Một trong những “tội” lớn nhất của người dân Lộc Hưng (Tân Bình, TP. HCM) là nghèo! Quá nghèo! “Nghèo thấy thảm!” – như người ta thường nói. Khu đất của họ sẽ được tránh xa nếu họ là thành phần “cán bộ” hoặc những kẻ đủ giàu để “chạy thuốc” nhằm biến những căn biệt thự xây trái phép thành hợp pháp. Người nghèo là vấn đề xã hội không quốc gia nào không đối diện nhưng người nghèo Việt Nam không chỉ là những thân phận thiếu ăn thiếu mặc. Họ còn là tấm thảm để những bàn chân XHCN chùi xuống không thương tiếc cùng với vẻ mặt dối trá ma mãnh hất lên: “Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo”!
Chưa bao giờ người dân bị lừa bịp công khai bằng những “thống kê” cho thấy xã hội ngày càng ít người nghèo bằng lúc này. Tại phiên họp thứ 27 ngày 17-9-2018, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu giảm nghèo bền vững” đến năm 2020 đã được công bố, như một bằng chứng xác nhận thành tích của nhà cầm quyền: tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%. Cụ thể, từ 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm. Thời điểm hiện tại, theo Tạp chí Đảng Cộng sản (14-11-2018), hiện cả nước có hơn 1,9 triệu hộ nghèo (chiếm 8.23% tổng hộ dân toàn quốc) và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo (5.41%)…
Những con số tỷ lệ “thoát nghèo” không nói lên hết thực trạng. Các báo cáo, trung thực hay không, không cho thấy thực tế rằng, khái niệm “nghèo” ở đây đã vượt qua những định nghĩa thông thường về nghèo. Nó không chỉ liên quan cái ăn cái mặc hay những điều kiện cần có để được cơm no áo ấm. Chẳng “hội thảo” về “chiến lược” xóa nghèo “bền vững” nào đề cập đến tình trạng người nghèo đang bị tống dạt tàn nhẫn ra bên lề phát triển, và đặc biệt, người nghèo đang trở thành nhóm đối tượng được nhắm đến để hy sinh cho cái gọi là phát triển.
Chính quyền khoan vội tự hào thành tích xóa đói giảm nghèo, vì chính quyền, trong không ít trường hợp, là thủ phạm tạo ra nghèo đói. Một ví dụ: nhân danh “phát triển”, người ta đã giải tỏa vô số đất đai và cho rằng đó là điều không thể tránh đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường xây dựng đất nước. Điều này được thực hiện không chỉ từ “chủ trương chính sách” mà còn từ sự tùy tiện cùng sự ăn chia của các chính quyền địa phương với lớp nhà giàu mới nổi được hình thành thông qua các quan hệ. Điều đáng ghi nhận là người ta luôn “né” các khu đất nằm dưới “sở hữu” “cán bộ” hoặc thành phần lắm tiền nhiều của, dù “phạm luật” lấn chiếm trái phép hay không. Chẳng cần đi đâu xa, thử đến khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ai cũng có thể thấy điều sờ sờ này. Hơn ai hết, những gia đình nạn nhân bị giải tỏa oan ở Thủ Thiêm có thể kể ra tại sao và từ đâu mà họ trở thành nghèo khổ vô gia cư.
Người nghèo Việt Nam ngày nay không chỉ là những gương mặt khổ cực lam lũ. Hình ảnh đó có thể thấy ở tất cả bức tranh xã hội thế giới. Ở bất kỳ giai đoạn nào Việt Nam cũng có những “chị Dậu”, tuy nhiên, “kiếp nghèo” của “chị Dậu” ngày xưa khác với thân phận của “chị Dậu XHCN” trong thời đại “rực rỡ”. Nếu cảnh nghèo trước khi “cách mạng về” và “đời ta có Đảng” là hình ảnh một xã hội chưa phát triển thì cảnh nghèo ngày nay còn được chồng lên ngổn ngang những dối trá ngụy biện để che đậy và lấp liếm các khiếm khuyết của vô số chính sách bất công biến người nghèo thành nạn nhân trực tiếp và hứng chịu thê thảm nhất trong tất cả các nhóm đối tượng-tầng lớp xã hội. “Trẻ nguy kịch, vẫn phải đóng tiền mới được cấp cứu” (Tuổi Trẻ 29-7-2016) – đó là tựa một bài báo nói lên sự bi đát cùng cực của thân phận người nghèo thời nay.
Chết-không-có-hòm-chôn là một hình ảnh nghèo khổ khốn khó tận cùng. Nhưng sống-không-có-nhà-ở không chỉ là bức tranh của những mảnh đời rách rưới. Nó tố cáo rất rõ những “sai lầm” được thực thi một cách cố tình của các “chính sách phát triển” nói chung. Phát triển gần như luôn đi đôi với sự xuất hiện những nghịch lý nhưng nghịch lý nào mỉa mai cho bằng hình ảnh: từ “tâm thế” những kẻ không có “miếng đất cắm dùi”, như thời “tiền cách mạng”, những ông chủ XHCN ngày nay hăm hở lao vào giành đất “cắm dùi” của những người nghèo “tận cùng bằng số”, và liền ngay sau đó dựng lên tấm băng rôn đỏ chói: “Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo”!
Những con số thống kê, những phát biểu “xúc động” và những chiến dịch “nhắn tin ủng hộ người nghèo”, ngoài việc để mị dân, sẽ không mang lại giải pháp nào để xóa bỏ nghịch lý và bất công, nếu không đề cập và không giải đáp được những câu hỏi mà người nghèo nào cũng thấy: nhờ đâu mà “đám chính quyền” trở nên giàu có khủng khiếp đến vậy! Rất khó có thể thuyết phục được rằng chính quyền đang thành công trong các chính sách xóa đói giảm nghèo, một khi quan chức địa phương vẫn đua nhau ăn chặn ngân sách dành cho người nghèo. Càng khó có thể tin “Đảng và Nhà nước” chia sẻ khó khăn với người nghèo trong khi “người” của “Đảng và Nhà nước” là những trường hợp “mẫu mực” của việc làm giàu bằng “buôn chổi đót”.
Người nghèo không chỉ túng thiếu khổ cực. Họ là nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của tất cả “cặn bã” lắng xuống của những hào nhoáng giả tạo sinh ra từ một mô hình phát triển, mỉa mai thay, dựa trên lý thuyết “xóa bỏ bất bình đẳng”. “Bắt cả trẻ đang bú đóng tiền xây dựng nông thôn mới” (Zing 1-7-2018) – đây không phải là câu chuyện giới hạn trong phạm vi đói nghèo. Nó là vấn đề liên quan đến thể chế và các chính sách tạo ra những người nghèo theo cách chưa từng có trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Người nghèo đang “lãnh đủ” mọi thứ tệ hại nhất và họ hoàn toàn không có “quyền” để chọn lựa. Ai đó có thể chọn siêu thị mua thực phẩm an toàn, chọn trường học tốt cho con, chọn bệnh viện “xịn” thậm chí ở nước ngoài... Trong khi đó, người nghèo chỉ có thể uống ly trà đá mà họ đủ tiền mua; chỉ có thể gửi trẻ vào trường mẫu giáo nơi có thể có cô giáo trấn nước con họ; chỉ có thể vào bệnh viện công nhếch nhác nằm vật vờ trên những hành lang bẩn thỉu. Cầm chén cơm, họ đủ “kiến thức tổng quát” để nói với nhau về nguồn thức ăn nhiễm độc. Họ sợ lắm. Họ không muốn chết sớm vì ung thư trước khi lo cho con vào đại học hoặc trước khi gửi tiền về quê cho bố mẹ sửa nhà. Tuy nhiên, họ vẫn phải nuốt. Họ không có chọn lựa nào khác.
Khoảng cách giàu-nghèo ngày càng giãn rộng đang trở thành vấn đề rất lớn. Dù vậy, những đứa trẻ nằm co quắp ở mái hiên các cao ốc lộng lẫy chưa đủ để nói hết thảm cảnh của khoảng cách giàu nghèo. Bằng thế nào một chữ ký nhoáy trong vài giây có thể mang lại những khoản tiền kếch sù, mà người ta làm cả đời không tích cóp nổi, mới là “nghịch lý giàu nghèo” đang diễn ra trên khắp đất nước này. Người ta đang tung hô những tỷ phú như Phạm Nhật Vượng. Người nghèo không thể so với tỷ phú. Tất nhiên. Người nghèo thậm chí cũng không thể so nổi với tầng lớp thấp hơn “đẳng cấp tỷ phú” nhiều lần. Thật không bình thường khi có những viên chức tép riêu vẫn dư tiền cho con đi du học Mỹ (như một tay Phó Công an phường ở một quận ở TP. HCM mà tôi biết). Có chính sách “xóa đói giảm nghèo” nào có thể giúp người nghèo có nhiều chọn lựa hơn, như tay công an kia?
Có quá nhiều đường nét không bình thường trên bức tranh giàu nghèo hiện nay. Tỷ lệ nghèo đói, được công bố, “đang giảm” nhưng người nghèo có thể thấy mọi nơi, ngày càng nhiều. Người nghèo ở mọi miền, mọi đô thị, mọi tỉnh thành… nhưng họ “ở đâu” trên bản đồ phát triển của đất nước? Họ đang bị hất dạt ra bên lề. Họ là cái bóng đen lặng lẽ bên cạnh những tòa nhà sáng rực. Họ là viên đá lót đường cho những chiếc xe siêu sang của đại gia tư bản Đỏ. Họ là nạn nhân của những chữ ký nguệch ngoạc “chứng nhận” họ bị mất đất và mất nhà. Họ là tấm thảm chùi chân của những ông chủ XHCN, trong lịch sử, vốn xuất thân từ nghèo khổ bần cùng. Trong tất cả những điều không bình thường khi nói về bức tranh giàu nghèo của xã hội ngày nay thì đây là điều không bình thường và mỉa mai bậc nhất!
Mạnh Kim
No comments:
Post a Comment