Buổi khởi công ở Ðá Ông Ðịa tôi có đốt nhang mong được siêu thoát,
những người đi không đến ấy. Mà thật ra thì chúng tôi cũng đã đến nơi
đâu? Bến bờ còn xa. Chẳng được như Hàn Mặc Tử chơi giữa mùa trăng, chúng
tôi còn đang bơi ngợp giữa biển đời,......bơi cũng là chơi, cũng là
quay và cũng là sống. Như Hải Nguyệt thôi, và cái nghề làm nước mắm
truyền thống của gia đình, làng mạc cô... Cô gái ấy cũng đang phải bơi,
và sống...
Bài đăng tạp chí Điện Ảnh VN số Xuân 1997.Ông Nhàn,
nhắc ở đây là nhà quay phim Trần Trung Nhàn, thân phụ của nàng Trần Thị
Bích Ngọc. còn ông Luyện là đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, anh của hai anh
Nguyễn Hữu Tuấn & Nguyễn Hữu Bảo. Cả hai vị Nhàn và Luyện đều đã
mất.
(photo N năm 1971 cạnh sông Mường Mán, PT by nhiếp ảnh gia Ngô Đình Cường)
“HẢI NGUYỆT”, VUI BUỒN CÙNG TRĂNG BIỂN
một
Khi đặt cho cô gái ấy tên này, tôi có liên tưởng phần nào đến “Chơi
giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ ấy đã có những lúc vụt thoáng
qua Phan Thiết, nơi tôi đã được sống qua ròng rã tám năm. Lúc chuyển
sang phim, anh Ngụy Ngữ biên tập - là người cũng đã có một thời ở Phan
Thiết - đã đề nghị chuyển thành “Tên tôi là Hải Nguyệt”... Khi Cục Ðiện
Ảnh vào Sàigòn mở trại viết, người đầu tiên gợi ý tôi chuyển thể truyện
này lại là đạo diễn Lê văn Duy. Anh nói một câu xanh dờn: “Chuyển thử
đi, anh thấy con nhỏ Hải Nguyệt đó giống em!”
Ôi! Tôi chỉ mong mình
được giống cô bé ấy thôi. Vì không như nhiều truyện khác của tôi,
truyện “Hải Nguyệt” vẽ ra một cô gái không có tình yêu, cô gầy cho được
cái nghề truyền thống đã làm vang danh quê hương cô một thời gian, rồi
cô bỏ đi. Ðến độ một người đàn ông đã nhắc cô: “Ðàn ông thì sống vì công
việc, còn cô, cô vẫn là người nữ nên cô phải có người yêu...”. Khi
chuyển sang truyện phim, tôi phải vẽ thêm hai nhân vật cho trọn một cuộc
tình tay ba: Phi, bạn trai thuở ấu thời và Nục, người chị em cùng cha
khác mẹ với cô.
hai
Ðể kịp giao kịch bản, cuối năm 1995, tôi
lên xứ núi viết về trăng biển. Ban ngày tôi đi theo ông Nhàn, ông Luyện
đóng loáng thoáng vai Thu Ba trong “Mùa hoa cúc quỳ” và đi ... chơi, đêm
chong đèn trong một trại lính hẻo lánh, viết suốt mùa đông lạnh lẽo ở
Pleiku. Hơn một năm sau, nghe nói kịch bản đó đã được Nhà Nước đồng ý
cấp kinh phí cho quay. Ðạo diễn thì nghe Hãng Giải Phóng lúc tính anh A,
lúc tính anh B... Giám Ðốc Thanh Hùng định mời đạo diễn Trần Mỹ Hà làm
phim khác. Chẳng ngờ giờ cuối, phim đó trục trặc. Tôi cho là “Hải
Nguyệt” quá may mắn khi được là phim truyện nhựa đầu tay của Trần Mỹ Hà.
Quen ông đạo diễn này đã được mười lăm năm (dài bằng một kiếp “Tiền
Ðường” của Kiều), tôi vẫn nghĩ mình chưa hiểu hết Mỹ Hà và... ngược lại.
Nhưng tôi tin khó ai “cảm” Hải Nguyệt bằng Hà. Bởi vì ngoài việc Hà rất
mê nghề, hồi làm phim truyện vidéo đã chăm chút như làm phim truyện
nhựa rồi, Hà còn nhiều gắn bó với Phan Thiết. Quê nội anh ở đó. Sau
1975, anh từ Ðà Lạt về đó làm một thời gian trước khi về đài. Và hiện
tại, người vợ đầu cùng con gái anh đang sống nơi đây. Tôi được sống
trong giai đoạn khá kỳ thú ở Phan Thiết từ 1964 đến 1972. Còn Hà thì
được lăn lóc ở đó những năm gian nan từ 1975, đến 1979 mới vào Sàigòn mà
phim “Hải Nguyệt” thì mấp mé ở hai bờ sinh tử đó...
ba
Tôi
có hỏi nhiều người, ít tác giả nào chịu khó đi theo trong lúc kịch bản
của mình quay. Tôi đắn đo nhiều những lúc Hà đề nghị tôi đi theo đoàn
trong giai đoạn chọn cảnh. Việc bên sân khấu tôi luôn bị ngập tới mũi,
lại chuẩn bị đi Pháp. Cuối cùng gần như chuyến đi chọn cảnh nào cũng có
mặt tôi. Cứ bỏ hết mọi chuyện mà đi với ý nghĩ dù gì “Hải Nguyệt” cũng
là “con” mình. Hơn nữa, tôi vẫn “thèm” kiếm thêm tư liệu để viết một
cuốn truyện dài về Phan Thiết...
Bao nhiêu cánh cửa những gia đình
“hàm hộ” giàu có nức tiếng ngày xưa nay đóng xập trước mặt chúng tôi.
Hoặc cũng cho vào, cho cả đám mê mẩn sẽ đặt máy đặt đèn ở đâu thì trước
khi đoàn rời Phan Thiết, họ liệng giấy tới báo cho biết họ tộc đã nhóm
họp và không cho phép người ngoài được chạm vào những gian nhà thờ, nhà
tự đó cho dù chính quyền địa phương có can thiệp tới đâu. Một vài “đại
gia” khác có những hậu duệ dễ chịu thì đạo diễn lại lấn cấn như bị “ép
duyên”. Ðành phải cám ơn rồi xin lỗi, chào đi...
bốn
Khi bấm
máy rồi, tôi không dám ra thường. Sẵn có việc gì, ví dụ cùng với mấy anh
chị cựu học sinh Phan Bội Châu ra tặng học bỗng cho trường và về bàn
với tỉnh mở một trường dân lập... thì tạt qua đoàn một chút. Thú thật,
thấy anh em vác máy móc, “mồ mã”, “cẩu”, “bum” lên xuống đồi cát cực
quá, mình lại mặc cảm có lỗi trong chuyện bày vẽ ra những cảnh phức tạp
trong lúc dư biết rằng những đồng bồi dưỡng cho anh em thì rất chi là...
bèo bọt. Ðiều mừng lớn là thấy quay phim Phạm Hoàng Nam cũng say phim
ngang với Hà, thấy Hồng Ánh chửng chạc, lớn dần ra, thấy các bác Ba Xây,
Mạnh Dung, các cô Ba Trà Vinh, Ánh Hoa, Anh Thư đến các cô cậu trẻ như
Minh Hiền, Quang Hải, Hoài An, Hùng Phương... đều cao ngất đạo đức nghề
nghiệp.
Phim quay được mười ngày thì họa sĩ thiết kế chuyển sang
làm phim “Ba mùa” như đã giao ước... với Giám đốc. Rồi “hung tin” bay
ra, một chuyện như đùa” là đã xước 2.000 mét phim với nhiều đại cảnh
(dường như để giữ vững “truyền thống” “Phi cào xước bất thành... phim
nhựa” của hãng, có điều đợt này, “truyền thống” ấy có hơi quá tay với
“biển trăng”). Chủ nhiệm thì hốt hoảng nhận ra, dường như trong phim này
cảnh nào cũng là cảnh khó, nên dù tỉnh có hứa sẽ phụ thêm chút đỉnh
tiền bồi dưỡng cho anh em hậu cần, vẫn chưa thấy lạc quan. Trước ngày
rời Phan Thiết còn được nghe in tráng làm một cú “đúp” xước thêm vài
chục mét. Lại phải ở thêm để quay lại, với phong cách giữ vững từ đầu
như anh em nhận xét “làm kỹ như phim... Tây nhưng vẫn bồi dưỡng khiêm
tốn như phim... ta”.
năm
Cuối cùng, nội cảnh của ngôi nhà tự
phải quay ở Sàigòn. Ðó là ngôi nhà mà tôi và Hà dự kiến để dành cho
phim “Chùa Ðàn” nhưng đành phải nhường cho “Hải Nguyệt”. Trong ngôi nhà
cổ hơn 100 năm đó, sừng sửng hình nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi vì đây là
một chi thoát được án tru di. Tôi không biết tấm hình sẽ được
Tổ-Thiết-kế-không-có-họa-sĩ đó sẽ xử lý thế nào. Lòng nơm nớp lo sau
tuần lễ đoàn làm phim quần nát ở đây, không biết tôi còn dám vòng lại
nhà này, học tiếp.
Ðêm quay ở quán cà-phê Thiên Hà, mấy anh em bên
tổ ánh sáng kêu chị ở lại thức với anh em một đêm cho... biết. Quần
chúng càu nhàu vì hẹn chín giờ quay mà đến hơn mười hai giờ mới bấm máy
được. Cơ khổ là giá tiền có khá thì đã không phải đợi đến lúc hết khách
mới quay. Tôi thừa cơ phỏng vấn Phạm Hoàng Nam, người mới về từ Hawaii.
Nam hơi phân vân nói mình có một nguyên tắc không nói về phim đang làm
nhưng với “Hải Nguyệt” thôi đành phá lệ. Rồi Nam hào hứng nói ở phim này
mình được thay đổi hoàn toàn phong cách, quay một cách khách quan hơn
với ánh sáng, bố cục thiên về TĨNH. Với hai phim trước, đạo diễn Lê
Hoàng “thả” cho Nam làm gì cũng được, còn ở đây, Nam có cảm giác đạo
diễn và quay phim quyện chặt, lẫn vào nhau (Có lẽ vì Hà xuất thân cũng
là một người cầm máy cứng, đã đoạt giải quay phim vàng trong một liên
hoan). Nam cẩn thận thêm chưa kết luận được cách làm nào hay hơn, nhưng
hiện được làm khác mình trước đây thì đang thích lắm. Một hạnh phúc lớn
nữa là Hãng Giải Phóng đã dốc ruột ra toàn máy quay và đèn mới “bóc
tem”. Lần đầu tiên Nam được xử dụng khung hình 1:1,85 mã rộng theo tiêu
chuẩn Mỹ. Ðây cũng là phim cực nhất với Nam vì quay đêm nhiều, đặt đèn
có lúc từ sáu giờ sáng đến bảy giờ tối mới xong, lại nhiều động tác máy
khó nhật...
sáu
Hồng Ánh thì lớn ra trông thấy rõ. Ánh cũng tự
nhận thấy như vậy. Ánh nói hồi đọc kịch bản đã thấy khó nhưng không
lường hết cái mênh mông của biển trời và người dân Bình Thuận. Có ra
sống trong bầu không khí đó rồi mới thấy mình chỉ mới chạm vào da của
nhân vật. Rồi ham và thích quá nên quên cả cực (chỉ cảm giác cực nhất
khi nghe “tiêu” 2.000 mét phim). Sau những buổi lăn lóc với cá, mắm và
thùng lều, được thấy mình như cá ngấm muối dần dần, chưa rõ thành phẩm
sẽ cho ra bao nhiêu độ đạm, chỉ cố gắng sống và đóng vai bằng tất cả
lòng thành, muốn hòa nhập vào một góc nào đó cái hồn của một vùng đất
ven biển. Và cái vùng đất ấy, Ánh thấy, cũng rất Việt Nam...
Trần
Mỹ Hà thì ít nói như bao giờ. Trước khi làm anh đã lường trước những khó
khăn nhưng thực tế cho thấy khi toàn thể anh em dốc hết sức ra làm cũng
vưọt qua được phần nào nỗi khó đó. Anh cho là mình may mắn vì đã gặp
một tập thể hết lòng, chưa biết phim hay dở nhưng tin rằng phim sẽ LẠ.
Rồi lại lừng khừng gạt đi, đang làm phim, thật sự không biết nói gì. Mà
làm xong rồi sẽ càng không biết nói chi vì tự bộ phim, sẽ nói.
bảy
Có người bạn ở xa về, nghe nói làm phim về vùng biển nước mắm này,
muợn kịch bản đọc xong, phán “phim ca ngợi chế độ”. Khi đọc lại truyện
thì vớt “trong truyện có vẻ “hư vô chủ nghĩa” hơn”. Nhưng phim là tác
phẩm của đạo diễn, tác giả bây giờ chỉ còn là cái cớ. Những phim của Hà
bao giờ cũng chuẩn bị nhiều đoạn kết để cái này bất ổn còn có cái khác
thay vào. Hôm đi chọn cảnh, bàn một hồi, Hà chọn cái kết lúc Nguyệt mở
to mắt nhìn cô chị em cùng cha khác mẹ đang sống hạnh phúc với cậu bạn
trai thuở nhỏ, lần đầu tiên trong suốt cả phim, nước mắt cô tình cờ lăn
trợt xuống môi, nghe mặn khác mùi biển muối, mới hay mình đã khóc được.
Lúc Hồng Ánh mới ra Mũi Né, Hà chụp quay ngay đoạn kết, Ánh cố hết sức
mà nước mắt chỉ mới đoanh tròng, không bước nổi khỏi mi. Khi chiếu nháp,
tôi lại muốn khóc được trước khuôn mặt không khóc được đó của Hải
Nguyệt. Có lẽ vì khác với những khán giả sẽ coi, chúng tôi đã có những
ký ức, tâm trạng trộn lộn buồn vui, riêng tôi bỗng nhớ đến bạn bè cũ,
cũng có khát vọng sống mạnh mẽ như Hải Nguyệt nhưng không đi được đến
nơi. Buổi khởi công ở Ðá Ông Ðịa tôi có đốt nhang mong được siêu thoát,
những người đi không đến ấy. Mà thật ra thì chúng tôi cũng đã đến nơi
đâu? Bến bờ còn xa. Chẳng được như Hàn Mặc Tử chơi giữa mùa trăng, chúng
tôi còn đang bơi ngợp giữa biển đời, và trên kia đang gắt gay, mặt trời
rọi xuống chứ chẳng được là trăng. Mà dù có đến hay không, dù có xước
thêm vài trăm mét phim nữa, dù đã có những lúc phim phải tiến hành không
họa sĩ thiết kế, không cả quay phim thì vẫn cứ phải BƠI. Bởi vì bơi
cũng là chơi, cũng là quay và cũng là sống. Như Hải Nguyệt thôi, và cái
nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình, làng mạc cô... Cô gái ấy
cũng đang phải bơi, và sống...
nguyễn thị minh ngọc
7/12/1997
No comments:
Post a Comment