Friday, January 18, 2019

Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên (DOC-COC) Biển Đông: Thực Tế Hy Vọng hay Ảo Tưởng Tuyệt Vọng?

Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) ở Singapore đầu tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC. Đây được coi là một tiến triển ở Biển Đông, hướng tới đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông.(Khánh Lynh)
Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên (DOC-COC) Biển Đông: Thực Tế Hy Vọng hay Ảo Tưởng Tuyệt Vọng?
Tờ Maritime Issues đã tổ chức một cuộc đối thoại với các chuyên gia ở Đông Nam Á về các vấn đề liên quan tới một bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.

image008
Tháng 5 năm 2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khung về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông vốn đã được chờ đón từ lâu. Tuy nhiên, chưa một chi tiết nào được công bố [chính thức]. Trong khi các quan chức Trung Quốc bày tỏ lạc quan về tiến trình mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được, các nhà quan sát đã bày tỏ hoài nghi về tiến trình thực chất hướng tới một bản COC có ý nghĩa.
Để hiểu hơn về tiến trình và dự đoán viễn cảnh cho COC trên Biển Đông, tờ Maritime Issues (MI) đã tổ chức một cuộc đối thoại với bốn chuyên gia ở Đông Nam Á trong lĩnh vực này, bao gồm T.S. Hà Anh Tuấn từ Học viện Ngoại giao Việt Nam, Ông Evan A. Laksmana từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), G.S. Richard J. Heydarian từ Đại học De La Salle, Philippines, và T.S. Ian Storey từ Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.
Trong khung thỏa thuận COC mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được gần đây có những vấn đề gì? Có thể coi đây là một tiến trình thực chất hướng tới một COC khả thi hay không?
Evan A. Laksmana: Dựa trên tin tức truyền thông và trò chuyện với các quan chức trong khu vực thì khung COC đã thỏa thuận dường như là sự lặp lại các “tuyên bố chung” và các “nguyên tắc” được đưa ra trước đây về Biển Đông kể từ DOC năm 2002. Có vẻ như không có thời hạn chắc chắn nào cho một bản COC, chưa nói đến tính ràng buộc pháp lý, cũng không có mô tả rõ ràng nào về hình thức và cách thực thi COC. Như vậy, theo tôi, khung COC chỉ là nỗ lực đưa ra một ảo tưởng rằng đã có một sự tiến bộ khi trên thực tế chúng ta chưa thể đi đến một bản COC cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý. Diễn biến này đương nhiên sẽ trở nên phiền phức nếu không muốn nói là trớ trêu vì thực tế là ASEAN-Trung Quốc thiết lập DOC-COC như một cơ chế quản lý căng thẳng tạm thời trước khi có những đàm phán về các phân định cuối cùng giữa các bên có yêu sách. Nói cách khác, “khung” thỏa thuận mới nhất chỉ đơn thuần là một nỗ lực nhằm chuyển  hướng mục tiêu trong khi vẫn tuyên bố là thành công.
Richard J. Heydarian: Nói một cách thẳng thắn, dựa trên văn bản cuối cùng mà tôi được xem thì đây chỉ là một dàn ý – không phải khung thỏa thuận. Nó chỉ đặt ra một loạt các khái niệm và nguyên tắc đã được phản ánh rất rõ trong các văn kiện hiện có. Phần nào đó, tôi thấy khung thỏa thuận này là một khúc dạo đầu cho một bản sửa đổi Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông, do các cơ chế giải quyết tranh chấp và mọi dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan của UNCLOS (và phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông) đều bị loại bỏ. Trong phần “mục tiêu,” khung thỏa thuận nêu: “Nhằm xây dựng một khuôn khổ dựa trên luật lệ bao gồm một bộ chuẩn mực hướng dẫn cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Biển Đông.” Từ quan trọng là “chuẩn mực,” thể hiện bản chất thiếu ràng buộc pháp lý. Trong phần “nguyên tắc” nó thể hiện rõ ràng là bản COC cuối cùng sẽ không phải “công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định biển.”
Ian Storey: Dự thảo khung không có gì thú vị. Nó dài hơn một trang, chứa các điều khoản chung chứ không phải là những điều khoản cụ thể và dùng nhiều lời lẽ rập khuôn. Đáng thất vọng nhưng có lẽ không bất ngờ là cụm từ “ràng buộc pháp lý” đã không xuất hiện do sự phản đối của Trung Quốc – thay vào đó dự thảo chỉ đề cập đến một “khuôn khổ dựa trên luật lệ,” tức là mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Đây có phải là tiến bộ không? Đúng là tiến bộ nhưng rất hạn chế và vô cùng đáng thất vọng sau hơn ba năm đàm phán.
Hà Anh Tuấn: Dự thảo khung COC được các bên đồng ý cho đến nay vẫn là văn kiện mật. Tuy nhiên, đây là một văn kiện rất ngắn có chứa các vấn đề cơ bản về COC. Thậm chí nó còn được xem như một dàn ý, tức là không phải tiến bộ rõ nét hướng tới một bản COC khả thi, vì không có gì thực chất và mới trong dự thảo. Mặt khác, từ một góc nhìn lạc quan hơn, đạt được một thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có gì. Nó thể hiện sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc đạt được một sự đồng thuận nhất định về vấn đề này.
Đâu là động lực đằng sau bước phát triển này? Tại sao lần này Trung Quốc lại quan tâm đến việc đẩy mạnh tham vấn về COC?
Evan A. Laksmana: Trung Quốc thúc đẩy tham vấn COC không phải là nỗ lực nhằm hoàn thiện COC mà là mánh khóe để “treo củ cà rốt” COC, về mặt chiến thuật sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát kịch bản chiến lược ASEAN sau phán quyết trọng tài năm 2016, Trump đắc cử, và một tổng thống Duterte rất chuộng Bắc Kinh.
Nếu ASEAN cảm thấy Bắc Kinh “cuối cùng cũng sẵn sàng” đàm phán COC – và “khung” thỏa thuận là “chiến lợi phẩm” ở hiện tại – thì không ngạc nhiên khi các tuyên bố của ASEAN năm qua đã đáp ứng hơn các mong muốn của Bắc Kinh (những dẫn chiếu mềm mỏng, vô nghĩa đến Biển Đông). Với Manila thân Bắc Kinh dưới thời Duterte và tổng thống Trump có vẻ sẵn sàng “chơi đẹp” với Trung Quốc để quản lý Bắc Triều Tiên tốt hơn thì Trung Quốc nhìn thấy một chiến lược mở ra để kiểm soát vấn đề ở Đông Nam Á trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của mình trên Biển Đông bằng cách cơ bản là không cho đi gì ngoài một củ cà rốt héo dưới dạng “khung.”
Hà Anh Tuấn: Trung Quốc chắc chắn có vai trò rất quan trọng trong bước phát triển này. Kể từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã công khai bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận liên quan đến COC với các nước Đông Nam Á vào giữa năm. Việc Trung Quốc tích cực đẩy mạnh đạt được một thỏa thuận với các nước ASEAN về dự thảo khung COC là một phần chiến lược mở rộng gần đây nhằm thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trên Biển Đông.
Có hai lý do chính cho hành động này:  
Thứ nhất, Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành việc cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, và sẽ thúc đẩy thảo luận và thống nhất nhằm tới một bản COC theo hướng không thể ngăn cản Trung Quốc mở rộng sự hiện diện vật lý của mình ở khu vực trong tương lai.
Thứ hai, với sự nhất trí về dự thảo khung COC, Bắc Kinh muốn cho thế giới biết rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có thể hợp tác để quản lý các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông, do đó làm giảm tầm quan trọng của phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016 mà được coi là một thất bại lớn đối với Trung Quốc, và giữ các cường quốc ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ, ra khỏi khu vực.
Richard J. Heydarian: Tôi nghĩ ở Bắc Kinh có một nhận thức rằng họ phải tái tạo một vỏ bọc “can dự ngoại giao” mới để chống lại những chỉ trích trong khu vực và quốc tế đang ngày càng gia tăng về việc nước này tích cực xây và đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh, các bài viết truyền thông và báo chí chính phủ đã phơi bày rõ ràng tham vọng hàng hải và những xu hướng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo quan điểm của Trung Quốc, điều quan trọng là phải hoàn thiện “ngoại giao ngoại biên” bằng cách thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng quản lý một cách hoà bình các tranh chấp với các quốc gia nhỏ hơn.
Thực tế là, vòng đàm phán gần đây nhất về khung COC rất có thể chỉ là một phần chiến lược “nói và làm” có vẻ đã thành công của Trung Quốc, qua đó Trung Quốc liên tục thay đổi các sự kiện trên thực địa, trong khi vẫn tham gia vào các vòng trao đổi ngoại giao mà không có cam kết rõ ràng đối với bất cứ bộ quy tắc ràng buộc nào.
Các cuộc đàm phán COC cũng cho Trung Quốc cái cớ để bảo các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, là hãy “đứng ngoài” các tranh chấp bởi chúng đang được các nước liên quan trực tiếp công khai giải quyết một cách hoà bình.
Ian Storey: Trong nhiều năm, một số thành viên ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình COC. Tuy nhiên, phải đến khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 thì Trung Quốc mới đồng ý làm như vậy. Có lẽ điều này là để làm chệch hướng những chỉ trích xuất phát từ việc Trung Quốc từ chối công nhận hay tuân thủ phán quyết của Tòa. Bằng cách đồng ý đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán COC, Trung Quốc đã đem lại ấn tượng là họ đang hợp tác và xây dựng. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng mục tiêu của Trung Quốc là kéo dài các cuộc đàm phán càng lâu càng tốt và đảm bảo kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ không hạn chế sự tự do hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại sao các nước ASEAN, nói chung và nói riêng, lại chấp nhận ý tưởng về khung COC thay vì một văn kiện đầy đủ? Họ nhìn nhận giá trị của khung COC như thế nào?
Richard J. Heydarian: ASEAN vốn chia rẽ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Chia rẽ nội bộ và áp lực bên ngoài (từ Trung Quốc) là quá mạnh để cho phép có lập trường thống nhất về vấn đề này. Rồi còn có thực tế là các nước như Philippines, nước chủ tịch ASEAN hiện nay, đã đổi hướng hoàn toàn sau khi bầu lên vị tổng thống mới, người đang quyết tâm ưu tiên các lợi ích kinh tế song phương từ Trung Quốc với cái giá là một cách tiếp cận khu vực chặt chẽ, hiệu quả và tương xứng đối với các tranh chấp Biển Đông.
Khung COC cùng lắm là một “câu chuyện có ích,” cho phép Philippines tuyên bố đạt được thành công trong vai trò chủ tịch ASEAN.
Năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và tranh chấp Biển Đông đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm.
Do đó, “làm được gì đó” là một điều hết sức có ý nghĩa – và khung thỏa thuận là mẫu số chung nhỏ ở thời điểm này, khi mà không ai thực sự mất đi bất cứ điều gì, kể cả Trung Quốc, nhưng ai cũng có được cái gì đó bằng cách tuyên bố đã đạt được điều gì đó, khi trên thực tế họ chỉ đơn giản là cho một cường quốc thêm nhiều không gian để hành động hung hăng hơn trong các vùng biển tranh chấp.
Ian Storey: Các nước ASEAN đã muốn ký kết một bản COC có tính ràng buộc pháp lý và toàn diện từ nhiều năm trước, nhưng không thực hiện được do sự trì hoãn của Trung Quốc. Ngay từ đầu Trung Quốc đã thiết lập tốc độ đàm phán, và tốc độ đó đã chậm đi. Thật không may là các nước ASEAN không làm được gì nhiều để khiến Trung Quốc bước nhanh hơn. Do đó ASEAN đã xem việc Trung Quốc đồng ý đưa ra khung dự thảo COC là một dấu hiệu tiến bộ đáng mừng và là bằng chứng cho thấy rằng những nỗ lực quản lý các tranh chấp với Trung Quốc của họ đang được đền đáp.
Tuy nhiên, một số nước ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông, sẽ rất thất vọng vì sự thiếu thực chất khung COC, và đặc biệt là thiếu đi cụm từ “ràng buộc pháp lý.”
Hà Anh Tuấn: Nhìn lại cách đây một thập niên, các nước ASEAN đã đề xuất đàm phán COC nhằm tạo ra một cơ chế ràng buộc hành vi các nước trong khu vực trên Biển Đông, qua đó giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên vào thời điểm đó Bắc Kinh thường tránh thảo luận về một số cơ chế ràng buộc. Vì vậy, khi Trung Quốc thể hiện sẵn sàng thảo luận về COC, các nước ASEAN đã ủng hộ diễn biến mới này. Tuy nhiên, tạo ra một bản COC hoàn chỉnh được các bên ký kết chấp nhận và có giá trị hơn DOC là một nhiệm vụ rất khó khăn. Đó là lý do tại sao các nước ASEAN (và do đó là cả ASEAN) chấp nhận cách tiếp cận từng bước, để đạt được thỏa thuận về dự thảo khung COC.
Như tôi đã nói ở trên, nhiều nhà quan sát không xem việc ký khung COC là cột mốc quan trọng trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong quản lý tranh chấp hàng hải trên Biển Đông vì nó không mang các điều khoản thay đổi cục diện. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử ASEAN thì sẽ thấy cách tiếp cận từng bước của ASEAN thường đem đến kết quả cụ thể. Tôi không biết các nước ASEAN thực sự nghĩ gì về khung COC , nhưng tôi tin đó là một bước phát triển mới trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN để quản lý tranh chấp trên Biển Đông.
Evan A. Laksmana: Với việc Trung Quốc sẽ không bao giờ thực sự có động thái tiến bộ nào và Manila đột ngột chuyển từ thái cực này sang thái cực khác (đệ trình vụ kiện lên tòa nhưng làm ngơ kết quả), bất cứ tiến bộ chung nào – ngay cả vô nghĩa trên thực tế – cũng có thể đáng muốn hoặc không là gì cả. Suy cho cùng, Manila đã không tham vấn đầy đủ với mọi thành viên ASEAN khi họ đệ trình vụ việc lên Toà án của UNCLOS. Hơn nữa, khi ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, những câu hỏi và tranh luận về sự liên quan và tầm quan trọng chiến lược của nhóm đã trở nên lớn hơn. Còn cách dập tắt chỉ trích nào tốt hơn là đưa ra một “chiến lợi phẩm” tiến bộ trong vấn đề khó khăn nhất? ASEAN rất muốn tiến tới những chuyện khác thay vì vấn đề Biển Đông vốn “bắt nhóm làm con tin” trong những năm qua. Cuối cùng, với việc tập trung cao độ vào Biển Đông, các nước thành viên ASEAN đã “vượt qua” được những thách thức chính trị trong nước – ví dụ như tình hình ở Myanmar, miền Nam Philippines, Thái Lan, hoặc thậm chí là Malaysia.
COC sẽ liên quan đến DOC như thế nào? Tại sao hai tiến trình cần tiến hành đồng thời?
Hà Anh Tuấn: COC chắc chắn sẽ kế thừa các tinh thần và nguyên tắc được đặt ra trong DOC. Đồng thời, COC phải được xem là một bước tiếp theo hướng tới hợp tác thực chất giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý, mong đợi một bản COC có tính ràng buộc đầy đủ được hoàn tất trong tương lai gần là không thực tế.
Cho đến lúc đó, việc thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC sẽ góp phần tạo nên sự ổn định khu vực. Đẩy mạnh DOC cũng sẽ tăng cường sự tin cậy của khu vực và hợp tác hàng hải, ngược lại điều đó đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một COC có tính ràng buộc. Điều đó giải thích tại sao hai quá trình đang được tiến hành đồng thời.
Evan A. Laksmana: Các quá trình giữa việc ký DOC vào năm 2002 và bản COC cuối cùng vốn chưa được xác định vẫn chưa được công bố, thảo luận công khai, hay tiết lộ đầy đủ. Do đó, chúng ta không thể nói chắc chắn là chính xác thì khi nào và bằng cách nào DOC dẫn tới bản COC cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý.
Chúng ta biết các quá trình hậu DOC đã được sử dụng để tạo ra thói quen đàm phán và đối thoại, dù nhịp độ rất chậm, giữa ASEAN và Trung Quốc. Do đó, nói một cách nào đó, DOC và COC không “đồng thời,” mà theo trình tự: DOC mở màn cho những cuộc thảo luận để cuối cùng soạn ra COC.
Richard J. Heydarian: Vấn đề DOC đã được giải quyết từ năm 2002. Bước tiếp theo rõ ràng là đàm phán một bản COC có tính ràng buộc pháp lý, vượt qua các cam kết thuần túy. Nhưng sau 10 năm đàm phán, tiến trình hai kênh phức tạp, gây sao nhãng và mệt mỏi này đã không đưa chúng ta đến gần bất cứ giải pháp nào. Thậm chí chúng ta còn bối rối hơn so với khi bắt đầu toàn bộ tiến trình nhằm tìm kiếm một bộ quy tắc chung được thống nhất giữa các nước có yêu sách trên Biển Đông trong những những năm 1990. Tôi thấy toàn bộ màn dạo đầu này là một phần chiến thuật trì hoãn có chủ ý của một quốc gia – một nước khổng lồ đang thống trị toàn bộ khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Và ASEAN – quá chia rẽ và yếu đuối và tập trung vào nội bộ – chỉ là đang theo đuổi trò chơi khó khăn này.
Ian Storey: Hiện tại chưa rõ COC sẽ liên quan đến DOC như thế nào. Theo tôi, hai bên nên tập trung mọi nỗ lực vào COC và đưa các yếu tố hữu ích của DOC vào thỏa thuận cuối cùng. Người hoài nghi có thể sẽ nghĩ Trung Quốc muốn tiến hành hai quá trình đó đồng thời để tiết kiệm nguồn lực ngoại giao và kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt.
Bước tiếp theo sau khi khung COC đã được hoàn tất là gì? Điều gì cản trở việc hướng tới một COC có tính ràng buộc?
Evan A. Laksmana: Trên lý thuyết, sau khi hoàn tất khung COC, ASEAN và Trung Quốc cần tìm ra cách xây dựng và hoàn thiện một COC có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhất là với thái độ do dự của Manila, một bản COC như vậy có thể sẽ không xuất hiện. Trường hợp tốt nhất là gì? Khuôn khổ này trở thành một tuyên bố về các nguyên tắc sẽ cho phép ASEAN và Trung Quốc không thảo luận về Biển Đông trong khi vẫn có thể khai thác một số hình thức hợp tác và phát triển chung giữa các bên có yêu sách một cách song phương thay vì trong khu vực. Trường hợp xấu nhất? Khuôn khổ này trở thành một “tuyên bố về các ý tưởng chuẩn mực” rỗng tuếch trong khi Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn và về cơ bản là kiểm soát toàn bộ Biển Đông đến mức không thể vãn hồi – và bất cứ “đàm phán phân định” nào cũng sẽ bắt đầu với việc Trung Quốc thực hiện quyền chủ quyền trong khi những các nước yêu sách khác phải “xin phép” (giống như bãi cạn Scarborough). Bất kể là trường hợp nào thì hoặc COC trở thành một mục tiêu gây tranh cãi và vô nghĩa, hoặc Trung Quốc chỉ đơn giản từ chối tiến đến nó. Trong cả hai trường hợp, bản thân COC không đem lại lợi ích chiến lược cho ASEAN và các nước Đông Nam Á.
Richard J. Heydarian: Tôi không thấy có trở ngại lớn nào nếu các bên liên quan chỉ đơn giản là mong chờ một bản DOC sắp xếp lại dưới danh nghĩa COC. Kết quả sẽ đủ ôn hòa và vô nghĩa để cả ASEAN và Trung Quốc đều có thể chấp nhận, dù tôi nghĩ sẽ có một hai nước ASEAN rất thất vọng. Thách thức thực sự là nâng cấp khuôn khổ thiếu sót hiện nay thành một văn kiện hoàn chỉnh và có tính ràng buộc pháp lý, tối thiểu buộc được Trung Quốc và các bên khác kiềm chế các hành động cưỡng chế quân sự và bán quân sự, xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, và triển khai vũ khí quân sự tiên tiến tại các khu vực tranh chấp. Đối với tôi, thách thức của COC đơn giản là: “Được ăn cả ngã về không.” Có vẻ như với các nước đàm phán thì nó là, “Chỉ cần tiếng không cần miếng.” Đây là bi kịch của chính trị quyền lực nhỏ đối với ASEAN, có nguy cơ chìm vào quên lãng trong các tranh chấp Biển Đông.
Ian Storey: Các quan chức ASEAN và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục gặp nhau tại các buổi làm việc nhóm và các quan chức cấp cao sẽ tiếp tục cố gắng đắp da đắp thịt cho khung dự thảo. Tôi cho rằng quá trình này sẽ kéo dài và đầy thất vọng đối với các quan chức ASEAN muốn COC có tính ràng buộc pháp lý và toàn diện được ký càng sớm càng tốt. Các lĩnh vực khó khăn chính trong việc đàm phán COC là liệu COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, COC sẽ bao trùm những khu vực nào của Biển Đông, những hoạt động nào sẽ bị cấm, thỏa thuận này sẽ được thực hiện và giám sát như thế nào và liệu nó có được thực thi hay không. Quan trọng nhất là ở các chi tiết và có thể phải mất nhiều năm nữa mới đạt được thỏa thuận cuối cùng. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không vội vàng.
Hà Anh Tuấn: Khi Trung Quốc và các nước ASEAN đã thống nhất về dự thảo khung của COC, thủ tục thông thường là họ sẽ đi vào các vấn đề về kỹ thuật và thảo luận chi tiết hơn về một bản COC đầy đủ. Có nhiều vấn đề quan trọng mà các bên liên quan vẫn chưa đồng ý. Một thách thức đáng chú ý là phải đồng ý xem khu vực địa lý nào có thể xem là “tranh chấp” hay tiếp tục thể hiện nó mơ hồ như cái tên “Biển Đông.” Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì khó mà làm cho COC có tính ràng buộc, vì chúng ta không biết COC sẽ áp dụng ở đâu. Một trở ngại khác là đạt được sự đồng thuận về tác động của COC và làm thế nào để thực thi được COC. Trường hợp Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông đã cho thấy việc thực thi luật quốc tế là rất khó khăn, đặc biệt là nếu phán quyết chống lại lợi ích của các cường quốc. Còn lại bao gồm những vấn đề về kỹ thuật, chẳng hạn như các nước Đông Nam Á tham gia sẽ được gọi là các quốc gia riêng lẻ hay là các thành viên của ASEAN, và cơ chế giải quyết xung đột nên được thành lập như thế nào trong COC.
Richard Javad Heydarian là một nhà nghiên cứu ở Manila, dạy khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Manila và Đại học De La Salle, Philippines. Ông thường xuyên có bài cho Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).
Hà Anh Tuấn là Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính sách, Viện Biển Đông. Ông có bằng tiến sĩ ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học New South Wales, Úc.
Ian Storey là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.
Evan A. Laksmana là nghiên cứu cao cấp viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Jakarta, Indonesia, và hiện là nghiên cứu viên khách mời tại Cục Nghiên cứu châu Á Quốc gia ở Seattle, Washington.
Vũ Ngọc Trang và Nguyễn Huy Hoàng là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
 Nguồn bản gốc tiếng Anh: http://www.maritimeissues.com/expert-interview/a-south-china-sea-code-of-conduct-a-hopeful-reality-or-a-hopeless-falsity.html

No comments:

Post a Comment