Gần cuối học kỳ I, các em xin làm đặc san cho lớp, tôi tin tưởng các em nên chỉ trao đổi qua loa. Tôi hỏi:
- Các em định lấy tên đặc san là gì? Nội dung tập trung chủ đề nào
- Dạ Phiêu! Chủ đề chỉ là chuyện học hành, vui chơi và bày tỏ một vài ý riêng.
Tôi hơi ngạc nhiên và thực tình chưa hiểu tên đặc san mà các em chọn. Các em hứa lúc nào xong bản thảo sẽ gởi tôi xem.
Đọc bản thảo tôi hơi ngạc nhiên, các em đã có một độ chín tôi không ngờ, cả nội dung, cả hình thức và văn phong của các em. Tôi thích! Ví như trong lời nói đầu của đặc san các em viết:
Phi bạt
Bạt của Phiêu lẽ ra phải là phi bạt vì trong Phiêu ta tìm thấy PHI và YÊU. Tình thương khi đạt tới cõi vô thường thì còn gì để nói?
Yêu từ đó đã bát ngát tình người. Sau lộ trình dài bảy lần quay của đất, giữa những giọng nói quen thuộc nhau sau vuông cửa, giữa những khuôn mặt không quen mà biết rõ trong bờ tường cao, khép lại đôi cánh rộng, bụi trúc văn phòng, lề đường Nguyễn Hoàng nhả nhòa khói thuốc nhìn ai, cụm sầu chiều hực nở vàng thông vào hành lang phòng 6. Miếng tôn sứt , gió đập khan đài sau phòng 27, sân bóng rổ, mỗi sáng chào cờ dấu mặt cười khúc khích …Tất cả chẳng là những sợi tơ vướng vít chân ta trước khi bước vào cuộc sống hay sao con đường mới mà áo trắng sẽ được thay bằng áo màu, khoác mặt nạ nghiêm trang trên một bục cao nào đó.
Thế đấy, đặc san của học trò mà có ý tứ, văn phong như vậy, điều này còn thể hiện trong các bài khác của đặc san. Tuy nhiên vẫn có những bài mang tính đùa cợt con nít, có bài mang tính suy tư bay bổng của tuổi trẻ, những nội dung không bằng phẳng này, tôi có trao đổi với các thầy cô có liên quan.
Ba, bốn ngày sau khi phát hành đặc san, cảnh sát đến trường làm việc với Hiệu Trưởng, hôm sau đến, mời tôi đến phòng Hiệu trưởng làm việc, việc mà họ làm là trịch thu tờ đặc san và đề nghị nhà trường đuổi học vĩnh viễn những em trong ban biên tập, với lý do trong một bài viết đã có những lời ngỗ nghịch xúc phạm đến thầy cô giáo… Tôi hỏi “Còn gì nữa không các anh ”, họ lắc đầu.
Tôi lấy cớ bận dạy, hẹn sáng hôm sau trao đổi tiếp, trước khi đi, tôi nói thêm:
- Thu hồi đặc san thì không khó, nhưng đuổi học vĩnh viễn Ban biên tập có đến năm bảy em học sinh, có cả tôi là điều không đơn giản và tôi đề nghị mời thêm anh Ngô Đình Cường cùng dự (Anh Ngô Đình Cường là đại diện phụ huynh của lớp, đồng thời có con là Ngô Đình Chính trong Ban biên tập, còn tôi là giáo sư hướng dẫn của lớp, nhưng trong danh sách Ban biên tập các em lại phong cho tôi là giáo sư cố vấn và đưa lên hàng đầu, tôi muốn đưa tôi vào những người bị đuổi là cố tình làm khó mấy ông cảnh sát).
Sáng hôm sau anh Cường và tôi đến trường đúng giờ, trong khi chờ cảnh sát đến, tôi trao đổi với anh Cường:
- Cảnh sát lấy cớ các em vô lễ với thầy cô mà đuổi học, cái đó dễ bênh vực, tôi chỉ sợ họ ghi về xu hướng chính trị và xa gần bày tỏ tinh thần phản chiến nó ẩn hiện trong một vài bài trong đặc san.
Anh Cường thêm:
- Cái đó tùy anh trình bày với họ, tôi chỉ nói ảnh hưởng xấu đến cuộc đời của các cháu nếu chúng bị đuổi học.
Khi cảnh sát đến, anh Cường tế nhị vén tay áo xem đồng hồ, hai cảnh sát hiểu ý , cười và xin lỗi đến muộn so với giờ hẹn.
Tôi lên tiếng trước:
- Xin các anh cho biết cụ thể, những điều các em vô lễ với thầy cô?
- Các em đã không dùng tên các thầy cô khi kể chuyện mà ví von bậy bạ…
- À ra thế, ví von thì có nhưng bậy bạ thì không. Trong bài nói về lịch học trong một buổi tác giả có ví von, như sắp đến giờ Pháp văn, tác giả viết là chúng ta sắp gặp một lữ khách hàng không rất trẻ, duyên dáng xinh đẹp của hãng Air France, hay sắp đến giờ Anh văn, tác giả viết chúng ta sắp gặp ngài Mir Braw, hay với tôi tác giả bảo thầy vào lớp tay không… Mỗi thầy cô có một thói quen dễ thương, các em dùng thói quen đó để chuyện trò. Cẩn thận hơn, Tôi đã gặp trước các thầy cô trình bày, các thầy cô đều cười và cho là chuyện con nít.
Đến lúc anh Cường thay mặt các gia đình học sinh thiết tha và chân tình đề nghị cảnh sát rút lại, những đề xuất trên với nhà trường.
Cuối cùng Hội đồng giáo sư nhà trường quyết định chỉ đuổi học 1 tháng với em Nguyễn Thị Minh Ngọc. Có được quyết định này chắc thầy Hiệu Trưởng đã vất vả lắm với cảnh sát, trong cái vui chung của cái án nhẹ đó, tôi có một nỗi buồn riêng, bởi Ngọc là em của Bs Nguyễn Sỹ Đức bạn cùng lớp với tôi ở Phan Bội Châu, năm đó lớp tôi ra Huế học chỉ có ba người Lê Thiệu Hùng, Nguyễn Sỹ Đức và tôi; Hùng và Đức học Y khoa, tôi học Sư phạm, buồn nữa Ngọc là học sinh có tiềm năng thực sự, tôi chỉ sợ với cú sốc này có ảnh hưởng xấu đến việc học của em sau này.
Nhưng không, em vẫn là một học sinh giỏi, thông minh. Em đã thành công khi vào đời, em là đạo diễn điện ảnh, rồi giảng dạy tại trường Đào tạo đạo diễn điện ảnh ở TP Hồ Chí Minh. Khi em làm xong bộ phim nói về Phan Thiết trong buổi chiếu ra mắt em có mời tôi xem, thực cảm động.
Anh Cường ơi ! Có lẽ anh trách tôi nhiều chuyện, nhưng thú thực trong nghề dạy học, chuyện anh và tôi cùng đối mặt giải quyết một khó khăn đời thường, đối với tôi có dấu ấn sâu sắc ghi đậm trong ký ức của tôi, tôi cảm được ở anh những khôn khéo tế nhị tinh tế như việc anh chỉ vén tay áo lên nhìn đồng hồ khi hai anh cảnh sát đến chậm so với giờ hẹn, là một đòn tâm lý cho họ không coi thường anh em mình, hay những lần được chuyện trò với anh ở biển Thương Chánh, nhà bác Xuân Hải… tôi đều nhận được ở Anh điều đó, biết vậy nên tôi không bất ngờ khi Anh có những bức ảnh để đời cho hôm nay và mai sau.
Hôm qua khi đến thắp nhang viếng Anh, tôi có xin phép Anh được viết đôi dòng để tỏ lòng thương nhớ Anh.
Phan Thiết, ngày 18 tháng 6 năn 2019
FB C Binh Hoang
Tác phẩm:Qua Đồi Mộng
Giải thưởng Tượng Vàng Quốc Tế - APA 1972
Giải thưởng Tượng Vàng Quốc Tế - APA 1972
No comments:
Post a Comment