Monday, April 30, 2018

BÍCH HUYỀN - Lối cũ chẳng sao quên

Đường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng...

(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay -
Đoàn Chuẩn-Từ Linh)
 

Vĩnh Phú, địa danh tôi muốn quên mà không thể nào quên. Trong suốt hơn mười năm qua và trong cả cuộc đời . K1, K2, K3, K4...những chữ số ký hiệu kinh hoàng. Của tôi. Của những người tù và gia đình họ. Ở rồi, đến rồi, đi rồi...mấy ai muốn quay trở lại? Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải trở về đây. Cảnh vật không khác xưa là bao nhiêu dù thời gian trôi qua bốn năm rồi... 
Những khẩu hiệu:"Chào mừng thành công Đại Hội Đảng 5" ,"Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo Tài Tình", "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm..." lem luốc màu đỏ vì nước mưa, chảy dài xuống như những dòng nước mắt pha máu ngoằn ngoèo trên từng bờ tường loang lổ, cũ kỹ. Ngay phía dưới lại có hàng chữ mang tính "pháp lệnh" bằng những lời thô tục "Cấm ỉa đái". Có cả những nét chữ nguệch ngoạc chửi thề. Hình như không một ai để ý. 
Ở cái ga xép èo uột gần tận cùng của đất nước này, những con người lam lũ, ngác ngơ, còn đang loay hoay với ký trà, bao gạo, rổ rá nhựa, nồi niêu xoong chảo, xấp vải Chợ Lớn hoa xanh, hoa đỏ...Che che, giấu giấu, tránh con mắt dòm ngó của bọn Công an kinh tế. Chính sách của Đảng đổi mới rồi, tự do buôn bán nhưng người dân lại khổ vì sưu cao thuế nặng. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi không đến trại Tân Lập bằng đường sông nữa.
Đạp xe trên bờ đê. Dắt xe đi bộ qua bãi cát lổn nhổn những vỏ sò, vỏ ốc. Băng ngang qua những thửa ruộng khô cằn của vùng đất miền trung du. Cái hình ảnh "quê em miền trung du, đồng chiêm lúa xanh rì..."của một thời hoàng kim nào xa lắm, nay ở đâu? Giặc tràn về đốt phá thôn làng. Gia đình ly tán. "Vườn không nhà trống tàn hoang" còn trong trí óc non nớt của tuổi thơ tôi. Giờ đây, giặc nào đã làm cho miền Bắc điêu tàn? 
 Đảng Cộng Sản Việt Nam, đỉnh cao của trí tuệ loài người! Ôi, mỉa mai thay những khẩu hiệu kêu to như những chiếc thùng rỗng! Đảng lãnh đạo tài tình làm sao để bao nhiêu năm đời ta có Đảng, bấy nhiêu năm Đảng phá nát tan? Để những người dân quê hiền hoà cởi mở trở nên ngu ngơ câm lặng đến thế kia sao? 
Dân cư ở đây rất thưa thớt. Họ sống trong những mái nhà lụp xụp, vách đất, mái tranh. Mảnh vườn. Rào thưa. Khoảng sân đất. Giếng nước. Chiếc gầu..tất cả đều quá nhỏ bé, trơ trụi, xa lạ. Trẻ con gầy còm, ốm yếu. Quần đùi vá víu miếng nọ miếng kia. Cởi trần, ngồi nghịch đất. Không tiếng nô đùa. Không tiếng hát. Không tiếng nhạc của máy thu thanh. Không cả tiếng hót. Như một vùng đất chết. Ba người anh cùng đi với tôi chuyến này đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết của hơn ba mươi năm về trước. Thoát ly gia đình, mang tuổi trẻ của mình cống hiến cho đất nước . Để rồi khi biết mình bị lừa thì đã muộn. Cũng dòng sông Lô nắng vàng lấp lánh nhưng còn đâu tiếng hát rộn ràng? Cũng con đê này của những buổi chiều vai đeo ba lô từ chiến khu về, rầm rập bước chân. 
Trong không gian, hồi chuông ngân nga trong chiều thu lộng gió, ba người anh tôi ôn lại một vài kỷ niệm xưa. Tiếc nuối. Tôi làm các anh tỉnh giấc mơ:"Phải chi ngày ấy các anh không đi theo phong trào Thanh Niên Cứu Quốc thì nay em đâu phải đi bốc mộ chồng ở một nơi đèo heo hút gió này!" Ba người anh im lặng. Họ như muốn quên đi những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. Yêu tự do. Yêu tổ quốc. Đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước . Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày trở về giải phóng thủ đô Hà Nội. Những người bộ đội với tuổi hai mươi. Trẻ trung. Học thức. Hà Nội đã bừng lên một sức sống mới. 
Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Hà Nội tưng bừng tiếng hát. Không bao lâu, những cuộc đấu tố dã man diễn ra khắp nơi. Ông bác tôi bị đấu tố, dù có năm người con đi kháng chiến. Nghe tin dữ, các anh về quê xin Đảng khoan hồng. Không những không tha, họ còn xúi giục các anh tôi: phải giác ngộ cách mạng, phải đứng vào hàng ngũ nhân dân, cùng vạch tội, chỉ tên địa chủ, cường hào, ác bá. Ông bác tôi bị tù. Khổ sai lao động. Thất vọng, đớn đau nhìn bố vác cây, đào đất, khiêng đá, trộn hồ...Những người tù già này làm việc suốt ngày đêm để đạt chỉ tiêu biến khu đất hoang quanh hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, thành một công viên mang tên Thống Nhất. Đến thập niên 1980 đổi thành công viên Lê Nin. 
Cũng vì sự khổ nhục của người bác thân yêu mà bao lần ra Hà Nội là bấy nhiêu lần tôi không đặt chân vào công viên này. Cũng như tôi đã không đến vui chơi khu K4 Long Khánh, một địa điểm du lịch mới lạ của miền Nam. Vì nơi đây được tạo nên bởi những bàn tay của cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng sản tù đầy, hành hạ. 
Các anh tôi, vài năm đầu "Sài Gòn giải phóng", vì đường lối của Đảng, hay vì muốn các em của mình ở miền Nam sớm "giác ngộ" để hoà nhập ngay với cuộc sống mới, đã có những lần tranh luận. Bao giờ cũng trở thành lớn tiếng cãi nhau. Tôi đã làm các anh nhức đầu không ít. Lần cuối cùng, tôi không cãi lại các anh nữa. "Đảng đã cho các anh tôi sáng mắt sáng lòng”. Đó là lần một anh nói với tôi:"Người em không yêu làm em khổ, em đâu có đau bằng anh? Anh đã yêu, anh đã dâng hiến cả cuộc đờim mà ngày nay anh bị phụ bạc, anh bị lừa dối...". Một anh khác:"Viên gạch đã trót để vào xây tường, giờ có rút ra cũng bị vỡ tan. Thôi em ạ, không còn con đường nào khác!" 
Trên con đê này, giữa khung cảnh hoang vắng của buổi chiều trung du, bốn anh em đi bên nhau. Thương cho thân mình. Thương cho các anh. Lý tưởng sụp đổ tan tành. Ngày mai đen tối. 
Trời chạng vạng. Tôi đã bắt đầu đi những bước thấp bước cao. Quãng đường này làm tôi nhớ lại những lần vượt biên. Xuống ghe tại Nhà Bè khi thành phố còn chìm trong màn đêm. Lên bờ đi bộ băng qua bao nhiêu là thửa ruộng. Vấp ngã bao lần mà không cảm thấy đau đớn vì thần kinh đang trong tình trạng căng thẳng: hồi hộp, lo sợ. 
Lần này trên cánh đồng: mệt mỏi, chán chường…Cũng phải vài giờ nữa mới tới trụ sở Ban Chỉ Huy. Tiếng dế nỉ non. Xa xa ánh đèn leo lét. Cố lê bước tới đó để xin ngủ nhờ qua đêm. Nhìn một căn nhà tương đối khang trang, chúng tôi vào gặp chủ nhà xin ngủ đỡ ngoài mái hiên. Nhưng cũng bị từ chối. Đang lo lắng không biết tôi có đủ sức đi tiếp hay không, thì như có phép lạ, một người đàn bà gánh lúa từ xa đi tới. Bà ta dừng lại:"Các bác tìm nhà ai thế?" Khi biết ý, bà ta mời chúng tôi về nhà. Bốn anh em mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Dù gánh lúa nặng trĩu trên vai, bà ta vẫn bước đi thoăn thoắt. Trong khi tôi lẽo đẽo theo sau. 
Khi bà đẩy cánh cổng tre, bóng tối làm tôi không thể nhìn rõ một người đàn ông đang xếp lúa ngay đầu nhà. Ông ta không quay lại và cũng không lên tiếng đáp lại lời chào của các anh tôi. Trước thái độ lạnh nhạt đó, chúng tôi hơi e ngại. Trong lòng vẫn mừng thầm không bị đuổi ra. 
Một gian nhà ba gian bằng tre sơ sài nhưng gọn ghẽ. Nhìn cách trang trí nhà cửa, nhìn bức tượng Chúa nho nhỏ trên bàn thờ cao, tôi có thể đoán chủ nhân không phải là người quê mùa. Tôi ôm bộ quần áo ra giếng. Những giọt nước mát lạnh làm tôi tỉnh táo lại. Trăng bắt đầu lên. Tôi đã nhìn rõ khung cảnh chung quanh. Mảnh sân hình chữ nhật. Khu vườn nhỏ. Chái bếp cuối sân. Ánh lửa bập bùng. Hàng cây cau vươn cao đón ánh trăng. Tôi liên tưởng tới hàng cau của khu vườn trước nhà tôi ở quê hương. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường trèo lên nhanh như một chú mèo con để hái quả cau cho mẹ tôi têm trầu đãi khách. Trong không gian thoang thoảng mùi hương hoa thiên lý. Âm thanh tiếng đàn mandoline bản Valse Favorite vui tươi, tiếng hát chan chứa tình quê "Làng tôi xanh bóng tre. Hồn lắng tiếng chuông ngân. Tiếng chuông nhà thờ rung..." chợt khua động trong tôi ngày tháng êm đềm thời thơ ấu. 
Tôi thở thật sâu để nén xúc cảm. Đêm yên lặng. Đêm mờ ảo. Tất cả đều rất mong manh. Một tiếng động nhỏ cũng đủ làm tan vỡ giấc mơ xưa thoáng đến với tôi, đưa tôi về thực tại. Tôi phải vào nhà để bàn chuyện ngày mai. 
Tiếng cười nói làm tôi ngạc nhiên. Ông chủ nhà cùng ba anh tôi đang vui vẻ quây quần bên khay trà bốc khói. Thấy tôi vào, ông kéo ghế trịnh trọng mời ngồi. Tôi còn đang ngơ ngác trước thái độ thay đổi nhanh chóng thì một anh đã giải thích:"Ban đầu ông Tuyển tưởng anh em mình đi thăm nuôi tù. Bây giờ ở đây có tù hình sự (những thanh thiếu niên can tội cướp của giết người ) Tù chính trị chuyển đi từ lâu rồi. Một số về trại Hà Nam Ninh. Đa số vào Nam. 
Ông Tuyển đặt ly trà thơm phức trước mặt tôi: "Được biết cô về đây bốc mộ cho chồng, chúng tôi vô cùng cảm kích. Gia đình chúng tôi xin hết sức giúp đỡ cô và các ông anh đây." 
Vầng trán cao. Khuôn mặt chữ điền. Cách nói chuyện lưu loát cùng dáng điệu từ tốn, cử chỉ lịch sự, chứng tỏ ông Tuyển là một người có một số vốn kiến thức về học vấn cũng như về xã hội. Ông cho biết có một người anh là linh mục trong một ngôi nhà thờ vùng đất đỏ Long Khánh. 
Ông Tuyển đã sắp xếp chỗ ngủ cho chúng tôi. Để khách được tự do, ông Tuyển dặn dò vợ con và đi vào thôi tìm người quen chuyên việc cải táng. 
Gian phòng khách rộng, sơ sài nhưng ngăn nắp. Giường tre, bàn gỗ mộc mạc, thô kệch, được hình thành có lẽ do bàn tay của chủ nhà. Tượng Chúa và tượng Đức Mẹ trên cao là một hình ảnh cảm động hiếm có trong những ngôi nhà tại miền Bắc. Theo như lời ông Tuyển, đời sống gia đình ông bắt đầu khá hơn kể từ khi hợp tác xã nhà nước tan vỡ. Lối làm ăn tập thể nhường lại cho lối khoán sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn phải nộp đủ cho nhà nước , cả nhà xúm nhau cày cấy mới có gạo ăn. 
Dưới nhà ngang, các con ông bà Tuyển đang đập lúa, giã gạo, sàng sẩy...Mọi người chăm chú làm việc, không tò mò để ý khách phương xa. Tôi mệt mỏi nằm thiếp đi trong chốc lát. 
Khi tôi tỉnh dậy, trăng đã lên cao. Ông Tuyển vừa về tới. Tay cầm hai chai rượu và một bó hoa tươi. Ông cho biết đã tìm được một người rất thành thạo trong việc bốc mộ. Chai rượu này để rửa hài cốt. Tìm mua được rượu ở miền núi không phải là chuyện dễ dàng.
Bà Tuyển bưng mâm cơm từ nhà bếp lên. Chúng tôi trải chiếu ngoài hiên, ngồi ăn cơm dưới ánh trăng. Đĩa thịt gà luộc thơm mùi lá chanh thái chỉ rắc lên trên. Tô canh rau "tập tàng"- đủ mọi loại rau hái ngoài vườn - mát ngọt. Tôi không ngờ anh em chúng tôi được đối xử như một thượng khách ở nơi đây. Thế mới biết ở một nơi tưởng chừng như không có, ta vẫn tìm thấy một tấm lòng.
Qua một đêm ngủ với nhiều mộng mị, sáng sớm hôm sau, tôi và các anh đến Bộ Chỉ Huy. Có quãng đường đi được bằng xe đạp. Có quãng đường đá lởm chởm phải dắt bộ. Chỉ huy trại là người mới. Không phải Thiếu Tá Nguyễn Huy Thùy tôi gặp lần trước. Hắn vồn vã thái quá, khiến tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Hắn kể chuyện, có một người nước ngoài, cách đây không lâu, về đây bốc mộ bố. Cầm bình hài cốt lên xe, xe không nổ máy. Gọi xe ngựa đến kéo, con ngựa nhảy quớ lên không chịu chạy.
Nhìn hắn ba hoa, ngồi bỏ cả hai chân lên ghế, tôi hơi khó chịu. Nhất là cặp mắt hắn thỉnh thoảng lại nhìn vào mấy bao thuốc là "555" anh tôi mang đến làm quà. "Ba con năm vừa nằm vừa ký", cho nên bọn tôi mới được chấp thuận một cách dễ dàng.
Những chuyện hắn nói có thể xảy ra ở đâu, hắn nghe được. Hắn muốn nói đến đời sống tâm linh. Anh em tôi thì có rất ít thời gian. Cũng có thể sau một thời gian quá dài bị đè nén, những con người triệt để chống chủ nghĩa duy tâm ngày nay bắt đầu duy tâm hơn ai hết.
Xe Volga cọc cạch chở chúng tôi đi lên ngọn đồi, nơi an nghỉ của những quân nhân chế độ cũ. Ít ra từ ngày Việt Cộng muốn bang giao với Mỹ, đã có lúc họ bỏ được từ ngữ "ngụy quân ngụy quyền". Nhưng tiếc tay những tên gọi này vẫn là vết hằn trong lòng người Việt.
Tôi ngồi đợi trong một căn nhà nhỏ dựng sơ sài bằng tre nứa. Nền đất lồi lõm. Trên vách nhỏ treo đủ thứ khẩu hiệu, kế hoạch công tác hàng tháng, tuần... Hình ảnh các lãnh tụ Cộng Sản thế giới và trong nước quá khổ so với bức vách, treo xộc xệch như sắp rơi. Đây là nơi làm việc của toán công an canh gác.
Cách đây bốn năm, khi tôi đến nơi đây nhận mộ chồng, cảnh vật chung quanh gọn ghẽ hơn. Hàng ngày còn có bàn tay bạn tù săn sóc. Giờ đây cỏ cây, dây leo chằng chịt, không nhìn thấy lối đi. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tên công an cầm bản đồ nghĩa trang và các anh tôi trở lại trụ sở với gương mặt thất vọng. Không tìm thấy mộ vì cỏ cây che lấp cả một vùng rộng lớn. Tim tôi như muốn ngừng lại. Chẳng lẽ lại về không?
Tôi xin mọi người hãy cho tôi đến tìm. Tôi thầm cầu nguyện cũng như ở Sài Gòn, mẹ tôi và các em tôi đã cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được tốt đẹp.
Kỳ lạ thay! Tôi chỉ vạch lá chui vào đúng một quãng ngắn là tìm ra mộ. Tôi reo to lên. Các anh tôi đứng ngoài không tin. Ngôi mộ có hai bia đá. Tôi lầm thế nào được. Một tấm bia tôi mang từ Hà Nội lên. Một tấm bia nữa của anh em bạn tù đẽo gọt bằng tay. Nét chữ khắc vào đá mờ đi vì rêu phủ.
Trong khi người thợ cải táng chặt cây cối chung quanh, tôi thắp nhang lui cui cắm trên từng ngôi mộ. Đêm mưa, cỏ ướt, ngửi thấy có hơi người, những con vắt nhảy ra, bám lấy chúng tôi. Máu chảy ròng ròng. Tôi muốn ngất người đi vì sợ. Cây cối quang dần. Dầu nóng tôi bôi đầy mặt, mũi, chân, tay, khiến những chú dế bé xíu cũng không dám nhảy ra đột kích nữa.
Một ít trái cây mua vội dọc đường, bó hoa ông Tuyển mua dùm, chúng tôi chỉ có những tấm lòng thành trước linh hồn người đã khuất. Người anh lớn nhất của tôi khấn thật lâu. Những cây nhang cháy rất nhanh, tàn cong vòng...khói nhang thơm toả ngát. Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đất, lòng tôi đau buốt. Tiếng cuốc, xẻng đều đều vang vọng giữa miền rừng núi hoang vu. Từng tảng đất bật lên, tâm hồn tôi nhu vỡ vụn. Cho tới lúc lưỡi cuốc đụng vào quan tài. Tôi hồi hộp. Các anh tôi nôn nóng.
Khi tôi ra đến Hà Nội, các bậc lão thành có trấn an:"Đất núi miền khô ráo, xương cốt lâu ngày sẽ tan đi. Phải chuẩn bị tinh thần: có thể đứng trước một cái hòm chỉ có đầy cát bụi!"
Thế cho nên khi những nhát búa đầu tiên bổ xuống để nạy nắp quan tài, tôi cứ giật thót mình. Một cảm giác đớn đau như lần đầu tiên nghe thấy tiếng đóng đinh vào quan tài bố tôi lúc liệm quan...
Gỗ áo quan dầy và chắc. Khi chiếc nắp bật lên, tôi lạnh người: chiếc chăn len màu đỏ! Suốt đêm qua, người anh lớn của tôi cứ chợp mắt là nằm mơ thấy xác chồng tôi quấn bằng mảnh vải màu đỏ. Gương mặt các anh tôi xúc động. Bóc lượt chăn len ra là quần áo. Hết lớp áo này đến lớp quần khác. Bàn bè đã dồn tất cả cho người chết mang đi. Nước mắt tôi ràn rụa. Màu xanh lá cây đậm của chiếc áo len mẹ tôi mua tặng, gửi trong năm ký lô quà đầu tiên ra Bắc. Chiếc sơ-mi trắng ngà có từng sợi chỉ xanh xanh, hồng nhạt, mang về Sài Gòn sau chuyến du học tại Mỹ năm 1971. Chai dầu gió, đôi giày ba ta...tất cả tôi đã tự tay xếp vào ba lô trước ngày anh đi trình diện "học tập cải tạo".
Không còn lầm được. Không còn ảo tưởng:"Đã trốn trại, còn đang ẩn trốn tại một nơi nào." Tôi mất anh thật rồi! Thế là hết. Tôi khóc nức lên. Trời như nổi gió. Cỏ cây chao đảo. Đồi núi quay cuồng. Quanh tôi cảnh vật mờ đi...
Lâu lắm, khi tôi tỉnh dậy, đống tro tàn của áo quần vừa đốt còn âm ỉ cháy. Trong một cái sanh to bằng gang dùng thổi cơm cho trại tù đã gẫy tay cầm, các anh tôi đã đổ bột nhang thơm với rượu trắng để ngâm xương cốt. Người thợ cải táng cùng các anh tôi quấn giấy bao từng lóng xương, đặt từng mảnh vào trong nhiều túi ni-lông ...
Không gian mênh mông yên lặng. Tôi lặng lẽ theo các anh tôi bước nhanh cho kịp chuyến đò cuối cùng...
(Chuyến bốc mộ vào năm 1985)

Trích tập truyện Lối Cũ Chẳng Sao Quên
(The Trail I Never Forget)
tác giả: Bích Huyền

Sunday, April 29, 2018

Tháng Tư và những dòng sông Bến Hải

Tháng Tư và những dòng sông Bến Hải hôm nay, tôi là cậu thiếu niên 16 tuổi trong một phiên gác Nhân Dân Tự Vệ .. Trời mưa sấm và chớp, nhóm của tôi toán ba người đang rút vào nhà một người quen trú mưa chờ dứt phiên gác, và vô tình cùng gia đình họ ngồi nghe trực tiếp truyền thanh toàn bộ buổi bàn giao chức vụ Tổng Thống lịch sử.
__________________________________
.“…Đây là phóng viên Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam, quí thính giả đang theo dõi trực tiếp truyền thanh lễ trao nhiệm chức Tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh…
==> Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài Dinh Dộc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…” .. Đó là nguyên văn câu mở đầu tường thuật của người phóng viên trong buổi lễ, giọng nói đầy xúc cảm của người phóng viên đó đã in sâu trong đầu tôi suốt bao nhiêu năm dài, chính câu nói đó chỉ trong mấy giây thôi, đã thay đổi tôi thành một người khác.
Tôi bỗng nhận ra tôi là ai. Tôi bỗng nhận ra hai chữ “đất nước” của người phóng viên vừa nhắc đến đó chính là “đất nước” hiện tại của tôi đang sống, đang thở. Cái “đất nước” đã nuôi tôi khôn lớn, đã cho tôi những tháng ngày tươi đẹp của tuổi ấu thơ, đã dạy cho tôi bao điều hay lẽ phải trong trường lớp…
Đau đớn thay, tôi biết cái “đất nước” này của tôi đang hấp hối, nó đang thoi thóp những ngày cuối cùng. Tôi thương “đất nước” của tôi quá! Tôi tiếc nuối, tội nghiệp cho nó quá ! Nhưng biết làm gì hơn khi bánh xe lịch sử đang quay cuồng trong cơn giông tố của thời đại.
“Thưa quí thính giả, vào lúc này bên ngoài Dinh Độc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…”
Trời đang đổ mưa hay đang nhỏ lệ ?
Ôi có buổi chiều nào u ám như hoàn cảnh của đất nước tôi chiều ngày 28-4 ! và đã hơn bốn mươi mấy năm rồi, và câu nói đầy xúc cảm đó đến nay như vẫn còn văng vẳng bên tai.
==> 30-4-1975 Ngày Định Mệnh.
Nhà tôi ngay mặt tiền đường Trương Minh Giảng. Quận 3, bây giờ thì họ gọi là đường Lê Văn Sĩ, truớc đó, có thời tên là đường Nguyễn Văn Trỗi, đây là một trong ba con đường chính dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất của Sài gòn, từ nhà tôi, mấy ngày nay đã có thể dễ dàng trông thấy những cụm khói bốc lên từ phía phi trường cùng những tiếng nổ ì ầm vọng lại…
Sáng ngày 30-4 ,bỗng nhiên vắng lặng một cách lạ lùng. Không có tiếng súng. Không bóng người trên đường phố, khoảng 8 giờ sáng từng tốp nhỏ những người lính Cộng Hòa từ phía phi trường đi bộ lên. Không đội hình. Không súng ống. Một số không cả ba lô hành trang nào cả. Những người lính đi mà hình như không biết đang đi đâu. Họ chỉ đi…
Một tốp lính khoảng chừng 10 người dừng lại trước nhà tôi. Những người lính rất trẻ. Họ bắt đầu cởi áo lính.
Nhà tôi lúc đó có một người anh họ là Trung úy Bộ binh, từ Phan Thiết dẫn được vợ con chạy kịp về Sài Gòn mấy ngày trước, tỵ nạn trong nhà. Anh ấy và ba tôi nói chuyện gì một lúc, tôi thấy hai người gom một mớ quần áo và tiền. Xong, anh tôi ôm mớ quần áo và tiền đó mở cửa bước ra trao lại cho những người lính này. Anh tôi bắt tay vài người, vỗ vai an ủi vài người lính khác…. Họ có nói với nhau vài lời nhưng tôi không nghe rõ. Trước khi trở lại vào nhà, anh móc túi lấy gói thuốc trao lại cho một người lính trong đó.
Vài tiếng sau, một đoàn lính khác từ phía phi trường đi bộ lên
Rất đông.
Họ đi ngay hàng thẳng lối, nép sát dưới những mái hiên.
Đội hình kỷ luật. Ba lô súng ống đầy đủ.
Và im lặng.
Toán bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt đầu tiên tiến vào Sài Gòn từ ngã phi trường.
Thành phố tôi ở chính thức đổi chủ,
… và đổi tên .
Những dòng sông Bến Hải hôm nay.
Năm 1954, hiệp định Geneve lấy dòng sông Bến Hải chia đôi hai miền Nam-Bắc, bắt đầu cho cuộc chiến tranh ý thức hệ huynh đệ tương tàn.
30-4-1975, nội chiến chấm dứt. Dòng sông hiền hòa ở vĩ tuyến 17 đó không còn chia cách núi sông đôi miền đất nước nữa, nhưng đã có biết bao con sông Bến Hải khác…
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của bên thắng cuộc và người thua cuộc !
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của người giải phóng và người bị giải phóng !
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của ngày chiến thắng 30 tháng tư và ngày quốc hận 30 tháng tư !
Và có trong tim của ông Võ Văn Kiệt hàng triệu dòng sông Bến Hải khác.
Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, Cố cựu Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt phát biểu :
– “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
Có lẽ đó là câu nói thành thực nhứt của một nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ khi đảng Cộng sản được thành lập.
Đã bốn mươi mấy lần tháng Tư.
Bạn ở trong số hàng triệu người vui, và nếu vẫn còn vui thì…cứ vui.
Tôi ở trong số hàng triệu người buồn kia, mối hờn ... chất chồng theo năm tháng…
Xin hết




























Sài gòn 30 tháng 4


Sống đến 30t mà chưa nhận ra bản chất của cộng sản là kẻ ko có trái tim , sống đến 40t mà chưa nhận ra sự dối trá lọc lừa tàn độc của cộng sản là kẻ ko có cái đầu.
_______________________________
Sài Gòn - ngày 29 tháng 4 năm 1975 ,Phi trường Tân Sơn Nhất, nơi đồn trú của bộ tư lệnh Không Quân VNCH và Sư Đoàn 5 Không Quân trân mình chịu đựng những cơn pháo kích của Cộng quân từ 3 giờ sáng ,những chiếc phi cơ đủ loại phơi mình trong nắng như thách thức đạn pháo của địch, một vài chiếc C123 đang bốc cháy vì trúng đạn pháo.
Lực lượng phòng thủ phi trường đang cố gắng chống đỡ trong tuyệt vọng, hầu hết những tướng tá, những người anh cả trong đơn vị đã hùng dũng dùng quyền lưc của mình để xử dụng những phương tiện để đào thoát, bỏ mặc những binh sĩ thuộc hạ tự lo lấy thân
Trên bầu trời xanh cuối tháng Tư, khoảng chín giờ sáng chiếc AC119 (*) vẫn lầm lũi,bướng bỉnh đảo vòng quanh phi trường rải những lưới đạn đại liên xuống những vị trí chung quanh vòng đai phi trường nơi đám Cộng quân đang điên cuồng cố gắng thanh toán nốt mục tiêu cuối cùng. Quân cộng Sản cố gắng triệt hạ chiếc AC119 cô đơn bằng nhữnh lằn đạn phòng không. Chung quanh phi cơ, những nấm khói trắng vội vã nở bung như những bông hoa tiếp theo những tràng đạn chát chúa nhưng chiếc phi cơ vẫn lầm lì coi thường đáp trả lại bằng những cơn mưa đạn hung thần xuống đầu bọn chúng mà chẳng cần bay lượn tránh né.
Bỗng một tiếng nổ xé trời ,vệt khói trắng bay thẳng như mũi tên lao thẳng vào chiếc phi cơ . Chiếc AC119 nổ tung trong trái cầu lửa, thân phi cơ gẫy vụn làm nhiều mảnh, những mảnh nhôm vỏ bọc phi cơ bay lờ lững trong không gian như những chiếc lá vàng mùa thu trong cơn cuồng phong,không một bông dù được bung ra.Đất nước vừa có thêm những anh hùng vô danh: Phi Hành Đoàn AC119. đền nợ nước bởi hỏa tiễn Sam hay SA7 của Việt Cộng.
Người lính kỹ thuật Không Quân trào nước mắt, tay cầm mũ ấp vào ngực cúi đầu chào vĩnh biệt đồng đội vừa anh dũng hy sinh trên chiếc AC119 . Động lực nào mà các anh đã dũng cảm chiến đấu một cách vô vọng trong lúc các anh có thừa phương tiện đào thoát trong tay ? các anh đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại mẹ già,vợ dại, con thơ và những người thân ? chỉ có câu trả lời duy nhất : Thà chết vinh hơn sống nhục, các anh không chịu đầu hàng một cách tủi nhuc như lệnh của ông Tổng Thống Cuối cùng sau khi lên nắm quyền chưa đươc 24 giờ.
Lầm lũi rời khỏi cổng Phi Long ( cổng chính phi trường TSN), khẩu súng M16 trên vai và hai kẹp đạn trong túi, tâm hồn tan nát như những mảnh vụn của chiếc C119 vừa nổ tung, hắn quên luôn cả lệnh buông súng đầu hàng, quên luôn những nguy hiểm chung quanh hắn, chỉ một tên “ cách mạng 30” với vũ khí vừa nhặt được trên đường phố hay những nòng súng bắn sẻ đâu đó từ những con hẻm, góc phố hay từ sau những cánh cửa nào đó cũng dễ dàng đưa linh hồn hắn gặp các đồng ngũ của hắn vừa ra đi . Dù chợt nhớ tới lệnh buông vũ khí nhưng hắn cũng bất cần, nếu bị bắn sẻ mà ra đi trong lúc này thì chắc còn dễ chịu hơn phải sống như bây giờ.
Bước chân vô định qua những đống quân phục , nón sắt, giầy bốt,vũ khí của đầy đủ các quân chủng bỏ ngổn ngang trên đường phố , những tiếng súng lẻ tẻ hay từng loạt đạn nổ chat chúa cũng không kéo được hắn ra khỏi cơn mộng du. Ký ức lôi kéo hắn trở lai những ngày sau cùng của cuộc chiến . Mất Ban Mê Thuột, Pleiku , Huế. Đà Nẵng di tản với bao hãi hùng đã rơi vào tay địch, trận Khánh Dương với các chiến binh Dù được tải thương về bằng C130. Hắn đứng nhìn những thương binh được tải xuống từ những chiếc xe bus, những thương binh còn tự lo liệu đươc đã cố gắng lê lết trên những thân hình tàn tạ, bê bết máu hay cõng nhau để lên những chiếc GMC đưa về bệnh viện của đơn vị bên trại Hoàng Hoa Thám, những cánh tay mệt mỏi đưa ra xin hắn vài điếu thuốc.Hắn sót sa chia sẻ bao thuốc cuối cùng cho các chiến thương binh kém may mắn,hy vọng những điếu thuốc sẽ xoa dịu cho bạn đồng ngũ phần nào những đau đớn thể xác.
Rồi tin KQVN vừa thả xuống mặt trận Xuân Lộc hai trái bom CBU.55 đã tiêu diệt trọn vẹn hai sư đoàn Cộng quân làm mọi người phấn khởi. Nhưng rồi tin vui cũng như đốm lửa chợt bừng sáng rồi tắt lịm, Nha Trang thơ mộng không còn nữa, Bình Long, Biên Hòa cũng mất và giờ này thì căn cứ Tân Sơn nhất, cứ điểm sau cùng của quân lực VNCH chỉ còn là bãi chiến trường hoang vắng .Bước chân lang thang như một thói quen đưa hắn đến nhà người bạn đồng ngũ thân nhất gần căn cứ, ở đó đã có thêm một đồng ngũ ngồi ủ rũ, gặp nhau một cách đột ngột, cả ba đứa đột nhiên ôm chặt lấy nhau cùng òa lên khóc, bọn hắn khóc nức nở như những đứa trẻ thơ, như chưa bao giờ được khóc dù chưa kịp nói được một lời hỏi han.
Sau cùng thì cũng là những trao đổi xem ai còn, ai mất. Chợt nhận ra cây M16 hắn còn đeo trên vai, bạn hắn nói: “ mày điên hay sao mà giờ này còn mang súng? , bọn khốn nạn đó thấy sẽ giết mày không thương tiếc đâu”. Hắn cười, nụ cười khinh bạc, héo hắt : “ có lẽ chết giờ này sướng hơn sống”.Giã từ bạn đồng ngũ, hắn lê thân xác nặng nề trên đường phố hoang vắng,đâu đó vẫn lẻ tẻ những tiếng súng cầm cự của lưc lượng Biệt Kích không chịu buông súng đầu hàng một cách nhục nhã. Biết đi về đâu ? Định mệnh tàn ác vừa chụp lên đầu hắn và nhiều triệu dân miền Nam Viêt Nam những ngày đen tối nhất.
==> Viết lại tâm trạng của người lính thất trận 
(*) AC119 : Môt. Loại phi cơ vận tải được cải biến , trang bị với nhiều đại liên 6 nòng hai bên thân phi cơ, mỗi khẩu đại liên có khả năng bắn ra 6,000 viên đạn trong một phút, dùng để chống chiến thuật biển người của địch.

Friday, April 27, 2018

Toàn văn Tuyên bố chung Thượng đỉnh Đại Hàn - Nam và Bắc Hàn

Kim Jong-un đọc diễn văn cam kết hòa bình với Nam Hàn: Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nắm tay nhau đưa lên cao sau khi ký Tuyên bố chung Thượng đỉnh Nam Bắc Hàn ngày 27/4/2018 tại Bản Môn Ðiếm ở khu phi quân sự chia cắt hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân Triều Tiên, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) Kim Jong Un đã họp Thượng đỉnh liên Triều tại Nhà Hòa Bình ở Bản Môn Ðiếm ngày 27/4/2018.
Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân [hai miền] Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.
Lãnh đạo hai nước, chia sẻ cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời Chiến tranh Lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ liên Triều và tuyên bố tại địa điểm lịch sử Bản Môn Ðiếm:
1. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.
(1) Nam và Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên và đồng ý thúc đẩy thời khắc quyết định để cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách thực thi đầy đủ các thỏa thuận và tuyên bố hiện có mà hai nước đã thông qua.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao trong nhiều lĩnh vực và thực thi những biện pháp tích cực để đạt được các thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập một văn phòng tùy viên chung với đại diện thường trú của cả hai bên đặt tại Gaeseong để có thể cung cấp tham vấn xác thực giữa hai chính phủ cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
(4) Nam và Bắc và Triều Tiên đồng ý khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ở Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức các sự kiện chung của cả hai nước, như ngày 15/6 với sự tham gia của chính phủ, quốc hội, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự. Trên bình diện quốc tế, hai bên nhất trí thể hiện sự đoàn kết, trí tuệ và tài năng chung bằng cách cùng tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội thể thao châu Á 2018.
(5) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do việc chia đôi đất nước gây ra và sẽ tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ liên Triều để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán nhân dịp đánh dấu Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.
(6) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết trong Tuyên bố ngày 4/10/2007, để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc. Bước đầu, hai bên đồng ý tiến hành các bước đi thiết thực hướng tới việc nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt dọc theo hành lang vận tải phía Đông và giữa Seoul và Sinuiji.

2. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, cả hai bên đồng ý biến khu phi quân sự [DMZ] thành khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm việc chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý lập kế hoạch biến khu vực xung quanh Đường Biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình để tránh nguy cơ va chạm quân sự ngoài mong muốn và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân của cả hai miền.
(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự để đảm bảo việc liên lạc, thăm hỏi, trao đổi và hợp tác diễn ra tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước, bao gồm các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đối thoại quân sự đầu tiên ở cấp tướng lãnh vào tháng 5.
3. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.
https://baomai.blogspot.com/
Kim Jong-un trở thành lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên từ 1953 bước qua lằn ranh để vào Nam Hàn

(1) Nam và Bắc Triều Tiên tái khẳng định Hiệp ước không có những hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào và đồng ý tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này.
(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng đợt ngay khi căng thẳng quân sự hạ giảm và tạo được những bước tiến vững chắc trong việc tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên.
(3) Vào dịp đánh dấu 65 năm Hiệp ước đình chiến, Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, và có thể là cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn.
(4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý, thông qua các cuộc họp thường xuyên, các cuộc điện đàm trực tiếp, sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và thẳng thắn về những vấn đề quan trọng của dân tộc, củng cố lòng tin lẫn nhau để tạo dựng động lực tích cực cho quan hệ liên Triều nhằm đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Trên tinh thần đó, Tổng thống Moon Jae-in Nam Hàn đồng ý đi thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay.

Ngày 27 tháng 4, 2018
Tại Bản Môn Ðiếm



 

A bromance blossoms as Kim and Moon hold hands during historic meeting and even listen to K-pop together at the end of an incredible day as they vow 'there will be no more war'

  • North Korean dictator greeted by President Moon after crossing military demarcation line on 38th parallel 
  • Leaders met at Panmunjom, the truce village where the Korean War armistice was signed in 1953  
  • South Korea praised 'sincere, candid' talks and said leaders spoke about issues including denuclearization
  • They later embraced before signing a declaration that 'there will be no more war on the Korean Peninsula'
  • Further talks finished at dinner, with dishes painstakingly selected to emphasize unity between two Koreas
  • Donald Trump tweeted 'KOREAN WAR TO END!' adding US 'should be very proud of what is now taking place'
  • Summit ended with Kim and Moon clasping hands as they attended a lavish farewell ceremony at the site

60 năm Sài Gòn, hồn ở đâu bây giờ?

 Thương xá Tax.
Nhớ, nhớ đến từng chi tiết từ cái bước chân đầu tiên đặt lên đất Sài Thành, nhớ từng ngõ ngách, từng nhân vật thuộc về quá khứ ấy cho đến ngày nay. Mặc cho Sài Gòn đã có nhiều tang thương dâu biển, từ cái tên thành phố đến những con đường đã thay họ đổi tên, từ con người đến xã hội cho đến cả cái cách sống cũng đã khác xưa nhiều lắm.

Bước chân đầu tiên trên đất Sài Gòn

Thế mà 60 năm rồi đấy, kể từ ngày tôi mới đặt chân lên thành phố Sài Gòn. Tôi nhớ như in, ngày đầu tiên ấy. Cuối tháng 1 năm 1954, sau hai tháng học ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức, ngày thứ bảy chúng tôi được đi phép ở Sài Gòn. Niềm mơ ước của tôi từ những ngày còn nhỏ ở trường trung học, ước gì có ngày mình được vào Sài Gòn. Niềm mơ ước ấy còn rộn ràng hơn khi khóa học sĩ quan khai giảng.
Thủ Đức – Sài Gòn chỉ có hơn 10 cây số, tuy chỉ cách thành phố rất gần nhưng theo đúng chương trình khóa học, hai tháng sau chúng tôi mới được đi phép. Mấy anh “Bắc Kỳ” nôn nao hỏi thăm mấy ông bạn “Nam Kỳ” về Sài Gòn, từ cái xe taxi nó ra sao, đi thế nào, bởi hồi đó miền Bắc chưa hề có taxi, cho đến Chợ Lớn có những gì… Mấy ông bạn Nam Kỳ tha hồ tán dóc. Đầu óc tôi cứ lơ mơ về cái chuyến đi phép này.
Rồi ngày đi phép cũng đến, một nửa số sinh viên sĩ quan đi phép mặc bộ tenue sortie là ủi thẳng tắp, áo bốn túi, chemise trắng tính, thắt cravate đen đàng hoàng, giầy đánh bóng lộn có thể soi gương được. Vô phúc quên cái gì là bị phạt ở lại ngay. Nhưng hầu như chưa có anh nào bị phạt. Đoàn xe GMC của trường chở chúng tôi chạy vèo vèo vào thành phố. Ôi cái cửa ngõ vào thành phố hồi đó chưa có gì lộng lẫy mà chúng tôi cũng mở to mắt ra nhìn. Đoàn xe “diễu” qua vài con phố rồi dừng lại trên đường Hai Bà Trưng hồi đó còn gọi là đường Paul Blanchy, ngay phía sau Nhà Hát Lớn Thành Phố mà sau này là Trụ Sở Hạ Nghị Viện VNCH.
Cú nhảy từ sàn xe GMC xuống con đường Hai Bà Trưng là bước chân đầu tiên của tôi đến đất Sài Thành hoa lệ. Ông Hồ Trung Hậu là dân miền Nam chính hiệu, ông đã hứa hướng dẫn tôi đi chơi… cho khỏi “ngố”. Chúng tôi đi bộ vào con đường nhỏ bên hông Nhà Hát Thành Phố và khách sạn Continental, vòng ra trước bùng binh Catinat – Lê Lợi (hồi đó còn gọi là Boulevard Bonard) và Nhà hát thành phố. Nhìn mặt trước nhà hát thành phố có mấy bức tượng bà đầm cứ tưởng… mình ở bên Tây. Lúc đó đã có nhà hàng Givral rồi, nhưng tôi vẫn còn “kính nhi viễn chi” cái nhà hàng văn minh lịch sự giữa thành phố lớn rộng đó, chưa dám mơ bước chân vào.
Ông Hậu vẫy một cái taxi chở chúng tôi về nhà ông. Taxi hồi đó toàn là loại deux cheveaux, nhỏ hẹp sơn hai màu xanh vàng. Khi bước lên xe, đồng hồ con số chỉ là 0, đi quãng nào số tiền nhảy quãng đó, trong ngày đầu tiên, tôi ngu ngơ làm quen với không khí Sài Gòn qua gia đình anh em ông Hậu. Hôm sau ông bạn tôi đi với bồ nên tôi bắt đầu cuộc solo giữa thành phố xa lạ này. Tất cả sinh viên sĩ quan đều không được đi xe buýt hay xích lô, phải đi taxi. Nhưng lệnh là lệnh, chúng tôi học các đàn anh khóa trước, cởi áo bốn túi, bỏ cravate, cất cái nón đi là lại tha hồ vung vẩy.

Trở thành người Sài Gòn từ bao giờ

Nơi tôi đến đầu tiên là Chợ Lớn. Một cuốc taxi từ giữa trung tâm thành phố đến cuối Chợ Lớn mất 12 đồng. Tôi tìm đến khách sạn rẻ tiền của mấy thằng bạn Bắc Kỳ ở đường Tản Đà, một con phố nhỏ. Ba bốn thằng thuê chung một phòng cũng chẳng có “ông mã tà” nào hỏi đến. Chợ Lớn hồi đó tấp nập hơn ở Sài Gòn, con phố Đồng Khánh chi chít những khách sạn, hàng ăn, cửa tiệm tạp hóa lu bù tưởng như mua gì cũng có.
Sòng bạc lớn nhất đông nam á
Tấm biển Casino Grande Monde – Sòng bạc Đại Thế Giới.
Chúng tôi cũng biết cách chui vào Kim Chung Đại Thế Giới xem thiên hạ đánh bạc. Hôm đó có anh Nguyễn Trọng Bảo cùng Đại Đội tôi nhưng lớn hơn chúng tôi vài tuổi và là một cặp với Nguyễn Năng Tế (lúc đó mới là người yêu của nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh). Anh thử đánh “tài xỉu”, may mắn làm sao, một lúc sau đó anh được khoảng vài trăm ngàn. Thế là chúng tôi xúi anh “ăn non”, không chơi nữa, rủ nhau đi ăn. Bắt đầu từ hôm đó chúng tôi đi “khám phá” Sài Gòn và rồi theo cùng năm tháng trở thành người Sài Gòn lúc nào không biết. Càng có nhiều thăng trầm chúng tôi càng gắn bó với Sài Gòn hơn.

Lần thứ hai trở lại Sài Gòn

Tôi lại nhớ ngày trở về Sài Gòn sau hơn 12 năm đi tù cải tạo từ Sơn La đến Vĩnh Phú rồi Hàm Tân. Đó là vào buổi chiều tháng 9 năm 1987 khi đoàn xe thả tù cải tạo bị giữ lại nhà giam Chí Hòa, nghe các ông quan chức trấn an về số phận chúng tôi khi được trở về,
Khoảng hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới được thoát ra khỏi cánh cửa sắt nhà tù Chí Hòa. Ngay từ cổng trại tù đã có đoàn quay phim đợi sẵn để quay cảnh “vui mừng đoàn tụ” của tù nhân, chắc là để chứng tỏ cái sự “khoan hồng bác ái” của nhà nước cho những thằng may mắn không chết trong ngục tù. Lại là lần thứ hai tôi đặt chân lên đất Sài Gòn nhưng với tư cách khác giữa một thành phố đã đổi chủ, Thấy cái cảnh sẽ bị quay phim, Trần Dạ Từ kéo tôi lên vỉa hè đi lẫn trong đám thân nhân được vận động ra đón tù cùng những người dân tò mò nhình “cảnh lạ”. Tránh được cái máy quay phim, chúng tôi đi gần như chạy ra khỏi con phố nhỏ này.
Ra đến đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi đi chậm lại, nhìn đường phố mà cứ thấy đường phố đang nhìn chúng tôi với một vẻ xa lạ và xót thương? Trần Dạ Từ còn lại ít tiền, anh rủ tôi ghé vào đường Hiền Vương ăn phở. Chẳng biết là bao nhiêu năm mới lại được ăn tô phở Hiền Vương đây. Tôi chọn quán phở ngay sát cạnh tiệm cắt tóc Đàm mà mấy chục năm tôi cùng nhiều bạn bè vẫn thường đến cắt tóc. Có lẽ Trần Dạ Từ hiểu rằng anh về đoàn tụ cùng gia đình chứ còn tôi, vợ con đi hết, nhà cửa chẳng còn, sẽ rất cô đơn, nên anh níu tôi lại. Ngồi ăn tô phở tưởng ngon mà thấy đắng vì thật ra cho đến lúc đó tôi chưa biết sống ra sao giữa thành phố này.
Ở tiệm phở bước ra, chúng tôi đi bên nhau dưới ánh đèn chập choạng của con đường Duy Tân mà Phạm Duy gọi là con đường Đại Học “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt.” Đến ngã tư Phan Đình Phùng, tôi chia tay người bạn tù Trần Dạ Từ, đi lang thang trong cô đơn, trong bóng tối của chính đời mình. Bây giờ tôi mới hiểu hết nghĩa của sự cô đơn là thế nào. Tôi bắt đầu cuộc sống lưu lạc trên chính quê hương mình. Tôi tìm về nhà ông anh rể đã từng nuôi nấng tôi suốt những năm tháng trong tù. Bắt đầu từ đó tôi trở thành người Sài Gòn khác trước.
Và rồi với những cùng khổ, những khó khăn, tôi đã tự mình đứng lên. Bởi tôi thấm thía rằng thằng bạn đồng minh xỏ lá đã phản phé mình, lúc này không ai cứu mình cả, anh không vượt qua nó, nó sẽ đè chết anh. Vì thế cho đến bây giờ sống giữa Sài Gòn, tôi phải là người Sài Gòn và mãi mãi sẽ là người Sài Gòn. Làm được cái gì hay chết bẹp dí là do mình thôi.
Tôi không lan man về chuyện cũ tích xưa nữa, bởi nói tới những ngày tháng đó chẳng biết bao giờ mới đủ. Cho đến hôm nay, 25 tháng 8 năm 2014, hơn 60 năm ở Sài Gòn, mọi người đang xôn xao về những đổi thay lớn của Sài Gòn, tôi không thể ngồi yên. Tôi muốn chính mắt mình được nhìn thấy những thay đổi ấy. Mặc dù qua 2 lần nằm bệnh viện và với cái tuổi trên tám mươi, tôi đã mất sức nhiều, hầu như suốt ngày ngồi nhà đã từ ba tháng nay.
Tôi điện thoại cho Thanh Sài Gòn rủ anh đi thăm “cảnh cũ người xưa”. Chúng tôi vào phở Hòa, một tiệm phở nổi tiếng từ trước năm 1975 cho đến nay. Con đường Pasteur đan kín xe cộ, tiệm phở Hòa có vẻ tấp nập hơn xưa. Bạn khó có thể tìm lại một chút gì đó của “muôn năm cũ”. Tô phở bị “Mỹ hóa” vì cái tô to chình ình và miếng thịt cũng to tướng, có lẽ ông bà chủ đã học theo phong cách những tiệm phở Việt Nam ở Mỹ. Nó “to khỏe” chứ không còn cái vẻ “thanh cảnh” như xưa nữa.
60 năm Sài Gòn, hồn ở đâu bây giờ?
Đường Pasteur xưa.
Sau đó, nơi tôi tìm đến đầu tiên chính là Thương Xá Tax. Vừa đến đầu hai con đường gặp nhau Pasteur – Lê Lợi đã nhìn thấy một hàng rào bằng tôn chạy dài. Đường Lê Lợi chỉ còn đủ một lối đi nhỏ dẫn đến Thương Xá Tax và công viên Lam Sơn. Chiếc xe gắn máy len lỏi cho đến tận cuối đường Lê Lợi sát mép đường Tự Do. Chúng tôi đứng trước cửa TX Tax đang bày ra cảnh vô cùng vắng vẻ, chỉ có tôi và anh bảo vệ nhìn nhau. Anh thừa biết tôi đến đây để làm gì. Anh bảo vệ cũng không còn làm cái nhiệm vụ cao quý là mở cửa đón khách, anh để mặc tôi tự do đẩy cánh cửa kính nặng chịch đi vào trong khu thương mại. Đèn đuốc vẫn thắp sáng choang, chiếc thang máy cuốn vẫn lặng lẽ chạy không một bóng người. Nó mang một vẻ gì như người ta vẫn lặng lẽ theo sau một đám tang. Trong quầy hàng đầu tiên, điều khiến tôi chú ý là hàng chữ nổi bật hàng đại hạ giá (Big Sale) tới 70% đỏ loét chạy dài theo quầy hàng và hàng chữ “Tạm biệt thương xá Tax”.
Tôi cố gợi chuyện với cô chủ hàng xinh xắn: Cô phải đề là “Từ biệt thương xá Tax mới đúng chứ, sao lại là Tạm Biệt?” Cô hàng trẻ đẹp thở dài ngao ngán: “Ấy người ta còn hứa khi nào căn nhà 40 tầng làm xong sẽ cho chúng tôi được ưu tiên thuê cửa hàng đấy.” Nhưng ngay sau đó cô lại lắc đầu: “Hứa là hứa chứ khi đó mình không cổ cánh, đút lót thì đừng hòng bén mảng tới, ông có tin không?”
Bị hỏi ngược, tôi đâm lúng túng ấp úng nói lảng: “Phải đợi tới lúc đó mới biết được.” Cô bán hàng quay đi, dường như cô chẳng tin gì cả.
Các quầy hàng khác vẫn mở cửa, mỗi gian hàng chỉ còn lại vài ba người, chắc toàn là những ông bà chủ. Tôi nghĩ họ đang làm công việc khác chứ không để bán hàng. Có ai mua đâu mà bán. Tôi đến hỏi thăm vài ông bà chủ cửa hàng, không tìm thấy bất cứ nụ cười nào trên những khuôn mặt buồn hiu ấy.
Có lẽ vài tuần nay, người đi tìm đồ hạ giá đã “khuân” đi khá nhiều rồi, lúc này những thứ hàng còn lại không còn giá trị nữa. Tuy nhiên cửa hàng nào cũng còn bề bộn hàng ế. Nhìn lên tầng lầu cũng vậy, nó còn vắng vẻ thê thảm hơn.
Tôi bước lên mấy bậc của bục gỗ, ghé vào một tiệm bán máy hình còn nguyên si bởi ông chủ quyết không giảm giá. Tôi hỏi lý do, ông có vẻ liều:
– Thà ế chứ không giảm.
Tôi lại tò mò hỏi tiếp:
– Vậy là ông có một cửa hàng ở nơi khác nữa?
Ông lắc đầu:
– Không.
Tôi hỏi:
-Vậy ông sẽ làm gì?
Câu trả lời của ông cụt lủn:
– Về quê làm ruộng.
Tôi yên lặng trước sự bất bình đó. Đứng nhìn hàng loạt máy hình, máy quay phim đủ loại còn nằm rất thứ tự trong tủ kính sáng bóng. Tôi lại hỏi:
– Chắc họ phải đền bù cho ông những thiệt hại này chứ?
– Chưa có xu nào cả. Thời hạn bắt di dời nhanh quá, trở tay không kịp.
Tôi nghĩ chắc ông này cũng chỉ là người đi thuê lại cửa hàng của một ông nhà giàu nào đó mà thôi, ông có vẻ bất cần đời. Tôi từ giã, ông chỉ gật đầu nhẹ.
Nhìn sang hàng loạt cửa hàng vàng bạc đá quý gần như vẫn còn nằm nguyên vẹn và không một bóng khách vãng lai. Các bà, các cô tha hồ nhìn nhau ăn cơm hộp. Tôi có cảm tưởng một thành phố chết vì chiến tranh gần kề hay vì một nạn dịch nào đó.
Vậy mà tôi vẫn còn đi vơ vẩn trong cái không gian như nghĩa trang sống đó. Tôi đi tìm hình bóng của một thời dĩ vãng, nào vợ con, nào bè bạn, nào những người xa lạ trong cái nhịp thở rộn ràng thân thiện của tất cả Sài Gòn xưa ở chốn này. Chẳng bao giờ trở lại. Tôi muốn gọi tên tất cả trong hoài niệm tận cùng sâu lắng.

Ngậm ngùi nhìn công viên Lam Sơn trống rỗng

Rồi tôi cũng phải bước ra. Trở về với thực tại, nhưng vẫn gặp cái vắng lặng của vỉa hè chạy dài theo đại lộ Nguyễn Huệ. Dường như chỉ còn có Thanh Sài Gòn ngồi ngất ngư với “người xưa trong ảnh” của một ô quảng cáo vuông vắn phía ngoài thương xá.
Chúng tôi đi qua khu công viên Lam Sơn, lúc này đã được phá sạch, chỉ còn vài cây cổ thụ cao lêu nghêu bên cạnh “công trường” đang làm, dường như hàng cây đứng chờ giờ hành quyết như các “đồng nghiệp” của nó đã bị đốn hạ vài hôm trước. Các bác thợ quần áo xanh, dây đeo chằng chịt đã và đang dọn dẹp cho công trường trống rỗng. Tôi đứng trước Nhà Hát Thành Phố nhìn cảnh “vườn không nhà trống” đó mà ngậm ngùi nhớ tới pho tượng Thủy Quân Lục Chiến sừng sững đứng bảo vệ thành phố ngày nào và nhớ tới những đồng đội Thủy Quân Lục Chiến đã ngã xuống hoặc giờ này đã ở khắp phương trời xa.
60 năm Sài Gòn, hồn ở đâu bây giờ?
Pho tượng Thủy Quân Lục Chiến.
Chắc hẳn bạn còn nhớ ngay cạnh đó là góc bùng binh Nguyễn Huệ – Lê Lợi còn là nơi tổ chức đường hoa vào dịp Tết. Gia đình nào chẳng một lần kéo nhau đi giữa đường hoa với tâm trạng rộn ràng của một ngày hội hoa xuân. Từ năm nay sẽ mất hẳn, chẳng bao giờ thấy bóng dáng mùa xuân ở đây nữa.
Cuối cùng tôi trở lại nơi mà lần đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố Sài Gòn. Tôi đã nhảy xuống xe GMC ở đây, đúng nơi này, phía sau Nhà Hát Thành Phố, bây giờ là trụ sở của Tổng Công Ty Cấp Nước của thành phố. Mặt đường nhựa chẳng có gì thay đổi, nó cũng nhẵn mòn như những con đường nhựa khác, nhưng với tôi nó là một dấu son đáng nhớ nhất trong đời. Vậy mà đã đúng 60 năm rồi sao?
Mai này Sài Gòn sẽ còn mất đi nhiều thứ nữa như vòng xoay trước cửa Chợ Bến Thành, một biểu tượng mà bất cứ ai đã đến Sài Gòn dù chỉ một lần cũng không thể nào quên. Đó là những thứ sẽ mất đi để làm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ngoài tuyến metro số 1, còn xây dựng thêm 6 tuyến metro khác. Chúng ta sẽ mất đi nhiều di tích xưa cũ. Sài Gòn sẽ đổi khác rất nhiều, để lại trong người Sài Gòn dù ở đâu cũng thấy cảm thấy một nỗi bùi ngùi, nhớ tiếc. 60 năm Sài Gòn, hồn ở đâu bây giờ?
Tác giả: Văn Quang Chỉnh sửa và tổng hợp theo Saigonxua.org và Fanpage Saigonxua