Xóm chợ xôn xao: Miên có bầu.
Một người đàn bà có bầu thì đã sao? Ngày nào ở bệnh viện sản nhi mà không có hàng trăm đứa trẻ chào đời oe oe khóc.
Xứ đất chật người đông, đi đâu cũng thấy người vướng vào người trong mắt thì một người đàn bà cấn thai đáng ra chẳng có gì phải ồn ào.
Nhưng Miên có bầu, đáng xôn xao đấy. Miên không chồng, lại “kiếm con” đã mấy năm...
Lúc cái que thử thai hiện lên hai vạch, Miên thấy mình như biến thành người khác. Miên nhủ mình bước thật chậm, mặc đầm thật rộng, gặp ai cũng hỏi ăn gì thì bổ cho con. Bà Năm chủ nhà trọ tròn mắt lên, gương mặt giãn ra khi thấy Miên báo tin, bà dặn ngay chỉ được kể với một mình bà thôi, người ta kiêng, khi nào cái thai trên ba tháng rồi có kể cho ai thì kể.
Thế mà nửa buổi đi sang chợ, bà Năm tíu tít khoe với cô bán hàng sơ sinh, còn dặn hôm nào Miên nó mua đồ thì lấy lời chút chút thôi, mẹ con nó tội lắm. Qua hàng cá, lúc chờ chị bán hàng cắt mang moi ruột, bà Năm lại buột miệng:
- Này, có nhớ Miên không? Miên đi kiếm con suốt mấy năm, dính rồi, dính rồi, mừng cho nó!
Vậy là cả xóm chợ biết hết.
Dãy nhà trọ Miên ở nằm đối diện với khu chợ công nhân, hẻm nhỏ, mái tôn, cầu thang sắt. Một cái sân giếng chung cả xóm dùng tắm giặt, ban ngày yên ắng lắm nhưng từ năm giờ chiều trở đi đầy ắp âm thanh. Tiếng dội nước tắm ào ào, tiếng vò đập áo quần, tiếng dép lê lẹp bẹp của công nhân đi làm ca về, tiếng này tiếng kia tiếp nối cho tới sáng. Đêm đêm trong những căn phòng chật hẹp, họ vỗ về sức lực bằng những giấc ngủ chập chờn. Ngày xóm trọ mới xây lên, dân tứ xứ đến hỏi thuê đông lắm. Sau phức tạp quá, bà Năm chỉ nhận đàn bà con gái hay những hộ gia đình. Cổng nẻo xây chắc chắn, mỗi phòng có chìa khóa riêng, đến mùa nắng nóng các phòng đều mở toang cửa ngủ. Phòng nào phòng nấy bốn năm lá phổi chen chúc thở. Chỉ có Miên là ở một mình.
Những ngày mẹ của Miên còn ở xóm này, ngày nào mà mẹ chẳng sang nhà bà Năm kể lể. Chuyện ông bảo vệ trong công ty góa vợ dạo này hay đong đưa hỏi han cơm nước. Chuyện ông chồng già ốm đau quặt quẹo đánh chửi vợ con suốt bao nhiêu năm. Rồi chuyện gần ba chục tuổi đầu Miên chưa bao giờ biết thế nào là cái tết, cùng cực quá mẹ con Miên phải sống tha hương... Rồi mẹ chuyển đi, rổ rá không lành thương nhau cạp lại, mẹ đi vun vén với người ta.
Không ai thấy Miên than thở bao giờ. Mỗi đầu tháng lãnh lương lại thấy Miên ra bưu điện, lỉnh kỉnh hộp trà bí đao, sữa bột, mấy gói ngũ cốc, thuốc thang đóng hộp gửi về quê. Hơn chục năm cho thuê nhà trọ, bà Năm gặp bao nhiêu cảnh đời, những người cùng cực hay đổ lỗi cho số phận, số phận không biết biện minh. Miên không đổ lỗi cho số phận, không bao giờ trách cứ ai. Trong mọi thứ kém may của đời mình, Miên chỉ thấy một mình Miên có lỗi. Miên không cần ai an ủi, cũng bỏ ngoài tai lời chị em trong xóm trọ khuyên răn cố kiếm một tấm chồng khi biết Miên có ý định làm mẹ đơn thân.
Đàn bà trong xóm đề phòng Miên, luôn hấm hứ dò xét các ông chồng. Miên biến mình thành cái gai trong mắt họ. Những tay đàn ông trong xóm, nếu đi làm ca về trước vợ thế nào cũng nhấm nháy cửa phòng Miên, nhưng Miên từ chối. Miên đi sắm chăn nệm chuẩn bị hành trình kiếm con, phần lớn đàn ông đến với Miên khi đã ngả nghiêng, hơi men xộc vào tận óc. Không âu yếm, không hôn lên tóc, họ vội vã lần tìm kết cục và chạy trốn vội vàng sau giấc ngủ hồi sinh.
Không ai qua được mắt bà Năm.
Thi thoảng nghe tiếng Miên lách tách chùm chìa khóa cổng ban đêm, bà Năm trở mình nghĩ thương thân con bé.
Miên có bầu. Trong bữa cơm của những gia đình nhỏ, người vợ mát mẻ chồng liệu có phải cha đứa nhỏ, có đủ tiền đưa vợ bé đi sinh. Xóm trọ chia làm hai phe. Phe những người đàn bà xù lông bảo vệ cha của con mình thường phả ra những lời cay nghiệt, và phe của gái chưa chồng. Gái chưa chồng khu công nghiệp dệt may, đàn ông thành của hiếm, kiếm được tấm chồng cho bõ công tô điểm má hồng môi son đâu có dễ. Tấm chồng mà bết bát, họ thà ở không. Trước kia, ngày chủ nhật hay lễ tết, họ thường tụ tập ở phòng Miên, người đi mua bia, người làm đồ nhậu. Ai cấm phụ nữ say đâu. Họ nương tựa vào nhau những ngày cạn lương cuối tháng, khi ốm đau cần người trông nom phải đi viện hay cụm vào nhau khi bị đòn ghen.
Đàn bà ra đường, chỉ liếc qua là có thể nhận rõ đang ở giai đoạn nào của cuộc đời: thuở sắc son, mới sinh, hay đã hai ba đứa con, lên chức bà nội bà ngoại hay dịp hồi xuân. Đàn ông thì chỉ cần tháo cái nhẫn cưới ra, dúi vào chỗ nào đấy khi vừa kịp tách ra khỏi vợ là trở thành “trai tân”. Những “trai tân” ấy nhiều lần khiến chị em bị đòn oan, dù ra sức thanh minh đủ thứ...
Gái chưa chồng trong xóm tổ chức hẳn một cuộc họp, quyết định từ nay không nhậu, không thức khuya, không suy nghĩ lung tung. Họ trở thành những người mẹ đỡ đầu của đứa bé trong bụng Miên, có phân ngôi cao thấp hẳn hòi. Quanh một đứa trẻ đang tượng hình có bao nhiêu mẹ vệ tinh. Họ quả quyết:
- Đứa trẻ là của riêng chúng mình, thằng cha nào xớ rớ đòi làm bố thì guốc dép lúc nào cũng đầy trên kệ.
Miên chỉ cười khi nghe các bà mẹ trẻ vạch ra bao nhiêu kế hoạch. Khi các chị về rồi, đóng cửa cài then day mình trên gối, Miên thiếp đi mê mệt sau những ý nghĩ dắt díu hết con đường này đến con đường khác, hết cận cảnh viễn cảnh tương lai.
Dạo này Miên hay thức dậy giữa đêm, cổ họng khát khô tìm nước uống. Miên cũng thèm được nằm yên một chỗ, vỗ vỗ vai người đàn ông của đời mình nũng nịu nhờ lấy nước. Cũng nhiều đêm, chuột rút cứng hai bắp chân, Miên nhăn nhó tìm dầu nóng, giá có ai xoa nắn chỗ chuột rút cho một chút, thì đỡ biết bao nhiêu.
Bao nhiêu lần dỗ giấc nửa đêm, rồi bụng cũng lùm lùm.
Chiều mùa mưa miền Nam, nước trút xối xả từ mái tôn xuống lối đi trước cửa, lúc Miên đang lúi húi nấu cơm thì gã đàn ông nhỏ thó lưng đeo ba lô ghé sát mặt vào cửa sổ. Hắn cất tiếng gọi nhỏ:
- Miên, mở cửa cho anh!
Miên bất giác giật mình, bát trứng trên tay rơi xuống, vỡ tan. Hai tay Miên ôm lấy bụng, bối rối mất mấy giây, cô lạnh lùng:
- Tui không có quen anh.
Hắn gỡ cái mũ lưỡi trai, bàn tay nhem nhuốc sơn vỗ vỗ lên ngực:
- Anh Cần đây mà, em đừng giấu anh, anh biết anh là cha đứa nhỏ. Mở cửa cho anh.
Tai Miên ù đi, đầu óc đặc quánh, bất giác cô hét lên:
- Năm ơi! Giang ơi!
Bà Năm có mặt ngay lập tức, nhìn qua một lượt là bà hiểu hết. Năm hất hàm hỏi:
- Xớ rớ gì ở đây?
Gã kia ấp úng như vừa nuốt mất lưỡi. Bà Năm nheo mắt dòm dòm, rồi bồi tiếp:
- Công nhân sơn à? Công ty ở đằng kia phải hôn? Tau nhờ người tìm ra vợ con bây thì không có đường lui đâu đó.
Giang cùng mấy chị em nữa cũng vừa tới trước cửa. Cả đám đàn bà con gái mồm năm miệng bảy, vừa nói vừa tiến sát “uy hiếp” người lạ mặt. Trước mắt gã bây giờ là những con gà mái mẹ xù lông. Hắn vẫn thi gan, nhìn chằm chằm vào đôi mắt Miên lúc này đang mở to đầy nước. Hai tay vẫn ôm lấy bụng, Miên rành rọt từng chữ:
- Đừng bao giờ đến tìm tôi, nó không phải con anh.
Gã quay lưng, lầm lũi đi ra phía cổng, mưa vẫn đổ xuống mái tôn như trút. Từng dòng nước bạc kéo nhau xô xuống, hất vào tấm lưng gầy. Hàng ngàn hạt nước li ti vẩn vào không khí, cả căn phòng bé nhỏ trở nên ngột ngạt. Năm đưa mắt bảo Giang ở lại, nói bằng mắt với đám con gái bảo ai nấy về phòng. Miên loạng choạng ngồi bệt xuống, cái bụng gồ lên trước ngực, Miên dựa sát vào tường.
Giang hỏi: Thằng đó phải cha đứa nhỏ không?
Miên gật. Giang ôm lấy vai Miên mà lắc:
- Sao mày lại đuổi nó đi? Nuôi một đứa trẻ không dễ đâu, mình đói rách thế nào cũng xong thôi, con mình thì khác. Lại còn khi đau ốm, đàn bà sắm tròn vai của mình đã mệt, đèo bòng làm gì cả sức vóc đàn ông.
Miên có ích kỷ quá không, khi muốn con là của mình trọn vẹn? Rốt cục, với người đàn bà, chỉ có đứa con là người duy nhất họ có thể yêu thương, thứ tha nhường nhịn vô điều kiện. Hắn có phải là người cha tốt không, khi trốn vợ con đến với Miên giữa cơn say ngật ngưỡng? Mảnh chăn hạnh phúc vốn đã mỏng, co kéo làm gì với người đời. Miên cười:
- Chẳng phải con em có bao nhiêu là mẹ đấy thôi.
Giang đứng dậy thu gom mảnh bát vỡ, ái ngại nhìn Miên rồi gom lau đám trứng vung vãi trên nền đất ẩm. Giang đi ra cửa rồi ngoái lại dặn:
Hoàng Hiền
No comments:
Post a Comment