Friday, March 20, 2020

Xóm Chài Bình Hưng (Đoản khúc ngợi ca biển)

       Tôi vốn không ưa thích biển vì biển đơn điệu và u buồn quá. Phong cảnh của biển mở toạc nhanh như lật một trang giấy, chẳng chút giấu diếm, chẳng chút thẹn thùng; Nhất là tiếng nói của nó. Tiếng sóng vỗ rì rào không ngừng nghỉ ấy luôn gợi trong tôi những nỗi buồn xa vắng.
       Cái bản nhạc trầm trầm, nghèo nàn cung bậc đó thường làm tôi thấy cô đơn. Tôi vẫn thường ví biển với tình thương của một bà mẹ. Vì mẹ thương con vô bờ bến, tình của mẹ cho hết, chẳng giữ lại cho mình một chút nào cả cũng như biển kia có giấu chúng ta cái gì đâu. Chỉ cần một lần thoáng nhìn chúng ta đã thu nhận được hình ảnh của biển trong ký ức.
       Nếu biển rộng mênh mông thì tình của mẹ cũng vô bờ bến. Nếu biển ru ta bằng tiếng sóng vỗ rì rào buồn muôn thuở thì mẹ cũng vỗ về giấc ngủ của ta bằng giọng à ơi tha thiết. 
       Suy nghĩ cho cùng, tôi không thích biển cũng chỉ vì con người tôi ưa thích sự sống động đó phải bao trùm lên một sự lung linh mờ ảo. Biển có lẽ chỉ thích hợp với những con người trầm mặc, không sôi nổi hoặc những người muốn sự trầm buồn, xa vắng sẽ gậm nhấm dần đi cái nỗi cô đơn của đời mình.
       Biển Thương Chánh nhỏ và buồn hơn bất kỳ bãi biển nào khác. Buổi chiều, những con tàu đánh cá của hợp tác xả bắt đầu ra khơi. Trùng dương xanh thẳm và dịu mát. Từng hàng thông, phi lao buông tiếng thở rì rào như bản tình ca muôn thuở của biển. Ở đây không có những cặp tình nhân nằm sải dài trên bải cát. Cũng không có những cặp trai gái sánh bước bên nhau. Từng lớp sóng bạc đầu lúc nào cũng tỏ ra hung dữ, đe dọa những con tàu bé nhỏ đang cưỡi lên mình nó. Xa xa Lầu Ông Hoàng không biết nằm đó tự bao giờ, trông sao điêu tàn trơ trọi. Tất cả đều vắng vẻ quạnh hiu. Nếu như không có tiếng sóng vỗ rì rào và tiếng thở của những rặng phi lao thì phải nói biển ở đây rất cô đơn rất buồn.
       Cái tình cảm của người đi xa luôn là thế. Sống mãi ở một nơi mà ta bắt đầu cảm thấy tù túng chật chội, thèm khát một nơi thật xa, thật hoang vắng. Càng xa càng yên tịnh bao nhiêu càng thích thú bấy nhiêu. Nhưng một khi đã đặt chân đến nơi mà ta tưởng tượng, thì chính hoang vắng đó lại làm ta thấy cô đơn. Và chính nó lại lôi kéo thúc giục ta quay trở lại nơi mà ta đã sống quen thuộc.
       Tôi thấy nhớ làm sao các bạn bè thân yêu ở Sài Gòn. Những đêm tối tắt cả đèn nến đi mà ca hát, vì chỉ có bóng tối mới chia xẻ được với những bản tình ca ướt ngọt. Chính cái bóng đêm đó làm cho cái "tình" trong con người ta dịu bớt đi, giác quan của chúng ta mở rộng hơn nữa: trái tim ta sẽ đập với một nhịp mạnh, để uống hết cái rung động của lời ca tiếng hát. Giờ đây tôi cũng không thể nào quên được những lúc cùng bạn bè quây quần bên gánh phở rong. Tôi lại còn thèm chết được nếu có giá vẽ và màu ở đây say sưa vẽ một bức tranh của bãi biển này. Tôi biết bức tranh đó sẽ không bao giờ hoàn tất. Nhưng mặc kệ, tôi thèm vẽ, tôi muốn vẽ .....và chỉ có vậy thôi.
       Cái thành phố biển nghèo nàn mà tôi mới đến lần đầu này đã gây cho tôi nhiều cảm giác ái ngại; ái ngại cho những con người và cuộc sống của nó. Và cái tình cảm ngộ nghĩnh đó đã dẫn dắt tôi đến một ý tưởng là khó có thể tìm thấy các cô gái xinh đẹp theo kiểu Dài Gòn ở đây. 

Đào Văn Bình
(còn tiếp)

Lầu Ông Hoàng nhìn từ Phan Thiết (NVT)


Đây là một ký sự của Văn Bình, anh kể lại khoảng thời gian sau khi ra trường năm 1966, về thực tập tại một vùng biển Phan Thiết. Các đoản thiên của Tập truyện chỉ là giả tưởng thì đây chính là những cảm nghĩ, suy tư của chàng về một xóm chài nghèo bên bờ đại dương. Tác giả không ưa thích biển vì nó u buồn, đơn điệu, tiếng sóng vỗ rì rào không ngừng luôn gợi cho ta những nỗi buồn xa vắng:
       Văn Bình ghi nhận:
 “Nếu biển rộng mênh mông thì tình của mẹ cũng vô bờ bến. Nếu biển ru ta bằng tiếng sóng vỗ rì rào buồn muôn thuở thì mẹ cũng vỗ về giấc ngủ của ta bằng giọng à ơi tha thiết.”
       Biển Thương Chánh nhỏ và buồn, một bãi biển nghèo nàn mộc mạc, những hàng thông, phi lao buông tiếng thở rì rào. Quang cảnh thật vắng vẻ quạnh hiu, tình cảm của tác giả trước bãi biển nhỏ và buồn khiến cho anh thấy cô đơn và rồi mâu thuẫn thay. Sống tại nơi mà anh cảm thấy tù túng ao ước một nơi xa hoang vắng và bây giờ nó thúc dục anh trở lại cái nơi mà mình đã sống đã quen, nay lại nhớ các bạn thân yêu ở Sài Gòn quây quần bên gánh phở rong .
       Văn Bình được giám đốc hãng đồ hộp Intraco cho chàng ở một căn phòng nhỏ ở trên gác, có giường và cái bàn nhỏ, một nơi riêng tư không phải nằm chung giường với các anh em trong gia đình như trước. Tự nhiên anh lại trở thành nghệ sĩ thích đứng bên song cửa nhìn biển khơi, ngắm những cánh buồm lô nhô xa tít, đưa mắt nhìn những chiếc thuyền quay vào bến cá.
       Chiều qua đêm tới, những bước chân nhẹ nhàng theo tiếng gió đưa, tiếng sóng vỗ rì rào từ xa vọng lại, ánh đèn của những con thuyền câu mực về đêm như choàng chiếc vương miện sáng rực như sao sa, giống như một thành phố nổi xuất hiện ban đêm rồi biền mất khi bình minh ló rạng. Ban chiều những đoàn thuyền nối đuôi nhau ra biển mang theo những chiếc đèn măng sông sáng, đàn mực tìm tới nơi có ánh sáng để làm mồi cho dân chài, biển đã lột xác thành mỹ nhân.
       Thành phố về đêm thanh tịnh và êm đềm, con đường Bình Hưng chạy ra biển đang nằm ép mình dưới ánh đèn vàng hiu hắt, đám thanh niên ra chợ cá khi choạng vạng tối, trai cũng như gái ăn mặc đẹp la cà ăn nhậu, coi hát hay đi dạo phố. Rồi những lão ngư ông trông giống như những bóng mờ trong đêm tối làm bạn với chai rượu đế để đánh dấu một ngày đã qua, cuộc đời của họ giống như con đường cô đơn dưới ngọn đèn vàng hiu hắt. Văn Bình đứng trên căn gác nhìn đường như muốn thở than trước cảnh hoang vu tịch mịch.
       Tiếng ồn ào máy chạy, tiếng người gọi nhau khiến chàng tỉnh giấc, tiếng dao băm trên thớt vang động khiến anh tưởng như một ngày làm cỗ lớn. Đó là sinh hoạt về đêm của hãng đồ hộp, từng gánh cá được quẩy vào, hôm nay cá về lúc khuya, hàng trăm người đàn bà, con gái sống bằng nghề chặt đầu cá để kịp đưa vô phòng lạnh. Chỉ cần năm nhát dao: chặt đầu, moi bụng, đánh vẩy hai mặt, chặt đuôi thế là xong. Tại đây có cả một em bé mới tám tuổi, Văn Bình tự nhiên chạnh lòng xót thương cho em bé hãy còn quá nhỏ phải lao đầu vào cuộc mưu sinh đêm hôm khuya khoắt trong khi hàng triệu em bé khác đang say sưa giấc ngủ bên nệm ấm, chăn êm, bên vòng tay trìu mến của mẹ hiền
       Hai mươi năm sống ở Sài Gòn chàng đã chứng kiến những trẻ em bươi đống rác tìm kiếm ve chai, dép nhựa... tác giả lại thấy lòng mình xe lại bởi lý do đơn giản, trong khi mọi người ao ước sự giầu sang hạnh phúc mà không làm gì để thay đổi thực trạng ấy. Bất công xã hội thì ai cũng ghét nhưng mọi người đều thích những bất công có lợi cho mình.


       Cuộc sống ở bến chài Bình Hưng bừng lên nhưng nó âm thầm với những người đang mơ màng giấc điệp, nó cũng ẩn chứa sự cay đắng, hy vọng, hồn nhiên, yêu đời. Biển khơi giờ đây chan hòa trong ánh trăng, những giải mây trắng nhẹ nhàng lững lờ bay đã che khuất mảnh trăng lưỡi liềm. Biển và đêm không chết nhưng nó cũng không ngủ mà như vỗ về giải cát đang nằm uốn lượn và ru ngủ cái thành phố nhỏ đang im lìm trong giấc điệp bằng bản tình ca buồn ra riết:
       “Gió ơi, em lạnh cho lòng ta ngây ngất,
         Biển ơi! hãy hát lên đi...”

       Văn Bình trở về căn gác nhỏ hưởng làn gió mát qua song cửa rồi mơ màng tới bóng dáng của Sài Gòn với bạn bè thân yêu với nỗi nhớ nhung bất tận.
        Tác giả kết luận:
        “Tôi nhìn lên trời, ngắm nhìn mảnh trăng vô định. Bây giờ trái tim tôi bỏ ngỏ....Tiếng băm trên thớt vẫn vang đều một nhịp... nhưng căn gác nhỏ bé của tôi trông sao hoang vắng.... bóng dáng của Sài Gòn, của các bạn bè thân yêu chạy qua trong đáy mắt với chút nhớ nhung ... đã ru tôi vào giấc ngủ chập chờn
       Một ký sự nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng diễn tả phong phú cuộc sống lam lũ của một xóm chài nghèo.

No comments:

Post a Comment