nhạt), để có được ở Phan Thiết một Trường Trung Học đầu tiên, với tên Trường Trung học Bình Thuận, khai giảng vào ngày 15 tháng 9 năm 1952 tại Trường tiểu học Đức Thắng (nay là trường Tiểu học Đức Thắng 2). Trường có 2 lớp đệ thất (lớp 6) 120 học sinh. Hình ảnh các Thầy, các học sinh trên sân trường trong ngày khai giảng của năm học đầu tiên, nay đã vượt lên hình ảnh của những con người cụ thể thăng hoa thành những giọt nước đầu tiên khởi nguồn cho một dòng chảy-một dòng chảy thân thương chảy suốt 60 năm qua và còn tiếp tục chảy trên quê hương Phan Thiết này. Trong dòng chảy đó có hình ảnh những tà áo dài trắng nữ sinh làm sáng cả con đường Nguyễn Hoàng-Lê Hồng Phong vào những giờ tan học. Trong dòng chảy đó có tiếng hát hồn nhiên ngọt ngào trong những buổi văn nghệ phát thưởng cuối năm tổ chức ở các nhà hát Ngọc Thúy, Lilas hay những đêm văn nghệ mừng ngày nhà giáo 20 tháng 11 tại nhà hát ngoài trường trên quảng trường Nguyễn Tất Thành. Trong dòng chảy đó có không khí sôi nổi của những trận bóng đá giành cúp vô địch các trường trung học Nam Trung Bộ năm 1960, vô địch học sinh trung học phổ thong Bình Thuận trong thập niên 90 của thế kỉ trước. Trong dòng chảy đó có ánh lửa trại bập bùng ở đồi Ngọc Lâm, ở Hố Lở Phú Hội, ở Đồi Dương, ở rừng keo lá tràm Tiến Lợi. Trong dong chảy đó có cả mồ hôi trên công trường thủy lợi Sông Pha, trên đập nước Phú Hội, trên nhà máy điện Hàm Liêm, trên nương rẫy Bình Tú, trên hồ nuôi tôm Vĩnh Thủy. Nhưng đậm đà hơn hết, trong dòng chảy đó vẫn là hình ảnh những lớp học Thầy tận tâm, trò nỗ lực, chăm chỉ miệt mài. Từ đó đến nay đã 60 thế hê học sinh nên người. Thực đáng trân trọng!
60 năm qua, trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học bậc trung học ở quê hương Phan Thiết-Bình Thuận. Không ít học sinh xuất thân từ ngôi trường thân thương này đã thành đạt trong đời sống xã hội, không ít đã và đang đảm đương những vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Nhưng quan trọng hơn là hầu hết đã nên Người tử tế, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xóm làng, với cộng đồng, với xã hội, gắn bó thủy chung với Trường, luôn nghĩ và nhớ về nhà Trường như nghĩ và nhớ về 1 cội nguồn, luôn nghĩ và nhớ Thầy Cô như nghĩ và nhớ về cha mẹ, luôn nghĩ và nhớ về bạn bè thời đi học như nghĩ và nhớ về anh em ruột thịt. Đó là điều quí báu mà Trường đã làm được. Đó là điểm sáng, tạo nên niềm tin yêu, và tín nhiệm trong lòng người dân Phan Thiết- người dân Bình Thuận. Đó là truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ sau này của Trường phải gìn giữ và phát huy.
Thực ra mấy năm đầu mới thành lập, với đội ngũ 14 Thầy hầu hết có tính nghiệp dư trong nghề dạy, chưa có phòng ốc trường lớp, chương trình giảng dạy, sách vở học tập chỉ mới bước đầu đi vào quy củ và xây dựng nề nếp, nên 1 số gia đình khá giả, có điều kiện ở địa phương vẫn chưa cho con em mình dự tuyển vào trường mà còn gởi đi ”du học” ở các tỉnh khác như Nha Trang, Sài Gòn thậm chí cả Huế, Đà Lạt, nhưng chỉ cần ba, bốn năm sau, nhờ Thầy tận tâm với nghề, thể hiện hết tình thương và trách nhiệm trong từng hoạt động sư phạm. Trò chăm chỉ học tập quên mình để bù vào 1 thời ”đói học” của cha anh nên dù còn trăm thứ bộn bề, nhưng Trường đã ra Trường từ độ đó. Trường đã có sức hút giáo dục, sức hút sư phạm ngày càng mạnh mẽ; không chỉ số lượng học sinh ghi tên thi dự tuyển vào trường ngày càng đông, mà số học sinh Phan Thiết- Bình Thuận những năm về trước đi”du học” ở các tỉnh cũng lần lượt rủ nhau xin chuyển về. Mong muốn được học trường Phan Bội Châu không chỉ là của học sinh mà còn của nhiều phụ huynh, gia đình đối với con em mình. Tập thể sư phạm nhà trường đã xây dựng một địa chỉ giáo dục có uy tín, được cộng đồng tin cậy. Từ một trường Trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) năm 1952- 1953, năm sáu năm sau đã mở thêm những lớp đệ tam, đệ nhị (lớp 10, lớp 11) của bậc đệ nhị cấp (cấp III). Đến 10 năm sau, năm học 1962- 1963, Trường đã có học sinh đầu tiên dự thu Tú tài toàn phần và đã cho vào đời những cô Tú cậu Tú đầu tiên ”made in Phan Bội Châu- Phan Thiết”. Đến nay xấp xỉ bốn mươi ngàn tú tài dành cho học sinh xuất thân từ trường Phan Bội Châu. Đó là một thành quả không nhỏ được thể hiện bằng con số. Nhưng cái không thể hiện được bằng con số lại lớn hơn.
Lại cũng ví như, trường đã tạo cơ hội cho tuổi trẻ Phan Thiết- Bình Thuận bộc lộ tinh thần hiếu học của mình. Khơi dậy năng lực học tập.
Trước năm 1952, lúc mà ở Bình Thuận chưa có trường trung học, ngoài con em của một số gia đình khá giả sau khi học xong tiểu học được cho đi các nơi khác học tập tiếp, đa số còn lại đều ngậm ngùi an phận với câu Văn chương không bằng xương cá mòi và phó thác cuộc đời đói chữ của mình cho sông nước, cho biển cả. Trong cái thế chẳng đặng đừng đó lại bị mang tiếng dân quê mình xem thường cái chữ nghĩa. Năm 1952, Trường Phan Bội Châu đã mang cái học bậc trung học về đây, là cơ hội tốt để con em Phan Thiết- Bình Thuận, thể hiện tinh thần hiếu học. Vào những năm 50-60, ai đã từng ở Phan Thiết, nếu có dịp ra đường vào 4, 5 giờ sáng chắc sẽ nghe râm ran những tiếng học bài trong những căn nhà nhỏ, dưới vùng sáng hiu hắt của ngọn đèn dầu! Hoặc có dịp vào nhà, chắc sẽ thấy, trên tường, trên vách cột, thậm chí có khi trên cả mặt bàn mặt ghế ghi đầy những công thức toán học, công thức vật lý, phản ứng hóa học, các mốc thời gian đáng nhớ của lịch sử, các địa danh đặc biệt. Từ đó có thể biết, trong nhà có con em đã hoặc đang học lớp nào của trường Phan Bội Châu. Cái học được bày ra khắp nơi, ai cũng nghe, cũng thấy và cũng mừng thầm cho cái ngày mai ở vùng đất này.
Trong khóa thi tú tài II năm 1963 tổ chức tại Nha Trang dành cho học sinh các tỉnh Nam Trung phần, Bình Thuận có 70 học sinh của 2 lớp đệ nhất trường Phan Bội Châu. Là những học sinh tỉnh lẻ ra Nha Trang còn mang theo vị mặn của biển muối, cái ngai ngái nồng nàn của nước mắm làm mấy cô, mấy cậu nhà mình rụt rè tự ti đến tội nghiệp. Trong cái mặc cảm thua thiệt đó đã thầm thúc đẩy nhau cố gắng cho bằng người, ít nhất cũng trong học hành thi cử. Trong buổi xướng danh (đọc tên những người tốt nghiệp), các cô các cậu nhà mình cũng xúm xít bên nhau trong góc vắng của sân trường Võ Tánh, nhưng chính trong cái góc vắng đó lại vang lên nhiều tiếng vỗ tay reo hò hơn cả. Tối hôm đó, trên đường phố Nha Trang, những cô Tú, cậu Tú tân khoa “made in Phan Bội Châu-Phan Thiết” hết sức tự tin nhìn người và nhìn đời. Xin cảm ơn các Thầy Cô, xin cảm ơn nhà Trường đã cho những thế hệ học sinh mình góp mặt với đời một cách vững vàng, tự tin.
Hôm nay, đứng ở sân trường, nhìn những phòng học trên những tầng lầu kiên cố, sáng sủa. mát mẻ, đẹp đẽ; nhìn các phòng làm việc, thư viện, khu thí nghiệm thực hành, nhà luyện tập và nhà thi đấu đa năng; rồi trang thiết bị, sách vở… tất cả đều hơn hẳn năm, sáu mươi năm về trước. Thực đáng mừng, đáng tự hào và phải hết sức trân trọng giữ gìn. Song thời gian sẽ làm cho gạch đá, kể cả sắt thép cũng phải hư hỏng, chắc chắn sẽ được thay thế tốt hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn. Chỉ mong Nếp trường còn được giữ mãi và ngày một dày thêm.
Sáu mươi năm trước đây là mộng
Hiện thực bây giờ cũng tưởng mơ
Bến Ngự Người đi hồn đọng lại
Đồng tâm hậu thế “ Nhật nhật tân” Hoàng Công Bình
No comments:
Post a Comment