Sàigòn những ngày tháng 4, 1975 không khí thật là ngột ngạt căng thẳng. Chiến sự đã lan dần đến cửa ngõ Sàigòn. Kể từ sau cuộc di tản chiến thuật khỏi Pleiku vào giữa tháng Ba đầy hỗn loạn đả dẫn đến những cuộc bỏ ngỏ hàng loạt những tỉnh miền Trung dọn đường cho VC tiến quân xuống phía Nam, hướng về Saigon. Cùng với cuộc di tản Pleiku, dân chúng cũng hoảng loạn chạy theo hướng di tản của các đơn vị QLVNCH.
Từ tháng 3, dân chúng khắp nơi từ miền Trung trong đó có cả các nhân viên cảnh sát đã ồ ạt kéo về Sàigòn đã làm cho tình hình thủ đô càng thêm bất an. Những tin đồn rằng, đã có một giải pháp chính trị cho Miền Nam đã được xếp đặt trước từ những cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Ðức Thọ nay đang được thi hành. Lãnh thổ VNCH theo cuộc mật đàm chỉ từ nam vĩ tuyến 12, khoảng từ Long Khánh xuống phía Nam, còn phần phía Bắc thuộc MTDTGPMN, dù VNCH không chịu nhưng nay cũng đành phải chấp nhận. Tuy đó chỉ là tin đồn nhưng vẫn được nhiều người tin và rỉ tai nhau nên đã làm cho nhiều người trốn chạy từ miền Trung về Sàigòn, đi về phần đất của VNCH. Nhiều người đã tìm cách đi ra nước ngoài để trốn chạy hiểm họa cộng sản đang đến gần. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn đã có kế hoạch di tản không chỉ cho những nhân viên người Mỹ mà còn cả cho những gia đình nhân viên người Việt làm việc cho họ. Ngay từ tháng Ba, đã có nhiều chuyến bay âm thầm mang số nhân viên sở Mỹ rời khỏi Việt Nam. Chị tôi đang làm thư ký cho tòa đại sứ Mỹ đã lập danh sách tất cả các anh chị em trong đó có cả gia đình tôi và gia đình bên chồng chị nộp cho giới chức thẩm quyền của tòa đại sứ cứu xét. Tuy nhiên vì tình hình diễn tiến quá nhanh và có thể vì không đủ ngân sách nên cuối cùng người Mỹ chỉ chấp thuận cho vợ chồng cùng con cái và tứ thân phụ mẫu của người nhân viên sứ quán được phép ra đi mà thôi. Vì thế gia đình tôi và các chị em khác đành bùi ngùi ở lại đi tiễn gia đình chị tôi ra đi vào chiều ngày Chủ Nhật, 27 tháng 4, 1975. Nơi chia tay gia đình chị tôi là một tòa nhà của MACV nằm trên đường Trương Quốc Dung, Phú Nhuận, nơi được dùng làm địa điểm tập trung các nhân viên sở Mỹ di tản. Ðây có lẽ là chuyến bay chót còn ra đi bằng máy bay phản lực C-5A Galaxy từ phi trường Tân Sơn Nhất vì sau đó phi trường bị pháo kích nên các chuyến bay khác từ đây đã bị hủy bỏ.
Trong lúc các nhân viên sở Mỹ di tản thì tại các công sở người Việt, con số người đi làm mỗi ngày cũng vắng hẳn đi, số còn lại cũng chẳng thể yên tâm làm việc. Ngoài ra còn có tin đồn về một chiếc tàu do dòng họ Lee bên Ðại Hàn vốn là hậu duệ thuộc dòng dõi của Hoàng tử Lý Long Tường đời nhà Lý phiêu bạt sang Ðại Hàn gần một ngàn năm trước, đang có mặt tại Sàigòn. Chiếc tàu Ðại Hàn này được phái sang Việt Nam để tìm cách di tản cứu những người Việt thuộc dòng dõi con cháu nhà Lý đem về Ðại Hàn lánh nạn cộng sản. Ðược biết, Hoàng tử Lý Long Tường là vị hoàng tử duy nhất của nhà Lý sống sót sau khi nhà Lý bị Trần Thủ Ðộ âm mưu soán ngôi đã phải trốn chạy sang Ðại Hàn định cư từ thế kỷ thứ 12.
Trước những tin tức dồn dập như vậy, số người đổ về Sàigòn mỗi ngày mỗi đông. Tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, hàng ngày có cả trăm nhân viên từ miền Trung di tản về Sàigòn trình diện. Một ban tiếp nhận trực thuộc Khối Nhân Viên đã được gấp rút thành lập để giải quyết tình trạng thặng số nhân viên này. Hầu hết các nhân viên này sau đó đã được phân bổ về các bộ chỉ huy tỉnh vùng IV theo nguyện vọng của họ, hoặc theo sự tái phối trí của Bộ Tư Lệnh.
Tình hình mỗi ngày mỗi căng thẳng. Ngày 8 tháng 4, 1975, một chiếc máy bay A-37 của KQVN bất thần bay đến giội bom Dinh Ðộc Lập tuy không gây thiệt hại gì đáng kể nhưng đã làm cho mọi người thêm hoang mang. Lúc đầu mọi người tưởng rằng có đảo chánh vì trước đó đã có nhiều tin đồn về việc này, nhưng sau được biết đó là chiếc phi cơ của KQVN do tên phi công phản loạn nằm vùng Nguyễn Thành Trung xuất kích từ Biên Hòa bay về bỏ bom Dinh Ðộc Lập, nhưng có lẽ do vội vã nên mấy quả bom thả xuống đã không trúng mục tiêu, hoặc không nổ, chỉ có một quả sớt qua dinh. Ðể trấn an, Bộ Tư Lệnh CSQG sau đó đã ra thông tư giải thích đây chỉ là hành động phản nghịch, bất mãn đơn thuần của một cá nhân riêng lẻ trong quân đội, và kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh sát cánh cùng toàn quân, toàn dân và đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu trước hiểm họa xâm lăng của cộng sản.
Chiều 20 tháng 4, không khí Sàigòn càng thêm căng thẳng sau khi có những tin tức không mấy tốt lành cho sự tồn tại của VNCH về việc Long Khánh đã thất thủ sau hơn mười ngày cầm cự tại mặt trận Xuân Lộc. Tại mặt trận này, Sư Ðoàn 18 Bộ Binh dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Ðảo đã đánh một trận cuối cùng oanh liệt từ ngày 9 đến ngày 20 tháng 4 gây tổn thất nặng nề cho địch trước khi rút lui về Sàigòn. Sau khi mặt trận Xuân Lộc tan vỡ, hầu như chiến trường không còn một trận đánh lớn nào.
Tiếp theo tin Long Khánh thất thủ, trước những áp lực từ nhiều phía, tối ngày 21 tháng 4, 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức trong một bài diễn văn đọc trực tiếp trên đài truyền hình, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Biến cố này lại càng gây hoang mang thêm trong dân chúng. Người ta không biết tình hình rồi sẽ diễn tiến ra sao? Sự hoang mang đến không chỉ từ tình hình chiến sự không mấy tốt đẹp, mà còn hoang mang cả trong tình hình chính trị trong nước. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy, nhóm đón gió thành phần thứ ba vẫn còn đang chạy cờ vào ra Dinh Hoa Lan của Tướng Dương Văn Minh với hy vọng được chia chác quyền lực trên ảo tưởng về một giải pháp chính trị sắp đến.
Tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, ngày 22 tháng 4, 1975, trong một buổi họp nhân viên dưới quyền tại Sở Tổng Quản Trị/Khối Nhân Viên, Trung tá H., Chánh sở, đã trấn an mọi người về những tình hình chiến sự đang diễn tiến. Ông nói, mọi việc rồi sẽ ổn thỏa và chiến sự rồi sẽ có giải pháp chấm dứt; nhưng nay, trước hết mọi người cần phải bình tĩnh, không nên hốt hoảng có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn như đã xảy ra ở Ðà Nẵng vào tháng trước. Ông cũng khuyên mọi người không nên tìm đường chạy ra nước ngoài, để đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, chưa kể còn bị kỳ thị vì màu da; hơn nữa rất khó kiếm việc làm vì khác tiếng nói và trình độ. Ông còn nói, “Mọi người chúng ta chỉ là những người dân và cấp thừa hành, không có gì phải lo sợ một mai khi có sự thay đổi chế độ hay chính thể.” Thật đáng tiếc, đây không chỉ là một suy nghĩ sai lầm của Trung tá H. mà có lẽ còn là suy nghĩ của khá nhiều người trước ngày Miền Nam được “giải phóng” bởi những người cộng sản. Phải đợi sau ngày Miền Nam thực sự bị “phỏng giái” mọi người mới nghiệm ra được sự sai lầm của mình thì đã quá muộn.
Sau buổi họp ngày 22 tháng 4, Trung Tá H. nhắc nhở mọi người tiếp tục công việc của mình, đồng thời loan báo sẽ có một buổi họp khác vào 9 giờ sáng hôm sau 23 tháng 4 để có những phân công mới. Ðúng 9 giờ sáng hôm sau, mọi người đã có mặt ngồi đợi trong phòng hội của Sở Tổng Quản Trị để chờ Trung tá H. đến họp nhưng chờ mãi mà không thấy ông đến. Khoảng 9 giờ 30, có chuông điện thoại reo từ văn phòng của Trung tá H., Thiếu úy L., trưởng văn phòng Chánh sở, sau đó đã trả lời điện thoại và cho biết, chính Trung tá H. vừa điện thoại báo cho biết, ông không thể đến họp được vì con đường từ nhà ông ở cư xá Phú Lâm đến Bộ Tư Lệnh đã bị ngăn chận trên đường Hậu Giang dẫn về trung tâm Sàigòn. Do vậy, cuộc họp phải hủy bỏ, tuy nhiên ông nói, mọi người cứ tiếp tục làm việc như thường lệ, ông sẽ tìm cách đến Bộ Tư Lệnh sau. Tin này làm mọi người xôn xao bàn tán. Có thật Trung Tá H. không đến được vì con đường bị ngăn chận đóng chốt không? Với cấp bậc trung tá như ông lại sử dụng công xa cảnh sát, không ai nghĩ ông lại bị ngăn cản không cho đi vào thành phố.
Mấy ngày tiếp theo vẫn vắng mặt Trung Tá H., cũng không ai nghe tin tức gì về ông. Mặc dù số nhân viên đi làm đã vắng đi nhiều, nhưng số còn lại vẫn làm công việc thường nhật một cách đầy trách nhiệm. Lệnh cấm trại 100% tại Bộ Tư Lệnh đã có từ đầu tháng 4 vẫn được mọi người chấp hành nghiêm túc. Hàng đêm, các liên đội ứng chiến của Bộ Tư Lệnh vẫn làm nhiệm vụ ứng trực bảo vệ vành đai an ninh phòng thủ xung quanh Bộ Tư Lệnh và các địa điểm trọng yếu trong thành phố.
Sáng ngày 29 tháng 4, 1975, tôi vào Khối Nhân Viên BTL để gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp để hỏi thăm tình hình và công việc, thấy vẫn còn khá đông nhân viên cảnh sát các cấp có mặt tại các phòng, sở Bộ Tư Lệnh chờ lệnh mặc dù mọi người đều biết rằng tướng tư lệnh và ban tham mưu của ông đã đi ra ngoại quốc từ tuần trước rồi. Tôi và những người đang có mặt tại BTL, tất cả được lệnh, không rõ từ đâu, phải ở lại ứng chiến, không ai được phép ra khỏi cổng Bộ Tư Lệnh. Mọi người vừa làm việc, vừa bàn tán về các tin tức thời sự đang diễn tiến. Lúc đó, từ phía tòa nhà văn phòng làm việc của tư lệnh mọi người thấy có nhiều xe hơi dân sự và cảnh sát đậu ở phía trước. Nghe nói đang có người của Tướng Minh cử đến để tiếp nhận BTL/CSQG. Ngày hôm trước, Quốc Hội đã biểu quyết chấp thuận cho Tổng Thống Trần Văn Hương, người vừa kế nhiệm Tổng Thống Thiệu từ chức một tuần trước đó, trao quyền tổng thống lại cho Ðại Tướng Dương Văn Minh với hy vọng Tướng Minh có thể mang lại một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Thế nhưng hy vọng đó cũng chỉ là vô vọng và quá trễ. Cũng buổi sáng đó, mọi người nhìn thấy một chiếc máy bay cánh quạt bay thấp ngang qua không phận Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát phát ra lời kêu gọi của tân thủ tướng Vũ Văn Mẫu do Tướng Minh vừa chỉ định, yêu cầu người Mỹ rút hết ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, 1975. Ai cũng tự hỏi, liệu đó có phải là cách chấm dứt chiến tranh và Thủ Tướng Mẫu cần phải ra lệnh như vậy hay không? Bởi vì được biết trước đó, đài phát thanh FM của quân đội Mỹ ở VN đã phát thanh bản nhạc “White Christmas” (Giáng Sinh Trắng). Ðang là cuối tháng 4, giữa mùa Hè, vì lý do gì đài phát thanh quân đội Mỹ lại phát thanh một bản nhạc Giáng Sinh như vậy vào lúc này nếu không phải là một ám hiệu cho người Mỹ? Ám hiệu đó là gì nếu không phải là lệnh di tản các kiều dân Mỹ ra khỏi Việt Nam như đang diễn ra. Cho nên lời yêu cầu của thủ tướng Mẫu có lẽ chỉ là cách làm cho người Mỹ khỏi mất mặt khi rút ra khỏi Việt Nam?
Khoảng 7 giờ tối cùng ngày, trong lúc các liên đội ứng chiến của Bộ Tư Lệnh đang chuẩn bị xếp hàng ở sân cờ để được di chuyển đến những vị trí ứng chiến chỉ định thì một trái đạn pháo kích nổ ở gần đâu đó, có thể ở phía sân Ủy Hội Quốc Tế cũ bên cạnh Bộ Tư Lệnh làm cho một số miểng vụn văng bay ra xa rơi xuống các mái nhà xung quanh nghe rào rào. Mọi người vội vàng chạy túa vào khu nhà Khối Tiếp Vận và những mái hiên nhà xung quanh sân cờ để tạm trú, nhưng chỉ một lát sau khi đã yên tĩnh họ lại tiếp tục trở ra sân để lên xe đi đến những địa điểm ứng chiến. Các liên đội ứng chiến như thường lệ đặt bộ chỉ huy tại các trường xung quanh Bộ Tư Lệnh như Pétrus Ký, Nguyễn Bá Tòng, Bác Ái,… Thật là một tinh thần trách nhiệm cao độ của những người chiến sĩ cảnh sát vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.
Suốt trong đêm 29 rạng 30 tháng 4, 1975, liên đội 5 của chúng tôi được bố trí ứng chiến tại Trường Trung Học Bác Ái (của người Hoa) nằm trên đường Nguyễn Trãi gần BTL/CSQG. Trung tá Nguyễn Nhựt Châu (Chánh Sở Chưởng Pháp/KNV), Liên đội trưởng, và tôi cùng cả ban chỉ huy liên đội hầu như ai cũng thức. Tin tức về cuộc di tản đang diễn ra trên nóc tòa đại sứ Mỹ và nhiều địa điểm khác trong thành phố làm cho mọi người đứng ngồi không yên nhưng không biết làm sao vì thành phố đang giới nghiêm. Nghe nói từ sáng đến giờ cả ngàn người đã tràn vào bên trong tòa đại sứ này để leo lên những chiếc trực thăng Mỹ bay ra Ðệ thất hạm đội Mỹ đang đón đợi ngoài Biển Ðông. Trong khi đó, những báo cáo trên những máy truyền tin liên hợp PRC-25 cho biết đặc công VC đã xâm nhập có mặt tại một số nơi ở ngoại ô Sàigòn. Lệnh trên máy truyền tin yêu cầu các nơi cần đề cao cảnh giác với những tên đặc công này vì chúng đang giả trang thành những binh sĩ QLVNCH rã ngũ mang băng đỏ cố ý gây náo loạn ngoài đường phố.
Sáng sớm ngày 30 tháng 4, mặc dù vẫn còn giới nghiêm nhưng đường phố xe cộ đã nhộn nhịp, mọi người như đang hối hả đi tìm nơi an toàn lánh nạn. Một số người đang lắng nghe từ những chiếc radio transitor phát đi phát lại nhật lệnh của Trung Tướng Vĩnh Lộc, tân tổng tham mưu trưởng QLVNCH vừa được chỉ định, kêu gọi quân nhân các cấp giữ vững tay súng và ở yên vị trí sẵn sàng chờ lệnh, không hèn nhát trốn chạy như người tiền nhiệm của ông và nhiều người khác. Thế nhưng chỉ vài giờ sau, Tướng Vĩnh Lộc cũng biến mất và radio lại phát thanh Nhật lệnh của Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người được Tướng Minh cử làm Quyền tổng tham mưu trưởng thay thế Tướng Vĩnh Lộc. (Sau ngày 30/4/75, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã hiện nguyên hình là một tên cách mạng ba mươi, được VC tuyên dương là đã góp phần làm rã ngũ QLVNCH vào giờ thứ 25 của lịch sử). Tin tức dồn dập biến đổi từng giờ. Lệnh cử Tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm Quyền tổng tham mưu trưởng chưa được bao lâu thì vào khoảng 10 giờ hơn có lệnh của Tướng Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân các đơn vị không được nổ súng và chuẩn bị bàn giao cho đối phương. Sau khi nghe lệnh này, Trung Tá Châu nói với tôi và mọi người: “Thôi đi về! Việc bàn giao để mấy ông lớn lo, không phải việc của mình.” Thế rồi, không ai bảo ai, mọi người đều tự động rời bỏ địa điểm ứng chiến trở về Bộ Tư Lệnh. Cùng lúc đó cũng có lệnh từ Tổng Hành Dinh BTL/CSQG kêu gọi các đơn vị ứng chiến tiếp tục ổn định vị trí và cử đại diện trở về Tổng hành dinh nhận lãnh lương khô để tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng chẳng ai quan tâm đến lệnh này và không biết có ai thi hành lệnh này hay không. Khi chiếc xe jeep của chúng tôi về đến cổng Bộ Tư Lệnh, người lính gác trong cảnh phục CSDC vẫn còn đứng trong vọng gác ngơ ngác nhìn chúng tôi mà không hiểu vì sao mọi người trở về BTL cùng một lúc đông như thế. Có lẽ đêm qua anh không nghe radio hay máy truyền tin? Cá nhân tôi cùng một số bạn trong liên đội 5 sau đó đã bịn rịn chia tay nhau sau khi về lại trước sân Khối Nhân Viên. Mọi người bùi ngùi bắt tay nhau mà không biết bao giờ sẽ gặp lại.
Trên đường phố trở về nhà, bầu trời âm u không có nắng tôi đã thấy bọn VC nằm vùng và những tên “cách mạng ba mươi” đeo băng đỏ bắt đầu xuất hiện đây đó lăng xăng đi tới đi lui. Về gần đến nhà ở chung cư Minh Mạng gần Ngã Sáu Sàigòn, Quận 10, tôi thấy có một chiếc xe “pickup” hiệu Daihatsu bên hông có mang một tấm biểu ngữ đỏ có hàng chữ trắng gì đó tôi cũng chẳng buồn đọc, trên xe có một số thanh niên đang bắc loa kêu gọi mọi người chuẩn bị “chào mừng cách mạng thành công”! Khi tôi về đến nhà, vợ tôi vội vã đưa cho tôi một túi xách quần áo đã soạn sẵn nói tôi tạm lánh mặt về nhà chị tôi ở Tân Ðịnh vì ở chung cư đã có khá nhiều bọn nằm vùng xuất hiện mang băng đỏ đi phát truyền đơn trong xóm. Ngay trước nhà tôi, một tấm biểu ngữ đỏ dài chăng ngang đường nối liền hai tòa nhà chung cư viết cái gì trên đó tôi cũng không để ý.
Một giờ sau khi về đến nhà chị tôi ở Tân Ðịnh, khoảng 11 giờ 30 sáng, tôi nghe tin từ radio phát ra lời đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, cùng lúc đó, ngoài đường nhiều tiếng súng AK chát chúa vang lên từng chập, có lẽ bọn cách mạng ba mươi, nằm vùng đang nổ súng để ăn mừng! Vừa nghe tin đó, tôi bỗng dưng ứa nước mắt nhìn chị tôi cũng đang khóc một cách tự nhiên mà không nói được lời nào.
Khoảng 1 giờ trưa, đứa em trai tôi tên Tiến từ ngoài cửa lếch thếch bước vào nhà. Em tôi mới 18 tuổi, mới nhập ngũ được gần hai tháng đang thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Nó nói, hôm nay sau khi có lệnh đầu hàng, các sĩ quan cán bộ đã tập họp các khóa sinh và tuyên bố cho họ được tan hàng về nhà. Tất cả các khóa sinh trong đó có em tôi sau đó đã tự động tìm cách đi về nhà. Bộ đồ thường phục mà em tôi mặc là do một người ở trong cư xá gia binh ở Quang Trung đã cho nó. Từ Quang Trung, nó đã vừa đi bộ vừa quá giang xe để đi về nhà. Trong khi đó, tôi và chị tôi cũng lo lắng cho một đứa em trai nữa đang phục vụ trong Sư Ðoàn 21 BB ở Chương Thiện không biết số phận ra sao, nhưng may mắn hai ngày sau nó đã về được Sài Gòn.
Khoảng 1 giờ 30 chiều, từ cái radio trong nhà từ sáng đến giờ vẫn mở nhưng hầu như chẳng ai buồn nghe từ sau khi có lệnh đầu hàng của ông Minh bỗng có tiếng một người giọng Huế tự nhận là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói đại ý rằng: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động…, tôi xin hát bài Nối vòng tay lớn.” Ngay sau đó, ông nhạc sĩ này đã hát bài hát Nối vòng tay lớn của ông được một số người phụ họa hát theo. Tôi thật buồn và thất vọng với tên nhạc sĩ phản chiến này. Tôi không thể ngờ tên này lại có thể trở cờ thành một tên “cách mạng ba mươi” nhanh đến như thế. Trước đây, nhiều người – nhất là những ai trong ngành an ninh, cảnh sát – đều biết Sơn là một tên nhạc sĩ phản chiến, trốn quân dịch được một số sĩ quan cao cấp của VNCH vì yêu thích văn nghệ và mến mộ tài năng của y nên đã che chở cho y khỏi bị cảnh sát lùng bắt. Vậy mà khi cái chế độ từng nuôi dưỡng, cưu mang y vừa sụp đổ chỉ mới vài giờ, y đã vội vã ngoảnh mặt, quay ra xun xoe nịnh bợ những người chiến thắng!
Tới lúc đó, cả ba chị em cũng chả thiết gì đến ăn uống mà trong nhà cũng chẳng có gì để nấu nướng ngoài cái khạp gạo. Ðến chiều tối, vì nhà chị tôi nằm trong một con hẻm ở cuối đường Pasteur, nơi nổi tiếng có nhiều tiệm phở, nên mấy chị em đã rủ nhau đi ra đó để kiếm cái gì ăn lót bụng vì suốt một ngày chưa ai ăn gì cả. Suốt con đường Pasteur hôm nay không có một tiệm phở nào mở cửa, nhưng cũng may có một nhà bán cháo gà nên ba chị em đã ghé lại ăn. Mặc dù đang đói bụng mà chẳng ai ăn hết nổi tô cháo của mình.
Sáng hôm sau 1 tháng 5, 1975, tôi trở về nhà thăm vợ và con tôi (mới 7 tháng tuổi) một lát rồi vội vã đi ngay vì không biết bọn nằm vùng và “cách mạng ba mươi” sẽ có những hành động gì. Lúc quay trở lại nhà chị tôi, tôi thấy có khoảng một tiểu đội lính bộ đội Bắc Việt đang lố nhố trong sân nhà chị tôi. Bọn bộ đội Bắc Việt đã mượn sân nhà chị tôi và nhiều nhà khác trong xóm làm nơi đóng quân để đề phòng bất trắc trong những ngày đầu mới chiếm đóng. Tôi hơi chột dạ chẳng lẽ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa? Tôi sợ chúng khám phá ra tôi là một sĩ quan cảnh sát cấp bậc đại úy thì thật là nguy hiểm, khó toàn mạng với chúng. Tôi đã nghe có câu ca dao mới, “Lính ngụy bắt được thì tha, Cảnh sát bắt được làm ma không đầu.” Vì vậy tôi phải nói tôi là một nhà giáo đến thăm chị và em tôi một lát rồi vội vã đi ngay. Tôi chạy xe loanh quanh ngoài đường, định ghé nhà mấy người bạn xem ai còn, ai đã ra đi, nhưng cuối cùng tôi lại thôi, quay trở về nhà mình.
Những ngày tiếp theo là những ngày đầy căng thẳng lo âu không biết số phận mình sẽ ra sao với những người vừa chiến thắng. Tôi cũng như các quân cán chính khác đều phải ra trình diện với các ủy ban quân quản ở phường, quận, và thành phố. Mấy ngày sau, tôi gặp V.H.A., một người bạn văn nghệ, người đã có một số sách viết về tình yêu và tuổi trẻ khá ăn khách trong đó có tập truyện đầu tay “Dễ Thương” mà tôi có viết lời giới thiệu. Anh rủ tôi đến Hội Văn Nghệ Sĩ Yêu Nước (hay Giải Phóng?) có trụ sở đặt tại tòa nhà tòa đại sứ Ðại Hàn trên đường Nguyễn Du để ghi danh. Tôi nghĩ, mặc dù thỉnh thoảng cũng có thơ văn in trên báo, nhưng tôi chỉ viết lách tài tử, không chuyên nghiệp, chẳng ai biết đến tên tuổi mà lại ghi danh vào hội này trong khi mình lại là một sĩ quan cảnh sát bị liệt vào loại ác ôn thì dễ bị nghi ngờ lắm. Nghĩ vậy nên tôi đã từ chối lời đề nghị của bạn. Sau đó, khoảng vài tuần sau, V.H.A. lại rủ tôi và một người bạn khác, mỗi người góp $100.000 làm vốn chung để mua bán phụ tùng xe đạp trên lề đường Minh Mạng, Quận 10. Lúc đó, sau ngày 30 tháng 4, 1975, xe đạp bỗng trở thành cái mốt thịnh hành thay cho xe gắn máy nên chợ trời phụ tùng xe đạp cũng bắt đầu xuất hiện đầy con đường Minh Mạng. Thế là cả ba chúng tôi bỗng chốc trở thành những tên buôn bán chợ trời rất sớm một cách bất đắc dĩ. Nhưng tôi chưa có dịp trổ tài buôn bán cũng như chưa nhìn thấy được đồng lời lãi nào từ việc bán buôn này thì ngày 25 tháng 6, 1975, đúng như sự lo sợ của vợ tôi, tôi đã bị bọn “cách mạng ba mươi” chỉ điểm dẫn công an đến nhà bắt. Tôi bị buộc tội “trốn trình diện học tập” vì mang cấp bậc đại úy cảnh sát mà giờ này còn ở nhà không đi trình diện học tập. Mặc dù tôi có giải thích, ngày trình diện dành cho cấp đại úy cảnh sát khác với ngày dành cho đại úy quân đội nhưng tôi vẫn bị chúng bắt giải vào giam trong khám Chí Hòa.
Khi được giải vào đến khám Chí Hòa thì tôi đã hiểu rằng, dù bị bắt hay đi trình diện thì cũng một nghĩa như nhau, bởi vì cùng bị bắt giam vào Chí Hòa với tôi còn có hàng trăm quân cán chính khác đủ mọi cấp bậc. Có người bị bắt ở nhà như tôi, cũng có người bị bắt trên đường đi đến địa điểm trình diện. Dù có giải thích thế nào thì mọi người vẫn bị bắt vì đó là chủ trương “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” của những người chiến thắng. Trong số những người bị bắt giam ở Chí Hòa có rất nhiều giới chức cao cấp trong quân đội cũng như cảnh sát và hành chánh của VNCH. Như: về phía cảnh sát có Ðại Tá Ðàm Trung Mộc, cựu Viện Trưởng Học Viện CSQG; Ðại Tá Cao Xuân Hồng, cựu Giám Ðốc Nha CSQG Khu II, Trung Tá Trần Thanh Bền, cựu Tổng Giám Ðốc CSQG, …. Còn bên phía quân đội có Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Ðại Tá Trần Vĩnh Ðắt, Thiếu Tá Ðặng Sĩ (vụ Phật Giáo Huế 1963), Trung Tá Trần Ngọc Thức (vụ vũ nữ Cẩm Nhung),… Về phía dân sự có Bác sĩ Hồ Văn Châm (bộ trưởng Chiêu Hồi… Cựu Chiến Binh), cựu Thủ Tướng BS Phan Huy Quát, ký giả lão thành Nguyễn Tú, tỷ phú Nguyễn Ðình Quát (cựu ứng cử viên Tổng Thống Ðệ Nhất Cộng Hòa),… Và còn nhiều nữa tôi không nhớ hết. Những người này, một số sau đó được chuyển đi các trại khác, có người bị đưa ra miền Bắc như Ðại Tá Ðàm Trung Mộc (sau đó đã chết trong trại tù Hà Sơn Bình năm 1982); nhưng cũng có một số bị giam ở Chí Hòa cho đến khi được trả tự do. Tôi là một trong số những người “may mắn” đó. Trong cái rủi (bị bắt) cũng có cái may là tôi không bị đưa vào rừng, lên núi lao động vinh quang; cho nên, nếu không rủi ro vào giờ thứ 25 như vậy biết tôi có còn sống để viết những hồi ức này hay không?
(Tháng Tư 2018)
Xin hết
No comments:
Post a Comment