Wednesday, November 1, 2017

Tự truyện của Nguyễn Thế Tân

Tôi được vào lớp Đệ thất 1 niên khóa 1956-1957 khi cơ sở trường Phan Bội Châu mới vừa xây cất xong. Lớp tôi có 65 nam sinh do anh Phạm Quỳnh Châu làm liên đội trưởng và anh Võ Linh Nghiệm làm liên đội phó.

Khác với bậc tiểu học, niên khóa đầu tiên này, chúng tôi được học thêm hai môn nhạc và vẽ. Thích nhất của tôi vào thời ấy là: trong giờ nhạc chúng tôi được xem cái máy đánh nhịp đong đưa qua lại, gõ kêu như quả lắc đồng hồ. Trong giờ nhạc, chúng tôi cũng được thầy cho luyện tập bằng cây thước bảng gỗ gõ vào bàn của thầy để kiểm tra, để tập xướng âm và hát cho đúng nhịp. Phần lớn chúng tôi đều gõ sai nhịp, do run sợ nên đã gõ liên hồi như thầy chùa gõ mõ, tụng kinh. Nhưng lần này thầy và cả lớp cùng cười, những nụ cười đầy cảm thông chia sẻ những vụng về của tuổi thơ.
    Rồi đến giờ vẽ, chúng tôi thích nhất là giờ kiểm tra các bản vẽ của toàn lớp. Tất cả các bản vẽ này đếu được treo lên bảng công khai bạch nhật, để cùng nhau trao đổi mỹ thuật, so sánh cái hay cái dở của từng bản vẽ trong môn hội họa đầy ấn tượng này, để thầy có cơ sở chấm điểm công khai.
          Năm học đầu tiên, chúng tôi được học hai buổi sáng chiều. Thời ấy các phong trào thể thao, văn nghệ cũng được phát triển mạnh. Chúng tôi cùng ngồi ca hát, nhảy múa, diễn kịch quanh ánh lửa bập bùng trong những đêm cắm trại xa trường.
    Sau ngày bãi trường đầu tiên ở lớp Đệ thất, anh Phạm Quỳnh Châu và anh Nguyễn Công Thành đề xướng dùng thời gian nghỉ hè để làm tập san”Bình Minh Thất 1”. Tập san này ra đời không có nguồn tài chánh nào hỗ trợ, mà do các thành viên trong lớp chúng tôi tự bỏ tiền ra đóng góp. Thời đó làm gì mà có tiền in ấn và có máy quay ronéo, nên mặt bìa và các trang báo trong tập san rất thô thiển từ nét vẽ đến nét chấm phá, lẫn màu sắc cũng không được đẹp cho lắm. Tôi viết chữ đẹp nên được anh Nguyễn Công Thành phân công viết bản thảo bằng ngòi viết bắp chuối chấm mực in để có nét chữ lớn rõ và đậm cho dễ đọc. Phần chính là cách trang trí các trang báo và các hình vẽ, anh Châu, anh Nghiệm và anh Thành thực hiện. Viết bản thảo xong tôi phải đọc lại, dò soát từng câu, từng chữ để tránh sai sót, và xếp đặt các bản thảo ngăn nắp nơi khô ráo tránh lem luốc. Về in ấn, chúng tôi dùng bột năng, bột mì, pha trộn với chút ít bột gạo rồi nhào nặn với nước. Sau đó chúng tôi cán ra để độ dày tối thiểu bằng một lóng tay làm nền in. nền này, căn bản phải bằng phẳng và trắng không một vết dơ nào có trên mặt, nền bột không được nhão hoặc khô. Cái khó nhất của người đứng ra in ấn là phải kiên trì và đều tay, vì khi đặt bản thảo xuống nền bột, hai tay phải đồng bộ và đều, nhẹ tay vuốt bản thảo cho êm và sâu để bản in được đậm mực trong nền bột, sau đó gỡ nhẹ ra cho đều, tránh rách giấy và nhăn nhó. Mỗi bản thảo trên nền bột chỉ in ra được khoảng 15 bản rõ chữ, càng in về sau, chữ và hình ảnh càng mờ nhạt. Khi in không còn rõ chữ, chúng tôi phá nền bột cũ, đổ nước cho mực chảy hết, thêm bột, nhào nặn làm nền khác để in tiếp.
       Rồi tập san ”Bình Minh Thất 1” cũng được ra đời, trong đó cũng chất chứa những truyện phiếm, hý họa, ký sự bằng những cây bút non nớt, rặt mùi học trò. Trong cuốn đặc san này hầu hết bài nào cũng hay và cũng chất lượng, chỉ có bài viết của tôi là chưa được hoàn chỉnh vì không biết chải chuốt câu văn và dùng từ hoa mỹ, nhưng nó lại có hồn hơn các bài khác vì chủ đề”lưu bút ngày xanh”của tôi mang đầy ắp kỷ niệm vui buồn của năm học mà  bạn bè đã ghi lại trong quyển ký ức này trong ngày bãi trường.
      Mùa tựu trường năm sau, chúng tôi được ngồi vào lớp Đệ lục 4. Sĩ số học sinh có thay đổi đôi chút vì vài đứa bạn phải rời bỏ mái trường thân yêu để theo gia đình đi xa. Có đứa phải nghỉ học vĩnh viễn để tìm kế sống ở miền quê.
 Năm nay, lớp chúng tôi có thêm được nhiều thầy cô mới đến dạy. Phong trào văn thể cũng được thầy Hiệu trưởng Lê Tá và thầy Tổng giám thị Vĩnh Giên tích cực đẩy lên đỉnh cao. Chúng tôi tha hồ tranh giải bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và biểu diễn kịch nghệ, ca hát dưới ánh lửa bập bùng trong những ngày cắm trại ở Hố Lở, ở đồi Ngọc Lâm và ở núi Tà cú.
        Trong lớp học, các thầy cô mới đổi về, nổi bật nhất là thầy Hồ Thế Viên dạy Văn, thầy đã gây nhiều ấn tượng và niềm vui hào hứng nhất cho chúng tôi. Thầy biến lớp học thành sân khấu. Thầy bắt chúng tôi đóng kịch, diễn xuất các vai trong các bài thơ ngụ ngôn nổi tiếng của La Fontaine. Trong một bài thơ diễn tả cảnh phân xử giữa hai người tranh nhau một con sò, Nguyễn Thúc Soại, bạn của chúng tôi, là người đóng vai quan tòa, cách diễn xuất thật hoàn chỉnh khi nét mặt của Soại luôn luôn trầm tĩnh, nhưng cũng có lúc hét lên những tiếng lớn gay gắt thì tay vỗ bàn, chân dậm đất thật đúng với phong cách hách dịch của quan tòa. Trông bộ dạng diễn xuất của Soại, thầy trò chúng tôi vui nhộn và phải một phen cười hả hê, đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm này.
     
       Không rõ lý do nào mà năm ấy, tôi học ít, đi chơi nhiều. Tôi đam mê đá banh, tắm biển và đi về miền quê xa hái trái cây, bắt dế. Tối dạo phố, ngồi bờ sông xem mọi người câu cá. Tôi ít khi thuộc bài, còn làm bài thì thường hay ngó trộm bạn bè để cóp pi. Kết quả cuối năm đã làm cho tôi giật mình. Điểm trung bình của tôi cả năm chỉ có 8, 50 / 20. Tôi phải thi lên lớp. Sợ cha mẹ đánh đòn vì biếng học, nên tôi liều, tự ý sửa điểm trong thông tín bạ từ 8, 50 lên 10, 50 / 20. Bị liên đội trưởng phát hiện, nhà trường bắt tôi phải thi lên lớp và đuổi học một tháng trong niên học mới. Nhập học, tôi thi lên lớp đủ điểm và được lên lớp.
 Ngày khai trường năm ấy, các bạn tôi nhập học đầy đủ, còn tôi thì bị kỷ luật, phải nhập học trễ hơn một tháng. May thay, tôi gặp được thầy Vĩnh Giên, tôi năn nỉ thầy giúp đỡ cho tôi đi học sớm, để theo kịp bạn bè. Thương tôi, tuần lễ sau, thầy can thiệp để cho tôi vào học sớm 20 ngày. Thầy Vĩnh Giên dắt tôi vào học lớp đệ ngũ 4 để học. Lúc này, lòng tôi se thắt lại và ngỡ ngàng, các bạn bè cùng học năm Đệ lục 4 với tôi, nay đã chuyển sang các lớp khác hết phân nửa, do nhà trường phân chia, cân đối lại các lớp mới theo sinh ngữ chính Anh hoặc Pháp vì các năm trước chúng tôi học hai ngoại ngữ Anh và Pháp, năm nay chỉ học một ngoại ngữ là Anh hoặc Pháp mà thôi.
Một điều làm tôi ngạc nhiên nhất là năm nay lớp nào cũng có cả học sinh nam và nữ học chung. Sau này nghĩ lại đây là dịp may cho tôi thoát khỏi căn bệnh ham chơi, lười biếng học bài. Tôi không còn dám lì lợm để”đứng chào cờ”mỗi khi trả bài nữa, và cũng vì năm nay tôi đã lớn, biết mắc cỡ với các bạn nữ sinh. Năm nay, nhà trường còn đặt ra cái băng tay, trong  đó có ghi tên họ và lớp, bắt mọi học sinh phải cài lên áo, để nhà trường dễ kiểm soát. Ai không đeo là vi phạm nội qui của trường, từ đó trong đám học sinh có 4 câu thơ :
           Thân em nho nhỏ mà xinh
           Không em một mình, anh học sao yên
          Vào trường nếu gặp thầy Giên
         Cho anh lãnh đủ hai viên tròn tròn

           Tôi vào học trễ hơn các bạn gần hai tuần lễ, nên các bài dạy của các thầy cô vẫn còn nằm ngổn ngang phía trước đối với tôi rất nhiều, bắt buộc tôi phải phấn đấu tìm bạn bè để xin chép lại bài vở cho đầy đủ, để học cho theo kịp các bạn.
      Một buổi trưa, tôi mạnh dạn đến nhà trọ của Lưu Thị Hồng Anh, người bạn gái cùng lớp nhỏ hơn tôi hai tuổi, để mượn bài vở chép lại. Gia đình Hồng Anh ở tận Ma Lâm cách Phan thiết 16 km, nên khi xuống tỉnh học Hồng Anh phải ở trọ tại nhà người bà con ở trong một con hẻm cách nhà tôi chừng 500 m. Căn nhà trọ này, ngoài nhà ở, còn có một lớp học, nằm bên trong một cái chái vách ván, nóc lợp tôn, trong đó chứa chừng mươi bộ bàn ghế cũ để dạy tư học trò bậc tiểu học trong xóm, chủ nhà trọ là thầy cô giáo làng, rất hiền lành, và chị giúp việc cũng lớn hơn tôi chừng mươi tuổi. Các người trong nhà lúc nào cũng niềm nở, chuyện trò vui vẻ với tôi mỗi khi tôi đến giao tiếp với Hồng Anh. Lúc đầu, tôi còn ngỡ ngàng, mượn vở về nhà chép, nhiều lần đến tôi trở thành quen, rồi tôi đem một chồng vở vào ngồi ở lớp học chép bài trong các giờ nghỉ. Lắm lúc sau này, ban đêm rảnh, tôi cũng thường tới chơi, gặp Hồng Anh trò chuyện và nhờ cô bạn chỉ bài cho tôi. Khung cảnh đầm ấm này, tôi trở thành người thân của gia đình, tôi được Hồng Anh và mọi người quý mến.
       

      Rồi cứ mỗi chiều Chúa nhật, tôi xuống đây thật sớm, để chờ Hồng Anh từ Ma Lâm xuống cho tôi mượn bài tập để chép và giảng giải lại những bài tôi còn thắc mắc mà ở lớp học tôi chưa được hiểu tường tận. Nhờ vậy, mà một thời gian sau tôi học tiến bộ, tiến gần kịp với các bạn trong lớp. Một hôm, vào ngày Noel, tình cờ tôi được Hồng Anh tặng cho tôi một thiệp mừng Giáng sinh (Hồng Anh theo đạo Tin Lành), mặt trước của thiệp là hình Chúa Hài đồng rất đẹp. Bên trong có những giòng chữ xinh đẹp của Hồng Anh ”Mến tặng Nguyễn Thế Tân, người bạn cùng lớp”. Rồi gần Tết, tôi cũng được Hồng Anh tặng thiệp mừng xuân. Nhờ Hồng Anh, mà năm nay tôi đã giảm đi chơi và bắt đầu chú tâm vào việc học, nên cuối năm Đệ Ngũ 4 tôi thừa điểm để lên Đệ Tứ.
        Mùa hè đã trôi qua được gần một tháng. Lâu quá không gặp Hồng Anh, tôi lên Ma Lâm bằng xe lam để thăm Hồng Anh. Gặp tôi, Hồng Anh mừng lắm, tôi lại giường thăm mẹ Hồng Anh đang bệnh, và cầu mong ơn trên ban phước lành để bà mau hết bệnh. Chơi ở đây chừng một tiếng tôi cáo từ ra về.
           Ngày bãi trường của năm Đệ Ngũ 4, một lần nữa anh Phạm Quỳnh Châu và anh Nguyễn Công Thành lại mời tôi cộng tác để ra tập san ”Tiếng Thơ”. Qua kinh nghiệm cách làm tập san lần trước, lần này tập san ”Tiếng Thơ”ra đời sớm hơn dự định. Trong tập san này, tôi có hai trang để viết bài ”Mùa phượng vĩ”. Anh Châu và anh Thành cho biết bài vở của tôi lần này có tiến bộ nhiều, trong đó có 2 câu thơ tôi đặt mà ngày nay tôi vẫn còn nhớ.
              Bình Minh Thất một ra đời
              Tiếng Thơ Ngũ bốn cách vời hai niên

           Rồi đến mùa khai trường, tôi được lên lớp Đệ Tứ 4, bao nhiêu bạn bè chúng tôi dốc hết sức mình vào kỳ thi Trung học đệ nhất cấp. Lần này tôi chơi ít, học nhiều. Được người chú học ở Sài gòn gởi về cho tôi sách vở, tài liệu luyện thi, lúc đó tôi có thêm bạn  Nguyễn Duy Điểu nhập nhóm cùng học thi. Chúng tôi đã làm hết các bài tập Toán, Lý, Hóa và Anh văn trong tài liệu chú tôi gởi về. Bên cạnh đó tôi cũng được Hồng Anh chỉ dẫn thêm. Kết quả kỳ thi năm đó chúng tôi đều trúng tuyển ở kỳ thi 2.
      Đậu xong, được lên Đệ Tam A, Hồng Anh, Điểu và tôi tiếp tục học chung. Đã có căn bản về các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, tôi rất thích học và không còn ham chơi nữa. Năm Đệ Tam A là năm dưỡng sức, việc học bình thường. Điểu và tôi được nhà trường cử đi thi điền kinh cùng với các bộ môn khác như bóng đá, bóng rổ do thầy Vũ Ngô Hoằng dìu dắt đi Nha Trang thi. Tất cả các bộ môn thi đều không đạt, chỉ duy nhất Nguyễn Duy Điểu đoạt huy chương vàng ở bộ môn điền kinh chạy 1500 m. Tiếng hoan hô Điểu khi chạy về nhất vang dội tưởng chừng như vỡ cả hội trường. Lớp của chúng tôi đoạt chức vô địch bóng đá của trường mà tôi là thủ môn của đội bóng.
      Rồi ba tháng hè cũng trôi qua, bước vào năm học Đệ Nhị A, chúng tôi lại dồn sức để học thi Tú tài 1. Học được 2 tháng thì mẹ tôi là cô giáo được đổi về dạy học ở ngay trung tâm Sài gòn. Lúc này Điểu, Khoa (em ruột tôi) và tôi ở chung tại nhà tôi. Tháng thứ ba, tôi xin giấy chứng nhận của trường Phan Bội Châu để chuyển về Sài gòn học.
         Vào Sài gòn, tôi bỏ ban A, chuyển sang ban Toán B, ở đây tôi học trường tư thục Quốc Anh, chiều và tối học luyện thi ở trường Văn Lang và Việt Nam học đường. May mắn cho tôi, những bài luyện thi của các trường này đều trúng tủ trong kỳ thi. Tôi rớt kỳ 1, nhưng đậu kỳ 2 Tú Tài 1 ban B.
          Năm sau, tôi tiếp tục học Đệ Nhất ban B trường Văn Học của giáo sư Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa). Niên học này tôi học chung với chị Lê Thị Thanh Lan (chị ruột Lê Thiệu Hùng) mãi nhiều năm sau mới biết học chung với cả Lê Quang Chiêu, sở dĩ như vậy vì mặc dù hai người đều học chung trường với nhau từ năm lớp Đệ Thất, nhưng hai người học khác lớp, Chiêu học Đệ Thất 3 ở trường cũ đường Trần Hưng Đạo, tôi học ở trường mới, rồi khi hai lớp ở trường cũ chuyển về trường mới, chúng tôi cũng không học chung và không biết nhau.
           Tốt nghiệp Tú Tài 2, tôi lại tốt nghiệp trường trung cấp ngành viễn thông quân đội. Một thời gian dài sau đó, chúng tôi mỗi người đi một nơi, đầu năm 1996, tôi về Phan Thiết chơi, ghé Phú Hội dể thăm vợ chồng Nguyễn Văn Xít và Nguyễn Thị Duyên. Tôi không gặp Hồng Anh đã lâu, biết Duyên rất thân với Hồng Anh, tôi hỏi thăm tin tức của Hồng Anh thì được Duyên cho biết Ngọc Diệp mới gặp Hồng Anh ở Phan thiết. Hiện nay Hồng Anh là một ni sư Phật giáo. Duyên khuyên tôi nên trực tiếp gặp Ngọc Diệp để biết rõ hơn vì hai người học chung khóa Nữ hộ sinh quốc gia. Tôi xuống Bình Hưng ghé nhà gặp Ngọc Diệp. Nhiều năm xa cách hai người gặp nhau rất mừng. Tôi hỏi tin tức Hồng Anh thì Ngọc Diệp cũng nói như Duyên. Chúng tôi trao đổi nhau số điện thoại và và số nhà để tiện liên lạc.
Một tháng sau, tôi nhận được thư của Ngọc Diệp cho biết hiện nay Hồng Anh đang sống ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, nếu đi thăm cứ vào các gian hàng bán vải ở chợ Đồng Xoài hỏi Hồng Anh người Phan Thiết thì ai cũng biết.
         Mừng quá, nên một buổi sáng, từ Sài Gòn tôi đáp xe khách nhỏ, tài nhất đi Đồng xoài. Tới các tiệm vải trong chợ hỏi, thời may gặp ngay chủ sạp là bạn thân của Hồng Anh, cùng lúc đó con gái của Hồng Anh đi qua, chủ sạp gọi lại, nhờ đưa tôi đi gặp mẹ cô. Đến nơi, một tịnh thất bằng gạch nhỏ xinh, tôi gặp một Hồng Anh ni cô mặc áo nâu, đang tưới hoa trồng chung quanh tịnh thất của mình. Hồng Anh không nhận ra tôi vì hai người xa cách nhau đã 35 năm, tôi bây giờ đã thay đổi rất nhiều, nên tôi phải giới thiệu, bấy giờ Hồng Anh mới nhận ra tôi, nên rất mừng. Hồng Anh tu một mình trong tịnh thất này, trong tịnh thất trang hoàng trang nhã, bàn thờ Phật rất tôn nghiêm, tôi lạy Phật và chuyện trò với Hồng Anh suốt 2 giờ đồng hồ để ôn lại kỷ niệm thời học ở trường Phan Bội Châu. Ra về, tôi được Hồng Anh tặng cho một cuốn kinh Phật viết song ngữ Anh – Việt, tác giả là một vị thiền sư người nước ngoài.
       Quả thật trời không phụ lòng người, từ sài gòn về Đồng Xoài chỉ một lần tôi đã gặp được Hồng Anh, người bạn cũ rất thân. Về đến nhà, niềm thương nhớ bạn dâng tràn. Tôi thức suốt đêm đó viết cho Hồng Anh một bức thư dài 8 trang, ôn lại ký ức xưa, trong đó tôi không quên cám ơn Hồng Anh đã hướng dẫn tôi học và làm bài, từ đó làm bệ phóng cho tôi đậu Tú tài 2 để sau đó tốt nghiệp trung cấp Viễn thông, nhờ đó tôi được bình yên sống sót cho đến bây giờ, qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, tôi cũng mời Hồng Anh, nếu có dịp ghé thăm nhà tôi.
       Một tháng sau, tôi nhận được thư của Hồng Anh dài 6 trang, trong đó ghi nhận lại hồi ức thời áo trắng thật trân quí, cao thượng và ngọt ngào ờ trường Phan Bội Châu thân yêu. Hồng Anh khuyên tôi sống với chánh niệm hiện tại và nên gia nhập một đạo tràng để tu học làm hành trang tốt lành cho kiếp sau. Lá thư viết chữ rất đẹp, nên tôi photocopy nhiều bản, gởi cho Ngọc Diệp ở Phan Thiết, và gởi cho các con tôi, ai cũng khen ngợi chữ viết đẹp, lời văn nhiều tình cảm trong sáng và cao thượng.
        Tháng sau, trong lúc tôi đang tưới cây trong vườn nhãn, thì thấy từ xa hai ni cô đang tới gần, nhìn kỹ thì ra Hồng Anh và một ni cô nhiều tuổi, vợ chồng tôi vui mừng tiếp đón và mời dùng cơm chay. Tối lại, bên cạnh bình trà, đĩa bánh ngọt, tôi và Hồng Anh lại ôn lại chuyện cũ, hết chuyện này đến chuyện khác, đến khi nghe tiếng gà gáy canh tư mới chấm dứt đi nghỉ.
         Sáng hôm sau, hai ni cô từ giã gia đình tôi trở về Đồng xoài, người ở lại và người đi đều bịn rịn, chạnh lòng.
Tháng 9 / 2003, lúc tôi đi vắng về, em tôi cho biết có bạn Dương Tấn Quí tới thăm và hỏi thăm về Hồng Anh vì biết chỉ mình tôi biết nơi ở của cô bạn ấy, mặc dù Quí là anh họ Hồng Anh, nhưng vì từ khi xa xứ, Hồng Anh rất ít về quê cho nên không ai biết ở đâu để liên lạc.
          Một hôm, tôi từ Bà Rịa lên thăm con ở Sài gòn thì Quí gọi điện thoại rủ tôi cùng đi tới nhà Hồng Anh, tôi nhận lời, thì ngay lúc 18 giờ chiều hôm đó Quí chạy xe gắn máy tới nhà rủ tôi đi, bao nhiêu người đều ngăn cản bảo bây giờ gần tối rồi để mai hãy đi, nhưng tôi và Quí vẫn đi.
   Quí chạy xe rất tốt, chạy nhanh nhưng tay lái vẫn vững. Trời tối dần, rồi tối đen, bầu trời chỉ còn các vì sao lóng lánh, chúng tôi đi qua hàng chục cây số hai bên đường chỉ toàn cây cao su, không một bóng người, hai đứa sợ bị cướp xe, tôi nghe rõ tiếng Quí lẩm bẩm luôn trong miệng ”án ma ni bát di hồng”.
       8 giờ tối, chúng tôi bình yên đến chợ Đồng Xoài, nhưng con đường vào nhà Hồng Anh nay đã khác trước, văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng tại đây, cảnh vật thay đổi rất nhiều, chúng tôi không tìm thấy nhà Hồng Anh nữa, vì vậy chúng tôi phải tìm phòng trọ nghỉ qua đêm. Bỗng Quí có ý kiến, Hồng Anh là ni cô, chúng ta tới các chùa hỏi hy vọng tìm ra nhà, trên đường tìm nhà trọ, chúng tôi thấy một ngôi chùa, nhưng vì đã khuya nên cổng chùa đóng, may thay có một nữ Phật tử đi xe gắn máy đi qua, thấy chúng tôi đứng xớ rớ trước cổng chùa, bèn dừng xe lại hỏi thăm. Tôi nói tôi là anh của sư cô Hương Quang (Pháp danh của Hồng Anh), tới nhà cũ thì đã dời đi rồi, không biết tìm ở đâu nên định vào chùa hỏi thăm, nhưng cổng chùa đã đóng. Một lần nữa chúng tôi lại gặp may vì người đó là người quen của Hồng Anh, nên đã đưa chúng tôi tới cửa tiệm của người con gái Hồng Anh, cô này nhận ra tôi vì lần trước tôi đã gặp cô tại tịnh thất của mẹ cô. Sau đó cô gái đã đưa chúng tôi về nhà mới của mẹ cô. Để dành sự ngạc nhiên cho Hồng Anh, tôi để Quí vào nhà trước, Hồng Anh ngỡ ngàng, không biết vì đâu Quí lại biết đến đây, mấy chục năm xa cách anh em hôm nay mới được trùng phùng, thật hạnh phúc. Anh em Quí nói chuyện chừng 10 phút, Quí ra ngoài dắt tôi vào, gặp tôi lần này Hồng Anh thắc mắc làm sao chúng tôi tìm được nhà mới này, chúng tôi bèn nói là do Trời Phật chứng giám cho lòng thành của chúng tôi quyết chí tìm cho được Hồng Anh.
     Sau khi con gái Hồng Anh dọn cơm cho chúng tôi ăn, trời đã khuya, Quí quá mệt do chạy xe trên trăm cây số, tinh thần lại căng thẳng, nên ăn xong là ngủ ngay trên võng đến sáng, còn tôi và Hồng Anh lại một đêm nữa thức trắng để hàn huyên, đến khi tiếng chuông chùa công phu sáng vang lên hai chúng tôi mới đi nghỉ lưng. Nghe tiếng ngáy của Quí, tôi nghĩ mông lung và thiếp đi lúc nào không hay. Sáng ra, sau khi ăn sáng, chúng tôi chia tay Hồng Anh về lại Sài Gòn, chúng tôi mỗi người được Hồng Anh tặng ba cuốn kinh Phật.
    Từ đó đến nay đã 12 năm trôi qua tôi không có dịp thăm lại Hồng Anh và không gặp lại Quí. Thời gian trôi qua nhanh như nước chảy qua cầu, Mới ngày nào chúng ta còn bỡ ngỡ bước chân vào mái trường Phan Bội Châu, vậy mà đã 60 năm trôi qua và nay chúng ta ai cũng”cổ lai hy“, các bạn người còn, người mất, người còn thì tóc đã bạc, sức khỏe đã kém, có bạn mắt đã mờ, tai đã phải nói to mới nghe rõ, chân đã chậm, nhưng với tôi, trời phú cho, chân tay vẫn mạnh khỏe, tai, mũi vẫn còn tỏ tường, mắt chưa cần đeo kiếng, tuy nhiên hoàn cảnh của tôi hơi đặc biệt vì thường xuyên ở nhà một mình giữa vườn cây trái vắng vẻ, láng giềng không ở gần bên và con cháu cũng đều ở xa. Bà xã vì thương con, thương cháu nên cũng thường đi thăm và ở với chúng nó, vì vậy bả ít khi có mặt ở nhà, nên mọi công việc ở nhà đều do một mình tôi đảm đương.
         Tôi có hai niềm vui, thứ nhất là đọc sách, thứ hai là được nói chuyện tán gẫu với bạn bè, nhưng vì tôi ở Bà rịa, miền quê vắng vẻ, các bạn thân học chung trường, chung lớp từ xưa không ai ở gần tôi cả, nên ngoài việc thường xuyên gọi điện thoại cho các bạn, thỉnh thoảng có dịp tôi lại ghé về Sài Gòn vui với các bạn một buổi, sở dĩ tôi nói các bạn là vì mỗi khi lên Sài Gòn tôi thường ngủ nghỉ ở nhà Điểu và khi tôi đến thì Điểu gọi điện thoại hẹn là nhiều bạn có mặt ăn uống vui chơi ở một nơi nào đó ngay.
    Tôi được biết đã nhiều năm cứ đến giao thừa là vợ chồng Chiêu thường đi xông (đạp) đất đầu năm nhà các bạn Son, có năm tới nhà Điểu, và nhà Nghệ. Ở nhà Nghệ các bạn vui vẻ chuyện trò, đánh bài”xì dách” đầu năm, mà mỗi người đàn ông làm cái 5 ván đến hết tua mới nghỉ, vì vậy có năm đến tận gần 3 giờ sáng, để xem hên xui thế nào, biết được việc đó nên đã 3 năm nay tôi đều tới nhà Điểu từ chiều 30 Tết, để đến khi giao thừa hai chúng tới ngay nhà Nghệ đón vợ chồng Chiêu, vợ chồng Son, và chúng tôi chúc tết lẫn nhau thật vui vẻ.
     Tôi lại được biết một điều nữa là cũng đã nhiều năm nay gia đình Cẩn có thông lệ, tối mùng 2 Tết mời họp mặt vợ chồng các bạn Tài, Thăng, Điểu, Chiêu, Son, Nghệ tại nhà ăn uống, chúc mừng nhau, bao nhiêu chuyện vui kể cho nhau nghe, Cẩn múa bút đầu năm, tặng chúng tôi những câu ”lời hay ý đẹp” viết theo lối thư pháp, vì vậy cũng từ 2 năm nay có thêm tôi. Thật hạnh phúc đối với tôi khi còn có sức khỏe để xum họp,vui vẻ với các bạn thân cùng khóa.                                           
                Bao giờ cho đến ngày xưa
                Lúc mà con nhện chưa sa nỗi buồn

  Tặng Thế Tân và Hồng Anh

No comments:

Post a Comment