Trong bữa cơm, chồng chê món trứng xào cà chua mặn đót, Vy đã định giải thích rằng đúng lúc đang nêm nước mắm thì cái lưng dở chứng kêu khục một tiếng. Cơn đau như lan ra khắp cơ thể đến tận đầu ngón tay đang buông xuôi cho chai nước mắm cứ thế chảy xuống chảo trứng xào. Vy không nhớ mình đã than lưng đau bao nhiêu lần. Cứ như thể việc than thở sẽ làm cơn đau giảm bớt. Nhưng Thụ nghĩ than thở vốn là đặc tính của đàn bà. Hơi đâu mà quan tâm.
Vy nghĩ đến mẹ. Mẹ đã phải chịu những cơn đau cột sống, đau vai gáy gần chục năm nay. Mẹ cũng đã từng than tối ngày “xương khớp gì tựa như đi mượn”. Lúc trẻ mẹ trèo bẻ củi khế nấu cơm chẳng may bị ngã. Mẹ bị gãy tay và một khớp xương sống chùn xuống kéo theo những cơn đau dai dẳng lúc về già. Nhưng ngày ấy mẹ không chụp X-quang nên không biết. Phần vì không có tiền, phần vì lúc ấy mẹ còn trẻ nên coi thường. Cứ tưởng bó bột xong cái tay là cú “hóc xương gà sa cành khế” chỉ còn lại trong ký ức. Ai ngờ đến tuổi xế chiều lưng bỗng dở chứng đau. Đốt xương sống bị xẹp khiến mạch máu không lưu thông. Kéo theo những cơn đau vai gáy và lan đến tận đỉnh đầu gây choáng váng. Nhiều khi mẹ phải nằm liệt giường cả tuần trời. Mẹ chẳng thiết tha gì, chỉ húp vài thìa cháo loãng. Hỏi mẹ có thèm ăn gì không? Mẹ cười bảo “chỉ thèm một cái lưng khỏe mạnh”.
Mẹ nằm trên giường và nhớ đến cái lưng của mình những ngày còn trẻ. Lưng tất bật phơi những mẹt chuối ngoài sân, bầy ong từ đâu bay vào tìm mật. Lưng trải dài trên sân thóc mùa thu hoạch, nhặm nhượi rạ rơm oằn cả ngày nắng gắt. Lưng cúi xuống thổi bếp nấu cơm trong những ngày mưa dầm dề củi ướt. Lưng quanh quẩn trong nhà khâu áo cho chồng, nấu kẹo cho con, hôn con mèo già lười biếng. Lưng ngấp nghé ngoài hàng rào hái rau mồng tơi, trồng vài bụi nghệ vàng làm thuốc, ít cây sả đuổi rắn muỗi khỏi vườn. Lưng ở ngoài đồng, lưng vội vã chợ chiều, lưng thảnh thơi hiên nhà, lưng thong dong chạy chơi cùng các cháu. Giờ thì cái lưng nằm co quắp một chỗ, khẽ động đậy nhẹ thôi cũng đau nhức khôn cùng. Nó làm mình làm mẩy hai bàn tay đấm bóp, đôi chân đi lại khẽ khàng và cái đầu máu không lưu thông gây choáng váng. Nó rền rĩ trách móc thân chủ của mình đã bỏ bê nó quá lâu. Đã mang vác bao nhiêu sức nặng lên nó. Đã hờ hững khi nó có dấu hiệu bị tổn thương. Đã phó mặc nó cho những cái tặc lưỡi: Chắc đêm qua nằm ngủ sai tư thế, đau nhức tí có hề gì. Ôi dào, giở giời ấy mà vài hôm lại hết. Vài lần tặc lưỡi như thế thì tuổi già ập đến. Cái lưng không gồng gánh nổi sức nặng nữa đành gục xuống như tráng sĩ bại trận.
- Giờ mà quay lại được thời gian mẹ sẽ đối xử với cái lưng của mình tử tế hơn.- Như con bây giờ muốn tử tế với lưng mình cũng đâu có được.
- Ờ thì… lưng của đàn bà là để gánh gồng.
Bố Vy hay rượu. Cứ mỗi lần say chửi bới chán, bố lại lăn ra ngủ. Ngủ từ sáng đến tối. Từ ngày này sang ngày khác. Mở mắt ra bố lại đi tìm rượu, mặc ruộng ngoài đồng cạn khô chưa ai tát nước, mặc đám mạ đã lên cao chưa ai cày bừa để cấy, mặc ruộng lúa vừa gặt xong mẹ phải còng lưng gánh một mình. Nếu mẹ tử tế với lưng mình thì ai sẽ gánh gồng thay mẹ khi các con đều còn quá nhỏ. Nếu mẹ thương lưng mình có lẽ anh em Vy đã không được ăn no, mặc ấm, được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Lúc cúi xuống bê thúng lạc, mẹ không đứng lên nổi vì đau. Lúc cúi xuống vác cây chuối trên vai mẹ nghe tiếng lưng mình kêu “khậc”. Vy nghĩ đốt xương sống bị xẹp của mẹ chưa chắc đã do ngã cây khế năm nào. Biết đâu vì những xô vữa xách xây nhà. Vì một lần nào đó vác từng bó củi to từ rừng xuống bếp. Vì ngày anh trai Vy đau bụng dữ dội giữa đêm khuya, nhà không có xe, mẹ phải cõng đứa con trai mười sáu tuổi trên lưng tất tưởi chạy đến trạm xá. Cũng có khi vào đúng hôm bão to, nhà bếp đổ. Mưa trút xuống những bao thóc vừa mới phơi khô buộc kỹ. Bố say rượu lay mãi không dậy, mấy mẹ con chạy thóc trong mưa. Anh em Vy mỗi đứa một đầu bao khiêng ì ạch. Mẹ cứ bặm môi mà vác hết bao này đến bao khác chạy đua với cơn mưa xối xả. Tiếng của lưng có thể đã lẫn vào tiếng mưa, tiếng thở hổn hển, tiếng than “Đời cực quá. Có chồng mà cũng như không”.
Lúc mới sinh con, Vy không được nghỉ ngơi. Nằm ở nhà chồng, người ra người vào, thằng nhỏ giật mình tỉnh giấc quấy khóc liên miên. Vy vừa đặt lưng đã phải ngồi dậy dỗ dành, thay tã lót cho con. Chồng đi làm xa, đêm chỉ có một mình trông con mà thằng nhỏ cứ đòi bế rong mới ngủ. Chưa đầy một tháng Vy đã làm đủ mọi việc trong nhà. Bệnh dạ dày tái phát vì bữa nào cũng chan canh nuốt vội khi đứa con quấy khóc không một ai à ơi bế giúp, kể cả mẹ chồng. Lưng bắt đầu có dấu hiệu đau mỏi mỗi khi ngồi lâu. Tai ù đi còn mắt thì mờ nhức. Cũng có than vài lần nhưng chồng không nghe thấy. Hoặc có nghe thấy cũng như gió thoảng qua. Hoặc cười như nhạo báng “làm như mỗi mình em biết đẻ”. Tiếng của lưng thường bị thờ ơ như thế.
Thụ luồn những ngón tay vào mái tóc Vy. Đấy là hành động âu yếm hiếm hoi. Vy nghĩ đây chính là lúc nên nói với chồng về cơn đau từ cổ gáy lan ra hai vai và xuống tận các đốt ngón tay. Những cơn đau âm ỉ ăn mòn từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời Vy. Có đôi khi Vy thấy như có cả nghìn con kiến đang bò lan trong cơ thể rồi thi nhau cắn. Nhưng Vy chưa kịp nói gì thì Thụ đã ngủ ngon lành. Đàn kiến đang dừng lại ở vai, hình như chúng đang nghe ngóng khi thấy tiếng thở dài của Vy hơi mạnh. Vài con kiến bắt đầu mon men bò tiếp đến khuỷu tay, đến cổ tay. Rồi chúng quay đầu lên cổ chạy mải miết dọc thắt lưng. Đêm trở lạnh, bệnh viêm amidan tái phát khiến Vy ho từng hồi bung họng. Mỗi lần ho, lưng càng đau nhức. Thụ cựa mình, bỏ những ngón tay ra khỏi tóc Vy rồi quay mặt vào tường. Đàn kiến đang gặm nhấm sống lưng Vy.
- Hình như em bị thoát vị đĩa đệm rồi.
- Em thì chỉ có mỗi cái bệnh hay tưởng tượng. Mấy tuổi ranh mà thoát vị đĩa đệm gì chứ.
- Bệnh tật đâu có chừa tuổi tác. Mà em thì cũng gần bốn mươi rồi. Trẻ trung gì nữa.
- Ờ thì… đi khám đi. Ở nhà kêu than đâu giải quyết việc gì.
Vy sợ bệnh viện. Sợ theo kiểu có bệnh cũng không muốn khám. Bác sĩ đẹp trai cỡ mấy cũng không át nổi nỗi sợ hãi trong Vy. Nhưng cái lưng đã kéo Vy đi bằng những cơn đau âm ỉ và dai dẳng. Bác sĩ nói tỉnh bơ “khối người phải sống chung với cơn đau thoát vị đĩa đệm cả đời vì cũng sợ dao kéo không chịu phẫu thuật như chị vậy”. Đứa bạn thân bảo “đi châm cứu xem sao”. Vy nằm sấp cảm nhận được từng mũi kim châm lạnh buốt đang xuyên vào thịt da mình. Được vài buổi thì Vy không đi nữa mà quay về với góc bếp nhỏ sắc những ấm thuốc nam. Ngày ba bữa có thêm một cốc thuốc nhâm nhi. Đắng lạ. Thụ ái ngại “uống nhiều thuốc vậy còn bụng đâu mà ăn cơm nữa”.
Thụ đi công tác xa nửa tháng, thời gian đầu chỉ gọi điện về nhà hỏi thăm qua quýt chuyện con cái học hành. Tuyệt nhiên quên mất cái lưng đau của vợ. Bỗng một hôm giữa chừng câu chuyện Thụ buột miệng than “Hôm nay tự nhiên đau lưng quá. Giá mà ở nhà nhờ vợ đấm bóp cho đỡ mỏi”. Vy định đùa tếu táo nhưng bỗng nhiên nghĩ đến lưng chồng nên thôi. Lại thêm một cái lưng cất lên tiếng kêu than. Phải có người nào đó lắng nghe tiếng kêu của nó. Nên Vy nói với chồng “anh ngủ sớm cho cái lưng được nghỉ”. Hôm Thụ đi công tác về có xách theo lỉnh kỉnh quà cáp. Vy mở trong lớp túi nylon thấy những chiếc lá xương rồng hình tai thỏ. Thụ bảo “nghe nói loại xương rồng này chữa đau lưng rất tốt nên anh kiếm nó cho em. Chỉ cần mang ngâm giấm, nướng lên rồi chườm vào lưng khoảng một tuần là sẽ dứt cơn đau. Em thử làm xem sao. Biết đâu lại gặp thầy gặp thuốc”. Lá xương rồng xanh quá. Vy chạm tay nhè nhẹ vào những chiếc gai. Lâu lắm rồi mới thấy lòng dịu dàng đến vậy…
Vũ Thị Huyền Trang
Vy nghĩ đến mẹ. Mẹ đã phải chịu những cơn đau cột sống, đau vai gáy gần chục năm nay. Mẹ cũng đã từng than tối ngày “xương khớp gì tựa như đi mượn”. Lúc trẻ mẹ trèo bẻ củi khế nấu cơm chẳng may bị ngã. Mẹ bị gãy tay và một khớp xương sống chùn xuống kéo theo những cơn đau dai dẳng lúc về già. Nhưng ngày ấy mẹ không chụp X-quang nên không biết. Phần vì không có tiền, phần vì lúc ấy mẹ còn trẻ nên coi thường. Cứ tưởng bó bột xong cái tay là cú “hóc xương gà sa cành khế” chỉ còn lại trong ký ức. Ai ngờ đến tuổi xế chiều lưng bỗng dở chứng đau. Đốt xương sống bị xẹp khiến mạch máu không lưu thông. Kéo theo những cơn đau vai gáy và lan đến tận đỉnh đầu gây choáng váng. Nhiều khi mẹ phải nằm liệt giường cả tuần trời. Mẹ chẳng thiết tha gì, chỉ húp vài thìa cháo loãng. Hỏi mẹ có thèm ăn gì không? Mẹ cười bảo “chỉ thèm một cái lưng khỏe mạnh”.
Mẹ nằm trên giường và nhớ đến cái lưng của mình những ngày còn trẻ. Lưng tất bật phơi những mẹt chuối ngoài sân, bầy ong từ đâu bay vào tìm mật. Lưng trải dài trên sân thóc mùa thu hoạch, nhặm nhượi rạ rơm oằn cả ngày nắng gắt. Lưng cúi xuống thổi bếp nấu cơm trong những ngày mưa dầm dề củi ướt. Lưng quanh quẩn trong nhà khâu áo cho chồng, nấu kẹo cho con, hôn con mèo già lười biếng. Lưng ngấp nghé ngoài hàng rào hái rau mồng tơi, trồng vài bụi nghệ vàng làm thuốc, ít cây sả đuổi rắn muỗi khỏi vườn. Lưng ở ngoài đồng, lưng vội vã chợ chiều, lưng thảnh thơi hiên nhà, lưng thong dong chạy chơi cùng các cháu. Giờ thì cái lưng nằm co quắp một chỗ, khẽ động đậy nhẹ thôi cũng đau nhức khôn cùng. Nó làm mình làm mẩy hai bàn tay đấm bóp, đôi chân đi lại khẽ khàng và cái đầu máu không lưu thông gây choáng váng. Nó rền rĩ trách móc thân chủ của mình đã bỏ bê nó quá lâu. Đã mang vác bao nhiêu sức nặng lên nó. Đã hờ hững khi nó có dấu hiệu bị tổn thương. Đã phó mặc nó cho những cái tặc lưỡi: Chắc đêm qua nằm ngủ sai tư thế, đau nhức tí có hề gì. Ôi dào, giở giời ấy mà vài hôm lại hết. Vài lần tặc lưỡi như thế thì tuổi già ập đến. Cái lưng không gồng gánh nổi sức nặng nữa đành gục xuống như tráng sĩ bại trận.
- Giờ mà quay lại được thời gian mẹ sẽ đối xử với cái lưng của mình tử tế hơn.- Như con bây giờ muốn tử tế với lưng mình cũng đâu có được.
- Ờ thì… lưng của đàn bà là để gánh gồng.
Bố Vy hay rượu. Cứ mỗi lần say chửi bới chán, bố lại lăn ra ngủ. Ngủ từ sáng đến tối. Từ ngày này sang ngày khác. Mở mắt ra bố lại đi tìm rượu, mặc ruộng ngoài đồng cạn khô chưa ai tát nước, mặc đám mạ đã lên cao chưa ai cày bừa để cấy, mặc ruộng lúa vừa gặt xong mẹ phải còng lưng gánh một mình. Nếu mẹ tử tế với lưng mình thì ai sẽ gánh gồng thay mẹ khi các con đều còn quá nhỏ. Nếu mẹ thương lưng mình có lẽ anh em Vy đã không được ăn no, mặc ấm, được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Lúc cúi xuống bê thúng lạc, mẹ không đứng lên nổi vì đau. Lúc cúi xuống vác cây chuối trên vai mẹ nghe tiếng lưng mình kêu “khậc”. Vy nghĩ đốt xương sống bị xẹp của mẹ chưa chắc đã do ngã cây khế năm nào. Biết đâu vì những xô vữa xách xây nhà. Vì một lần nào đó vác từng bó củi to từ rừng xuống bếp. Vì ngày anh trai Vy đau bụng dữ dội giữa đêm khuya, nhà không có xe, mẹ phải cõng đứa con trai mười sáu tuổi trên lưng tất tưởi chạy đến trạm xá. Cũng có khi vào đúng hôm bão to, nhà bếp đổ. Mưa trút xuống những bao thóc vừa mới phơi khô buộc kỹ. Bố say rượu lay mãi không dậy, mấy mẹ con chạy thóc trong mưa. Anh em Vy mỗi đứa một đầu bao khiêng ì ạch. Mẹ cứ bặm môi mà vác hết bao này đến bao khác chạy đua với cơn mưa xối xả. Tiếng của lưng có thể đã lẫn vào tiếng mưa, tiếng thở hổn hển, tiếng than “Đời cực quá. Có chồng mà cũng như không”.
Lúc mới sinh con, Vy không được nghỉ ngơi. Nằm ở nhà chồng, người ra người vào, thằng nhỏ giật mình tỉnh giấc quấy khóc liên miên. Vy vừa đặt lưng đã phải ngồi dậy dỗ dành, thay tã lót cho con. Chồng đi làm xa, đêm chỉ có một mình trông con mà thằng nhỏ cứ đòi bế rong mới ngủ. Chưa đầy một tháng Vy đã làm đủ mọi việc trong nhà. Bệnh dạ dày tái phát vì bữa nào cũng chan canh nuốt vội khi đứa con quấy khóc không một ai à ơi bế giúp, kể cả mẹ chồng. Lưng bắt đầu có dấu hiệu đau mỏi mỗi khi ngồi lâu. Tai ù đi còn mắt thì mờ nhức. Cũng có than vài lần nhưng chồng không nghe thấy. Hoặc có nghe thấy cũng như gió thoảng qua. Hoặc cười như nhạo báng “làm như mỗi mình em biết đẻ”. Tiếng của lưng thường bị thờ ơ như thế.
Thụ luồn những ngón tay vào mái tóc Vy. Đấy là hành động âu yếm hiếm hoi. Vy nghĩ đây chính là lúc nên nói với chồng về cơn đau từ cổ gáy lan ra hai vai và xuống tận các đốt ngón tay. Những cơn đau âm ỉ ăn mòn từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời Vy. Có đôi khi Vy thấy như có cả nghìn con kiến đang bò lan trong cơ thể rồi thi nhau cắn. Nhưng Vy chưa kịp nói gì thì Thụ đã ngủ ngon lành. Đàn kiến đang dừng lại ở vai, hình như chúng đang nghe ngóng khi thấy tiếng thở dài của Vy hơi mạnh. Vài con kiến bắt đầu mon men bò tiếp đến khuỷu tay, đến cổ tay. Rồi chúng quay đầu lên cổ chạy mải miết dọc thắt lưng. Đêm trở lạnh, bệnh viêm amidan tái phát khiến Vy ho từng hồi bung họng. Mỗi lần ho, lưng càng đau nhức. Thụ cựa mình, bỏ những ngón tay ra khỏi tóc Vy rồi quay mặt vào tường. Đàn kiến đang gặm nhấm sống lưng Vy.
- Hình như em bị thoát vị đĩa đệm rồi.
- Em thì chỉ có mỗi cái bệnh hay tưởng tượng. Mấy tuổi ranh mà thoát vị đĩa đệm gì chứ.
- Bệnh tật đâu có chừa tuổi tác. Mà em thì cũng gần bốn mươi rồi. Trẻ trung gì nữa.
- Ờ thì… đi khám đi. Ở nhà kêu than đâu giải quyết việc gì.
Vy sợ bệnh viện. Sợ theo kiểu có bệnh cũng không muốn khám. Bác sĩ đẹp trai cỡ mấy cũng không át nổi nỗi sợ hãi trong Vy. Nhưng cái lưng đã kéo Vy đi bằng những cơn đau âm ỉ và dai dẳng. Bác sĩ nói tỉnh bơ “khối người phải sống chung với cơn đau thoát vị đĩa đệm cả đời vì cũng sợ dao kéo không chịu phẫu thuật như chị vậy”. Đứa bạn thân bảo “đi châm cứu xem sao”. Vy nằm sấp cảm nhận được từng mũi kim châm lạnh buốt đang xuyên vào thịt da mình. Được vài buổi thì Vy không đi nữa mà quay về với góc bếp nhỏ sắc những ấm thuốc nam. Ngày ba bữa có thêm một cốc thuốc nhâm nhi. Đắng lạ. Thụ ái ngại “uống nhiều thuốc vậy còn bụng đâu mà ăn cơm nữa”.
Thụ đi công tác xa nửa tháng, thời gian đầu chỉ gọi điện về nhà hỏi thăm qua quýt chuyện con cái học hành. Tuyệt nhiên quên mất cái lưng đau của vợ. Bỗng một hôm giữa chừng câu chuyện Thụ buột miệng than “Hôm nay tự nhiên đau lưng quá. Giá mà ở nhà nhờ vợ đấm bóp cho đỡ mỏi”. Vy định đùa tếu táo nhưng bỗng nhiên nghĩ đến lưng chồng nên thôi. Lại thêm một cái lưng cất lên tiếng kêu than. Phải có người nào đó lắng nghe tiếng kêu của nó. Nên Vy nói với chồng “anh ngủ sớm cho cái lưng được nghỉ”. Hôm Thụ đi công tác về có xách theo lỉnh kỉnh quà cáp. Vy mở trong lớp túi nylon thấy những chiếc lá xương rồng hình tai thỏ. Thụ bảo “nghe nói loại xương rồng này chữa đau lưng rất tốt nên anh kiếm nó cho em. Chỉ cần mang ngâm giấm, nướng lên rồi chườm vào lưng khoảng một tuần là sẽ dứt cơn đau. Em thử làm xem sao. Biết đâu lại gặp thầy gặp thuốc”. Lá xương rồng xanh quá. Vy chạm tay nhè nhẹ vào những chiếc gai. Lâu lắm rồi mới thấy lòng dịu dàng đến vậy…
Vũ Thị Huyền Trang
No comments:
Post a Comment