Lời tòa soạn: Việc cơ quan công lực Hoa
Kỳ khám phá ra đường dây “kết hôn giả” liên quan tới hàng trăm người
tại Houston, Texas và đưa ra tòa vào ngày 10 Tháng Năm, 2019, vừa qua đã
gây rúng động trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Để độc giả hiểu rõ
hơn về những hậu quả của “kết hôn giả” và những vấn đề liên quan đến
luật pháp của việc này, nhật báo Người Việt đã có bài phỏng vấn cựu Thẩm
Phán Phan Quang Tuệ.
Thẩm Phán Phan Quang Tuệ từng phục vụ trong lãnh vực di trú từ
năm 1985. Ông từng là Luật Sư Công Tố cho Cơ Quan Di Trú và Nhập Tịch
Hoa Kỳ (United States Immigration and Naturalization Service – INS)
trong 5 năm. Sau đó ông được bổ nhiệm chức vụ Thẩm Phán Tòa Án Di Trú
tại San Francisco trong 18 năm. Ông về hưu cuối năm 2012.
Trong khuôn khổ bài phỏng vấn này, mọi thông tin chỉ có tính cách
tổng quát, không có tính cách cố vấn pháp lý, bởi luật pháp áp dụng
cho mỗi trường hợp mỗi khác. Nếu độc giả có các vấn đề liên quan tới di
trú, xin vui lòng tham khảo luật sư di trú, những người có thẩm quyền và
kinh nghiệm tư vấn riêng cho quý vị.
Người Việt (NV): Khi nghe tin về một
đường dây kết hôn giả do người Việt cầm đầu bị phát hiện và đưa ra tòa
hồi Tháng Năm, 2019, ông có bình luận gì?
Cựu Thẩm Phán Phan Quang Tuệ (PQT): Là một thẩm phán
có 23 năm hoạt động trong lĩnh vực di trú, những tin tức như thế này
không có gì lạ đối với tôi. Tôi không có bình luận gì về sự việc này.
Bởi vì khởi sự căn bản từ luật pháp của Hoa Kỳ thì bất kỳ ai bị truy
tố đều được dự đoán là vô tội cho tới khi bị tòa tuyên án là có tội. Vì
thế chúng ta không nên phán xét vội cho tới khi có phán quyết sau cùng
của tòa án.
NV: Với tư cách là thẩm phán, ông có thể giải thích rõ hơn về lý lẽ căn bản của Luật Di Trú Hoa Kỳ đối với các diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình trong đó có diện vợ, chồng?
PQT: Trước hết, muốn bảo lãnh một người nhập cảnh
tới Hoa Kỳ và định cư ở đây, thì cần phải dựa trên các điều khoản về cấp
chiếu khán.
Hàng năm, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định số chiếu khán được cấp, cho
mỗi diện bảo lãnh và cho từng quốc gia. Tuy nhiên, chiếu khán dành cho
các diện bảo lãnh trực hệ như cha mẹ, vợ chồng, con cái dưới tuổi vị
thành niên của công dân Mỹ thì không có giới hạn. Các trường hợp khác
như bảo lãnh anh chị em, thì số lượng chiếu khán rất hạn chế cho nên chờ
đợi rất lâu.
Với chiếu khán phối ngẫu (spouse) của công dân Mỹ, người công dân bảo
lãnh nay phải nộp đơn lên Cơ Quan Di Trú (USCIS) để xin cấp chiếu khán
và thị thực (visa) cho người phối ngẫu của họ. Chiếu khán này sẽ chứng
minh mối liên hệ vợ chồng để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Chiếu khán cho vợ chồng của công dân Hoa Kỳ đặt trên căn bản một
chính sách quốc gia chủ trương đề cao và bảo vệ đoàn tụ gia đình.
Như vậy căn bản thì Người Bảo Lãnh (Petitioner) và Người Được Bảo
Lãnh (beneficiary) phải là vợ chồng thực sự, không phải vợ chồng giả.
Tức là họ đến với nhau dựa trên nền tảng tình thương yêu thật sự (gọi là
“good faith” hoặc “bona fide”).
Một cuộc hôn nhân không dựa trên căn bản tình yêu, không dựa trên ý
định gắn bó thực sự, mà dựa trên một mục đích vụ lợi khác, thì chiếu
khán này vô giá trị.
Thế nhưng chính sách nhân đạo này đã bị lợi dụng bằng việc làm giả
hôn thú (sham marriage), khiến các nhà lập pháp phải điều chỉnh lại luật
để đối phó lại với sự gian dối này.
NV: Luật pháp đã điều chỉnh như thế nào để đối phó với việc kết hôn giả, thưa ông?
PQT: Trước năm 1986 nếu một công dân Mỹ muốn bảo
lãnh cho người phối ngẫu thì chỉ việc hoàn thành mẫu đơn I-130 để xin
chiếu khán (và mẫu đơn I-751 để điều chỉnh tình trạng di trú, nếu cần).
Quá trình xét duyệt hồ sơ rất nhanh chóng, dễ dàng và thậm chí có thể
không phải phỏng vấn vẫn được cấp chiếu khán và thị thực và cùng lúc
được điều chỉnh tình trạng di trú thành thường trú nhân.
Điều này đã bị người ta lạm dụng bằng việc kết hôn giả. Do đó, từ năm
1986, đạo luật “Immigration Marriage Fraud Amendments – IMFA” mới ra
đời, đưa ra một cột mốc “hai năm.”
Cụ thể, khi một công dân Hoa Kỳ kết hôn với một người ngoại quốc (ví
dụ Việt Nam), thì người phối ngẫu chỉ được điều chỉnh di trú tại Mỹ có
điều kiện, tức là được cấp thẻ xanh có điều kiện (conditional green
card). Sau hai năm, cả hai vợ chồng phải cùng nộp đơn (joint petition)
xin hủy bỏ điều kiện di trú tạm thời trở thành thường trú nhân lâu dài.
Khi đó Sở Di Trú sẽ cứu xét, và nếu cuộc hôn nhân là hợp pháp thực sự,
người phối ngẫu sẽ được cấp thẻ xanh 10 năm và có thể gia hạn sau 10
năm, nếu không vi phạm pháp luật (permanent green card).
Ngược lại, nếu cuộc hôn nhân bị xem là bất hợp pháp từ khởi thủy là một
cuộc hôn nhân giả mạo, người phối ngẫu có thể bị bác đơn xin thẻ xanh và
phải trở về Việt Nam. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngoại lệ như
người phối ngẫu bị bạo hành gia đình, thì lại có điều luật nhân đạo cho
họ được ở lại Hoa Kỳ.
Những người phối ngẫu có thẻ “Thẻ Xanh” (Green Card) phải định cư ít
nhất 3 năm tại Hoa Kỳ, thì mới được nộp Đơn Xin Nhập Tịch (mẫu đơn
N-400) và trải qua một kỳ phỏng vấn nữa, mới được trở thành công dân Hoa
Kỳ.
NV: Nếu việc kết hôn giả bị phát hiện,
thì người bảo lãnh (petitioner) và người được bảo lãnh (beneficiary) sẽ
bị hậu quả như thế nào, thưa ông?
PQT: Người bảo lãnh là công dân hoặc là thường trú
nhân Hoa Kỳ. Họ cũng chính là người làm đơn, ký vào đơn và đứng ra nộp
đơn bảo lãnh, xin visa cho người phối ngẫu. Do đó người bảo lãnh sẽ bị
truy tố và chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp Hoa Kỳ.
Còn người phối ngẫu, tức là người được bảo lãnh, họ không trực tiếp
làm đơn bảo lãnh, thì tùy trường hợp cụ thể để xử lý. Người phối ngẫu có
thể nói họ là nạn nhân, họ không biết chuyện gì xảy ra, hay không có ý
định phạm tội. Do đó không thể kết tội họ, nếu như không có bằng chứng
nào chứng minh là họ có hành vi cố tình phạm tội.
NV: Vậy người phối ngẫu đang có thẻ xanh thông qua kết hôn giả, họ sẽ bị xử lý ra sao?
PQT: Như tôi đã giải thích ở trên, để bảo lãnh một người phối ngẫu
được định cư ở Mỹ theo diện vợ chồng, thì trước hết phải là vợ chồng
thật sự. Điều này được thể hiện qua chiếu khán thường trú nhân.
Vậy thì khi họ kết hôn giả, sẽ xem như không có chiếu khán, vì thế mà thẻ xanh của người phối ngẫu này, không còn giá trị.
Người phối ngẫu trong trường hợp này, sẽ bị thu hồi thẻ xanh và bị
trục xuất về Việt Nam. Tất nhiên còn nhiều trường hợp ngoại lệ khác. Tòa
án sẽ xét theo từng trường hợp cụ thể, “case by case.” Những người liên
quan đến việc kết hôn giả sẽ được xử riêng biệt chứ không phải xử tập
thể, hàng loạt như báo chí nói.
PV: Trong trường hợp công tố viên có
bằng chứng cho thấy người phối ngẫu (người được bảo lãnh) có ý định phạm
tội, thậm chí đã đưa tiền cho người bảo lãnh để họ đứng ra bảo lãnh
diện vợ chồng bằng một hôn thú giả nhằm có được thẻ xanh thì sao?
PQT: Nếu người được bảo lãnh đang di cư trên lãnh
thổ Hoa Kỳ tại thời điểm xử án, thì người này có thể bị truy tố. Nhưng
tội danh và hình phạt luật định thế nào thì tùy trường hợp cụ thể.
Các trường hợp khác, chỉ cần khởi sự thủ tục dân sự (civil
proceeding) và thực hiện các thủ tục hành chính để thâu hồi quy chế
thường trú và tiến hành trục xuất mà không phải ngồi tù. Họ có thể bị
chuyển sang cơ quan truy tố và thi hành về di trú (ICE) để xử lý và tiến
hành trục xuất. Nhưng việc thực hiện trục xuất không đơn giản, cần phải
qua một tiến trình.
NV: Vậy nếu người phối ngẫu còn đang ở Việt Nam, đang chờ được bảo lãnh thì sao, nếu hôn nhân của họ bị kết tội là giả?
PQT: Những người này không bị luận tội theo luật
pháp Hoa Kỳ, nhưng hồ sơ của họ sẽ bị lưu trữ mãi mãi trong Sở Di Trú
(USCIS) về việc dính líu tới kết hôn giả. Họ sẽ không có cơ hội để xin
được thị thực vào Mỹ theo diện vợ chồng và có thể nhiều diện khác.
NV: Quá trình trục xuất diễn ra như thế nào thưa ông?
PQT: Cần hiểu rằng ICE là cơ quan truy tố và thi
hành Luật Pháp Di Trú. Việc giam giữ (custody) của ICE không có tính
cách trừng phạt mà chỉ có tính cách hành chánh nhằm giam giữ những người
bị trục xuất để chờ ngày trả họ về đất nước mà họ có quốc tịch.
Thủ tục trục xuất phải dựa trên bản án sau cùng (tức là người bị trục
xuất không còn kháng án gì nữa), và áp dụng cho những người không phải
là công dân Mỹ. Trong bài phỏng vấn này, chúng ta đang nói về công dân
Việt Nam.
Muốn trục xuất công dân này thì trước hết, chính phủ Việt Nam phải đồng ý nhận những người này.
Xin nói rõ thêm, ngày 22 Tháng Giêng năm 2008, hai chính phủ Việt Nam
và Hoa Kỳ đã ký một thỏa ước (Memorandum of Understanding – MOU) là
chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu nhận những người Việt Nam bị chính phủ Hoa
Kỳ trục xuất những người đến Hoa Kỳ sau ngày thiết lập bang giao là
ngày 12 Tháng Bảy, 1995.
Điều này, không có nghĩa là những người Việt Nam tới Mỹ trước ngày
12 Tháng Bảy năm 1995 thì được miễn trục xuất. Chỉ đơn giản là hai
chính phủ chưa có một văn bản thỏa thuận nào dành cho các trường hợp này
mà thôi.
NV: Nhưng nếu Hoa Kỳ đã ra lệnh trục xuất mà chính phủ Việt Nam chưa chịu nhận thì sao?
PQT: Nếu chính phủ Việt Nam không hoặc chưa có văn
bản nhận lại công dân của họ thì ICE sau khi giam giữ trong một thời hạn
nhất định (thường là 90 ngày), phải phóng thích những người này cho đến
khi có thể thi hành lệnh trục xuất. Nhưng lại không có một quy chế, một
văn bản nào để quản lý những người này khi phóng thích, thành thử ICE
chỉ đòi hỏi họ trình diện có thể một năm một lần, hoặc qua điện thoại,
hoặc gắn chip theo dõi vào chân. Các đời tổng thống trước, những người
này vẫn được ở cùng gia đình, co khi con được có giấy phép để làm việc.
Nhưng tới thời Tổng Thống Trump, ngay cả những người tuân thủ luật pháp,
dù đang có gia đình, con nhỏ, dù đi trình diện đều đặn, thì tất cả cũng
có thể bị giam giữ để chờ ngày trục xuất. Các cơ quan hành pháp, đã
không suy xét theo từng trường hợp cụ thể, không nhân nhượng, gieo rắc
nỗi sợ hãi cho nhiều gia đình. Điều này, theo cá nhân tôi, là một vấn đề
về khía cạnh nhân đạo, đi ngược lại với giá trị căn bản của nước Mỹ.
NV: Nếu người phối ngẫu với công dân
Hoa Kỳ đã có quốc tịch, khởi đầu là từ một hôn thú giả từ hàng chục năm
về trước, nay bị phát hiện và bị kết tội, thì điều gì xảy ra với họ?
PQT: Căn cứ vào Luật Liên Bang Hoa Kỳ về việc tước
quốc tịch (8 U.S. Code § 1451 part 340 – Revocation of naturalization)
và hướng dẫn tại: Volume 12, Part L, Chapter 2 công bố trên Website Sở
Di Trú (USCIS) thì: “Bất kể người nào có được Quốc Tịch Mỹ bằng cách
gian dối, bất hợp pháp đều bị tước quốc tịch.”
Như vậy những người này, dù cố ý hay hay không cố ý trong việc kết
hôn giả, dù sự việc xảy ra đã lâu hay họ đã có quốc tịch bao năm trước
đi nữa, thì khi bị phát hiện vẫn có thể bị thu hồi quốc tịch. Chỉ có Văn
Phòng Bộ Tư Pháp (US Attoney Office) mới có thẩm quyền khởi sự thủ tục
và ra phán quyết về thu hồi quốc tịch.
Cần nói thêm rằng, nếu một người từng tham gia vào tổ chức khủng bố,
hay một đảng độc tài như Đảng Cộng Sản trong vòng 5 năm kể từ ngày nhập
quốc tịch, nếu bị phát hiện che giấu sự việc này, thì sẽ bị tước quốc
tịch.
NV: Vậy còn người đóng vai trò là người
bảo lãnh, nếu bị kết tội tham gia kết hôn giả, liệu có bị tước quốc
tịch (hoặc tước thẻ xanh) và trục xuất không?
PQT: Nếu người bảo lãnh (đương đơn đứng ra nộp hồ sơ
bảo lãnh) đã có quốc tịch Mỹ một cách hợp pháp (ví dụ do cha mẹ bảo
lãnh, hoặc từng được bảo lãnh diện vợ chồng trước đó nhưng là vợ chồng
thật) thì sẽ không bị tước quốc tịch. Người này là công dân Mỹ hợp pháp
nên sẽ không bị trục xuất dù phạm tội kết hôn giả. Nhưng người này, nếu
phạm tội kết hôn giả, sẽ bị xử tội hình sự theo luật pháp Hoa Kỳ và có
thể bị kết án tù.
Trường hợp người này chưa có quốc tịch, đang là thường trú nhân hợp
pháp, nếu phạm tội kết hôn giả, tùy theo mức độ nặng nhẹ, có thể bị xử
tội hình sự và có thể bị trục xuất về Việt Nam (nếu người này định cư Mỹ
sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995).
NV: Xin cảm ơn cựu Thẩm Phán Phan Quang Tuệ về bài phỏng vấn này! (Tâm An)
No comments:
Post a Comment